Bài học từ Công đồng Mục vụ Hòa Lan
Mặc dù Đức Thánh Cha và Tòa Thánh cảnh giác “Con đường Công nghị” về những sai trái, nhưng giới chủ trương và lãnh đạo Con đường này tỏ ra bất chấp và tiếp tục dẫn Giáo Hội Công giáo tại Đức tiến về một tương lai bấp bênh và sa sút. Họ đã không rút ra được bài học nào từ Công Đồng Mục vụ Hòa Lan.
Hiện tượng đáng lo âu
Thống kê mới nhất về việc thực hành đạo tại Hòa Lan không lạc quan tí nào: công bố của các Giám Mục Hòa Lan trước cuộc hành hương về Roma thăm Tòa Thánh (Ad limina) hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy số tín hữu Công Giáo thực hành đạo tại nước này chỉ có 2,7% trong năm 2022.
Tuy tại nhiều miền ở Âu Mỹ đều có hiện tượng xa lìa Kitô giáo, nhưng tại Hòa Lan tình trạng từ bỏ đức tin Công Giáo mạnh hơn so với các nước láng giềng. Một số chuyên gia nhận thấy sự sa sút trầm trọng này là hậu quả trực tiếp của Công đồng mục vụ toàn quốc Hòa Lan hồi thập niên 1960 sau Công đồng chung Vatican II do các giáo sĩ và thần học gia nhắm hiện đại hóa Giáo Hội bằng cách thay đổi đạo lý.
Theo phúc trình mới nhất của Hội Đồng Giám Mục Hòa Lan, quốc gia vốn có truyền thống theo Tin Lành Calvin, các tín hữu Công Giáo là nhóm Kitô hữu đông nhất tại nước này với 20,8% trong số hơn 17 triệu dân. Tuy nhiên số tín hữu Công Giáo thực hành đạo giảm hơn 1 phần 3, tức là 36% trong thời kỳ đại dịch Covid-19 từ 2019 đến 2022. Sự giảm sút hằng năm vào khoảng 6%.
Trong số những con số đáng báo động, số người chịu phép rửa tội giảm 2 phần 3 trong vòng 10 năm, tức là từ 19.680 trong năm 2012 xuống còn 6.300 trong năm 2021, và số hôn phối Công Giáo giảm gần 5 lần, từ 2.915 xuống còn 660 trong cùng thời gian đó.
Cách đây vài tháng, giáo phận Amsterdam thông báo hơn 60% nhà thờ trong giáo phận này sẽ bị đóng cửa trong vòng 5 năm tới đây vì số tín hữu đi nhà thờ giảm sút và giáo xứ không còn tài chánh do tín hữu đóng góp.
Nguyên nhân số tín hữu giảm sút
Nhận định về hiện tượng sa sút trên đây, Đức Hồng Y Willem Eijk, Tổng Giám Mục Utrecht, Giáo chủ Công Giáo, nói rằng tất cả 7 giáo phận toàn quốc đều bị tình trạng phải đóng cửa nhà thờ. Theo Đức Hồng Y, nguyên nhân sự giảm sút này bắt nguồn từ những biến cố trong thập niên 1960, với hậu quả là chỉ trong vòng 10 năm, từ 1965 đến 1975, số tín hữu đi nhà thờ giảm một nửa. Xu hướng này còn tiếp tục ngày nay tuy ở cường độ bớt thê thảm hơn so với 10 năm đầu. Tình trạng 60 năm đức tin liên tục bị hao mòn khiến Đức Hồng Y Eijk đi tới kết luận đau thương rằng: “Chúa Kitô đã trở nên một nhân vật kể như là xa lạ đối với hầu hết người Hòa Lan ngày nay”.
Trong phần thứ hai của thập niên 1960, một số đông người trẻ Công Giáo quyết định không đi nhà thờ Chúa Nhật nữa. Ngày nay họ trở thành ông bà nội ngoại. Họ rất ít thông truyền đức tin cho con cháu. Những tín hữu Công Giáo cao niên đang qua đi, và người trẻ Công Giáo, trong hầu hết các trường hợp, đều không xin rửa tội cho con cái nữa.”
Thêm vào đó, đời sống sung túc gia tăng mau lẹ tại Hòa Lan và các nước miền bắc Âu Châu láng giềng hồi đó cũng tạo điều kiện cho trào lưu cá nhân chủ nghĩa cao độ, và người dân tại các nước ấy có xu hướng không còn thấy sự siêu việt và thuộc về một cộng đoàn là điều cần thiết nữa.
Vai trò xúc tác của Công đồng mục vụ Hòa Lan
Nhiều học giả nhận định rằng không thể hiểu cuộc khủng hoảng đức tin sâu đậm tại Hòa Lan trong thế kỷ 20 nếu không để ý tới “Công đồng mục vụ”, một biến cố lớn của Công Giáo diễn ra từ năm 1966 đến 1970 tại thành phố Noordweijlerhout, ở miền tây Hòa Lan, sau Công đồng chung Vatican II.
Một trong các học giả vừa nói là Đức ông Paul Hamans, tác giả nhiều nghiên cứu về vấn đề này, trong đó có cuốn “Công đồng mục vụ của giáo tỉnh Hòa Lan 1966-1970”.
Đức ông Hamans kể lại rằng sau khi kết thúc Công đồng chung Vatican II, các Giám Mục Hòa Lan về nước và ủy thác cho Viện Mục Vụ của giáo tỉnh Hòa Lan (PINK) trách vụ phối hợp việc ứng dụng toàn quốc các quyết định của Công đồng. Viện Mục Vụ phát động sáng kiến gọi là “Công đồng mục vụ” gồm một loạt các cuộc họp công cộng, tham khảo ý kiến các nhà thần học và chuyên gia giáo dân thuộc các tầng lớp khác nhau, trong đó có những đề nghị “lạ thường” được đưa ra để đổi mới đức tin Công Giáo. Viện Mục vụ và một số thần học gia nghĩ rằng Công đồng chung Vatican II đã đoạn tuyệt Giáo Hội với quá khứ. “Họ cảm thấy được kêu gọi sáng chế Giáo Hội tương lai bằng cách giải thích các dấu chỉ thời đại, thay vì lấy Mặc Khải làm điểm khởi hành (...). Đề nghị hàng đầu của Công đồng mục vụ là bãi bỏ độc thân giáo sĩ, một đề nghị hoàn toàn trái ngược với Công đồng chung Vatican II vì Công đồng quyết định duy trì luật này”.
Đức ông Hamans kể rằng “Các Giám Mục bị sức ép. Đức Hồng Y Bernardus Johannes Alfrink [Tổng Giám Mục giáo phận Utrecht từ 1955 đến 1975] được gửi đến Roma để thu xếp với Tòa Thánh về việc bãi bỏ luật độc thân Linh Mục cho Hòa Lan”, nhưng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hai lần công khai bác bỏ yêu cầu này. “Đức Hồng Y Alfrink không được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến cho đến tháng 7 năm 1970 và là người đầu tiên tuyên bố không còn yêu cầu bãi bỏ luật độc thân”.
Theo Đức ông Hamans, sáng kiến không thành công này của Hòa Lan là kết quả sự giải thích sai trái ý niệm đoàn thể tính của hàng Giám Mục do Công đồng Vatican II cổ võ. Họ giải thích đặc tính này như một hình thức dân chủ và tham gia mà không để ý đến chỗ đứng đặc biệt của Đức Giáo Hoàng như trung tâm sự hiệp nhất của Giáo Hội.
“Các Giáo Hội giao sứ mạng của mình cho những người muốn kiến tạo một Giáo Hội khác ở Hòa Lan và tự bắt đầu việc cải tổ đó mà không tham khảo trung tâm của Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng và giáo triều Roma, mặc dù Tòa Thánh bắt đầu tham khảo hàng Giám Mục thế giới để tiến hành cải tổ Giáo Hội sau Vatican II”.
Những bài học cho thời đại chúng ta
Cha Elias Leyds, thành viên cộng đoàn thánh Gioan trong giáo phận Den Bosch, nói rằng sáng kiến Công đồng Mục Vụ được tiến hành song song với Sách Giáo Lý Hòa Lan - vốn bị Tòa Thánh công khai sửa sai - đã tạo nên hoang mang nơi các tín hữu, làm cho họ bất an trong đức tin và tạo nên hy vọng giả tạo nơi những người mong đợi có những thay đổi lớn trong đạo lý của Giáo Hội và họ bỏ đạo trong sự thất vọng.
Cha Leyds lấy làm tiếc vì Công đồng mục vụ, - mà cha coi là có can dự trực tiếp vào sự sụp đổ nặng để của đức tin tại Hòa Lan, - chính là một kiểu mẫu cho những sáng kiến về Giáo Hội gây tranh luận trên bình diện quốc gia và miền, kể cả “Con đường công nghị” tại Đức và Văn kiện mục vụ của các Giám Mục 5 giáo phận thuộc miền Flamand bên Bỉ về việc chúc lành cho các cặp đồng phái.
Theo cha Leyds, những người cổ võ các sáng kiến ấy, và một mức độ nào đó, những người tham gia con đường Công nghị, đang phạm những lỗi lầm vì không rút ra những bài học từ quá khứ. Cha nói: ”Những gì xảy ra tại Hòa Lan trong thập niên 1960 chứng tỏ có ước muốn được thoát ly khỏi Roma mà những vấn đề đạo lý có thể đưa tới... Ngày nay dường như có ”cuộc chiến cạnh tranh” giữa vài nước muốn đi tiên phong trong việc cải tổ Giáo Hội Công Giáo, nhưng chúng ta phải ý thức rằng điều này có thể dẫn tới thất bại ở các nơi, nhất là vì những người có đức tin không mạnh thì họ đã ra đi rồi, và họ sẽ không quay trở lại với Giáo Hội, vì họ đã được giới thiệu một thứ tôn giáo trống rỗng thực chất”.
Canh tân giữa khủng hoảng
Mặc dù nhìn nhận hậu quả xúc tác của Công Đồng mục vụ trong sự sa sút thê thảm của Giáo Hội Công Giáo tại Hòa Lan, Đức Hồng Y Eijk cũng nhận xét rằng tình trạng các Giáo Hội Tin Lành ở Hòa Lan cũng chẳng khá hơn và sự suy yếu đức tin là điều hiển hiện từ đầu thế kỷ 20 tại nước này.
Tuy vậy, Đức Hồng Y xác tín rằng một trong những hậu quả hữu ích của thập niên khủng hoảng là có sự nâng cao chất lượng đức tin của những người còn ở lại trong Giáo Hội: “Những người vẫn còn đi nhà thờ Chúa nhật, họ làm như vậy vì xác tín mạnh mẽ và có một tương quan bản thân với Chúa Kitô, và có đời sống cầu nguyện. Ngày nay càng ngày càng có nhiều sáng kiến tái loan báo Tin Mừng ở các giáo xứ địa phương ở Hòa Lan, quan tâm đến sự củng cố gia đình và thông truyền đức tin giữa các thế hệ. Chúng tôi nồng nhiệt hy vọng và cầu nguyện một ngày kia các thế hệ mới có thể là một thiểu số có khả năng tái Kitô hóa nền văn hóa Hòa Lan”.
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn