TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mùa Chay Thánh -Mùa đầy tràn Thánh Thần

Thứ năm - 09/03/2023 19:11 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   906
Chúng ta thường, chỉ nghĩ rằng: Chúa Thánh Thần là tác nhân đổi mới mọi sự, nhưng, chúng ta quên rằng: Chúa Thánh Thần đích thực là động lực thúc đẩy: đổi mới chính sự đổi mới, canh tân cả cái canh tân (Ipsa novitas innovanda est).

MÙA CHAY THÁNH – MÙA ĐẦY TRÀN THÁNH THẦN
(Tĩnh Tâm Hiệp Hành Mùa Chay theo Giáo Triều Roma năm 2023)

tbd 100323b


Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên: phủ Giáo Hoàng, đã chọn “Chúa Thánh Thần” làm chủ đề chính cho Giáo Triều Roma tĩnh tâm Mùa Chay năm nay. Đức Hồng Y nhấn mạnh: vị trí trung tâm của Chúa Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh nói chung, và nhất là, trong Tiến Trình Hiệp Hành, cũng như trong Mùa Chay Thánh này. Thật vậy, chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho đời sống của Hội Thánh, cũng như của mỗi người chúng ta được triển nở và đổi mới không ngừng.

Chúng ta thường, chỉ nghĩ rằng: Chúa Thánh Thần là tác nhân đổi mới mọi sự, nhưng, chúng ta quên rằng: Chúa Thánh Thần đích thực là động lực thúc đẩy: đổi mới chính sự đổi mới, canh tân cả cái canh tân (Ipsa novitas innovanda est). Chính vì sự quên lãng này, mà bao nhiêu Mùa Chay Thánh đã trôi qua, bao nhiêu lần thường huấn, tĩnh tâm với biết bao sốt mến và nhiệt thành đổi mới, nhưng rồi, chúng ta vẫn đâu vào đấy: đời sống thiêng liêng của chúng ta không tiến thêm được chút nào, thậm chí, có khi bị lùi lại là khác. Thật vậy, canh tân và đổi mới luôn đặt chúng ta ở ngã ba đường, với hai lối rẽ: (1) rẽ về Thiên Chúa: con đường sự thật và sự sống; (2) rẽ theo Satan: con đường dối trá và chết chóc.

Ngay chính lúc Satan phải làm việc cực lực nhất, quyết liệt nhất, thì lại là lúc, chúng ta bị ru ngủ bởi những thành quả do cuộc canh tân và đổi mới mang lại. Đức Kitô chỉ dâng hiến lễ một lần,vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo (x. Cv 10, 14), còn nguyên tắc hoạt động của Chúa Thánh Thần thì không phải thế: Người chỉ tác động khi có tình huống phát sinh, chứ Người không làm: một lần cho tất cả, hoặc một lần cho mãi mãi. Do đó, mỗi cá nhân, cũng như toàn thể Hội Thánh, phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn từng bước một: trong những quyết định quan trọng, cũng như trong những điều bé nhỏ, nhất là, những điều chúng ta nghĩ là tốt. Chẳng hạn, khi thánh Phaolô và thánh Timôthê muốn đi rao giảng Tin Mừng ở Asia, đây là một điều tốt, nhưng, Chúa Thánh Thần đã ngăn cản (x. Cv 16, 6). Nếu chúng ta tự thỏa mãn với những gì đã đạt được sau cuộc canh tân và đổi mới, rồi không làm gì nữa, thì chúng ta đã tự mình xây bờ, đắp lũy giam hãm nguồn suối Thánh Thần trong những ao tù nước đọng: gây hôi thối và ô nhiễm.

Ước gì trong Tiến Trình Hiệp Hành và trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta biết khoét rỗng chính mình, để ơn Chúa Thánh Thần được tuôn đổ tràn trề, chan chứa trong tâm hồn chúng ta, hầu, chúng ta có thể phân định đâu là điều mà Chúa Thánh Thần muốn chúng ta thực hiện trong Tiến Trình Hiệp Hành và trong Mùa Chay Thánh này. Chúng ta chỉ có thể được đầy tràn Thánh Thần, khi chúng ta thừa nhận quyền tối thượng của Chúa Thánh Thần trên đời sống chúng ta (x. 1Cr 3, 16;6,19). Để Tiến Trình Hiệp Hành và Hành Trình Mùa Chay của chúng ta thu lượm được những hoa trái tốt đẹp, như lòng Chúa ước mong, chúng ta phải không ngừng sát tế ý riêng của mình để vâng theo ý Chúa (x. Mt 26, 39). Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu: Tại sao “phải đầy tràn Thánh Thần”? Đâu là điều kiện để được đầy tràn Thánh Thần? Tại sao chỉ có những con người đầy tràn Thánh Thần mới có thể biến đổi gia đình, Hội Thánh, và thế giới trở nên tốt đẹp như Chúa muốn?

1. “Phải đầy tràn Thánh Thần” là một mệnh lệnh
“Phải đầy tràn Thánh Thần” là một mệnh lệnh dành cho tất cả mọi người (x. Ep 5, 18). Mệnh lệnh này cho chúng ta thấy rằng: đây là điều kiện tiên quyết cho Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành mà chúng ta đang thực hiện. Khi Thánh Kinh dùng từ “phải”, từ “hãy”, thì đó là những mệnh lệnh không thể chối bỏ được. Tại sao Chúa lại muốn chúng ta “phải đầy tràn Thánh Thần”? Thưa vì, Chúa muốn chúng ta thuộc về Chúa, để chúng ta có được kinh nghiệm về sức mạnh, quyền năng và tình yêu của Chúa trong đời sống của Hội Thánh, cũng như của mỗi cá nhân.

“Phải đầy tràn Thánh Thần” để chúng ta được tái sinh và được ấn chứng là con cái Thiên Chúa, và điều này sẽ khiến cho căn nhà cuộc đời của chúng ta đã có Chúa làm chủ, Satan không thể xâm chiếm, và bén mảng tới được.

“Phải đầy tràn Thánh Thần” để chúng ta có năng lực dồi dào, hầu, chiến thắng được mọi cơn cám dỗ, vượt qua mọi thử thách, để phụng sự Thiên Chúa, và phục vụ tha nhân cách tốt đẹp nhất, khi đó, chúng ta sẽ trở thành một bài ca, mà khi, bất kỳ ai gặp gỡ, tiếp xúc với chúng ta, họ cũng đều có thể hát lên, để ngợi ca, chúc tụng Thiên Chúa.

“Phải đầy tràn Thánh Thần” để tội lỗi không còn có chỗ cư ngụ, và Satan không còn có cớ để cáo buộc chúng ta: khiến chúng ta bất an và đau khổ. Khi chúng ta được đầy tràn Thánh Thần, thì mọi thói hư tật xấu của chúng ta sẽ hoàn toàn bị xóa sổ, nhường chỗ cho: quyền tể trị của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta.

2. Điều kiện để được đầy tràn Thánh Thần
Điều kiện trước tiên để được đầy tràn Thánh Thần, lẽ dĩ nhiên, là phải cầu nguyện, bởi vì, Chúa đã hứa: xin thì sẽ được, và những kẻ xấu còn biết cho con cái mình: những của tốt lành, phương chi, Thiên Chúa lại không ban Thánh Thần cho chúng ta sao (x. Lc 11, 9-13). Cũng vậy, thánh Phaolô đã quả quyết: nhờ đức tin, mà chúng ta nhận được lời hứa là Thần Khí (x. Gl 3, 14), và Chúa sẽ ban Thánh Thần cho những ai vâng lời Người (x. Cv 5, 32). Sau hết, chúng ta phải hoán cải, để được ơn tha tội và nhận được ân huệ Thánh Thần, bởi vì, khi lòng dạ chúng ta chứa đầy những mưu mô, độc ác, gian tà, thì Chúa sẽ chẳng thể nghe tiếng chúng ta được (x. Cv 2, 38; Tv 66, 18). Do đó, bí quyết để Tiến Trình Hiệp Hành và Hành Trình Mùa Chay của chúng ta được đầy tràn Thánh Thần là: tất cả những gì chúng ta làm: đều phải quy hướng về Chúa Thánh Thần, và để Người toàn quyền kiểm soát mọi việc.

Nếu chúng ta biết quy hướng mọi sự về Chúa Thánh Thần như thế, các công trình của chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, và Chúa Thánh Thần sẽ ban cho Hội Thánh nhiều đặc sủng phong phú, để chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân cách hữu hiệu nhất (x. 1Cr 12, 8-11). Điều này đã được Thánh Kinh làm chứng như trường hợp của Gioan Tẩy Giả: Do bởi, ông được đầy tràn Thánh Thần ngay trong lòng mẹ, cho nên, khi ông rao giảng: mọi người đã nghe ông mà hoán cải (x. Mc 1, 5).

Cũng vậy, các Tông Đồ: Phêrô, Phaolô, và Sila khi được đầy tràn Thánh Thần, các ngài đã cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa, đến nỗi, ngục tù rúng động, khóa cửa mở tung, xiềng xích rơi xuống; và khi các ngài đặt tay trên những kẻ đau ốm, thì họ được chữa lành, và được cứu sống (x. Cv 16, 25-26).

Sau hết, thánh Têphanô, khi được đầy tràn Thánh Thần, ngài cũng đầy tràn tình yêu đối với những người bách hại mình, và đầy lòng dũng cảm rao truyền Danh Chúa không mệt mỏi, không sợ hãi, dù bị căm ghét, ngài vẫn cứ rao giảng, cuối cùng, Thiên Chúa cho ngài thấy vinh quang của Người trên thiên đàng, trước khi, ngài bị ném đá cho đến chết (x. Cv 7, 54-60).

Chính vì thế, khi chúng ta được đầy tràn Thánh Thần, đời sống của chúng ta sẽ ảnh hưởng rất tốt đến đời sống đức tin của những người xung quanh, và nhờ những con người được đầy tràn Thánh Thần, mà phước lành của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên gia đình, trên Hội Thánh và trên toàn thế giới (x. Ga 4, 13-14).

3. Gia đình, Hội Thánh, và thế giới rất cần những con người đầy tràn Thánh Thần

Chắn chắn rằng: khi chúng ta được đầy tràn Thánh Thần, thì không chỉ một mình chúng ta được lợi ích, mà Hội Thánh cũng được hưởng nhờ. Nếu mỗi thành phần dân Chúa chưa được đầy tràn Thánh Thần, thì chúng ta chưa thể đạt được thánh ý Chúa dành cho chúng ta trong đời sống của Hội Thánh. Chúng ta phải nhớ rằng: đầy tràn Thánh Thần, trước hết là một phước lành có tính cá nhân, mỗi người được đầy tràn Thánh Thần cách riêng tư cá vị. Ơn đầy tràn Thánh Thần phải được từng cá nhân tự do, tự nguyện tiếp nhận: một mình mình với Chúa. Nếu chúng ta không hoàn toàn quy phục Chúa Thánh Thần, Người sẽ không thể soi sáng tâm trí, làm ấm áp cõi lòng, tẩy rửa tâm hồn, và tăng cường nghị lực cho chúng ta.

Gia đình, Hội Thánh, và thế giới rất cần những con người đầy tràn Thánh Thần. Nếu thiếu những con người đầy tràn Thánh Thần, gia đình, Hội Thánh, và thế giới sẽ bị xâm nhập bởi những thói hư tật xấu như: vô kỷ luật, tranh chấp, hoài nghi, chia rẽ, bất hòa, chiến tranh, giết chóc… Do đó, mỗi thành viên trong Hội Thánh phải được đầy tràn Thánh Thần, để Satan không còn có chỗ xâm nhập nữa.

Đời sống Kitô hữu vừa hướng lên Thiên Chúa, vừa hướng về tha nhân. Hội Thánh và thế giới mong muốn mỗi người chúng ta phải đầy tràn Thánh Thần, để có thể chu toàn sứ vụ Chúa giao phó, bởi vì, chúng ta không thể là chứng nhân hữu hiệu cho Đức Kitô, nếu chúng ta không được đầy tràn Thánh Thần. Mọi việc làm để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, nếu không vâng theo Thánh Thần, mà chỉ theo năng lực của tính xác thịt, thì chỉ có thể dẫn đến thất vọng và thất bại ê chề (x. Ga 3, 6). Chúng ta sẽ được đầy tràn Thánh Thần, khi chúng ta chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô, và sống một đời sống bị đóng đinh với thế gian, lúc bấy giờ, chúng ta sẽ trở nên những khí cụ đắc lực trong tay Thiên Chúa, để cứu vớt thế giới đầy tăm tối này.

Tạm kết

Tiến Trình Hiệp Hành và Hành Trình Mùa Chay của chúng ta chỉ có thể được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, khi chúng ta biết trao phó trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa Thánh Thần kiểm soát và điều khiển. Nghĩa là, mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta đều hướng tới: những gì mà Chúa Thánh Thần muốn. Như một chiếc bình rỗng không, đầy tràn không khí, không còn một chỗ trống nào trong bình, mà không có sự hiện diện của không khí. Nếu chiếc bình có chứa một ít cát, hay một chất nào đó, thì dù chỉ một chút xíu đi chăng nữa, nó cũng không thể được gọi là: chiếc bình chứa đầy không khí, hay không khí đầy tràn chiếc bình, bởi vì, một phần của chiếc bình còn dành để chứa cát, hoặc là một thứ gì đó.

Ơn đầy tràn Chúa Thánh Thần cũng tương tự như vậy. Khi Chúa Thánh Thần đã đầy tràn trong chúng ta, thì không có một chỗ trống nào trong cuộc sống của chúng ta lại thiếu sự hiện diện, và kiểm soát của Người. Khi chúng ta đầy tràn Thánh Thần, chúng ta sẽ hát khen, tôn vinh, cảm tạ Chúa: đôi tay, đôi chân, cái nhìn, sự nghe… tất cả đều làm vinh danh Chúa. Khi chúng ta sống theo ý riêng của mình mà không theo ý Chúa, đó là lúc Chúa Thánh Thần không có chỗ trong lòng chúng ta. Những khi nóng nảy, bực bội, giận hờn, cay đắng, ghen ghét… là những lúc chúng ta tống khứ Chúa Thánh Thần ra khỏi lòng mình. Nếu điều đó lặp đi lặp lại thường xuyên, và trở thành bản chất của chúng ta, chúng ta phải biết chắc rằng: Chúa Thánh Thần chưa có chỗ trong lòng chúng ta, Người chỉ là một khách lạ qua đường, đứng ngoài cuộc đời chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết mở rộng lòng mình: đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, để Người đổi mới canh tân: làm cho chúng ta trở nên những con người đầy tràn Thánh Thần, hầu mưu ích cho bản thân chúng ta, cho Hội Thánh và cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây