TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ơn Gọi Thuỷ Chung Trong Hôn Nhân

Thứ bảy - 08/05/2021 10:24 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   820
Ơn Gọi Thuỷ Chung Trong Hôn Nhân

Ơn Gọi Thuỷ Chung Trong Hôn Nhân

 

Giáo huấn về giữ gìn đời sống hôn nhân trong thuỷ chung và tình yêu, nhằm bảo vệ sự sống con trẻ được sinh ra và lớn lên.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Maccô gắn liền hai sự kiện: Ly dị và con trẻ (Mc 10, 2 – 16). Khép góc trong bài này, nói về con trẻ với nỗi đau khi gia đình tan vỡ.

Điểm cơ bản

Một điều Chúa Giêsu luôn quan tâm, đó là trẻ em. Trẻ em khi sinh ra không có quyền được lựa chọn ba mẹ, tất cả chỉ đợi mong ba mẹ mang lại, trao ban cho những gì.

Điều mà Chúa Giêsu luôn bận tâm về trẻ em được giao phó cho gia đình sinh dưỡng và chăm nom khi nhắc đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa và ý định của Người khi thiết lập hôn nhân: “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 6 – 9). Nhắc lại điều này Chúa Giêsu mời gọi nhìn lại trách nhiệm của gia đình: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 28).

Nỗi đau của trẻ

Nếu hiểu được những đứa trẻ nghĩ gì khi chúng đang mặc đồng phục học sinh vai mang cặp, dự ở phiên toà xử ly hôn, một thẩm phán ở toà ly hôn chia sẻ: “Bố mẹ sống ly thân đã hơn một năm, hai tháng nay Huy và mẹ về ở nhà ông bà ngoại nhưng Huy vẫn không hề biết bố mẹ sẽ ly hôn mà lúc nào em cũng chỉ nghĩ bố đi công tác rồi bố sẽ về. Khó khăn lắm để nói cho con hiểu con sẽ không còn được ở cùng cả bố và mẹ, con đến đây để nói rằng con muốn ở với ai. Chỉ mới nói tới đây con đã òa lên khóc: “Con xin bác thẩm phán, cho con được ở với cả bố và mẹ con. Con xin bác”. Lời cầu xin của con hòa trong tiếng nấc. Đến tận cuối giờ xử án ngày hôm ấy, ngay cả khi án đã tuyên con sẽ ở với mẹ con vẫn chỉ nói với tôi những câu ấy: “Con xin bác thẩm phán…”. Lời cầu xin con trẻ da diết và đau lắm nhưng phải bất lực và ước “giá như tôi có thể giúp được con”.

Những nỗi đau của con trẻ không chỉ ở phiên toà mà hậu quả sau đó phải lãnh chịu. Đứa rơi vào trầm cảm, nếu có một chút hiểu biết, đứa rơi vào thiếu vắng tình thương của ba hay của mẹ. Biết bao kỷ niệm của gia đình thời êm ấm nhớ lại làm gia tăng thêm nỗi buồn của gia đình ly tán.

Câu hỏi đơn giản của người cha, người mẹ, giải thoát cho mình mà có thấy sự tổn thương tinh thần của con trẻ và con trẻ lớn lên thế nào khi thiếu vắng tình thương yêu, mái ấm gia đình. 

Ly dị, nỗi đau của người lớn.

Ly dị có chăng là lối thoát nhẹ nhàng cho cả hai đến toà. Phần lớn ban đầu họ nghĩ là cách tốt nhất, nhưng khi nhận quyết định ly hôn tại toà, người ta lại thấy hụt hẫng cho tình yêu dễ tan vỡ của mình.

Có phải chăng khi hai người đến với nhau, họ đều là người tự nguyện cam kết buộc vào đời nhau. Trong đó, hai người đều ý thức cách sâu xa rằng, đó là một sự dấn thân trao cho nhau cuộc đời? Hai người cam kết với nhau trước mặt Chúa, Hội Thánh và mọi người thân thuộc, bạn bè, thân hữu… “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phép phân ly” (Mc 10, 9).

Có phải chăng khi kết hôn với nhau, hai người chỉ ước muốn, em là của anh, anh là của em, một tình yêu chỉ cho nhau mà thôi không? Nỗi đau đến từ ước nguyện ấy khi không còn là của nhau? Cái gì đã làm ra sự chia lìa này, nếu suy xét để có thể giải hoà bất đồng với nhau. Thánh Phaolô mời gọi dùng đời sống đức ái mà giảng hoà, giữ mối tình thuỷ chung: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia” (Cl 3,12)

Có phải chăng nỗi đau từ việc chia lìa là vết thương không nguôi, khi biết rằng, lúc mình quyết định đi đến kết hôn với nhau là một tình yêu mãi mãi? Ít ai mong muốn hôn nhân của mình là một trò chơi thử nghiệm, là một tình yêu khách trọ. Tự nhiên trong quyết định đi đến hôn nhân là mãi mãi ở bên nhau, lúc vui cũng như khi buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại, lúc mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu. Không chỉ là một công thức đọc khi bày tỏ cam kết hôn nhân, mà nói lên từ trái tim của sự thật lòng ước nguyện mãi mãi bên nhau. Đau khổ cảm nhận được khi chia tay nhau, họ còn nợ nhau một lời thề, nợ nhau một cuộc đời, nợ nhau một tình yêu mãi mãi.

Chúa Giêsu dạy: Giữ lấy tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới mang lại hạnh phúc, giữ lấy gia đình vì chỉ có gia đình mới là nơi ấp ủ tình yêu, dưỡng nuôi tình yêu và là trường dạy về tình yêu.

Giữ lấy gia đình là giữ được ước nguyện tình yêu trao cho anh, cho em, cho con cái là mãi mãi, là mục đích cuối cùng của tình yêu: “anh em chớ mắc nợ nhau điều gì ngoài lòng thương mến.” (Rm 13, 8)

Xin Chúa giữ gìn các gia đình chúng con và ban cho các gia đình những ơn cần thiết để gìn giữ tình yêu thuỷ chung và yêu thương.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây