TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nguyễn Do với Tây Nguyên

Chủ nhật - 12/02/2023 20:03 | Tác giả bài viết: Gm. Aloisiô Nguyễn Hùng Vị |   712
Nguyễn Do là người khai mở con đường từ Bình Định lên Tây Nguyên và thiết lập làng Kon Tum thuộc Tỉnh Kon Tum ngày nay.

 NGUYỄN DO VỚI TÂY NGUYÊN

vn130223 Picture1

 

I. NGUYỄN DO LÀ AI?

Nguyễn Do là người khai mở con đường từ Bình Định lên Tây Nguyên và thiết lập làng Kon Tum thuộc Tỉnh Kon Tum ngày nay. Nguyễn Do sinh năm 1823 tại Họ đạo Đồng Hâu, nay thuộc Thôn Tân Thành, Xã Ân Tường Đông, Huyện Bồng Sơn, Tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ tu học ở quê nhà, sau được gửi đi du học tại Pinang, Malaysia. Học xong về nước phục vụ tại Bình Định, đời Giám mục Etienne Cuenot (Thể) (1802-1861).

Năm 1848, trong cảnh vua quan nhà Nguyễn cấm cách và bách hại đạo Công giáo, Giám mục Thể sai Nguyễn Do tìm cách mở một con đường xâm nhập miền Tây Nguyên là vùng đất hoang mà người sắc tộc bản địa sinh sống và ngoài quyền quản lý của Triều Đình Huế.

Khi nhận sứ vụ lên miền núi, Nguyễn Do được Giám mục phong cho chức Phó tế, là chức thánh thứ sáu trước khi lên chức linh mục1. Ý muốn của Giám mục Thể là tìm cho được chỗ định cư ở miền núi, truyền đạo cho người Thượng và dựng nhà đào tạo các ứng sinh linh mục ở đó trước khi các ứng sinh được gửi đi Penang học thần học, để có thể được thụ phong lên
chức linh mục. Nhưng trước mắt là tìm cho các nhà truyền giáo ngoại quốc cũng như bản địa nơi lẩn trốn mỗi khi chiến dịch lùng bắt của triều đình lên cao trào.

“Sau sáu tháng sống đời phiêu bạt, Thầy Sáu Do đã biết khá nhiều thổ ngữ của các dân tộc, đủ để có thể phiêu lưu một mình. Không còn lý do gì để ở lại làm công cho ông chủ lái buôn lâu hơn nữa. Vào một ngày đẹp trời, Thầy đã rời bỏ ông chủ và trở về tường trình cho Đức Cha những thành công bước đầu trong công việc của ngài. Thầy thử nhập vai một lái buôn thực thụ để có thể dấn sâu vào trong các bộ tộc thiểu số mà các lái buôn người Kinh chưa hề đặt chân đến. Đức Cha Kuênot đã tán thành và cho một nhóm chủng sinh chưa có chức thánh đi theo tháp tùng Thầy. Họ là bốn người bạn của Thầy2”.

Nhưng 'vạn sự khởi đầu nan', chuyến đi đầu tiên hoàn toàn thất bại. Vì khi đến xứ người Ha Drong (vùng Pleiku ngày nay), Nguyễn Do khám phá ra, với vẻ hiếu khách bên ngoài, người ta có ý định đến đêm sẽ cướp của và bắt anh em trong đoàn bán sang Lào làm nô lệ. Cho nên giữa đêm khuya, anh em phải 'bỏ của chạy lấy người'. Và phải vất vả ba, bốn ngày mới chạy về lại Gò Thị nơi Đức Cha đang trú ẩn trên đất An Nam.

'Thua keo này bày keo khác'. Lần này Nguyễn Do chọn con đường phía Bắc, xa hơn nhưng an toàn hơn vì ít người qua lại. Với môn bài của một lái buôn, Nguyễn Do lại lên đường. Trong đoàn có thêm một linh mục ngoại quốc đi theo là Pierre Combes (Bok Bê). Ngày nghỉ đêm di chuyển, vì không dám để lộ diện người Tây Phương. Đến khi tiến vào khu rừng thì đoàn người bị một đàn voi cản đường. Thế là bị voi rượt chạy. May chỉ có một người bị gãy sườn và không có ai chết. Tiếp đến là thời tiết xấu, mưa nhiều, suối ngập, đành quay về trong đói rét.

Sau khi được nghỉ 15 ngày, đoàn lại lên đường. Lần này trong đoàn lại có thêm một linh mục nữa tên là Fontaine (Bok Phẩm). Cuộc hành trình lên vùng cao kể như thuận lợi từ làng này sang làng khác nhưng không phải là không có những mối lo. Mối lo nhất là sợ gặp phải ông Kiơm (Kiêm), một người có thế lực và uy tín trong vùng, lại có mối liên hệ quyền thế với triều đình Huế.

Nhưng 'ghét của nào Trời trao của nấy' như người ta thường nói. Đoàn đang cố tránh ông Kiêm thì bất ngờ ông Kiêm lại xuất hiện tại làng Kon Phar3. Hai bên đều bất ngờ, sững sờ nhìn nhau, không thốt nên lời. Ông Kiêm ngạc nhiên khi thấy hai ông da trắng cao lớn, mũi lõ, chưa từng thấy trong đời. Đoàn truyền giáo thì như chết đứng vì sợ. Cũng may ông Kiêm lên tiếng trước, hỏi xem đoàn người từ đâu đến, đi đâu, và còn hứa cứ nói thật thì ông sẽ giúp. Phút chốc ông Kiêm biến hoá từ ông Ác thành ông Thiện. Cuối cùng ông Kiêm và Nguyễn Do kết nghĩa anh em với nhau và nhận hai người ngoại quốc là bố. Chính từ mối giao hảo và che chở của ông Kiêm mà đoàn truyền giáo mới có thể tiếp tục con đường chinh phục vùng Tây Nguyên. Bấy giờ là năm 1850.

Chừng vài tháng sau, đoàn tạm dựng lều ở làng Kơlang. Lều gồm 2 gian, một gian để ở và một gian làm nhà nguyện. Sau đó cho người liên lạc về Gò Thị Bình Định, và một đoàn khác gồm 15 người lại lên đường, trong đó có hai nhà truyền giáo người Pháp, đó là Linh mục Fontaine (bok Phẩm) và Linh mục Pierre Dourisboure (Bok Ân). Chuyến đi đỡ vất vả hơn, vì có người dẫn đường. Đầu năm 1851, các nhà truyền giáo gặp nhau và bắt đầu khám phá các làng trong vùng, để rồi lập cơ sở đầu tiên ở Kon Kơxâm. Thời gian đầu phải nói là rất khó khăn vì phong thổ, côn trùng, nước độc, sốt rét, kiết lỵ, ghẻ lở, đậu mùa, và nhất là thái độ mê tín, nghi kỵ và sợ hãi của người bản địa đối với những người xa lạ từ dáng vẻ cho đến tiếng nói, cũng như sự thù nghịch của các phù thủy.

Nhưng Kơxâm chưa là nơi phải đến. Chỉ thị của Giám mục Kuênot như sau: “Khi các Cha đến chỗ cách Kơlang một vài ngày đường về hướng Tây, nếu các Cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các Cha sẽ tìm thấy được vùng đồng bằng nào đó ở hai bên bờ sông4; các Cha hãy cắm lều ở đó và hãy biết rằng các Cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các Cha chăm sóc”5.

Trong khi chờ đợi, các nhà truyền giáo học tiếng. Thật là khó, “trên đời này, ít có điều gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có tự điển, không có sách ngữ pháp, không có người thông dịch; và nhất là những người nói ngôn ngữ đó lại là những người dân khốn khổ, hiểu biết hạn chế, trí khôn chậm phát triển”6. Dần dà mỗi người dùng mẫu tự la-tinh để phiên âm viết ra các từ học được, rồi so sánh với nhau để cuối cùng trở thành những chữ, những câu tiếng bahnar.

Nhờ đi tìm mua gạo mà các nhà truyền giáo biết được làng Kon Rơbang, xứ Rơngao, nơi đó họ đã nhận ra vùng đất hứa. Họ nói với nhau: “Cuối cùng, chúng ta cũng đạt được mục đích của cuộc thám hiểm. Xứ Rơngao thật đúng là miền đất đáp ứng được nguyện vọng của Đức Cha”7. Từ Kon Rơbang, họ lân la đến làng Rơhai và tìm cách lập một cứ điểm ở đó. Sau đó họ còn khám phá ra chỗ giao nhau của hai con sông Dak Bla và Pơkô, cũng như nhận ra có nhiều sắc dân khác nhau trên vùng Tây Nguyên này.


Khoảng cuối năm 1851, sau khi gửi tường trình cho Giám mục Kuênot về những khám phá của họ, họ được Giám mục phân công như sau8: Linh mục Bê (Combes) ở Kon Kơxâm với người Bahnar, phía Đông; Linh mục Đề (Desgouts) và Nguyễn Do ở Rơhai với người Rơngao, coi như trung tâm của vùng truyền giáo; Linh mục Ân (Dourisboure) ở Kon Trang với người Xêđăng, phía Bắc; Linh mục Phẩm (Desgouts) ở Plei Chŭ với người Jarai, phía Tây. Và từ đó, lúc thịnh lúc suy, việc truyền giáo cho người sắc tộc Tây Nguyên thành hình.


1 Vì thế mà Nguyễn Do còn được gọi là thầy Sáu Do. Đến năm 1852, từ Tây Nguyên trở về, Nguyễn Do được chịu chức linh mục.
2 Pierre DOURISBOURE, Les Sauvages Bahnars, De la Société des Missionnaires-Etrangères de Paris, édition 1929. Bản dịch Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng, 2010, tr. 17. Trong tài liệu này, các trích dẫn được lấy trong bản dịch Dân Làng Hồ này.
3 Pierre DOURISBOURE, SĐD, 'Chương III', tr. 28-35.
4 Đó là sông Dak Bla, chảy qua TP Kontum ngày nay.
5 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 59.
6 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 77.
 
II. CÔNG LAO CỦA NGUYỄN DO VÀ CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐỐI VỚI TÂY NGUYÊN.
1. Cầu nối giữa người Kinh và người sắc tộc

Đành rằng đã có nhiều người Kinh ở đồng bằng Miền Trung nước Annam lên Tây Nguyên làm ăn buôn bán, nhưng Nguyễn Do là người đầu tiên đi xa hơn hết về phía Tây, nơi chưa có người Kinh nào đặt chân đến. Và sở dĩ đoàn truyền giáo thành công trong cuộc chinh phục miền núi và tồn tại được nơi các bộ lạc dân tộc thiểu số nghi kỵ và thù nghịch là nhờ việc Nguyễn Do kết nghĩa được với các thủ lãnh và già làng các sắc tộc. Trước tiên là việc kết nghĩa anh em với Bok Kiêm9, một người có uy thế trong vùng và cả với triều đình Huế. Việc kết nghĩa đưa đến tình bằng hữu và “đối với người dân tộc chẳng khác chút nào so với tình liên hệ huyết thống”10. Các nhà truyền giáo còn cho biết: “Từ lúc đó, lòng tín nhiệm của Bok Kiêm dành cho chúng tôi chưa hề mai một, và trong khi tôi viết những dòng này, ông ấy vẫn là người bạn thiết thân của chúng tôi như buổi đầu gặp mặt. Trong những hoàn cảnh gay cấn nhất, ông đã luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi giải quyết những vấn đề hết sức gian lao. Chính nhờ ông mà về sau chúng tôi mới có thể bỏ con đường đầy chông gai phía Bắc và hoàn toàn lánh xa anh chàng Ba Ham quá quắt và tham lam. Chính Bok Kiêm dùng nô lệ và voi của mình để đảm trách vận chuyển, qua ngã An Sơn và qua các lái buôn người An-nam, mọi hàng hoá người ta gửi lên cho chúng tôi từ Địa phận Đàng Trong. Sau này các quan ở An-nam biết tin chúng tôi ẩn trú trên miền dân tộc, đã ra lệnh cho ông bắt giữ chúng tôi; nhưng ông đã biết cách ứng phó vô cùng khôn khéo, vừa làm hài lòng các quan vừa không xúc phạm tình bạn đối với chúng tôi”11. Ngoài ông Kiêm, rồi sau này Nguyễn Do còn kết nghĩa với ông Hmur chủ làng Kon Kơ Xâm, với ông Piunh chủ làng Tơbâu12. Qua đó chúng ta thấy được tính cách quan trọng của việc kết nghĩa anh em và sự khôn ngoan của Nguyễn Do vào thời điểm đó.
 
 
Ông Pim, con của ông Kiêm (Bok Kiơm), và gia đình của ông ta ở làng Plei Bông Mor. Ảnh: Jean-Mac Bel, 1897.
 
2. Lập làng kiểu mẫu và nông trại

Khi đã xác định được nơi phải định cư, thì Nguyễn Do và các nhà truyền giáo tìm cách dựng nhà và lập xóm, sau thành làng. Trước tiên, họ muốn định cư ở Kon Rơbang, nhưng thấy dân Kon Rơbang không mấy thiện chí theo đạo nên đi nơi khác. Nguyễn Do sau khi lên chức linh mục được chỉ định ở làng Brêng13 năm 1853. Thấy làng này không có cảm tình với đạo, Nguyễn Do lập một làng mới, đặt tên là Rơhai (nơi có nhiều giọt nước), bên cạnh làng Brêng: “Cha Do hằng cố gắng hết sức khuyên dạy dân làng Brêng trở lại đạo, nhưng luống công. Nên ngài chẳng hao công tốn của ra sức chuộc lại những người Thượng nô lệ, ra công dạy dỗ họ cho họ biết tin thờ Chúa, gây dựng nhà cửa cho họ và cho ở riêng một nơi gần làng Brêng, để dễ giữ đạo và khỏi chung đụng làm việc mê tín với làng Brêng.

Lúc đầu còn ít, lần hồi thêm đông, nên lập làng riêng gọi là làng Rơhai”14. Vị trí của làng Rơhai ngày xưa chính là khu vực nhà thờ Tân Hương ngày nay. Dân làng Rơhai đã dời qua bên kia sông vào những năm 1932, nơi họ đang ở.

Sau đó, năm 1856, Nguyễn Do lập một làng mới là làng Kon Tum, nằm về phía đông Rơhai: “Cha Do sai em của ngài là thầy Thám và thầy Lai đem người nhà đi phát dọn chỗ gần bàu nhỏ phía bên này gọi là Dak Tum, cách làng Rơhai độ hơn một cây số. Hai thầy đã vâng lời Cha Do lo coi sóc việc nương rẫy cùng dựng nhà cho thanh niên Thượng nhà Cha Do ở làm ở đó. Chẳng bao lâu, người nhà Cha Do đến ở đó làm rẫy cũng đã đông và lập thành một xóm nhỏ. Khi Cha Hòa bỏ cơ sở truyền giáo Bơnông qua, thì Cha Bề trên Bê chỉ định Cha Hòa ở lại xóm nhỏ do Cha Do khởi sự lập làng ở đó. Cha Hòa ở được ít lâu, ngài khuyên được làng Moer ở phía bên kia Dak Tum dời qua phía bên này ở gần ngài. Làng Moer vốn đã muốn ở gần Dak Tum cho tiện bề kiếm cá, nên khi nghe Cha Hòa khuyên, họ liền chịu ngay. Cha Hòa chỉ nơi có vọt nước tốt để họ làm nhà, và từ đó đến nay, ở luôn một chỗ đó cùng gọi là làng Kon Tum”15.

 
 
 

 
Nhà thờ Kontum năm 1918 (chưa có tháp). Ảnh MEP.

 
 
 
Nhà thờ Chính tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ) ngày nay, 13 Nguyễn Huệ, Thành phố Kon Tum
 
Tiếp theo, vì thiếu đất canh tác nên Nguyễn Do phải lập thêm làng: “Vì xung quanh đó không còn đất chưa canh tác, vả lại không có phương tiện để khai thác các ruộng nước ven sông theo cách thức người Kinh quen làm, nên Cha Do buộc lòng cho phát quang những khu rừng khá xa chỗ ở. Hằng ngày những người nông dân này phải sớm đi chiều về, thấy đường quá xa, nên họ dựng vài chòi tranh tại chỗ để ngủ qua đêm. Họ chỉ trở về vào ngày thứ Bảy, để Chúa nhật nghỉ ngơi và tham dự Thánh lễ. Cũng có một số gia đình dân tộc thấy đất đai mầu mỡ, bèn xin Cha Do đến ở với người làm của ngài. Đối với Cha Do, thì không còn gì quan tâm hơn cho bằng lập được một làng mới, nên ngài đã niềm nở đón tiếp họ. Đó là lý do hình thành làng Dak Kấm...16” cách làng Rơhai nơi cha Do đang ở khoảng 10 cây số.

Năm 186317, Bok Ân coi sóc Kon Kơxâm thay Bok Bê (chết 1857), thấy Kon Kơxâm vì là vùng đồi núi không thể phát triển được. Phải theo cách của Nguyễn Do thôi. Ngài thấy rằng: “Làng Kon Kơxâm, nơi mà các rẫy lúa đền nằm trên các sườn đồi chẳng mấy tươi tốt, sẽ không có khả năng trở thành một làng lớn được, và nhất là trong một địa hình quá dốc dác, gồ ghề như ở đây thì không dễ gì sử dụng cày bừa”18. Thế rồi năm 186619, Bok Ân quyết định ra đi lập làng mới, sau khi đã tìm ra vùng đất lý tưởng, cho dù nhiều người ngăn can. Năm đầu tiên phát rẫy, làm nhà, mọi người hợp tác làm việc chung với nhau. “Sau vụ mùa, vì mỗi gia đình đều có nhà riêng, nên họ yêu cầu tôi phân chia lúa cho họ dựa theo số nhân khẩu. Suốt năm 1867, mọi người đã sống đoàn kết và vui vẻ hơn bao giờ hết. Nếu có chút bất Hòa nào, tôi chỉ nói một tiếng thì mọi sự trở lại yên lành.[...] Làng mới của tôi dứt khoát đã được thành lập và lấy tên là Jơri Krong”20, cách Kon Jơdreh vài cây số.

Năm 1867, một nhà truyền giáo khác tên Besombes (Bok Kính) bắt chước Bok Bê đi lập làng Touer (Tơwer): “Vốn trước Cha Kính rủ người làng Kon Kơxâm đi lập làng ấy, song họ không chịu, nên ngài đi rủ người làng Kon Xơlăng, [...]. Khoảng đầu năm 1867, Cha Kính đem hết người nhà của Cha, tất cả được 18 người, qua phía Touer đến dọn phát rừng cất nhà chỗ gần hai con suối gọi là Dak Ong và Dak Troi. Chỗ này bằng phẳng cao ráo, đất đai khá tốt.[...] Cha Besombes Kính cất nhà xong, và rẫy người làm tốt lắm, trông đến mùa sẽ được nhiều lúa, dân làng sẽ được ấm no, nên ai nấy đều vui mừng”21.

Những bằng chứng nói trên cho thấy Nguyễn Do và các nhà truyền giáo đã đi tiên phong, làm gương trong việc lập ra các làng kiểu mẫu, đem lại sự ổn định cho xóm làng và ấm no cho người dân.

3. Mở đường
 
Trước khi Nguyễn Do có mặt trên Tây nguyên, thì việc đi lại rất khó khăn. Dân cư thưa thớt, các làng sinh hoạt biệt lập với nhau. Các con đường mòn dễ mất dấu vì cây rừng phát triển nhanh hoặc sau khi đã phát rẫy. Vì thế mà rất hay đi lạc vì mất phương hướng. Bok Ân kể lại kinh nghiệm: “Vả lại tôi tính đến trưa là tới nơi rồi. Nửa buổi sáng, mọi sự đề tốt đẹp. Tôi sung sướng sải bước. Khoảng mười giờ, tôi đến một nơi mà anh em dân tộc vừa đốn rừng ngay trên con đường mà tôi vẫn thường đi. Khi nói đến đường thì phải hiểu là lối mòn mà mắt thường khó thấy, nếu trong vòng mười lăm ngày mà không ai lui tới thì nó không còn là lối đi nữa. Nếu tôi quyết định đi vòng quanh đám cây bị đốn ngã đó thì có nguy cơ tôi mất dấu đường mòn. Để chắc ăn hơn, tôi đi xuyên qua đám cây đang nằm ngổn ngang. Thế là tôi bước vào mê hồn trận với những cây to bị đốn ngã. Tôi vạch lối đi xuyên qua các cành lá, bước qua những thân cây chồng chất lên nhau, dùng cả chân lẫn tay mới thoát qua khỏi đống hỗn độn ấy. Mặc dù hết sức chú ý, tôi cũng bị lạc mất dấu đường”22. Kết luận là: “Trong một khu rừng mà người ta không biết rõ lắm thì không gì nguy hiểm hơn là lạc mất đường mòn. Chắc chắn ta sẽ không còn biết định hướng nữa và sẽ liều đi theo sự may rủi. Đã xảy ra cho tôi như thế”23.

Chính vì thế, khi đã ổn định và khi đã có phương tiện di chuyển thì phải nghĩ đến làm đường. Sau khi đã lập làng Dak Kấm, Nguyễn Do cho làm một con đường nối từ đó về Trung tâm Rơhai. Bok Ân đã cho biết: “Cha Do đã làm một con đường rất đẹp nối liền hai làng Rơhai và Dak Kấm”24. Đó chính là con đường Trần Phú thẳng tắp hiện nay trong bản đồ Thành phố Kon Tum.

 
 
Nhà thờ Phương Hòa bên kia sông Đăk Bla, năm 1920 và ngày nay (Phường Nguyễn Trãi, Tp Kon Tum ngày nay). Ảnh: MEP.

Về phía Đông Nam, cũng có một con đường khác nối liền làng Jơri Krong với Rơhai, nhờ đó mà việc giao thông được thuận lợi hơn rất nhiều. Cũng chính Bok Ân cho biết: “[...] hiện nay trong nhà chúng tôi còn có gà, heo, dê, bò, trâu, chim câu, cả vài chú ngựa và voi nữa. Nhưng để cưỡi ngựa phải có đường đi. Cho đến nay, tôi chưa thể đi đến đâu bằng ngựa, ngoại trừ đi từ nhà tôi đến nhà Cha Do ở Rơhai. Chúng tôi đã làm một con đường rất đẹp nối liền hai địa điểm này. Chúng tôi dùng voi để chuyển đồ nặng; sau mùa gặt, voi chở lúa từ đồng về làng”25.
 
Cho bất cứ một vùng đất nào, muốn có phát triển thì phải nghĩ đến hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống đường sá, giao thông. Điều này càng đúng cho quê hương ngày nay.

4. Đổi mới tư duy và cách làm nông nghiệp
 
Trước khi Nguyễn Do và các nhà truyền giáo có mặt tại Tây Nguyên, đồng bào các sắc tộc chỉ biết đốt rẫy và gieo trồng cách thô sơ kiểu chọc trỉa. Thường thường người đi trước mỗi tay cầm một cây đầu vạt nhọn đâm xuống đất, người đi sau bưng hạt giống và thả giống xuống lỗ đã chọc sẵn rồi lấy chân lấp lại. Việc làm rẫy rất vất vả, nặng nhọc và hoàn toàn lệ thuộc vào mùa mưa. Năng suất lại thất thường tuỳ năm. Việc dùng sức kéo trâu bò và canh tác ruộng nước là điều xa lạ chưa hề biết đến.

Vậy khi Nguyễn Do và các nhà truyền giáo lập làng kiểu mẫu thì cũng đồng thời phổ biến cách canh tác mới, tập cho dân làng biết cày cấy ruộng nước và sử dụng trâu bò như những người ở miền xuôi: “Trước tiên là Cha Do thường lo tập cho người Thượng biết cày bừa, gieo vãi. Vì người Thượng chỉ nhờ đôi tay mà làm rẫy, chứ không biết sử dụng trâu bò cày bừa ra sao cả, nên dù họ làm nhiều mà vẫn thường hay bị đói. Thêm vào đó họ hay mê tín, tin rằng: thần linh sinh ra trâu bò là để cho loài người dùng mà ăn thịt, không nên bắt nó làm việc trái ý thần, ắt sẽ bị trời đánh chết”26. Việc làm của Nguyễn Do đem lại kết quả nhãn tiền: “Lần lần, các Cha khác cũng bắt chước Cha Do làm như vậy. Người Thượng thấy người nhà các Cha bắt trâu bò làm việc cách dễ dàng như vậy và thu được nhiều lúa bắp, mà không thấy thần nào giận, cũng chẳng thấy sét đánh ai bao giờ, nên mới bắt chước và xin các Cha giúp mua trâu bò cày bừa, và sai người tập tành chỉ vẽ cho”27.

Về phía Bok Ân ở làng Jơri Krong cũng vậy: “Năm sau, sự thịnh vượng càng gia tăng hơn nhờ việc áp dụng những tiến bộ quan trọng trong canh tác nông nghiệp. Lần đầu tiên, các tân tòng của tôi tra tay cày đất. Tôi cũng đã có thể kiếm được một chú voi rất tuyệt từ bộ tộc Hadrong; rồi bán lại cho triều đình Huế lấy tám nén bạc, với số tiền này, tôi đã mua được nhiều nông cụ. Vì các gia đình dân tộc không thể mua sắm mọi vật dụng cần thiết trong một lần, nên tôi đã cho họ mượn trâu, bò và nhiều dụng cụ lao động khác. Anh em người Kinh của tôi cũng đi làm giúp họ, nay cho nhà này, mai cho nhà kia, để tập cho họ làm quen với việc cày bừa và canh tác ruộng nước. Mặt khác, các anh em dân tộc ở các làng lân cận cũng thường đến xem người của chúng tôi làm việc, và đến mùa thu hoạch họ đều ngạc nhiên trước sự trù phú và dồi dào lúa thóc của chúng tôi”28.

 
Cày ruộng tại Kontum; theo một tấm ảnh của Cha Jannin.
Ảnh: báo Les Missions Catholiques năm 1900.
 
 
Trâu kéo bừa ở Rơhai (Kontum) - Ảnh: MEP 1911
 
Cối xay lúa, đậu…Các linh mục ở Kon Tum cải tiến nông nghiệp; theo một tấm ảnh của linh mục Jannin.

5. Hòa giải chiến tranh và giải thoát nô lệ

Cuộc sống của những sắc dân hoang dã giữa chốn rừng xanh chắc chắn theo định luật tự nhiên mạnh được yếu thua. Tham lam, mất mùa, nghi kỵ, thù hằn, đó là những lý do đưa đến những cuộc chiến tranh và cướp bóc triền miên giữa các sắc tộc, thậm chí giữa các làng, với nhau. Ngay từ đầu khi các nhà truyền giáo đến Tây Nguyên, họ đã đứng ra Hòa giải tranh chấp và chuộc lại các nô lệ, nuôi dưỡng để trở thành những người giúp việc trong nhà.

Những người dân tộc đầu tiên gần gũi với Nguyễn Do có lẽ thuộc thành phần nô lệ được chuộc lại: “[Cha Do] chẳng quản hao công tốn của ra sức chuộc lại những người Thượng nô lệ, ra công dạy dỗ họ biết tin thờ Chúa, gây dựng nhà cửa cho họ...29

Bok Ân kể: “Đến chiều, chúng tôi đến làng Môtông. Ở đó, chúng tôi chúng tôi lại gặp một nguy hiểm nghiêm trọng khác. Ngày hôm trước dân làng đã đi giao chiến với một làng khác và họ đã giết được một kẻ thù, việc hiếm thấy trong các trận chiến vô nghĩa của người Bahnar”30.

Câu chuyện của em Pat cũng cho thấy sự bi đát của chiến tranh: “Gia đình của Pat định cư ở làng Kon Xơku, vùng Kon Kơxâm. Dân làng này đang có chiến tranh kéo dài suốt nhiều năm nay với dân làng Hơjol. Một ngày kia, dân làng Hơjol được cư dân nhiều làng Xêđăng khác tăng cường, đã tấn công làng Kon Xơku giữa ban trưa. Tất cả những gia đình khác trong làng đều vắng nhà, họ đi làm ngoài đồng. Hôm đó chỉ có gia đình của Pat ở nhà, không đi làm. Ông nội, bà nội và các anh chị của Pat, người bị giết chết, người bị bắt bán sang Lào. Cha của Pat đã phải trả giá đắt cho mạng sống của mình. Thằng bé vừa mới biết đi, ông buộc nó trên lưng với một tấm khăn theo kiểu người dân tộc thường làm. Tay cầm dao, ông xông vào giữa quân địch. Nhưng không bao lâu, ông ngã quỵ, mình đầy vết đâm chém. Những kẻ thắng trận đã đem Pat đi, nuôi nó ít năm để được giá hơn, rồi đem bán nó tại làng Kon Trang đúng vào lúc tôi dọn sang nhà mới. Lúc ấy, Pat độ chín tuổi. Tôi đã mua và giữ nó lại với tôi”31.

Hai làng kiểu mẫu Rơhai và Jơri Krong được coi như trung tâm miền truyền giáo lúc bấy giờ. Hai nơi này quy tụ một nhóm nhỏ gia nhân người Kinh và các gia đình Bahnar- Rơngao. Sắc dân Bahnar hiền lành luôn bị đe doạ bởi người Xêđăng phía Bắc và người Jarai (Hadrong) phía Nam; họ gây chiến để cướp bóc của cải và bắt người đem bán sang nước Lào.

Bok Ân kể lại: “Ba lần người Xêđăng đã lên đường tấn công chúng tôi. Họ muốn bắt đầu từ cơ sở Rơhai. Vì nghĩ rằng một khi trọng điểm này bị tiêu diệt, thì các nơi còn lại sẽ không thể nào chống trả nổi”32. Đối với người Hadrong cũng nguy hiểm không kém: “Chính ở triền núi phía Nam của dãy núi này, cách sông Mơtông khoảng hai ngày đường, có một đồng bằng mênh mông do bộ tộc Hadrong chiếm đóng. Những người dân tộc này rất hiếu chiến, dã man và hung bạo hơn tất cả các bộ tộc khác mà tôi từng biết. Đất đai của họ rất tốt, dễ canh tác, nhưng thường chỉ có đàn bà chăm lo công việc đồng áng thôi, còn đàn ông thì họp nhau thành từng nhóm và đi thật xa quấy nhiễu người Bahnar đáng thương. Cứ mỗi lần xuất quân là họ kiếm được vài tù binh, hoặc bắt làm nô lệ cho họ hoặc bán sang Lào.[...] Ở cạnh người Hadrong là một tai hoạ thường xuyên đối với người Bahnar; chỉ nghe cái tên Hadrong thôi cũng đủ làm trẻ em Bahnar rùng mình khiếp sợ”33.

Dù sống trong cảnh thù địch, nhưng Nguyễn Do và các nhà truyền giáo biết cách giao Hòa với kẻ thù. Một lần kia, làng Hàmòng, về phía Xêđăng, bắt người nhà của Nguyễn Do và đòi tiền chuộc rất nhiều trong lúc Nguyễn Do vắng nhà. Ở Trung Châu trở về, biết được sự việc Nguyễn Do rất bực mình, nhưng khi bình tĩnh lại thì cho người đi thương lượng: “Bok Do sai tôi đi nói với các người: 'Ông không khi nào làm mất lòng dân làng, cũng không nợ nần hay là có việc gì đụng chạm với các người mà các người hà hiếp, bắt bớ và sỉ nhục ổng như vậy. Nay ổng cậy tôi đến đòi các người trả của lại cho ổng, nếu các người nghe, thì ổn sẽ làm lành với các người, bằng không, chắc ổng sẽ gây sự với các người, lúc đó các người đừng trách ổng'. Người đó nói thêm: 'Dân làng hãy trả của và bồi thường phạt tạ ổng cho rồi, vì ổng có nhiều voi, nhiều súng, và phía bên ổng có nhiều người giỏi giang, can đảm lắm, nếu các người không chịu, chắc phải tan nát làng'. Lũ Hàmòng nghe vậy thì sợ mà xin trả lại cho ngài 30 cái nồi. Rồi hai bên đập heo ăn thề làm Hòa với nhau. Từ đó về sau, dân làng Hàmòng hằng giữ lời hứa và ăn ở Hòa thuận với các Cha luôn cho đến bây giờ, và cũng được nhận biết đạo Chúa nữa”34.

Trong vùng Xêđăng, hai làng Rơđe và Kon Trang có sự tranh chấp. Làng Kon Trang có năm người bị bắt làm binh. Bok Ân tình nguyện đi giảng hoà. Mọi người đều cười nhạo, cho là ý tưởng điên rồ vì chưa có tiền lệ. Nhưng hãy nghe Bok Ân kể: “Tôi ra đi. Không những dân làng Rơđe không làm hại gì đến tôi mà họ còn tỏ ra phấn khởi vì tôi đã đặt niềm tin nơi họ. Hai ngày tôi ở lại Rơđe là hai ngày lễ hội. [...] Dân làng Rơđe đã lắng nghe những lời đề nghị của tôi. Các tù binh đã được chuộc về, và Hòa bình chung cuộc đã được nối kết giữa hai làng”35.

 
     
 
Những tù binh Sêđăng và tù binh Jơlơng. Ảnh MEP.

Đối với người Hadrong (Jarai) cũng vậy: “Một hôm, khi Cha Besombes [Bok Kính] đi ra rừng để kiếm măng hay săn bắn gì đó, thì bọn Hadrong xông vào chỗ anh em dân làng đang làm việc và cướp đi một thiếu nữ. [...] Vị thừa sai không hề bối rối chút nào, ngài trấn an họ rằng thiếu nữ bị bắt cóc sẽ được trả về. Khi đã biết chắc chắn quân cướp đó ở làng nào, ngài liền sai hai người Kinh đến đó với thông điệp như sau: 'Cô gái này là người nhà của Cố Kính. Nếu Cố Kính đã làm gì bất công với các ngươi thì các ngươi hãy nói ra. Còn nếu không có lý do chính đáng nào mà các ngươi bắt lấy cô gái thì các ngươi hãy lo trả lại cho Cố Kính ngay lập tức'. Kỳ lạ thay! Có lẽ đây là lần đầu tiên bọn Hadrong đã trả lại người chúng đã bắt. Tiếng đồn về việc này lan ra khắp xứ, và danh tiếng của Cha Besombes vốn đã vang dội, nay lại thêm nổi như cồn. Anh em làm việc với ngài hoàn toàn được vững tâm, tiếp tục công việc đầy phấn khởi hơn bao giờ hết”36.

6. Phá bỏ mê tín, dị đoan, phù thuỷ

Các sắc dân khi chưa tiếp xúc với cuộc sống văn minh thì sống trong cảnh lo âu, sợ hãi đủ thứ. Sống giữa chốn rừng xanh, họ sợ các hiện tượng thiên nhiên, sợ thú dữ, sợ kẻ thù, sợ hồn người chết, sợ các thần linh mà họ gọi là các yang. Vì sợ cho nên phát sinh các thứ kiêng kỵ, mê tín, dị đoan. Muốn được bình an, khỏi bệnh, thì phải cúng cho các yang từ gà, heo, dê, cho đến trâu; nhiều khi rất tốn kém. Và có một lớp người lợi dụng sự sợ hãi đó để trục lợi, đó là các phù thuỷ, được gọi là các bơdâu. Những người này quả là đáng sợ, vì có thể kết án tử cho một người vô tội xấu số nào đó.

Từ khi Nguyễn Do và các nhà truyền giáo đến Tây Nguyên đồng hành với các người sắc tộc, dần dà chỉ cho họ thấy các trò mê tín dị đoan là không đúng, chẳng có yang nào phạt những vi phạm điều cấm kỵ và lột mặt nạ các trò lừa dối của các bơdâu.

Người sắc tộc tin vào tiếng chim kêu để đoán ra điềm lành điềm dữ để xuất hành. Bok Ân kể: “Lần đầu tiên người Xêđăng tập hợp được khoảng bốn trăm người để đi tấn công chúng tôi. Họ đi được vài giờ thì nghe tiếng chim kêu báo hiệu điềm xấu. Các vị anh hùng của chúng ta đã đừng bước, bàn bạc và đi đến kết luận là rút lui, chờ ngày có điềm báo tốt hơn!'37. Nhưng có khi nghe chim báo điềm lành thì lại gặp nhiều rủi ro bất hạnh, đến nỗi Bok Ân phải mỉa mai: “Này, bạn còn tin vào khoa chim bói nữa không?”38.

Vì có óc mê tín nên người sắc tộc có rất nhiều linh vật để thờ cúng: “Mỗi gia đình đều có linh vật và đôi khi có rất nhiều. Các linh vật này được xem là có chứa đựng 'yang' (thần linh). Giữ gìn chúng cẩn thận và thỉnh thoảng cúng tế cho chúng thì sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình.[...] Linh vật được mến chuộng nhất và gìn giữ tốn kém nhất, đó là linh vật lúa gạo. Khi gieo lúa, lúc lúa còn non, khi bắt đầu gặt hái, lúc lúa đã vào kho lẫm, khi bắt đầu ăn lúa mới, đều phải cúng tế; thường là cúng gà và hơn nữa, tuỳ trường hợp, có khi là cúng heo, dê và đôi lúc cúng cả trâu nữa. Trước khi người ta dám ăn thịt các con này, người ta lấy máu của chúng vảy trên linh vật lúa gạo, rồi cũng vảy trên các linh vật khác nữa, do mối liên hệ cùng tồn tại và vì phép lịch sự
thôi.[...] Việc bảo quản các linh vật này gây ra nhiều tốn kém cho anh em dân tộc. [...] Các linh vật được gìn giữ trong một các túi đan bằng tre và treo trên cột chính trong nhà. Ghè đựng rượu được buộc vào chân cột này để cho hơi men luôn xông lên mũi các thần linh đang ở trong túi”39.

Khi muốn theo đạo mà các nhà truyền giáo giới thiệu, thì người dân tộc phải vượt qua cái sợ mà từ bỏ các yang và cụ thể là các linh vật của họ. Những người đầu tiên theo đạo phải rất can đảm và phải có niềm tin tưởng lớn lao vào các nhà truyền giáo. Ví dụ như ông Hmur, người Bahnar: “Ông Hmur, tay cầm bao chứa các linh vật, bước vào nhà Cha Combes (Bok Bê). Vừa vào nhà, ông ta trút ngược các bao và các linh vật đáng thương rơi xuống đất như những viên đá tầm thường. Một số đông anh em dân tộc ngoại giáo đã chứng kiến hành động này. Tôi thấy trên khuôn mặt của một vài người dấu hiệu của sự kinh hãi”40. Sau khi đã tòng giáo, ông Hmur phải ném các linh vật xuống sông: “Khi ném các linh vật xuống sông, ông Hmur bớt vẻ nghiêm nghị và nói lớn tiếng để bà con của ông cũng nghe được: 'Hỡi các linh vật, hãy nói lời vĩnh biệt với mọi đồ cúng, vĩnh biệt gà, heo, dê và trâu'“41.

Các việc mê tín dị đoan là các tập tục cổ truyền không ai dám thay đổi vì sợ bị thần linh phạt. Chính nhà truyền giáo phải can đảm đứng ra đánh tan cái sợ đó: “Thật vậy, chỉ sợ mà những người dân tộc tuân giữ các tập tục cổ truyền thôi. Họ sợ gánh chịu cơn thịnh nộ của thần linh nếu bỏ qua các tập tục đó. Cất bỏ nỗi sợ hãi khỏi họ thì cũng gần như là mở tai, mở lòng họ đón nhận lời giảng dạy của nhà truyền giáo”42.

Bok Ân chứng minh bằng việc làm cụ thể là đứng ra lập làng mới mà không phải theo nghi thức nào: “Trong việc xây dựng làng mới, tập tục mê tín dị đoan buộc phải tuân giữ gắt gao nhất là khâu dựng cột nhà, sắp đặt bếp lò và việc múc nước uống lần đầu tiên nơi mạch nước mới. Tôi tự nguyện đảm nhận cả ba việc này mà bỏ qua các nghi thức thông dụng, và xin gánh chịu tất cả các hình phạt sẽ trút xuống trên đầu vì việc cẩu thả xem thường của tôi. Dân làng đồng ý”43. Mọi sự diễn ra tốt đẹp, Bok Ân vẫn sống vui và dân làng lại vui mừng vì không tốn kém gì cả: “Khi mọi sự như quy định, anh chị em dân tộc làng Pơnăng sung sướng vì đã được giải thoát khỏi một mớ những tập tục nặng nề và tốn kém. Họ đã biểu lộ niềm hân hoan và lòng biết ơn bằng cách đãi tiệc mời tôi”44.

Đối với nạn phù thuỷ cũng vậy, chính nhà truyền giáo phải đứng ra đương đầu và thách thức để có thể lột mặt nạ của sự gian dối45. Sau khi bị lật tẩy, “toàn thân lão bơdâu run lẩy bẩy; cử toạ sửng sốt đến trông thấy. Tôi đã lợi dụng sự xúc động này để vạch trần sự lừa đảo của tất cả các bơdâu: 'Hỡi anh chị em Xêđăng đáng thương, đây là những người mà anh chị em đã tin tưởng cách mù quáng, và những người này đã làm cho anh chị em phạm phải vô số điều bất công'...”46.

 
Những linh vật của người sắc tộc.
Phòng Truyền Thống Giáo Phận Kon Tum

8. Sáng tác chữ viết cho người sắc tộc
 
Trước khi Nguyễn Do và các nhà truyền giáo lên Tây Nguyên thì các sắc dân Bahnar, Rơngao, Xêđăng, Jarai không có chữ viết. Nền văn chương truyền khẩu có thể rất phong phú nhưng cũng dễ mất đi với người quá cố hoặc dễ bị 'tam sao thất bổn'. Vì không có chữ viết nên có rất nhiều dị biệt, tuy là nhỏ, giữa làng này với làng kia trong cùng một sắc dân trong cùng một vùng.
 
Và chúng ta cũng biết các nhà truyền giáo phải vất vả thế nào để có thể học được các thổ ngữ, tạo ra chữ viết và dạy lại cho chính những người bản địa. Điều chắc chắn là các nhà truyền giáo đã có được những kinh nghiệm khi đến Việt Nam tiếp xúc với chữ quốc ngữ. Bản thân chữ quốc ngữ cũng là sáng tác của các thế hệ của các nhà truyền giáo đi trước, là dùng mẫu tự la-tinh để phiên âm tiếng Việt. Các chữ viết của các sắc dân ở Tây Nguyên ngày nay cũng được hình thành theo kiểu như thế.

Bok Ân kể lại những ngày đầu học tiếng bahnar: “Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải tiếp cận họ. Nhưng 'dục tốc bất đạt', thay vì cùng vào làng một lượt với nhau, chúng tôi chỉ xin ông Hmur nhận ba người vào ở nhà ông để học tiếng bahnar. Ông đã vui vẻ nhận lời”47. Đó là niềm vui lớn vì có ông Hmur cho phép đến nhà, vì trước đó dân làng thấy các người lạ thì họ sợ; các nhà truyền giáo phải sống xa họ, sống trong rừng.

Bok Ân kể tiếp: “Trên đời này, ít có điều gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có tự điển, không có sách ngữ pháp, không có người thông dịch; và nhất là những người nói ngôn ngữ đó lại là những người dân khốn khổ, hiểu biết hạn chế, trí khôn chậm phát triển”48.
 
Dĩ nhiên học những từ cụ thể thì không khó, chỉ cần lấy tay chỉ đồ vật và hỏi cái này gọi là gì rồi ghi vào sổ. Nhưng những từ trừu tượng thì có vấn đề: “Nhưng nếu là những gì trừu tượng thuộc lĩnh vực trí tuệ hay luân lý, tất cả những gì mà giác quan không thể tiếp xúc được thì bạn phải tự mình đoán lấy. Nếu tình cờ bạn nghe được một từ thuộc loại này, rồi đem so sánh với nhiều hoàn cảnh khác nhau mà bạn nghe áp dụng, bạn tưởng mình đã tạm nắm được nghĩa của từ đó. Thế nhưng, vài ngày sau, bạn lại thấy nghĩa đó là sai hoặc chưa đúng lắm! Nhưng chớ có nhờ người dân tộc giải thích! Để giải thích một từ nào đó, họ chỉ biết lặp lại từ đó mà thôi. Ví dụ bạn hỏi: 'Tin' là gì? Họ sẽ trả lời: 'Tin' nghĩa là tin. Tốt lắm! Nhưng hãy giải thích một cách khác đi, 'Tin' có nghĩa như thế nào? Kìa tôi quả quyết với bạn 'Tin' có nghĩa là tin mà! Có hỏi thêm nữa cũng vô ích, vì họ sẽ rất ngạc nhiên thấy bạn không thể hiểu nổi 'Tin' có nghĩa là tin. Đơn giản thế thôi mà”49.

Đây là công việc rất kiên nhẫn: “Cha Combes (Bok Bê), Cha Fontaine (Bok Phẩm) và tôi (Bok Ân), chúng tôi dọn đến nhà ông Hmur. Sáng sớm và chiều tối là thời gian duy nhất trong ngày mà anh em dân tộc ở nhà. Chúng tôi lên nhà rông để học vài ba từ bahnar. Mỗi người cầm bút chì và một mảnh giấy, ngay khi tưởng là đã nắm được nghĩa của một từ thì vội ghi lại. Đến lúc anh em dân tộc đã đi rẫy hoặc đi ngủ, thì ba anh em chúng tôi họp lại để so sánh những điều chúng tôi đã ghi lại, và thống nhất những điều mà chúng tôi đã học được, hoặc tưởng là đã hiểu được.[...] Sau một tháng rưỡi ở nhà ông Hmur, chúng tôi có được một quyển sổ lớn ghi các từ, nhưng phần nhiều là những từ ít giá trị”50.
Công việc miệt mài và dài hơi của các nhà truyền giáo dần dà đem lại lợi ích cho hậu thế, đặc biệt là cho đồng bào sắc tộc bahnar: họ đã có được chữ viết. Từ đó họ có tự điển và các loại sách: sách đạo cũng như sách đời.

 
 
Từ điển Bahnar-Pháp của Lm Dourisboure (cố Ân) xuất bản năm 1889

 
Trường Kuenot – trường học tập trung đầu tiên ở Kon Tum năm 1908
 
 
Tờ báo tiếng Bahnar xuất bản năm 1911

III. KẾT

Người xưa nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vùng đất Tây Nguyên51 được sáp nhập vào Việt Nam là nhờ sự có mặt của người Kinh từ đất An-nam lên làm ăn sinh sống, mà người tiên phong khai phá là Nguyễn Do, một tu sĩ công giáo. Ngày nay, ở Việt Nam, khi nhắc tới Vùng đất Phương Nam thì phải nhớ đến Nguyễn Hữu Cảnh; khi nói tới Đà Lạt thì thường nhớ đến bác sĩ Yersin; cho nên khi nói tới Kon Tum thì phải nhớ đến Nguyễn Do. Có thể mục đích của các cuộc khai phá có khác nhau, nhưng tính mạo hiểm và sự hy sinh buổi đầu không phải là ít. Vì thế việc tưởng nhớ công lao và sự đền ơn đáp nghĩa cho Thầy Nguyễn Do không phải là việc chính đáng sao?
 
Al. Nguyễn Hùng Vị Giám mục Kon Tum
(Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận) (1932 -2022)


 

9 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 31-33.
10 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr.33.
11 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 33-34.
12 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 90.

13 P. BAN và S. THIỆT, Mở Đạo Kon Tum, Imprimerie de Quinhon, 1933, Bản hiệu đính năm 2020, tr. 85.
14 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 86. Hiện nay, làng Rơhai dời sang bên kia sông Dak Bla về phía Nam, cách chỗ cũ khoảng 3 km.
15 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 106 107.
16 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 140-141.
17 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 139.
18 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 263.
19 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 265.
20 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 267. Gốc của làng Kon Jơdred ngày nay.
21 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 141-142.
22 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 107-108.
23 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 108.
26 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 150.
27 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 150.
28 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 267.
29 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 86.
30 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 82.
31 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 124-125.
32 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 249.
33 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 254.
34 P. BAN và THIỆT, SĐD, tr. 149.
35 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 196.
36 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 256-257.
37 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 249.
38 X. Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 100-101.
39 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 136-137.
40 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 137.
41 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 138.

42 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 218-219.
43 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 219.
44 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 220.
45 X. Pierre DOURISBOURE, SĐD, chương XXII, tr. 198-205.
46 Pierre DOURISBOURE, SĐD, tr. 203.
47 Pierre DOURISBOURE, SĐD, 77.
48 Pierre DOURISBOURE, SĐD, 77.
49 Pierre DOURISBOURE, SĐD, 77-78.
50 Pierre DOURISBOURE, SĐD, 79.
51 Vùng đất Tây Nguyên như “vô chính phủ”, triều đình Huế “không với tới”!

 
 

Tải về tại đây!

Gm. Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
Nguồn: giaophankontum.com (08.02.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây