TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Chay -Năm C

“Em con đã chết nay sống lại”. (Lc 15,1-3.11-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tin vui cho Giáo Hội Việt Nam

Chủ nhật - 30/03/2025 05:43 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   60
Lễ phong chân phước cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp không chỉ là một sự kiện quan trọng trong Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn là niềm vui chung của cả cộng đồng tín hữu trên toàn thế giới.
Tin vui cho Giáo Hội Việt Nam

TIN VUI CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM


Ngày 25/11/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã chết tử vì đạo.

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

Cha của Cha Diệp là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), mẹ là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyển thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh con gái tên là Trương Thị Thìn (1913), sinh sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới An Giang. Học xong Tiểu Chủng Viện, ngài lên Ðại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, do Ðức cha GB. Chabalier.

Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Tháng 3 năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Theo lời kể của ông Giacôbê Huỳnh Văn Lập (sống ở Tắc Sậy), ngày xưa là chú bé giúp lễ ở với Cha Diệp: Cha rất hiền nhưng khi giảng thì có lúc giọng cha rất hùng hồn mạnh mẽ, có lúc lại rất êm đềm. Cha rất thương người nghèo: ông còn nhớ khi có những người nghèo đói bất kể Công Giáo hay không Công Giáo, người lỡ đường Cha đều kêu vào rồi mở lẫm lúa cho họ lấy lúa đem ra xay giã lấy gạo (vì lúc đó không có nhà máy xay lúa như bây giờ).

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương vì chiến tranh giữa Nhật và Pháp, dân chúng nhiều người di tản. Cha Bề trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi ngài lánh mặt; người Pháp 3 lần đem xe đến rước, khuyên ngài tạm lánh khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12-3-1946, ngài bị Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha khuyên giáo dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi cha bị mời đi lần thứ ba bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát.

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác Cha Diệp từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi.

Thi hài Cha Diệp được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 04-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Sau nhiều năm điều tra và xem xét, Giáo hội đã công nhận Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là một vị tử đạo. Quyết định này không chỉ là sự vinh danh đối với ngài mà còn là niềm tự hào của Giáo hội Việt Nam, khi một vị linh mục hy sinh mạng sống vì đức tin được công nhận như một mẫu gương sáng cho thế hệ mai sau.

Giáo phận Cần Thơ, nơi Cha Diệp đã làm mục vụ, sẽ long trọng cử hành Thánh Lễ Phong Chân Phước cho Cha vào ngày 12 tháng 3 năm 2026. Đây là dịp để các tín hữu Việt Nam bày tỏ lòng tôn kính đối với Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, đồng thời là cơ hội để nhắc nhở mọi người về đức tin kiên cường, sự hy sinh và lòng dũng cảm của những người con trong Giáo hội.

Ảnh hưởng của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp trong Giáo hội Việt Nam

Cha Trương Bửu Diệp không chỉ là một linh mục dũng cảm, mà ngài còn là một chứng nhân sống động của lòng trung thành tuyệt đối với đức tin. Suốt cuộc đời, ngài đã đặt Chúa lên trên tất cả, sống một đời sống đơn giản và tận tâm với sứ mạng truyền giáo. Những điều ngài làm được nhiều người biết đến và kính trọng, không chỉ trong cộng đoàn tín hữu mà còn trong lòng những ai đã từng chứng kiến những hy sinh mà ngài đã trải qua.

Với sự kiện phong chân phước cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, Giáo hội Việt Nam không chỉ nhìn nhận một mẫu gương sáng trong đời sống đức tin, mà còn nhắc nhở tất cả mọi người về giá trị của sự hy sinh, lòng kiên định trong đức tin, và sự dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Cha Diệp đã trở thành biểu tượng của sự trung thành tuyệt đối với đức tin trong một thời kỳ đầy biến động của lịch sử đất nước.

Lễ phong chân phước cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp không chỉ là một sự kiện quan trọng trong Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn là niềm vui chung của cả cộng đồng tín hữu trên toàn thế giới. Đây là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại những hy sinh cao cả của những vị thánh và tử đạo, đồng thời làm gương sáng cho đời sống đức tin của chính mình.

Lm. Anmai, CSsR tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây