TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thương lắm mẹ ơi!

Thứ ba - 10/08/2021 19:03 | Tác giả bài viết: Têrêsa Nguyễn Vui |   1358
Mẹ! khi mẹ đọc được tâm sự này thì con đang ở tuyến đầu chống dịch. Con xin lỗi mẹ vì con không dám gọi điện báo trước cho mẹ biết. Con sợ mẹ lại lo lắng, lại không ngủ được.

Thương lắm mẹ ơi!

THƯƠNG LẮM MẸ ƠI!

WGPSG (10.8.2021)  Mẹ! khi mẹ đọc được tâm sự này thì con đang ở tuyến đầu chống dịch. Con xin lỗi mẹ vì con không dám gọi điện báo trước cho mẹ biết. Con sợ mẹ lại lo lắng, lại không ngủ được.

Mẹ còn nhớ ngày trước con chỉ bị sốt nhẹ, mẹ đã thức suốt đêm không ngủ. Mỗi lần mở mắt, con đều thấy mẹ ngồi bên, sợ con lại lên cơn sốt. Ngày con đi tu mẹ cũng đã khóc suốt đêm mà không ngủ. Làm sao con có thể để mẹ ngày đêm không ngủ vì lo lắng cho con thêm một lần nữa. Nhưng mẹ yên tâm mẹ nhé. Con vẫn khỏe mạnh và bình an. Làm việc nơi đây con thấy thương các bác sĩ lắm mẹ ạ. Đã hơn 4 tháng họ không về nhà. Có lẽ mỗi khi đêm về, họ đã khóc thầm nhớ gia đình, nhớ cha mẹ già, nhớ con thơ… không phải họ yếu đuối mẹ ạ, nhưng họ có trái tim mềm, trái tim biết biết khóc, thương cho bệnh nhân, trái tim y đức.

Họ tâm sự: “Sơ biết không, đã có nhiều lần con phải xa nhà. Nhưng lần này nỗi nhớ da diết lắm, chỉ sợ một ngày nào đó con không thể về với vợ, với con, khi nhận kết quả là dương tính thôi”.

Bởi hơn ai hết, con hiểu rằng các bác sĩ đang bước vào một trận chiến thực sự. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus Corona vào cơ thể mình rất cao. Mẹ biết không, trong những ngày đầu phục vụ, con cũng đã rất hoang mang. Thứ nhất, con không có chuyên môn về y tế lại tiếp xúc trực tiếp với F0, như vậy có an toàn cho sức khỏe của mình hay không? Thứ hai, con mới tiêm một mũi vắc-xin ngày hôm trước, hôm sau đã lên đường, không biết có hiệu quả không? Chỉ mới hơn có một tuần phục vụ và nhóm thiện nguyện đã có kết quả là dương tính. Con hồi hộp khi chờ kết quả test covid, có khi nào rồi cũng sẽ tới lượt mình không? Con vẫn sợ nhưng nếu sợ thì con sẽ ngại hy sinh, ngại dấn thân. Con đã cầu nguyện thật nhiều. Cuối cùng tình thương trong con đã vượt thắng sự sợ hãi. Và sau khi cầu nguyện, con đã tìm được bình an, đã xác định mục tiêu ban đầu là phục vụ tha nhân chứ không phải tìm sự an toàn cho bản thân. Con không thể vì lo nghĩ cho bản thân mà không dấn thân mẹ ạ.

Hơn nữa, niềm tin vào Chúa đã giúp con có thêm sức mạnh để làm chứng cho Chúa dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính hình ảnh của các y bác sĩ nơi đây đã đánh động con rất nhiều. Chị Ngân điều dưỡng tâm sự: “Chị thèm biết bao phút giây được trở về bên gia đình, được ngồi xem ti vi với ba, được nằm trong vòng tay của mẹ để tỉ tê đủ thứ chuyện… nghĩ đến những chuyện đó chị lại nhớ nhà đến trào nước mắt. “Giây phút được nhìn được thấy chồng và con qua điện thoại, cô mừng phát khóc, thương chồng con vất vả ở nhà một mình. Cô cố gắng giữ gìn sức khỏe để sớm chiến thắng dịch trở về với chồng con.” – cô Giang (hộ lý) tâm sự.

Có bác sĩ không kìm được nước mắt vì nhớ đứa con nhỏ mới hơn 3 tuổi ở nhà. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, những cuộc gặp người thân ngắn ngủi qua khuôn hình điện thoại là niềm an ủi, động lực tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sĩ chiến đấu nơi tâm dịch. Khi nghe họ tâm sự con thấy mắt họ đỏ hoe, khóe mắt rưng rưng những giọt nước mắt.

Có lẽ lòng họ đau nhói, lo lắng cho sức khỏe của người thân mà chẳng thể ở bên chăm sóc… Tất cả những nỗi niềm ấy được họ - những người chiến sĩ áo trắng gói ghém và ghi lên ghế: “Mẹ ơi, con muốn về nhà”... “khi nào con mới được về”... “tôi muốn được về nhà”...

Mẹ đã từng dạy con: “Dù ở đâu, làm gì con hãy luôn nghĩ đến người khác, có như vậy con mới tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc con ạ”. Con vẫn nhớ lời mẹ dặn và con mang trong mình Tình yêu của Đức Kitô đến đây để phục vụ bệnh nhân covid. Thương lắm mẹ ạ! Các bệnh nhân ở đây hầu như đều bất động. Con virus quái ác hành hạ họ khổ sở lắm. Họ thoi thóp trong từng hơi thở, không người thân bên cạnh. Họ phó thác mạng sống họ cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Bệnh nhân mỗi lúc một tăng, các bác sĩ hầu như đã thấm mệt vì quá tải. Vì thế, con và một số anh chị em thiện nguyện muốn góp một phần nhỏ nhoi của mình hầu giúp bệnh nhân xoa dịu phần nào nỗi đau.

Công việc của con hằng ngày: vệ sinh phòng bệnh, thay tã, thay drap cho bệnh nhân. Ngoài ra, con còn phụ giúp các bác sĩ cho họ ăn và lau người cho họ. Mỗi lần lau người cho họ, con thấy hai hàng nước mắt của họ chảy dài trên gò má.

Têrêsa Nguyễn Vui

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây