TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Loạn bàn PHÚC ÂM

Thứ sáu - 01/10/2021 04:20 | Tác giả bài viết: Lã Mộng Thường |   1063
Loạn bàn thì vô cùng nhưng nói ra thì chỉ hai tiếng “Nghiệm xét.” Ai đã bị nỗi thao thức tiềm ẩn hối thúc lao vào hành trình tâm linh mà bên Đông Phương học gọi là “Hành giả” sẽ biết.
Loạn bàn PHÚC ÂM

Loạn bàn PHÚC ÂM

Thay Lời Tựa

Cũng như mọi Kytô hữu, tôi tin vào đức Kytô, tin vào Thiên Chúa, tin nơi những gì được giảng dạy bởi các đấng thẩm quyền đã công bố và được truyền lại cho những kẻ mang niềm tin vào đức Kytô và Thiên Chúa. Chẳng những tin mà tôi còn thực lòng muốn tìm hiểu để sao có thể ít nhất áp dụng Lời Chúa, những lời giảng dạy của các đấng các bậc thẩm quyền nơi cuộc đời của mình sao cho tâm tư được an bình, hài hòa với lòng thao thức bẩm sinh, nỗi khát khao tiềm ẩn của một con người muốn nhận biết mình thực sự là gì chẳng những nơi cuộc sống thế nhân mà còn nơi niềm tin, nơi nỗi thao thức như khát vọng nhận biết giá trị thực sự của đời mình là gì, mục đích là chi, ở nơi nao, và sẽ đi về đâu sau những ngày tháng nơi dương thế này.

Nỗi thao thức, sự khát khao tiềm ẩn này chẳng khác gì ngọn lửa âm ỷ nơi cõi lòng, đôi khi bùng lên thôi thúc tâm tư kiếm tìm, hầu có được giải đáp hài hòa, hợp lý, hợp tình, mong sao thăng tiến nhận thức chân thực bình thường của một con người, ít nhất thỏa mãn lòng khát khao của chính mình. Tất nhiên, Kinh Thánh là kho tàng cho tôi đào bới, tìm tòi. Dẫu không đọc hết mọi chữ nơi phần Cựu Ước, tôi đã có thể tóm gọn lại một câu, và đó là tất cả những gì được viết nơi Cựu Ước minh chứng có một Quyền Lực Tối Thượng được mệnh danh là Thiên Chúa, hiện diện, biến chuyển, và điều hành mọi sự nơi vũ trụ vô cùng này. Tân Ước đã khiến tâm tư tôi nhảy quay lên với những “phát ngôn” tạm gọi bất thường, nếu không muốn nói nghịch thường đối với một tâm hồn bình thường chất chứa niềm tin Kytô hữu. Làm sao và với phương pháp nào tôi có thể thực hành câu, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi” (Mt.
5:29;30)? Và mắc mớ gì phúc âm đã những bẩy lần nhắc đi nhắc lại câu nói thường tình, “Ai có tai thì nghe” (Mt. 11:15; 13:9, 43; Mc. 4:9, 23; 7:16; Lc. 14:35)? Hoặc,  Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta. 38 Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta. 39 Kẻ cố tìm sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại” (Mt.10:37-39; Gioan 12:25). Hay ngược lại niềm tin được rao giảng, “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.  Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt. 10:34-36).

Qua sự tìm tòi về nguồn gốc và địa phương Kinh Thánh được viết, tôi biết được Kinh Thánh được viết nơi miền Trung Đông, khởi thủy bằng ngôn ngữ Amaric nhưng bản Kinh Thánh được dùng làm tiêu chuẩn cho mọi tham khảo, nghiên cứu lại là ngôn ngữ Hy Lạp. Miền Trung Đông tất nhiên liên hệ tới Đông Phương, tôi nghĩ. Sở dĩ tôi có ý nghĩ này vì giới hạn hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ của mình; hơn nữa, tôi chỉ có thể tìm mua được những bản dịch tiếng Việt về một vài đạo học Đông Phương và sách của dịch giả cũng như tác giả nơi ngôn ngữ Việt. Một kho tàng bao la về đạo học Đông Phương đã cuốn hút tôi chìm sâu, ngụp lặn, và chẳng những thế, thao túng, đồng thời vật lộn tâm trí cũng như nhận thức khiến tôi phải tự đặt vấn đề thay đổi chiều hướng suy tư, nhận định, phải lột bỏ những màn kiếng màu ôm ấp, che lấp nhãn quan đã bao lâu nay ấp ủ để hoàn toàn mở rộng thực hiện tuyệt đối tự do tư tưởng trong hành trình nhận thức. Bạn nghĩ sao khi đối diện câu, “Người biết không nói; kẻ nói không biết” nơi Lão học? Quả là nực cười vì ngớ ngẩn phải không? Tôi có thể tưởng tượng, nếu bạn vừa hớp ngụm cà phê đồng thời đọc câu này, coi chừng trang giấy vội bị tràn ngập nở màu hoa nâu. Còn gì nghịch thường hơn câu nói, “Lửa thì không nóng, nhưng tại mình cảm thấy nó nóng” (Huệ Thi), nếu không muốn nói là khùng, là điên; hay đơn sơ, ngốc nghếch như, “Ngón tay ta chỉ mặt trăng, nhưng ngón tay ta không phải là mặt trăng,” hoặc, “Lời ta nói như chiếc bè” (Phật học), thế mà chúng đã mấy ngàn năm ngạo nghễ, hiên ngang thách đố nhân loại nghiệm chứng, và đã biết bao người tiêu hoang cả đời suy tư, đối diện chúng và đã ra đi như chưa hề nghe biết.

Và rồi muôn ngàn pháp, phép, định, quán, thiền, Yoga, hành, nơi Ấn, Phật, Lão học,  rối tung lên với những quan niệm, chủ thuyết của mật tông, minh triết, phái nọ, thừa kia nơi hành trình nghiệm chứng trong khi các bậc chân nhân, thức ngộ hô ầm lên, “Chẳng có cóc rác gì.” Muốn thực hành các pháp, các phép, thiền, Yoga, thì lại phải đối đầu với muôn lý thuyết, quan niệm, chủ trương, giải thích, giải nghĩa rối mù lên; mỗi thày mỗi kiểu, mỗi tông phái vài quan niệm, nhiều pháp thực hành, thực tỏi. Điều căn bản thì chẳng pháp, phép nào nói ra, chỉ phải, chỉ cần định tâm mà định thế nào thì trời biết, đất biết nhưng tác giả, dịch giả chẳng thể nào dù chỉ hé cho một chút để tôi, kẻ hành thiệt muốn thực tập để có thể biến mình thành hành giả. Lục tổ Huệ Năng lại phán thêm, “Ngồi nhiều sinh bệnh” thế nên phát minh hành thiền. Thiền cần định tâm mà hành với tỏi thì định thế nào. Định trong hành, hành trong định; định đã chẳng biết thì sao nói đến hành phương chi định tâm trong hành thiền hoặc ngược lại, quả là cứ rối tung lên chẳng khác chi rợ vô rừng, cái rợ tâm trí nơi khu rừng thâm u Đông Phương.

Ấy may mà tôi quá giỏi tiếng Anh, lại dốt tiếng em; nếu rành thêm chút tiếng Anh để chui vào đám hậu học từ chương thì có lẽ đành ngậm cười nơi chín suối, hài lòng chấp nhận vận số mình nông cạn căn cơ nơi thế giới đạo học. Cũng may là dốt nên đành dậm chân tại chỗ nơi ngôn ngữ Việt với kho tàng Tục Ngữ, Ca Dao, nói một đàng, nghĩa một nẻo chẳng khác gì sấm nổ đàng Đông nhưng ý động đàng Tây. Bị quần riết rồi cũng có lúc sáng ra, mà đến lúc chợt nhận ra ánh sáng cuối đường hầm thì mới biết những điều đã cố gắng nhận biết đã chẳng cần biết gì bởi những sự cần biết đã sẵn ở nơi mình, chỉ cần kiến tính (Huệ Năng).

Ai chẳng thế, đều coi thường những gì mình có để rồi tốn công, hao của mò móc, theo đuổi điều trong ước mơ. Ai không bao giờ đứng núi nọ nhìn núi kia cao. Ai không nhận thấy vợ người đẹp hơn vợ mình! Cái đặc tính trời ban ham của lạ này lại tràn đầy nơi tôi; cho đến khi nhận thức được vào đời tay trắng thì ra đi cũng trắng tay, trở về với thực trạng con người của mình mới nhận ra cái thực thể trắng tay đã tự bao hàm một căn cơ toàn vẹn. “Kiến tính,” chỉ cần kiến tính là thành Phật. Phật đã ở tại tâm thì đâu cần pháp với phép chi, nhưng làm sao để kiến tính thì lại phải nghiệm chứng. Nói đến nghiệm chứng đành đối diện muôn ngàn phép tắc mà tác giả, dịch giả giải thích, giải mã trăm phương ngàn hướng. Đọc cho đã, tìm mệt nghỉ, cuối cùng cũng trở lại chính mình. Kết cục, biết đó, thực hành đó, tất cả không ngoài tâm tư. Đến lúc trở lại cuốn Kinh Thánh, những thực nghiệm, thực chứng, nghiệm chứng, quán tưởng, thiền, định, pháp, phép của muôn ngàn chiều hướng nằm chình ình ra đó nơi Tân Ước mà nào mấy ai để ý; và đó là, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22). Điều kiện chỉ là cần giữ tâm hồn tự do tuyệt đối, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8).

Loạn bàn thì vô cùng nhưng nói ra thì chỉ hai tiếng “Nghiệm xét.” Ai đã bị nỗi thao thức tiềm ẩn hối thúc lao vào hành trình tâm linh mà bên Đông Phương học gọi là “Hành giả” sẽ biết. Những gì được mạo muội chia sẻ nơi đây, hy vọng chỉ phần nào kích thích hoặc thách đố với ước mong nói lên nghĩa ám định của ba chữ, “Theo đức Kytô” nơi thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê.

Về tên của tập bài viết này, bởi chủ điểm của chúng đều nói về nghiệm xét những câu nói bất thường, nghịch thường nơi phúc âm, nên thuở ban đầu được tạm đặt là “Nghiệm Xét Phúc Âm,” nhưng danh hiệu này quá lớn lao, nếu không muốn nói là nổ, là lạm dụng danh hiệu phúc âm; do đó nó được chỉnh lại thành, “Theo Đức Kitô,” nhưng, lại cũng chữ nhưng, mặc dầu được trích từ lời khuyên của thánh Phaolô về tâm trạng nên có của những ai thực hành “Nghiệm xét mọi sự;” “Ch không theo Đc Kitô;” nó lại bao hàm nhiều thách đố nơi tâm tư “hành giả.” Thiển nghĩ, trong giới hạn luận bàn, phiếm luận, không dám đụng chạm đến bình luận. Sự suy tư hạn hẹp cá nhân chẳng nên “bố láo bố toét,” lớn lối đề nghị nhăng cuội, mà chỉ dám liều mạng phơi bày nét nhìn thiển cận may ra chọc tức sự suy tư độc giả hầu mong độc giả vô tình hay hữu ý bực mình phát sinh nhận thức chính xác hơn nơi những câu nói khôn ngoan và dụ ngôn ngang ngang ngửa ngửa nơi phúc âm mà thôi. Biệt danh “Loạn Bàn Phúc Âm” được phát sinh. Mong quí độc giả cảm thông.

Hành thiệt thay vì là “hành giả.” Mong thay!

01 NGÔN NGỮ VÀ ĐẠO HỌC

Đọc sách, đọc truyện, là một niềm vui của nhiều người; dẫu đọc với mục đích nào thì sách, truyện nhiều khi trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc đời một người. Ngày nay, phương tiện truyền thông phát triển cung phụng nhiều phương tiện qua nhiều dạng thức càng giúp con người nhận biết về những phương diện muốn biết hoặc liên hệ. Tuy nhiên, những cuốn, Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, kinh Kim Cang, kinh Đại Niết Bàm, Pháp Bảo Đàn kinh, Kinh Thánh, Bagagìta, v.v... luôn đóng vai trò khiêu khích hoặc đòi hỏi độc giả nhiều tâm sức nghiền ngẫm, suy tư hầu nhận thức ẩn ý, sự khôn ngoan cần được nghiệm xét hay nghiệm chứng dẫn độc giả tiến đến thức ngộ chẳng ngờ. Sự thức ngộ này, nếu ai đã trãi qua mới có thể nhận biết, thay đổi tâm tư, nhận thức, quan điểm một người, rất phù hợp câu nói, “Muốn thay đổi thế giới, hãy thay đổi chính mình.”

Có câu nói, “Đọc sách mà tin vào sách thà đừng đọc.” Ngay như những sách dạy về kỹ thuật, dạy nấu ăn, trồng cây, nuôi cá, là những sách thực dụng, nhưng sự áp dụng, thực hành vẫn còn bị lệ thuộc nhiều điều kiện thực tiễn nơi địa dư và thế giới nhân sinh, đặc biệt sáng tạo cá nhân. Riêng những sách về đạo học, thì lại càng lệ thuộc thực trạng tâm tư người đọc. Hơn nữa, sách đạo học chính là sản phẩm nghiệm chứng, nghiệm xét, nhận thức, của tác giả. Mà đã là nhận thức, nghiệm xét, thì không thể giảng giải, giãi bày, và lại càng không thể học được. Nhận thức chỉ có thể ngộ, không thể cầu mong. Thế nên các sách đạo học được viết theo phương thức ngắn, gọn, nói lên kết quả suy tư, nghiệm chứng, để độc giả suy tư, suy tưởng, nghiệm xét chứ không phải để được giảng giải. Những câu nói nơi sách đạo học chính là sự thách đố, khêu gợi, kích hoạt tâm tư độc giả suy tư, nghiệm xét,  Như thế, có thể nói, giảng giải chỉ dẫn tâm thức hành giả vào đường tà, hay ngăn chặn cơ hội thức ngộ của kẻ khác. Có lẽ, đây chính là lý do câu phúc âm phát sinh, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.” Dẫu ai đã vô tình nghiệm được câu này, đồng thời thấm thía với lời nhắc nhở, “Và quay lại cắn xé các ngươi” mới nhận thức được cái lỗi lầm do lòng nóng sốt muốn khai hóa người khác. Nhận thức thực thể, “Và quay lại cắn xé các ngươi” với lòng chân thành, chính nỗi đau tâm tư do lòng nóng sốt coi chừng lại trở thành cơ hội cho mình thăng tiến nơi hành trình tâm linh.

Một điều bình thường nơi sách đạo học nhưng lại trở thành bất thường đối với độc giả; đó là những câu nói, câu viết, như kết quả hay sản phẩm nhận thức của tác giả thường đẩy hiểu biết bình thường của độc giả rơi vô trạng thái hụt hẫng. Chẳng hạn, nơi Lão học có câu, “Đi xa tức là về gần.” Hoặc, “Người biết không nói, kẻ nói không biết.” Huệ Thi lại hô lên, “Lửa thì không nóng nhưng tại mình cảm thấy nó nóng.” Nhà Phật mới nói lên lắm thứ éo le, “Cái vỗ của một bàn tay.” hoặc có vẻ đơn sơ, ngờ nghệch, nhưng thâm trầm, “Ngón tay ta chỉ mặt trăng, nhưng ngón tay ta không phải là mặt trăng.” Ai không biết như thế, nhưng sao câu nói đơn sơ, đơn giản này lại có thể đứng vững mấy ngàn năm nơi hành trình nghiệm chứng nhà Phật? Một Thích Ca được muôn đời kính ngưỡng, la lên, “Lời ta nói như chiếc bè” để rồi thêm, “Trong 49 năm rao giảng, ta chưa từng nói gì.” Có ai dám suy tư về câu nói nghe như của dân chơi, “Oánh mày, oánh tao.” Tân Ước coi bộ diễn giải, hiền hòa nhưng thâm trầm không kém, “Ai có tai thì nghe.” Ai là người không có tai và dĩ nhiên tai dùng để nghe; ai không biết như thế, nhưng sao lại nói, “Ai có tai thì nghe.” Bất cứ ai để tâm nghiệm xét câu này mới thấy nét ngây ngô, đơn sơ, của câu nói gây nên lắm cảnh khúc mắc tâm tư, đòi hỏi tính chất thâm trầm suy tưởng, nghiệm xét. Chưa hết, nơi phúc âm của Tân Ước, còn kéo thêm nhà Lão vô. “Kẻ trước hết trở nên sau hết” của nhà Lão, được chuyển biến thành, “Nhiều kẻ trước hết sẽ trở nên sau hết.” Đồng thời, nhà Ấn cũng được mời gọi, “Cha ta và ta là một” nơi Gioan, một thức ngộ của RamaKrishna nhà Ấn nơi một ngôi đền cổ. Đã ai bao giờ dám nghĩ, “Anh em không biết sao: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor.
3:16)? Thế mà, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi” (Mt. 5:29;30). Ai là người không bao giờ lầm lỗi? Thế sao những người tin theo  không ai thực hiện mà câu này vẫn đứng vững tử ngàn xưa? Có lẽ người ta đã áp dụng một cách thực tiễn câu, “Đọc sách mà tin vào sách thà đừng đọc.” Vậy đọc sách để làm gì? Để giết thời giờ? Ai có thừa thời giờ để giết; trong khi đã có người la lên, “Người làm không hết việc; kẻ giết vẫn thừa giờ!” Cuộc đời xô đẩy ai rơi nơi hoàn cảnh nào thì người ấy tự biết.

Để tìm hiểu hoặc nhận định một vấn đề, người đối diện cần biết nguyên nhân phát sinh, những điều kiện liên hệ, và mục đích cũng như ứng dụng của sự vật hay sự thể. Như thế, khi đối diện với những câu nói bất thường nhiều khi lại được coi như quá thường tình, chẳng hạn, “Ai có tai thì nghe,” hoặc “Lời ta nói như chiếc bè,” người đọc hoặc nghe thường không đặt vấn đề vì thấy câu nói quá thường tình nên bỏ qua và cho rằng chẳng có chi đáng nói. Lý do, con người đã quá quen với suy tư hiện thực, hữu vi, thế tục, quá quen với lối phát biểu thực tiễn chẳng hạn như một cộng với một thì luôn luôn bằng hai trong giới hạn đồng tính chất, mà không để ý có những sự hòa hợp, kết hợp khác bất đồng tính chất vẫn thường xảy ra. Chẳng hạn, dẫu xung khắc nhau như nước với lửa, nhưng qua môi trường trung gian của chiếc ấm hay chiếc nồi, sự hòa hợp giữa nước với lửa được kết hợp để có nước nóng pha trà hay pha cà phê. Hay nơi chính một người, xác và hồn là hai thực thể hoàn toàn khác biệt, nhưng lại có sự hòa hợp, kết nối không dễ phân biệt chẳng khác gì một cộng một bằng một bất khả phân ly.

Hơn nữa, ngôn từ phát biểu lắm khi nghịch thường, đặc biệt nơi các sách đạo học. Nơi lối nói quen dùng, chúng ta nói, “Đi khám bác sĩ” trong khi ý nghĩa ngược lại, ai cũng hiểu; hoặc “Đi sửa sắc đẹp,” ai không biết câu nói mang ý nghĩa gì. Chính sự nghịch thường bình thường này đã trở thành thói quen khiến tâm tư người đọc nhiều khi, nếu không muốn nói là vô cảm với điều đang đối diện khi đọc. Thí dụ, ai không cảm thấy tức cười với câu nói thoạt đọc có vẻ ngây ngô, “Người biết không nói, kẻ nói không biết” (Lão)? Hay, “Lửa thì không nóng nhưng tại vì mình cảm thấy nó nóng”  (Huệ Thi).Thói quen suy tư, tính toán, hay nhận thức hữu vi đã khiến độc giả trở nên vô cảm đối với nhận thức khi đối diện phát biểu như thành quả hay sản phẩm nghiệm xét, nghiệm chứng hay nhận thức.

Tuy nhiên, đối với những tâm tư mở rộng, dám thử đặt vấn đề về mọi phương diện của bất cứ phát biểu, hay câu nói bình thường hoặc bất thường, dẫu có vẻ ngô nghê, đơn thuần nào, lắm vấn đề liên hệ sẽ được phát sinh. Chẳng hạn nơi phúc âm có câu, “Ai có tai thì nghe.” Hay nơi nhà Phật phát biểu, “Lời ta nói như chiếc bè.” Ai không biết hay không hiểu hai câu nói đơn sơ, tự nhiên, dễ hiểu này trình bày sự hiển nhiên, tự nhiên, bình thường nơi cuộc đời. Nhưng nếu để  ý một chút, chính sự bình thường nơi nhận định hữu vi của câu nói đã trở nên màn chắn ngăn cản, nói cách khác, che lấp, kiến tạo vô cảm với nhận thức của một người. Sự thể, trạng thái tâm tư này phỏng có thể phát sinh từ trạng thái quá quen với lối suy nghĩ hữu vi nên không để ý suy tư nơi phương diện khác, phương diện tâm linh của con người, hoặc bởi câu nói quá đơn sơ, mộc mạc đã bị coi thường?

Đặt vấn đề như thế và để ý về những câu nói, những phát biểu, nhiều khi ngây ngô hoặc không hợp lý, chẳng hợp tình, có thể nói là nghịch thường hay bất thường nơi sách đạo học, và nếu để ý thêm nơi phương diện nào đó của cuộc đời câu nói nhắm tới, độc giả, đặc biệt tâm tư hành giả, chắc chắn sẽ bị chìm sâu vô thế giới tư duy đầy rắc rối, một cuộc chiến tâm tư chợt bùng nổ chẳng ngờ. Tôi nói chẳng ngờ vì không thể nói lên được gì; bởi chỉ người trong cuộc mới thực sự nghiệm được điều gì, khúc mắc nào đang diễn tiến nơi tâm tư. Chẳng hạn, nơi Lâm Tế Lục có câu, “Gặp Phật, giết Phật; gặp tổ giết tổ.” Hay, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt.
5:29-30). Hoặc, “Cứ theo Ta, và để kẻ chết chôn cất người chết của chúng” (Mt 8:22); “Kẻ vừa tra tay vừa cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa!” (Lc. 9:62); “Quả thật, Ta bảo các ngươi: giàu có khó mà vào được Nước Trời. 24 Ta lại bảo các ngươi: Lạc đà vào lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Trời”(Mt. 19:23). Trong hành trình suy tư, suy tưởng, nghiệm chứng, nghiệm xét, tất cả mọi sự xảy đến nơi tâm trí được ám định bằng sự việc hay ngôn ngữ hữu vi, chỉ người nghiệm xét biết, chỉ người suy tư thực sự đối diện.

Đối diện làm sao, và cách nào để tiếp tục suy tưởng? Vì mọi sự, mọi nhận định ý tưởng đều xảy đến/ra trong tâm tư, không ai có thể tham gia, giãi bày và nếu có chia sẻ với bất cử ai cũng vô ích; bởi người nghe sẽ không thể nào cảm nghiệm được sự thể mình đang phải đối diện. Lời khuyên nơi Lâm Tế Lục khuyến cáo thẳng thừng, “Gặp Phật, giết Phật; gặp tổ, giết tổ.” Bất cứ những gì xảy đến làm phiền hành trình suy tư, đều cần được loại bỏ. Nơi Tân Ước, Phaolô rõ ràng khuyên, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8) trong hành trình nghiệm xét, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22).

Thử nghiệm xét đoạn phúc âm Marcô, 17”Nhằm lúc Ngài ra đi lên đàng, thì có người chạy lại quỳ xuống bái lạy Ngài: 'Lạy Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đòi làm cơ nghiệp?' 18 Nhưng Ðức Yêsu nói với người ấy: 'Sao ngươi nói Ta tốt lành? Không có ai tốt lành trừ phi có một Thiên Chúa. 19 Ngươi biết các giới răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ quịt của người, hãy thảo kính cha mẹ'. 20 Người ấy nói với Ngài: 'Thưa Thầy, mọi điều đó tôi đã giữ từ thuở bé'. 21 Ðức Yêsu nhìn người ấy đem lòng yêu mến, mà bảo rằng: 'Ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! có gì thì đem bán mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta!' 22 Người ấy sầm mặt xuống vì lời đó mà bỏ đi buồn rầu, vì nó có nhiều của. 23 Nhìn quanh Ngài, Ðức Yêsu nói với môn đồ: 'Những người có của khó vào được Nước Thiên Chúa biết bao!' 24 Môn đồ ngẩn người ra vì những lời của Ngài. Nhưng Ðức Yêsu lại lên tiếng nói: 'Này các con, khó vào được Nước Thiên Chúa biết bao! 25 Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa'“ (Mc. 10:17-25; Mt. 19:16-24).

Mới thoạt nghe hay đọc đoạn phúc âm ai cũng nhận biết người thanh niên giầu có, có cuộc sống tốt lành, tuân giữ luật lệ, đã nản lòng mà bỏ đi chỉ vì không thể chấp nhận, “Ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! có gì thì đem bán mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta!” Và đồng thời tâm tư độc giả sẽ bị ngớ ra với câu kết luận, “Này các con, khó vào được Nước Thiên Chúa biết bao! 25 Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa.”

Thử đặt mình nơi vị thế của người thanh niên giầu có với cuộc sống tốt lành, ngay chính giữa đời cũng như tôn giáo. Giầu có đâu phải là sự đáng bị chê trách nhưng ngược lại được quan niệm như được chúc lành do sống công chính trước mặt Thiên Chúa nơi Cựu Ước. Kinh nghiệm sống minh chứng, người sinh ra để được giầu có mới có thể trở nên giầu có. Người đã không được sinh ra để giầu có thì dẫu làm ăn lấm lưỡi, chắt bóp đến mấy cũng không thể nào vươn lên được. Thử nhìn lại cuộc đời chính mình, ai cũng nhận ra, khi tiền bạc tới, nó tới rất ngu, nhưng lúc ra đi, nó ra đi rất khôn, dù muốn giữ lại, cố níu kéo cách mấy thì cũng chỉ tốn kém thêm. Người thanh niên giầu có chẳng những đâu làm gì sai trái mà còn ước muốn chuẩn bị và thực hiện nơi cuộc sống hữu vi cho cuộc sống đời đời sau này.

Nếu đã có ý định tìm hiểu, nhận thức, hay nghiệm xét phúc âm, ai cũng đều biết phúc âm, là một phần của cuốn Kinh Thánh, được viết nơi miền Trung Đông. Ngôn từ được dùng trong phúc âm mang nặng tính chất ám định chẳng khác gì nơi các sách đạo học Đông Phương. Nếu đem so sánh nơi ngôn ngữ tiếng Việt, phúc âm được viết ám định theo lối truyện kể trình bày sự khôn ngoan cần được suy tư, nghiệm xét thâm sâu dưới hình thức dùng sự vật, sự việc hữu vi ám định diễn trình nhận thức chẳng khác gì Tục Ngữ, Ca Dao; giãi bày một đàng, ý tứ một nẻo. Chẳng hạn, “Ở cho phải phải phân phân; cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.” Hoặc, “Đầu ngòi có con ba ba; kẻ gọi con trạnh, người la con rùa.” Câu Ca Dao đưa lên con ba ba như một thí điểm nhưng không nói gì về con ba ba. Điểm chính lại là người gọi nó là con này, kẻ nói nó là con kia không khác gì bài phúc âm nơi Marcô khiến tâm tư người đọc hoặc nghe chợt ngỡ ngàng như gặp phải cơn lốc tư tưởng. Đối với người Việt, vì đã quá quen với Tục Ngữ, Ca Dao, chợt được nghe nhắc tới câu Ca Dao này nhận thức được ngay ẩn ý muốn nói về điều gì, sự việc chi nơi cuộc sống, chính những kẻ rao truyền đã chẳng biết mình tuyên dương gì. Nơi đoạn phúc âm, người thanh niên giầu có xin được dạy dỗ  con đường dẫn tới sự sống đời đời thì lại bị cho rằng vì giầu có nên không thể nào nhận thức, vào, tham dự, được Nước Thiên Chúa, nếu hiểu theo nghĩa từ chương, mà không giải thích. Đây là điểm mấu chốt, một đặc tính cố định, cố tình, của các câu nói nơi các sách đạo học, thường chỉ buông ra kết quả nhưng lại cắt bớt hay dấu bớt một đôi điều kiện của sự thể hay sự việc, và ám định về trạng thái nào đó của tâm tư, chẳng liên hệ chi tới sự việc được nhắc tới. Thí dụ câu nói Lão học, “Người biết không nói; kẻ nói không biết;” hoặc của Huệ Thi, “Lửa thì không nóng, nhưng tại vì mình cảm thấy nó nóng.” Hai câu này không nói chi đến điều cần hay nên nói, hoặc lửa, mà nói về tâm trạng, tâm tư nào đó nơi người đọc hoặc nghe. Thử hỏi, đã biết bao người dùng cả đời nghiệm xét và giải thích hai câu này để rồi ra đi như chưa từng được nghe hay đọc tới chúng? Đã bao nhiêu người giải thích câu phúc âm, “Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa.” viện dẫn đủ mọi lý do, chiều hướng, nào sử học, địa thế, quan niệm, luân lý, v.v...; nào nơi đền thánh Jerusalem có hàng rào bao bọc nên có nhiều cửa ra vào, trong đó có một cửa nhỏ tên lóng là “Lỗ Kim” đại khái ám định cửa quá nhỏ, những con lạc đà chở hàng hóa không thể vô được; có học giả, thày giảng, lại còn nêu lên phải tháo bỏ hết hàng hóa lạc đà mới có thể đi qua, ám chỉ giải thích lời phúc âm rằng con người phải từ bỏ của cải mới nhận thức, mới nghiệm chứng, nghiệm xét được Nước Trời, hoặc nói theo nghĩa thế tục, mới vào được nước trời theo nghĩa hữu vi, nơi chốn.

Nước Thiên Chúa ở trên (Mt.
12:28; Lc. 11:20), ở giữa (Lc. 17:21), các ông thì mắc mớ gì cổng lớn, cổng nhỏ, tiền của, gia tài, giầu có, mà phải lo rỡ hàng, bỏ của cải, bán gia tài, và cho người nghèo. Đàng khác, lại còn có những lý thuyết lên án người giầu với muôn ngàn quan điểm phù phiếm, đầy ẩn ý,  người nghe cảm thấy chẳng khác chi năm, mười thày bói mù rờ voi, huênh hoang với những sự thông thái thế tục, đôi khi biến phúc âm thành những giọng lừa đảo, lúc khuyên thế nọ, lúc dạy thế kia, một cách nghịch thường mà quên rằng phúc âm chẳng thèm nói chi tới những chuyện thế tục, nhân sinh. Đoạn phúc âm đâu nói đến người thanh niên tốt lành chặn hầu bóp cổ ai đâu để làm giàu. Rõ ràng, đoạn phúc âm nêu lên anh ta tốt lành. Phúc âm cũng như các sách đạo học khác, không nói chi về cuộc sống nhân sinh, thế tục, mà chỉ nói về hành trình, diễn trình nhận thức tâm linh dẫu các nhà học giả, học thiệt đạo học tuyên xưng, tuyên dương, giải thích, giải buồn, hoặc giải mã thế nào! Có điều lạ, càng những người thông thái thế tục, thiếu suy tư, nghiệm xét, càng huênh hoang với lắm lý thuyết, nhiều giải thích sao cho cả sáng vị thế thế tục trong khi những bậc thức ngộ thì miệng lại như ngậm hạt thị. Không hiểu họ sợ phạm tội ngăn cản hay ăn cướp cơ hội thức ngộ của người khác, hoặc dù có muốn nói cũng không thể nói được gì; bởi thế nhân không quen hay không muốn suy tư, nghiệm xét tâm linh dẫu rất giỏi tính toán, suy diễn sự việc thực tế cuộc sống. Cũng có thể nói, họ đã lỡ vấp phạm quá nhiều vì lòng chân thành, nóng sốt nên đã thấm nhập thâm sâu lời dạy nơi phúc âm, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi” (Mt. 7:6). Đối với những ai không đủ khả năng hiểu biết hoặc không muốn biết, chỉ nên im lặng; nói ra, giải thích, giải mã coi chừng bị chửi vuốt mặt không kịp. Ôi, chẳng những nơi cuộc đời, mà cả chốn tâm tư, “Ai có qua cầu mới hay” (N.Du; Kiều).

Nơi phúc âm Matthêu cũng như phúc âm Luca có câu, 24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ. Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt.
6:24; Lc. 16:13) chính vì thế lại có thêm câu nói,  “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mt. 6:21; Lc. 12:34). Ghét người này, mến người kia thuộc về tâm tư do đó sinh hành động. Câu “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” quá ư dễ hiểu nên đã đánh lừa tâm thức, tâm tư người nghe hoặc đọc. Thử đặt vấn đề, bất cứ ai đang đọc những dòng chữ này, lòng dạ của quí vị hiện giờ, lúc này, đang ở đâu? Xin tạm thưa, cầu mong gần trúng, tâm tư, lòng dạ quí vị có lẽ đang muốn để ý xem những dòng chữ tiếp theo tôi sẽ viết thế nào, có hợp lý, hợp tình, hợp với suy luận bình thường không, hay có chút ý đồ nào lừa đảo, đánh lận con đen, đối với quí vị. Như thế, câu, “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” không nói gì về kho tàng mà dùng kho tàng chỉ về ý muốn, ý định. Có thể rằng ý nghĩa của ngôn từ thay đổi theo thời gian và không gian, hoặc đôi khi dịch ngôn từ theo nghĩa đen trở thành diệt nhận thức, do ảnh hưởng bởi những điều kiện nào đó. Có lẽ cũng phải đành thông cảm cho nỗi khó khăn chẳng những nơi ngôn từ mà còn nơi tâm tư đồng thời phải hoặc bị chìm trong khuôn mẫu do ý đồ hoặc ý hướng “thánh thiện” nào đó. Phỏng sự thể chẳng nên này lại là điều kiện kích động tâm tư độc giả, một ý định cố hữu của tác giả những sách đạo học?

Nhận định như vậy, câu, “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” mang rõ ràng ý nghĩa, “Vì ước muốn của ngươi ở đâu, thì lòng dạ ngươi cũng ở đó.” Thế nên, câu lơ lửng, không đầu, không lời giải thích, chỉ có kết luận nặng nề,  “Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa” nói lên sự thể, “Lạc đà chui qua lỗ kim may vá còn dễ hơn là người ước muốn giàu có của cải trần gian, danh vọng thế tục, vào được Nước Thiên Chúa; vì ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi cũng ở đó.” Nói cho đúng, dù cố gượng ép để bẻ quặt, bẻ quẹo, mượn lý nọ, lẽ kia để cho rằng “Lỗ kim” là cửa hay cổng nhỏ nơi hàng rào của thành Jerusalem hay lỗ kim dùng để may vá thì con lạc đà cũng không thể đi qua được dẫu bỏ hết hàng hóa đi hay không. Ước muốn, ý định, tham vọng phát xuất từ linh hồn. Khi một người chết, linh hồn vẫn theo đuổi ước muốn ý định đã và đang được mang khi còn sinh tiền. Thế mới biết, câu, “Ai có tai thì nghe” coi bộ ngây thơ, đơn sơ, nhưng hàm ý thâm trầm, chẳng dơn giản gì!

Xét về thực thể tâm tư, những ai là người ước muốn giầu có, danh vọng, quyền hành thế tục? Xin thưa, chính những người bị sinh nơi số phận hẩm hiu, nghèo hèn vật chất, “Hai tay không tày lỗ miệng” mới thực sự khát khao, ước muốn giàu có cho đời đỡ khổ, bị cuộc đời chèn ép mới thèm khát, ước mơ quyền hành, danh vọng thế tục. Như vậy, thử hỏi, phỏng phúc âm đì giới nghèo, kém may mắn, bị sinh lầm thời? Đặt vấn đề như thế, có lẽ, câu hỏi nặng nề chợt trờ tới tâm tư, “Còn mình thì sao?” Ai nghiệm xét thì biết. “Ai có tai thì nghe.”

02 NGHIỆM XÉT MỌI SỰ

“Hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì lành hãy giữ lấy và hãy kỵ điều dữ dưới bất cứ hình thức nào”  (1 Thes. 5:19-22).

01- Đặc tính và nhận thức tổng quát tính chất của        Phúc Âm .
02- Diễn trình thực nghiệm suy nghiệm những câu        nói Phúc Âm.
03- Nghiệm xét là gì, phương pháp thực dụng.
04- Định tâm, áp dụng thực hành.

Điều quan trọng nhất chúng ta cần biết đó là chúng ta tin theo Chúa Giêsu, và Phúc Âm được chúng ta tôn trọng như lời của Chúa. Thực ra, các Phúc Âm Matthew, Marco, Luca, và Gioan đều được viết trong khoảng từ năm 70 tới năm 100, 110  theo dương lịch, sau khi Chúa Giê su đã về trời.

Vào năm 36 dương lịch thánh Phao lô bị đức Giê su bắt cóc trong khi ông đang rong ruổi trên đường đi Damascus để tìm bắt những người rao giảng và tin theo đức Giêsu. Sau đó, ông bắt đầu và tiếp tục rao giảng về đức Giêsu cho tới năm 68 dương lịch. Trong năm cuối 68 này, ngài bị tù tại Roma, viết 2 thư 1&2 Timôthy. Như thế, 5 thư mục vụ của thánh Phao lô được viết trước Phúc Âm. Sau nhiều thời gian tìm hiểu qua một số sách vở được viết giải thích về đạo học Đông Phương và những phương pháp giúp thức ngộ, chứng ngộ, nhận thức, hầu thỏa mãn lòng khát vọng sao cho thăng tiến nơi hành trình tâm linh, nói cách khác, làm sao nhận biết mình thực sự là gì, liên hệ thế nào với thực trạng hiện hữu hữu hình và vô hình. Tôi nhận thấy phương pháp được thánh Phao lô đề nghị nơi thư thứ nhất gửi Thesalonian, “Hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì lành hãy giữ lấy và hãy kỵ điều dữ dưới bất cứ hình thức nào,”  (1 Thes. 5:19-22) là nguyên tắc thiết yếu, cần và đủ để suy nghiệm Phúc Âm. Tôi muốn nói suy nghiệm, nghiệm xét, nghiệm chứng, chứ không phải là suy niệm. Suy niệm là dựa vào để theo. Niệm là công cụ để giúp định tâm, chú tâm vào một vấn đề. Suy nghiệm, nghiệm xét, nghiệm chứng, tất nhiên cần định tâm.

Sự suy nghiệm, nghiệm chứng về Phúc Âm qua quan điểm nhận thức về một đạo học chứ không đặt Phúc Âm hạn hẹp nơi quan điểm của bất cứ tôn giáo nào. Một điều rõ ràng ai cũng có thể nhận biết nếu để tâm đôi chút và chân thành đặt vấn đề. Đó là, tôn giáo là một tổ chức nhân sinh, quy tụ những người cùng một niềm tin. Vì là tổ chức nhân sinh nên tôn giáo bao gồm nhiều phương diện nhân sinh để quảng bá, phát triển sao cho có nhiều người tin theo; đồng thời vì là tổ chức nhân sinh, muốn phát triển cần nhu cầu tiền bạc để chi dụng tùy theo điều kiện sinh sống. Tôn giáo phát xuất từ nhận thức đạo học. Phúc Âm là một trong những đạo học được phát sinh từ miền Trung Đông. Để ý một chút, chúng ta thấy, đạo học phát sinh nơi vùng, miền, nào trên thế giới thì tôn giáo sẽ có cùng tôn chỉ với đạo học đó phát sinh. Chẳng hạn, Ấn học phát sinh Ấn giáo; Phật giáo là con đẻ của Phật học; Lão học sinh ra Lão giáo.

Dĩ nhiên, mọi đạo học, chủ thuyết, kinh sách, mọi tư duy, đều do con người kiến tạo. Nói cách khác, không có con người sẽ không có gì và tất cả đều vì con người mà có. Những danh hiệu Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời, Ông Xanh, hoặc những tên gọi khác nhau chỉ là những danh hiệu. Thí dụ, nói đến danh hiệu xe hoặc người; nếu chúng ta dùng búa, kìm, hoặc những dụng cụ đặc biệt để tháo mở chiếc xe, không có bất cứ món đồ nào nơi đống đồ vừa được tháo ra đó được gọi là chiếc xe cả. Cũng như đem một xác chết mổ xẻ banh ra, tan nát hết cả thân xác, chúng ta cũng không kiếm được phần tử nào nơi những phần bầy nhầy xương thịt đó được gọi là người. Như vậy, ngôn từ xe hoặc người chỉ là danh hiệu được đặt ra để ám chỉ một sự thể, thực thể nào đó. Một điều rõ ràng, minh xác, đó là nói về thực phẩm chỉ khiến thính giả thêm đói bụng; muốn no bụng phải ăn thực phẩm. Tương tự như thế, nói về Thiên Chúa, Thương Đế, hay bất cứ ngôn từ nào chỉ để ám chỉ về một thực thể tối thượng, chúng ta chỉ có thể nói về danh hiệu chứ không thể nào nói bất cứ gì về thực thể tối thượng ấy. Nói cho đúng, chúng ta chỉ có thể nói về những gì không phải là thực thể tối thượng. Đối với thực thể tối thượng, chúng ta sẽ không thể nói gì được. Thánh Augustin có câu nói, “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói gì về Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta có thể nói về Thiên Chúa chỉ là sự tưởng tượng.”

Từ Phúc Âm, phát sinh Chính Thống giáo, Công giáo, Tin Lành, Thệ Phản (Anh Giáo), Methodish... Thực ra, không thể biết được có bao nhiêu giáo phái Tin Lành; vì hệ thống Tin Lành chẳng khác gì hệ thống Phật giáo. Họ kiến tạo nhiều loại giáo phái; có những giáo phái các vị rao giảng được huấn luyện theo một hệ thống tổ chức, và cũng có những giáo phái tự phát. Ai đó, có cuộc đời dễ thở, tự cảm thấy được thôi thúc và dám liều mình rao giảng nhận thức của mình về phúc âm, được nhiều người tin theo tạo thành một giáo phái, tự đặt tên, không lệ thuộc bất cứ giáo phái nào, khi nào không còn ai tin theo thì tự tan rã.

Phúc Âm được viết nơi miền Trung Đông nhưng được phát triển từ bên Tây Phương. Sự thể này không khác gì Phật học phát sinh nơi Ấn Độ nhưng lại được phát triển bên Trung Hoa do Đạt Ma sư tổ đem qua. Nói tổng quát, ngôn ngữ nơi Á Đông thường được phát biểu theo kiểu ám định; nói đàng đông nhưng ý đàng tây chẳng khác gì tục ngữ ca dao. Trong khi Tây Phương phát triển Phúc Âm theo nghĩa từ chương, do đó, đã hơn hai ngàn năm qua Phúc Âm vẫn cứ được coi như những lời huyền nhiệm; đại khái, Phúc Âm thường được rao giảng theo nghĩa đen khiến thính giả cứ bị rối tung lên vì câu Phúc Âm này đối nghịch với câu kia hoặc mang tư tưởng hữu vi ngạo ngược khiến chúng ta đành chấp nhận kính nhi viễn chi; Chúa phán Chúa nghe, cha giảng, cha nghe đến nỗi đã có những câu, “Mỗi cha một lý đoán.”  Đàng khác, lại có những trường hợp cấm giáo dân không được đọc Kinh Thánh như ngày xưa; có lẽ vì sợ bí, chín người, mười ý khiến đấng rao giảng ngọng miệng không thể nào trả lời được. Hoặc đã có những quan niệm ai không tin theo giống mình thì bị kết án. Chẳng hạn kinh đọc ngày chủ nhật nơi sách thuộc địa phận Bùi Chu ngày xưa, mà nay chúng ta vẫn thường đọc, “Ai chẳng thông công cùng hội thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn; mà linh hồn là tính thiêng liêng.”  Chúng ta theo tôn giáo được phát sinh từ Phúc Âm, thế mà chúng ta không biết  gì về Phúc Âm, và làm sao áp dụng Phúc Âm nơi cuộc sống. Chúng ta không theo Phúc Âm vì không thể thực hành Phúc Âm theo nghĩa từ chương; có được giảng giải thì lại gói gọn lời Phúc Âm nơi lãnh vực luân lý. Thí dụ, quý vị nghĩ gì khi đối diện câu, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi. Nếu tay các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì chặt mà quăng chúng đi.”  Đã có lần khi suy nghiệm về câu này nơi nhà thờ vắng lặng, tôi bật cười thành tiếng; vì trộm nghĩ Chúa Giêsu chọc quê chúng ta nhát gan không dám thực hành những lời ngài dạy; vì nếu không, tất cả những tín đồ Kytô giáo đều trở thành đui mù, què cụt v.v... trong khi tôi thấy nơi những hình ảnh, các đấng giáo phụ, các hàng giáo phẩm thuộc các giáo phái của Kytô giáo đều đẹp lão, lành lặn, và lại được xưng tụng Chúa chọn. Tôi cười lớn vì đã tưởng tượng đến hình ảnh một nhà thờ đầy những người khuyết tật vì chân thành áp dụng Lời Chúa theo nghĩa đen nơi cuộc đời của họ. Riêng tôi, tôi cảm thấy mình hơi thông minh đôi chút vì đã không nghe lời phúc âm xúi dại để móc mắt, chặt tay theo nghĩa từ chương.

Nhận thấy mình cũng thông minh như bao dân Chúa từ xưa đến nay, đã không dại dột áp dụng lời Phúc Âm theo nghĩa đen nơi cuộc đời, nơi thân xác mình, tôi lại phải đối diện với câu Phúc Âm, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.”  Bị ảnh hưởng bởi những công án, những phát biểu ngổ ngáo của các bậc đạt đạo, các bậc chân sư, các bậc thức ngộ, được ghi lại nơi sách vở viết về đạo học Đông Phương, một ý nghĩ đến với tâm trí tôi. Đó là đức Giêsu đã không giữ điều Ngài đã dạy nếu chúng ta cho rằng Phúc Âm là lời Ngài nói. Ngài đã đem của thánh cho chó nên bị chó đóng đanh treo trên thập giá. Và nếu ngài thực hành lời ngài dạy thì sao chúng ta có Phúc Âm. Đến khi tôi biết được Phúc Âm là những lời khôn ngoan dạy con người về tiến trình thức ngộ tâm linh, mà chúng ta thường gọi là hành trình đức tin hay hành trình tâm linh, được sắp xếp, cộng thêm một vài diễn trình để đúc kết thành câu truyện cuộc đời Chúa Giêsu; tôi mới nhận ra Chúa Giêsu liều mạng bởi lòng tha thiết muốn nhân loại thức ngộ, nhận chân về thực thể con người mình thế nào, liên hệ với cõi giới vô hình ra sao, đồng thời nhận biết mình sẽ đi về đâu sau khi thân xác qua đi.

Mới thoạt suy nghiệm về câu, “Của thánh đừng cho chó.”  Tôi trộm nghĩ, Phúc Âm coi mình như loài chó. Những quý vị nào được sinh trưởng nơi Việt Nam, và lúc này đã đang thuộc vào mùa thu của cuộc đời sẽ thấy, bất cứ ai cho rằng hay nói mình là chó, tâm trạng mình sẽ bực bội, giận dữ như thế nào; nếu không muốn nói rằng kẻ đó sẽ trở thành kẻ thù truyền kiếp của mình, và nếu có bất cứ cơ hội nào, chúng ta sẽ sẵn sàng và nhanh nhẩu trả thù, chẳng những một lần mà muôn ngàn lần; và dĩ nhiên, sống để dạ, chết mang theo. Thời đó, tôi đã thực sự nhận ra các kinh sách đạo học, các công án, các lời nói ngổ ngáo của những bậc thức ngộ nói thẳng với mình, mà Phúc Âm coi mình như chó thì không bực điên lên sao có thể là người. ít nhất, phải biết tôn trọng tín đồ, tôn trọng tôi một chút chứ; đàng này coi tôi như loài chó thì tôi cần gì phải nghiệm, phải chứng cho mất thời giờ, tốn công sức suy nghĩ. Tuy nhiên, thực lòng mà nói không sợ quý vị phê phán; đó là nếu ai đọc câu này mà không cảm nhận được sự bực bội vì Phúc Âm coi mình như loài chó thì làm ơn đặt lại vấn đề; nếu không, sẽ chẳng bao giờ ngộ được. Một điều tôi cần lưu ý quý vị, theo đạo, cũng chỉ giống như con kiến bò quanh miệng ly. Nếu không nghiệm chứng Phúc Âm, rồi sẽ ra đi như đã bao người từ xưa tới giờ theo đức Kitô mà không biết Tin Mừng ngài rao giảng là gì; không biết mình sẽ đi về đâu; và suốt đời chỉ lo sợ nên cầu mong lên thiên đàng dẫu đã chẳng biết thiên đàng là gì. Không nghiệm chứng Phúc Âm, chúng ta theo tôn giáo sợ hãi, lo âu viễn vông. Khổ ơi là khổ; chúng ta tin thật Thiên Chúa yêu thương mình vô bờ bến mà cứ sợ bị phạt vì những lỗi lầm một cách vô minh thì là thế nào? Lòng ruột mình luôn luôn mang nặng lo sợ nghịch với niềm tin thì còn gì khốn khổ hơn nơi cuộc đời. Thực ra, cảm thấy cô đơn giữa muôn người đã khốn khổ không thể nào diễn tả; đàng này thực tâm tin tưởng lòng yêu thương của Chúa đối với mình, với mọi người, mà cứ lo ngay ngáy bị Chúa phạt thì còn gì khổ ải hơn không!

Tin thật Chúa yêu thương tôi nhưng Phúc Âm coi tôi như loài chó thì chẳng lẽ Phúc Âm viết bậy? Quý vị đang nghe đừng vội kết án những lời chân thực được nói lên từ ý nghĩ khi đối diện với tâm tình bị Phúc Âm phỉ báng mà tôi diễn tả thành lời. Như chúng ta nhận biết; tư tưởng, ý nghĩ trong đầu mình, tự nó không đúng, không sai, nó hiện hữu. Thực ra, nếu không nhận biết tâm tình thực sự của mình thế nào, sẽ không thể suy nghiệm Phúc Âm, không thể suy nghiệm đạo học. Thời gian trôi,…tôi không nhớ được phải là mấy năm nhưng chắc chắn không quá sáu năm, ba câu, “Của thánh đừng cho chó, chớ quăng châu ngọc trước miệng heo,”  và câu, “Hãy làm cho người khác những gì các ngươi muốn người khác làm cho các ngươi,”  cùng với câu, “Người biết không nói, kẻ nói không biết”  cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Riêng câu, “Người biết không nói”  đã hành hạ tôi cỡ gần mười năm vẫn chưa chịu buông tha.

Một hôm, tôi đến nhà người em, thấy nơi tường bên cạnh cửa ra vào có dán miếng giấy nhỏ ghi câu nói, “Đừng nói vào tai kẻ ngu xuẩn, kẻo nó khinh thị nét tinh tế của lời con nói” (CN. 23:9). Tôi thấy câu này quá hay, quá đúng. Hỏi ra mới biết, người em tôi vì lòng chân thành nói về chuyện gì đó không hợp tai thiên hạ nên bị phê bình, do đó in câu Cách Ngôn này dán ngay nơi cửa ra vào để tự nhắc nhở không nên vì lòng ngay để rồi bị khốn. Khi về lại đến nhà, tôi mở sách Cách Ngôn  (Proverbs) kiếm thêm được hai câu, “Đừng đàm luận với kẻ ngu xuẩn, kẻo cả con nữa, con cũng sẽ trở nên giống nó,” và câu, “Như con chó trở lại đống nó vừa mửa, kẻ ngu dại sẽ trở về với sự điên rồ của nó.” Tôi thấy mấy câu nơi sách Cách Ngôn rất thực tế và rõ ràng trúng chóc với thực tại nhân sinh, nhưng lòng ruột vẫn cứ bị khúc mắc với câu Phúc Âm “Của thánh cho chó...”

Thế rồi một hôm, cỡ ba giờ chiều, tôi ghé vô quán phở của một cặp vợ chồng trẻ xấp xỉ ba mươi mấy; tôi quen biết cặp vợ chồng này đã lâu và ăn uống không phải trả tiền. Vô tình gặp lúc vắng khách, hai vợ chồng đang dùng lý luận phân giải quan niệm đối với sự ăn mặc của đứa con gái 14 tuổi. Vì quen biết đã lâu và thường hay ghé qua uống cà phê; thế là tôi bị trở thành quan tòa phân xử quan niệm giáo dục con cái của đôi bên. Chị vợ cho rằng nó là con gái mới lớn phải ăn mặc đàng hoàng, khiêm nhu. Vào thời này, giới trẻ đang đua đòi theo mốt “Punk.” Anh chồng có quan niệm cởi mở hơn, cho rằng cháu đã lớn, kiểu cách ăn mặc, tóc tai xanh đỏ cho hợp với bạn bè, nếu không sẽ bị coi là lập dị, cô đơn nơi trường lớp. Nói qua, nói lại, bất chợt tôi hỏi chị, - Chị có thương anh ấy không? Chị trả lời, - Không thương mà có với nhau mấy đứa con à. Đoạn tôi lại ngớ ngẩn hỏi, - Chị thương anh ấy thế nào, đến độ nào? Và được trả lời, - Hỏi gì ngớ ngẩn; thương thì chỉ biết là thương chứ sao mà có thể nói. Tôi nhớ rõ, năm ấy là năm 1994. Tôi chợt nhận ra ý nghĩa câu nói “Người biết không nói, kẻ nói không biết.”  Câu nói nơi Lão học khúc mắc tôi mười một năm. Câu nói về chuyện xảy ra nơi chính bản thân mình chứ không phải nói về người khác. Nhờ nhận thực được những câu nói đôi khi như ngớ ngẩn, rất đơn giản, xảy ra nơi chính mình nhưng không được để ý mà tôi nhận ra khi phải đối diện với những câu ngớ ngẩn hoặc quá quắt nơi đạo học, muốn nghiệm chứng, nghiệm giải chúng, cần tự đặt mình vào những vị thế của câu nói và để ý tâm tình mình phản ứng, biến chuyển ra sao thì mới có thể nghiệm được sự khôn ngoan ẩn chứa nơi câu nói đó.

Áp dụng phương pháp đó vào câu Phúc Âm, “Của thánh đừng cho chó, chớ quăng châu ngọc trước miệng heo kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi,” tôi mới nhận ra nét thâm trầm tuyệt vời của câu nói. Đem so sánh với ba câu nơi sách Cách Ngôn, câu Phúc Âm thật tuyệt vời. Mới nghe hoặc đọc thì bực điên người, nhưng nếu đặt mình vào những vai trò nào đó nơi câu nói, gom lại cả ba câu nơi sách Cách Ngôn không thể so sánh. Tôi phải nín nhịn, không dám giải thích vì nếu giải thích tôi sẽ bị mang tội cướp cơ hội nghiệm chứng để thức ngộ của bất cứ ai. Đành chấp nhận xin lỗi mà học theo tổ Huy Sơn của nhà Phật.

Câu truyện được cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần ghi lại trong cuốn Phật Học Tinh Hoa được trích từ Truyền Đăng Lục như sau, “Xưa Hương Nham hòa thượng tham học ở Bách Trượng thiền sư. Ông là bậc tuyệt thế thông minh, khôn ngoan lanh lợi, phàm hỏi một, trả lời đến mười. Thế mà khi tổ Huy Sơn hỏi, 'Lúc cha mẹ chưa sinh ra ta, vậy thử nói một câu xem sao!' thì tâm thần mờ mệt, chả còn biết trả lời ra sao được cả. Ông ta bèn trở về liêu, đem những sách vở bình nhật đã học mà đọc lại từ đầu chí cuối, mong tìm cho được câu trả lời, nhưng rốt cuộc cũng chẳng tìm thấy. Chán nản, liền than: 'Toàn bánh vẽ, chẳng thể nào án vô!' Nhiều lần ông khất cầu Tổ Huy Son nói ra cho biết thì tổ Huy Sơn trả lời, 'Nếu ta nói ra cho ngươi biết, nhất định sau nầy ngươi sẽ mắng ta vì đó chỉ là cái biết của ta, không ăn thua gì đến ngươi cả!' Hương Nham tức mình, đem tất cả kinh luận ra mà đốt hết rồi qua đất Nam Dương học nơi Tuệ Trung quốc sư. Ông khổ công nghiên cứu lâu ngày chầy tháng. Một hôm đi phát cỏ chặt cây, vô ý liệng một miếng mảnh sành đánh trúng vào thân cây trúc, liền nghe phát ra một tiếng ngân lạ lùng, bỗng liền khoát nhiên tỉnh ngộ! Ông vội vàng trở về tắm gội, đốt hương ngưỡng vọng về nơi tổ Huy Sơn mà rằng: 'Hòa thượng thật là bậc Đại Từ, ân ngài còn hơn cha mẹ sinh thành. Nếu lúc trước vì ta mà ngài nói ra thì ngày nay sao ta được sự đắc ngộ này!”  (PHTH. Tr. 80-81).

Khi nghiệm xét bất cứ sự việc gì chúng ta cần tìm hiểu, thử đàng nọ, thử đàng kia, ngoại trừ những công việc chuyên môn đã thực nghiệm không biết bao lần nên khi gặp sự việc xảy ra chúng ta biết ngay lý do. Tôi gặp hai trường hợp nhớ đời. Chiếc xe của tôi không nổ máy; tôi nghĩ rằng nó hư cục đề và nhờ người thợ máy quen thay cục đề. Thay cục đề xong mới biết rằng bình điện không giữ điện. Ruột đau con xót nhưng biết nói chi đây. Một chuyện khác, nơi nhà người quen thường nấu cơm cho tôi ăn ké, hệ thống nước nơi bồn rửa chén chẳng hiểu sao bị rò. Thử tới, thử lui, tôi thấy nước chảy dọc theo dây nước dùng để rửa những vật dụng lớn chẳng hạn nồi, xoong nấu phở quá khổ. Thứ này rất ít khi được dùng, tôi nghĩ (mù mờ tưởng tượng chiếc dây nước bị lủng do vết rạn vì quá lâu ngày). Tôi bèn khóa nước, cắt phăng phần móp méo của dây nước, cho rằng chính lốt méo mó đó bị rạn nên nước bị rò, đoạn gấp đôi phần ống còn lại lấy “claim” xiết chặt. Và nó cứ tiếp tục rò. Tôi im lặng không dám nói năng chi về hành động phỏng đoán ngu muội của mình.

Có một người quen đi ngang đường, thấy xe của tôi đậu đó nên ghé vô định nói đôi chuyện. Ông ta có nhiều nhà thuộc loại bình dân cho thuê nên hay phải sửa những rò rỉ bất thường nơi bồn rửa chén hoặc nơi phòng tắm. Đã quá quen nghề, ông ta đòi dùng mấy khăn tắm lót trên nền nhà và nơi hộc tủ phía dưới bồn rửa chén đoạn nằm ngửa nhìn xem nơi nào nước bị rò. Lòng tôi thậm phục ông ta vì ông ta tương đối giầu có mà không quản ngại chui rúc dưới bồn rửa chén để tìm hiểu sự thể như thế nào. Và cuối cùng ông ta phán, thay bộ mới bởi nó lâu ngày, các “roong” cao su mòn nên rò. Nếu bộ mới cùng hàng hiệu với bộ rò rỉ này thì cỡ gần hai trăm. Nếu hôm nào đó đi theo ông tới tiệm bán đồ thặng dư thì giá chỉ cỡ vài chục nhưng phải lái xe hơn tiếng đồng hồ. Bà chủ nhà đã lớn tuổi, tiền hưu dưỡng chẳng được bao nhiêu nên có vẻ ngại ngùng do đó bày tỏ ý định dùng chậu nhỏ hấng nước đỡ vì chỉ khi mở nước mới rò. Cỡ tuần lễ sau khi tôi tới ăn trưa, bà chủ nhà chỉ cho tôi nước chảy phun lên theo vòi nước, tôi thử xoáy phần nối cho chặt lại và thế là mọi sự trở nên như mới ngoại trừ ống nước tôi đã lỡ cắt. Tôi học được bài học không nên tin vào bất cứ gì khi nghiệm xét cho dù chính mắt mình trông thấy.

Áp dụng nơi nghiệm xét tâm linh theo lời dạy của thánh Phao lô, “Nghiệm xét mọi sự,”  khi đặt vấn đề về bất cứ câu nói nào, cũng không nên bị lệ thuộc bất cứ quan niệm, thói quen hay kinh nghiệm, học thức, hay lời giảng dạy, khôn ngoan nào. Nên áp dụng sự tò mò của đứa con nít tìm hiểu, phá tung cả đồ chơi điện tử để xem xét. Đó là hành động nghiệm xét với tâm hồn mở rộng chưa bị ảnh hưởng bởi bất cứ quan  niệm, thói quen, hay chiều hướng tâm tư nào.

Nơi hành trình thăng tiến tâm linh, chúng ta phải đối diện với những câu nói ngang ngược khiến đầu óc rơi vào trạng thái rối mù tạm gọi là khoảnh tối hay góc tối tâm trí. Suy nghĩ cách nào, kiểu nào, cho dù ngay nơi những phương diện tâm sinh lý, xã hội hoặc bất cứ lý thuyết khôn ngoan nào cũng bị bế tắc. Thí dụ, nơi cuốn Nam Hoa Kinh, phần Huệ Thi, có câu nói, “Lửa thì không nóng, nhưng tại mình cảm thấy nó nóng.” Phúc Âm còn nói bạo hơn, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi.” Thử hỏi ai dám thực nghiệm hay thực chứng sự thể này! Bỏ lời Phúc Âm thì được nhưng móc mắt sẽ không ai thực hiện. Nghe chuyện kể, có chú tu sinh kia đang học lớp trung học. Thời xưa, các chú học xong thành chung (lớp chín) là vô hai năm triết cộng thêm bốn năm thần học, và nếu được bề trên chọn sẽ đỗ cụ. Dĩ nhiên, quan niệm tu trì ngày xưa là huấn luyện con người theo và trở thành những khuôn mẫu nhất định nào đó, và điểm quan trọng nhất là nhân đức trong sạch. Đồng thời mọi sự cám dỗ cứ đổ thừa cho quỷ dẫu chẳng biết “quỷ gì!”  Nơi tuổi cơ thể đang thời phát triển mạnh nhất của con người ở giới vị thành niên, tạm gọi là tên quỷ nào đó, cứ ngày đêm kích thích trong khi sự giáo dục đã không nhận biết sự thể phát triển tâm sinh lý con người mà chỉ nhấn mạnh cũng như khuyến khích đàn áp thay vì nhận biết để đưa ra phương cách giải quyết. Vì bị quấy nhiễu quá bạo về tâm sinh lý trong thời kỳ thân xác phương cương phát triển, chú tu sinh đã đi đến quyết định cắt phăng cái phương tiện thằng quỷ kích thích nơi chú ta. Tôi không để ý đến kết cục đã xảy ra thế nào. Tuy nhiên, câu chuyện này đã vô tình giúp tôi ngộ được câu nói được cụ Nguyễn Duy Cần ghi lại nơi cuốn Cái Cười Của Thánh Nhân, “Cái bóng của Thượng Đế là quỷ vương.”  Khi thoạt mới đọc công án này, tôi thực sự cảm thấy chấn động. Tác giả là một người Tây Phương đã phát ngôn quá bạo. Sau đôi phút lấy lại bình tĩnh tôi tự đặt mình vào câu nói, mới nhận thấy tác giả đâu nói gì về Thượng Đế hay quỷ vương, mà nói về chính tôi. Nếu vị nào đã tự ngộ được câu nói này có lẽ chẳng nên phí thời giờ đọc chia sẻ của tôi về Phúc Âm. Lý do, vị ấy đã ngộ được Phúc Âm muốn nói gì và Tin Mừng Nước Trời là gì; vì những gì tôi chia sẻ chỉ là phương tiện hay cơ hội khuyến khích thính giả thức ngộ Phúc Âm mà thôi, và điểm tới chính là ngộ được Tin Mừng Nước Trời; từ đó sẽ nhận ra đức tin là gì nơi con người, nơi cuộc đời mình.

03 ĐỨC KITÔ CHỊU CHẾT VÌ TỘI THIÊN HẠ

TIN MỪNG MỪNG NƯỚC TRỜI

Tôi là một Kitô hữu, được sinh trưởng nơi miền Bắc, nhưng được nuôi dưỡng, theo học và lớn lên trong truyền thống Công giáo dưới nền văn hóa miền Nam Việt
Nam. Cũng như mọi Kitô hữu, tôi chân thành và tin tưởng cùng sống nghiêm khắc, hài hòa, và thi hành những niềm tin được dạy dỗ và truyền lại theo truyền thống và giáo luật tôn giáo. Đồng thời, tôi rất tôn trọng văn hóa Việt, kính trên, nhường dưới, đôi khi lại phải ép mình chấp nhận thua thiệt nơi những trường hợp chẳng đặng đừng cho thuận với lẽ lễ độ cuộc đời nơi nhận thức “một câu nhịn là chín câu lành” tránh cảnh hơn thua một đôi câu nói đôi khi tạo thêm đối nghịch, nhưng chấp nhận sống hòa hợp trong bất đồng chính kiến hay tư tưởng. Dẫu thế, nhiều khi những khúc mắc hoặc thao thức nổi lên trong tâm trí, khuyến khích tôi đặt lại vấn đề được mọi người chung quanh chấp nhận như thói quen hoặc điều nên thực hiện; chẳng hạn tại sao lại có câu nói “Đi khám bác sĩ” thay vì nói “Đi gặp bác sĩ” hay một lối nói nào khác, hoặc đi bộ để gìn giữ sức khỏe. Những người làm việc tay chân, đi đứng nhiều có cần phải đi bộ như những người làm việc nơi văn phòng?

Như mọi Kitô hữu, tôi được dạy niềm tin, hay tin tưởng, quan niệm, Chúa Giêsu xuống thế cứu chuộc nhân loại. chịu chết để chuộc tội cho tôi, cho mọi người. Ngài nhập thể làm người, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, bị kết án, chịu đóng đanh và chết trên thập giá rồi sống lại sau ba ngày trong mồ.

Nghe trên radio, các vị rao giảng của các giáo phái Kitô hữu khác nhau đều tuyên xưng và khuyến khích mọi người nên nhận thức và tin thật như thế. Mở rộng lòng để chấp nhận, tin thật đức Giêsu đã hy sinh mạng sống chết trên thập tự để cứu rỗi mọi người, cứu rỗi mình, nhận ngài là cứu chúa của mình là được cứu.

Nơi những chương trình trên đài truyền hình cũng thế; các vị rao giảng hùng hồn tuyên xưng dức Giêsu là đấng cứu chuộc, đấng gánh mọi tội lỗi của thiên hạ, đã hy sinh mạng sống vì tội lỗi của nhân loại, và vì yêu thương nhân thế sa đọa quá đỗi nên ngài chấp nhận chết trên thập giá để cứu chuộc mọi người. Còn có những vị nghe thấy Chúa nói nên làm điều này, sự nọ cần tiền của để thực hiện, và kêu gọi những ai chân thành nhận đức Giêsu là Chúa cứu thế chung tay đóng góp vì vinh danh Thiên Chúa và thực hiện công việc đồng công cứu chuộc của đức Giêsu.

Nhìn vẻ đạo mạo, chân thành, sùng tín của các vị ấy, lòng ruột tôi tất nhiên nao nao, nhưng là một Kitô hữu chân thành, đã được nhận những lời rao giảng như thế và đón nhận niềm tin từ các bậc cha ông đáng kính truyền lại, tôi càng thêm lòng kính ngưỡng, thêm lòng tin kính. Nhưng, thuở ban đầu, đôi khi tôi tự hỏi, cứ theo các nhà rao giảng, chỉ cần chân thành, thực tâm nhận đức Giêsu là đấng cứu chuộc là được cứu thì tôi đâu cần phải làm gì. Hơn nữa, tôi là người Công giáo, vậy những hy sinh hãm mình chẳng lẽ vô ích bởi vì đã có đức Giêsu liều mình chịu chết để chuộc mọi tội lỗi tôi đã thực hiện từ hai ngàn năm trước. Thế rồi nào các vị này, các đấng kia dâng mình cho Chúa, chấp nhận sống đời hy sinh, khổ hạnh để mong cứu rỗi các linh hồn là thế nào. Đã có đức Giêsu cứu chuộc rồi, phỏng có cần họ cứu rỗi cho nữa không. Vậy họ theo cuộc đời tu trì để làm chi; họ đã biết cái hồn của họ thế nào chưa mà đặt vấn đề và ước mơ cứu rỗi linh hồn người khác.

Tôi đang sống ở Hoa Kỳ, và tất nhiên biết nằm lòng câu, “Everything has its price” hoặc, “The price is right,” hay, “Nothing's free.” Thêm vào đó, càng có tuổi, tôi càng hiểu thêm, tội ai nấy chịu, không ai có thể chịu tội cho ai khác. Nói rằng đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho nhân loại coi chừng phát sinh phản tác dụng; phỏng quan niệm này kiến tạo nên cảm nghĩ đã có bảo hiểm được cứu độ đời đời nên cứ việc hoang phí cuộc đời một cách vô trách nhiệm. Hơn nữa, phỏng những điều không nên không phải tôi đã thực hiện, dẫu tin tưởng rằng Chúa tha thứ nhưng tôi có tha được cho tôi chăng? Phỏng những ai có lương tâm nghĩ thế nào khi đối diện sự thể mình làm người khác chịu trách nhiệm?

Nói rằng đức Giêsu được sai đến hoặc tự mình đến, chịu cực hình, chịu chết vì tội lỗi loài người sao phúc âm được viết, “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Mọi sự sẽ tha được của con cái loài người; mọi tội lỗi, mọi lời lộng ngôn, tất cả những điều chúng lộng ngôn; còn ai lộng ngôn đến Thánh Thần thì không được tha thứ cho đến đời đời; nó mắc một tội bất diệt” (Mc. 3:26-29). Đạt Ma sư tổ để lại câu nói gần ba ngàn năm trước, “Chỉ có một tội duy nhất đó là tội vô minh, tội không nhận ra Phật tánh nơi mình. Tội lỗi này rất nặng vì nó giữ ta trong cõi vô thường” (GLTH; Tr.203). Nhà đạo tội phạm đến Thánh Thần; nhà chùa thì tội vô minh, không tội nào được giải thoàt. Phỏng tội phạm đến Thánh Thần là tội khinh chê hồng ân suy nghĩ vì nếu đã không suy nghĩ thì suốt đời u mê; nào khác chi tội vô minh, không chịu nhận biết. Chúa hoặc Phật nào có thể cứu chữa hay giải thoát kẻ không suy tư để nhận biết! Tôi phải suy tư vì không dám khinh chê hồng ân tâm trí, tránh tội vô minh.

Phúc Âm Nói Gì?

Có điều, sao tôi không thấy có câu nào nơi Phúc Âm Nhất Lãm (Matthêu, Marcô, và Luca) nói tới việc đức Giêsu rao giảng Ngài chết vì tội lội nhân loại, dẫu các nhà học giả Kinh Thánh đều cho rằng Phúc Âm Nhất Lãm viết về cuộc đời, sự giảng dạy, và sự khổ nạn, sống lại, của Chúa Giêsu; trong khi cả ba phúc âm đều nêu lên mục đích cuộc đời của Chúa Giêsu chính là được sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Luca, đoạn 4, câu 43 được viết, “Nhưng Ngài bảo họ: 'Ta còn phải đem tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến. Và Ngài đã rao giảng trong các hội đường nước Yuđê.” Nơi Phúc Âm Marcô được viết, “Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc. 1:38), Và Phúc Âm Matthêu  lại ghi, “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân” (Mt. 4:23). Đồng thời, Ngài cũng sai các môn đồ ra đi rao giảng với cùng mục đích, Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.”(Mc. 3:14). “Hãy đi và loan báo rằng 'Nước Trời đã gần bên'“ (Mt. 10:7), “Và chữa các kẻ ốm đau trong thành; hãy bảo họ: 'Nước Thiên Chúa đã gần bên các ngươi'“ (Lc.10:9).

Thế thì sự tin tưởng, niềm tin, sự quảng bá, rao truyền, “Chúa Giêsu đến thế gian chịu khổ hình chết trên thập giá chuộc tội cho thiên hạ” từ đâu phát sinh? Tại sao quan niệm này được rao truyền trong khi mục đích chính của cuộc đời Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Trời? Và Tin Mừng Nước Trời là gì, sao không ai nói tới, tin tưởng, và rao truyền?

Nguồn Gốc Rao Truyền Chúa Chết Chuộc Tội

Lật Tân Ước, nơi thư thứ nhất gửi Côrintô, thánh Phaolô viết, “Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan; thì chúng tôi lại rao giảng một vị Kitô đã bị đóng đinh Thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cor.
1:23). Theo thời điểm rao giảng của thánh Phaolô, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng năm 57 sau Công Nguyên, nghĩa là trước khi Phúc Âm được viết (Từ năm 70 tới năm 100 sau Công Nguyên). Tất nhiên, vào thời kỳ thư 1Côrintô được viết vẫn chưa có danh hiệu Tin Mừng Nước Trời. Điều khiến độc giả ngạc nhiên chính là nhận thức của thánh nhân, “Anh em không biết sao: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (3:16); nói rõ hơn, “Anh em không biết sao? Thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần (ngự) trong anh em, anh em đã chịu lấy từ Thiên Chúa, và anh em không thuộc về mình nữa” (6:19). “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” rõ ràng nói lên sự thể Thiên Chúa ở trong anh em. Phỏng đây là nhận thức như thành quả của phương pháp thánh nhân áp dụng và đề nghị, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes. 5:19-22)?

Nghiệm Xét và Điều Kiện Thực Hiện

Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thessalônikê được viết vào năm 52. Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô được thánh nhân viết vào năm 57. Như vậy có thể nói thánh nhân đã thực nghiệm nghiệm xét mọi sự nên đạt tới nhận thức Thiên Chúa ngự trị nơi mọi người. Nói cách khác, thánh nhân đã nghiệm xét được Tin Mừng Nước Trời Chúa Giêsu rao giảng, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel.” Đâu là gốc gác phương pháp thực hành “Nghiệm xét mọi sự,” một đề nghị thực nghiệm, thực hành; một minh chứng thực nghiệm giải thích minh xác lời Phúc Âm nghiệm chứng sau này, “Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44); và “Trong các tiên tri đã có viết: Hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa. Phàm ai nghe và học từ Cha thì sẽ đến với Ta” (Gioan
6:45).

Thánh nhân nêu lên nguyên tắc thực hành, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes. 5:19-22), kèm thêm trạng thái hay điều kiện tâm trí của người nghiệm xét, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Xét như thế, người nghiệm xét không nên để tâm trí lệ thuộc hay bị ảnh hưởng bởi bất cứ gì dẫu là truyền thống, niềm tin, hay chiều hướng, hoặc quan niệm suy tư.

Thử Phân Tích Nghiệm Xét Theo Thánh Phaolô

1- Đừng dập tắt Thần Khí. Nơi 1Côrintô thánh nhân nhắc nhở, “Anh em không biết sao: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (
3:16); “Anh em không biết sao? Thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần (ngự) trong anh em” (6:19), thì sao có thể “Dập tắt?” Phỏng nói như thế có nghĩa hãy nhận biết, tin thật, nhận chân thực thể Thần Khí ở trong, đang ngự trị nơi một người. Như vậy, dập tắt mang nghĩa không nhận biết. Vấn đề được đặt ra đó là tại sao con người không nhận biết Thần Khí nơi mình. Sự nhận biết, nhận thức, là do tự mình suy tư, suy nghiệm, nghiệm chứng, nghiệm xét chứ không ai có thể nhận biết dùm hoặc dạy bảo hay cổ võ; bởi không ai có thể ăn uống hoặc suy nghĩ dùm cho bất cứ ai thì nhận biết nhận thức cũng thế. Nơi trường hợp rao giảng, khuyên bảo, dạy dỗ mong người khác có niềm tin, tin tưởng, chỉ là trình bày, là phương tiện hay cơ hội cho người khác suy tư hầu nhận biết sự thể sự việc như thế nào, là gì đối với người đó. Bởi vậy, phúc âm được viết, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt Phái giả hình, vì các ngươi khóa nước trời chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Tôi không bào chữa cho Ký lục hoặc Biệt phái nhưng hình như họ cũng như những người khác, chỉ thực hành và hiểu biết lời Kinh Thánh theo nghĩa từ chương rồi giảng dạy dân Chúa theo suy nghĩ, hiểu biết thế tục nên bị cho là “Chận người ta lại” hoặc “Dập tắt Thần Khí.” Nói sao đây, nhận thức, thức ngộ cần được suy nghĩ, không thể học được, không thể cầu, mà chỉ có thể ngộ. Muốn ngộ cần tự suy tư.

2- Chớ khinh thị các ơn tiên tri. Dẫu “Tiên tri” theo nghĩa nơi Kinh Thánh là sự rao giảng lời Chúa, trong khi Kinh Thánh được viết để con người nghiệm chứng, nghiệm xét chứ không phải để hiểu biết, giảng giải. Thực tại minh chứng, hiểu biết về một bữa ăn không thể làm bất cứ ai no bụng. Nghiệm chứng, nghiệm xét cũng giống như sự việc ăn, thưởng thức các món ăn. Không suy nghĩ, suy tư, nghiệm xét lời Kinh Thánh và chỉ đọc hay nghe để hiểu biết, để lấy kiến thức, hiểu lời Kinh Thánh theo nghĩa từ chương thì chẳng khác chi hiểu biết sự tốt lành của bữa ăn trong khi bụng kêu réo vì đói. Thế nên, khinh thị các ơn tiên tri có nghĩa không suy tư, không nghiệm xét lời Kinh Thánh mà chỉ hiểu và rao giảng theo nghĩa từ chương, tưởng rằng chỉ như thế là nắm bắt được sự khôn ngoan lời Chúa.

Nơi hành trình suy tưởng  do giới hạn hiểu biết cũng như nhận thức, một người tất nhiên sẽ gặp rất nhiều thiếu sót nếu không muốn nói là sai lầm, không đúng sự thật; trong khi suy tưởng lại là hành động, hoạt động nhận biết sự thật của điều được ám định hay nói về, do dùng kinh nghiệm hay ý tưởng hữu vi, nhân sinh. Tuy nhiên, sinh hoạt suy tưởng, nghiệm chứng, nghiệm xét chỉ xảy ra nơi tâm trí và chỉ một mình người suy tưởng, suy nghiệm biết nếu không nói ra, và dẫu nói ra tất nhiên luôn luôn sai theo sự hiểu biết từ chương. Chẳng hạn, ăn bún bò Huế cần phải có ớt mới ngon, nhưng ớt nhiều ít lại tùy miệng của người ăn nên cái ngon của người này chắc chắn khác với bất cứ ai khi nói về bún bò Huế. Đàng khác, sự suy tưởng chỉ xảy ra nơi tâm trí nên đúng sai như nhau, hôm nay nghĩ thế này là đúng, mai thấy sai, suy nghĩ lại sao cho hợp lý hợp tình hơn; mốt thấy phải như thế này, như thế kia mới chuẩn, thì bỏ điều nhận ra sai lầm của hôm nay và ngày mai, giữ lấy điều đúng của ngày mốt; nào ai biết đấy là đâu. Vấn đề chỉ là mình có suy tưởng hay không.

3- Hãy nghiệm xét mọi sự. Khi nghiệm xét, nghiệm chứng, thực chứng, bất cứ sự việc hay quan niệm, sự thể, thực thể hoặc tư tưởng, chiều hướng, chủ thuyết, cũng như lời dạy hay câu nói nào, người nghiệm xét cần đặt vấn đề về mọi phương diện của sự thể hay ngôn từ của sự thể đó. Nơi sự việc kỹ thuật, kinh nghiệm về sự vật, sự việc có thể phụ giúp nhận biết sai sót hoặc thiếu mất phần tử nào để bổ túc hay sửa sai để sự việc trở lại bình thường hoạt động. Sự việc, sự vật dẫu bị ảnh hưởng những điều kiện sinh lý hay thể lý nhưng hoạt động của chúng không thay đổi là bao. Chẳng hạn H2O là nước thì sự khác biệt về trọng lượng của cùng một thể tích nơi điều kiện nóng, lạnh, khác nhau sẽ bị chênh lệch chút ít trong khi H2O là nước thì luôn là nước. Đối với một tư tưởng, quan niệm, sự nhận biết, nhận thức tùy thuộc những điều kiện nơi chủ thể; mà chủ thể, người nhận thức lại không ai giống ai. Do đó, khi nghiệm xét một sự thể, thực thể nào, người nghiệm xét tránh lệ thuộc bất cứ quan niệm, ước mơ, chủ thuyết, hay bất cứ gì trên mọi phương diện. Sự thể nghiệm xét đòi hỏi sự tự do tuyệt đối mọi mặt. Tất cả mọi ảnh hưởng đều giống như cặp kiếng màu làm lệch lạc nhận biết, nhận thức người nghiệm xét. Thí dụ, thử nghiệm xét câu, “Ai có tai thì nghe” (Mt.
11:15). Thử hỏi ai là người không có tai dù bình thường hay điếc? Thế sao lại nói “Có tai thì nghe?” Hoặc người đó không muốn nghe. Nếu người đó đã không muốn nghe thì không có gì phải nói. Kinh nghiệm hay khoa học đều minh chứng người ta nghe bằng tai và tai thì dùng để nghe. Tuy nhiên, câu hỏi được nêu lên đó là tai có thể nghe tự nó được không? Kinh nghiệm thực chứng minh chứng, một người chết, nghĩa là khi hồn đã rời khỏi xác thì người đó không thể nghe được gì nữa. Điều này nói lên chiếc tai không thể nghe tự nó mà chỉ là phương tiện cho cái gì đó nơi một người nghe, tạm gọi là hồn. Thế nên, cái hồn dùng tai để nghe; tai chỉ là phương tiện. Bởi vậy, nói rằng ai có tai thì nghe có nghĩa cái hồn có muốn nghe hay không. Dĩ nhiên, bất cứ âm thanh, lời nói nào vang lên sẽ lọt qua tai và hồn nghe. Như thế, phản ứng của hồn sẽ ra sao, có suy nghĩ, đặt vấn đề, có nghiệm xét điều nghe được hay không. Từ nhận định này có thể suy ra, câu, “Ai có tai thì nghe” nói về trạng thái, điều kiện của hồn một người có suy tư, nghiệm xét điều vừa nghe được hay không. Như vậy, thánh Phaolô đề nghị, “Hãy nghiệm xét mọi sự” khuyên nhủ người nghe đặt vấn đề mọi mặt về một câu nói, câu khôn ngoan, lời Chúa, lời Kinh Thánh để nhận biết, nhận thức sự khôn ngoan đó đối với mình thế nào.

4- Điều gì lành hãy giữ lấy. Trong khi suy tưởng, chỉ có sự hiện hữu của tư tưởng, nhận thức chứ không có sự đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu, hay, dở. Chỉ có hợp hoặc không hợp, thuận lý, hợp tình, có thể chấp nhận được hay không. Bất cứ sự thể nào có thể xảy đến nơi tâm trí hợp với suy tư của mình và giúp mình thăng tiến trong suy tư, suy nghiệm đều là điều lành. Hãy giữ lấy và tiếp tục suy tưởng không cần để tâm đến bất cứ quan niệm thế tục nào ra sao vì quan niệm và hành động thế tục là hữu vi, những chuyện xảy đến nơi tâm tư hoàn toàn khác biệt với những hành vi, hoạt động thế tục.

5- Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào. Tất cả những gì dù tuyệt vời đến đâu nhưng ngăn cản hành trình suy tư đều được coi là điều dữ. Những sự, những điều dữ này được phúc âm coi như s “Vấp phạm.” “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt.
5:29-30). Sự thể này, chỉ người suy tư, nghiệm xét nhận biết. Những sự dữ này được thánh nhân nêu lên từ nhiều phương diện qua câu, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo Đức Kitô” (Col. 2:8).

6- Cách vật trí tri. Là những hiểu biết nhân sinh, thế tục, triết lý, quan niệm, chủ thuyết, lý thuyết v.v... Những hiểu biết này chỉ hợp nơi sinh hoạt nhân sinh; chúng chỉ có thể dùng làm phương tiện hay cơ hội cho người nghiệm xét sử dụng, đặt vấn đề chứ không được coi như điều kiện suy tưởng. Sự suy tưởng không lệ thuộc bất cứ giới hạn nào vì chỉ xảy đến nơi tư tưởng. Cho dù ước muốn hay những hy vọng dẫu đẹp đẽ, thánh thiện đến mấy cũng chỉ là phương tiện, không thể là yếu tố quyết định hay ảnh hưởng sự suy tư, nghiệm xét.

7- Thể theo truyền thống người phàm. Lề luật, truyền thống, thói quen, quan điểm, v.v..., tất cả những gì trói buộc hoặc khiến con người lệ thuộc đều không có cửa ảnh hưởng hành trình suy tưởng. Khi suy tưởng, chủ thể có tự do tuyệt đối, Chúa cũng không nhảy vô làm phiền; Chúa cũng phải tôn trọng hành trình suy tư, suy tưởng, nghiệm xét của con người. bất cứ gì ngăn cản hành trình suy tư đều là sự vấp phạm, chủ thể không nên ngại ngùng dứt bỏ. Không dứt bỏ bất cứ gì để sử dụng tự do tuyệt đối nơi suy tưởng được phúc âm cho là xô cả thân mình vào hỏa ngục, hỏa ngục của sự mù tối, không nhận biết, nhận thức.

8- Nhân tố trần gian. Bất cứ lý lẽ, điều luật, tư tưởng, điều nên hoặc không nên, chúng ta có thể nghĩ tới đều được coi là nhân tố trần gian. Chúng không nên và không có quyền liên hệ cũng như ngự trị tâm trí người nghiệm xét. Chúng thuộc về thế tục, trần gian dẫu chúng được dùng làm phương tiện cho sự suy tư. Chúng không có quyền ảnh hưởng sự tự do suy tư tuyệt đối của chủ thể, của người suy tư, nghiệm xét. Những sự vật, sự thể con người mơ ước đều là vỏ bọc bên ngoài, không phải thực thể của sự suy tưởng, chủ thể suy tư không nên lệ thuộc vào chúng.

9- Không theo đức Kitô. Theo đức Kitô là tuân theo lời dạy của Ngài. Không ai có thể trở nên giống đức Kitô. Họ chỉ có thể là chính họ; nếu không thể là chính mình, tốt, xấu, thánh thiện như mình thì không thể suy tưởng. Điều luật, trạng thái tâm trí mà một người cần có chính là sự tự do tuyệt đối khi suy tưởng. Sự tự do này Chúa cũng tôn trọng; vì không thực sự có tự do suy tưởng, con người sẽ bị lệ thuộc những gì được thánh nhân gọi là cách vật trí tri, nhân tố trần gian. Theo đức Kitô có nghĩa tâm hồn hoàn toàn và tuyệt đối tự do. Sự tự do này chỉ có được nếu con người thực hành, nghiêm giữ những câu nói nghịch thường nơi phúc âm; tôi tạm gọi những câu này là điều kiện tâm trí.


Điều Kiện Tâm Trí

a/ Trong khi suy nghĩ, suy luận, không bám víu nơi bất cứ tư tưởng, ý nghĩ nào, “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai” (Mt. 9:16-17; Mc. 2:21-22; Lc. 5:36-38). Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc. 9:23-25;
14:33; Mc. 8:34-37).
b/ Không lệ thuộc kinh nghiệm, học thức, kiến thức cũ. “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc. 9:62).
c/ Người chết về tâm linh chôn xác chết. “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Mt.
8:22; Lc. 9:60).
d/ Không bám víu, lệ thuộc vào tình cảm, ước muốn, ý nghĩ. “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”  (Mt. 10:37-39; Gioan 12:25).
e/ Cần biết nhận định, tính toán, suy tư. “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán pí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 'Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.' Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối  hương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà” (Lc.
14:28-32).
- Dụ ngôn Mười Nàng Trinh Nữ, năm nàng khờ dại không suy nghĩ, chỉ làm theo thói quen hay điều người khác nói” (Mt. 25:1-13).
- Dụ ngôn Những Nén Bạc, sợ sai lầm nên không dám suy tư, nghiệm xét; lời Chúa để Chúa nghe (Mt. 25:14-28).
Nơi hành trình nghiệm xét, Phúc Âm cũng nhắc nhở cần thực hành nghiệm xét; thuở ban đầu rất khó nhưng lâu dần sẽ thăng tiến chẳng khác gì làm việc. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (Mt.
13:12;  Mc. 4:25; Lc. 8:18). “Kẻ trước hết trở nên sau hết;” thực hành sẽ biết. Thoạt đầu, tâm trí sẽ bị rối như tơ vò, không biết đâu vào đâu, kể như không thâu lược được chút kết quả suy tư nào, nhưng cứ kiên trì, sau một khoảng thời gian, diễn tiến suy tư sẽ dần dần hiển lộ.
f/ Trong hành trình nghiệm xét, bất cứ gì xảy đến nơi tâm tư cần được dứt khoát loại bỏ bởi nó cản trở nhận thức, “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục”(Mt.
3:29-30).
- “Ai có tai thì nghe””(Mt. 11:15; 13:9; 13:43; Mc. 4:9; 4:23; 7:16; Lc. 8:8; 14:35).
- “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Người đi””(Mc. 1:3)
- Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc.
1:15).
- “Người gieo giống đây là người gieo lời. Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.  Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,  nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm” (Mc.
4:14-20).
- “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.  Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc. 9:42-48).
- “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc.
10:15).
- “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”(Mc.
10: 24-25).
- “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến””(Mc.
13:33).
- “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì  không thể làm môn đệ tôi được” (Lc.
14:33).
(Trích từ, Khai Phá Tin Mừng; Lã Mộng Thường; Litho Printers; MO; USA; 2021; Trang 90-93).

Vào thời kỳ thánh nhân dạy “Hãy nghiệm xét mọi sự,” tất nhiên chưa có phúc âm. Những câu phúc âm nói về điều kiện tâm trí người nghiệm xét được trích từ phúc âm quả là gượng ép vì thực ra, không ai biết đức Giêsu đã thực sự nói những gì khi Ngài còn đương thời. Thánh nhân bị kết án và qua đời vào năm 68 dương lịch trong khi phúc âm mãi cho tới năm 70 mới được các cộng đồng chung nhau viết theo truyền thống truyền khẩu. Nếu cho rằng tôi lấy “Râu ông cắm cằm bà” thì đành chịu vì ngay đến những học giả Kinh Thánh cũng không mò ra được nên tôi đành mạo muội chép vô, may ra vị nào được Thần Khí của đức Kitô soi sáng kiếm ra được những gì đức Kitô thực sự rao giảng mà thương tình chỉnh đốn, tôi chân thành cảm tạ. Chỉ một điều, đức Kitô rao giảng Tin Mừng Nước Trời; trong khi thánh Phaolô rao giảng đức Kitô chịu đóng đanh đã trở nên nguyên cớ cho bài viết này. Xét như thế, câu hỏi được đặt ra và đó là chúng ta theo đức Kitô hay theo thánh Phaolô. Nói như thế điều khác biệt tất nhiên xảy đến; đó là có những sự gì xảy đến nơi niềm tin, nhận thức nơi mỗi Kitô hữu. Thực tại minh chứng, chúng ta theo thánh Phaolô rao truyền, tin theo đức Kitô chịu đóng đanh mà lại khuyến khích rao giảng, truyền bá phúc âm. Có lẽ không khác gì tôi đã “Lấy râu ông cắm cằm bà.” Theo đức Kitô tức là tiếp nối mục đích Ngài được sai đến để thực hiện và đó là rao giảng, quảng bá Tin Mừng Nước Trời. Theo thánh Phaolô tất nhiên chúng ta loan truyền về đức Giêsu. Tại sao sự thể này phát sinh? Dẫu phúc âm được viết theo truyền thống truyền khẩu; bởi tới năm 70 thì những người đương thời đã quá già hoặc đã qua đời, và nếu để tâm phân tích, phúc âm được viết theo lối dùng đức Giêsu làm mốc điểm rồi gom góp những câu khôn ngoan từ ngàn xưa ráp nối thành câu truyện dược các nhà học giả Kinh Thánh cho rằng phúc âm viết về cuộc đời Chúa Giêsu. Để tâm và phân tích phúc âm thành những câu nói riêng biệt và sắp xếp lại ‎những câu nói tương tự theo hệ thống, phúc âm nói về hành trình suy tưởng, nhận thức Tin Mừng Nước Trời dẫu không có bất cứ đinh nghĩa nào về Tin Mừng nơi phúc âm. Nói cách khác, phúc âm chỉ dẫn hành trình nghiệm xét Tin Mừng Nước Trời. Hành trình này bao gồm những nhận thức hay những suy  tưởng về con đường hẹp hay thực tâm nhận biết chính mình, tốt lành, thánh thiện hay quỷ quái, ma giáo thế nào. Thiên Chúa là thế nào; Nước Thiên Chúa là gì... để dẫn đến nhận thức Tin Mừng đức Giê su rao  giảng.

So Sánh Nhận Thức của Phaolô và Tin Mừng Nước Trời

Tin Mừng Nước Trời là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta;” Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mọi người, nơi tạo vật, nơi mọi sự, ngay cả nơi tư tưởng; vì tư tưởng cũng có sự hiện hữu nên mới có thể biết được. Sở dĩ chúng ta không dám phóng tâm suy tưởng, nghiệm xét vì nhiều lẽ. Có thể vì không quen suy tưởng, không quen hoặc không dám đặt lại vấn đề những gì đã được dạy dỗ, hay được coi như truyền thống, quan niệm; dẫu mọi người bình thường sử dụng sự suy tư, tính toán trong công việc làm ăn nơi cuộc sống, sinh hoạt nhân sinh. Có thể con người mang mặc cảm tự ti vì giới hạn hiểu biết tâm linh do ít khi đặt vấn đề nên e sợ sai lầm dẫu mọi người đều nhận biết và chấp nhận “Ai nên khôn không khốn một lần.” Có thể tâm thức con người bị ràng buộc bởi những lý thuyết, quan niệm, hay lề luật nhân sinh vì không nhận ra hồng ân là thực thể suy tư nơi mình. Thực ra, gọi người suy tư là chủ thể nhưng chính linh hồn người suy tư, nghiệm xét, suy tưởng chứ không phải bộ óc người đó. Bộ óc chỉ là vật chất, và vật chất không thể phát sinh tư tưởng, ý định, ước muốn. Linh hồn được các nhà thức ngộ, nhận thức Đông Phương gọi là thượng đế nội tại. Thánh Phaolô nhắc nhở, “Anh em không biết sao: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor.3:16). Linh hồn là Thần Khí Thiên Chúa nơi mỗi người. Sự suy tư, suy tưởng, nghiệm xét do linh hồn, không phải nơi bộ óc.

Những quan niệm, lý thuyết, nhận định, nhận thức nhân sinh ảnh hưởng nặng nề sự suy tưởng, nghiệm xét của một người. Thí dụ, câu phúc âm, “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên, hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm” (Mc. 1:15) Động từ “Ăn năn hối cải” được dịch từ tiếng Hy Lạp “Metanoia” có tới hơn 10 nghĩa, và nghĩa chính của nó là “Thay đổi chiều hướng,” hoặc, “Cải tạo (brain wash) tư tưởng.” Vào thời đức Giêsu rao giảng, chưa có ngôn từ hay văn từ “Phúc Âm.” Thiển nghĩ, nếu viết lại theo lời rao giảng thì nên viết, “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa ở nơi các ông, hãy thay đổi chiều hướng quan niệm và tin vào lời ta nói.” Tuy nhiên, phần ghi chú nơi cuốn Kinh Thánh Tân Ước do 14 học giả Thánh Kinh đã được viết, “ đâaây, chc phi hiu saùm hi (metanoia) theo ch đ căn bn trong Cu Ưc, caùch rieâng, t ngoân s Gieâreâmia: thay đi hưng đi, trit đ quay v vi Thieân Chuùa ca Giao Ưc veà dn bưc vaøo mt cuc sng mi”(KTTÖ; Tr. 184; Saøi Goøn; 1994).  Lý do gì hay s thể, sự việc nào đã khiến các vị ấy không dám động não nghiệm xét thì chỉ các vị ấy biết, mọi dự đoán đều bất công. Mục đích cuộc đời của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Lc.
4:43) chứ đâu phải Ngài rao giảng ăn năn hối cải. Đàng khác, Phúc âm khuyến khích, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt. 6:33; Lc. 12:31). Đức Giêsu không rao giảng gì về cái chết của Ngài, lại càng không công bố Ngài chết vì và chết cho tội lỗi loài người.

Một điều chắc chắn đó là thánh Phaolô không biết gì về danh hiệu Tin Mừng Nước Trời dẫu ngài đạt tới nhận thức, “Anh em không biết sao: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor. 3:16). Bình tâm nhận định, nói rằng “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” hoặc, Thiên Chúa ở trong anh em, hay Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đều mang ý nghĩa như nhau; khác chăng chỉ là ngôn từ hay lối phát biểu. Như vậy có thể nói, dẫu thánh nhân đạt tới nhận thức Tin Mừng, đạt tới thực thể Tin Mừng đức Giêsu rao giảng tuy khác lối phát biểu.

Dân gian có câu, “Chúng khẩu đồng từ, nhà sư cũng chết.” Tôi không hiểu được thánh Phaolô phát biểu qua câu, “Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan; thì chúng tôi lại rao giảng một vị Kitô đã bị đóng đinh Thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cor. 1:23) mang định kiến gì! Hoặc là rao giảng theo những gì đức Giêsu rao giảng, hay rao giảng về con người của đức Giêsu. Nơi thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chúng ta đọc được, “Ai nào biết được tư tưởng của Chúa, để hòng chỉ giáo cho Người. Còn chúng tôi, chúng tôi có tư tưởng của đức Kitô” (1Cor.
2:16). Thánh nhân đương đường minh xác, “Quả vậy, Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng; không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo thập giá của Đức Kitô bị ra hư không trống rỗng” (1Cor. 1:17). Và, “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh” (1Cor. 15:3).

Trong giới hạn hạn hẹp, tôi thử tìm hiểu phần nào định kiến của thánh Phaolô qua thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Nơi bản dịch do linh mục Nguyễn Thế Thuấn dòng Chúa Cứu Thế (1976) được viết, “Còn chúng tôi, chúng tôi có tư tưởng của Đức Kitô” (1Cor. 2:16); nơi bảy bản dịch tiếng Anh cũng được dịch mang đồng ý nghĩa (Anchor Bible (1Cor. 1976), New American Bible (1970), Holy Bible (1895, 1952), Jerusalem Bible (1966, 1991), Oxford Bible (1971). Riêng câu, “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh” (1Cor. 15:3). Nơi cuốn Jerusalem Bible được in năm 1966 viết, “Well then, in the first place, I taught you what I had been taught myself, namely that Christ died for our sins...,” trong khi cũng bản dịch Jerusalem Bible xuất bản năm1991 lại viết, “The tradition I handed on to you in the first place, a tradition which I had myself received, was that Christ died for our sins...” Nơi cuốn 1Corinthians, cuốn thứ 32 thuộc bộ Anchor Bible, được in năm 1976 dịch, “For I delivered to you with top priority that which I also received: that Christ died for our sins according to the scriptures.” Bản dịch New American Bible cũng được viết như nơi cuốn 1Corinthians của bộ Anchor Bible. Xét như thế, thánh Phaolô chỉ lặp lại hoặc tuyên xưng theo truyền thống về đức Kitô chịu chết vì tội lỗi loài người chứ không phải ngài tự đề xướng hoặc đó là định kiến của thánh nhân.

Tin theo đức Giêsu là nhận thức, nghiệm xét, và thực thi lời Ngài giảng dạy. Mục đích cuộc đời của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tin theo Ngài là nhận biết, và thực thi, cũng như rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Vấn đề được đặt ra, Tin Mừng Nước Trời là gì?

04 MÓC MẮT - CHẶT
TAY

Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt. 5:29-30).

Nếu tay hay chân ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; thà ngươi cụt tay, què chân mà vào sự sống, còn hơn là có hai tay, hay hai chân mà bị quăng vào lửa đời đời. Và nếu mắt ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng nó đi khỏi ngươi, thà ngươi chột mắt mà vào sự sống, còn hơn là có hai mắt mà bị quăng vào địa ngục lửa thiêu” (Mt.18:8-9).

43 Và nếu tay ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà ngươi cụt tay mà vào sự sống, còn hơn là có hai tay mà sa vào hoả ngục, vào lửa không hề tắt, 44 [nơi mà giòi bọ không chết, và lửa không tắt]. 45 Nếu chân ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà ngươi què chân mà vào sự sống, còn hơn là có hai chân mà bị quăng vào hỏa ngục, 46 [nơi mà giòi bọ không chết, và lửa không tắt]. 47 Nếu mắt ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc nó đi, thà ngươi chột mắt mà vào Nước Thiên Chúa, còn hơn có hai mắt mà bị quăng vào hỏa ngục. 48 nơi mà giòi bọ không chết, và lửa không tắt” (Mc.
9:43-48)

Chưa bao giờ tôi gặp câu nói nào dám nêu lên điều gay gắt quá quắt như ba đoạn văn trên dẫu đã dám liều lĩnh tìm tòi những công án nơi sách vở đạo học Đông Phương, trong đó Phật học đã có những câu thoạt vừa mới đọc hay nghe, đầu óc con người đã vội bị sốc. Chẳng hạn nơi Lâm Tế Lục có câu, “Gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ, gặp pháp bỏ pháp.” Hoặc nơi Đạo Đức kinh của Lão học được viết, “Đi xa tức là về gần.” Những công án này là thành quả nghiệm chứng, nghiệm xét của các bậc thức ngộ, muốn nói lên điều gì thì chỉ những ai rắp tâm định tâm, hành thiền, may ra mới nhận thức được. Tôi nói may ra vì sự nhận thức chỉ có thể ngộ, không thể cầu, không thể học được cũng như không thể dạy được; mà có chăng người đã thức ngộ nhờ những câu nói đó lại càng không thể nói được gì, phương chi giải thích hay dạy dỗ. Lẽ đương nhiên, người thức ngộ bị rơi vào cảnh như Lão học minh định, “Người biết không nói, kẻ nói không biết.” Chính câu nói này đã đày đọa tôi không biết bao nhiêu năm; và nghe chừng đâu đó, cho tới nay 2021 hơn kém ba ngàn năm đã không biết bao người nơi vùng Á Châu, chẳng hạn Trung Hoa, Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, đã dùng cả cuộc đời nghiệm chứng câu này để rồi sống để dạ, chết đem theo như chưa bao giờ nghe thấy hoặc đọc được.

Ấy chỉ là câu nói nhẹ nhàng, dễ thương, ai chợt nghe thấy mà không cảm thấy nực cười, đôi khi cho rằng người nói lên câu đó ngây ngô, ngớ ngẩn hoặc diễu chơi thiên hạ; mà nó đã khiến biết bao người xất bất xang bang tự tiêu hủy bao suy tư, nghiệm chứng. Đàng này, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt. 5:29-30), đã hơn kém hai ngàn năm hiên ngang thách đố, nếu không muốn nói là ngạo nghễ nhạo cười bàn dân thiên hạ; bởi đâu có ai dám thử thực hành. Tôi nói chưa có ai dám thử thực hành vì nếu thực hành tất nhiên đi tù theo luật đời vì hủy hoại thân thể.

Ba đoạn này được trích nơi phúc âm, dù thay đổi thứ tự sự vật, sự việc hoặc cách diễn xuất thì cuối cùng cũng đem đến kết quả móc mắt, chặt tay. Xét theo lề luật nhân sinh, đúng là xúi dại cho những người cuồng tín. Tuy nhiên, cũng xin cảm ơn phúc âm, vì nếu tôi không lầm (cầu xin lầm mà không lầm) thì dù chỉ một câu đã có thể minh chứng không ai cuồng tín; vì hình như đã hơn kém hai ngàn năm, nơi Kitô giáo, nơi tất cả những giáo phái thuộc Kitô giáo, hoặc bất cứ những ai tin theo đức Kitô đều không có ai cuồng tín đủ để thực hành dù chỉ một câu trong ba đoạn này. Thế nên, ai cũng vậy, lỡ đọc hay nghe biết, đều lờ đi như chưa bao giờ nghe hoặc đọc.

Thử hỏi, biết bao hàm vị tiến sĩ Kinh Thánh nơi các giáo phái của Kitô giáo từ xưa đến nay, tạm gọi hai ngàn năm, đã có vị nào trình luận án tiến sĩ về dù chỉ một câu trong ba đoạn này chưa; tôi không biết. Thiển nghĩ, sự thức ngộ cần được trãi qua, nghiệm chứng, nghiệm xét, cần định tâm hay hành thiền để suy tư. Nhưng thực chứng lại ngộ không cần thời gian suy tư, suy tưởng viễn vông, chẳng cần ai dạy cũng như học nơi đâu; cứ móc phăng một con mắt hay chặt đứt một cánh tay là ngộ liền, biết nó thế nào ngay lập tức. Đó là thực chứng, nói theo các vị thức ngộ Đông Phương. Sự thức ngộ đâu cần danh hàm kỹ sư hay tiến sĩ. Xét thế, có lẽ tôi đã suy luận đúng, không ai nơi Kitô giáo cuồng tín đủ vì ai cũng lành lặn, ngoại trừ nơi những trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, càng không có vị tiến sĩ chột mắt hay cụt tay, càng chứng tỏ đã chẳng có hàm vị tiến sĩ Kinh Thánh nào đệ trình luận án tiến sĩ về một câu trong ba đoạn này.

Nói người lại nghĩ đến ta. Nhưng tôi không cần danh hàm tiến sĩ; tôi cũng như mọi Kitô hữu không cuồng tín đủ, cũng không muốn thực chứng để đi tù, và nhất là càng không ngu dại đủ để tin theo phúc âm xúi dại theo nghĩa hữu vi, nhân sinh. Tôi chỉ muốn tìm hiểu lời phúc âm nói về sự thể gì nơi phương diện nào, và sao có thể áp dụng một cách đúng đắn nơi cuộc đời của tôi cũng như của mọi người. Nói rằng hay tin rằng lời phúc âm là lời Chúa mà không thể nào áp dụng nơi cuộc đời nhân sinh thì chỉ minh chứng lời phúc âm không tưởng hoặc vô bổ, và như thế chứng tỏ đã chẳng tin gì dẫu miệng hô hào, tuyên xưng tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa. Đây là trạng thái nói láo, không thật với lòng mình. Quí vị nghĩ sao, nhận thấy lòng mình, tâm tưởng của mình thế nào khi miệng thì tuyên xưng tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa nhưng không hiểu, không dám thực hành lời phúc âm trong cuộc đời?

Nếu miệng tuyên xưng tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa mà không cần biết phúc âm nói gì thì tin như thế nào. Không đánh lừa được Thiên Chúa đâu. Nói rằng rao giảng phúc âm trong cuộc sống mà không dám áp dụng lời phúc âm nơi cuộc đời thì rao giảng cái gì? Thiên hạ không ngu như mình tưởng đâu. Lừa tiền lừa bạc của họ thì may ra chứ không lừa được họ tin theo những sự gì không thể và không dám thực hiện đâu. Phét lác cho qua, đem lời phúc âm giảng giải theo nghĩa từ chương, luân lý thế tục, không lừa được ai đâu. Người nghe dẫu không nói ra thì mình cũng tự mang nỗi nhục lừa đảo.

Tôi không có học vị tiến sĩ vì không muốn tự móc mắt, chặt tay để thực chứng đoạn phúc âm này. Tôi cũng chỉ như bao Kitô hữu khác, câu phúc âm nào đại khái ý nghĩa có lợi cho mình thì ôm ấp để huênh hoang, ra vẻ ta đây là con người tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa cho giống với mọi người cùng trong bè đảng được mệnh danh là có đức tin dẫu chẳng biết đức tin, lòng tin là gì vì không biết cách nào áp dụng để biến câu nói, “Ông hãy đi! Ông đã tin sao, thì hãy được như vậy” (Mt.
8:11) thành hiện thực nơi cuộc đời mình. Tôi đang sống tại nước Hoa Kỳ; mọi người đều biết, bất cứ gì cũng bị đánh thuế, nhưng hình như sở thuế cũng không biết gì về đức tin, lòng tin như tôi nên không biết đánh thuế người nói phét. Do đó, tôi tha hồ huênh hoang tuyên xưng rằng mình tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa mà không ai thèm để ý cũng như hỏi tôi rằng tôi tin như thế nào và đức tin, lòng tin của tôi mang vị thế nào nơi cuộc đời của tôi. Ba hoa chích chòe tự do mà, chỉ tốn chút nước bọt, đâu thiệt hại gì tới miếng cơm manh áo, lại cảm thấy mình quan trọng, được ngưỡng mộ, ai dại gì mà không nổ, không nói phét, ngoại trừ kẻ dở hơi.

Nói thì nói thế, nhưng tôi cũng có tự ái, dù không ai biết, chính tôi biết. Tự thâm tâm, tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình do luôn biết tự trọng, biết liêm sĩ để có thể nói phét mà không thấy ngượng miệng. Tôi cần nhận biết cho rõ ràng sao có thể áp dụng lời phúc âm nơi cuộc đời. Tôi cần biết tin là thế nào, đức tin, lòng tin là gì, ra sao đối với tôi. Dẫu chính quyền không đánh thuế kẻ nói phét thì tôi cũng cần phải biết liêm sĩ nhận thực được niềm tin, đức tin của tôi là gì. Thế nên, không biết thì lật sách xem các vị tiến sĩ, các học giả Kinh Thánh nói năng ra sao.

Lật cuốn Mathew, cuốn sách thứ 26 của bộ sách Anchor Bible, được giới thiệu và giải thích bởi W. F. Albright và C. S. Mann, do Doubleday in tại New York vào năm 1987; nơi trang 63, có ghi thêm hai câu, Các ngươi đã nghe bảo: chớ ngoại tình. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” (Mt. 5: 27-28), được giải thích là lề luật cũng cấm đoán ham muốn điều chẳng nên trong lòng, đồng thời cũng cho rằng sự trừng phạt về điều luật cấm đoán này được nói tới nơi câu, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt.
5:29-30). Giời, giải thích như thế chẳng khác gì coi lời phúc âm như lối giải thích trong thế giới hữu vi, nhân sinh, và dùng lề luật tự trời rơi xuống bổ xung hay làm căn bản cho sự trừng phạt và không ai thèm áp dụng nơi cuộc đời do nghĩ rằng luật của Chúa thì Chúa lo mà giữ, đâu có gì phiền hà đến chúng tôi nơi thân phận nhân sinh. Các bậc học giả, các bậc thày dạy, viết sách giải thích về Kinh Thánh đã như thế, hèn chi không có hàm vị tiến sĩ nào đệ trình luận án về móc mắt, chặt tay. Nói phét không bị đánh thuế thì bố lếu, bố láo cũng chẳng bị phiền hà chi dẫu trong cương vị nào, nhất là lời Chúa. Cứ đem Chúa ra mà hù, thế là an bình.

Thế câu phúc âm, Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt. 5:29-30), muốn nói gì đối với tôi trong khi tôi không chấp nhận được sự giải thích của học giả, chứ không phải “học thiệt” Kinh Thánh? Nói rằng hình phạt móc mắt, chặt tay liên hệ đến tội ngoại tình trong lòng; ai biết được người nào ngoại tình trong lòng của kẻ khác ngoại trừ chính họ. và dẫu họ biết, đâu ai áp dụng lời phúc âm theo nghĩa từ chương nơi cuộc đời; đồng thời cũng không ai cuồng tín bậy bạ, hay ngu dốt thực hành như thế để bị ngồi tù theo luật đời về sự hủy hoại cơ thể. Lẽ đương nhiên, đàn ông thích và cần đàn bà cũng như  đàn bà thích và cần đàn ông. Sự thể này chính là do hồng ân của sự sống và truyền giống, sinh sôi này nở mà con người được ban cho, nói là được ban cho hay năng lực bẩm sinh cũng thế. Ai ban cho con người năng lực này nếu ngoài Chúa ra. Vậy những kẻ yên hoạn, không có năng lực này, nghĩa là những người đàn ông không thích đàn bà hoặc đàn bà không thích đàn ông, có khả năng phạm tội ngoại tình trong lòng được chăng? Thế thì tội quy về đâu, về cội nguồn năng lực bẩm sinh hay tại phúc âm được viết để ngạo đời, để nhắc nhở con người nên chú ý, để tâm nhận biết hồng ân mình được ban cho mà đã vô tình, ngu dốt không nhận biết đã bao lâu nay, từ thời nguyên thủy có sự sống nơi cõi dương gian?

Thử hỏi, giã sử, không ai có thể phạm tội ngoại tình trong lòng, điều này có nghĩa không ai có được khả năng bẩm sinh sự sống, thì thế giới này sẽ ra sao? Có cần phải được khuyến cáo, răn đe, móc mắt, chặt tay hay không? Thế phúc âm muốn nói về điều gì hay sự thể nào nơi phương diện chi nơi cuộc đời con người? Thực tế minh chứng, luật đời đều bắt nguồn từ luật tự nhiên, ngăn cản bất cứ gì tổn hại đến con người. Thế nên, móc mắt, chặt tay tất nhiên không thể nào là luật tự trời rơi xuống vì nó phản tự nhiên, phản luật đời. Vậy lý do gì phúc âm được viết như thế? Viết cho ai và trong trường hợp, phương diện nào?

Đặt vấn đề như vậy, câu trả lời thực tế rõ ràng không ai có thể chối cãi, và đó là phúc âm được viết từ miền Trung Đông; tất nhiên kiểu cách phát biểu bị ảnh hưởng nặng nề của đạo học Đông Phương. Thử xét Tục Ngữ, Ca Dao của dân Việt; chẳng hạn câu, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.” Ai cũng hiểu câu này nói về điều gì, nhưng chắc chắn không nói về ăn uống, cái nồi, hoặc ngồi chỗ nào, vị thế ra sao, cũng như hướng chi nơi bàn ăn; nghĩa là câu nói mang ý nghĩa ám định về tư thế và vị thế trong cách cư xử của một người nơi cuộc đời. Thử xét câu khác, “Liệu bò, đo chuồng.” Câu nói rất thường nhưng lại rất nghịch thường. Đâu phải nhà ai cũng có trâu bò, nhưng ai cũng hiểu được câu này nói về điều gì trong cuộc đời. Ai cũng thế, nên tính toán sao cho hợp tình hợp cảnh nơi cuộc sống, chẳng khác gì, “Ở cho phải phải, phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.” Thêm một câu nữa cho dư giả văn chương, “Đầu ngòi có con ba ba, kẻ gọi con trạnh, người la con rùa.” Ai cũng hiểu câu này nói gì, nhưng có lẽ nếu phiên dịch sang ngôn ngữ khác nơi Tây Phương, thử hỏi mấy ai hiểu điều gì sẽ xảy đến nơi tâm trí người đọc nếu chỉ dịch và đón nhận theo nghĩa từ chương.

Nếu xét theo địa hạt tâm linh, phúc âm là một đạo học bởi có những câu phát biểu tương tự như nơi Lão học hoặc Phật học. Nơi phúc âm có câu, “Ai có tai thì nghe,” chẳng khác gì nhà Phật nói, “Lời ta nói như chiếc bè.” Hoặc, “Gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ, gặp pháp bỏ pháp” nơi Lâm Tế Lục, nhà Phật; thì phúc âm lên giọng, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi.” Thử hỏi, Phật tử nghe thấy câu nói quá quắt đụng chạm đến Phật, đến tổ của họ, sẽ cảm thấy thế nào, và bất cứ ai nghe thấy câu phúc âm đề nghị móc mắt, chặt tay sẽ nghĩ người nói không khùng thì cũng bị cho là điên. Thế mà những câu nói “Khùng, điên” này lại ngạo nghễ thách đố người thiên hạ đã mấy ngàn năm.
Phúc âm được viết từ Trung Đông nhưng lại được triển dương bên Tây Phương, nơi kỹ thuật phát triển và lẽ tất nhiên với thói quen đón nhận theo nghĩa từ chương nơi những tài liệu kỹ thuật, phúc âm cũng đồng số phận được đón nhận theo nghĩa từ chương. Đàng khác, các sách vở đạo học là sản phẩm của các nhà thức ngộ được viết theo lối ám định nói về nhận thức tâm linh, tâm cảm. Nói cách khác, câu, “Người biết không nói, kẻ nói không biết” nói lên thực trạng của bất cứ sự thức ngộ nào vì sự thức ngộ chỉ xảy đến nơi tâm tưởng con người. Bởi thế, nhà Phật có công án, “Uống trà” và cảm nhận hay nhận thức về ngụm trà ngon ngọt hay chát đắng ra sao do hành động uống trà, chỉ người uống trà biết. Dẫu giải thích thế nào thì người không uống trà chẳng thể nào cảm nhận được miếng trà thực sự ra sao. Hơn nữa, sự cảm nhận, nhận thức về miếng trà lại tùy thuộc những điều kiện thể lý, tính cách, hoặc thói quen, ưa thích trà hay không. Do đó câu trả lời vẫn chỉ là “Uống trà” mà thôi. Ai uống trà, người nấy biết miếng trà đối với mình ra sao.

Trở lại với câu phúc âm, móc mắt, chặt tay, câu phúc âm dùng sự việc nhân sinh, hữu vi để nói về hành trình tâm linh, hành trình nghiệm chứng hay nghiệm xét đã được đề cập tới trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thessalônikê, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22). Kèm theo lời khuyên, thánh Phaolô cũng nhắc nhở thêm điều kiện tâm trí hay trạng thái tâm hồn của người nghiệm xét, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8).

Lời thánh nhân nhẹ nhàng theo kiểu hữu vi, nhân sinh, khiến ít ai để ý, nhưng nếu đặt nơi phương diện tâm linh, suy tưởng, không khác chi câu nơi Lâm Tế Lục, “Gặp Phật, giết Phật, gặp tổ, giết tổ.” Nơi hành trình, nói cách khác, khi để tâm suy tưởng về một vấn đề gì, tâm hồn không nên lệ thuộc hay bị ảnh hưởng bởi bất cứ gì cho dù truyền thống, quan niệm, điều luật, v.v... Chỉ đối diện với điều mình đang để tâm; không cho phép bất cứ chi lọt vào; chúng hiện đến, để chúng tự ra đi, không đối kháng, xua đuổi bởi nếu tránh né hoặc xua đuổi nó, mình đã tự biến nó thành đối tượng đấu tranh thay vì để tâm tưởng hướng về điều mình đang đối diện.

Tất cả những gì xảy đến trong khi nghiệm xét được thánh nhân gọi là “Cách vật trí tri, truyền thống người phàm, nhân tố trần gian.” Ngay cả truyền thống, cách vật trí tri mà còn bị liệt kê thành những thứ đánh bã, điều này nói lên người nghiệm xét cần phải hoàn toàn, tuyệt đối tự do, không lệ thuộc hoặc bị ảnh hưởng bất cứ gì trong khi tâm tưởng hoàn toàn mở rộng để nghiệm xét mọi sự. Bất cứ gì xảy đến ảnh hưởng tới tâm tưởng người nghiệm xét được coi là cớ vấp phạm, cần bị loại bỏ.

Xét thế, đoạn, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt.
5:29-30) nói về trạng thái tâm tưởng của người nghiệm xét, chứ không gì dính dáng đến sự việc nhân sinh. Nói cách khác, đoạn này nói lên người nghiệm xét cần có tâm trạng như thế nào, tôi tạm gọi là điều kiện tâm trí. Ai thực hành nghiệm xét lời phúc âm sẽ nhận thức được, không thực hành, lại cố dùng “Cách vật trí tri” để giải thích, giải yêu, cũng chỉ là “Kẻ nói không biết.”

05 VẢI MỚI ÁO CŨ - RƯỢU MỚI BÌ CŨ

Bấy giờ môn đồ của Gioan đến gặp Ngài mà rằng: 'Tại sao chúng tôi và Biệt phái ăn chay, còn môn đồ người thì không ăn chay.' Và đức Giê su bào họ: 'Khách đám cưới có thể làm tang, bao lâu tân lang còn ở với họ không? Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị cất đi khỏi họ; và bấy giờ họ sẽ ăn chay' (Mt.
9:14-15). Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ, vì mảnh điền thêm sẽ co lại, và rách càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bì cũ; chẳng vậy bì toạc ra, rượu thì đổ mà bì cũng hư. Nhưng rượu mới, người ta đổ vào bì mới, thế mới giữ được cả hai” (Mt. 9:16-17; Mc. 2:21-22; Lc. 5:36-38). (N.T.Thuấn dịch).

Khi còn nhỏ, gia đình tôi ở gần nhà cậu, chỉ cách mấy căn nhà lô. Nhà lô là những căn nhà sát vách bên nhau, dẫu đôi khi hai nhà chung một vách hoặc một nhà có chung hai vách với hai nhà bên cạnh tùy sự đồng thuận của những chủ nhà với nhau. Cậu tôi có ba người con gái được dì tôi, không lập gia đình, chăm sóc vì mợ qua đời sau khi sinh người con gái thứ ba. Cậu tôi thời trước có cặp trâu, thường vô rừng kéo gỗ súc về bán hoặc kéo thuê cho một số nhà máy cưa trong vùng. Nhờ đó ông làm căn nhà đồ sộ hơn các nhà khác trong cùng lô gồm mười một căn hướng mặt trước về khuôn viên nhà thờ cách một con đường bắt đầu từ quốc lộ 20 dẫn tới những khu ruộng rau được dân làng chăm bón mưu sinh.

Dì tôi làm thợ may, và nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ có mình dì tôi nhận sửa và vá quần áo cũ cho những người dân quê, suốt đời vất vả, chân lấm, tay bùn. Cũng có một đôi tiệm may ngoài phố dọc hai bên quốc lộ 20, nhưng họ chỉ may quần áo mới, không vá những quần áo cũ cho người dân quê. Vào thời đó, cùng lắm người ta mới phải đem quần áo rách nhờ người khác sửa hoặc vá vì nhà ai cũng có kim chỉ vá chấp những miếng rách nơi quần áo làm ăn bình thường, ngoại trừ những miếng rách mất thịt vải trong khi nhà không có vải đắp lên để vá. Nơi trường hợp này, họ phải đem tới dì tôi để nhờ vá.

Tất nhiên, đã phải vá quần áo cũ thì cũng sẽ không có quần áo nào cũ hơn để cắt ra lấy vải vá vào áo cũ khác nên cần đem đến dì của tôi để nhờ vá. Vào thời đại này, năm 2021, chúng ta không thể thấy bất cứ ai mặc áo vá đi trên đường phố nơi những nước văn minh, có chăng người ta phải xé rách ống quần nơi đầu gối hoặc phần thấp hơn nơi những quần Jean tạo thành “mode” giá bán cắt cổ cho lớp trẻ đua đòi. Tuy nhiên, chỉ mấy chục năm về trước, ở những nước nghèo, ăn mặc quần áo vá là chuyện bình thường. Nơi trường hợp đem quần áo rách cũ đến nhờ dì tôi vá, vì không có vải cũ để vá, phải dùng những miếng vải mới còn thừa lại khi may đồ, dì tôi phải đem miếng vải mới ngâm nước giặt sơ, phơi khô cho co bớt đoạn mới đem vá, tránh cảnh vải mới co lại xé rách thêm mảnh vá.

Trong trường hợp may quần áo mới, thợ may thường phải tính độ co của vải mới khi cắt quần áo trước khi may, nếu không, vừa mới may xong, đem giặt trước khi mặc, vải đã bị co lại khiến đồ mới bị chật. Thế nên, khi có người đem vải mới đến nhờ dì tôi may chiếc áo dài và vì không biết chắc độ co giãn của vải ra sao, dì tôi sau khi đo đạc thân người, phải đem vải ngâm nước đoạn phơi khô, ủi cho phẳng rồi mới dám cắt tránh trường hợp đo, cắt, may đúng nhưng vải co lại khiến không mặc được. May xong, nếu khách hàng mặc không được, tất nhiên thợ may phải đền áo mới.

Phúc Âm Luca lại ghi, “Không ai xé áo mới, lấy một mụn mà điền vào áo cũ; chẳng vậy sẽ xé rách áo mới, mà mụn vá lấy từ áo mới lại không ăn với áo cũ” (Lc.
5:36). Câu phúc âm này có thể khiến người đọc hoặc nghe đặt thêm một vài vấn đề dầu hữu lý hay không. Trước hết, đã có áo mới, mắc mớ chi phải xé ra lấy mụn vải để vá vào áo cũ. Cũng có thể chiếc áo mới ấy quá nhỏ không thể mặc được, thay vì vất đi đành cắt lấy vải để vá vì nếu đã có thể mặc đâu ai dại chi cắt hay xé ra; nếu mặc vừa, vất áo cũ, mặc áo mới, vừa đỡ đàng nọ lại vừa lợi đàng kia vì áo mới sẽ bền hơn, mặc được lâu hơn, không phải tốn công vá vô áo cũ mà lại có áo lành lặn. Hơn nữa, do không nói về áo mới thế nào, câu phúc âm chỉ nêu lên, “Không ai xé áo mới, lấy mụn mà điền vào áo cũ,” mà không nói về áo mới trong điều kiện nào. Dĩ nhiên, nếu trong điều kiện bình thường, áo mặc vừa vặn, lại tốt lành, mà nói “Không ai xé áo mới” hoặc phá rách ống quần Jean mới và bán giá mắc mỏ cho đám trẻ cần được để ý; thì chỉ có giới thương mại thời nay mới có thể nghĩ tới. Nhưng hơn kém hai ngàn năm trước, sự thể này có lẽ chỉ muốn nói lên điều tuyệt đối không ai thực hiện.

Vấn đề được nêu lên ở đây lại là tại sao câu nói về những chuyện bình thường, mọi người đều biết này lại được nâng lên để gọi là lời Chúa, lời khôn ngoan, hay sự khôn ngoan? Tất nhiên, phúc âm nhắc tới “Chẳng vậy sẽ xé rách áo mới,” điều này mang nghĩa áo mới có thể dùng được.” Mắc mớ chi sự hiểu biết tự nhiên này lại được hay cần nhắc tới, và nhắc tới để làm chi, với chủ đích gì, đồng thời sự khôn ngoan “bình dân” này cần hay nên được áp dụng, sử dụng nơi trường hợp nào? Có cần thiết không? Điều gì, sự gì con người cần để ý khi sử dụng, áp dụng câu phúc âm này.

Câu, “Người ta cũng không đổ rượu mới vào bì cũ; chẳng vậy bì toạc ra, rượu thì đổ mà bì cũng hư. Nhưng rượu mới, người ta đổ vào bì mới, thế mới giữ được cả hai” (Mt.
9:16-17; Mc. 2:21-22; Lc. 5:36-38) cũng thế. Người thời xưa chưa biết làm bình, chai, lọ thủy tinh hay nylon, người ta dùng dạ dày con vật chẳng hạn như trâu, bò, v.v... rửa sạch để làm đồ đựng rượu được gọi là bì hay bầu. Sự việc này, ngày xưa ai cũng biết và thực hành. Tuy nhiên, bởi vì khi rượu mới được cất, chất men còn nhiều do đó tạo nên sức ép rất lớn, do đó phải dùng những bì hay bầu mới có sức dãn nở mới chịu đựng nổi. Riêng đối với rượu cũ, mọi sự lên men đã hoàn tất theo thời gian nên không tạo nên sức ép do đó dùng bì cũ, sức giãn nở đã hết vì đã bị khô theo thời gian. Nơi phúc âm Luca còn được viết thêm, “Và không ai quen uống rượu cũ mà lại muốn rượu mới. Và người ta nói: Cũ mới tốt” (Lc. 5:39). Có lẽ trong nhóm soạn thảo phúc âm Luca có tay sâu rượu nên mới cận nhân tình thêm vô câu này. Cũng như chúng ta ngày nay đều nhận biết, rượu XO, lâu năm hơn rượu VSOP và các loại rượu thường, nên giá mắc hơn, và dĩ nhiên uống êm hơn. Vấn đề được nêu lên nơi đây đó là, cũng như nơi câu, “Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ...,” lý do gì câu nói về sự việc thường tình ai cũng biết được gọi là lời Chúa, là sự khôn ngoan để rồi được ghi chép vào phúc âm. Hơn nữa, dẫu đa số người ta uống rượu, nhưng chắc chắn có một số ít không bao giờ uống rượu dù bất cứ loại rượu gì. Tất nhiên, ai cũng biết, phúc âm không phải là sách quảng cáo, mà chỉ ghi chép sự khôn ngoan. Vậy sự khôn ngoan nào nơi những câu nói, “Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ...,” hoặc, “Người ta cũng không đổ rượu mới vào bì cũ...” vì những sự việc này ai cũng biết. Phỏng phúc âm chỉ được viết cho những người ngoài hành tinh mới đến trái đất, không biết mô tê gì nơi cuộc sống nhân gian đầy rắc rối, khổ cực, nhưng cũng lắm thú vui hấp dẫn tuyệt với đối với con người nơi bất cứ thời đại nào này? Phỏng Chúa Giêsu vì không biết an hưởng những vui thú trần gian, không tham gia kết bè kéo bạn với những người đương thời do đó được coi là lập dị hay kỳ đà cản mũi những kẻ an vui thụ hưởng niềm hoan lạc thế tục nên bị kết án, bị những chức bậc sinh sống đồng thời, nhân danh Thiên Chúa mà trừ khử đi cho đỡ vướng mắt?

Có câu nói tôi không nhớ đã đọc được nơi đâu, “Niềm vui của kẻ trí khiến kẻ ngu bực mình, trong khi niềm vui của kẻ ngu làm người trí xót thương.” Nếu cho rằng phúc âm chỉ  ghi lại cuộc đời, sự giảng dạy, sự khổ nạn, sự chết, và sống lại của Chúa Giêsu, thì sao có thể am hiểu, áp dụng những lời giảng dạy của Ngài nơi cuộc đời Kitô hữu. Chẳng hạn, “Nếu mắt phải của ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục” (Mt.
5:29). Các nhà học giả Kinh Thánh nghĩ sao khi cho rằng phúc âm ghi lại cuộc đời, sự giảng dạy của Chúa Giêsu. Các vị ấy đã bao lần tuyên xưng mình lầm lỗi, vậy những sự tuyên xưng này phỏng chỉ là giả dối bởi đâu vị nào đui mù, què cụt. Hơn nữa, không ai nơi thế giới loài người, từ ngàn xưa đến nay thực hành câu này theo nghĩa từ chương. Như vậy, câu này mang nghĩa ám định nào đó và nghĩa ám định ra sao để có thể áp dụng, thực hiện nơi cuộc đời kẻ tuyên xưng, tuyên dương theo, hoặc trở nên một với đức Kitô?

Xét thế, hai câu, “Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ, vì mảnh điền thêm sẽ co lại, và rách càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bì cũ; chẳng vậy bì toạc ra, rượu thì đổ mà bì cũng hư. Nhưng rượu mới, người ta đổ vào bì mới, thế mới giữ được cả hai” (Mt.
9:16-17; Mc. 2:21-22; Lc. 5:36-38) cũng mang nghĩa ám định trong trường hợp nào đó nơi cuộc đời một người. Đọc phúc âm, ai cũng thấy rõ, điều tiên quyết phúc âm khuyến khích mọi người, “Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi” Mt. 6:33). Tìm kiếm Nước Trời là hoạt động, hành động thuộc về tâm trí, hoạt động tâm linh, là sự suy tưởng, suy tư, nghiệm xét, nghiệm chứng. Đại khái, hoạt động tâm linh này còn được gọi là hành trình đức tin. Muốn tìm hiểu, suy tư về Nước Trời, chúng ta cần biết Nước Trời, Nước Thiên Chúa là gì. Muốn biết Nước Thiên Chúa là gì, chúng ta cần biết Thiên Chúa thế nào. Dĩ nhiên, muốn biết Thiên Chúa thế nào chúng ta cần biết hình ảnh của Thiên Chúa thực sự ra sao, nghĩa là cần biết thực sự mình thế nào vì “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài” (KN. 1:23).

Lẽ đương nhiên, ai cũng nghĩ hoặc cho rằng mình biết rõ về mình hơn ai hết. Tuy nhiên, thực tế minh chứng, chúng ta chỉ nghĩ biết rõ về mình một cách thiên vị và không dám thực sự đối diện để nhận biết mình thế nào. Nơi trường hợp chân thành đối diện tự nhận định, nhận thức về thực thể chính mình, tất cả những gì mình có thể tự nhận định về mình được coi là cũ và những điều mới mình cần nhận ra thì kể như chưa biết. Hoạt động tâm trí, nói cách khác, hành trình nhận biết về chính mình là hoạt động, hành trình chỉ xáy đến nơi tâm trí, hành trình tâm linh. Hơn nữa, nếu thực sự chân thành nhận biết chính mình cũng cần áp dụng lời khuyên của thánh Phaolô, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22); cộng thêm điều kiện, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Nói tới “Theo đức Kitô” lại cần để tâm tới những câu nói ngang ngược nơi phúc âm tùy trường hợp.

Như vậy, hai câu coi bộ thường tình, “Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ, vì mảnh điền thêm sẽ co lại, và rách càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bì cũ; chẳng vậy bì toạc ra, rượu thì đổ mà bì cũng hư. Nhưng rượu mới, người ta đổ vào bì mới, thế mới giữ được cả hai” (Mt.
9:16-17; Mc. 2:21-22; Lc. 5:36-38), nếu để ý áp dụng nơi hành trình tâm linh một người, sẽ không thường tình chút nào mà lại trở thành điều kiện tâm trí căn bản cho một người nghiệm xét nơi hành trình tâm linh của mình. Khi nghiệm xét, bất cứ những gì làm phiền hà, ngăn cản diễn trình tâm linh tất nhiên chính là “Cớ vấp phạm” như được nhắc đến nơi câu, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt. 5:29-30).

Qua sự nhận định liên hệ về nhận thức giữa các câu nói trong hành trình tâm linh, hành trình nghiệm xét của một người, những câu nói coi bộ bất thường hoặc tầm thường nơi phúc âm mang nghĩa ám định, chỉ về trạng thái tâm thức cần có của một người khi đối diện với thực thể người đó muốn nhận biết. Sự thể, sự việc này nói lên tại sao phúc âm khuyên hãy đi ngõ hẹp, hay cổng hẹp, “Hãy vào cổng hẹp. Vì rộng rãi và thênh thang là con đường dẫn đến hư vong; và lắm kẻ đi ngang qua đó. Còn cổng hẹp và đường chật, thì dẫn đến sự sống, và ít kẻ gặp được nó” (Mt.7:13-14). Chỉ đơn giản nhận định mối liên hệ về những câu nói nơi phúc âm nơi hành trình nghiệm xét, chúng ta thấy, những câu nói nơi phúc âm chỉ về trạng thái tâm tư khi suy tư, suy nghiệm về một vấn đề gì nơi hành trình nghiệm xét tâm linh.

“Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ,” “Người ta cũng không đổ rượu mới vào bì cũ” nói lên tất cả những gì chúng ta biết, những lề luật, truyền thống chúng ta theo, hoặc bất cứ những sự dạy dỗ nào chúng ta được hấp thụ, tin tưởng, đều là áo cũ, bì hay bầu cũ không thể và không hợp với nhận thức tâm tưởng đang tiến tới, đang kiếm tìm.
Vậy, muốn nhận biết thực thể mình đang muốn tìm kiếm thì phải làm sao? Xin thưa, thí dụ, phúc âm khuyên, “Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi” Mt.
6:33). Trước hết, Nước là Nước Trời, Nước Thiên Chúa. Thế nên muốn biết Nước Thiên Chúa cần phải biết Thiên Chúa thế nào. Muốn biết Thiên Chúa thế nào lại cần biết hình ảnh của Chúa ra sao. Hình ảnh của Thiên Chúa là chính mình. Muốn biết mình thế nào cần thực tâm đối diện chính mình, không bào chữa, lý luận, không viện sự nọ, việc kia, có sao nhận thực như thế. Từ sự nhận chân thực thể của mình, nhiều câu hỏi liên hệ sẽ được đặt ra về linh hồn, về liên hệ của linh hồn và thân xác, và tất nhiên phải đối diện với góc tối tâm tưởng. Đắm chìm nơi tận cùng của nhận thức, chẳng biết bao lâu, có thể vài tháng, có thể một đôi năm, hay mười hoặc hai mươi năm, lúc nào đó sẽ biết. Và cuối cùng, sự thể sẽ hiện thể rất hợp câu nói, “Người biết không nói, kẻ nói không biết.” Một điều rõ ràng, chỉ người nào thức ngộ, người ấy biết, tôi không biết; vì cái biết của người ấy không phải là cái biết của tôi.

06 ĐỪNG TƯỞNG

Ta để lại bình an cho các ngươi;
Ta ban bình an của Ta cho các ngươi;
không phải thế gian ban cho thế nào,
thì Ta cũng ban cho như vậy đâu!
Lòng các ngươi chớ xao xuyến, chớ nhát đảm (Gioan
14:27).

“Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.  Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt.
10:34-36).

Dẫu đã biết phúc âm Gioan là thành quả của những tâm hồn nghiệm xét về cuộc đời, những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, sự khổ nạn của Ngài, và sự phục sinh, nhưng khi suy tưởng về lời hứa ban sự bình an trong lúc tự vấn lòng mình, nỗi bâng khuâng nào đó triển nở dẫn đến câu hỏi, vậy sự bình an được hứa hẹn là gì; bởi sao lòng vẫn cứ như chân đạp nhằm ổ kiến lửa do muôn lo âu, bối rối về cuộc đời của mình trong cõi sống nhân sinh tràn đầy rắc rối, lắm nẻo chông gai này. Lẽ tất nhiên, làm chi có cuộc sống yên bình, phẳng lặng như ước vọng của bất cứ ai; bởi chín người thì mười ý. Nhiều khi điều mơ ước của người này lại là ách khổ ải nơi kẻ khác. Thế thì bình an là gì và bình an thế gian ban cho một người là chi hay có điểm chung nào? Và bình an Chúa ban cho một người ra sao?

Xét về niềm mơ ước bình thường, ai cũng mong muốn có cuộc sống an bình, làm lụng nuôi sống bản thân và gia đình, không phải lo lắng ưu tư, không bị e sợ viễn vông, không bị ép buộc thực hiện điều mình không muốn hoặc không thích. Nhưng cuộc đời, “Ai nên khôn không khốn một lần.” Đồng thời, sinh, bệnh, lão, tử là thực tại ai cũng phải trãi qua, dù muốn trốn tránh cũng không được. Nguyễn Công Trứ đã nêu lên, “Mới sinh ra thì đà khóc chóe; trần có vui sao chẳng cười khì; khi hỉ nộ, khi ái ố, lúc sầu bi...” Đối diện với thực tại nhân sinh không thể tránh thoát, sinh bệnh lão tử; tất nhiên, bình thường con người đành chấp nhận đã được sinh ra thì phải chết dẫu cố gắng kiếm tìm những phương cách có thể thực hành để kéo dài sự sống. Thế nên, chẳng lạ gì khi nghe thấy có tổ chức tìm thuốc trường sinh, hay những lý thuyết nghiên cứu sự luyện tập thể lý hy vọng kéo dài sự sống khỏe mạnh được chừng nào hay chừng nấy. Nhưng đâu phải ai cũng cam tâm chấp nhận buông xuôi phận mình cho giòng đời, bất trắc thiên biến vạn hóa đưa đẩy. Con người là sinh vật có suy tư, sáng kiến, nên cũng đã có những người không chấp nhận thân phận giới hạn tự nhiên của kiếp nhân sinh; họ muốn sống vượt lên khỏi sự bình thường chấp nhận như bao kẻ khác; bởi đã nhận thức được kiếp người không phải chỉ là cuộc sống nhân sinh đầy giới hạn này, mà con người chính là một thực thể tâm linh, và kiếp người chỉ là giai đoạn hay phương tiện, cơ hội cho con người học hỏi, thăng tiến nhận thức nơi hành trình vĩnh cửu biến chuyển của tạo vật. Nhận thức này trở thành nguồn gốc cho mọi sự phát triển, phát minh, sáng tạo nơi cuộc đời, đem lại lợi ích không những cho chính mình mà còn đem đến cho mọi người có cuộc sống tươi đẹp hơn, và thăng tiến hơn không những nơi kiếp nhân sinh mà còn khuyến khích con người để ý nhận thức về thực thể chính mình;  nếu ai đã tự đặt vấn đề giá trị thực sự của cuộc đời mình là gì, mình thực sự là chi trong giòng sinh hóa vô cùng của vạn vật, cũng như ước vọng nhận biết mình sẽ ra sao sau kiếp sống nhân sinh này.

Kinh nghiệm sinh động minh chứng, nếu một người rắp tâm theo đuổi một mục đích cao cả vượt hẳn bên trên những tính toán, ước mơ bình thường cũng như thiết yếu nơi cuộc sống, chính những sinh hoạt theo đuổi mục đích, mục tiêu này kiến tạo nơi họ một năng lực bồi bổ sức lực theo đuổi. Niềm mơ, ước muốn thực dụng, trí tưởng tượng cộng hưởng đam mê tăng thêm sức mạnh và lôi kéo con người vượt thắng những trở ngại bình thường nơi cuộc sống. Sự thể an bình tâm tưởng chan hòa bao bọc người thực hiện. Dẫu thế, cũng không thể nào tránh thoát khỏi thực tại sinh bệnh lão tử. Niềm bình an nhân sinh được coi như thế gian ban cho dẫu là kết quả của bao công sức, cố gắng, tiêu pha năng lực cũng không dầu chỉ làm giảm bớt nỗi khổ ải con người phải đối diện nơi cuộc sống khi bước vào buổi xế chiều của cuộc đời. Đã có người nhận thức được thực tại nhân sinh nên giãi bày qua nhận định; lúc còn trẻ, chúng ta có sức khỏe, có thời gian, nhưng không có tiền; vào thời buổi trung niên, chúng ta có sức khỏe, có tiền, nhưng không có thời gian, và khi hoàng hôn cuộc đời trờ tới, chúng ta có tiền, có thời gian, nhưng không có sức khỏe. Thực tại cuộc đời là thế và không thế thì không phải cuộc đời. Những ước mơ bất toàn luôn luôn đè nặng nơi tâm trí khiến nỗi bình an chẳng khi nào được coi là toàn vẹn do ước muốn luôn luôn như nải chuối được treo vào cây cọc kết chặt trên lưng con lừa đưa về phía trước. Phỏng sự thể, điều được gọi là “Thế gian ban tặng” do công sức theo đuổi của chính mình phát sinh bởi ước muốn, niềm mơ, tiêu hao tháng ngày, tiêu hao năng lực, cho dù đến mấy cũng trở thành nỗi thất vọng ê chề của kiếp nhân sinh? Không lạ gì, đã có định kiến quảng bá tạo niềm an định tâm tư bằng cách chấp nhận cuộc đời, bỏ hết, xóa hết niềm mơ, ước vọng khi đối diện, nói cho đúng, lúc phải mang những thực trạng ngoài ước muốn, và đó là đã không thể tránh thoát thì đành chấp nhận; không khác chi lời hát nào đó, “Hãy cứ yêu người mà sống, lâu dần cuộc đời cũng qua.” Sự chấp nhận này đem lại bình an tâm tưởng, nhưng nơi thân xác nào khác chi, “Trói lại mà đánh, khen hay chịu đòn.” Ôi nhân sinh! Ôi an bình. Nói cho đúng, sự bình an chỉ xảy đến nơi tâm tưởng dẫu con người cố gắng vùng vẫy, tranh đấu đến đâu.

Sự bình an thế tục, thế gian ban tặng là thế. Gọi là được ban tặng nhưng thực chất chính là do những cố gắng, tiêu pha năng lực để thực hiện dẫu cuối cùng vẫn đành phải cúi đầu chấp nhận những gì mình không bao giờ mơ ước, mà có chăng luôn tìm đường né tránh. Thế sự an bình được hứa ban nơi phúc âm Gioan, phúc âm của nghiệm chứng, nghiệm xét là chi, giá cả ra sao, nỗi an bình này cần điều kiện nào và con người muốn đạt được cần thi hành những sự việc chi. Nói là thi hành những sự việc, chi bởi bất cứ sự gì, ngay cả ước muốn, niềm mơ, cũng có giá phải trả. Không chịu trả giá thì muôn đời niềm mơ, ước muốn vẫn chỉ viễn vông, chẳng bao giờ biến thành hiện thực.

Phúc âm Gioan chính là thành quả của suy nghiệm, nghiệm chứng, nghiệm xét, khi con người nâng tâm hồn mình lên hòa nhập nơi hiện thực tâm linh. Nơi Tân Ước, chính thánh Phaolô đã thực hiện trình bày một cách ngắn gọn, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22). Để thực hiện nghiệm xét, ngài khuyên, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Hơn kém hai ngàn năm qua, tới nay, năm 2021, lời khuyên của ngài vẫn còn chưa được để ý thực nghiệm. Tại sao có thể nói như thế? Thực tâm xét lại lòng mình, đã bao giờ mình chú tâm để ý khi nghe hoặc đọc lời khuyên này của ngài chưa, hay chính lúc đọc những hàng chữ này, chưa chắc lòng mình đã bị đánh động vì lời khuyên chẳng khác gì mộng tưởng này. Lý do, chúng ta đã bị ám ảnh từ thời ông bà ông vải rằng, “Chúng ta phải tin với giáo hội” trong khi đã không nhận biết dù chỉ định nghĩa về giáo hội đã được phân định từ Công Đồng Vatican II vào năm 1965, “Giáo hội là Dân Chúa.” Ai không là dân Chúa; ai không có linh hồn, trong khi chín người, mười ý; đồng thời chúng ta cũng mù mờ không biết Tin Mừng Nước Trời là gì, không biết đức tin, lòng tin, thực sự là chi và do đó không biết cách nào để sử dụng đức tin, lòng tin như phúc âm đã mách bảo, “Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con”(Mt. 9:22), hay “Ông hãy đi! Ông đã tin sao, thì hãy được như vậy” (Mt. 8:13).
Đọc nơi Tân Ước, cho đến nay, không ai biết rõ thánh Phaolô đã nhận thức được từ đâu sự thể, “Anh em không biết sao: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor.
3:16); hoặc, “Anh em không biết sao? Thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần (ngự) trong anh em, anh em đã chịu lấy từ Thiên Chúa, và anh em không thuộc về mình nữa” (1Cor. 6:19). Điều này đồng nghĩa với Tin Mừng đức Giêsu rao giảng, “Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23), dẫu phúc âm được viết từ năm 70, sau khi thánh nhân đã qua đời vào giữa tháng sáu, năm 68 AD. Thế nên, cũng chỉ có thể nói được rằng thánh nhân, qua nghiệm xét về thực thể tâm linh đã thức ngộ được sự thể này nơi  mỗi người. Tương tự thế, phúc âm Gioan là thành quả của sự nghiệm chứng, nghiệm xét về cuộc đời, sự giảng dạy, sự khổ nạn, sự chết và sự sống lại của đức Giêsu.

Như vậy, sự bình an mà phúc âm Gioan nhắc đến là trạng thái bình an nơi tâm hồn, tâm tưởng của những ai nghiệm xét phúc âm, sự bình an nơi hành trình nghiệm xét, nhận thức tâm linh. Tuy nhiên, nơi Matthêu lại được viết, “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.  Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt.
10:34-36), nghĩa là thế nào, ở  phương diện chi nơi cuộc sống nhân sinh? Dẫu bất cứ ai thực sự tin nơi Thiên Chúa, tin vào đức Kitô đều mang trọng trách rao giảng Tin Mừng Nước Trời như đức Giêsu đã phải mang khi ngài hiện thân nơi nhân thế. Như vậy, vấn đề được đặt ra và đó là mình dẫu tuyên xưng, dẫu tin tưởng, cho rằng mình tin vào đức Giêsu, tin vào Thiên Chúa nhưng mình có thực sự nhận biết tin là thế nào chưa. Mình đã thực lòng nhận biết Tin Mừng ngài rao giảng là gì chưa hay chỉ nghe sao biết vậy, được dạy dỗ thế nào thì lặp lại thế đó, mình đã tự biến thành chẳng khác gì thùng rác rộng mở để người khác quăng vô bất cứ gì; mình tự trở thành thân xác biết thở nhưng ăn không tiêu, nuốt vô thế nào đành mửa ra như vậy, không hơn không kém. Tuyên xưng rằng tin vào Thiên Chúa nhưng không biết Thiên Chúa là gì nơi cuộc đời mình. Tuyên xưng rằng tin vào đức Kitô nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề nghiệm xét phúc âm. Nói cách khác, mình chỉ biết hô lên là tin thế này, tin thế kia nhưng lòng ruột trống rỗng, chỉ bề ngoài nhai đi nhai lại những danh hiệu, quan niệm một cách vô ý thức. Suy nghĩ, đặt vấn đề như thế, làm sao chúng ta có thể đối diện với câu nói nơi phúc âm Matthêu nghịch lại với niềm tin, với ước mơ đã bao năm ấp ủ, “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.” Một điều Kitô hữu cần nên biết; đó là phúc âm được viết nơi miền Trung Đông; bởi đó kiểu cách phát biểu tất nhiên bị ảnh hưởng của lối phát biểu nơi đạo học Đông Phương chẳng khác gì lối dùng sự việc nhân sinh để diễn xuất nơi Tục Ngữ, Ca Dao Việt Nam, nói một đàng, ý tứ một nẻo. Và như thế, nếu đem dịch Tục Ngữ, Ca Dao Việt qua ngôn ngữ Tây Phương, người đọc cần nghiệm chứng, nghiệm xét mới có thể nhận thức được, chứ nếu chỉ cố hiểu theo nghĩa từ chương, Tục Ngữ, Ca Dao Việt nơi bản dịch ngoại ngữ coi chừng trở thành lố bịch không khác gì câu phúc âm đã ngược ngạo, phản niềm tin của con dân Chúa đang sống nơi nhân thế.

Như vậy, nếu để ý, phúc âm được viết để con người nghiệm chứng, nghiệm xét chứ không phải để giải thích; vì nếu giải thích, sẽ biến phúc âm thành những điều không tưởng, phi lý, phản luân lý nhân sinh, bất hiếu, bất trung, trong khi kêu gọi lòng chân thật, trung thành với niềm tin, với Thiên Chúa, và với đức Kitô. Thật đau lòng khi đọc được lời ghi chú về động từ “Ăn năn hối cải” nơi cuốn Kinh Thánh Tân Ước của 14 học giả Thánh Kinh, trang 184. “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Từ Hy lạp Metanoia theo nghĩa gốc là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, chắc phải hiểu sám hối (metanoia) theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng, từ ngôn sứ Giêrêmia: thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước và dấn bước vào một cuộc sống mới. Đức Giêsu còn kêu gọi dân chúng lấy đức tin mà đón nhận toàn diện thông điệp Người công bố.” Thiển nghĩ, có lẽ họ không biết gì về nghiệm xét đã được thánh Phaolô đề xuất.

Thử nhày vào kịch bản của câu phúc âm để nghiệm xét, “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt.
10:34-36). Thử hỏi, điều gì thân thiết với mình hơn cha mẹ và những người nhà mình? Nơi hành trình nghiệm xét, chỉ có mình với mình, đối diện câu phúc âm, không có cha mẹ hoặc nàng dâu, con rể, hay thằng lá, thằng cành nào hết. Vậy phúc âm nhắc đến cha mẹ, người nhà, con dâu, mẹ chồng tức là muốn nói về điều gì? Ai cũng biết hoặc đã chứng nghiệm, nơi cuộc sống, dẫu một người thân thiết đến mấy với cha mẹ, người nhà thì cũng ít nhất có đôi lúc sự bất đồng phát sinh. Lý do hoặc gốc gác của sự bất đồng từ đâu? Xin thưa, nơi ý thích, ý định, quan điểm, quan niệm, thói quen, kiến thức, chủ đích hoặc tư tưởng khác nhau; vì như lẽ tự nhiên, chín người, mười ý. Cũng xin đừng quên, nơi diễn trình nghiệm xét, chỉ có tâm tưởng của mình đối diện câu phúc âm. Đồng thời cũng xin được nhắc lại lời khuyên nhủ của thánh Phaolô, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes. 5:19-22). Và điều kiện nơi tâm trí, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8).

Như vậy, người nhà mình, cha mẹ nơi diễn trình nghiệm xét chính là học thức, nhận định, quan điểm, kinh nghiệm, ham muốn, truyền thống, chủ đích của người trong cuộc, của chính mình trong khi nghiệm xét. Và đồng thời cũng nên biết, trong khi nghiệm xét, bất cứ tư tưởng, ý nghĩ nào xảy đến nơi tâm trí đều không đúng, không sai, chúng là sự hiện hữu, chúng chỉ trở nên đúng sai khi được nói ra mà thôi. “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.” Lời dạy nơi phúc âm không nói về cuộc sống thế nhân nhưng nói về thực trạng tâm tưởng, tâm linh, do đó luôn đối nghịch với truyền thống, ý định của người nghiệm xét, tạo nên hiện trạng đối nghịch không thể hòa giải, hoặc tiếp tục theo điều nên, lẽ ngay nơi tâm tưởng hay đành chấp nhận cắt bỏ, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi: vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục” (Mt. 5:29).

Phúc âm chỉ đường, chỉ phương pháp cho một người khi đối diện với lòng mình nơi hành trình nghiệm xét tâm linh, hành trình nhận thức Tin Mừng Nước Trời mà đức Giêsu đã rao giảng hơn kém hai ngàn năm về trước. Ai nghiệm xét, người nấy biết; có câu nói, “Người ta chỉ có thể dẫn con lừa tới giòng nước, uống nước hay không tự con lừa.”

07 YÊU THƯƠNG

Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta. 38 Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta. 39 Kẻ cố tìm sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại” (Mt.10:37-39; Gioan 12:25).

Còn Ta, Ta bảo ngươi: hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; 45 ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác. Vì nếu các ngươi mến yêu những kẻ yêu mến các ngươi, thì các ngươi có công gì? Há những người thu thuế cũng không làm thế sao? (Mt. 5:44-46).

Cũng chỉ trong phúc âm Matthêu, đã nêu lên hai trường hợp đối nghịch không thể hòa giải, không hợp lý, hợp tình; sao một người theo đức Giêsu có thể thực hành trong cuộc sống. Một đàng phúc âm đòi hỏi con người phải nên yêu thương kẻ thù địch, đàng khác lại khuyên nếu yêu thương những người thân thiết nhất với mình thì không đáng để theo đức Giêsu. Phúc âm muốn con người trở nên lật lọng hay sao? Không lật lọng thì đóng kịch tùy thời tùy nơi? Nghiệm làm sao, xét thế nào để áp dụng lời phúc âm trong cuộc đời? Hiểu cách nào, lý luận cách chi để có thể chấp nhận một cách hài hòa, hợp tình hợp lý để kẻ theo đức Giêsu có được sự an bình ít nhất nơi tâm tưởng tránh cảnh lương tâm cắn rứt trong niềm tin vào phúc âm?

Đã có giải thích cho rằng Chúa Giê su muốn những người theo Ngài, yêu mến Ngài hơn yêu mến cha mẹ, anh em ruột thịt trong gia đình (Kinh Thánh Tân Ước; Phần chú giải; Tr. 184; Saigon; 1994). Thử hỏi, cha mẹ, anh em ruột thịt trong gia đình là những người thân thiết thân cận nhất trong cuộc đời một người mà phải dứt bỏ thì sao có thể yêu mến Chúa là đấng vô hình không thể đối diện hoặc rờ tới được. Như thế, bình thường nhận định, những kẻ dùng danh hiệu theo Chúa, theo đức Kitô để trốn tránh bổn phận với gia đình, với người thân, gia quyến thì lòng ruột họ như thế nào, có chút liêm sỉ nào không. Chủ trương theo Chúa, theo lý tưởng cao vời, cứu giúp các linh hồn trong khi không biết linh hồn của mình là thế nào, liên hệ và ảnh hưởng với thân xác, cuộc đời mình ra sao thì tuyên bố, tuyên xưng hy sinh cuộc đời mình, dứt bỏ mọi trọng trách, nhiệm vụ, nơi gia đình, gia tộc để cứu các linh hồn thì chỉ có thể đánh lừa được một số người ngu ngơ, cuồng tín chứ không đánh lừa được bàn dân thiên hạ.

Phúc âm muốn nói gì khi phát biểu, Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta?” Yêu mang nghĩa chi nơi phúc âm? Cha mẹ mang vị thế nào nơi cuộc đời một người? Con trai, con gái đóng vai trò nào nơi tâm tình các bậc làm cha, làm mẹ hoặc liên hệ ra sao đối với một người? Nơi hành trình đức tin, hành trình thực nghiệm nhận thức liên hệ tâm linh với đức Giêsu sao lại được so sánh với liên hệ nhân sinh, liên hệ trần tục thế gian nơi gia đình, thân thuộc? Phúc âm nhắc đến liên hệ thế tục này nơi phương diện nào khi so sánh xứng đáng hoặc không xứng nơi hành trình nhận thức tâm linh? Phỏng ai là người có thể có cuộc sống liên hệ với đức Giêsu như liên hệ với thân thuộc máu mủ gia đình? Và nếu đã không thể có liên hệ nơi phương diện tâm linh, liên hệ đức tin đồng đẳng với liên hệ nhân sinh, phúc âm nêu lên sự so sánh nơi phương diện nào?

Đặt vấn đề như vậy, điều rõ ràng đó là phúc âm dùng sự thể, sự việc nhân sinh thế tục để ám định về sự việc tâm linh; vì nơi hành trình tâm linh, hành trình đức tin chỉ được giới hạn trong suy tưởng, nghiệm xét, nghiệm chứng, đặt vấn đề về thực trạng tâm hồn chứng thực sự liên hệ của mình với niềm tin thường được hiểu nhầm là đức tin. Nếu đã thực sự nghiệm xét được Tin Mừng Nước Trời là gì, một người sẽ nhận biết đức tin chính là thực thể quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực sự sống, quyền lực sự hiện hữu bẩm sinh nơi mình. Niềm tin, ước vọng, ước mơ, hy vọng, chỉ là diều một người mong muốn đạt tới hay được ban cho. Thế nên, hành trình đức tin là diễn trình nhận thức sự thể thực trạng của một tâm hồn, không phải diễn trình đạt tới hoặc được ban cho điều mình mong muốn. Nói cách khác, một người được sinh ra, có cuộc đời, tất nhiên được bẩm sinh với sự sống, với sự hiện hữu, và vì ngoài Thiên Chúa sẽ không có gì hiện hữu. Như thế, Thiên Chúa chính là sự sống, sự hiện hữu nơi một người. Chúng ta thường hiểu nhầm câu, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài” (Sáng Thế
1:27). Vì Thiên Chúa là sự sống, sự hiện hữu, nên câu này cần được hiểu, “Thiên Chúa hiện thể thành con người theo hình ảnh của Ngài.” Như vậy mới có thể nghiệm được câu “Tất cả là một.” Mọi sự, mọi vật đều là hiện thể của Thiên Chúa dưới những dạng thức khác nhau. Con người là hiện thể của Thiên Chúa dưới hay qua dạng thức nhân sinh. Mọi sự, mọi vật đều mang sự hiện hữu; không có sự hiện hữu, sao có thể nhận biết. Tư tưởng, ý nghĩ dẫu không được nhận thấy bằng mắt nhưng có sự nhận biết đều mang sự hiện hữu.

Nơi hành trình tâm linh, sự nhận biết, nhận thức chỉ trong giới hạn suy tư, suy tưởng, suy nghiệm, nghiệm xét, nghiệm chứng, tâm tình, ước muốn, ước mơ, hy vọng, mơ tưởng, tham vọng, v.v... Thử hỏi, nơi cuộc sống nhân sinh, dẫu tình thân thiết đối với một người như cha mẹ, con cái vẫn có những xung khắc hoặc bất đồng nhiều khi xảy ra. Những sự xung khắc, bất đồng này bắt nguồn từ đâu? Xin thưa, chính nơi quan niệm, ước muốn, ước mơ, ý định, tham vọng; nói cách khác chính nơi tâm tư của một người. Sự xung khắc này có khi giết chết tình thân nơi gia đình giữa cha mẹ với con cái, hoặc vợ chồng như sự việc thường xảy ra vào thời đại này. Sự thể này không cần phải minh chứng vì ai cũng có thể nhận biết hoặc thực chứng trong cuộc đời dẫu sự việc phát sinh do bất cứ lý do nào. Tất nhiên, những lý do đều phát sinh nơi tâm tưởng con người trong cuộc.

Phúc âm nói về diễn trình nhận thức tâm linh nên dùng sự thân thiết gia đình, cha mẹ, con cái để ám chỉ về những nhận biết, kinh nghiệm, học thức, nơi tâm tư của người nghiệm xét. Nơi diễn trình nghiệm xét, một người đối diện với sự thể được nghiệm xét với một tâm hồn tự do tuyệt đối, không lệ thuộc bất cứ gì dù giáo điều, truyền thống, sự khôn ngoan tự nhận biết hay được dạy dỗ, hoặc kinh nghiệm, do thực chứng hoặc đọc nơi sách vở như Phaolô đã giãi bày, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). “Theo đức Kitô,” ngôn từ nghe thật đơn giản, mộc mạc nhưng bao gồm những lời dạy nơi phúc âm không đơn giản chút nào mà ngược lại cần được, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22). Chẳng hạn, “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.  Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt. 10:34-36. Hoặc, Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi: vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục” (Mt. 5:29). Lời phúc âm thoạt mới đọc hoặc nghe, tưởng nói về cuộc sống hữu vi, nhưng không, lời phúc âm chỉ nói về thực trạng tâm tưởng và những gì xảy đến nơi tâm tưởng nơi diễn trình nghiệm xét. Thế nên, đâu phải vô lý mà bẩy lần phúc âm nhắc đi nhắc lại đến độ nhàm tai người nghe hoặc đọc, “Ai có tai thì nghe” (Mt. 11:15; 13:9, 43; Mc. 4:9, 23; 7:16; Lc. 14:35). Ai là người không có tai? Cái tai có thể nghe tự nó được không? Khi nghiệm xét, đối diện với sự thể, thực thể được nhắm tới, bất cứ những gì xảy đến nơi tâm tư, hãy để nó tự nhiên đến và tự nhiên ra đi. Tâm tư, tâm trạng người nghiệm xét không tranh đấu, không xua đuổi, hay lệ thuộc bất cứ gì, chỉ đối diện sự thể, thực thể mình nhắm tới.

“Kẻ cố tìm sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại” (Mt.10:39). Câu này nơi phúc âm Gioan được ghi, Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời!” (Gioan 12:25). Đọc phúc âm, chúng ta thấy, ngôn từ được trình bày nơi phúc âm Gioan là kết quả của nghiệm xét trong khi Phúc Âm Nhất Lãm (Ba phúc âm Matthêu, Marcô, và Luca) dùng sự việc, sự thể nhân sinh để trình bày diễn trình nghiệm xét. Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra một sự kiện thế tục, hữu vi, nhân sinh dẫu ý nghĩa vẫn ám định nhưng câu kết, câu tóm tắt mang ý nghĩa vượt hẳn lên và được đặt vào phương diện tâm linh. Chẳng hạn nơi đoạn 10 của Matthêu được giáo đầu, Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta. 38 Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta,” rồi mới kết luận, “ Kẻ cố tìm sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại;” trong khi phúc âm Gioan không giáo đầu chi hết, chỉ đương đường nói lên, Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời!” (Gioan 12:25). Hay, nơi Gioan được viết, Ta để lại bình an cho các ngươi; Ta ban bình an của Ta cho các ngươi; không phải thế gian ban cho thế nào, thì Ta cũng ban cho như vậy đâu! Lòng các ngươi chớ xao xuyến, chớ nhát đảm” (
14:27). Trong khi phúc âm Matthêu được giáo đầu, “Ðừng sợ những kẻ giết được xác, nhưng không thể giết được hồn; hãy sợ Ðấng có thể diệt được cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ há không bán một đồng tiền sao? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha các ngươi! 30 Cả những sợi tóc trên đầu các ngươi cũng đã cộng sổ rồi!  Vậy đừng sợ! Các ngươi quí giá hơn nhiều con chim sẻ! Vậy phàm ai xưng Ta ra trước mặt người đời, thì Ta cũng xưng kẻ ấy ra trước mặt Cha Ta, Ðấng ngự trên trời. 33 Còn ai chối Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ chối kẻ ấy trước mặt Cha Ta, Ðấng ngự trên trời. Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình, mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình;  và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt. 10:28-36). Phúc âm Gioan chỉ nói lên kết quả của diễn trình nghiệm xét, ai nghiệm xét sẽ gặp kết quả đó. Phúc Âm Nhất Lãm trình bày về diễn trình nghiệm xét để dẫn người nghiệm xét biết cần nên thế nào nơi tâm tư khi những sự việc xảy ra nơi tâm tư lúc suy tưởng, nghiệm xét; nếu tách rời Phúc Âm Nhất Lãm thành những câu nói riêng biệt và sắp xếp những câu nói tương đồng lại với nhau theo từng nhóm.

Nơi phúc âm Gioan được viết, “Ai  yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời!” (Gioan 12:25). Ngôn động từ “Yêu” chỉ về phần tâm tư, ý  nghĩ, ý muốn thay vì hành động hữu vi; trong khi nơi phúc âm Matthêu lại bày tỏ, “Kẻ cố tìm sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại” (Mt.
10:39). Cũng chỉ nơi bản dịch do Lm. Nguyễn Thế Thuấn, ngôn từ được dùng chỉ rõ phần nào đặc tính cách biệt của hai phúc âm Matthêu và Gioan. “Ai yêu mạng sống mình” nói lên coi mạng sống mình là hơn. “Kẻ cố tìm sự sống mình” mang nghĩa cho rằng con người chỉ có cuộc sống nhân sinh mà thôi nên cố tìm, cố bảo vệ cuộc đời hữu vi. Thực ra, ai cũng nghĩ rằng, cho rằng, hay tin tưởng rằng, hoặc có niềm tin vì được dạy dỗ;  hay nghe người ta nói rằng mình có linh hồn, nhưng thử hỏi, đã bao giờ, hay được mấy lần mình đặt vấn đề để suy tư, tìm hiểu linh hồn mình là gì, thế nào, liên hệ với thân xác, với những thực tại tâm linh ra sao? Tin rằng hay cho rằng mình có linh hồn nhưng không biết mình có hay chăng; điều này nói lên mình thế nào; phỏng có phải mình chẳng tin gì hết, chỉ nói theo người khác cho qua. Và như thế, đem so sánh với niềm tin, sự tin tưởng vào Thiên Chúa, vào đức Kitô mà không bao giờ đặt vấn đề tìm hiểu, nhận thức về điều mình tin tưởng thì sự thể nói rằng tin hay có đức tin nghĩa là gì đối với cuộc đời mình. Phỏng có khác chi đặt niềm tin vào thần sấm sét, thần cây, thần gỗ giống như những điểm tựa tâm tư cho tạm yên lòng khi phải đối diện với cuộc đời nhân sinh đầy bất trắc này không? Nhận thức thực thể “Tin” như vậy, hai lối phát biểu, “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất” và “Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất” có lẽ sẽ không thấy gì khác biệt. Ôi, niềm tin, đức tin, sự tin tưởng, ước vọng, ước mơ nơi con người đã bị đánh đồng do không suy nghiệm, suy tưởng, nghiệm xét, nghiệm chứng, mà ra. Có thể nói thế nào, giải thích ra sao đối với người không nghiệm xét, suy tư? Dùng phương pháp nào để giãi bày, để mình ăn họ có thể no bụng. Chẳng lạ gì phúc âm phải than lên một cách bất nhã, Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo: kẻo chúng lấy chân đạp mất và quay lại chúng cắn xé các ngươi” (Mt. 7:6).

“Còn Ta, Ta bảo ngươi: hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác” (Mt. 5:44-45).

Yêu cha mẹ, anh em, con cái trong gia đình thân thuộc thì không đáng theo đức Giêsu, nếu hiểu theo nghĩa từ chương; nay phúc âm lại khuyến khích yêu thương kẻ thù của mình, khẩn cầu cho những kẻ bắt bớ, hành hạ mình, thì lại được coi như con cái Chúa. Đối diện với hai quan điểm trên theo nghĩa đen, chúng ta mới nhận chân ra được phúc âm không nói gì về sự vật và sự việc thế tục, nhân sinh, nhưng chỉ dùng chúng như phương tiện, cơ hội, ngõ hầu giúp người nghiệm xét nhận thức hiện trạng tâm hồn mình đang diễn biến, trãi qua, và cần và nên có phản ứng như thế nào.

Con người được sinh ra, muốn yêu và muốn được yêu là lẽ tự nhiên chẳng khác chi đàn ông thích đàn bà và ngược lại. Tất nhiên, trong cuộc sống, mọi người phải tiếp tục sinh tồn, cần làm lụng và kiến tạo cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn, dễ thở hơn, và nếu nói cho đúng hơn là chung tay với người khác cùng nhau xây dựng cho cuộc đời của mình cũng như người khác thăng tiến hơn chẳng những nơi phương diện vật chất hữu vi mà còn thăng tiến nơi lãnh vực tâm linh. Xã hội, tôn giáo, đoàn thể. ngay cả phong trào, được kiến tạo do liên hệ nhân sinh, và tất cả những phát minh, sáng kiến, quan niệm đều phát xuất từ con người, tự nơi suy tư, trầm tưởng, hay ước mơ, tưởng tượng vì lợi ích cá nhân hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống người khác.
Chuyện thường tình thì “Chín người, mười ý,” nơi liên hệ cuộc sống. Đàng khác, một chương trình phát triển lúc này, nơi đây đã chắc gì đem lại lợi ích cho người khác trong khi phong tục tập quán cũng như quan niệm, nhận định không gì liên hệ, đôi khi đối nghịch với hoàn cảnh phát triển nơi đây, lúc này. Lẽ đương nhiên, bất đồng ý kiến phát sinh đồng thời kiến tạo đối nghịch gây dựng kẻ thù. Dẫu biết rằng, “Giết người đi thì ta ở với ai” nhưng thực trạng tâm tư khó bề chấp nhận khi đối diện hay gặp gỡ hoặc nghe nói về những gì được gọi “kẻ thù” lên tiếng liên hệ tới mình. Nơi cuộc đời, ai không có một số người được mình yêu thích và đồng thời cũng có những người dù chỉ mới gặp, mình đã cảm thấy không nên gần gũi hoặc quen biết. Phúc âm khuyên điều không tưởng nếu hiểu theo nghĩa từ chương bình thường, “Hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi.” Nói qua phương diện niềm tin và theo nghĩa từ chương, Chúa có yêu mến kẻ thù của Ngài không? Đặt vấn đề như vậy, quan niệm kẻ thù mang ý nghĩa gì nơi cuộc sống thế nhân và nơi phương diện tâm linh. Câu trả lời được gói gọn trong câu phúc âm, “Ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác” (Mt. 5:45). Câu này chứng tỏ Chúa không có kẻ thù nơi thế giới nhân sinh; Ngài coi ai cũng là con cái và đối xử với họ như nhau, lành dữ, thiện ác nơi thế giới nhân sinh không có gì đáng nói và nơi thực thể sự việc được phát sinh do cách đối xử được gọi là tự nhiên nơi cuộc đời. Đúng, sai, phải, trái, chỉ hiện hữu nơi quan niệm nhận thức nhân sinh. Đúng với người này, đôi khi làm hại hay đụng chạm người khác, những kẻ cùng hưởng năng lực cũng như hiệu quả của ánh mặt trời hoặc mưa rơi từ trên cao. Thực ra, luật lệ chỉ giúp con người  sống nhận thức hơn nhưng vì không muốn hoặc coi thường hay không sử dụng hồng ân nhận thức con người tự cho mình lệ thuộc luật lệ. Luật lệ giúp điều hòa lợi ích nhân sinh.

Có câu nói, “Trí giả tự xử, ngu giả quan phân,” tất cả đều phát sinh tự con người vì không có con người, không có gì để nói; thế nên, tất cả đều phát sinh tự nơi mình; vấn đề chính yếu mình có tự nhận thức hay không; mình có biết trân trọng sử dụng hồng ân suy tưởng, nhận thức, nghiệm xét; nói cách khác, mình có để ý khả năng bẩm sinh nhận thức để sử dụng hay không? Sự thể này chẳng khác chi đã bao năm sinh sống, mình đã chưa bao giờ đặt câu hỏi để tự trả lời, mục đích cuộc đời của mình là gì, hay chỉ tự chấp nhận như một lẽ thường, được sinh ra thì phải sống, dùng mọi cách để tiếp tục sống, và sống để chờ chết, và thế là hết; sống như chưa bao giờ hiện hữu trên cõi đời này? Ôi, có cuộc đời để làm chi?

Nói về yêu thương, ai cũng muốn yêu và muốn được yêu. Điều này ai cũng cảm nhận, nhận thức được; mà gốc gác của yêu thương lại chính nơi tâm tư, nơi linh hồn một người. Phỏng người muốn yêu và muốn được yêu vì đã không biết yêu thương chính mình. Một người cố gắng sống yêu thương mọi người nhưng không thể yêu thương hoặc chạy trốn yêu thương chính họ thì có thể thực sự yêu thương được ai? Hay chỉ dùng người khác hầu lấp khoảng trống không biết yêu thương chính mình? Điều này quả hợp với câu của danh nhân nào đó, “Kẻ thù tệ hại nhất của tôi là chính tôi.” Yêu thương thì tôi không dám nói tới nhưng điều hiển nhiên tôi nhận biết đó là tôi không thể dạy chính mình. Thánh Phaolô cũng đã phải than lên, “Điều tôi làm ra, tôi không biết; vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét. Song nếu tôi  làm điều tôi không muốn, tức là tôi đồng í với lề luật là lề luật hẳn là lương hảo. Đã thế, tôi không còn phải tôi làm ra điều đó, song là sự tội cư ngụ trong tôi. Vì tôi biết rằng trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi, chẳng có gì lành cư ngụ: muốn thì vừa tầm cho tôi, mà làm ra sự thiện thì không. Sự lành tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ không muốn, tôi lại thi hành. Nhưng nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì không phải chính tôi làm ra nó, song là sự tội cư ngụ trong tôi” (Rom.
7:15-20).

“Còn Ta, Ta bảo ngươi: hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi;” Kẻ thù của mình là chính mình thì mến yêu kẻ thù địch là cần phải biết tôn trọng chính mình. Sự việc này đòi hỏi mình cần biết mình như thế nào, thực sự ra sao, xấu, tốt, thiện lương, ma giáo, ma mãnh nơi cấp độ chi. Chúng ta biết rõ, kẻ chẳng ra gì thường hay nổ bậy để che dấu mặc cảm tự ty. Như thế, một người cần nghiệm xét công án, “Tôi là ai” một cách chân thành. Nơi hành trình, diễn trình nghiệm xét, tất cả mọi sự xảy ra đều trong tư tưởng; bất cứ những gì xảy đến nơi tư tưởng làm phiền hà diễn trình suy tư, hành trình đối diện với sự thể tâm tư đang nhắm tới đều là kẻ thù, làm hại chủ thể suy tư. Nơi hành trình suy tư, nghiệm xét, tâm tư hành giả chỉ đối diện sự thể suy tư, không lệ thuộc bất cứ sự khôn ngoan, kinh nghiệm, học thức, tri thức nào. Còn lệ thuộc bất cứ điều gì đều rơi vô trường hợp thánh Phaolô căn dặn, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Kẻ thù cũng là mình, thánh cũng là mình; vì tất cả chỉ xảy đến nơi tâm tư của mình. Muốn yêu mến kẻ thù cần phải biết mình là ai.

08 TỪ BỎ

“Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình; hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta! Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó. Nào người ta được ích gì khi được lợi lãi cả thế gian mà lại mất hay thiệt chính mình?” (Lc. 9:23-25; Mc. 8:34-37).
“Phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc.
14:33).

Mỗi câu phúc âm là một thách đố cho con người nghiệm xét; vì không thể nào áp dụng chúng theo nghĩa từ chương nơi cuộc đời của bất cứ ai. Thử xét, “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình; hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!” Thử hỏi, nếu đã không có mình, nghĩa là đã chối bỏ chính mình thì lấy gì để vác khổ giá của mình mỗi ngày? Thêm nữa, “ Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó.” Muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất, dĩ nhiên, ai cũng phải chết; chính Chúa cũng đã chết! Nhưng chỉ mình Chúa được rao truyền sống lại chứ từ thuở tạo thiên lập địa tới giờ, đã bao người ra đi, chưa thấy ai được sống lại, dù họ có quyền thế, giỏi dang đến đâu, và tất cả hầu như đã chìm vào quên lãng, ngoại trừ thành quả mang lại lợi ích nhân sinh đang được con người hưởng dụng, hay tiếng tăm nổi bật nơi sự việc nào đó còn được nhắc tới. Tất nhiên, tiếng tăm của nhiều vị đã có thời gian hiện hữu trên mặt đất này trước thời đức Giêsu được sinh ra; điều này có nghĩa họ không biết gì về đức Giêsu. Nói rằng bởi họ không biết gì về đức Giêsu thì tất nhiên mất sự sống thì đã đành. Đàng này, bao nhiêu vị nghe biết hoặc đã được học hỏi, hoặc đã dâng mình, dâng cả cuộc đời, nào là để cứu rỗi các linh hồn dẫu họ không biết linh hồn của họ là thế nào, nào là để truyền bá phúc âm, cả cuộc đời bỏ hết, vất hết chỉ còn biết tuân theo luật lệ, cách sống đơn giản, khó nghèo theo luật của dòng hay của tổ chức nào đó, và rồi cũng đã đi vào quên lãng như chưa từng hiện diện trên cõi đời này. Thế thì lời phúc âm, “Còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó.” Kẻ ấy cứu nó nơi phương diện nào?

“Nào người ta được ích gì khi được lợi lãi cả thế gian mà lại mất hay thiệt chính mình?” (Lc. 9:23-25; Mc. 8:34-37). Thực tại cuộc sống nhân sinh minh chứng, cho dù một người nơi bất cứ vị thế, quyền lực nào thì khi linh hồn ra khỏi xác, cũng chẳng còn gì, cũng chỉ như mọi người, “Vào đời đơn độc, ra đi lạnh lùng;” hoặc “Vào đời tay trắng, ra đi trắng tay.” Vậy phúc âm nói đến “Mất hay thiệt chính mình” nơi phương diện nào? Phúc âm Luca còn rõ ràng phán, “Phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc.
14:33). Thực tại minh chứng, chỉ có dân chúng, làm lụng vất vả mưu sinh, nhiều người ăn mặc rách rưới, bới đất lặt cỏ, cả đời chân lấm, tay bùn, mặt cúi xuống đất, lưng phơi lên trời mà không kiếm đủ cơm ăn áo mặc cho gia đình, con cái. Đâu thấy vị nào bỏ hết tất cả, gia đình, cha mẹ, anh em họ hàng gia nhập dòng tu hay những tổ chức rao giảng lời Chúa phải thiếu thốn mặc áo quần rách rưới bao giờ; mà ngược lại, vóc dáng người phương phi, làn da trắng trẻo chứ không bị cháy nắng đen đủi như những người suốt đời cực khổ vẫn không kiếm đủ cơm ăn áo mặc cho gia đình. Phúc âm muốn trình bày thực trạng nào nơi cuộc đời nhân sinh khi nói, “Phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc. 14:33). Kiếm còn chưa được sao nói đến bỏ, vì có đâu mà bỏ. Phỏng phúc âm chỉ được viết cho những người may mắn sinh trong bọc điều. Là môn đệ của Chúa thì phải làm sao, phải thế nào khi miếng ăn chưa đủ kiến tạo tấm thân mập như cây tăm ấy là chưa nói đến những nhu cầu thiết yếu khác cần phải có nơi thân phận kiếp người run rủi phận số. Ôi, Cuộc đời! Ôi, kiếp người! Nào ai muốn cuộc đời mình nghèo khó, mò rách cả túi quần cũng không có được ít nhất cho tâm hồn thảnh thơi trong đôi lúc thì lấy gì mà bỏ, lấy chi mà từ?

Phỏng nơi xã hội, nơi cộng đồng phúc âm được viết toàn là những người giàu có không phải làm lụng vất vả mà vẫn an nhàn thảnh thơi vui chơi với tháng ngày nên rơi vào trường hợp “Nhàn cư vi bất thiện.” Tất nhiên, từ bỏ mạng sống mình thì ai cũng phải trãi qua dẫu không ai muốn cho dù cuộc sống nhân sinh của họ rơi vào hoàn cảnh nào; bởi được mấy ai sống qua tuổi 100. Cứ trói lại mà đánh, mọi người đành phải chịu dẫu được khen hay chịu đòn hoặc không! Phúc âm chỉ nói từ bỏ của cải chứ không khuyến khích, nhất là giúp phương tiện từ bỏ cái nghèo, cái kiếp số khổn khổ, khốn nạn, không ai mong muốn nơi kiếp người. Ngược lại, phúc âm lại khuyên, “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình; hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!” Vác khổ giá của mình! Đã rơi vào trường hợp trói lại mà đánh khen hay chịu đòn thì dù có chối bỏ hay không chối bỏ chính mình thì vác vẫn phải vác bởi có ai vác thế cho đâu! Phúc âm muốn nói gì vậy? Không chấp nhận mình nghèo khổ, “Lúc đói đầu gối phải bò” thì chẳng lẽ giàu có tự nhiên mò đến để mình có quyền rơi vào trường hợp “Nhàn cư vi bất thiện.”

Xét ra, lời khuyên “Hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày” mang đầy tính chất khôn ngoan ít ai để ý. Dĩ nhiên, ai cũng có khổ giá phải mang nơi trường hợp, phương diện, nào đó, nhưng điều khốn khổ nhất cho một người lại là không chấp nhận chính mình, nói cách khác là người mang ước vọng ngoài tầm tay với dẫu chính họ không nhận ra nên trần thân theo đuổi mộng tưởng và tiêu phí năng lực, sử dụng mọi mưu mánh, phương tiện, mong một bước đạt được niềm mơ giả tưởng. Vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày là lẽ tự nhiên thánh thiện nơi mọi người nhưng ít được ai để ý, nghĩa là con người không nhận ra sự thánh thiện nơi mình mà coi đó là chuyện bình thường. Có thể nói, lời khuyên, “Hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày” có nghĩa hãy nhận ra sự thánh thiện nơi mình thay vì tìm kiếm những vinh quang thế tục chóng qua. Như vậy, câu nói, “Hãy chối bỏ chính mình” có nghĩa đừng mơ tưởng những gì không phải là mình, những ước mơ thế tục, nhân sinh.

Con người đâu phải chỉ là sinh vật có cuộc sống xác thân mà còn có cuộc sống tâm linh vượt hẳn lên khỏi cuộc sống nhân sinh. Ước mơ, ước vọng, hy vọng, niềm tin, chủ đích, tư tưởng, tâm tư, tình cảm, không thể phát sinh từ bộ óc vì bộ óc thuộc vật chất, một phương tiện cho thành phần tâm linh cao hơn nơi con người hoạt động. Tất cả những hoạt động thể xác đều được hướng dẫn bởi linh hồn. Thân xác chỉ là phương tiện. Thế nên, “Hãy chối bỏ chính mình” chính là hãy nhận biết, nhận thực mình là ai để cắt bỏ tham vọng thế tục hầu thăng tiến tâm linh. Đâu phải đơn giản phúc âm nói 7 lần câu ngang ngang ngửa ngửa, “Ai có tai thì nghe” (Mt.
11:15; 13:9, 43; Mc. 4:9, 23; 7:16; Lc. 14:35). Tai không thể nghe tự nó vậy cái gì nơi một người dùng tai để nghe vì khi cái gì đó nơi một người thoát ra khỏi xác, tai, miệng, mắt, bộ óc lập tức ngưng hoạt động. “Hãy chối bỏ chính mình” có nghĩa hãy nhận ra thực sự mình là gì mới có thể theo, mới có thể nhận thức được lời phúc âm. Dĩ nhiên, thân xác và linh hồn là một; cuộc đời thế nhân chỉ là phương tiện hay cơ hội cho linh hồn học những bài học cần thiết để thăng tiến nơi hành trình tâm linh. Tuy nhiên, vì nhu cầu thực tiễn cần thiết giúp xác thân tiếp tục sinh tồn quá phức tạp, che lấp nhận thức tâm linh khiến con người tưởng rằng mình chỉ có cuộc sống xác thân này. “Hãy chối bỏ chính mình” hãy nghiệm xét, nghiệm chứng thực thể mình thực sự là ai, thế nào?

“Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất.” Đối với cuộc sống xác thân nơi nhân thế, đã được sinh ra thì đến ngày nào đó, đến giới hạn nào đó tất nhiên phải chết, không ai có thể trốn thoát. Thân xác con người chỉ như những bộ quần áo của một người, khi không còn giúp ích cho sự thăng tiến tâm linh, nó phải được thay đổi. Thế nên đâu lạ gì có câu nói, “Sự sống thay đổi chứ không mất đi.” Nhận thức do nghiệm xét này chính là gốc gác cho lý thuyết Luân Hồi nơi Ấn học. Lý thuyết Luân Hồi được quan niệm linh hồn một người là một phần của Thượng Đế. Nói cách khác, Thượng Đế hiện thân nơi tạo vật. Linh hồn được cho cơ hội chính là cuộc đời nơi xác thân để nhận thức và thăng tiến thực thể của mình để trở về hòa nhập với nguyên bản. Nếu kiếp này linh hồn chưa nhận thức được, sau khi xác thân quá già cỗi không giúp ích gì cho linh hồn được nữa thì cần được có một cuộc sống xác thân khác như phương tiện giúp hồn tiếp tục thăng tiến. Lý thuyết Luân Hồi mới có thể giải thích hiện tượng thần đồng hoặc nơi những trường hợp đặc biệt một người biết được kiếp trước mình như thế nào, đã có cuộc sống ra sao. Sự sống thay đổi chứ không mất đi; linh hồn không biến mất vì linh hồn chính là sự sống đích thực, tâm linh của một người. Nhận biết hay không, tùy nhận thức, nghiệm xét của mỗi người. Kẻ nào chỉ cho rằng cuộc đời một người chỉ là sự hiện hữu xác thân, tất nhiên, ngày nào đó, xác thân cần được chuyển đổi vì không còn có thể giúp linh hồn thăng tiến nơi hành trình tâm linh, hành trình nhận thức thực thể của chính mình để trở về với thực tại tuyệt đối, thực tại vĩnh cửu. “Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất.” Tất nhiên, thân xác khi không còn có thể giúp ích cho hồn thăng tiến cần phải được thay đổi.

“Hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!” Khổ giá là gì? Bất cứ những gì không hợp hoặc cản trở  ước muốn của một người đều làm phiền hay kiến tạo phiền hà nơi những hoạt động thực hiện công việc một người ước mơ đạt thành. Những hoạt động nhân sinh, thân xác được bắt nguồn từ ý định, ý nghĩ, ước muốn, ước mơ, tham vọng v.v... Nhận định như thế, khổ giá phát xuất từ tâm tư một người. Kinh nghiệm cuộc sống minh chứng, dẫu phải làm việc cực nhọc bằng tay chân nhưng biết chắc được thành quả mình mong muốn, người làm việc vẫn không quản ngại thực hiện. Nơi phương diện tâm tư, tâm tình cũng thế, người ta tận dụng suy tư, tính toán phương cách để thực hiện một công việc hay chương trình nào đó sao cho đạt thành kết quả ước mong. Sự vận dụng trí óc hay tâm trí này nhiều khi khiến một người mệt mỏi, hao tổn khí lực gấp mấy lần hoạt động tay chân. Không hiểu độc giả cảm thấy thế nào, riêng tôi, sau hai tiếng vừa suy nghĩ, vừa đánh máy những hàng chữ này, tôi cảm thấy mệt mỏi hơn sau bốn tiếng cày đất, lên luống khoai, trồng khoai ngoài vườn. “Khổ giá của mình mỗi ngày” là những gì làm phiền hay ngăn trở sự thực thi ước muốn của một người trong cuộc sống. Con người chấp nhận và luôn cố gắng vượt qua những phiền hà trong cuộc sống bằng bất cứ phương tiện hay phương cách nào, không than van, không bực bội, mà coi đó là trách nhiệm, thường thì lại là niềm vui cuộc đời. Tâm tư, nhận thức này thực sự là sự thánh thiện của một người nơi cuộc sống nhưng ít được nhận ra. Có nhận ra chăng chỉ là niềm vui khi đạt thành một dự án hoặc công việc. Thực ra, chính ngay khi toan tính và thực hành những công việc để đạt tới thành quả đã tạo nơi tâm tư người thực hiện niềm vui thường được gọi là hạnh phúc; niềm vui này tạo thêm năng lực để con người tiếp tục xông phá, hoặc thăng tiến nơi hành trình thực hiện công việc dù bằng trí óc hay hoạt động tay chân. Như vậy, chỉ những người cố gắng sử dụng tâm tư hay thân xác để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mới có thể được gọi là, “Vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày.” Những kẻ không muốn làm dù cách nào mà chỉ muốn hưởng thụ nên tìm cách lừa đảo để đạt thành ước muốn không thể được gọi là vác lấy khổ giá. Phúc âm khuyến khích, “Hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!” Câu này chỉ được dành cho những ai sử dụng năng lực của mình thực hiện một cách chân thành để giải quyết vấn đề nhân sinh, nhận ra sự thánh thiện nơi công việc của mình mới có thể nhận thức theo đức Giêsu là thế nào. Niềm hạnh phúc nơi tâm tư khi làm việc để tiếp tục sinh tồn của mỗi người, chỉ người ấy biết, không thể chia sẻ cho bất cứ ai chẳng khác gì câu nói nơi Lão học, “Người biết không nói, kẻ nói không biết.”

“Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó.” Con người không phải chỉ có cuộc sống xác thân mà còn cuộc sống tâm linh, tinh thần. Kinh nghiệm sống minh chứng, “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (N. Du). Tâm tư một người được phát sinh tử linh hồn, không phải từ bộ óc vì khi linh hồn ra khỏi xác thì bộ óc hết làm việc; cũng như mắt hết nhìn; tai hết nghe; miệng không thể nói dù chỉ một lời. Nhận định rõ ràng như thế, một người có hai sự sống hòa nhập làm một, bất khả phân ly, sự sống xác thân nơi thế giới hữu vi, nhân sinh, và sự sống tâm linh của linh hồn. Hoạt động của linh hồn chính là diễn trình của ước muốn, ước mơ, ý định, tham vọng, quan niệm, dục vọng v.v... những gì thuộc về tâm tư thường được gọi là tâm trí. Có điều, sự sống cũng như nhu cầu sinh hoạt để tiếp tục cuộc sống mà con người phải đối diện quá ư thực tiễn nơi nhu cầu sinh tồn của thân xác từng ngày giờ, từng giây phút đã làm mờ dần nhận thức hoặc thao thức nơi một người về phương diện tâm linh. Dẫu đôi khi, nỗi thao thức nhận biết chính mình như thế nào, nỗi thao thức bẩm sinh này trỗi dậy thúc dục con người đặt vấn đề tìm hiểu; ai không thế, muốn nhận biết ngay lập tức nên đã thay vì tự nghiệm xét để nhận thức về bản thân tự nơi người thày tuyệt vời nhất là chính mình, con người đã vội vã tìm kiếm nơi những gì bên ngoài. Con người, tự kinh nghiệm kỹ thuật, đã vội một cách không ngần ngại tự biến mình thành thùng rác, nhồi nhét tất cả những gì không phải là mình, chấp nhận chúng thành khuôn vàng, thước ngọc và áp đặt chính mình vào những khuôn mẫu đầu voi đuôi chuột đó. Thí dụ, đâu phải cứ mặc áo hở nách mới có thể tôn vinh nét đẹp của một người! Hoặc diện những bộ quần áo đắt tiền, thái độ tỏ ra sang, chảnh thì mới được người khác kính trọng! Đâu phải cứ phải mặc áo hở ngực mới có thể hấp dẫn người khác phái! Một thân xác mập như cây tăm, đàng trước cũng như đàng sau, càng hở bao nhiêu thì chỉ càng làm những cặp mắt khác phái ngại ngùng chiêm ngưỡng bầy nhiêu. Cũng chính vì thiếu nhận thức, con người đã vội mở rộng tâm tư để chấp nhận tất cả những gì được gọi là khoa học để rồi một cách thiếu ý thức áp dụng nơi cuộc đời của mình chẳng khác gì câu nói trạnh của tiền nhân dân Việt, “Râu ông cắm cằm bà.” Tỉ dụ, khoa học cũng như kinh nghiệm thực tiễn ai cũng bình thường nhận biết; con mắt nhìn; tai nghe; miệng nói; bộ óc suy nghĩ! Thử hỏi, kinh nghiệm đã bao lần một người trong đời chứng kiến, khi một người đã chết, nghĩa là lúc linh hồn đã ra khỏi xác, con mắt còn có thể nhìn được chăng; tai còn có thể nghe hoặc miệng nói hay bộ óc còn suy nghĩ chi nữa không. Vậy chúng là thế nào đối với sự sống. Xin thưa chúng chỉ là phương tiện cho hồn hoạt động mà thôi. Chính hồn nhìn, nghe, nói, suy nghĩ chứ không phải tai, miệng, mắt, bộ óc. Nhận thức những sự thể thực tiễn này, con người cần đặt lại vấn đề mình thực sự thế nào. Thế nên câu, “Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó,” đòi hỏi một người mở rộng lòng đặt lại vấn đề nơi mọi phương diện hiện hữu của mình. Kẻ nào chỉ cho rằng, chỉ nghĩ cuộc đời nhân sinh của mình là xác thân, trước sau gì cũng phải chết. “Còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó.” Điều này có nghĩa, những ai nhận thức được sự hiện hữu thực sự của linh hồn, tự nghiệm xét về thực thể của mình sẽ nhận thức được mình thế nào. Linh hồn không thể chết thì có gì mà cứu, vấn đề chỉ là nhận thức. Ngôn từ giải thoát, cứu vớt mang nghĩa giải thoát khỏi lầm lẫn, ngu muội, do thiếu nhận thức mà thôi. Tôi muốn lập lại, đâu phải vô lý khi phúc âm cứ lập đi, lập lại đến độ nhàm tai câu, “Ai có tai thì nghe!”

“Còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì kẻ ấy sẽ cứu nó.” Cuộc sống thế nhân, hữu vi, thế tục, sự sống thân xác một người, cuộc đời, tất nhiên sẽ qua đi không sớm thì muộn, đây là sự thể phải xảy đến, nên xảy đến để linh hồn tiếp tục có được những cơ hội, phương tiện thăng tiến nếu nhìn theo quan điểm luân hồi Ấn học. Hơn nữa, nếu không nhận biết quan điểm, nhận thức cuộc đời nhân sinh là cơ hội hay phương tiện cho linh hồn thăng tiến nhận thức thực thể, bản thể của mình thì đàng nào thân xác cũng phải qua đi dù sớm hay muộn, dẫu trẻ hoặc già; mặc dù không ai muốn chết trẻ dẫu không biết mục đích cuộc sống của mình là gì; tuy “Càng già càng nhục,” tôi chỉ dám hiểu câu này theo nghĩa, càng già càng nhận ra mình nhiều lầm lỗi, thiếu sót. nhưng thực tế cuộc sống minh chứng, ai cũng muốn được sống lâu, và tìm mọi cách cho cuộc đời mình dài hơn, cho dù, khi thân xác đã già cỗi, càng kéo dài sự sống chỉ càng thêm phiền hà, không những khổ mình mà còn phiền hà đến người chúng quanh. Có lẽ quan niệm hiếu đễ bắt nguồn từ thực tại già yếu cần được giúp đỡ này; nói cách khác, quan niệm hiếu đễ phát sinh từ sự ham sống, sợ chết nơi tuổi già. Thế nên nói rằng, “Còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta” chỉ có thể hiểu, kẻ nào nhận thức được thực thể cuộc sống nhân sinh, hữu vi, rồi trước hoặc sau cũng sẽ qua đi mà để tâm suy tư nghiệm xét, nhận định, thực thể hiện hữu đích thực của mình để thăng tiến đời sống tâm linh mới đúng. Thực thể đời sống tâm linh sẽ không thể chết được.

“Nào người ta được ích gì khi được lợi lãi cả thế gian mà lại mất hay thiệt chính mình?” (Lc. 9:25; Mc. 8:37). Dĩ nhiên, khi thân xác, cuộc đời nhân sinh, hữu vi của một người qua đi, ra đi trắng tay, chẳng có thể mang vật chất gì theo, dù danh vọng, tiền tài, năng lực, quyền thế rồi thì cũng đi vào quên lãng vì, “Một con chó sống vẫn hơn con sư tử chết” (GV. 9:4), đâu còn gì nơi thế giới hữu vi, nhưng nơi thế giới tâm linh lại khác, tâm tình, tâm tư, ước muốn, ý định, tham vọng do phát xuất tự hồn sẽ tiếp tục ảnh hưởng hồn và dẫn dắt hồn nơi hành trình mới sau khi thân xác qua đi. Thế nên, người nào chỉ cho rằng cuộc đời một người chỉ là hay thuộc về cuộc sống xác thân, tất nhiên đánh mất hay không nhận thức được cuộc sống tâm linh, được gọi là “Mất hay thiệt chính mình?” Một người mới thoạt đọc hay nghe câu này nếu đã chưa bao giờ đặt vấn đề hoặc nghĩ tới cuộc sống tâm linh của mình, sẽ bị câu nói khiến cho đầu óc đảo lộn và sẽ không để ý suy nghĩ. Lời phúc âm bình thường dùng sự việc, sự vật hữu vi để nói về thực tại, nhận thức tâm linh.

“Phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc.
14:33). Đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có lần lặp lại câu nói diễu ngài đọc đâu đó rằng, “Có hai điều mà Thiên Chúa không biết đó là có bao nhiêu bà mụ trên thế giới và nhà dòng Phanxicô khó khăn có bao nhiêu tiền.” Nơi bản tiếng Anh của cuốn The New Oxford Annotated Bible được in tại Hoa Kỳ năm 1977 thì lại viết, “So therefore, whoever of you does not renounce all that he has cannot be my disciple” (Lk. 14:33). Thiển nghĩ, bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn có lẽ cố giữ sao cho sát bản văn Latin hay Hylạp nên dùng ngôn từ, “Của cải chính mình” do đó thường bị hiểu lầm là tài sản vật chất thành ra câu phúc âm trở nên điều không tưởng. Nói như thế cũng có phần đúng và cũng chứa đựng phần nào hạn hẹp. Đúng vì dịch theo nguyên bản tránh khỏi bị những con mắt thiên vị với ý đồ nào đó “Mượn gió bẻ măng” hầu dùng câu dịch của ngài (NTThuấn) làm bực thang bước lên đài danh vọng. Nói rằng hạn hẹp vì đôi khi dịch mang tính chất diệt cũng bởi e ngại điều chẳng nên có thể xảy đến tùy thuộc quan niệm hay quy luật của tổ chức. Cuộc đời, ai là người có thể tránh thoát rơi vào trường hợp chiếc lưỡi giữa hai hàm răng; dẫu răng thật rụng hết thì đôi khi răng giả cắn phải còn đau hơn.

Thực sự “Của cải mình đi hết thảy” được dịch thành  All that he has” mang nghĩa gỉ? Nơi hành trình tâm linh, tất cả mọi sự xảy ra chỉ trong tư tưởng nên “All that he has” bao gồm ước muốn, ước mơ, ý định, tham vọng, ý đồ, thói quen, truyền thống, kiến thức. Ai đã thử nghiệm xét, thử suy tư đặt lại vấn đề nơi bất cứ phương diện nào chắc chắn không thể quên lời nhắn nhủ của Phaolô, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). “Theo đức Kitô” là thế nào? Tất nhiên, “Phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc.
14:33). Thế nên, khi nghiệm xét, suy tưởng, nghiệm chứng về bất cứ sự việc, sự thể nào  nơi hành trình tâm linh, hành trình đức tin, tâm tư người nghiệm xét cần được thực sự tự do tuyệt đối, không lệ thuộc, không chiều theo bất cứ truyền thống, quan niệm hay kiến thức nào. Lời phúc âm chỉ đường cho những ai thực thi nghiệm xét hầu thức ngộ mà thôi. “Ai có tai thì nghe;” ai thực hành người ấy biết. Không thực hành, suốt đời mù tối, vô minh.

09 AI CÓ TAI THÌ NGHE
((Mt. 11:15; 13:9, 43; Mc. 4:9, 23;
7:16; Lc. 14:35).

Lời phúc âm nói ngang không? Ai là người không có tai. Câu nói đơn giản, dễ hiểu, ai cũng nhận biết và mang kinh nghiệm thực dụng, ai cũng đang, nói theo ngôn từ đạo học Đông Phương là thực chứng sự thể hiển nhiên nơi mình. Nếu cho rằng đây là lời nói của đức Giêsu và cho là Lời Chúa để rồi cứ lặp đi lặp lại, không chịu suy nghiệm, suy tưởng, nghiệm xét, nghiệm chứng, năm chữ, năm tiếng đơn giản này để rồi lờ đi vì nghịch thường, đôi khi cảm thấy xúc phạm, thì có lẽ nên bỏ, không nên theo đức Kitô cho đỡ bực mình do bởi bị khinh thường. Ai không nhận biết tâm tình, phản ứng nơi tâm tư mình khi đọc hoặc nghe câu nói này, tất nhiên chẳng tin gì vào Thiên Chúa, chẳng tin gì vào đức Kitô. Quý vị đừng vội cho rằng tôi vơ đũa cả nắm, chỉ xin tự hỏi mình tin vào đức Kitô nghĩa là thế nào; tin vào đức Kitô là tin nhũng gì; có gì nơi niềm tin ảnh hưởng nơi cuộc sống thường ngày. Nếu nói không tin vào đức Kitô có gì thay đổi nơi cuộc sống của mình không? Có gì ảnh hưởng hoặc thay đổi nơi sự thể hoặc thực thể của đức Kitô không? Nói rằng tin vào đức Kitô thì phúc âm có ảnh hưởng gì tới đời sống của mình. Quý vị có nghiệm xét những câu nói bất thường nơi phúc âm không?

Không thể kiếm bất cứ nơi đâu câu nói đơn giản, bình thường, nhưng nghịch thường này nhưng lại được nhắc đi, lặp lại bẩy lần nơi phúc âm. Bất cứ ai mới thoạt nghe, hoặc đọc câu này, nếu là người để ý và quen suy nghĩ, đều cảm thấy như bị chửi thẳng vào mặt hai tiếng, “Đồ ngu.” Thử hỏi, thế sao không bực; chính câu nói kiến tạo nơi tâm tư mình cảm nhận như thế; nếu không cảm thấy như thế, có nghe, có đọc phúc âm thì cũng như nước đổ lá môn, mưa trên đầu vịt; Lời Chúa, Chúa nghe, mình nói tin cho vui, cho giống người khác hoặc tránh bị coi là vô thần bởi thực sự mình có biết tin là gì đâu, có tin chi đâu; Chúa chỉ là bung xung, là con ở cho mình đòi hỏi thực hiện những gì mình muốn, và có bao giờ Chúa làm theo ý mình đâu, Chúa không bao giờ vâng lời mình, có tử tế gì với mình đâu! Ngài có thực hiện gì cụ thể thì chỉ theo ý Ngài mà thôi. Thế nên mình chỉ hô lên tin, tin, nhưng trong lòng thực sự chẳng biết tin là thế nào phương chi sống đức tin. Mà đức tin là gì, sao phúc âm nói khác với những gì mình nghĩ, mình ước mơ, mình thực lòng hy vọng?

Cho dù cố gắng dồn hết lòng trí cầu nguyện mỗi khi chuyện ngoài ý muốn xảy đến, nhưng kết quả của lòng tin, đức tin cứ như không. Hình như sự cầu nguyện chỉ là phương tiện giúp an lòng chấp nhận trong trường hợp bị “Trói lại mà đánh.” Tin vào Chúa cũng như chỉ để an lòng mà thôi. Lời phúc âm cứ như trêu ngươi, “Đức tin con cứu con; lòng tin con chữa con,” chưa bao giờ, nếu không muốn nói là sẽ chẳng bao giờ hiện thực nơi cuộc đời mình. Tại mình không có lòng tin hay tin không đúng? Tại sao phúc âm cứ liên tục thách đố, “Ai có tai thì nghe;” nghe riết, nghe hoài, đọc tới, đọc lui cũng không thể hiểu phúc âm muốn thách đố điều gì, phải thực hiện hoặc áp dụng ra sao để sử dụng được đức tin, lòng tin nơi cuộc đời.

Vâng, mình không điếc, tạ ơn Chúa, mình có hai tai như mọi người, nghe được đủ mọi chuyện, ngay cả những chuyện không muốn nghe, hoặc vừa nghe thấy xong đã phải vội lòng dặn lòng quên ngay nó đi cho đỡ bực bội; bởi không quên, không lờ nó đi sẽ chỉ sinh thêm tội, nói đấu lại với họ, chỉ tạo thêm kẻ thù vô bổ, phiền hà tâm tư. Vậy phúc âm nói, “Ai có tai thì nghe” nghĩa là thế nào? Muốn nghe được như lời phúc âm phải làm sao? Nơi phương diện nào? Đọc nơi nhà Phật, có câu nói được đặt nơi miệng Thích Ca, “Lời ta nói như chiếc bè;” hoặc, “Ngón tay ta chỉ mặt trăng nhưng ngón tay ta không phải là mặt trăng.” Vậy “Ai có tai thì nghe” ám định về điều gì? Tai mình có nghe được không? Rõ ràng là có nghe và thường nghe; nhưng thử hỏi cái tai có thể tự nó nghe được không? Đặt vấn đề như vậy, lại phải nhờ đến Phaolô, thử nghiệm xét câu nói, “Ai có tai thì nghe.”

Đúng là ngớ ngẩn nhưng ngớ ngẩn hữu ích; tai có thể tự nghe được không? Kinh nghiệm sống minh chứng, khi một người chết, nghĩa là linh hồn đã ra khỏi xác, tất nhiên người đó không còn có thể nghe, nói, nhìn, hoặc suy nghĩ được gì. Sự thể này minh chứng, xác thân một người, những phần tử của xác thân, cuộc đời một người chỉ là phương tiện cho cái hồn mà thôi. Cái hồn dùng tai để nghe, dùng mắt để nhìn, dùng miệng để nói, và dùng bộ óc để diễn đạt suy tư. Cái hồn suy tư chứ không phải bộ óc như khoa học nói. Thì ra mấy nhà khoa học nói theo thói quen, nói theo kinh nghiệm sống như mọi người. Bộ óc thuộc về vật chất, không thể kiến tạo tư tưởng, ước muốn, ý định, tham vọng hay ước mơ. Cái hồn dùng tai để nghe; thế thì câu “Ai có tai thì nghe” mang ý nghĩa cái hồn có nghe, có biết nghe hay không. Như vậy, “Ai có tai thì nghe” chỉ về điều kiện của cái hồn, điều kiện tâm trí một người, có nghiệm xét, suy tư, suy nghiệm, suy tưởng, nghiệm chứng hay không.

Xưa nay, nay xưa, đâu có ai minh chứng, đâu có sách vở nào viết về sự minh chứng có linh hồn. Dẫu được dạy dỗ, chấp nhận rằng mình có linh hồn nhưng nào mình có biết gì về linh hồn mình đâu. Mình chỉ tin theo, tưởng theo mình có linh hồn nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề linh hồn mình thế nào, ra sao! Ấy tin là thế đấy. Nói rằng tin mình có linh hồn, và linh hồn ngay nơi mình nhưng chẳng biết gì về nó. Và như thế, nỏi rằng tin vào Chúa, tin vào đức Kitô cũng vậy; chỉ hô lên, tuyên xưng, nhưng không biết mình tuyên xưng về điều gì, tin về thực thể nào.

Nhờ sự kiện người chết minh chứng một người có linh hồn và linh hồn điều hành cuộc đời, thân xác, và các bộ phận thuộc về thân xác như ngũ quan chỉ là phương tiện cho linh hồn hoạt động. Vậy làm sao biết về linh hồn mình ra sao, có sự việc, sự thể nào nơi mình minh chứng mình có linh hồn hay chăng? Dẫu tin rằng hoạt động của linh hồn là tâm trí được diễn trình qua ước muốn, ý định, tham vọng, ước mơ nhưng sao có thể giãi bày cho rõ ràng. Có kinh nghiệm nào, thực chứng nào minh xác liên hệ thực tiễn tới linh hồn không? Kinh nghiệm thực chứng sống động ai cũng biết, ai cũng có nhưng ít ai để ý đặt vấn đề; đó là con mắt nào nơi mình nhìn trong giấc mơ? Ai nói chi thì nói; khoa học giải thích sao thì cứ việc tào lao thiên tướng; tuy nhiên, bất cứ ai đã ít nhất một lần gặp sự việc hay sự thể nào đó đã xảy đến trong giấc mơ nơi cuộc đời tất nhiên sẽ nhận biết; sự thể này được gọi thực chứng. Đồng thời người đó cũng nhận ra được nơi con người của mình có cái gì đó có con mắt nhìn trong giấc mơ. Con mắt nhìn trong giấc mơ này có thể nhìn về quá khứ, và cũng có thể nhìn trước tương lai.

Sau ngày ba mươi tháng tư năm 1975, tôi bị kẹt lại nên cùng một người bạn đến chung sống với cỡ bốn mươi gia đình nơi vùng kinh tế mới Tân Hữu, nằm trên con lộ nối từ Dầu Giây lên miền Võ Đắc, Võ Xu. Tôi thường vác rựa theo nhóm người vô rừng chặt những bộ sườn nhà đơn sơ, làm nhà kinh tế mới, để bán cho công ty nào đó. Một hôm, theo đường xe be tới một khúc quanh, tôi giật mình vì chợt cảm thấy mình đã ghé qua đây lần nào đó khi nhìn thấy một khúc gỗ lớn cỡ hơn vòng ôm, mục một phần, đã trở thành màu xám do ảnh hưởng mưa nắng đã lâu ngày. Nơi phần giữa ngửa lên trên, gỗ bị mục nhiều hơn các phần còn lại, một bụi cỏ cỡ hai bàn tay, lá dài buông thõng theo chiều ngang khúc gỗ, giơ vài cọng đã rụng hết cánh bông. Tôi tự hỏi trong ngỡ ngàng, sao tôi có thể đã qua đây lúc nào vì, cho đến ngày ấy, cả đời tôi hoặc tới trường lớp, hoặc làm rẫy với gia đình nơi miền quê xa cách với miền đèo heo gió hú này. Và tôi chợt nhận ra đã thấy cảnh này trong một giấc mơ không hiểu đã năm hoặc ba năm trước.

Sở dĩ tôi nhắc đến khúc quanh đường be, khúc cây mục, và khóm cỏ vì những hình ảnh này đã in vào tâm trí tôi từ một giấc mơ. Mãi sau này, chẳng biết bao nhiêu năm, khi đọc về sự thoát hồn của những vị sư Tây Tạng v.v…, tôi mới để ý nhận ra nơi mình có con mắt nhìn trong giấc mơ. Con mắt này có thể nhìn thấy sự việc trong quá khứ, và chẳng những thế, nó cũng có thể nhìn thấy sự việc nào đó có thể sẽ gặp trong tương lai. Con mắt này hiện diện nơi đâu trong tôi; nếu trong tâm trí sao tôi không thể nghiệm chứng; nếu nơi nào đó trong cơ thể thì lại càng phi lý hơn (Khai Phá Phúc Âm; Lã Mộng Thường; Litho Printers; MO. USA; 2021; Tr. 40-41).

Nhận biết được mình có linh hồn và cũng nhờ nhận biết được sự liên hệ và hoạt động của linh hồn với xác thân, không cần phải đặt vấn đề tin hay không, tôi biết chắc sự sống đời sau là cuộc sống của linh hồn, đồng thời cũng thực sự nhận ra cuộc sống xác thân chỉ là phương tiện cho linh hồn thăng tiến. Dẫu xác thân cũng như cuộc đời là cơ hội nhưng điều kiện sống và nhu cầu nhân sinh ảnh hưởng nặng nề tới sự thăng tiến của linh hồn. Ước mơ, hy vọng, tham vọng, ý định, niềm tin đều phát xuất tự linh hồn, nhưng nếu không nhận biết sự thể này mà chỉ cho rằng những hoạt động của tâm trí phát xuất từ bộ óc, tham vọng sẽ vượt trỗi lên trên và ảnh hưởng cũng như che lấp các hoạt động khác của linh hồn nơi tâm trí. Linh hồn nơi một người hòa nhập làm một với xác thân bất khả phân ly, ngoại trừ chết. Có thể so sánh linh hồn đối với xác thân chẳng khác gì người lái xe với chiếc xe. Chiếc xe tiến tới, lùi, hay quay ngang, quay dọc tùy thuộc người lái xe. Xác thân, cuộc đời một người cũng thế, lệ thuộc vào hoạt động, chiều hướng của linh hồn, hoặc là sống  đúng để đạt thành những ước mơ đoan chính bởi  nhận biết thực thể của mình, hay chiều theo tham vọng thế tục do không biết mình thực sự là gì nên nghĩ rằng cuộc đời một người chỉ là cuộc sống xác thân này. Như thế, câu, “Ai có tai thì nghe” nói lên sự nhận thức của một người, một hoạt động của hồn, hoạt động tâm linh hoặc điều kiện nhận thức của linh hồn.

Biết được, nhận thức được, mình có linh hồn và những hoạt động của linh hồn được gọi là tâm trí, nhưng sao có thể biết được đâu là điều kiện nhận thức của linh hồn, đâu là phương pháp để hồn thăng tiến trong khi nhu cầu vật chất nơi cuộc đời nhân sinh cần thiết và cấp bách từng ngày, từng giờ và thường che lấp nhận thức tâm linh của một người. Câu hỏi này mới thực sự mang ý nghĩa đúng đắn của, “Ai có tai thì nghe.” Cái hồn nghe, nhưng nghe trong điều kiện nào, chiều hướng ra sao để thăng tiến hoặc bị phủ lấp thêm đầy dục vọng, tham vọng thế tục. Một sự việc nhân sinh điển hình, bất cứ ông chồng nào muốn có căn nhà sang trọng, to lớn mà không có khả năng thuê người giúp việc chăm sóc dọn dẹp cho căn nhà; ông ta đã vô tình mang ước muốn để bà vợ trở thành con ở. Bất cứ bà nào muốn có căn nhà đồ sộ, nguy nga cho bằng mày bằng mặt với “người ta,” mà gia đình không thể hay không muốn thuê mướn người giúp việc; bà ấy đã tự động chấp nhận trở thành kẻ giúp việc trong gia đình, tốn công sức làm tôi mọi cho ý thích rởm được gọi là bằng mày, bằng mặt với người ta, thay vì dùng tiền bạc, công sức chăm lo cho căn nhà nguy nga đồ sộ, an hưởng cuộc đời nơi một căn nhà bình thường, nào thiếu tiện nghi gì kém đâu, và dùng thời giờ dọn dẹp để học hỏi, thăng tiến nhận thức về thực thể chính mình hầu nhận chân thực sự mình thế nào và sẽ đi về đâu sau khi chết.

Như vậy, “Ai có tai thì nghe” khuyến khích một người để tâm nhận thức về thực tại hiện hữu của chính mình. Không biết hoặc không muốn sử dụng năng lực hoặc khả năng nhận thức này để nhận biết thực sự hiện hữu của mình như thế nào hay mục đích cuộc đời mình là gì hoặc rồi mình sẽ đi về đâu được phúc âm gọi là tội phạm đến Thánh Thần, muôn đời không được tha nghĩa là không thoát khỏi sự mê muội nhân sinh, thế tục. Bên Đông Phương học gọi là tội vô minh như Đạt Ma sư tổ đã đề danh. Chúa nào, thần thánh nào có thể giúp kẻ không chịu suy tư, suy nghiệm, nhận thức được sự thể đích thực, bản lai diện mục (Lục tổ Huệ Năng) của mình; bởi thực tại cuộc sống minh chứng, không ai có thể ăn dùm, uống dùm cho mình, thì cũng không ai có thể suy tư, nghiệm xét dùm cho mình.

Điều rõ ràng, sự nhận thức không thể cầu mà chỉ có thể ngộ. Cũng như uống nước, ai uống người ấy hết khát, không thể học được. Thế nên, cũng như kẻ khát phải uống nước thì người muốn nhận thức, linh hồn muốn nhận thức, cần nghiệm xét, suy tư, suy tưởng, suy nghiệm, nghiệm chứng, thực chứng. Hành động ăn, uống, là sự thực chứng mùi vị và cảm nhận đồ ăn, thức uống. Muốn nhận biết thực thể mình thế nào, một người cần đối diện chính mình; vì không ai có thể giải thích sự thể nhận thức thực sự con người của mình; không ai giúp được nên cũng không thể học được. Người không nhận biết mình thế nào, ra sao, thường chạy theo những tham vọng, danh tiếng, vị thế nhân sinh, thế tục bên ngoài. Ham muốn chạy theo tham vọng nhân sinh chứng tỏ lòng khao khát nhận biết chính mình đồng thời bao gồm nỗi e ngại đối diện với con người thực sự của mình, có thể do mặc cảm nặng nề mình chẳng là gì, cũng có thể vì nhận ra mình đã mang quá nhiều lầm lỗi, ngu xuẩn, nên cố gắng che dấu thay vì trực diện.

Ai không nhận ra, “Đa thọ, đa nhục,” và “Ai nên khôn không khốn một lần.” Nhưng không dám đối diện để nhận thức thực sự mình tốt lành, thánh thiện ra sao, hoặc đốn mạt, xấu xa tới độ nào thì vẫn luôn mang chiều hướng tham vọng thế tục hầu che lấp sự vô minh, thiếu nhận thức về thực tại của mình. “Ai có tai thì nghe” thách đố một người đối diện chính mình hầu thực sự nhận thức thực thể mình thế nào, ra sao. Muốn trả lời hoặc thực thi hoạt động hay hành trình nào đó hầu nhận biết chính mình, thánh Phaolô đề nghị, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22), trong điều kiện, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8).

“Đừng dập tắt Thần Khí,” Suy tư, suy tưởng, nghiệm xét, nghiệm chứng ý định, ước muốn, tất cả đều do hồn phát xuất được gọi là tâm trí. Hồn nơi mình, là thần khí nơi mình; nên sự suy tưởng, nghiệm xét vô giới hạn không lệ thuộc bất cứ gì. Không ai chen vào được, không ai biết những gì xảy đến nơi tâm hồn mình. Thế nên, cứ tự nhiên, muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, suy thế nào thì suy, không có rào cản, không để bất cứ chi ảnh hưởng; tự do nơi tâm tưởng là tự do tuyệt đối, không thần thánh nào có quyền chen vô, và bất cứ những gì chen vô bất lợi cho sự suy tư, suy tưởng, hãy để nó tự sinh, tự diệt. Phúc âm nói rõ, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi.” Bất cứ những gì ngăn cản hành trình nghiệm chứng, nghiệm xét đều cần được dứt bỏ.

“Chớ khinh thị các ơn tiên tri!” Được gọi là ơn bởi chưa nhận biết sự thể, thực thể nhận biết này, mình được sinh ra, bẩm sinh với năng lực, khả năng nhận thức này. Bao lâu mình không nhận biết nên không sử dụng do đó đã trầm luân nơi tham vọng thế tục hoặc nhu yếu, cần thiết nơi cuộc đời nhân sinh; chẳng khác gì đức tin, lòng tin, mình cũng đã không nhận biết nên không thể sử dụng được. Nói lên sự thể này, tôi muốn nói bao gồm cả chính tôi, cũng như mọi người, tôi đã không thể nào sử dụng được đức tin, lòng tin như nơi phúc âm nhắc đến. Chẳng hạn, “Đức tin con cứu con, lòng tin con chữa con.” Tôi ôm chân đau vì tắc mạch máu bốn tháng trời, đi gặp bác sĩ, tôi nói gặp bác sĩ chứ không khám vì không vị bác sĩ nào để cho tôi khám họ (Ấy, tiếng Việt nói, đôi khi cần hiểu ngược lại). Đứng không được, nằm chẳng xong, ngồi cũng dang dở, thế mà không biết cách nào để sử dụng lòng tin, đức tin nơi tôi để chữa cho khỏi đau. Thực ra, tới lúc đau quá nhưng không biết cách nào giải quyết. Hết bác sĩ dổm này, chẳng biết chi về mạch máu, ngó qua vài phút, hẹn tháng sau trở lại. Tôi bị đau quá, gọi, thư ký văn phòng bác sĩ, bị cho hẹn đi chụp Ultra Sound, vô ích, rồi đi chụp CAT, rồi thêm tháng hẹn nữa, trong khi tôi ngày đêm chịu trận. Có đêm sáu hay bẩy lần phải lò mò bước tới bước lui cho chân khỏi buốt. Bực mình, tôi kiếm bác sĩ mổ, và thêm ba tuần nữa. Mổ mạch máu xong, máu  dồn xuống khiến chân tôi sưng phù lên, bỏng rát như hơ trong lửa, bước một bước chẳng khác gì xé thịt mình ra, và lòng tin, đức tin thì không sao sử dụng được. Tôi bị rơi vào thế, “Trói lại mà đánh, khen hay chịu đòn.” Chúa chỉ chết một lần, tôi bị khốn nạn hằng đêm, có thể nói chết đi còn sung sướng hơn ôm chân chịu trận. Nhờ vậy, tôi có thể nhận thức được tại sao có những người chấp nhận tự tử. Tôi không dám tự tử vì còn ham sống, vì sợ mang mặc cảm khinh chê hồng ân sự sống. Đồng thời tôi cũng nhận thức được, điều làm vinh quang Thiên Chúa tuyệt vời nhất là an hưởng tối đa hồng ân sự sống đã được ban cho. Tôi biết đức tin, lòng tin là quyền lực sự sống, quyền lực hiện hữu, quyền lực của chính Thiên Chúa nơi tôi vì Thiên Chúa là sự sống; Thiên Chúa chính là sự hiện hữu nơi tôi, nhưng không biết cách nào sử dụng được quyền lực này. Thế nên, vì đau quá, cao ngạo nổi lên, tôi đành ương bướng thách đố, thử xem Chúa muốn chơi trò gì với tôi, thử xem bài học nào tôi cần phải học nơi trường hợp ôm chân đau chịu trận. Cho rằng tôi ham sống dù phải chịu khổ, chịu đau đớn kinh khủng, thì cũng không sai. Cho rằng tôi nghĩ bậy vì muốn tự tử cũng không đúng; vì tôi biết tôi sẽ đi về đâu. Tôi chẳng có gì lưu luyến cuộc sống này và dứt khoát, sau khi thân xác qua đi, không thèm trở lại thế giới hữu vi lắm phiền hà, nhiều ưu tư, lo lắng này nữa. Tôi chấp nhận ôm chân đau đớn để thách đố cuộc đời trêu chọc tôi, làm phiền hà tôi đến độ nào, và bài học nào tôi cần phải học, phải nhận thức cho xong kiếp người này. Đừng vội lên án tôi, nhưng hãy nhìn lại chính mình, có biết, có nhận ra hồng ân sự sống nơi mình chưa. Nếu chưa, chắc chắn ngày nào đó bạn sẽ bị hối hận, không bị ôm chân đau đớn thách đố cuộc đời thì ôm sự gì khác hầu nhận thức thực thể con người mình như thế nào.

“Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự.” Nghiệm xét là suy xét, đặt vấn đề để tìm hiểu hay để giải quyết những khúc mắc, tìm cho ra sự thật, tìm cho ra nguyên nhân, ý nghĩa, căn gốc. Nghiệm xét, suy tư, suy tưởng, nghiệm chứng, đều mang nghĩa tương đồng, liên hệ. Nghiệm xét mọi sự có nghĩa suy xét, đặt vấn đề về mọi sự nơi bất cứ phương diện nào. Chẳng hạn nghiệm xét câu “Ai có tai thì nghe.” Rất nhiều vấn đề liên quan đến câu này được đặt ra mà ít khi một người để ý tới. Tại sao lại nói, “Ai có tai thì nghe?” Thế cái tai để làm gì? Ai là người không có tai mà lại đặt vấn đề có tai thì nghe; điều này ám định nghĩa ngược lại và đó là mọi người có tai cũng như không. Cái tai tự nó nghe được không? Khi một người chết, nghĩa là khi linh hồn ra khỏi xác, cái tai có còn nghe được nữa không? Sự thể này rõ ràng minh chứng cái tai chỉ là phương tiện để cho cái hồn nghe. Cái hồn nghe chứ không phải là cái tai. Vậy hồn là gì nơi một người? Làm sao nhận biết hoặc minh chứng. Đây cả là một vấn đề lớn từ xưa đến nay ít ai đặt vấn đề để nhận thực được mình có cái hồn. Cái hồn nghe thì sao, có gì liên hệ hay ảnh hưởng. Hồn liên hệ với xác thân, với cuộc đời một người như thế nào? Sự hiện hữu của linh hồn ra sao,  v.v... Quả thật, câu nào càng có vẻ ngớ ngẩn nơi phúc âm càng thâm trầm, nếu không để ‎ý nghiệm xét thì muôn đời lời phúc âm, lời Chúa cũng chỉ để Chúa nghe mà thôi.

“Điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào.” Nghiệm xét, suy tư, suy tưởng, chính là hoạt động của tâm trí nên bất cứ gì xảy ra nơi tâm trí đều thuộc về tư tưởng. Tất nhiên, những ý định, ước muốn, ước mơ của một người đều làm phiền hà đến hành trình suy tưởng, nghiệm xét. Bất cứ những nhận thức ý nghĩ nào xảy ra đều có thể, đôi khi rất nghịch thường với người suy nghĩ. Tuy nhiên, những gì, những tư tưởng nào xảy đến hợp tình, hợp lý với suy tư, hài hòa với nhận thức của mình, đều là những điều lành dẫu đôi khi rất nghịch với ý nghĩ thường tình của mình nơi cuộc sống thế nhân. Ngược lại với điều lành chính là ước muốn, ước mơ, ý định, kiến thức, của chính mình làm phiền hà hay ngăn cản đến hành trình suy tưởng.

Dĩ nhiên, sống là có sự liên hệ, chịu ảnh hưởng của những liên hệ hay quan niệm, chiều hướng, ý thích, ước mơ, điều luật nhân sinh, truyền thống, những sự khôn ngoan thế tục, tham vọng bình thường của người nghiệm xét. Tuy nhiên, trong khi nghiệm xét, tâm hồn cần được tự do tuyệt đối để suy tưởng; bất cứ những gì ảnh hưởng đến suy tư đều được gọi là điều dữ. Do đó thánh Phaolô khuyên, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Theo đức Kitô tức là theo những điều kiện tâm trí khi suy tưởng được phúc âm dùng những câu nói nghịch thường đòi hỏi một người để tâm nghiệm xét như được giải thích nơi bài 02; Quan niệm đức Kitô chịu chết vì tội thiên hạ của thánh Phaolô và Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng.

10  CỦA THÁNH ĐỪNG CHO CHÓ;
CHÂU NGỌC CHỚ QUĂNG TRƯỚC MIỆNG HEO;
KẺO CHÚNG DÀY ĐẠP DƯỚI CHÂN
VÀ QUAY LẠI CẮN XÉ CÁC NGƯƠI (Mt. 7:6)

Người Á Đông không coi trọng chó mèo như người Tây phương. Có lẽ bên Tây phương cuộc sống phát triển về kỹ thuật nên tương đối giàu có, nói cách khác, dư giả, không phải vật lộn với cuộc đời để có miếng cơm manh áo như đại đa số dân chúng bên Á Đông; do đó họ nuôi chó, mèo thường theo ý thích, hoặc làm cảnh, hay cho có sự sinh động nơi gia cảnh cô đơn, thiếu vắng. Chó, mèo, nơi Tây phương được coi trọng, thân thiết, có thể nói tâm tình của người Tây phương đối với chó, mèo nghịch lại với tâm tình của người dân nghèo Á Đông. Bên Trung Đông, có lẽ cuộc sống phần nào tương tự nơi Á Đông. Phúc âm được viết nơi miền Trung Đông nên có câu nói, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.” Vì con heo được coi là con vật nhơ uế, thế nên, chó mèo chắc cũng chẳng được coi trọng gì. Có lẽ, đây là lối nhìn nhân sinh của hơn kém hai ngàn năm trước. Ngày nay, cuộc sống thay đổi, cuộc đời biến chuyển nên quan điểm hay lối nhìn nhân sinh có phần nào biến chuyển chăng! Dẫu như thế, câu phúc âm nói lên đầy vẻ nghịch thường. Ai đem, “Của thánh cho chó bao giờ?” Ai dùng châu ngọc “Quăng trước miệng heo?” Thí dụ không hiện thực, nếu không muốn nói là không tưởng. Dĩ nhiên, heo dẫu bị coi là con vật nhơ uế, nơi xã hội Do Thái, những người theo đức Kitô ngày ấy, chắc chắn luôn luôn tránh xa con heo nên sự thể châu ngọc quăng trước miệng heo không bao giờ có thể xảy ra nơi cộng đồng phúc âm được viết; bởi họ có bao giờ nuôi heo. Thế sao phúc âm đưa lên sự việc không tưởng này? Và sự việc giả định này ám định điều chi nơi cuộc đời một người? Điều chắc chắn chính lại là những ai tin theo đức Giêsu mới đặt vấn đề ý nghĩa của câu nói sao cho có thể áp dụng nơi cuộc đời mình. Hơn nữa, bất cứ ai đã để ý suy tư, nghiệm xét phúc âm, đều nhận biết tỏ tường sự thể không thể làm ngơ; đó là phúc âm nói về hành trình suy tưởng, hành trình nghiệm xét, hành trình nhận biết đức tin, và chỉ dùng sự việc nhân sinh, thế tục để ám định, dẫn dắt tâm tư một người trong khi nghiệm xét.

Những gì trong khi suy tưởng được coi như của thánh và không nên cho chó? Chó mang ý nghĩa gì nơi sự suy tư, nghiệm xét của một người? Châu ngọc ám định chi nơi tâm tư con người? Quăng trước miệng heo là thế nào? Làm sao áp dụng trong tư tưởng? Dĩ nhiên, trong khi suy tưởng, của thánh cũng ở nơi mình; chó cũng chẳng ngoài tâm tư; châu ngọc, mọi sự đều nơi ý nghĩ; heo đồng thời cũng ngay nơi suy tư. Phúc âm muốn nói gì? Thêm vào đó, phúc âm còn thêm, “Kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.” Tất cả đã nơi tâm tư mình thì sao có thể nói dày đạp, cắn xé. Dày đạp, cắn xé đều chỉ về hành động của một đối tượng khác ngoài tâm tư. Như vậy, phúc âm muốn nói đến sự thể hay sự  việc gì đối với tâm tư người nghiệm xét? Phỏng ước muốn, ý nghĩ, tham vọng, lề luật, truyền thống đóng vai trò nào nơi hành trình suy tư, suy tưởng, nghiệm xét? Thế nào thì được coi là chó, là heo?

Thử đóng vai nào đó nơi hoạt cảnh “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.” Nếu mình là người cho, quăng, thì cho sự gì, cho thế nào đối với diễn trình tâm tư? Điều gì có thể cắn xé tâm tư, nhận thức, của mình nơi diễn trình nhận thức? Lời phúc âm kỳ cục, nơi diễn trình  tâm tư, chỉ một đối tượng được nhắm tới và đối tượng đó vẫn chưa được biết thế nào thì chó và heo nơi đâu hiện diện? Câu phúc âm này nói về trường hợp nào nơi cuộc đời? Ah! Hình như nơi sách Cách Ngôn có câu, “Đừng nói vào tai kẻ ngu xuẩn, bởi nó sẽ khinh dể nét tinh tế của lời con nói” (Cn. 23:9). Nơi câu 4 của đoạn 26 được viết, “Đừng trả lời kẻ ngu xuẩn theo sự điên dại của nó, kẻo cả con nữa, con cũng nên giống nó” (CN. 26:4). Và câu 11 của đoạn 26 lại thêm, “Như con chó trở lại đống nó vừa mửa, cũng vậy, kẻ ngu xuẩn trở về với sự điên dại của nó” (CN. 26:11). Ba câu này thật tuyệt vời, nói đúng sự việc chẳng nên của người khôn ngoan đối với những kẻ bình thường không suy nghĩ hầu thăng tiến tâm tư. Nhưng đây là chuyện nhân sinh, thế tục.
Một hôm, trong lúc mọi người đang ăn uống vui vẻ quanh bàn lắm thứ ngon, nhiều món lạ, đến hơn mười món do nhà hàng tiếp đãi sau khi lễ an táng của mẹ chủ nhân nhà hàng. Nơi chiếc bàn dài được ráp nối bởi ba bàn hình chữ nhật ghép lại có một vị nữ tu (Sister), thuộc dòng nào chẳng biết và một vài người thân quen với tôi quanh một đầu bàn. Bia bung nơi nhà hàng không thiếu nên mọi người an tâm tự nhiên vui vẻ thưởng thức bữa ăn. Một lát sau khi khởi đầu bữa ăn, mấy người thân quen đã có phần ăn nói hơi dễ dãi và có người đặt vấn đề thân phận con người liên hệ với ý định của Chúa trong cuộc đời con người. Tôi không nhớ câu chuyện được hai, ba người tham gia diễn tiến đến đâu, liên hệ đến đức tin và cầu xin. Tôi thầm nghĩ, không biết Tin Mừng là gì thì sao có thể biết đức tin là chi nên cố nén lòng im lặng, được hỏi thì chỉ dám qua loa trả lời sao cho phù hợp với tâm tình những người đang cùng bàn ăn uống của nhà đám. Không nhớ được có ai nói lên quyền lực của sự cầu xin, tôi, lúc ấy đã hơi sừng sừng vì đã uống hết một chai Heineken, ngứa miệng tham gia đấu khẩu lên tiếng, -”Nào Chúa có tử tế gì với mình đâu, Ngài làm theo ý Ngài chứ Ngài đâu phải con ở của mình.” -”Cha không được nói như thế,” vị nữ tu lên tiếng chỉnh. Tôi chột dạ, im tịt, không dám ho he; không hiểu sao câu cách ngôn, “ Đừng nói vào tai kẻ ngu xuẩn, bởi nó sẽ khinh dể nét tinh tế của lời con nói” chợt trở về nơi tâm trí, giúp tôi nhận thức được lời cách ngôn khinh thị những ai thiếu suy tư, nghiệm xét. Đồng thời lòng trí tôi cảm nhận nỗi đau; vì đã những hơn hai ngàn năm, đức Giêsu xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời mà mãi cho tới ngày ấy, 2018, dân Chúa vẫn chưa nhận biết Tin Mừng là gì. Phỏng phải những bao nhiêu thế kỷ nữa, dân Chúa mới có thể nhận ra; vì cứ theo lời phúc âm, sự nhận thức về Nước Thiên Chúa, Nước Trời sẽ được phát triển tùy theo nhận thức của nhân loại. Nước Trời sẽ tự phát triển như men dậy bột (Mt.
13:33), như hạt cải được đem trồng xuống đất (Mt. 13: 31-32). Phúc âm chỉ ám định nói về sự hiện diện và lớn mạnh của Nước Trời, ở trên các ông (Lc. 11:20), ở giữa các ông (Lc. 17:21), và ở trong các ông, chứ không có bất cứ một định nghĩa nào về Tin Mừng. Đức tin, thì cứu hoặc chữa con (Mc. 5:34)  chứ không có phương pháp nào nhận ra hoặc phát triển. Ôi, Lời Chúa đánh khăm tôi, tìm hoài nào thấy, mò tới lục lui vẫn mù tịt.

Tôi chợt nhận ra, nếu đem so sánh gom cả ba câu nơi sách Cách Ngôn với câu, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi,” mới thấy được nét thâm trầm của phúc âm. Phúc âm nói lên lời đầy khinh thị đối với những người không nghiệm xét, không suy tưởng, coi họ như loài vật, hơn thế nữa, như loài nhơ uế nên tránh xa. Giải thích, vô ích vì nhận thức của mỗi người đều khác nhau, không thể chia sẻ, dạy dỗ, không thể cầu mà chỉ có thể ngộ. Mỗi người được sinh vào đời, được nuôi dưỡng, và lớn lên, và bị cũng như được ảnh hưởng bởi những cuộc sống khác nhau nên nhận thức, nhận biết, hoàn toàn khác nhau. Tôi vô tình hứng bậy nên lãnh đòn, nhưng cũng phải đành biết ơn vị nữ tu đã chỉnh tôi vì đã chẳng hiểu tôi nói gì. Câu chỉnh đốn này trở thành cơ hội cho tôi nhận biết lời nơi sách Cách Ngôn thật thấm thía.

Đặt mình vào câu phúc âm, tôi mới nhận ra mình đã không biết bao nhiêu lần vấp phạm nên bị dày đạp mà vẫn cứ hay quên để rồi vấp đi, phạm lại, chẳng biết bao nhiêu lần. Tại tôi thích nổ hay muốn tỏ ra thông thái khôn ngoan? Thưa không, cuộc đời, thiên hạ nhân, thiên hạ tài, biết bao chuyện người ta hơn mình, cả vật chất lẫn sự thông thái, khôn ngoan cũng như kiến thức, khoa bảng học thức, sao tôi dám ho he lên mặt, bởi ho he bậy, chưa kịp nổ đã bị chặn họng thì sao có thể cảm thấy vinh quang. Le lói đâu không biết nhưng lòng ruột đã cảm thấy xám xịt thì lấy chi hứng khởi. Nhiều lúc tưởng nhớ lại những nỗi đau vì lòng chân thành thúc đầy ngứa miệng, tôi mới cảm nhận được lời tiên tri Jeremiah, “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê, và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, cả lũ chúng nhạo báng tôi” (Jer. 20:7). Nhiều khi, đã cố dặn lòng giữ im lặng, nhưng khi sự việc xảy ra, lòng ruột nóng lên buông đôi lời, và thế là thêm một lần vấp phạm. Tuy nhiên, nếu coi phúc âm là lời Chúa thì Chúa đâu giữ lời Ngài dạy; bới nếu Chúa nín nhịn giữ lời khôn ngoan, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi,” thì sao có phúc âm. Ôi, Jeremiah không biết gì về phúc âm. Mà dù tiên tri có biết có lẽ vấp phạm nhiều hơn tôi vì ngài được gọi làm tiên tri, mang sứ vụ rao giảng Lời Chúa nên bị nhạo cười. Tôi thì sao? Chúa nào có tử tế với ai! Ngài làm theo ý của Ngài, Ngài đâu phải con ở của mình.

Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi,” Nếu ai đó đã thực tâm nghiệm xét phúc âm thì không nên nói ra điều mình đã nhận thức được; vì cái biết của mình không phải là cái biết của bất cứ ai. Dẫu muốn giúp bất cứ ai cũng không được vì sự nhận thức chỉ có thể ngộ, không thể cầu, không thể học, thì lại càng không thể giải thích, dạy dỗ. Cứ trông gương đức Giêsu đó, cũng chỉ vì muốn cho con người nhận biết Tin Mừng mà lãnh đủ, chết treo trên thập giá; dẫu sau này người đời đưa lên và gán cho bất cứ lý thuyết nào, nhận định hay quan niệm nào; chẳng hạn như thánh Phaolô rao truyền Chúa chết vì và cho tội lỗi loài người (Rom. 4:25; 5:8; 6:10; 2Cor. 5:21), hay là thế nào nữa thì Ngài cũng đã bị đóng đanh.

Đem của thánh cho chó, đem châu ngọc quăng trước miệng theo thì sẽ bị chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé cho tan tành. Không biết im miệng mà vì lòng nóng sốt, tốt lành, thiếu nhận thức sự khôn ngoan của lời phúc âm thì sẽ bị chửi vuốt mặt không kíp. Thế mới hợp câu, “Ai có tai thì nghe.”

11 MƯỜI NÀNG TRINH NỮ (Mt. 25:1-13)
BA NGƯỜI LÀM CÔNG (Mt. 25:14-28)

Khởi đầu cho dụ ngôn Mười Nàng Trinh Nữ, phúc âm được viết, “Bấy giờ về Nước Trời, thì cũng như mười trinh nữ, ai nấy cầm đèn của mình đi đón lang quân.” Như vậy, dụ ngôn Mười Nàng Trinh Nữ chủ đích nói về Nước Trời; đồng thời phúc âm Matthêu thêm, “Thì cũng như.” Thì cũng như theo phương diện, trường hợp nào, lại cần được nghiệm xét, suy tư. Đại khái dụ ngôn nói về sự việc phái đoàn của lang quân bị trễ nên các trinh nữ trong thời gian chờ đợi đã rơi vào giấc ngủ. Đến khi phái đoàn của chàng rể đi ngang, các trinh nữ được đánh thức gia nhập, thì đèn của năm trinh nữ hết dầu; nên bị bỏ lại trong khi họ đi mua dầu. Riêng năm trinh nữ khác có đem thêm dầu theo được tham dự tiệc cưới; sự thể này có nghĩa năm trinh nữ đem thêm dầu được chọn làm cung nữ nơi hoàng triều. Năm nàng trinh nữ đi mua dầu đến trễ sau khi cửa hoàng cung đã đóng lại được trả lời, “Ta không biết các ngươi. Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào.”

Câu kết luận của dụ ngôn nói lên mục đích, “Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào” để nhận biết, nhận thức Nước Trời; sự thể này thuộc về tâm trí. Như thế, câu hỏi được đặt ra, tỉnh thức nơi tâm trí là thế nào, thực trạng tâm trí con người cần ra sao để có thể đón nhận, nhận biết, nhận thức về Nước Trời?

Xét về trạng thái tâm trí, tỉnh thức mang nghĩa suy nghĩ, suy tưởng, tính toán, nghiệm xét, nghiệm chứng. Nơi trường hợp đón chàng rể, lang quân, của dụ ngôn, tất nhiên, mười nàng trinh nữ đã được chọn để gia nhập tiệc cưới, được chọn làm cung nữ nơi hoàng triều. Theo tục lệ ngày xưa của Do Thái, nghi thức rước dâu được thể hiện vào buổi tối; do đó các nàng cần mang theo đèn. Năm nàng được dụ ngôn gọi là khôn ngoan đã suy tính có thể phái đoàn rước dâu bị trễ vì lý do nào đó nên mang theo dầu. Riêng năm nàng bị dụ ngôn mệnh danh là “Khờ dại,” chỉ nghe sao biết vậy, không suy tính, không đặt vấn đề về những trường hợp nào đó có thể xảy ra nơi tiến trình rước dâu nên trong khi chờ đợi, rơi vào giấc ngủ và đồng thời không để ý, quên không tắt đèn nên hết dầu và đã không được tham dự tiệc cưới, không được gia nhập hàng cung nữ của hoàng triều.

Trở lại với lời giới thiệu nơi dụ ngôn, “Bấy giờ về Nước Trời, thì cũng như mười trinh nữ, ai nấy cầm đèn của mình đi đón lang quân,” dụ ngôn nói về tâm trí của những ai muốn nhận biết, nhận thức về Nước Trời, Nước Thiên Chúa, cần biết suy tư, suy nghĩ, nhận định. Nói theo thánh Phaolô là cần “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22)? Có lẽ năm nàng trinh nữ khờ dại ngày ấy không biết gì về lời  khuyên của thánh Phaolô. Điều này đúng sự thật vì khi đức Giêsu rao giảng Tin Mừng thì thánh Phaolô chưa bị bắt cóc; chỉ sau khi đức Giêsu sống lại, và trên đường đi Damascus bắt những kẻ tin theo đức Giêsu, thánh Phaolô mới bị ngã ngựa. Quả là thiệt thòi cho năm nàng khờ dại, và những ai không biết hoặc không để ý nghiệm xét Tin Mừng.

Đối với năm nàng trinh nữ khờ dại, không chịu suy nghĩ, tính toán nên đã mất cơ hội ngàn năm một thuở cũng như mọi người, cho đến nay vẫn chưa biết Tin Mừng đức Giêsu rao giảng là gì. Chuyện cũng thường thôi vì biết, nhận thức được Tin Mừng Ngài rao giảng hay không, đâu ảnh hưởng chi đến cuộc sống nhân sinh. Thế nên vấn đề được đặt ra đó là Tin Mừng Nước Trời là gì, quan trọng, ảnh hưởng, và đem lại cho con người những gì đến nỗi cả ba phúc âm, Luca, Matthêu, và Marcô  đểu được nhắc đến “Nhưng Ngài bảo họ: 'Ta còn phải đem tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến. Và Ngài đã rao giảng trong các hội đường nước Yuđê.”  (Lc.
4:43; Mc. 1:38; Mt. 4:23);  đồng thời đức Giêsu sai các môn đồ ra đi rao giảng cũng chỉ với cùng mục đích (Mc. 3:14; Mt. 10:7; Lc. 10:9).

Dẫu con người cao rao, tuyên dương, tuyên xưng, về đức Giêsu thế nào thì cũng chỉ là chuyện của loài người. Đức Giêsu đã hoàn thành mục đích của Ngài là rao giảng Tin Mừng cho nhân thế dù thế nhân nhận biết hay không; chẳng khác chi năm nàng trinh nữ khờ dại, được gọi nhưng đã không được gia nhập tiệc cưới bởi đã không suy nghĩ nên lỡ cơ hội. Thế nhân cho đến nay, hơn kém hai ngàn năm vẫn chưa biết, chưa nhận thức được Tin Mừng đức Giêsu rao giảng là gì; chỉ biết ca lên theo thánh Phaolô, “Quả vậy, Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng; không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo thập giá của Đức Kitô bị ra hư không trống rỗng” (1Cor. 1:17). Và, “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh” (1Cor. 15:3). Chúng ta tin theo thánh Phaolô, tuyên xưng, tuyên dương đúng như ngài rao giảng; lặp lại những gì ngài đã tuyên dương, không cần biết thế nào, “Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan; thì chúng tôi lại rao giảng một vị Kitô đã bị đóng đinh Thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cor. 1:23), và “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh” (1Cor. 15:3). Mà không để ý, không cần biết, “Còn chúng tôi, chúng tôi có tư tưởng của Đức Kitô” (1Cor.
2:16). Có tư tưởng của đức Kitô là thế nào? Có khi nào chúng ta đặt vấn đề hay chẳng bao giờ!

Nơi trường hợp ba người làm công, một người được trao cho 5 nén vàng, người khác hai nén, và người thứ ba chỉ có một nén. Người được trao 5 nén làm sinh lợi 5 nén khác; tương tự, người được trao 2 nén cũng làm sinh lợi 2 nén khác và được tưởng thưởng. Riêng người thứ ba chỉ được trao một nén và đã không làm sinh lợi gì bởi đã đem nén vàng chôn giấu, nên bị kết án là “Tôi tớ bất hảo và lười biếng” (Mt. 25:31).

Thử đặt vấn đề, giả sử cả ba người nơi cuộc đời điên đảo ngày nay, đem vàng làm thương mại và đều bị lừa đảo hết thì sẽ bị kết án thế nào. Người được trao một nén vàng có lẽ không tài kinh doanh, lại được nghe đây đó hoặc đã từng đối diện với sự hà khắc của chủ nên đem chôn vàng. Như vậy, lý do chôn vàng chính vì e sợ chứ không phải vì lười biếng; bởi nếu đã lười biếng đâu cần tốn công đem chôn. Như thế, người này bị kết án lười biếng  nơi phương diện nào?

Phúc âm nêu lên dụ ngôn ba người làm công ám định về sự nhận biết, nhận thức về mục đích rao giảng của đức Giêsu. Sự nhận biết, nhận thức về Tin Mừng tùy thuộc khả năng nghiệm xét, suy tư, suy tưởng của mỗi người. Không suy tư, nghiệm xét, được gọi là lười biếng, nếu nói theo dụ ngôn. Đem chôn giấu có thể mang nghĩa tôn trọng, kính ngưỡng, nhưng không dám suy tư, nghiệm xét, hoặc không để ý suy tư. Thử đặt mình nơi vị thế người được trao một nén vàng. Chấp nhận mình dốt nát, không dám suy tư vì sợ sai lầm, vì được dạy “Chúng ta phải tin với giáo hội.” Thc tế minh chứng, tin với giáo hội chỉ là lặp lại những gì đã được rao giảng và nghe, hiểu dẫu không nhận biết. Thế nên, dẫu có bị kết án trầm luân sa hỏa ngục muôn đời muôn kiếp thì cũng đành cắn răng, nếu chết non; nơi trường chết già, răng rụng hết thì muốn cắn răng cũng chẳng còn răng mà cắn, la lên không ai nghe, nên đành chấp nhận rơi vào trường hợp “Trói lại mà đánh, khen hay chịu đòn.” Ai nhận thấy mình khôn ngoan hơn người được trao chỉ một nén vàng cần đặt lại vấn đề; mình có nghiệm xét để nhận biết Tin Mừng Nước Trời đức Giêsu rao giảng hai ngàn năm trước là gì. Nếu không, có lẽ sẽ bị kết án nặng nề hơn, và đó là khinh chê hồng ân suy tư được ban cho, tội phạm đến Thánh Thần. Thực tế minh chứng, ai cũng khôn ngoan, suy tư, tính toán tuyệt vời nơi cuộc sống thế nhân, nhưng ít để ý suy tư về những câu nói nơi phúc âm. Hơn nữa, phúc âm được viết nơi miền Trung Đông, theo kiểu ám định giống Tục Ngữ, Ca Dao của dân Việt; dùng sự vật, sự việc hữu vi, ám định về chuyện khác nơi phương diện nào đó. Trong khi Tây phương phát triển phúc âm thì lại quen thói hoặc không để ý nên trình bày, mà giải nghĩa phúc âm theo kiểu kinh viện, từ chương. Thế nên đôi khi minh chứng phúc âm tự đối nghịch. Chẳng hạn, nơi phúc âm Gioan được viết, “Ta để lại bình an cho các ngươi; Ta ban bình an của Ta cho các ngươi; không phải thế gian ban cho thế nào, thì Ta cũng ban cho như vậy đâu! Lòng các ngươi chớ xao xuyến, chớ nhát đảm (Gioan
14:27). Nơi phúc âm Matthêu lại có đoạn, “Ðừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo.  Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt. 10:34-36). Nghe hay đọc phúc âm mà không suy tư, đặt vấn đề, nghiệm xét, suy tưởng thì có bị kết án đến mấy cũng chẳng nói được gì.

Đọc phúc âm nếu để ý suy nghĩ sẽ nhận ra phúc âm được viết không phải để được giải thích mà là để nghiệm, để suy tư; vì sự nhận biết, nhận thức không thể học được, chỉ có thể ngộ. Muốn ngộ, muốn nhận biết, nhận thức cần suy tư, nghiệm xét, cần học theo lời khuyên của thánh Phaolô, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22).

12 KẺ CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM
(Mt. 25:29)

Cố Ủi, thân phụ của hai linh mục, cha Gần và cha Sơn có lần nói, “Làm giầu thì dễ, làm nghèo mới khó” khi ngài còn sinh thời, sống tại Mississippi, miền Nam Hoa Kỳ. Câu nói đã một thời trở thành giai thoại; người bàn ra, kẻ tán vô; đôi lần tôi được người quen, cháu của cố giải thích; cố muốn nói, người có tiền của, giàu có, thì làm gì cũng dễ dàng. Nghe thì nghe vậy bởi tôi nhiều lần hứng bậy xổ đôi lời, và bị đáp lại như tát vào mặt nên nghiệm được câu phúc âm, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.” (Mt. 7:6). Lý do, tôi cũng nghe được từ đâu đó không nhớ tên người nói, nơi miền Bắc Việt Nam vào thời kỳ đấu tố cường hào, ác bá, địa chủ, cũng như sau này, sau năm 1975 nơi miền Nam Việt Nam có phong trào đánh tư sản, mại bản, câu nói, “Làm giầu thì dễ, làm nghèo mới khó,” đã không biết bao nhiêu người muốn được mang tiếng nghèo hèn hầu tránh tai họa dù thực sự là cường hào, ác bá, cũng như địa chủ, hay bị gán cho như thế để tránh bị trả thù riêng nào đó mà không được.

Kinh nghiệm bản thân minh chứng, nếu nói theo lá số tử vi hoặc tướng diện bao gồm ẩn tướng, tôi được sinh ra mang thân triệu phú, nhưng trãi qua cuộc sống, tôi có được hưởng cái gọi là triệu phú hay không lại là chuyện khác. Hơn nữa, tiền nhân dân Việt để lại câu, “Con vua thì lại làm vua; con chú sãi chùa thì quét lá đa.” Câu này có lẽ chỉ đúng với thời quân chủ xa xưa hoặc ngày nay nơi các nước quân chủ lập hiến mà thôi. Nơi đất Hoa Kỳ, bốn năm một lần bầu tổng thống thì coi chừng con tổng thống có thể sau này đi quét lá đa cũng là sự việc có thể. Bao nhiêu người Việt, trước năm 1975, giàu có, quyền hành, và nay, năm 2021, họ ra sao; đồng thời, những người với thân phận nghèo hèn, sau thời kỳ vượt biên tới nước thứ ba, cuộc đời như diều gặp gió đối nghịch hẳn với những người “con vua” thời trước. Có lẽ câu, “Trời nào có phụ ai đâu; hay làm thời giầu, có chí thì nên” đúng được một phần nào đó.

Tôi nói “Đúng được một phần nào đó” cũng chỉ do kinh nghiệm bản thân mà thôi; thực ra vận số và thân phận một người là cả một sự huyền nhiệm bình thường mấy ai hiểu được. Có câu nói, “Cầu mong không bằng gặp may; gặp may không bằng tốt số; tốt số cũng thua ý trời.” Chả thế mà mấy thày đoán tử vi, quí vị bói mu rùa luôn còn nhiều cơ hội ăn nên làm ra. Một điều khó hiểu đó là hình như những ai được sinh ra để giàu có, mới có thể giàu có nổi. Bởi biết bao người, lo chăm chỉ làm việc, tiêu pha chừng mực, lo lắng cho gia đình, nhưng dẫu hay làm, tiêu pha chắt bóp mà vẫn không thể giầu. Có trường hợp, ông kia, làm lụng, nuôi heo, kí cóp mấy năm để dành được một số tiền định bụng mua chiếc xe máy mới thay thế cho chiếc xe máy cũ đã gần rão; thì đùng một cái, bà vợ bị bệnh phải vào nhà thương điều trị; thế là chiếc xe cũ vẫn còn được trọng dụng. Mấy năm sau, ông cũng để dành được thêm một món, chuẩn bị mua chiếc xe máy mới, thì con trai ông ta lại bị đụng xe gãy chân, và thay vì tiền mua xe mới, nó đã trở thành tiền trả bệnh viện.

Thế mà phúc âm phán, “Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất” (Mt. 25:29). Không hiểu quí vị cảm thấy thế nào khi nghe hoặc đọc qua câu này, thiển nghĩ, câu phúc âm ngang đến độ khiến kẻ nghe điếc luôn; đã có lại được cho thêm, không có thì điều có cũng bị giựt mất; không bị điếc hoặc cố lờ đi cho lòng khỏi xốn xang thì người muốn nhận biết, nhận thức sự thể, sự việc nào phúc âm muốn nói tới, tất nhiên đầu óc đành quay mòng mòng, chưa điên cũng khùng luôn vì tâm não bị dồn vào góc tối suy tư khó bề tránh thoát.

Dẫu nín nhịn được thay vì hứng lên nổ bậy với câu, “Làm giầu thì dễ, làm nghèo mới khó” và phanh phui được phần nào không đúng của câu, “Trời nào có phụ ai đâu; hay làm thời giầu, có chí thì nên,” thế mà câu phúc âm đã khiến đầu óc tôi quay mòng mòng, đến độ nghi ngờ Lm. Nguyễn Thế Thuấn dịch sai chăng. Mở cuốn The New Oxford Annotated Bible thì câu này được viết, “For to every one who has will more be given, and he will have abundance; but from him who has not, even what he has will be taken away” (Mt. 25:29).

Tại sao đã có thì lại được cho thêm mà nên dư dật? Được cho thêm với điều kiện gì thì không thấy nói, và nơi trường hợp nào cũng chẳng hề giải thích, phúc âm chỉ buông, “Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật.” Thế sao những người giầu có còn phải làm việc như điên? Vì không thế, “Miệng ăn, núi lở.” Họ có thêm bởi làm việc và cũng bởi như lời giải thích của người họ hàng của cố Ủi, “Làm giầu thì dễ, làm nghèo mới khó.” Dĩ nhiên, có tiền thì làm gì không dễ; ai chẳng biết thế, bởi, “Vai mang túi bạc kè kè, nói khuếch, nói khoác người nghe rầm rầm.” Đàng này, phúc âm chỉ nói, Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật,” không điều kiện, không đòi hỏi. Ôi lời Chúa, có lẽ chỉ Chúa mới hiểu.

Đọc lại hai dụ ngôn trước của câu này, dụ ngôn Mười Trinh Nữ và dụ ngôn Ba Người Làm Công, phúc âm nhắc nhở một người cần biết suy nghĩ, đặt vấn đề, xét mọi trường hợp có thể xảy ra và khuyến khích đừng lo âu sợ hãi gì, cứ thử bừa đi vì tất cả những toan tính đều ở trong tư tưởng, trong suy tư. Nhưng, “Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất” là thế nào đối với suy tư? Hoặc tâm trí cần ở trạng thái nào? Người được trao một nén vàng đã vì e sợ không dám làm gì mà đem chôn và bị kết án là, “Tôi tớ bất hảo và lười biếng” (Mt. 25:31). Một đàng không làm chi thì bị kết án bất lương và lười biếng. Đàng này, “Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật;” thì cho thêm mang ý chi? Ai cho, và cho thế nào?

Vô tình, câu, “Người trước hết sẽ trở nên sau hết” (Who comes first, ends up last) nơi Lão học; câu này cũng được ghi trong phúc âm, “Nhưng có nhiều kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết, và có những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết” (Mt. 19:30), trở về nơi tâm trí; câu nói kỳ cục này đã thách đố tôi vật lộn với nó mấy năm trời mãi tới khi không nhớ có việc phải đi đâu ngang qua vùng có ferry tôi mới hiểu được. Số là có lần đọc nơi một cuốn sách nào đó, một vị thiền sư giải thích sự việc qua đò ngày xưa của những người buôn thúng bán bưng cần phải dùng đò qua sông. Con đò đưa khách qua sông ngày xưa được dùng sào chống hay dùng mái chèo để bơi. Vì con đò nhỏ và hẹp nên những ai xuống đò đầu tiên thì được chủ đò xếp ngồi đàng lái và người xuống đò cuối cùng phải ngồi đàng mũi của con đò. Khi đò đã ghé qua bến bên kia sông, tất nhiên người lên đò cuối cùng ngồi nơi đầu mũi sẽ bước lên bến trước hết mọi người. Thấy lời giải thích cũng có lý và hợp tình, thuận nghĩa, tôi đành tạm dặn lòng chấp nhận cho qua. Nhưng khi  phải dùng ferry nơi tiểu bang  Louisiana, xe nào xuống ferry trước sẽ lên trước vì ferry có hai cửa lên và xuống, tôi mới nhận ra khúc mắc nào đó khiến lòng chỉ tạm chấp nhận sự việc giải thích của vị thiền sư không mang tính bao quát ý nghĩa câu nói, “Người trước hết sẽ trở nên sau hết;” để rồi một lần khi làm khung để ghép một miếng gián ép, tôi đã không để ý nên phải sửa lại bốn lần. Tất nhiên lần thứ tư, tôi làm hoàn chỉnh và thuận ý hơn lần đầu. Nhờ sự sai lầm này, tôi chợt nhận biết câu, “Người trước hết sẽ trở nên sau hết” không nói chi về người mà nói về sự việc. Bất cứ công việc nào, một người làm lần đầu tiên, phẩm chất sẽ bết bát nhất. Nhưng sau khi làm cũng công việc ấy cả ngàn lần, lần cuối cùng phẩm chất sẽ tuyệt vời hơn hết. “Người trước hết sẽ trở nên sau hết.” Sự nhận thức này đưa đến kết luận; những câu nói nơi đạo học nói về thực trạng, sự việc nào đó ngay nơi mình.

Và thế là tôi tự hỏi, “Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất” nói về hiện trạng nào nơi tôi? Hoạt động nào? Nói đến hoạt động, tôi mới nhận ra, bất cứ công việc nào mình tiếp tục thực hiện thì càng ngày sự thực hiện công việc đó càng trở nên linh hoạt; ngược lại bất cứ sự thực hiện hay luyện tập nào mình ngưng không thực hiện nữa thì mỗi ngày nó dần dà bị mai một. “Và mọi kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất.” Chẳng có gì được gọi là cho thêm mà ngôn từ được dùng như chiếc bẫy để tâm trí bị vướng vô góc tối suy tư.

Nơi trường hợp suy tư, nghiệm xét về Tin Mừng Nước Trời, thuở ban đầu, tâm trí sẽ bị vô phương tiến tới bởi phúc âm chỉ nói ám định về Nước Trời, Nước Thiên Chúa, và không có bất cứ định nghĩa nào về Tin Mửng. Thế nên, tâm trí lại cần mò mẫm từng thành phần của Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa là gì? Nước Thiên Chúa là gì? v.v...

Càng suy tư, nghiệm xét, càng ngày tâm trí càng thảnh thơi đặt vấn đề để nhận thức. Không l‎ỳ lợm tiếp tục suy tư, “Thì điều có cũng bị giựt mất.

13  ĐỨC TIN - LÒNG TIN

Cũng như mọi Kitô hữu, tôi tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa; tin vào những gì được dạy đỗ và mọi người chấp nhận được gọi là tin. Hơn thế nữa, tôi suy tư để nhận biết những gì được coi là liên hệ đến sự hiện hữu của mình. Chẳng hạn, tôi được dạy là có linh hồn, tôi tìm đủ mọi cách, đọc một số sách đạo học Đông Phương, học hỏi cách nghiệm chứng, định tâm, hành thiền, để chứng thực được nơi tôi có một sự thể nào đó dẫu chưa bao giờ có thể đụng tới, nhìn thấy, hoặc cảm thấy tạm gọi là linh hồn. Dầu tôi không hiểu linh hồn của tôi kết hợp với thân xác tôi theo cách nào nhưng nhận biết rõ ràng sự liên kết giữa thân xác và linh hồn bất khả phân ly; như vậy, thân xác tôi, cuộc đời của tôi chỉ là phương tiện cho linh hồn tôi hoạt động. Linh hồn tôi dùng miệng để nói, tai để nghe, mắt để nhìn, bộ óc để suy nghĩ. Hoạt động của linh hồn tôi chính là tâm trí, bao gồm ước muốn, ước mơ, ý định, ý nghĩ, tham vọng, những sự tin tưởng, niềm tin, hy vọng, cầu mong, v.v...
Dĩ nhiên, tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa thì Kinh Thánh là cuốn sách cần được đặc biệt tôn trọng để tham khảo, nếu không muốn nói là căn bản giải đáp những khúc mắc nổi dậy nơi tâm tư hầu thỏa mãn lòng khát vọng nhận biết thực thể, sự hiện hữu của chính mình, cũng như nhận biết do thực hành những phương pháp thực nghiệm nơi hành trình tâm linh, hành trình nhận biết của linh hồn đối với thực thể và liên hệ nơi cuộc đời nhân sinh. Tất nhiên, nhiều vấn đề, thao thức nhận biết chính mình, sự tin tưởng, ước mơ, những liên hệ giữa sự hiện hữu của tôi, linh hồn kết hợp với xác thân, với những thực thể tâm linh, vô hình, đã chẳng khác chi một cuộc trường kỳ kháng chiến, mò móc, tìm tòi, suy nghĩ, chẳng những thúc đầy tâm tư tôi tìm kiếm, suy nghiệm nơi phúc âm, vì phúc âm có những dụ ngôn, câu nói thách đố tâm trí tôi chứng thực những câu nói ấy sao có thể áp dụng một cách hợp lý, hợp tình, và hài hòa với nhận thức của tôi. Nhiều khi, chỉ một câu nói đơn giản nơi phúc âm, chẳng hạn, “Ai có tai thì nghe,” đã khiến tâm trí tôi quay cuồng chẳng biết bao lâu; có thể là vài năm, nhưng không dưới năm năm.

Có lẽ tôi hơi thủ cựu cộng thêm ngang bướng một chút, không chịu chấp nhận nhận biết một cách mù mờ về bất cứ vấn đề gì. Biết là biết, biết không phải là nghe nói hay chỉ hiểu. Nơi cuộc sống hữu vi, biết trồng một cây rau, một luống khoai cần phải cuốc hay cày đất chăm bón chúng. Chỉ nghe hay đọc lý thuyết, không phải là biết trồng rau, trồng khoai. Như vậy, lại phải nghiên cứu về đất đai có hợp cho trồng rau, vun khoai hay không. Nghe nói, vội tin theo, đem giống rau vô mảnh đất nơi tôi đang ở, chỉ cát pha đất sét, mà trồng, coi chừng mất váy. Từ kinh nghiệm thực tế sinh sống khiến tôi tìm kiếm sách vở viết về cuộc sống tâm linh đồng thời nhào vô interner coi những đoạn youtube trình bày về lên đồng, linh hồn người chết nhập đồng (tạm gọi như thế) vì nơi các sách nhà Phật chỉ nói về duyên chứ không nói về sự sống đời sau. Thêm nữa, nhà Phật dùng lý thuyết, hay nguyên tắc chủ thuyết luân hồi của Ấn học, hình như sự pha trộn này không hợp lý, chẳng hợp tình.

Tôi đọc lung tung, ghi nốt cẩn thận, may ra kiếm được viên ngọc quí nào nơi những bãi rác, sản phẩm của các bậc thức ngộ bên Đông Phương chăng; bởi dù là người thuộc miền Đông Phương, nhưng tôi được giáo dục theo tri thức Tây Phương. Chính vì mở rộng lòng cầu may nhận biết thêm, tôi nhận ra một điều, và đó là Kinh Thánh được viết nơi miền Trung Đông nên kiểu cách, ngôn từ được sử dụng chẳng khác gì nơi cách sách vở viết về đạo học Đông Phương. Đàng khác, Kinh Thánh được triển dương bên Tây Phương, và vì Tây Phương phát triển kỹ thuật; sách kỹ thuật được viết một cách thực dụng cũng như toán số, một cộng với một bằng hai, nên Kinh Thánh thường được giải thích theo nghĩa từ chương, hay gượng ép theo luân lý; do đó nhiều câu khôn ngoan đã bị coi như huyền nhiệm; một đôi thực thể đã bị hay được mệnh danh mầu nhiệm do không thể giải thích theo nhận thức nhân sinh, thế tục. Thí dụ, bình thường, ai không tin rằng, nhận biết rằng một cộng với một bằng hai. Đã biết chắc một cộng với một bằng hai thì sao lại nói là tin. Tin hay không cũng thế thôi. Tuy nhiên, vậy một linh hồn cộng với một thân xác bằng hai hay bằng một. Nói rằng hay tin rằng bằng một cũng không thực nghiệm, bằng hai lại càng ngớ ngẩn, thì một linh hồn cộng một thân xác bằng mấy, khoa học Tây Phương chết đứng nơi đây, lý thuyết gia, lý thuyết tôn giáo đành “Cả vú lấp miệng tín đồ” hô lên huyền nhiệm, mầu nhiệm.

Tất nhiên, với tính chất thủ cựu, không chịu vội tin theo, và thêm chút ngang bướng dám lao vào thế giới đạo học Đông Phương, những câu nói, những phát biểu của các bậc thức ngộ quay tôi như quay dế khiến tôi tối tăm mắt mũi và chẳng khác gì chú ngựa non háu đá; đá lung tung, thử đủ mọi kiểu nhiều khi “suýt tẩu hỏa nhập ma” nên vội mò mẫm kiếm cách giải cũng trong khu rừng thâm u vô giới hạn của đạo học Đông Phương ấy. Nào tọa thiền, nào Yoga, hít thở, dẫn khí qua các các trung tâm kinh mạch, nào quán, nào tưởng rối um lên. Còn gì nữa, mantra, niệm chú, thôi thì lắm phép, nhiều niệm, định tâm, hành thiền. v.v... Cuối cùng, tất cả cũng chỉ là định tâm nghiệm chứng, mọi sự gom lại được mệnh danh hành trình tâm linh, suy tư, suy tưởng, sử dụng tâm trí đặt vấn đề và chăm chăm chú chú chỉ một vấn đề dẫu được các bậc thức ngộ khác nhau, các tác giả nơi những địa phương, thời đại khác gọi chúng bằng những danh hiệu khác nhau.

Quay cuồng với đạo học Đông Phương đầy rắc rối, lắm pháp, nhiều phép, đến khi trở lại với Tân Ước, thì nó nằm chình ình ra đó, chỉ đọc lướt qua, không thể nào nhận biết được. Đó là phương pháp được đề nghị do thánh Phaolô, “Nghiệm xét mọi sự.” Tuy nhiên, nghiệm xét như thế nào cần những điều kiện gì, và phải làm sao thì Phaolô chỉ ngắn gọn tóm tắt, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22), với điều kiện, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Cái điều kiện, “ Chứ không theo đức Kitô” mới phiền, mới khiến tâm trí tôi quay mòng mòng chẳng khác lúc tranh đấu với những lời lẽ ngang như cua, như chọc vào tai cho điếc luôn nơi rừng đạo học, mà điếc thật. Chẳng hạn Thích Ca nói, “Trong 49 năm rao giảng, ta chưa từng nói chi!” Quả là không điếc thì cũng tối tăm mắt mũi.

Nhận biết được linh hồn, nhận biết liên hệ, kết hợp, hoạt động của linh hồn với xác thân, nhận biết thực thể mình thế nào trong hành trình vĩnh cửu, và nơi cuộc sống nhân sinh, tôi lại phải đối diện với một thực thể khác, thực thể đức tin, Lm. Nguyễn Thế Thuấn và các nhà học giả Kinh Thánh nơi cuốn Kinh Thánh Tân Ước được in năm 1994 tại Sàigòn, gọi là “Lòng tin.” Một điều hơi lạ đối với tôi đó là hình như “Đức tin, lòng tin” bị đồng hóa với sự tin tưởng, niềm tin, ước mơ, hy vọng, tham vọng hay cầu mong. Tuy nhiên, chỉ có một định nghĩa đức tin, lòng tin độc nhất nơi Tân Ước nơi thư Hipri (Hebrew), và đó là, “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương thức nhận thức các thực tại người ta không thấy; vì nhờ đó các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám cho” (Hipri 11:1). Định nghĩa này coi bộ lãng đãng, nói cho qua, mù mờ, đánh lận con đen khiến tâm trí không thể nào phân định rõ ràng đức tin, lòng tin là gì, là thực thể thế nào nơi một người. Lật cuốn The New Oxford Annotated Bible, bản in năm1977, định nghĩa này được viết, “Now faith is the assurance of things hoped for, the conviction of things not seen. For by it the men of old received divine approval” (Hebr. 11:1). “Phương thức nhận thức” được dịch thành “Conviction” hình như không chỉnh. Trong khi phúc âm, cũng như nơi trường hợp của Tin Mừng Nước Trời, không có bất cứ định nghĩa nào, mà chỉ đưa lên kết luận, “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc.
5:34; 10:52). Câu này có nghĩa lòng tin của một người ở nơi người ấy và mang quyền lực chữa trị.

Phúc âm Matthêu, nơi trường hợp người hầu của viên bách quản, đức tin, lòng tin được coi như sự tuyệt đối tin tưởng nơi đức Giêsu của viên bách quản, “Ông hãy đi, ông đã tin sao thì hãy được như vậy” (Mt. 8:13). Nơi trường hợp trực tiếp, phúc âm Matthêu chỉ rõ tin đồng nghĩa với đức tin, lòng tin, khi đức Giêsu có hành động. Nơi trường hợp này có thể nói tin vào đức Giêsu, “Các ngươi đã tin sao thì hãy được như vậy” (Mt.
9:29), nhưng nơi tiếng Anh của cuốn The New Oxford, lại được viết, “According to your faith be it done to you”. Và khi đức Giêsu không có hành động nào, phúc âm chỉ rõ quyền lực chữa lành phát xuất từ lòng tin, đức tin, “Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy” (Mt. 15:28). Cũng thế nơi Luca, “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Lc. 8:48), và, “Hãy chỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc. 17:19) đối với người bị phong hủi.

Ngoại trừ trường hợp viên bách quản xin chữa lành cho người hầu, những sự chữa lành đều được giải thích là do đức tin, lòng tin. Không có trường hợp nào đức Giêsu nói rằng Ngài chữa, Ngài cứu. Và phúc âm cũng không nêu lên bất cứ định nghĩa đức tin, lòng tin là gì. Xét như thế, theo ý nghĩa của những ngôn từ, đức tin, lòng tin bao gồm ước muốn, ý định, sự tin tưởng, hy vọng. Đức tin, lòng tin, nơi một người mang năng lực, quyền lực chữa lành. Đức tin, lòng tin, là năng lực, quyền lực nội tại nơi một người. Nơi trường hợp ra lệnh sóng nước trên hồ êm ả, các môn đồ bị đặt vấn đề, “Sao các ngươi nhát đảm vậy, quân yếu tin” (Mt.
8:26), “Sao nhát đảm thế. Các ngươi chưa có lòng tin sao” (Mc. 4:40); trong khi bản tiếng Anh được viết, “Why are you afraid? O men of little faith” (Mt. 8:26), và, “Why are you afraid? Have you no faith” (Mc. 4:40). Hình như do lối dùng ngôn từ sao cho thuận lối nói hay thuận câu văn đã khiến người đọc hay nghe, tâm tư bị đánh đồng giữa những ngôn từ “Tin, tin tưởng” với “Đức tin, lòng tin.”

Thử đặt vấn đề, nơi phúc âm Gioan, Chúa Giêsu nói, “Sự sáng thế gian chính là Ta,” (Gioan 8:12; NTThuấn), “I am the light of the world” (The New Oxford), trong khi phúc âm Matthêu, Ngài nói với môn đồ, “Các ngươi là ánh sáng cho thế gian” (NTThuấn), “You are the light of the world” (Mt. 5:14; The New Oxford). Nơi các dịch bản tiếng Anh, Holy Bible (1902); Holy Bible (1947); The Jerusalem Bible (1966); The New Oxford RSV (1977); New American Bible (1986), The Anchor Bible; Matthew; vol. 26 (1987), The New Jerusalem Bible (1990); đều dịch Mt. 5:14 là, “You are the light of the world.

Thiển nghĩ, nên luận bàn hay loạn bàn hoặc phiếm luận hay phiếm loạn đôi chút về ngôn từ được dùng nơi câu, “Các ngươi là ánh sáng cho thế gian.” Tôi chỉ  có bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn (1976); không biết bản này đã được in lại từ bản  phiên dịch năm nào trước đó theo lối nói xưa. Sở dĩ phải đặt vấn đề chỉ vì sự tôn trọng độc giả, tôi không muốn bất cứ ai có cảm nghĩ bị áp đặt suy tư vì mỗi người có tự do tuyệt đối suy tư nên rất kỵ bất cứ ý đồ nào, dù vì bất cứ lý do nào, làm sai lệch hay ngăn chặn diễn trình suy tư, nghiệm xét của bất cứ ai. Nơi bản dịch của cuốn Kinh Thánh Tân Ước do 14 học giả được in tại Sài gòn, hai câu này được viết, “Tôi là ánh sáng thế gian” (Gioan 8:12) và, “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt. 5:14).

Dẫu phúc âm Gioan chính là sản phẩm của nghiệm xét, dựa trên phúc âm nhất lãm, nên so sánh hoặc ráp nối những câu nói lẫn lộn thì chẳng khác chi “Lấy râu ông cắm cằm bà” thay vì “Lấy dâu ông ném tằm bà” (TN). Nếu có vị nào thấy không chỉnh, thì xin cứ coi sự thể này như kết quả của “loạn bàn” hay “phiếm loạn.” Dẫu thế, nói rằng, “là ánh sáng cho thế gian” hay “là ánh sáng thế gian” thì ý nghĩa cũng như nhau, hoặc “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” thì cũng chỉ dùng hơn kém một đôi từ mà thôi. Nhưng khi so sánh, “Ta là ánh sáng thế gian” (Gioan) với câu, “Các con là ánh sáng thế gian” thì ngôn từ “Ta” có nghĩa đồng nghĩa với “Các con.” Điều này nói lên mỗi Kitô hữu, nói chung, hay bất cứ ai; vì ai cũng có linh hồn, dẫu nhận biết hay không, mang đồng danh phận với đức Giêsu, nói cho đúng ra, nhưng thường thì không. Thế nên, sở dĩ tôi phải ghi thêm tên những bản dịch Kinh Thánh tiếng anh dẫu chúng được xuất bản khác năm và dĩ nhiên khác nơi chốn, dịch giả, học giả; vì tất cả chúng đều được viết như nhau trong khi hai bản dịch tiếng Việt, cũng hai câu đó, sơ sơ đã hiện ra, ít nhất qua cách sử dụng ngôn từ, bốn điểm không giống nhau. Biết nói sao đây vì tôi không phải là học giả ngôn ngữ, mà là “học thiệt” nên đành bó tay.

Dùng sự khác biệt nơi ngôn từ được sử dụng để nối kết sự thể có thể nên được để ý hầu nói lên mối liên hệ nhận thức về đức tin một cách hợp lý và hợp tình hơn, may ra có được nhận thức rõ ràng, đúng đắn về thực thể đức tin, lòng tin. Qua phúc âm, “Đức tin con cứu con,” hay, “Lòng tin con cứu chữa con,” “Ông đã muốn sao thì hãy được như vậy,” những lời phân định này nói lên đức tin, lòng tin tự mang năng lực, quyền lực chữa lành. Năng lực, quyền lực này tất nhiên tự nơi ông, con, bà. Vậy sao một người có thể có năng lực, quyền lực này?

Đọc phúc âm, nếu để ý, dẫu mục đích cuộc đời của đức Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Trời, nhưng cao điểm của phúc âm lại là đức tin, lòng tin. Điều hơi lạ, hơi đáng ngạc nhiên, lại là không có bất cứ định nghĩa nào về Tin Mừng Nước Trời cũng như định nghĩa của lòng tin, đức tin nơi phúc âm. Chỉ có một định nghĩa mù mờ về đức tin nơi thư gửi tín hữu Hipri, nếu thử phân tích, phân cốc, không biết ai thì sao, riêng tôi rơi vào trường hợp, “Không cho nói thì mếu, cho nói thì khóc” mà thôi.

Thử nghiệm xét, “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương thức nhận thức các thực tại người ta không thấy; vì nhờ đó các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám cho” (Hipri 11:1). “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng.” Chiếm hữu là có được, chắc chắn thuộc về của mình và mình biết rõ nó là gì, sử dụng thế nào, và nói theo kiểu bình dân, muốn làm gì với nó thì làm. Thích thì kè kè bên hông để sử dụng; không thực dụng thì bỏ vào tủ kiếng để khoe cho vui, hay để có cảm giác mình là thế nọ, thế kia. Nói rằng tin mình là triệu phú trong khi lục rách cả túi nọ, túi kia, vẫn chẳng thấy gì thì mình có thực sự là triệu phú không? Vậy nói “Tin là cách chiếm hữu” thì có nghĩa chỉ là  mộng tưởng chăng? Tôi đã thưa trước rồi mà, mới gõ bàn phím chữ được mấy câu đã muốn bật khóc rồi bởi thay vì chiếm hữu, chợt trở thành mộng tưởng.

“Những điều còn trong hy vọng;” quả là mông lung, mù mờ, đánh lận con đen; bởi cho rằng hy vọng của mọi người giống nhau hay ít nhất giống điều thánh thiện nào đó mình đang mong muốn, ước mơ! Blair Pascal có câu nói ít ai dám nghĩ tới, “Người đâu phải là vị thánh, cũng đâu phải là con thú. Và bất hạnh thay, kẻ muốn làm thánh lại làm con thú.” (Cái Cười của Thánh Nhân; Thu Giang Nguyễn Duy Cần; Đại
Nam xuất bản; CA, USA;?; Tr. 397). Chính ước muốn, thú tính của mình làm khốn khổ mình. Thử hỏi, hy vọng của bạn là gì? Nếu “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng” thì tin đối với bạn ra sao? Chiếm hữu được chưa? Vậy cách chiếm hữu này ra sao? Câu nói nếu không rỗng tuếch, mù mờ, thì chỉ là hy vọng hão huyền. Hãy cứ có cả triệu hy vọng, ôm ấp lấy nó và chết đói với nó! Đúng là thua chén cơm nguội khi đói lòng.
“Là phương thức nhận thức các thực tại người ta không thấy;” bản dịch tiếng Anh gọi “Phương thức nhận thức” “Conviction;” tự điển trên net giải thích, “a firmly held belief or opinion.” Nơi The Merriam-Webster Dictionary giải thích, “The state of being convinced.” Nói rằng là “Phương thức nhận thức” nghĩa là sao? Không nói về tâm linh, hãy nói hữu vi, tin mình có tiền, “phương thức nhận thức” mình có tiền thì có tiền được chăng? Phương chi nói về “Thực tại người ta không thấy!” Giời ạ! Chỉ tin mà có thể nhận biết thực tại người ta không thấy, thực tại tâm linh, thì lại càng mông lung, mộng tưởng. Tin rằng mình có linh hồn mà không biết linh hồn mình là gì, hình dáng ra sao, màu xanh đỏ tím vàng thì tin này được hiểu như thế nào dẫu mình có linh hồn. Vậy, đã không biết gì về linh hồn của mình, chỉ tin mình có, mà mong giúp đỡ hay cứu vớt các linh hồn thì giúp cái gì. Muốn khóc thét lên cho đỡ tức mà khóc không được, càng phiền hơn! Không hiểu cái định nghĩa này nơi thư Hipri có thể làm sáng tỏ, làm bạn nắm bắt được đức tin, lòng tin của bạn hay chăng; riêng đối với tôi, nó chỉ là lý thuyết giả tưởng của một tâm hồn mộng tưởng; nói mà không biết mình nói chi.

Nơi phúc âm, chỉ đức Giêsu năm lần, bẩy lượt minh xác đức tin, lòng tin nơi một người cứu, chữa, họ, hay cho người được họ cầu xin cho, (Mt. 8:13; 9:29: 15:28: Lc. 8:48: 17:19). Đức Giêsu không bao giờ nói Ngài chữa hay Chúa cứu, mà đức tin, lòng tin. Chỉ có các học giả Kinh Thánh, hoặc chúng ta hô lên Chúa chữa, Chúa cứu, Chúa làm phép lạ trong khi không nhận ra phép lạ đang xảy ra nơi mình từng giây, từng phút. Quái, không nhận ra phép lạ nơi mình mà cứ tuyên dương, tuyên xưng, phép lạ nơi khác thì thực trạng tâm hồn của mình là thế nào. Không biết linh hồn mình là gì, thế nào mà sao cứ muốn cứu rỗi các linh hồn khác, thì cứu cái gì? Không biết Tin Mừng đức Giêsu rao giảng là gì mà cứ hô lên, khuyến khích người khác rao giảng Tin Mừng nghĩa là làm sao?

Chỉ Chúa Giêsu minh xác về đức tin, lòng tin cứu chữa; trong khi mục đích cuộc đời của Ngài là rao giảng Tin Mừng (Lc.
4:43;  Mc. 1:38; Mt. 4:23), và sai các môn đồ ra đi cũng chỉ để rao giảng Tin Mừng (Mt. 10:7; Lc. 10:9). Tất nhiên, ít nhất phải có sự liên đới nào giữa Tin Mừng và đức tin, hay còn được gọi lòng tin. Vậy Tin Mừng Nước Trời là gì, liên hệ thế nào với đức tin, lòng tin? Đặt vấn đề như vậy, trước tiên, cần nhận biết Tin Mừng đức Giêsu rao giảng là gì. Để quí vị đỡ tốn công lục lọi nơi phúc âm, tôi xin được nhắc lại; không có bất cứ định nghĩa nào về Tin Mừng nơi phúc âm mà chỉ có định vị của Nước Trời, Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa được phúc âm định vị như sau: “Biệt phái thỉnh vấn Ngài: bao giờ Nước Thiên Chúa đến, Ngài đáp lời và nói: “Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền, người ta sẽ không nói được: “Này ở đây” hay: “Ở đó” vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông”.(Lc.
17:20-21). Ví bằng Ta nhờ Thần khí Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Mt. 12:28). Không hiểu sao Kinh Thánh Tân Ước 1994 dịch câu Lc. 17:20-21, thành gia các ông; trong khi bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn lại viết, “Vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông.” Dẫu biết rằng “Được ý quên lời,”  nhưng “ở giữa các ông” và “ở trong các ông” có sự sai biệt lớn lao nơi ý nghĩa. Ý nghĩa “Ở trong các ông” dẫn đến mức độ nào đó đồng ý nghĩa với câu nói nơi thư thứ nhất thánh Phao Lô gửi tín hữu Côrinthô, “Anh em không biết sao, anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thần khí Thiên Chúa ngự trong anh em?” (Khai Phá Tin Mừng; Tr. 289).

Tôi không muốn “Bới bèo ra bọ,” chỉ muốn tìm kiếm sự liên hệ giữa Tin Mừng Nước Thiên Chúa được đức Giêsu rao giảng và đức tin, lòng tin, được Ngài minh xác nên đặt vấn đề về ngôn từ được dùng nơi những bản dịch tiếng Việt trong khi thấy nơi những bản dịch tiếng Anh, các dịch giả, học giả dẫu khác nhau về thời điểm sống cũng như nơi chốn, họ dùng ngôn từ tương đối đồng nhất hơn. Như thế, nói rằng, “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông, ở trong các ông, hay ở trên các ông,” thì có nghĩa đều liên hệ tới con người, đều nằm gọn nơi ngôn từ “Emmanuel,” “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Hơn kém hai ngàn năm qua, hàng ngày, hàng giờ, khắp nơi trên thế giới, câu, “Chúa ở cùng anh chị em” dẫu được phát biểu nơi bất cứ ngôn ngữ nào, và được trả lời, “Và ở cùng cha, thày” được thể hiện; nếu không nói ngoa, những người tham dự, tuyên xưng câu đối đáp này đã vô tình không để ý mình đang nói, đang tuyên dương, tuyên xưng gì. “Chúa ở cùng anh chị em; và ở cùng cha, thày” nếu để ý, mang nghĩa, Chúa ở cùng quí vị, ở cùng tôi, ở nơi mọi người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi tôi, nơi ông bà, nơi bất cứ ai; Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài; Thiên Chúa hiện thể nơi mỗi người; Thiên Chúa chính là sự sống, sự hiện hữu nơi mọi người; Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chính vì Thiên Chúa ngự trị nơi mình, đức tin, lòng tin là năng lực, quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực, năng lực sự sống, sự hiện hữu nơi mình. Thế nên nói Chúa chữa, Chúa cứu, cũng chính là nói đức tin, lòng tin, cứu, chữa. Cùng một sự thể, chỉ khác lối phát biểu. Bởi vậy, nhận biết Tin Mừng mới có thể nhận biết đức tin, lòng tin là gì, mới có thể nhận biết phép lạ đã và đang xảy ra nơi mình bất cử giây phút nào. Con tim ngưng đập chỉ vài giây, và thế là tá hỏa tam tinh, muốn nói gì, nghĩ gì cũng không thể được. Đọc nơi đạo học Đông Phương, người ta gọi linh hồn là Thượng Đế nội tại, nào có chi khác biệt. Có khác chăng, chỉ khác ngôn từ. Đức tin, lòng tin, chính là năng lực, quyền lực sự sống, năng lực sự hiện hữu nơi mỗi người dẫu nhận biết hay không.

14 ĐỂ KẺ CHẾT
CHÔN CẤT NGƯỜI CHẾT

18 Thấy có đông dân chúng xung quanh Ngài, Ðức Yêsu ra lịnh đi qua bờ bên kia. 19 Một ký lục tiến lại nói với Ngài: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy bất cứ Thầy đi đâu”. 20 Và Ðức Yêsu bảo người ấy: “Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không chỗ ngả đầu”.
21 Một môn đồ khác thưa Ngài: “Lạy Ngài, xin cho phép tôi lui về trước đã để chôn cất cha tôi”. 22 Nhưng Ðức Yêsu bảo người ấy: “Cứ theo Ta, và để kẻ chết chôn cất người chết của chúng” (Mt.
8:18-21)

Không hiểu khi đọc hay nghe đoạn phúc âm này quí vị cảm thấy thế nào riêng tôi, tôi đã phải ngỡ ngàng khi thấy Lm. Nguyễn Thế Thuấn đặt tựa đề, “Những đòi hỏi của Chúa nơi các môn đồ.” Tôi không dám, dù chỉ nghĩ tới so sánh về kiến thức về Kinh Thánh cũng như học vị, hoặc bất cứ năng lực hay khả năng nào đối với ngài, nhưng đầu óc tôi cứ thắc mắc đoạn phúc âm này nói lên Chúa đòi hỏi gì với các môn đồ mà hai người này, một  ký lục chưa phải là môn đồ, chỉ mới nói lên ước muốn đi theo đã vội bị trả lời, “Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không chỗ ngả đầu,” thì đi theo làm sao! Một lời từ chối thẳng thừng khiến người nghe hụt hẫng. Đồng thời, đối với môn đồ đang theo đức Giêsu gặp trường hợp “Nghĩa tử là nghĩa tận” thì lại được trả lời, “Để kẻ chết chôn cất người chết của chúng,” nghĩa là thế nào?

Nơi phúc âm Luca được viết, 57 Họ đang đi đường, thì có người nói cùng Ngài: “Tôi xin theo Thầy bất cứ Thầy đi đâu”. 58 Và Ðức Yêsu bảo người ấy: “Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con người không có chỗ ngã đầu”. 59 Ngài nói cùng người khác: “Hãy theo Ta!” Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi lui về nhà mà chôn cất cha tôi”. 60 Ngài bảo người ấy: “Ðể kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng; còn ngươi hãy cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. 61 Có người khác nói: “Thưa Ngài, tôi xin theo Ngài, nhưng cho phép tôi quay về trước đã để từ biệt người nhà tôi”. 62 Nhưng Ðức Yêsu bảo [người ấy]: “Kẻ vừa tra tay vừa cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa!” (Lc. 9:57-62).

Đại khái, theo phúc âm Matthêu và Luca, nếu hiểu theo nghĩa từ chương, đức Giêsu từ chối người muốn theo Ngài nhưng lại muốn hối thúc kẻ ngại ngùng theo Ngài ngay lập tức, bất chấp liên hệ thân thuộc và bổn phận hiếu đễ nơi kiếp nhân sinh. Thêm vào đó, phúc âm cũng rõ ràng nói lên công việc rao giảng về Nước Thiên Chúa là quan trọng và cấp thiết hơn hết mọi sự. Có điều, phúc âm không giải thích hay nói gì về sự hiểu biết về Nước Thiên Chúa mà chỉ nói ám định về sự phát triển cũng như vị thế của Nước Thiên Chúa thì sao những kẻ đi theo Ngài có thể rao giảng gì? Quả là mông lung, người muốn theo không cần; kẻ chưa muốn lại hối thúc. Phúc âm nêu lên những trường hợp nghịch thường đồng thời lại diễn tả đức Giêsu nghịch thường hơn. Quý vị và tôi là những kẻ tin theo đức Giêsu nên cần có tâm trạng và thái độ cũng như nhận định thế nào khi đối diện với sự việc được diễn tả nơi phúc âm, tin theo Ngài thì phải làm sao, và rao giảng về Nước Thiên Chúa thì rao giảng những gì?

Cũng như quý vị, đã từ lâu tôi chỉ cảm thấy ngỡ ngàng khi đọc đoạn phúc âm này nơi Matthêu, do đó đọc thêm Marcô và Luca để kiếm xem có đoạn nào mang ý nghĩa tương đương hầu nhận biết rõ hơn ý nghĩa ám định phúc âm muốn nói để có thể nhận thức và áp dụng nơi cuộc đời; vì theo nghĩa đen, lời phúc âm quả là nghịch thường và có vẻ phần nào từ chối những ai với lòng chân thành và thực sự muốn thực hiện việc gì hay cách nào đó có thể trong cuộc đời hầu thăng tiến niềm tin cũng như áp dụng lời dạy của phúc âm nơi cuộc đời. Thiển nghĩ, những ai mang tâm trạng này đều có nỗi thao thức, ít nhất muốn nhận thức, tôi muốn nói, nhận thức chứ không phải chỉ hiểu cho qua để rồi lời Chúa đành để Chúa nghe, nhưng thực tâm muốn biến lời Chúa thành tâm huyết cũng như thái độ sống nơi hành trình tâm linh, hành trình đức tin, lòng tin.

Điểm khác biệt nhỏ của hai đoạn phúc âm Matthêu và Luca chính là hai người nơi Luca không phải là ký lục và môn đồ; họ chỉ dự kiến sự giảng dạy của Chúa Giêsu. Đàng khác, phúc âm được viết theo truyền thống truyền khẩu khoảng từ năm 70 đến năm 100 dương lịch. Như thế, đoạn phúc âm này chỉ là dụ ngôn chứ không phải sự việc lịch sử. Hơn nữa, nơi phúc âm Luca, có thêm phần, “Có người khác nói: 'Thưa Ngài, tôi xin theo Ngài, nhưng cho phép tôi quay về trước đã để từ biệt người nhà tôi'. 62 Nhưng Ðức Yêsu bảo [người ấy]: 'Kẻ vừa tra tay vừa cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa'“ (Lc.9:62).

Thêm vào đó, nếu nhìn phúc âm qua quan điểm đạo học, dẫu được ráp nối bằng những câu khôn ngoan và dụ ngôn tạo nên hình thức được các nhà học giả Kinh Thánh mệnh danh cuộc đời đức Giêsu; phúc âm nói về hành trình đức tin, hành trình nhận thức Tin Mừng Nước Trời, mục đích được phúc âm rõ ràng nêu lên nơi Luca, đoạn 4, câu 43, “Nhưng Ngài bảo họ: 'Ta còn phải đem tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến. Và Ngài đã rao giảng trong các hội đường nước Yuđê.” Nơi Phúc Âm Marcô được viết, “Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc. 1:38), Và Phúc Âm Matthêu  lại ghi, “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân” (Mt. 4:23). Đồng thời, Ngài cũng chỉ sai các môn đồ đi rao giảng với cùng mục đích, “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc.
3:14). “Hãy đi và loan báo rằng 'Nước Trời đã gần bên'“ (Mt. 10:7), “Và chữa các kẻ ốm đau trong thành; hãy bảo họ: 'Nước Thiên Chúa đã gần bên các ngươi'“ (Lc.10:9).

Như vậy, muốn nhận thức sự thể hai đoạn phúc âm này, cần nhờ đến phương pháp nghiệm xét của thánh Phaolô, “Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes.
5:19-22). Tất nhiên với điều kiện, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8),

Nghiệm xét thế nào? Lẽ dĩ nhiên, đặt mình vào từng vai trò của dụ ngôn hầu tìm ẩn ý của từng câu nói nơi những vị thế khác nhau. Trước hết, mời quý vị đóng vai đức Giêsu để trả lời vị ký lục ở  phúc âm Matthêu, 18 Thấy có đông dân chúng xung quanh Ngài, Ðức Yêsu ra lịnh đi qua bờ bên kia. 19 Một ký lục tiến lại nói với Ngài: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy bất cứ Thầy đi đâu”. 20 Và Ðức Yêsu bảo người ấy: “Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không chỗ ngả đầu” (Mt. 8:18-20), Nếu diễn dịch thành ngôn từ bình dân, nơi vai đức Giêsu, quý vị và tôi sẽ nói, “Theo cái gì mà theo, chính ta cũng không theo bất cứ gì thì sao ngươi không tự nhận thức, nghiệm xét, mà đòi theo chi.” Tôi viết (nói) vắn tắt để tránh lòng thòng, lê thê, khiến bực mình. Đây chính là trạng thái tâm hồn của  người muốn nghiệm chứng, nghiệm xét Tin Mừng Nước Trời đức Giêsu rao giảng; bởi phúc âm không có bất cứ định nghĩa nào về Tin Mừng.
            
Mời quý vị đóng vai đức Giêsu trong câu, 21 Một môn đồ khác thưa Ngài: “Lạy Ngài, xin cho phép tôi lui về trước đã để chôn cất cha tôi”. 22 Nhưng Ðức Yêsu bảo người ấy: “Cứ theo Ta, và để kẻ chết chôn cất người chết của chúng” (Mt.
8:18-21).  Nơi Luca thì lại được viết thêm, “Còn ngươi hãy cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.  Điều này chứng tỏ sự rao giảng Nước Thiên Chúa quan trọng và cần thiết hơn hiếu đễ. Dĩ nhiên, muốn rao giảng thì cần phải biết Nước Thiên Chúa là gì. Tuy nhiên, không có bất cứ định nghĩa nào về Nước Thiên Chúa mà chỉ có những dụ ngôn ám định về sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa và một vài định vị, ở trên, ở giữa, và ở trong các ông. Thực ra, vì là dụ ngôn nên chẳng có ai chết và không cần ai chôn. Nếu  để tâm suy tư về câu trả lời, “Để kẻ chết chôn cất người chết của chúng,” phúc âm coi những ai không suy tư, nghiệm xét là những người chết, những xác chết biết thở và đi lại, hoạt động. Cũng cùng ngôn từ chết nhưng có hai nghĩa, chết về đường tâm linh và thân xác đã bị linh hồn lìa khỏi. Ai là xác chết biết thở?

Nơi Luca được viết thêm, “Có người khác nói: 'Thưa Ngài, tôi xin theo Ngài, nhưng cho phép tôi quay về trước đã để từ biệt người nhà tôi'. 62 Nhưng Ðức Yêsu bảo [người ấy]: 'Kẻ vừa tra tay vừa cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa'“ (Lc.9:62). Quý vị định đóng vai nào? Tất nhiên là cả hai. Cuộc đời một người có nhiều mối dây liên hệ, gia đình, công việc, và cả những tài sản. Hơn nữa, những toan tính, quan niệm, ước mơ, mục đích thế tục muốn đạt thành, danh vọng, v.v... Tất cả những liên hệ thế tục cũng như ước mơ, ý định nơi tâm trí mang ảnh hưởng lớn lao tới tâm hồn một cách  mạnh mẽ không dễ chi dứt bỏ. Đây là lý do tại sao thánh Phaolô khuyên, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8),

Nơi hành trình tâm linh, tất cả những liên hệ này đều nằm trong tư tưởng, ước muốn, ước mơ, kiến thức, học thức, nên mình đối diện với chính tâm tư của mình. Người nhà cũng chính là ước mơ, kiến thức, tham vọng, quan điểm, ý định ý nghĩ của mình. Nơi hành trình nghiệm xét, tâm tư cần được tự do tuyệt đối, không lệ thuộc bất cứ gì. Đây là lý do tại sao phúc âm có lời khuyên nghịch thường nếu hiểu theo nghĩa từ chương, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị xô vào hỏa ngục. Và nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là cả toàn thân bị sa hỏa ngục” (Mt.
5:29-30). “Ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa;” nghiệm xét chính là đối diện với thực thể sự việc; ngó lui sau có nghĩa còn bị lệ thuộc vào kiến thức, ước mơ, ký định, bất cứ gì nơi mình.

Viết đến đây,tôi thầm nghĩ, tại sao Lm. Nguyễn Thế Thuấn ghi đề mục, “Những đòi hỏi của Chúa nơi các môn đồ,” mà không viết thành, “Nghiệm xét, điều kiện Chúa đòi hỏi các môn đồ?”

15 CẢM THƯƠNG CÁC VỊ RAO GIẢNG

Không nói về những vị được thúc đẩy bởi lòng chân thành đầy nhiệt huyết đã cảm nhận, nhận thức tâm linh nên đã tự phát rao giảng sự thức ngộ của mình với bàn dân thiên hạ dù sự thức ngộ dưới bất cứ dạng thức hay chiều hướng nào. Riêng những vị được hấp thụ những nền giáo dục tâm linh, nghĩa là có cơ hội học hỏi và thăng tiến nhận thức tâm linh qua các trường sở chuyên nghiệp về đạo học được mệnh danh trường thần học. hay kinh thánh, hoặc danh hiệu nào khác, hầu đào tạo những thành viên hay giảng viên để rao truyền về đạo học qua dạng thức tôn giáo. Đại khái, những trường học này huấn luyện một người về học thức, kiến thức, nghi thức, luật lệ, v.v... của tổ chức để rao giảng và phát triển tôn giáo.

Dầu các đấng lâm phàm không viết lách, không kiến lập tôn giáo, chỉ rao giảng chủ thuyết, nhận thức, để rồi những người tin theo, môn đồ, phát triển chủ thuyết nơi những hệ thống tổ chức nhân sinh được gọi là tôn giáo; tôn giáo được phát sinh từ những chủ thuyết được gọi là đạo học. Hơn nữa, môn đồ tiếp theo của các đấng lâm phàm ước vọng phát triển chủ thuyết nên đã viết thành kinh điển. Kinh điển bao gồm chủ thuyết của đấng lâm phàm và những nhận thức cá nhân cũng như nhận thức khôn ngoan từ ngàn xưa của dân tộc nơi chủ thuyết được triển dương. Từ kinh điển, tôn giáo được phát sinh và mang tên cũng như tin theo chủ thuyết dẫu theo thời gian được phát triển thành nhiều ngành, nhiều tông phái được phát sinh dưới danh hiệu của chủ thuyết. Chẳng hạn, Phật giáo được kiến lập từ Phật học; Lão giáo gốc gác phát xuất từ Lão học; Kitô giáo phát xuất từ những lời dạy của đức Giêsu, qua truyền thống truyền khẩu được ghi thành phúc âm.

Bất cứ sự phát triển nhân sinh nào nơi cuộc sống đểu phát xuất tự con người. Các đấng lâm phàm cũng có cuộc đời của một con người. Sự phát triển về kỹ thuật chỉ là thành quả của lý thuyết được sáng tạo từ những suy tư, khát vọng, hay tham vọng của con người. Những tư tưởng, nhận thức về tâm linh tất nhiên đều là kết quả của suy tư, nghiệm xét của con người được ghi lại thành kinh điển gọi chung là “Đạo học.” Tuy nhiên, đã có trường hợp đạo học qua phiên dịch từ chương bị hiểu thành đường lối. Chẳng hạn, “Tào” (Thượng Đế) nơi Lão học được dịch thành “Đạo,” và có đồng âm với “đạo” có nghĩa đường lối nên câu, “Tào như nước” được hiểu thành hãy có lối sống uyển chuyển như nước; trong khi câu “Tào như nước” mang nghĩa Tào (Thượng Đế) ở khắp mọi nơi, năng lực hiện hữu hiện diện ở bất cứ mực độ nào có sự hiện hữu mà tâm trí con người có thể nhận biết được; dù tư tưởng, lý thuyết, không thể rờ hay nhìn thấy nhưng vẫn có thể nhận biết.

Mục đích của đạo học kích thích suy tư của con người hầu đạt đến sự thức ngộ, nhận biết thực thể mình là thế nào, mục đích cuộc đời của một người là gì; suy tư, tư tưởng phát sinh từ đâu, và sau khi chết, con người sẽ ra sao. Qua nhận định của các bậc thức ngộ, chân nhân, có ba con đường đạt tới thức ngộ và đó là mật tông, minh triết, và tôn giáo. Những vị thuộc mật tông, thiền định, hoặc có cơ hội tham gia những tổ chức mật tông, chiêm nghiệm hay không, đều có căn cơ trỗi vượt; tâm trí luôn suy tư, nhận thức về thực thể con người nơi hành trình tâm linh. Con đường nhanh nhất đạt tới thức ngộ lại là minh triết. Những vị theo đường này, dùng sự hiểu biết, học thức, suy luận tiến dần về mục đích tối hậu của sự hiện hữu bản thể của mình. Tôn giáo là con đường dựa trên thờ phượng, sùng tín, kèm thêm tụng niệm hầu dẫn tâm trí nhập vô hành trình tâm linh. Tôn giáo phát triển tùy thuộc sự triển dương của tổ chức nhân sinh. Và để dẫn dắt tín đồ, các vị giảng viên cần phải được huấn luyện tới mức độ thành thạo về nhận thức chủ thuyết, diễn tiến tâm hồn nơi hành trình tâm linh, và sự chia sẻ nhận thức nơi diễn tiến tâm hồn giúp tín hữu hay tín đồ so sánh với suy tư cá nhân hầu nhận ra hành trình tâm linh mình nên theo để thăng tiến tâm linh.

Dĩ nhiên, vì tôn giáo được đặt nền tảng nơi thờ phượng, sùng bái, và tin tưởng; nên các trường huấn luyện thành viên, cán bộ cốt cán để rao giảng và phát triển dựa trên niềm tin, sự tin tưởng, và tất nhiên kinh sách đạo học là gốc gác cho sự tin tưởng, đồng thời từ sự tin tưởng kiến tạo những nghi thức thờ phượng, sùng tín. Nếu để tâm suy tưởng, nghiệm xét, kinh sách đạo học là những tài liệu ghi lại một cách ám định thành quả nhận thức, không giống như các sách kỹ thuật hoặc nấu ăn, trồng tỉa. Bởi đó, dưới sự am hiểu kinh sách một cách từ chương đã khiến những ám định thành quả nhận thức được coi là huyền nhiệm do không thể nào áp dụng nơi cuộc đời. Chẳng hạn, “Đi xa tức là về gần” (Lão), “Chớ bảo Như Lai độ chúng sinh, vì không có chúng sinh cho Như Lai độ” (Phật), hay, “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Phúc âm). Ngang ngược phát biểu hơn nơi Lâm Tế lục, “Gặp phật giết phật; gặp tổ giết tổ.”

Rao giảng, soạn giảng, nào phải là chuyện chơi; bởi kinh sách sẵn đó ai cũng có thể đọc được nếu thực sự muốn hiểu biết. Nhưng thực tế minh chứng, hiểu biết về lợi ích của nước mà không uống nước tất nhiên vẫn khát khô cổ. Do đó muốn nhận thức về những gì được ghi lại trong kinh sách đạo học, người đọc cần suy tư, nghiệm chứng, nghiệm xét sao cho những câu nói, những dụ ngôn có thể hài hòa với tâm tư trong sự hợp lý và hợp tình. Muốn hết khát phải uống nước, muốn nhận thức lời ám định nơi kinh sách phải suy tư, nghiệm xét, không có con đường nào khác. Nói rằng, cho rằng, thực sự tin với tâm thành, “Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng đi khỏi ngươi; nếu tay phải ngươi làm ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi” (Mt.
5:29;30), là tin thế nào? Điều đáng nói ở đây là nỗi khó khăn của vị rao giảng, giải nghĩa, giải thích, giải mã một câu nói khôn ngoan hay một dụ ngôn nơi kinh sách cho tín đồ, tín hữu đa phương, đa diện, đa cấp bậc kiến thức, đang an tọa hướng lòng chờ lãnh nhận, dạy dỗ. Làm sao có được chỉ một vài câu nói mà có thể làm hài hòa tâm hồn của tất cả tín đồ bao gồm những vị bác sĩ, kỹ sư, luật sư, già, trẻ, lớn bé, cũng như bà lão nhai trầu không biết ngay cả ký tên mình thế nào?

Để sao cho hài lòng, dễ hiểu, và hợp với mọi người, mọi cấp bậc hiểu biết, kinh sách đạo học tất bị hạ cấp và diễn giải theo nghĩa từ chương nơi phương diện luân lý thay vì chia sẻ suy tư, nghiệm chứng. Ôi, vị thế rao giảng đạo học chẳng khác chi chiếc lưỡi giữa hai hàm răng. Chẳng lạ gì Lão học có câu, “Người biết không nói; kẻ nói không biết.” Dân gian Việt có câu, “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận.” Nhà Phật than “Thời mạt pháp” dẫu nơi Lâm Tế lục có câu, “Gặp phật giết phật, gặp tổ giết tổ, gặp pháp bỏ pháp.” Phật, tổ, còn bị giết, pháp bị bỏ thì có gì mà mạt. Có chăng, vị đang hùng hồn rao giảng, tuyên xưng, tuyên dương niềm tin, sự sùng bái, không nói thì mếu mà nói thì đành khóc thầm. Oai phong, tiếng tăm, đồn đâu không biết nhưng lòng thì chết điếng nếu tự hồi tâm nhận định thực trạng tâm tư nơi nhiệm vụ rao giảng của mình. Một là lừa đảo cho qua nếu giảng giải kinh sách theo nghĩa từ chương thế tục, hay miệng đành như ngậm hạt thị nếu thực tâm nghiệm chứng, nghiệm xét bởi, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo, kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi” (Mt. 7:6).

16 LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Khi nghe hoặc hát bài “Lắng Nghe Lời Chúa,” một tâm tình vương vương sâu lắng tràn ngập tâm hồn trong tâm tình cảm nhận hồng ân cuộc đời và chút nào đó nâng tâm hồn mình lên, lên tới đâu thì tôi không biết, chỉ cảm thấy hình như mình đang hòa nhập vào trạng thái nào đó vượt khỏi thực tại cuộc sống; đồng thời nỗi khao khát muốn lắng đọng tâm tư để chờ đợi, chờ đợi gì tôi cũng chẳng hay. Dĩ nhiên, dù biết âm nhạc hay không, ngôn từ tâm tình của bài hát khuyến khích tâm tư con người, nếu không muốn nói là cuốn hút, lôi kéo tâm hồn vào cõi thần thiêng nào đó.

Để ý cảm nhận lời hát, có lẽ tác giả, Lm. Nguyễn Duy đã cảm nhận được tâm tình, nỗi thao thức của bất cứ ai tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa, và ước muốn thực hiện điều gì đó đẹp lòng Chúa cũng như rao giảng lời của Ngài. Thử phân tích lời hát và so sánh với tâm tình, cảm tính của người hát hoặc thưởng thức âm vang nó chứa đựng.

Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối. Một câu bày tỏ lòng thành khẩn đồng thời khuyên nhủ hay dạy dỗ người cầu nguyện, cần biết lắng nghe thay vì cầu hay khẩn, xin hoặc nguyện. Có lẽ vì là linh mục nên tác giả rất rành về tâm lý kẻ cầu nguyện, cầu xin. Đồng thời câu này gợi lại lời dạy nơi phúc âm, “Còn ngươi khi cầu nguyện thì hãy vào buồng khóa kín cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi, có mặt cả nơi kín ẩn, và Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi” (Mt. 6:6; Bản dịch NNThuấn).

Xin cho con cất tiếng lên trả lời và vâng theo ý Chúa. Còn lời nói nào cao đẹp hơn là vâng theo ý Chúa? Xin cho con biết thân thưa: Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi? Trúng chóc với tâm tình của bất cứ ai kính tín vào Thiên Chúa.

Tuy nhiên, điệp khúc, “Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai”  khiến cái đầu tôi quay quay. Cung nhạc tuyệt vời, kích thích, thôi thúc, tâm hồn, vượng lên lòng khát khao, thao thức hòa nhập vào cõi mênh mông nào đó. Tiểu khúc 2 vẫn còn xin và thêm, “Xin cho con biết sẵn sàng thực hành Lời Chúa đã truyền ban.” Tiểu khúc 3 cũng thế, “Xin cho con vững bước đi vào đời truyền rao cho chân lý.”

Cung nhạc hòa lời hát vẫn tiếp tục mênh mông, nhưng lòng trí tôi ngỡ ngàng bởi câu phúc âm Matthêu, “Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:33), trở về nơi tâm trí; để rồi tôi phịa thêm, “Xin cho con biết kiếm tìm Nước Trời và muôn điều công chính.” Mới phịa được một câu, ý nghĩ phản bác từ tên quỷ nào đó vọng lại, “Xin xỏ gì, kiếm thì không thèm kiếm, cứ đòi xin. Chúa đâu phải là con ở của ngươi!”

Phỏng đây là trạng thái ngất trí, nhờ cung nhạc mà nghe được lời trong thinh không? Thế là hết ý; trong khi cung nhạc vẫn mênh mông, réo rắt!

Lã Mộng Thường
 

Tải về file PDF

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây