THƯA BA MÁ CON ĐI
Những ngày vui sum họp ấm áp quây quần đón Tết với gia đình thật chóng qua. Hôm nay các con lại lặng lẽ “khăn gói quả mướp” hành trang lên đường. Khác hẳn với lúc trở về trong hân hoan mừng rỡ, ra đi các con ngậm ngùi khi phải chia tay ba má, chia tay anh chị và các em để lên đường.
Gia đình ông bà A. năm nay ăn Tết to hơn mọi năm. Chả là ông bà có anh con rể cả về quê ngoại ăn Tết. Anh là giám đốc trẻ một công ty nọ, quanh năm làm việc ở thành phố, vì yêu cô bé sinh viên công giáo nhà quê vừa tốt nghiệp đại học, anh tự nguyện học đạo, cưới cô bé xinh xắn làm vợ. Anh từ giã mọi tiện nghi thành phố về quê vợ đón Tết cùng ông bà, họ hàng thân tộc, xóm làng. “Yêu ai yêu cả đường đi…” là thế. Lần đầu tiên anh được sinh hoạt chung trong một xứ đạo miền quê suốt ba ngày Tết. Xứ đạo tuy nghèo nhưng thắm đượm tình người. Mọi người đều thực lòng và mến khách. Bà mẹ vợ lấy làm vui cho dù phải bận rộn chuyện bếp núc, miễn là các con bà hoà thuận, gia đình bà vui vẻ. Hôm nay hai con chào ông bà lên máy bay về lại với công việc tại thành phố. Bà cảm động rưng rưng nước mắt. Công lao vất vả dạy dỗ đầu tư cho con ăn học, nay nhìn thấy con đang hạnh phúc, bà tạm yên lòng.
Gia đình bà cố B. năm nay đón một Mùa Xuân đầy thánh đức. Người con trai út về nhà đón xuân với mẹ và các anh các chị. Anh trở về sau một năm xa nhà để theo học trong một Đại chủng viện. Thằng bé bụ bẫm tinh nghịch trước kia chẳng mấy chốc lại là một linh mục. Đứa con gái kế út hiền lành ngoan ngoãn trở về với mẹ từ một nhà dòng. Bà xơ về ăn Tết với mẹ, suốt ngày tíu tít với mẹ già, lúc nào cũng hết lòng chăm lo cho mẹ. Ấy vậy mà hôm nay cả thầy và xơ đều nói “thưa mẹ con đi”. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ, chúng con luôn cầu nguyện cho mẹ. Bà đã dâng tặng hai người con cho giáo hội rồi mà sao mắt bà cứ cay cay khi chia tay các con. Ừ, chúc các con lên đường bằng an. Hy vọng các con sẽ làm rạng danh cho giáo xứ, giáo họ.
Gia đình ông bà C. đón Xuân này chưa mấy mãn nguyện. Anh con trai đang học đại học năm cuối nhưng còn nợ nhiều môn lắm. Không biết có vượt qua để tốt nghiệp không.Suy nghĩ thiếu chín chắn, xa sự kèm cặp của cha mẹ đã đưa anh thanh niên trai trẻ đến tình trạng này. Sự lo lắng thương nhớ không nguôi đã khiến mắt mẹ già ứa lệ hằng đêm. Thương con, bà nhắc nhở, bà âm thầm cầu nguyện. Chồng bà sáng suốt bình tĩnh gọi con răn bảo, phân tích điều hay lẽ phải, mong con sớm tỉnh thức. Con đã xin lỗi cha mẹ và hứa chăm lo học tập. “Thưa ba má con đi” làm lại cuộc đời. Ba má sẵn lòng tha thứ, mong con nên người.
Gia đình ông bà D. đang tiễn chân hai đứa con gái cưng. Đứa chị đã có bằng cử nhân, hàng tháng lãnh lương ít ỏi bằng đô la của một công ty nước ngoài. Chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân, ngày ngày chị bận bịu làm việc lo cho đứa em ăn học. Đứa em lên thành phố ở với chị đang theo học đại học năm thứ hai. Mọi chi phí của em đều do chị cung cấp, đỡ đần gánh nặng cho cha mẹ. Người nông dân không kham nổi những khoản chi đắt đỏ ở thành phố lớn. Hai chị lên xe. Bé út oà khóc. Em ở nhà với ba má cho ngoan, thích gì chị mua cho. Chị sẽ về chơi với em nữa mà, mai mốt lớn lên chị dẫn đi học đại học ở thành phố. Rồi chị lén gạt nước mắt xa đứa em thơ dại.
Lên đường làm việc để mong sao có cuộc sống no đủ hơn là việc cần thiết. Lên đường để tu học, để dâng hiến phục vụ rất đáng trân trọng. Lên đường học tập để tiếp thu kiến thức, đạt được các bằng cấp cao, mai sau có ích cho đời phải là ước vọng, là lý tưởng của tuổi trẻ trong giáo xứ giáo họ. Nhưng học để làm người, sống cho ra người mới là môn học cơ bản mà học sinh, sinh viên trong xứ cần học trước. Vẫn biết các con xa nhà, ốm đau không được đôi bàn tay mẹ chăm sóc. Các con gặp khó khăn, không được người cha chỉ dạy đỡ nâng bênh vực là một thiệt thòi. Nhưng các con hãy can đảm vượt qua mọi gian truân thử thách, sống xứng đáng là một người công giáo đạo hạnh. Có như thế cha mẹ mới hài lòng, cha mẹ mới yên tâm.
“Thưa ba má con đi”. Một lời chào đầy hứa hẹn cho các bậc cha mẹ.
Kim Phát, mồng 7 Tết Nhâm Thìn
Kim Hoàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn