TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vương Quyền Thực Thi

Thứ bảy - 08/05/2021 10:41 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   858
KITO VUA
KITO VUA

Vương Quyền Thực Thi

 

Vương quyền là một trong những điều con người thường theo đuổi và có tính cạnh tranh nhất trong các cuộc chạy đua giành lá phiếu hoặc chiếm đoạt. Vương quyền là cần thiết nhưng cần biết hai điều: Do ai? Và phục vụ ai?

Vương quyền đích thật..

Không có một vương quyền nào mà không tàn lụi, đó là bài học lịch sử đã minh chứng. Do con người quyền lực sẽ chết, và cái chết là kết thúc của quyền lực. Người có vương quyền cần biết điều cơ bản này trong câu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô tại phiên toà: “Ông Phi-la-tô mới nói với Người: "Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao? Đức Giê-su đáp lại: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn." (Ga 19, 10 -11). Ý thức vương quyền ở đâu, do cướp đoạt, ý thức cao hơn nữa là chính Thiên Chúa trao phó qua người dân uỷ quyền cho, người thực thi quyền bính mới biết mình phục vụ ai. Ý thức điều đó, người thực thi quyền lực mới phụng sự “chân lý và sự thật” đúng với vương quyền được trao. Nếu không, giống như Philatô, không biết “chân lý, sự thật là gì?” (Ga 18, 38). Chỉ có vương quốc “chân lý và sự thật” mới tồn tại vững bền, còn tất cả vương quyền đều qua đi, tàn lụi.

Vương quốc “chân lý và sự thật” Chúa Giêsu chỉ cho thấy là chính “Nước Trời”, người phục vụ trong vương quyền đòi hỏi trước tiên: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33).

Mục đích vương quyền là phục vụ nhân phẩm của từng con người, bảo đảm an sinh xã hội, giá trị gia đình, bảo vệ thai nhi và sự sống con người, môi sinh và môi trường sống. Những giá trị này luôn là ưu tiên hàng đầu để xây dựng “Nước Chúa trên trần thế”. Trong bổn phận chính yếu đó người công dân Nước Trời tại thế cũng được mời gọi phục vụ vương quyền “sự thật”, trở nên “Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mc 9:50; Lc 14:34-35)

Phục vụ ai?

Trong câu chuyện đàm thoại của Chúa Giêsu với ông Nicodemo là người Do Thái thông thái, ông cũng không hiểu thế nào là “sinh lại trong Thánh Thần” và ý nghĩa phụng sự của Đấng được sai đến là gì? Chúa Giêsu trả lời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16 – 17). Nội dung phụng sự nhân loại cần được học cụ thể trong Tin Mừng, Lời Chúa dạy và cách Chúa thực hành.

Người được trao quyền luôn ghi nhớ quyền được trao là để phục vụ, theo gương Chúa Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 45).

chia sẻ tại Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu: “Một đất nước chỉ có thể được xem là vĩ đại, khi nó ủng hộ cho tự do như tổng thống Lincoln đã làm; khi nó cổ vũ cho nền văn hóa giúp người dân có thể ‘mơ’ về những quyền lợi chính đáng nhất cho tất cả đồng bào của mình, như mục sư Martin Luther King đã theo đuổi; khi nó dám tranh đấu cho công bình và chống lại sự áp bức, như Người-tôi-tớ-của-Chúa là bà Dorothy Day đã miệt mài thực hiện; như hoa trái Đức tin đã trở nên những cuộc đối thoại và gieo rắc hạt giống hòa bình trong lối chiêm niệm của nhà thần bí Thomas Merton.” (Trích chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J) .

Trở nên người phục vụ mọi người là một đòi hỏi của vương quyền được trao cho từng người. Bổn phận phục vụ không của riêng ai, trong thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philipphê viết: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 1, 1-5)

Chúng ta hãy cầu nguyện để vương quyền của Chúa được thực thi để xây dựng một thế giới hoà bình, cho con người được sống và môi sinh được phát triển bền vững, những giá trị vĩnh cửu được dựng xây.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây