Người Do Thái trải qua biết bao đau khổ, những cuộc lưu đày xa quê hương, những cuộc tàn sát đẫm máu, những kỳ thị thời hiện đại. Mong ước bình an là một khát mong không nguôi. Chúa đến chào chúc “bình an” hoặc sai các môn đệ đi đến nhà nào thì cầu chúc “bình an cho nhà này” là lời chào thấm thía, đầy ý nghĩa người Do Thái đã hiểu.
Shalom – Bình an.
Những năm tháng thịnh trị đã qua với 40 năm triều đại vua Đavit, yên bình của xứ sở phúc lộc Chúa đầy tràn. Người Do Thái luôn nhắc nhớ nhau về thời gian yên bình, hạnh phúc ngắn ngủi ấy so với hơn hai ngàn năm đau khổ triền miên.
Từ năm 70 Sau Công Nguyên, người Do Thái tản mác đi khắp nơi, mất quê hương, mất xứ sở, đất đai, tài nguyên, chỉ còn có những con người khắc khoải nỗi mong hoài hương từ đời này sang đời khác. Thời xa quê, dù ở đâu, họ cũng hướng về Giêrusalem cầu nguyện ngày ba buổi, xin cho chúng con được quay về quê Sion, như khi xưa trong thời lưu đày: “Bên sông Babylon, tôi ngồi tôi khóc, tôi nhớ Sion” (Tv 137, 1). Nỗi nhớ thương bi ai trong tiếng khóc não nề của dân tộc lưu vong, họ luôn mở miệng chào nhau: “Shalom” với ý nghĩa mong ngày trở về Sion.
Tại bức tường than khóc còn sót lại bên đền thờ Giêrusalem. Người Do Thái chỉ được về bên bức tường đó mà không được mang theo đồ đạc gì, để khóc, để nhớ về một quê hương đã không còn. Trong cái nhọc nhằn nhất, là mất quê hương, không nơi nương thân để trở về thật bi ai, khốn khổ.
Trong niềm tin “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó… và chỉ có một vua là vua tất cả” (Ed 37, 21). Họ lúc nào qua mọi thời đại vẫn luôn xuất hiện những con người ái quốc, vận động những phong trào “về lại Sion”. Theodore Herzl (sinh năm1860 - 1904), là một nhà báo yêu nước nồng nàn và rất đau xót trước những cảnh người Do Thái anh em mình bị kết những thứ tội không đâu, nhất là trong vụ án Dreyfus. Tại phiên toà 1894 ông nghe những người Pháp là những người văn minh cũng đã thốt lên: “Giết người Do Thái”. Câu nói ám ảnh ông suốt ngày đêm, năm 1895, ông viết cuốn “L’ Etat Juit – Quốc gia Do Thái”. Cuốn sách đánh động nhiều người Do Thái khắp nơi, với lời hiệu triệu “Không ai cho không bạn một quốc gia, bạn hãy tự cứu lấy”. Từ ấy câu chào “Shalom – bình an” lại như thêm lửa nóng, cháy thêm những tâm hồn nhiệt huyết, họ quyết tâm trở về quê cha đất tổ.
Rồi nỗi nhớ về Sion không ngừng dâng lên sau những cuộc tàn sát đau thương trong những lò hơi ngạt của phát xít Đức. Họ hẹn nhau trong câu chào “shalom” với ý nghĩa “sang năm về lại Sion”. Họ hẹn nhau ở Sion, nhưng Sion ấy ở đâu, khi họ bị giết chết, nếu không phải là một “Sion” trên trời, Chúa đoái thương dân tộc của Người.
Hiểu được câu chào Shalom qua những đau thương, người Do Thái đã gom tiền mua lại những miếng đất bỏ không tại Palestine. Cuộc hồi hương (Exodus) bắt đầu theo nhiều đợt, các nhà tài giỏi gồm các chuyên môn, bỏ việc lương cao ở nước ngoài, họ về tái thiết lại vùng đất khô cằn trở nên miền đất trù phú. Ngày 14 – 5 – 1948, bản tuyên ngôn lập quốc được công bố tại quốc hội Israel do David Ben Gurion (1886 – 1973). Cả dân la hò như reo mừng ngày thắng trận năm xưa. Còn ông David Ben Gurion thì lo ngại các nước chung quanh sẽ đập tan quốc gia non trẻ này. Nhưng ông Gurion đã thành công qua những trận chiến đấu bảo vệ được quốc gia Israel. Sau đó, ông trở về chăn cừu sống với đồng ruộng.
Bình an có lẽ ngày càng xa, khi vào đêm ngày 07 tháng 10 năm 2023 Hamas tấn công vào Israel một cách tàn bạo, giết chết trên ngàn người và bắt có hơn 200 con tin. Một quốc gia nhỏ bé giữa vùng Trung Đông gồm Hezbollah, phong trào thánh chiến Hồi Giáo, Hamas chỉ muốn tiêu diệt Israel.
Câu chào chúc “Shalom - Bình an” có một chiều dầy lịch sử, đau thương và nước mắt.
Vẫn một ước mơ Shalom!
"Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh." (Tv 122, 6 - 7)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan