Người từ trong hoang địa
Hoang địa là nơi Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn vào trong bốn mươi ngày và chịu cám dỗ. Hoang địa cũng được sánh ví như trái tim của một con người ẩn tu đã dâng tất cả cho Thiên Chúa. Người từ trong hoang mạc bước ra như Gioan Tẩy Giả mang theo những ý nghĩa trái tim dâng hiến, trái tim của tình yêu mong được đong đầy.
Một trái tim của hoang mạc. Không chỉ về nơi khô cằn mà chỉ về một trái tim của con người đã dâng hết cho Thiên Chúa. Gioan tẩy giả đã được dâng cho Thiên Chúa ngay từ khi còn thơ bé. Chính cha của Gioan đã nói lên điều ấy: “ Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,” (Lc 1, 76). Là ngôn sứ của hoang mạc nghĩa là một ngôn sứ của Thiên Chúa khuyến nhủ con người trở về với tình yêu: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2, 16).
Con người của hoang mạc như Gioan tẩy giả đã từng nhảy mừng trong lòng mẹ khi Mẹ Maria đến thăm người chị là Elizabeth. Người con nhảy mừng vì đã gặp Đấng Cứu Thế, sự gặp gỡ trong lòng của bà mẹ là sự gặp gỡ trong nơi thầm kín riêng tư. Như lời ngôn sư Hosê “Ta quyến rũ nó, đưa nó vào trong hoang mạc”. Một Thiên Chúa của gặp gỡ từng cá nhân, Gioan Tẩy Giả đã lớn lên trong hoang mạc ấy để được nghe, được thấy, được thấm nhuần trong trái tim, lời mời gọi tha thiết: “Hãy dọn đường cho Chúa đến” ( Mc 1, 3). Chúa đã đến, nhưng chưa đến từng con người. Chúa đã ở nơi nhà của Người, mà người nhà của người còn đang khép cửa. Lời mời gọi dường như đã khô khốc trong tiếng chờ đợi.
Dường như con người đã quen đợi chờ và không còn muốn đợi chờ nữa, đã từng nghe bao lời hứa, những lời hứa chẳng bao giờ thực hiện. Do hoàn cảnh xã hội đã hứa cho nhiều và chỉ cho ăn bánh vẽ đã nhiều. Con người đợi chờ đã tắt niềm hy vọng. Họ vui chơi với những đèn led giáng sinh, với đoàn tuần lộc kéo xe ông già Noel. Đắp những ông già, cô bé tuyết, làm những ngôi nhà, vui lễ hội giáng sinh, họ không cần có Chúa Giáng sinh ở đó nữa. Gioan tẩy giả phải gào thét lên giữa sa mạc, tiếng gào thét giữa sự điếc lác của con người. Họ giống như con người tâm hồn đã khô cằn, đã chết khô trong niềm khát khao, khiến Chúa đã dùng lời ngôn sứ mà gào thét lên: “Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài” (Tự thuật, Augustine).
Khi con người của Gioan tẩy giả đã khám phá ra sự vô biên của Thiên Chúa thì không thể không hô to lên cho mọi người biết “Chúa đã đến, đã đến rồi, hãy dọn đường, hãy mở lối cõi lòng, hãy xé toang cái bóng tối của u mê, dọn đường cho Chúa đến”.
Lời mời gọi của Gioan tẩy giả không chỉ là của ngôn sứ thời xưa, mà là một ngôn sứ thời hiện tại: “Chúa đã đến!” giống như một vị vua đã ngự giá ngay ở cống thành rồi! Toàn dân hãy mau ra dọn đường, dọn lối cho vị vua ấy tiến vào. Lòng khắc khoải chờ mong từ con tim chờ đợi héo hắt, nay hãy vui mừng lên, vỡ oà con tim chai cứng, mang lấy con tim thịt mềm. “Phải chi hôm nay ngươi nghe tiếng Người! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc” (Tv 95, 7 -8)
Sứ điệp của Gioan tẩy giả với con người hôm nay. Thiên Chúa của khát khao chờ đợi con người, chứ không phải con người chờ đợi Thiên Chúa. “Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1, 11)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan