TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tử đạo và tuẫn đạo

Chủ nhật - 19/11/2023 02:36 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1044
Theo từ ngữ “Tuẫn giáo” hay “Tuẫn đạo” có một ý nghĩa sống đạo và chết vì lẽ công chính, chịu bách hại vì lẽ phải, bảo vệ đến cùng cho đức công bằng.
Tử đạo và tuẫn đạo
Tử đạo và tuẫn đạo

Tử đạo và tuẫn đao đã được giải thích trong bài: “Phân tích các từ “Tuẫn đạo và “Tử đạo”” do tác giả Michel Nguyễn Hạnh đăng trên trang Web Tổng Giáo Phận SàiGòn. Ta chỉ dùng hai ý nghĩa được dùng cơ bản “Tử đạo” và Tuẫn đạo trong Cựu Ước và Tân Ước.

Theo từ ngữ “Tuẫn giáo” hay “Tuẫn đạo” có một ý nghĩa sống đạo và chết vì lẽ công chính, chịu bách hại vì lẽ phải, bảo vệ đến cùng cho đức công bằng. Theo sách Khôn Ngoan: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc.” (Kn 3, 1 – 2). Sách khôn ngoan chỉ về những người sống công chính theo nghĩa rộng là những người sống theo lẽ phải, bảo vệ điều chính trực, dù có chịu nhiều bất lợi và có khi phải chết. Không sống theo như người khác làm được những điều bất công hay gian ác, mưu mô, xảo quyệt. Người công chính như dòng nước trong không thể hoà tan vào dòng nước dơ. Hoặc là hoà vào nước dơ, hoặc là bị dạt ra bên ngoài. Người công chính thường chịu nhiều bách hại “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” (Kn 2, 12)

Tuẫn đạo còn là giữ lương tâm trong sạch, không tự lường gạt mình bằng sống hình thức, tự phán xét mình trong lương tâm. Sống đạo theo đức tin cá nhân, như trong trường hợp của ông Êlada tử đạo, ông bị bắt ăn thịt heo (thời Cựu ước cho là dơ bẩn, không được ăn, để giữ đạo Chúa). Ông không ăn, chủ toạ bữa tiệc tế thần nói với ông cứ ăn để khỏi chết, ông sẽ làm tiệc không lấy thịt heo tế thần và thay bằng thứ thịt được phép ăn. Dù ông chủ tiệc nói như vậy, ông Êlada nói, có sống thêm được mấy năm mà phải đánh lừa mình và người khác, không xứng với lương tâm ngay thẳng, mà còn làm gương mù cho người trẻ, thì có ích gì. Ông thà chịu chết để quyết giữ luật, chứ không giả bộ hay giả dối mà được thêm ngày sống. (xem 2 Macabê 6, 18 – 31). Sống đạo ngày nay, sống theo lương tâm ngay thẳng, không giải dối không hình thức để được người đời khen tặng, sống vì Chúa, là một đời sống tuẫn đạo.

Sống đạo theo đức tin cá nhân, như trong Kinh tin kính “Tôi tin” như ông Êlada đã sống, nhưng còn sống đức tin “Chúng tôi tin” như người mẹ và bảy người con tuẫn đạo. Đức tin cộng đoàn, chết để giữ gìn đức tin của cha ông, tổ phụ. “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi." (2 Macabê 7, 2). Sống diều chúng tôi tin là một đức tin “Thiên Chúa đã phán cùng cha ông, tổ phụ chúng tôi”. Không thể viết lại lịch sử ngoài Thiên Chúa. Một lịch sử loại trừ Thiên Chúa ra ngoài lịch sử con người là một lịch sử bóng tối và sự chết. Ngày nay sống đạo tích cực là giữ gìn tất cả những gì đã được sống và được truyền lại “Đức tin Tông truyền”. Đức tin của những người đi trước đã sống và chết vì niềm tin ấy. Đó là tuẫn giáo.

Tử đạo, có nghĩa chết vì đạo. Đạo ở đây không là chữ đạo thông thường mà chính là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Đấng đã sống làm người, đã chịu chết và đã sống lại.  Thư Do Thái cho ta hay: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.” (Dt 1, 1 – 4)

Tử đạo trong thời Tân Ước là tin vào một con người – Chúa. Niềm tin ấy không chỉ là lý thuyết, lề luật, Lời Chúa mà còn là một con người – Chúa, Đấng đã sống đã chịu chết và đã sống lại vì chúng ta. Niềm tin ấy dẫn đưa chúng ta “Dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Đức Kitô” (Rm 14, 8). Từ niềm xác tín đó các thánh tử đạo đã can đảm lãnh nhận sự chết để tuyên xưng đức tin của mình.

Người Kitô hữu hôm nay sống đức tin “tuẫn giáo và tử đạo” là sống “tuyên xưng đức tin của mình bằng đời sống: Ngay thẳng, lương tâm trong sạch, tự vấn lương tâm mình bằng Lời Chúa để sống niềm tin giữa đời: “Tôi tin”. Đồng thời được Chúa Thánh Thần quy tụ ngày Chúa Nhật và các lễ trọng buộc để cùng nhau tuyên xưng “Chúng tôi tin” cùng gia tăng đức tin “Tôi tin”.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây