TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thử thách và gây sự

Thứ hai - 13/03/2023 00:10 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   681
Câu chuyện của ông Gióp, ông Môisê và người phụ nữ Samaria nói về thử thách và gây sự
Thử thách và gây sự

Thử thách và gây sự


 
 
Thử thách mỗi người đều khác nhau, có thử thách mới có thể vững mạnh. Nhưng khi chịu thử thách quá đáng sẽ không thiếu lời phàn nàn, kêu trách, kể cả chống đối. Dù con người có chống đối, đòi giết Chúa trong thử thách, Chúa vẫn đón nhận để họ kinh nghiệm về lòng yêu thương của Chúa. Câu chuyện của ông Gióp, ông Môisê và người phụ nữ Samaria nói về thử thách và gây sự ấy.
Ông Môisê: Trong thử thách quá sức người ta có thể quay lại chống đối người đưa ra thử thách. Con người vốn chỉ quen hạnh phúc, sung sướng, không dễ quen thử thách đau thương, nhất là thử thách kéo dài hoặc giữa sống và chết. Trong hành trình sa mạc, dân khát nước, hầu như khô họng, mắt đã nổi đom đóm, chỉ còn cái chết mới có thể cho họ khỏi khát. Từ thử thách lớn lao người ta đã đòi giết Môisê: “Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không? "Ông Mô-sê kêu lên cùng Đức Chúa: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con! " (Xh 17, 3 – 4).
Có phải lỗi của Môi sê, và Môisê cũng đã than van với Chúa: “Sao Người lại làm khổ tôi tớ Người? Sao tôi lại không được nghĩa trước mắt Người khi Người đặt trên tôi gánh nặng là tất cả dân này? Phải chăng tôi đã cưu mang tất cả dân này? Phải chăng tôi đã sinh chúng, để Người phải bảo tôi: Hãy bồng lấy nó vào lòng ngươi, như vú nuôi bồng con đỏ, (mà đem) vào đất Ta đã thề hứa cho cha ông chúng? Tôi lấy đâu ra có thịt mà cho tất cả dân này, khi chúng khóc với tôi mà rằng: Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn? Tôi không thể gánh nổi một mình tất cả dân này, vì nó quá nặng cho tôi! Quả nếu Người xử với tôi như vậy, thì thà giết quách tôi đi, nếu tôi đã được nghĩa trước mắt Người xin đừng để tôi phải thấy tôi khổ (thế này) nữa!" (Ds 11, 11 – 15)
Ông Gióp: Trong thử thách khốn cùng, ông nguyền rủa cái ngày ông sinh ra đời, không thể chấp nhận cái ngày chào đời ấy:  “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời,
cũng như đêm đã báo: "Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!" (Giop 3, 3) Con người là như thế, khó chấp nhận cái tai ương, căn bệnh quá nặng nề, chỉ mong cái chết đến mà nó không đến. Những cái chết một lần cho xong kiếp người khi tự tử, quyên sinh. Đau khổ tại sao? Và nhiều lần hỏi như thế, nó là một vấn nạn không thể giải thích, cũng chẳng lời nào để an ủi.

Con người đau khổ vì tội lỗi đè nặng. Đôi khi chỉ nghe những lời kết án, chết đi cho xong! Có ai hiểu đâu căn nguyên tội lỗi ngay từ bào thai, có ai hiểu đâu những vết thương sâu trong tâm lý, trong tinh thần. Nó không phải là căn bệnh ngoài da, nó là tổn thương tinh thần, tổn thương tâm hồn. Nó như cơn thử thách sau cùng ở đỉnh cao của khổ đau cả thể lý, cả tinh thần và tâm hồn, Chúa Giêsu cũng phải kêu lên trên thập giá: “Cha ơi, sao Cha lại bỏ Con!” (Mt 27, 46)
Người phụ nữ Samaria.
Câu chuyện của mỗi người. Chúa muốn đối thoại với từng người chúng ta. Trong Giáo lý toàn cầu nhấn mạnh cho chúng ta về niềm tin: “Tôi tin và chúng tôi tin”. Niềm tin cá nhân là một điều cần thiết trải nghiệm từng người chúng ta. Đau khổ của mỗi cá nhân đều khác nhau. Những chia sẻ cho người này, người kia, dù là người thân thiết nhất cũng chẳng ai có thể hiểu nỗi đau của ta. Nhất là trong những bạo bệnh, tổn thương tinh thần, chẳng ai mang vác giùm ta, riêng ta phải chịu lấy.
Ta ơi, đừng tuyệt vọng! Hãy nói chuyện với Chúa! Hãy thưa chuyện riêng của mình với Chúa! Ta tội lỗi trầm trọng, không ai có thể tha thứ được ư? Hãy nói với Chúa câu chuyện cuộc đời của ta. Chúa biết người phụ nữ Samaria là người có năm đời chồng và người chồng bây giờ đang ở với cô không phải là chồng? (Ga 4, 18). Tội lỗi không thể thứ tha sao? Không! Với Chúa là không! Không có tội nào mà Chúa không tha. Chúa tha hết, vì tội lỗi bị lên án nhưng tội nhân cần lòng xót thương.
Ta là tội nhân, ta hãy nói chuyện cuộc đời mình với Chúa! Cần lắm! Chúa muốn nghe chuyện riêng tâm tình với ta, ngay cả khi ta chẳng dám đến với Chúa, nhưng Chúa đến với ta, như trong truyện của Hosê: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 3, 16). Đừng quên! Chúa muốn nói chuyện tâm tình với ta, chỉ để ta nhận ra lòng thương xót của Chúa.
Ta là người ngoại giáo, là lương dân ư? Không sao, cứ thưa với Chúa là Thượng Đế, là Đấng cao cả, chuyện riêng của ta. Như người phụ nữ gốc Samaria, là dân ngoại, bà nói chuyện với Chúa, bà còn xin Chúa cho bà nước hằng sống. Tình yêu là không phân biệt đối xử, tình yêu là yêu hết, đón nhận hết, tha thứ hết. Chúa muốn nghe tâm tình trong tâm hồn ta. Không phải những câu chuyện vụn vặt, nhảm nhí. Nó là câu chuyện riêng tư, mình ta với Chúa: “Chúa sâu thẳm hơn cự thẳm sâu của con” (Augustino). Chúa muốn nghe từng người chứ không là câu chuyện chung. Mỗi người có những riêng tư không thể thổ lộ cùng ai. Hãy kể cho Chua. Vì từ nay thờ phượng cầu nguyện: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4, 24). Ta thưa chuyện với Chúa không phải là tượng đồng, sắt, đá, xi măng, thạch cao. Chúa là người thật, người chỉ sống 33 năm, chưa đủ chiều dầy sống như ta, chưa có những thử thách phải chịu đựng như ta, Chúa muốn nghe ta kể thêm cho Chúa kinh nghiệm làm người, những khổ đau của ta. Thánh Phaolô viết cho ta: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh “ (Cl 1, 24)
Thử thách và gây chuyện với Chúa, không sao! Hãy nói chuyện với Chúa! Để nghiệm ra một điều tuyệt diệu trong đời: "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31, 3)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây