TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xuân không về

Thứ hai - 10/05/2021 20:18 |   773
Xuân không về

Xuân không về

Dòng nước trắng đục lững lờ trôi, trôi mãi như bước chân ngập ngừng vô định của kẻ không nhà. Người người rộn rịp đón tết. Chỉ có tôi với dòng sông này không bận tâm đến ngày tết cận kề. Còn hơn 48 tiếng đồng hồ nữa, tôi lại có dịp lặng nghe tiếng giao thừa gõ tích tắc.

Ngày xưa còn bé, giao thừa đến với tôi trong đì đùng tiếng pháo dồn dập hòa chung khói trắng cay xè, nặc mùi thuốc súng khi chiến tranh tràn về trong máu lửa. Do đó, mỗi lần giao thừa lại đến, tôi thường khóc thét như một cảm xạ không đè nén được. Má tôi ôm cậu con út trong tay vuốt ve, vỗ về. Tôi vẫn nhắm mắt khóc âm ỉ không nguôi. Đến khi ba ôm chặt tôi trong đôi tay cứng chắc, chai sạn, suốt năm cày sâu cuốc bẫm bảo bọc má và năm anh em tôi, lúc đó tôi mới nín lặng.

Tôi mở mắt ra, định thần rảo mắt chung quanh quan sát. Đúng là Tết đến rồi. Giao thừa đến. Tiếng pháo chuột, pháo tiểu hòa lẫn với pháo đại của nhà tôi và hàng xóm đua nhau nổ giòn giã trong màn khói đục như sương, phủ lấy những đóa hoa mai vàng tươi, hoa cúc trắng nuột, hoa mào gà đỏ tía, hoa vạn thọ vàng sang trọng... điểm lấm tấm xác pháo hồng đẹp lạ lùng. Đạn súng thì khác hơn. Đạn nổ từ xa, không có khói tràn vào nhà. Đạn pháo kích thì ầm ĩ hơn, làm rung rinh căn nhà thân yêu của tôi và còn đè ép lên lòng ngực tôi suýt nghẹt thở.

“Pháo tết nè con, giao thừa rồi! con trai gì mà nhát quá vậy”.

Tôi bẽn lẽn tuột xuống khỏi cánh tay ấm áp của ba chạy đến ôm chầm lấy má. Má khẽ vuốt tóc và trìu mến trao cho tôi miếng dưa hấu đỏ thắm. Tôi nhớ ra, trước lúc giao thừa, tôi mặc áo mới màu đỏ tinh thơm, tung tăng chạy nhảy trong tuổi lên năm. Hết xem ba chải chuốt cây mai rực vàng đươm bông trước cổng. Tôi lại chạy đến đứng cạnh mẹ, nhìn mẹ trang trí bàn thờ ông bà nghi ngút hương bằng đủ loại trái cây miệt vườn thơm lừng: mẳng cầu trắng, dừa xanh, đu đủ đỏ, xoài vàng mượt thật mát mắt… với lời nguyện ước sang năm mới tiền bạc trong nhà vừa đủ xài. Anh hai và chị tôi nhẹ nhàng, thoăn thoắt treo những cánh thiệp sặc sỡ đủ màu lên những cành mai mập tròn đầy hoa vàng tuơi óng. Chờ mãi mà chúa Xuân cũng không nhanh chân đến thỏa mãn lòng háo hức mong đợi ngóng trông, tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết. Đến khi nghe tiếng pháo đì đùng dập dồn tôi mới giật mình khóc thét mãi không thôi. Ôi! những thời khắc sum hợp ấy nay còn đâu. Họa chăng, chỉ là những vùng ký ức mơ hồ của một thời thơ ấu.

Đó là những hình ảnh quý báu hiếm hoi còn sót lại trong tâm trí tôi chút kỷ niệm về cái Tết cuối cùng thời ly loạn của “Ba mươi năm nội chiến từng ngày”. Qua năm sau, tôi được hưởng cái Tết thanh bình đầu tiên trong đời. Hòa bình bảnh chọe đến với quê hương rách nát của tôi. Nhưng tôi nhớ rõ cái Tết ấy u buồn lắm. Tết phải sánh đôi với sum vầy. Thiếu sum họp, vui vầy thì Tết không còn vui thì sao gọi là Tết được. Vui như Tết. Cụm từ ấn tượng nhất của tuổi ấu thời cho tất cả mọi người.

Tết năm ấy vắng mặt anh hai tôi vì anh đã nằm xuống vĩnh viễn nơi bờ sông Thạch Hãn, gần vĩ tuyến 17. Tôi còn nhớ một lần, có hai chú lính buồn buồn, chững chạc trong bộ quân phục rằn ri xanh xanh giống như anh hai, mang đến cho chị dâu hai chiếc bì thư. Chị tôi khụy xuống bất tỉnh. Mẹ tôi cũng ngồi bất động trên chiếc trường kỷ, nước mắt chảy dài khóc không thành tiếng. Ba tôi luýnh quýnh không biết làm gì trước hai người phụ nữ khổ đau ngập tràn ấy. Sau này tôi mới biết bì thư mỏng mà chú lính Thủy Quân Lục Chiến mang đến là tin báo tử trận của cố đại úy Tín, anh hai tôi. Bì thư dày là số tiền tử tuất dành cho bà quả phụ hai mươi lăm xuân xanh và quốc gia nghĩa tử ba tuổi vô tư lự, con trai độc nhất của anh hai. Ngay ngày hôm sau, gia đình tôi đau xót làm lễ phát tang và lên nhà thờ xin lễ cầu siêu cho anh hai, một chiến sĩ trận vong. Chị dâu và thằng Nghĩa mặc áo tang suốt mấy ngày liền. Khách đến chia buồn thật đông. Tôi nghe họ thì thầm: “Đám ma không có quan tài phủ quốc kỳ”.

Mấy ngày giáp Tết năm ấy, má tôi cho ba biết chị dâu xin phép về quê mẹ ở Đà Nẵng, vì nơi đây vương quá nhiều kỷ niệm tình đầu của chị. Gió heo may lại về. Chị kế tôi và tôi vẫn vô tư vui đùa quanh gốc mai già trước cổng, thưa hoa, xanh lá hơn mọi năm. Ba má tôi không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu ông bà không được vui. Má tôi thường qua lại bàn thờ liếc nhìn di ảnh nhạt nhòa của anh hai, rồi ngó xuống đất đếm từng bước chân lầm lũi chậm chạp. Xuân về nơi căn nhà thiếu vắng bước nhảy tung tăng của thằng Nghĩa và tiếng gọi bi bô đầy sức sống NỘI ƠI, NỘI À! –Không biết Xuân có buồn không!

Năm đó, anh ba cũng không về. Ba gửi anh lên Sài Gòn học nội trú. Bạn bè rủ rê, anh ba đã vào chiến khu D. Anh thoát ly gia đình lâu lắm rồi, trước lúc tôi sinh ra đời, mẹ tôi kể lại vậy. Sau ngày 30 tháng 4, anh có về thăm gia đình và cũng không quên dắt về một chị gái tre trẻ tóc quăn và giới thiệu chị ấy cho ba má. Anh đã cưới chị làm vợ lâu lắm rồi! Từ đó, tôi có thêm một người chị dâu ngoài mong đợi. Tết năm ấy anh chị ba cũng không về sum họp với gia đình vì “bận” công tác tại Sài Gòn.

Bây giờ, tôi cũng đang ở tại Sài Gòn đây, trong một quán cà phê vườn cuối bán đảo Thanh Đa, cạnh bờ sông Sài Gòn. Tết Nhâm Thìn này tôi không thể về quê thăm má. Trong nỗi buồn day dứt xót xa, tôi ghé vào đây để mênh mang nhớ tưởng về quê nghèo xa cách, sau nửa ngày dong duổi hết chợ hoa này đến chợ hoa khác trong cái thành phố lắm dân, nhiều chợ này. Trời đã xế chiều. Năm nay, nơi đây không tìm đâu ra một cánh én lượn lờ. Cứ mỗi độ xuân về, bờ sông quê tôi luôn dập dìu bao cánh én thơ mộng lượn quanh. Tương tự như quán cà phê thơ mộng nơi đây, căn nhà mộc mạc của ba má tôi cũng nghiêng mặt ngó ra con sông Tiền hiền hòa, miên man lộng gió. Sông Sài Gòn cũng lộng gió miên man. Như hai bờ Tiền Giang, bờ sông nơi đây cũng xanh um cây bần, dừa nước giơ thẳng cao những cành lá nhọn cạnh lên trời, như muốn hỏi: Trời ơi có thấu!

Nhắm mắt, tôi từ từ hít thở, tận hưởng chút bầu khí trong lành hiếm hoi giữa thành phố ô nhiễm triền miên này. Gió phần phật vỗ về cổ áo tôi. Gió hiu hiu nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc bồng bềnh của tôi. Tôi tưởng như má đang ở cạnh bên, vuốt tóc, ù ơ đưa tôi chìm vào giấc ngủ thơ ngây giữa trưa hè gió lộng. Ước gì tuổi thơ hồn nhiên quay lại, để tôi thoải mái cởi truồng nhảy xuống bờ sông Sài Gòn này. Tôi mong có thể bơi lội thỏa thích với ba với anh tư, với thằng Nghĩa như ngày xưa còn bé. Thời gian qua đi, không bao giờ trở lại nữa. Một nhà hiền triết đã thốt lên: “Không ai tắm nơi một dòng sông hai lần!”

Về sau này, khi thằng Nghĩa định cư biền biệt nơi xứ người xa xôi, ba tôi không tắm sông với tôi nữa. Chiều tan học về, tôi thấy ba đã ngồi bên chai ba xi đế tự bao giờ. Tóc ba giờ đã bạc trắng màu khói pháo! Tôi chào ba. Ba gật gù, không nói. Mắt đăm chiêu, lơ đãng ngó ra dòng sông Tiền dần trôi. Dòng sông vẫn trôi, trôi mãi không ngừng. Dòng sông vẫn lộng gió, vẫn bì bõm cất công đẩy đưa hàng hàng lớp lớp mảng lục bình xanh thẫm bập bềnh đi về nơi chân trời xa xăm, mờ mịt vô định. Tôi vào nhà hỏi má: “Má ơi! Người Nam thích nhậu lắm hả má”. Má nói: “Ba con có nỗi niềm riêng, con ạ. Trước đây ba có thích rượu đâu con”.

Má cũng nói cho tôi biết người Bắc, Trung hay Nam cũng đều là người Việt, xuất xứ là đồng bằng Bắc Bộ, từ ải Nam Quan đến Hà Tĩnh. Miền Trung kể từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận, ngày xưa thuộc vương quốc cổ Chiêm Thành. Qua dòng lịch sử trôi, các triều vua nước ta từ Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần, Lê đến Hậu Lê đã dần chiếm giữ.

Khởi đầu từ vua Lý Thánh Tông, giữa thế kỷ thứ 11 (1069), đã thu nhận Quảng Bình và Quảng Trị do vua Chế Củ dâng tặng. Năm 1307 vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân đổi lấy Thuận Châu và Hóa Châu. Mỗi khi có thêm miền đất mới, các vua quan Thăng Long Thành luôn kêu gọi dân cư đông đúc từ đồng bằng sông Hồng di cư vào lập nghiệp. Sau cùng, đến cuối thế kỷ 17 (1697) vua Chiêm Thành là Bà Tranh không tiến cống, lại còn quấy nhiễu nước ta. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính tiến đánh chiếm nốt phần đất sau cùng của Vương quốc Chiêm, là Bình Thuận ngày nay.

Qua gần 7 trăm năm, xứ Chiêm mới thuộc về nước ta. Điều đó cho thấy dân tộc An Nam không có máu thực dân. Chẳng qua hoàn cảnh lịch sử lúc đó đã đẩy đưa các vua quan nước ta vào thế chẳng đặng đừng! Do nhiều điểm cá biệt về lịch sử và địa lý, phần đất Chiêm trở thành miền Trung nước Việt.

Đất miền Nam hiện nay, xưa gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, là một phần đất ngó ra biển Đông của vương quốc Chân Lạp, Campuchia. Bắt đầu từ năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu chiêu mộ lưu dân, từ Quảng Bình trở vào Bình Thuận, đến lập nghiệp ở đất Biên Hòa và Gia định. Năm 1759, Chúa Nguyễn Thuận nhận đất Tầm Phong Long do vua Chân Lạp là Nặc Tôn trao tặng để tạ ơn, lập thành tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang. Sau Chúa Nguyễn lại nhận thêm năm phủ sát cạnh vương quốc Khmer lập nên tỉnh Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai quản.

Tôi còn nhớ một buổi tối, anh tư, chị hai và thằng Nghĩa lặng lẽ khăn gói đi xa. Tôi tò mò. Mẹ nói anh tư đi Mỹ Tho. Rồi họ lại trở về. Đến chuyến thứ ba, tôi không thấy anh trở về nữa. Sau này, tôi mới biết Nghĩa và chị hai, dù không toàn vẹn thân thể, cũng đã vui định cư tại nước Mỹ. Cướp biển dã man đã giết anh tư và quăng xác anh xuống biển Đông. Ngồi bên ly ba xi đế ba tôi thường ngâm nga:

Một là con nuôi cá.
Hai là con nuôi má.
Ba là má nuôi con.

Ba tôi buồn cũng phải. Anh tư vừa đậu tú tài thì nộp đơn thi vào đại học. Nhưng do lý lịch gia đình Công giáo, anh không thể làm tử sĩ ứng thí để ‘thỏa chí tang bồng’ như bạn bè cùng lớp. Anh đành chọn cho mình một môi trường thoáng đãng, trong lành hơn. Rồi anh ra đi không ngày trở lại!

Có lẽ để lấp đầy khoảng trống vắng trong lòng, ba tôi miệt mài trong công tác tông đồ. Ba làm công tác mục vụ giáo xứ, công tác từ thiện, và còn tham gia nhiều đoàn thể tông đồ giáo dân rất tích cực. Nhiều bữa cơm ấm áp, bốc khói đã âm thầm đợi chờ ba trong nguội lạnh. Má an phận nói: “Các con nên thông cảm cho ba. Ba làm công tác nhà thờ để tìm chút vui trong danh dự. Tuổi về hưu, người ta thường muốn có chút danh thơm cho mình thôi”.

Tóm tắt bài học lịch sử của má, ba có nói với tôi: “Gốc của người miền Nam là di dân từ miền Trung. Gốc của người miền Trung là di dân từ miền Bắc vô. Do đó, Tết đến, trên bàn thờ ông bà, người Nam và người Trung đều có bánh tét. Bánh tét của xứ Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã đi vào hùng sử ca dân tộc Việt trong trận chiến thắng hiển hách quân Thanh giải phóng miền Bắc. Ngày mùng năm tết Kỷ Dậu, 1789”.

Tôi hỏi: “Ba ơi! vậy là tổ tiên của người Việt hải ngoại là di dân miền Nam, phải không ba?”
Ba không trả lời, chỉ gật gù, nhíu mày, nốc cạn đắng ly “nước mắt quê hương” rồi ngâm nga:

“Nhà Bè nước chảy chia đôi.
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...”

Từ năm đó, Tết đến gia đình tôi càng thêm vắng buồn. Chị gái tôi, già trước tuổi, không buồn trang điểm, đại diện cho anh chị vắng mặt mừng tuổi ba má mỗi dịp xuân về. Năm nay nữa, năm Nhâm Thìn này xin chị vui lòng đại diện năm người con của ba má chúc tuổi má nhé chị. Tôi thì thầm...

Cách đây hơn mười năm, ba tôi đã lẳng lặng ra đi mãi mãi trong một cơn bạo bệnh, để lại bao tiếc nuối khôn nguôi cho má, oằn oại trong đắng cay, một người đàn bà thuần Việt: tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử. Qua năm sau, chị tôi lấy chồng tại thành phố Mỹ Tho. May mắn, chị tôi không phải làm dâu. Anh rể đã về ở chung với gia đình tôi. Ít năm sau, tôi xin phép má lên thành phố đông dân nhất nước này tìm việc. Dầu có bằng cao đẳng, khó khăn lắm tôi mới kiếm được một mức lương đủ sống. Những vị trí béo bở, con ông cháu cha đã chiếm dụng hết sạch. Cơn bệnh thế kỷ luôn rình rập dân nhập cư độc thân, hào hoa như tôi, nên khi tìm được việc làm rồi, tôi liền xin phép má cưới vợ. Má tôi mừng ra mặt. Má không ngại con dâu là người Bắc di cư. Di cư năm 1975.

Nhưng cha xứ nơi tôi nhập cư thì không dễ gật đầu bật đèn xanh như má tôi. Trong bí tích Hôn Nhân, người thừa tác đồng thời cũng là thụ nhân. Độc đáo nhất trong bảy phép bí tích là đây. Bù lại người trong cuộc lại phải chịu nhiều nỗi nhiêu khê nhất. Một nửa của tôi cùng là dân nhập cư, kẻ Bắc người Nam, đến lập nghiệp tại Sài Gòn-Gia Định này. Khi đến sinh sống nơi cộng đoàn giáo xứ mới, tôi những muốn đóng góp công sức trong khả năng. Nhưng khi gặp những ánh mắt dè chừng lạnh lùng, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ trong tôi bỗng xìu xuống như cọng bún về chiều. Ba tôi nơi chín suối có lẽ cũng đồng cảm với thằng con út mới hơn ba mươi tuổi đã về ở ẩn. Do đó tôi chưa có sổ Gia đình Công giáo thuộc giáo xứ này.

Để đối phó với tình huống mới, một nửa phải bay ra Bắc, miền núi Cao Bằng, sưu tập đầy đủ chứng cứ mình là Công giáo gốc. Một nửa phải lội về sông Tiền để mò tìm những chứng thư Rửa tội, chứng nhận phép Thêm sức mà chưa cưới vợ lần nào. Bạn tôi nhắn nhủ: “Thôi thì đời cha hy sinh cho đời con. Con cái của mình sẽ không có chữ “nhập cư” khắc trên má nữa, như thời xưa tổ tiên Công giáo mình bị khắc “tả đạo” vậy”.

Hằng năm, tôi đều dẫn vợ và hai con về quê nghèo Mỹ Tho ăn Tết với bà nội chúng. Sáng mùng ba, tôi lại đưa hai cháu về Sài Gòn vui Tết với ông bà ngoại trong một căn nhà ngoại ô. Cách đây một tháng, tôi làm vuột mất một áp phe khá nặng ký. Cô vợ đẹp đẽ, đỏng đảnh, dễ thương của tôi sụ mặt mấy ngày liền. Cô chì chiết đủ điều. Không phải tôi chậm tay, thiếu nhạy bén trong thương trường. Dù sống xa gia đình, tôi vẫn không quên lời dạy dỗ của ba má: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín con phải ghi nhớ trong lòng.

Cách đây hai hôm, cô vợ của tôi đã nói lời vĩnh biệt, và xách hai đứa con yêu dấu của tôi về nhà ngoại. Năm nay cô không về vui Tết với má tôi. Tôi đã xuống nước nài nỉ nàng nhiều phen, mất cả manh giáp nhưng vô hiệu. Tết này tôi đành chấp nhận cô đơn. Chàng hiệp sĩ một mình trên lưng chiến mã.

Ngày mùng một Tết, tôi sẽ đến nhà anh chị ba, tại khu căn hộ cao cấp Phú Mỹ Hưng, để tìm mùi Whisky. Nhà anh chị ba lúc nào cũng đầy ắp các loại rượu ngoại đắt tiền: Whisky, Cognac, Hennessy, Martell, Remy Martin, VSOP, Vodka, Black & White, Jonhny Walker... Từ khi ba tôi qua đời, tôi cảm thấy thèm mùi rượu. Dù biết rõ ma men tàn phá cơ thể ghê gớm, nhưng tôi vẫn không thể chiến thắng trước sức cám dỗ thơm tho quyến rũ của nó. Tối mùng một tôi sẽ lai rai với anh bạn đồng niên, vợ con hiện ở ngoài quê Bình Định. Tết này, anh cũng không thể về quê nhà miền Trung vui Xuân vì những lý do khó nói ra đây. Mùng hai Tết, tôi phải đi gặp một nửa thông minh của tôi. Rồi vợ tôi sẽ hiểu, tiền bạc cũng cần nhưng không phải vượt trên tất cả mọi giá trị trên đời. Tôi sẽ kể cho nàng nghe những ý nguyện cuối đời của Alexandre đại đế:

- Ta muốn châu báu của ta phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ta để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này.
- Ta muốn bàn tay của ta thò ra khỏi quan tài, đong đưa trên không cho mọi người đều thấy, để mọi người hiểu rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là TÌNH YÊU. Tình yêu thương giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với con người (x.1Cor 13, 1-13). Không có vợ con tháp tùng, tôi không dám về quê ăn Tết với má. Một miền quê ấm đậm tình người. Tôi đành bắt chước anh ba, xin phép má vắng Tết này vì phải công tác xa.

Má ơi! Con xin lỗi má!
Xuân này con không về.

Sài Gòn, cuối năm Tân Mão 2011

Minh Tâm

 Tags: Giao thừa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây