TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mẹ là gương mẫu đời ta

Thứ bảy - 14/08/2021 05:54 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   882
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Mẹ là gương mẫu đời ta

Chúa Nhật XX – TN – B

Mẹ là gương mẫu đời ta

Trong kho tàng thánh ca Việt Nam, có một bài ca mỗi khi được cất hát lên, tiếng nhạc nghe thì du dương và lời ca nghe thì trìu mến. Bài ca này mang tên: “Kìa bà nào”.

Chúng ta cùng nghe lại bài thánh ca này nhé: “Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông. Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông. Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời. Oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai.”

Những lời ca tiếp theo, tác giả bài thánh ca đã phác họa chân dung người phụ nữ này “Như huệ giữa chòm gai. Như hồng thiêng mầu nhiệm. Như đền vua vinh hiển. Như thành thánh Salem”.

Chưa hết, chân dung người phụ nữ này còn được miêu tả “Như hào quang Thiên Chúa. Như mùa xuân không úa. Như vì sao mai rạng. Như chính cửa thiên đàng”.

Phác họa chân dung xong, tác giả cho biết, người phụ nữ này “Dư đầy ơn Thiên Chúa. Tay tràn ơn cứu thế. Đấng từ bi nhân hậu hằng tiếp đón lời cầu”.

Theo những gì tác giả bài thánh ca mô tả, người phụ nữ này quả là “Hồn Xác Vẹn Tuyền”. Vâng, một người bạn của tôi (không phải là người Công Giáo) sau khi nghe bài thánh ca này, đã nói lên tâm tư của anh ta, như thế.

Sau khi nói lên tâm tư của mình, anh ta hỏi tôi: “Bà này là ai?” Tôi trả lời: “Thì tác giả nói rồi đó. Nói tới năm lần tên của bà: tên là Bà-là-ai”. Trả lời xong tôi tự hỏi, sao tác giả không cho chúng ta biết tên của người phụ nữ trong bài thánh ca này nhỉ!

Sao tác giả không thêm bốn chữ, sau ba chữ “Bà là ai” rằng: “Thưa bà là Maria!” Thêm vài nốt nhạc cũng dễ hát thôi! Thêm như thế, những lời ca tiếp theo đâu cần câu hỏi bà-là-ai nữa, mà chỉ cần cất tiếng ca: “Maria như hào quang Thiên Chúa… Như chính cửa Thiên Đàng”.

Dạ, thưa quý vị, “tám” một chút cho vui thôi!

Tuy đặt câu hỏi “Bà là ai”, nhưng tác giả đã cho chúng ta (là người Công Giáo) câu trả lời. Câu trả lời được xuất hiện ở gần cuối bài ca, đó là lời ca rằng: “Bà là ai… Dư đầy ơn Thiên Chúa”. Ai là người “dư đầy ơn Thiên Chúa” nếu không là Đức Maria. Đức Maria đã được sứ thần Gapriel gọi là: “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”, kia mà!

Vâng, điều này đã được xác thực trong Tin Mừng thánh Luca, tại phân đoạn có tiêu đề: “Truyền tin cho Đức Maria” (x.Lc 1, 26-38).

**
Câu chuyện được ghi lại, rằng: “Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria”.

Nhắc đến Ga-li-lê, tôi lại nhớ đến một bài thánh ca của Lm. Thành Tâm. Bài thánh ca với lời ca rằng: “Ga-li-lê! Nhắc ta nhớ ngày xưa. Ngày Chúa ta Sống thân phận chúng ta. Vì thương ta bao năm trời đây đó. Làm chứng nhân: Tình thương của Cha”.

Vâng, cái “ngày xưa” ấy tại Ga-li-lê, khi sứ thần Chúa “vào nhà trinh nữ” một lời “tung hô câu đường hạ ngớp châu sa” đã được ngài cất lên, rằng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

Thưa bạn, nếu hôm nay, bạn nhận được lời chúc tụng này, bạn có bối rối không! Với Đức Maria, thánh sử Luca cho biết: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”.

Đang lúc Đức Maria cảm thấy “Run như run thần tử thấy long nhan”. Đang lúc Mẹ bối rối đến độ: “Run như run hơi thở chạm tơ vàng”. Rất trìu mến, sứ thần Chúa cất lời trấn an: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (x.Lc 1, 30).

Và, thật ngỡ ngàng thay khi sứ thần tiếp tục nói với Đức Maria rằng: “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên người, và triều đại người sẽ vô cùng vô tận”.

Nghe tới đây, Đức Maria làm sao nhỉ! Phải chăng, lúc này Mẹ cảm thấy: “Linh hồn tôi ớn lạnh!” Vâng, rất ớn. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Đức Maria đã đáp lời sứ thần Chúa, như thế.

Một lời chối từ quá hợp lý. Thế nhưng, với Thiên Chúa thì không. Người đã chọn ai, thì người đó không có lý do gì để từ chối. Xưa kia, khi tuyển chọn Môsê, dù ông ta đã từ chối với lời biện bạch, rằng: “con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.”

Nhưng, Thiên Chúa không chấp nhận lý lẽ của Mô-sê.

Sự kiện này, sách Xuất hành ghi rằng: “ĐỨC CHÚA phán: Ai cho ngươi có mồm có miệng? Ai làm cho nó phải câm phải điếc, cho mắt nó sáng hay phải mù lòa? Há chẳng phải là Ta, ĐỨC CHÚA đó sao? Vậy, bây giờ ngươi hãy đi, chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi, và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói những gì.” (x.Xh 4, 10-12).

Ông Mô-sê phải đi. Nhờ đó, hôm nay chúng ta có Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Rồi đến trường hợp ngôn sứ Giêrêmia. Khi Đức Chúa đặt ông “làm ngôn sứ cho chư dân”, ông thoái thác viện lý do, rằng: “con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói”. Nghe vậy, Đức Chúa làm sao nhỉ! Thưa, Người phán với Giê-rê-mi-a: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi. Ta truyền ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi… Rồi ĐỨC CHÚA giơ tay chạm vào miệng (Giê-rê-mi-a) và phán: Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước” (x.Gr 1, 4-10) Gê-rê-mi-a đã đi.

Trở lại trường hợp Đức Maria. Sứ thần Chúa nói gì khi Mẹ từ chối! Thưa, chỉ một lời nói, một lời nói khiến cho những ai có lòng “kính sợ” Thiên Chúa cũng đều phải cất lời xin vâng.

Hôm ấy, sứ thần Chúa nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Ít phút trước đó, Đức Maria được củng cố lòng tin qua lời công bố của sứ thần, rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

Một… một chứng cứ hùng hồn về việc, không có gì mà Thiên Chúa không làm được, cũng đã được sứ thần Chúa minh chứng: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.”

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đức Maria đã trả lời như thế. Mẹ không một lời thoái thác. Mẹ “xin vâng”.

***
Chúa Nhật hôm nay 15/08. Như một truyền thống đẹp, Giáo Hội mừng kính lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”.

“Giáo hội Công giáo định sự kiện này là một “tín điều” (điều phải tin) do Giáo hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế ”Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển).

Trong hiến chế này, Giáo hoàng Piô XII tuyên bố: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác”, bởi những lý do: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; thân xác Đức Giêsu sinh ra từ thân xác Đức Maria (“caro Jesu est caro Mariae”); thân xác Đức Maria không hề sa sút nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn và bởi đó thật xứng đáng nếu thân xác ấy không bị hư nát sau khi chết; và vì đã liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, nên Đức Maria cũng thật xứng đáng được chia sẻ tình trạng vinh quang của thân xác.”

Trong thánh kinh không có bằng chứng trực tiếp nào về việc Đức Maria lên trời. Hội Thánh Công Giáo rút ra kết luận đó từ cách gọi ‘Đức Maria đầy ân sủng’ được ghi trong Tin mừng Luca (Lc 1,28). Vì đầy ân sủng nên Mẹ được gìn giữ khỏi phải chịu hậu quả của tội lỗi, tức là thân xác không phải hư nát sau khi chết và thân xác được hạnh phúc trên trời ngay cả khi ngày tận thế chưa đến. Khi đặt niềm tin vào việc Đức Maria lên trời, Hội thánh không dựa vào Kinh Thánh mà dựa vào truyền thống được kể lại. Đây chắc chắn là giáo lý đã được mạc khải, bởi vì các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đã nhất trí tin rằng, đó là một phần trong mạc khải của Thiên Chúa.” (nguồn: internet).

****
Thật đúng là vậy. Đức Maria – Đấng đầy ân sủng đã lên trời cả hồn lẫn xác. Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác chỉ nhờ hai chữ “xin vâng”. Mẹ không xin vâng theo kiểu vâng-mà-không-vâng. Mẹ không vâng theo kiểu người con thứ hai (dụ ngôn hai người con) nghe lệnh người cha bảo đi làm vườn nho, liền thưa rằng: “Thưa ngài, con đây! Nhưng rồi lại không đi” (x.Mt 21 28-29).

Mẹ xin vâng suốt cả cuộc đời. Có thuở nào một vị Cứu Chúa của muôn dân mới sinh ra đã phải “nằm trong máng cỏ”! Thế mà Mẹ vẫn xin vâng. Chưa kể đến cuộc “vượt biên” trốn sang Ai-Cập “vì Hêrôđê sắp tìm giết hài nhi”. Mẹ cũng xin vâng.

Và có buồn không kia chứ, khi gia thất của một quân vương lại phải từng bước chân âm thầm lao nhọc vất vả ở Nazareth ba mươi năm có lẻ… Mẹ cất tiếng vâng lớn hơn.

Đức MARIA không “đào ngũ”. Đức Maria vẫn tiến bước, từ Cana với niềm vui của đôi tân hôn cất tiếng “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời”, cho đến Golgotha với nỗi sầu bi nhìn con mình chết dần chết mòn, “chỉ vì tình yêu (nên đã) chịu nhục thân, chết cho trần gian”. Mẹ vẫn vâng với sự “hớn hở vui mừng” vì Mẹ tin rằng “Phận nữ tỳ hèn mọn” của mình, Thiên Chúa “Người (vẫn) đoái thương nhìn tới”.

Bước đi trên con đường như thế, chẳng phải là bước vào “cửa hẹp và đường chật” đó sao! Mà, Con của Mẹ đã nói gì về việc vào cửa hẹp và đường chật, nhỉ! Chẳng phải Giê-su con Mẹ đã tuyên phán rằng: “đưa đến sự sống”, đó sao!

“Sự sống” này, đã được Đức Giê-su mô tả là: được sống “cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa”(x.Lc 13, …28).

Vậy, việc tin Đức Maria “hồn xác lên trời” chẳng phải là một niềm tin tất yếu!

*****
Đức Maria đã được vinh hiển trên trời. Và, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không muốn được cùng hưởng sự vinh hiển như Đức Maria.

Vâng, muốn được vinh hiển như Đức Maria nào có khó gì đâu! Rất giản dị, chỉ cần “dõi bước theo Mẹ” và lòng chúng ta sẽ “quyết noi gương Mẹ”.

Nói đến chuyện “dõi bước theo Mẹ”, có lẽ nhiều người trong chúng ta tự hào là “tháng hoa” năm nào mà tôi không có mặt bước-theo-Mẹ vào những buổi rước “kiệu Đức Mẹ”!

Còn nói đến việc “noi gương Mẹ”, có lẽ không ít người tự hào nói rằng: Ồ! Mẹ chính là “thần tượng” của tôi. “Tượng” Đức Mẹ ư! Chưa chắc nhà nào có tượng Đức Mẹ được trang hoàng lộng lẫy như tượng Đức Mẹ nhà tôi!

Tham dự “kiệu Đức Mẹ” là một truyền thống đẹp. Thế nhưng, sẽ chẳng đẹp gì nếu những buổi rước kiệu đó chỉ là những buổi “rước phô trương thanh thế” – “rước cạnh tranh”, rằng thì-là-mà giáo xứ tôi rước “hoành tráng” hơn giáo xứ bạn. (Chuyện này có nha!).

Phô trương có khác gì kiêu căng! Coi chừng, Đức Maria, trong bài ca Magnificat, có nói: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”.

Tham dự kiệu Đức Mẹ đẹp nhất, đó là chúng ta hãy “kiệu” bài ca Magnificat vào trong con tim của mình. Nói cách khác, đó là chúng ta đang “dõi bước theo Mẹ”.

Còn việc trang hoàng tượng Đức Maria thì sao nhỉ! Có “tượng” mà không có “thần” thì chẳng ích gì? Không có “thần” như Mẹ đã có thì chẳng được ơn ích gì. “Thần” Mẹ đã có chính là “Thánh Thần Chúa (đã) ngự xuống trên (Mẹ)” năm xưa.

Chỉ khi có “thần” như Mẹ đã có, hay nói rõ hơn, chỉ khi chúng ta có Thánh Thần Chúa ngự vào trong tâm hồn. Vâng, chỉ khi đó chúng ta mới có thể “nghe được lời Chúa nói”, như xưa kia, khi Đức Maria có “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên bà”, lập tức Mẹ hiểu được lời Thiên Chúa qua sứ thần Gáp-ri-en và đáp “xin vâng”.

Để có thể bước theo Mẹ và noi gương Mẹ, chúng ta đừng nhìn, đừng trông vào một ai khác. Nói rõ hơn chúng ta đừng nhìn vào thế gian, nơi mà satan và con cái chúng đang ra sức tô vẽ, dụ dỗ mọi người rằng: đây chính là thiên đàng – thiên đàng hạ giới, thế nhưng, thật ra đó chỉ là nơi dẫn đưa chúng ta đến: dối trá, gian lận, vị kỷ, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, bè phái v.v… Nói tắt một lời, nhìn vào nơi đó chúng ta chỉ thấy “nghi ngờ và chết chóc”.

Để có thể bước theo Mẹ và noi gương Mẹ, chỉ có một cách tốt nhất, đó là: chúng ta hãy cùng nhau: “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây