TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nỗi đau thầm lặng

Thứ ba - 20/07/2021 05:02 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   948
Im lặng trong đau khổ để đón nhận như người tôi trung của Chúa bị khinh rẻ, bị rêu rao, chế giễu (Mt 12, 15 – 20).
Nỗi đau thầm lặng

Nỗi đau thầm lặng

 
 
Không giống như sự thinh lặng của bầy cừu trước những đau thương và cái chết. Sự thinh lặng của những con người âm thầm chịu đựng tất cả, hy sinh thầm lặng, giúp đỡ anh chị em, đồng bào mình trong cơn đại dịch. Im lặng trong đau khổ để đón nhận như người tôi trung của Chúa bị khinh rẻ, bị rêu rao, chế giễu (Mt 12, 15 – 20).

Có những thinh lặng khi chúng ta không thể ngờ tới của những con người đang là những chức vụ quan trọng, họ âm thầm đi vào những tuyến đầu phục vụ trực tiếp với những bệnh nhân cuối đời. Không cần tên tuổi, không cần rao báo trên mạng, không lộ diện danh tánh. Họ như các thiên thần ngày đêm trong bộ quần áo chống dịch. Chỉ mong ngày nào an lành cho bệnh nhân, cho mọi người.

Có những thinh lặng của những bệnh nhân, họ không thể rên xiết trong những cơn nghẹt thở, chỉ biết phó dâng mạng sống và lòng trông cậy. Chúng ta có thể nghe tiếng đau khổ ấy trong tâm khảm của nỗi đau tình người, nhìn nhau nhưng chẳng biết làm gì cho nhau hơn nữa.

Những trợ giúp âm thầm, không cần tên tuổi, chỉ biết cho đi. Họ thinh lặng để sẻ chia những mảnh đời đang cố chịu đựng giữa lúc, không thể đi làm, không thể tự bươn trải, không thể làm gì hơn từng ngày để sống. Sự thinh lặng của con người bất lực như Chúa Giêsu trong vườn cây Dầu.

Chúng ta khó có thể hiểu được tâm trạng của những con người đang phải xin ăn, dù đủ chân tay, đủ sức để làm việc, nhưng không thể ra khỏi nhà, đến công xưởng. Hằng ngày, họ xếp hàng hoặc mong đợi trước cửa nhà, nhận những món quà từ thiện từ tay người khác như khúc tủi buồn trong đời. Chúng ta hãy trao cho họ với lòng tôn trọng, cúi đầu xin trao, như một cảm thông sâu xa.

Chúng ta có thể thấy hạnh phúc, vui vẻ khi đứng ở vai người cho tặng, nhưng chúng ta không thể hiểu hết nỗi thầm lặng của những con người ở vai người đón nhận. Đôi khi chúng ta đang tặng thêm cả những nỗi đau lòng cho người nhận trong những gói quà từ thiện. Chúng ta rêu rao làm từ thiện, chúng ta kêu gọi đóng góp, chúng ta lấy cả những nỗi đau quảng bá. Chúng ta hỷ hả vì những lời cám ơn, những thành tích của việc làm, gợi lòng thương cảm trên nỗi đau của người khác. Đó lại là những vết thương cho người nhận mà chúng ta không hay biết. "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." (Mt 6, 1 – 6)

Chúng ta hãy tưởng tượng hình ảnh của Chúa trên thập giá, khi Người nói: "Ta Khát". Cái khát không phải là nước! Cái khát của tình người trao nhau, sao cho đúng phẩm giá, phẩm hạnh con người. Cái khát của những cần biết nỗi khổ tâm của người khác khi đón nhận. Cái khát của những tâm hồn đau xót đứng trước lựa chọn, cứu ai và bỏ lại ai, khi không đủ phương tiện cứu chữa cho hết mọi người. Chúng ta có thể chứng kiến những đau thương, những giọt nước mắt kìm nén, bất lực nhìn sự ra đi của người anh chị em, dù không thân thích.

Như những người đứng dưới chân Thánh Giá Chúa trong giờ lâm tử, họ đấm ngực trong ăn năn. Xin Chúa thứ tha và xin thương xót chúng con.

 
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây