TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vua của đời tôi!

Thứ tư - 12/05/2021 04:33 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   690
Vua của đời tôi!

Đức Giêsu… Ngài là vua của đời tôi?

Theo Tây lịch, chỉ còn hơn một tháng nữa, năm 2013 sẽ kết thúc. Với lịch Công Giáo, chúng ta quen gọi là lịch Phụng Vụ, có một chút khác biệt, khác biệt ở chỗ, kết thúc một năm, không được tính vào tháng mười hai nhưng vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng mười một, một Chúa Nhật, theo truyền thống, Giáo Hội dành riêng để long trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua.

Vì sao lịch Phụng Vụ lại có ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua? Thưa, là bởi, trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi học đường, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI, vào ngày 11/10/1925, đã thiết lập một ngày lễ để tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA. Sự tôn vinh này như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Thật ra, không chờ đợi đến hôm nay để Giáo Hội công bố với thế giới, rằng, Chúa Giêsu là vua, nhưng là ngay từ những ngày khởi đầu cho chương trình cứu độ, Thiên Chúa, qua sứ thần Gabrien, Người đã hé mở cho thế gian biết, rằng: một cô thiếu nữ tên là Maria, cô Maria “…sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)

Có một điều, một điều hết sức lạ lùng, “triều đại” Vua Giêsu đã được Ngài thiết lập, không giống như triều đại của những ông vua, những lãnh tụ trần thế. Triều đại của Vua Giêsu không thiết lập bằng bạo lực, bằng thủ đoạn, bằng sức mạnh của họng súng, nhưng bằng chính “tình yêu thương”, một thứ tình yêu, dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Vâng, để biết sự thật, chúng ta hãy cùng nhau, ngược dòng thời gian, trở về Palestina, đến núi Oliu và tiếp đến là đồi Sọ, bên ngoài thành Giêrusalem của hơn hai ngàn năm xa trước đó, để nghe từng tiếng nói, để thấy từng hình ảnh, để chứng kiến từng sự kiện, mà Vua Giêsu đã tuyên bố và đã làm, và cuối cùng là để trả lời cho câu hỏi; “Đức Giêsu… Ngài là vua của đời tôi?”

**
Giêrusalem của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Đang khi cư dân của thành phố hân hoan mừng lễ Vượt Qua, thì, tại một nơi gọi là núi Oliu, trong thinh lặng, Đức Giêsu cầu nguyện. Sự cầu nguyện bị phá vỡ bởi tiếng vó ngựa và tiếng va chạm binh khí đến lạnh người. Một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Phariseu xuất hiện.

Chỉ mới vài hôm trước, hôm Đức Giêsu cùng với các môn đệ lên Giêrusalem. Một rừng người đã cầm nhánh thiên tuế ra đón Người và reo hò “Hoan hô! Hoan hô!... Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel”.

Làm sao không tung hô, vạn tuế cho được. Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, với những phép lạ chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, với những dấu lạ hóa bánh ra nhiều, với sự nhân từ và lòng bao dung, Đức Giêsu đã để lại nơi công chúng hình ảnh một vị quân vương  đầy quyền uy, đầy quyền uy nhưng không dùng quyền uy đó để cai trị nhưng là để “phục vụ”, là “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 10).

Thật vậy, đã có lần dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua. Chính vì thế, các thủ lãnh Do Thái quyết định giết Đức Giêsu. Họ cho rằng, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc Roma sẽ phá hủy thành thánh. Do Thái đang bị cai trị bởi Roma. Ngoài hoàng đế Cesar… ai dám tôn xưng là vua!

Nhóm thượng tế âm mưu bắt Đức Giêsu qua sự mua chuộc một người môn đệ tên là Giuđa. Biết rõ nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Y thông báo cho nhóm cơ binh. Và rồi, khi lực lượng tinh nhuệ của nhóm thượng tế xiết chặt vòng vây nơi núi Oliu, như con thú đói mồi, Giuđa xông đến trước mặt Đức Giêsu. Sự hung hăng trên khuôn mặt của tên phản bội không làm Đức Giêsu nao núng. Ngài cất tiếng hỏi “Các anh tìm ai?”. Họ đáp “Tìm Giêsu Nazareth”. Khi tiếng nói Đức Giêsu thốt lên “Chính tôi đây” Giuđa cùng nhóm cơ binh hốt hoảng lùi lại và ngã xuống đất.

Sau giây phút hốt hoảng, nhóm cơ binh xông vào trói Ngài. Họ điệu Ngài đến trước các ông Kha-nan và thượng tế Cai-pha, những chức sắc cao cấp của người Do Thái. Trong lúc thẩm vấn Đức Giêsu, những màn xỉ nhục và đánh đập đã diễn ra. Khuôn mặt, vầng trán, đỉnh đầu của Đức Giêsu đầy dấu tích đòn thù. Không giải quyết được gì. Họ dẫn giải Ngài đến trước tổng trấn Phi-la-tô. Ông ta hỏi Ngài “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”.

***
“Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”. Đúng vậy.

Hôm đó, trước mặt quan tổng trấn Phi-la-tô đầy kiêu hãnh, Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng “Thật như lời, ta là vua” (Mt 18, 37). Hơn bảy trăm năm trước, ngôn sứ Mikha đã tiên báo “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5, 1).

Và hôm đó, nơi núi Sọ, lời tiên tri của ngôn sứ Mikha đã ứng nghiệm. Giêsu-Nazareth đã “nhậm chức”. Một lễ nhậm chức với cảnh chiều lộng gió, “trời đất phải làm kinh”, hòa theo là những “tiếng chày tiếng búa nện đinh”, với những tiếng hò hét “buông lời nhạo báng”, với những lời thách thức ngạo mạn “Nếu ông là Vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi”…

Hôm đó, tổng trấn Philatô đã cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái”.

****
Đừng ngạc nhiên về những gì đã xảy ra trong ngày “nhậm chức” của Vua Giêsu. Đúng, vai trò của Đức Giêsu đến thế gian là để thi hành sứ-mạng-thống-lĩnh-Israel. Thống lĩnh Israel, nhưng Ngài không thống lĩnh quốc gia “thuộc về thế gian này” mà là thống lĩnh con dân Israel, đưa họ trở về với chân lý và sự thật.

Chân lý và sự thật đó đã được Vua Giêsu công bố, rằng: “Như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).

Đây không phải là lời hứa xuông, như các lãnh tụ trần gian thường hứa xuông trong mùa tranh cử để “kiếm phiếu”. Nơi núi Sọ, Vua Giêsu đã thực thi lời phán hứa của Ngài.

Chuyện được ghi lại, rằng: Cùng trên núi Sọ, có hai tên gian phi, một tên “cũng nhục mạ người”. Nhưng tên kia thì không. Người gian phi này, hôm đó, thưa với Đức Giêsu, rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”.  

Nơi núi Sọ, nếu có ngạc nhiên, vâng, chúng ta hãy ngạc nhiên vì tên gian phi đã được toại nguyện. Hôm đó, Đức Giêsu nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).

*****
Chúng ta cùng trở lại núi Sọ. Vâng, theo lời ghi chép lại của thánh sử Luca, thì, hôm đó, “dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo… Lính tráng cũng chế giễu Người” (Lc 23, 35…36).

Hãy trở về trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi là ai trong số những người hiện diện trên núi Sọ năm xưa?

Có lẽ không ai trong chúng ta muốn mình là “các thủ lãnh” hoặc  là những người “lính tráng” năm xưa. Nói cách khác, chẳng ai trong chúng ta  muốn buông lời chế nhạo hay chế giễu Vua Giêsu của chúng ta. 

Thế nhưng, phải coi chừng, coi chừng, rất có thể, vô tình, cách này cách khác, chúng ta có tham dự vào phần việc ấy.

Thì đây, hãy tự hỏi lòng mình rằng, có bao giờ, chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì để tiến thân trên con đường công danh sự nghiệp, chỉ vì quyền bính, chỉ vì “đảng tịch”, chúng ta có “vô tình” phỉ báng Vua Giêsu, chế diễu Ngài, bằng cách không xưng danh Ngài trong bản sơ yếu lý lịch hay trong tờ “chứng minh nhân dân”?!

Hãy tự hỏi lòng mình rằng, có bao giờ, cũng vì những lý do nêu trên, chúng ta vô tình phỉ báng Vua Giêsu, chế giễu Ngài, bằng hình thức ủng hộ những đạo luật, thỏa hiệp những sắc lệnh, do những tên cô hồn các đảng, trên vai trò lãnh đạo đề ra, đi ngược với đức tin Kitô giáo, hủy hoại sự công bằng bác ái mà  Kitô giáo đề cao?!

Còn nhiều… còn rất nhiều điều xảy ra trong đời thường, dễ khiến chúng ta chế giễu phỉ báng, thách thức Vua Giêsu.

*****
Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới cổ võ cho chủ nghĩa thế tục. Có chủ nghĩa thế tục nào, dù có ôn hòa hay trung lập, mà không hung hãn, mà không phỉ báng, chế diễu, thách thức Thiên Chúa? Có chủ nghĩa thế tục nào mà không hô hào “Thiên Chúa đã chết… Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”?

Đừng ngạc nhiên gì cả, bởi những loại chủ nghĩa đó, chính là sản phẩm của Xatan. Mà Xatan, Kinh Thánh nói, nó là “loài xảo quyệt”, là “tên chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12, 9)

Thế nên, trước chủ nghĩa thế tục, một chủ nghĩa với tham vọng sẽ xây dựng một “vương quốc thế tục”, là một Kitô hữu, đừng quên lời Thiên Chúa đã khuyên răn: “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó” (x. Kh 18, 4)

Vâng, chẳng những đừng quên, mà chúng ta còn cần ghi lại lời khuyên này, để ngay trên dầu giường mỗi chúng ta, và mỗi sớm mai, khi thức giấc, đừng vội nghĩ: hôm nay ăn gì mặc gì, hôm nay chứng khoán tăng hay giảm, hôm nay phải kiếm bao nhiêu tiền v.v… mà hãy nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, đọc lại lời khuyên của Người và đừng rởi khỏi nhà trước khi nói với Người rằng: “Good morning JESUS. You are the King of my life – Chào GIÊSU. Ngài là Vua của đời con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây