TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đạo đức trong Internet

Chủ nhật - 15/05/2022 06:45 | Tác giả bài viết: |   819
Đạo đức trong Internet – Tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội
 

HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

ĐẠO ĐỨC TRONG INTERNET

 

I. NHẬP ĐỀ

II. ĐÔI ĐIỀU VỀ INTERNET

III. MỘT SỐ LĨNH VỰC ĐÁNG QUAN TÂM

IV. MỘT VÀI LỜI KHUYÊN VÀ KẾT LUẬN

 

I. NHẬP ĐỀ

1. “Cuộc cách mạng trong truyền thông xã hội hiện nay bao gồm sự định hình lại cách căn bản những yếu tố mà xưa nay con người vẫn dựa vào để nhận thức thế giới chung quanh mình, kiểm chứng và diễn tả những gì mình nhận thức. Hình ảnh và tư tưởng lúc nào cũng có sẵn, truyền đạt những hình ảnh và tư tưởng ấy cách nhanh chóng từ lục địa này sang lục địa khác, những sự kiện ấy đã để lại những hậu quả sâu xa, tích cực lẫn tiêu cực trên sự phát triển tâm lý, luân lý và xã hội của con người, hay trên cơ chế và sự vận hành của các xã hội, trên sự truyền thông giữa các nền văn hoá, sự nhận thức và chuyển giao các giá trị, các thế giới quan, các ý thức hệ và các niềm tin tôn giáo”[1].

Sự thật của những lời trên đây đã trở nên sáng tỏ hơn bất kỳ thập niên nào khác. Ngày nay, người ta không cần phải cố gắng nhiều để tưởng tượng ra trái đất là một quả cầu đang rì rầm liên kết chặt chẽ với nhau bằng những sóng truyền điện tử - một hành tinh đang nói chuyện với nhau và được ôm ấp trong khoảng không gian thinh lặng bao la. Vấn đề đạo đức đặt ra là tất cả những điều ấy có đóng góp gì cho sự phát triển nhân bản đích thật và có giúp gì cho các cá nhân cũng như các dân tộc trở nên trung thực với định mệnh siêu việt của mình hay không.

Và dĩ nhiên, câu trả lời sẽ là có, xét về mặt này hay mặt nọ. Các phương tiện truyền thông mới đúng là những dụng cụ mạnh mẽ để giáo dục và làm phong phú đời sống văn hoá, để hoạt động thương mại và tham gia chính trị, để đối thoại và thông cảm giữa các nền văn hoá; như chúng tôi đã nêu ra trong tài liệu đi kèm với tài liệu này[2], chúng cũng giúp cho tôn giáo. Nhưng đồng tiền này cũng có mặt trái của nó. Các phương tiện truyền thông có thể được dùng vì ích lợi của cá nhân, cộng đồng, nhưng cũng có thể được dùng để khai thác, lôi kéo, áp chế và làm hư hỏng.

2. Internet là phương tiện truyền thông mới nhất và xét về nhiều mặt, đó cũng là phương tiện mạnh mẽ nhất trong tổng số các phương tiện truyền thông như điện tín, điện thoại, truyền thanh, truyền hình. Đối với nhiều người, những phương tiện này cũng đã giúp họ loại bỏ dần trở ngại thời gian và không gian cho việc truyền thông trong hơn một thế kỷ qua. Internet đã tạo nên những hậu quả rất lớn trên cá nhân, quốc gia và thế giới.

Trong tài liệu này, chúng tôi muốn đưa ra một quan điểm Công giáo về Internet như một bước khởi đầu cho Giáo Hội tham gia vào cuộc đối thoại với các bộ phận khác trong xã hội, nhất là đối thoại với các tập thể tôn giáo khác, xét về sự phát triển và sử dụng công cụ kỹ thuật tuyệt vời này. Hiện nay, Internet đang được sử dụng vào nhiều việc rất tốt, và còn hứa hẹn nhiều việc tốt hơn nữa, nhưng cũng có nhiều thiệt hại có thể xảy ra là do sử dụng sai Internet. Có lợi hay có hại, đều tuỳ thuộc vào vấn đề lựa chọn - một sự lựa chọn mà khi thực hiện Giáo Hội nhắc nhở người ta phải lưu ý tới hai yếu tố hết sức quan trọng: Giáo Hội dấn thân bênh vực phẩm giá con người và Giáo Hội có cả một truyền thống lâu dài về sự khôn ngoan luân lý[3].

3. Cũng như đối với các phương tiện truyền thông khác, con người và cộng đồng luôn là tâm điểm để ta nhìn vào mà đánh giá Internet về mặt đạo đức. Đối với thông điệp được truyền đi, quá trình truyền thông, cơ chế và các vấn đề liên quan đến hệ thống truyền thông, “nguyên tắc đạo đức căn bản vẫn là: con người và cộng đồng con người chính là mục tiêu và thước đo việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; việc truyền thông nên diễn ra từ người này sang người nọ để phát triển toàn diện con người”[4].

Công ích - hay “tổng số các điều kiện xã hội giúp con người, tập thể hay cá nhân, đạt được sự phát triển mỹ mãn và dễ dàng hơn”[5] - chính là nguyên tắc căn bản thứ hai để đánh giá việc truyền thông xã hội về mặt đạo đức. Nguyên tắc ấy nên được hiểu ngầm như một nguyên tắc tóm tắt tất cả những mục tiêu chính đáng mà các thành viên trong cộng đồng đã cùng nhau cam kết thi hành, và cộng đồng này tồn tại chính là để thực hiện, duy trì các mục tiêu ấy. Lợi ích của các cá nhân tuỳ thuộc lợi ích chung của các cộng đồng mà các cá nhân ấy thuộc về.

Đức tính giúp con người bảo vệ và phát huy công ích chính là tình liên đới. Đó không phải là thứ tình cảm “thương hại mơ hồ hay đau buồn nông cạn” trước những trục trặc của người khác, nhưng là “một sự quyết tâm kiên định và bền bỉ dấn thân đi tìm công ích, tức là dấn thân đi tìm điều tốt cho mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều có trách nhiệm với tất cả mọi người”[6]. Ngày nay, tình liên đới mang chiều kích quốc tế mạnh mẽ và rõ ràng; nói tới ích chung của thế giới là điều đúng, và làm việc cho ích chung của thế giới là điều bắt buộc.

4. Ích chung của thế giới, đức tính liên đới, cuộc cách mạng trong các phương tiện truyền thông và trong công nghệ thông tin cũng như Internet, tất cả đều nằm trong tiến trình toàn cầu hoá.

Trên một bình diện rộng lớn, công nghệ mới này đang thúc đẩy và hỗ trợ việc toàn cầu hoá, tạo ra một tình huống trong đó “thương mại và truyền thông không còn bị trói buộc bởi các ranh giới nữa"[7]. Điều này để lại nhiều hậu quả vô cùng quan trọng. Toàn cầu hoá có thể làm gia tăng của cải và hỗ trợ sự phát triển; nó đem lại những lợi ích như “sản xuất có hiệu quả và gia tăng… các dân tộc đoàn kết với nhau hơn… phục vụ cho gia đình nhân loại tốt hơn”[8]. Chỉ tiếc là những lợi ích ấy cho đến nay chưa được san sẻ cách đồng đều. Một số cá nhân, một số công ty thương mại và một số quốc gia đã giàu lên đáng kể, nhưng nhiều cá nhân, công ty và quốc gia khác bị tụt lại phía sau. Thậm chí toàn bộ nhiều quốc gia bị khai trừ gần như hoàn toàn khỏi tiến trình này, không có lấy một chỗ đứng trong cái thế giới mới đang hình thành ấy. “Toàn cầu hoá đã làm thay đổi sâu xa các hệ thống kinh tế bằng cách tạo ra những khả năng phát triển hết sức ngỡ ngàng, nhưng cũng dẫn tới kết quả là nhiều người bị gạt ra bên lề: như tình trạng thất nghiệp tại các nước đã phát triển và tình trạng cực kỳ nghèo túng tại rất nhiều nước ở Nam bán cầu đã tiếp tục làm cho hàng triệu người bị tụt lại đằng sau, không được hưởng sự tiến bộ và thịnh vượng”[9].

Rõ ràng là ngay cả các xã hội đã tham gia vào tiến trình toàn cầu hoá cũng phải chấp nhận tiến trình ấy như một điều phải tự nguyện lựa chọn. Ngược lại, “nhiều người, nhất là những người bị thiệt thòi, coi tiến trình ấy như một điều áp đặt trên mình, hơn là như một tiến trình mà mình có thể tích cực tham gia”[10].

Tại nhiều nơi trên thế giới, tiến trình toàn cầu hoá đang thúc đẩy xã hội thay đổi nhanh chóng và toàn diện. Đây không chỉ là một tiến trình kinh tế, mà là một tiến trình văn hoá có những mặt tích cực mà cũng có những mặt tiêu cực. “Những ai bị lệ thuộc vào tiến trình này đều coi toàn cầu hoá là dòng thác lũ có sức công phá đe doạ tới các chuẩn mực xã hội xưa nay vẫn bảo vệ họ, cũng như đe doạ tới các điểm tham chiếu của văn hoá xưa nay đã cho cuộc sống họ có một hướng đi… Những thay đổi trong công nghệ và trong các quan hệ làm việc diễn tiến quá nhanh, tới mức các nền văn hoá không thể nào đáp ứng kịp”[11].

5. Một hậu quả quan trọng khiến cho những năm gần đây bị xáo trộn chính là có sự chuyển dịch quyền hành từ các tổ chức quốc gia sang các tập đoàn xuyên quốc gia. Các tập đoàn này cần được khuyến khích và hỗ trợ để biết tận dụng năng lực của mình phục vụ lợi ích của nhân loại; muốn thế, cần phải có sự truyền thông và đối thoại nhiều hơn giữa các tập đoàn ấy với các tổ chức có liên hệ như Giáo Hội chẳng hạn.

Việc sử dụng công nghệ thông tin mới và Internet cần phải được thông báo, hướng dẫn bởi quyết tâm cùng liên đới thực hiện việc phục vụ công ích trong các quốc gia và giữa các quốc gia. Công nghệ mới này có thể là một phương tiện giúp giải quyết các vấn đề con người, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện con người, tạo ra một thế giới được điều khiển bởi công lý, hoà bình và tình yêu. Còn hơn cả 30 năm về trước, khi Huấn thị mục vụ về các Phương tiện Truyền thông Xã hội là Hiệp thông và tiến bộ nhấn mạnh điều ấy, ngày nay, các phương tiện truyền thông đã có khả năng làm cho mọi người ở bất cứ nơi nào trở thành “người đối tác trong công cuộc kinh doanh của loài người”[12].

Đây là một viễn cảnh rất bất ngờ. Internet có thể giúp làm cho viễn cảnh ấy trở thành sự thật - cho cá nhân, tập thể, quốc gia và cả nhân loại - với điều kiện nó phải được sử dụng theo các nguyên tắc đạo đức minh bạch, lành mạnh, nhất là theo đức tính liên đới. Làm được như thế sẽ có lợi cho hết mọi người, vì “có một điều mà ngày nay chúng ta biết rõ hơn ngày xưa đó là: chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc và sống an bình nếu không có nhau, càng không được như thế nếu người này chống lại người kia”[13]. Đây cũng là một cách biểu lộ tinh thần đạo đức hiệp thông đó, tinh thần này yêu cầu phải có “khả năng nhìn ra điều tích cực nơi người khác, hoan nghênh và quý trọng điều ấy như một món quà do Chúa tặng ban”, cùng với khả năng “chừa chỗ cho anh chị em mình, “mang lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6,2) và chống lại những cám dỗ ích kỷ luôn rình rập chúng ta"[14].

6. Việc phổ biến trên Internet cũng đặt ra một số vấn đề đạo đức như bảo vệ sự riêng tư, an toàn và cẩn mật đối với các dữ liệu, quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ, hình ảnh khiêu dâm, những địa chỉ thù nghịch, tung tin đồn và sát nhân dưới chiêu bài cung cấp thông tin, nhiều vấn đề khác nữa. Chúng tôi sẽ trình bày vắn tắt dưới đây, nhưng vẫn nhìn nhận rằng các vấn đề ấy cần phải được phân tích và tranh luận thêm bởi những bên có liên quan. Dù sao, một cách căn bản, chúng tôi không coi Internet chỉ là một nguồn phát sinh biết bao vấn đề; chúng tôi muốn coi đó là một nguồn đem lại nhiều lợi ích cho loài người. Nhưng những lợi ích ấy chỉ có thể được thực hiện trọn vẹn khi các vấn đề kia được giải quyết.

II. ĐÔI ĐIỀU VỀ INTERNET

7. Internet có một số đặc điểm gây kinh ngạc. Nó có tính tức thời, trực tiếp, rộng khắp thế giới, không tập trung, tương tác, có thể mở rộng đến vô tận về nội dung lẫn phạm vi, uyển chuyển và thích nghi tới mức đáng kể. Nó còn bình đẳng, theo nghĩa bất cứ ai có trang thiết bị cần thiết, khả năng kỹ thuật một chút đều có thể tham gia một cách tích cực vào không gian ảo, đưa ra thông điệp của mình cho thế giới và yêu cầu được mọi người lắng nghe. Nó cho phép mỗi cá nhân giữ sự nặc danh, đóng đủ mọi vai trò, tha hồ tưởng tượng, tham gia vào sinh hoạt chung với người khác và chia sẻ với người khác. Tuỳ theo sở thích của người sử dụng, nó đưa người ta vào sự tham gia tích cực, nhưng cũng có thể thụ động buông mình trong “một thế giới ái kỷ, ái tôn với những yếu tố kích thích có thể tạo ra những hậu quả gần như say nghiện”[15]. Người ta có thể dùng Internet để phá vỡ sự cô lập của cá nhân và của tập thể, nhưng cũng có thể dùng nó để đào sâu hơn sự cô lập ấy.

8. Cấu hình kỹ thuật mà Internet dựa vào có liên quan đáng kể trên các mặt đạo đức của Internet: người ta có khuynh hướng sử dụng Internet theo như nó đã được thiết kế, và thiết kế theo mục đích mà mình muốn sử dụng. Thật ra, hệ thống “mới mẻ” này đã có từ thời chiến tranh lạnh vào những năm của thập niên 1960, khi người ta tìm cách vô hiệu hoá những cuộc tấn công hạt nhân bằng cách tạo ra một mạng máy điện toán phi tập trung để cất giữ các dữ liệu tối quan trọng. Không tập trung vào một chỗ nào, đó chính là chìa khoá cho loại hình hoạt động này, vì người ta lý luận rằng bằng cách đó, một hay thậm chí nhiều máy điện toán có bị mất thì các dữ liệu cũng không bị mất.

Viễn cảnh lý tưởng về một sự tự do trao đổi thông tin và tư tưởng quả là một sự đóng góp rất đáng khen cho sự phát triển Internet. Nhưng cấu hình không tập trung vào một chỗ và thiết kế các trang Web (World Wide Web – mạng lưới trải rộng toàn cầu) theo kiểu không tập trung vào những năm cuối thập niên 1980 cũng cho thấy cách làm việc này thích hợp cho những ai có đầu óc chống đối bất cứ sự can thiệp hợp pháp để khỏi chịu trách nhiệm đối với công chúng. Và thế là chủ nghĩa cá nhân thái quá trong việc sử dụng Internet đã xuất hiện. Đây đúng là một lĩnh vực hoạt động mới, một miền đất tuyệt vời của không gian ảo, nơi đó người ta được phép phát biểu tuỳ thích và quy luật duy nhất tại miền đất này là mỗi người được tự do làm gì tuỳ thích. Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là cộng đồng duy nhất với quyền hạn và lợi ích được công nhận trong thế giới ảo chính là cộng đồng của những người chủ trương tự do triệt để. Cách suy nghĩ này vẫn còn ảnh hưởng nhiều nơi một số giới, dựa trên những lập luận quen thuộc của tự do triệt để, mà người ta cũng hay dùng để bênh vực các hình ảnh khiêu dâm và bạo lực trong các phương tiện truyền thông nói chung[16].

Dù những người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan và các nhà doanh nghiệp rõ ràng thuộc về hai nhóm khác nhau, nhưng vẫn có một sự đồng nhất quyền lợi giữa những người muốn Internet trở thành một nơi cho mình phát biểu mọi sự dưới mọi hình thức, bất kể sự phát biểu đó đồi bại và phá hoại tới mức nào, với những người muốn Internet trở thành phương tiện chuyên chở mọi hoạt động thương mại không bị một chút cản trở nào theo đúng kiểu của chủ nghĩa tân tự do, “lấy lợi nhuận và luật thị trường làm tham số duy nhất của mình, cho dù phương tiện này làm thiệt hại tới phẩm giá cũng như sự tôn trọng phải dành cho các cá nhân và các dân tộc”[17].

9. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm gia tăng các khả năng truyền thông của một số cá nhân và tập thể được ưu đãi gấp nhiều lần. Internet có thể giúp con người, khi biết sử dụng một cách có trách nhiệm sự tự do và dân chủ, mở rộng phạm vi lựa chọn trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống, khuếch trương chân trời giáo dục và văn hoá, phá vỡ những chia rẽ, đẩy mạnh sự phát triển con người bằng nhiều cách. “Dòng chảy tự do những hình ảnh và lời nói trên bình diện toàn cầu đang biến đổi không những các quan hệ chính trị và kinh tế giữa các dân tộc, mà còn biến đổi cả sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Internet đã mở ra một loạt các khả năng mà cho tới bây giờ không thể nào nghĩ được”[18]. Một khi cùng dựa trên những giá trị chung xuất phát từ bản tính con người, sự đối thoại giữa các nền văn hoá, mà nhờ Internet và các phương tiện truyền thông xã hội khác giúp thực hiện, sẽ có thể là “một phương tiện đặc biệt để xây dựng nền văn minh tình thương”[19].

Nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật. “Điều này nghịch lý là chính những lực lượng có thể giúp cho sự truyền thông tốt đẹp hơn lại cũng có thể làm con người càng thêm tập trung vào mình và đánh mất chính mình"[20]. Internet có thể hợp nhất mọi người nhưng cũng có thể chia rẽ mọi người, những cá nhân hay những tập thể nghi ngờ nhau, bị phân cách do ý thức hệ, chính trị, quyền sở hữu, nòi giống và chủng tộc, sự khác biệt giữa các thế hệ và tôn giáo. Internet đã từng được dùng theo một cách gây hấn, gần như một vũ khí chiến tranh; người ta cũng đã nói tới nguy cơ của “chủ nghĩa khủng bố ảo”. Thật là mỉa mai cách đau đớn, nếu dụng cụ truyền thông này vốn có đủ năng lực để liên kết mọi người với nhau, lại quay trở về với nguồn gốc xưa của nó trong thời kỳ chiến tranh lạnh và trở thành một đấu trường cho sự xung đột quốc tế.

III. MỘT SỐ LĨNH VỰC ĐÁNG QUAN TÂM

10. Có một số điều đáng quan tâm về Internet đã hàm chứa trong những gì chúng ta đã nói từ đầu đến bây giờ.

Một trong những điều quan trọng nhất và đáng quan tâm, mà ngày nay người ta thường gọi, là sự phân chia theo kỹ thuật số - tức là một hình thức phân biệt người giàu với người nghèo trong một nước hay giữa các quốc gia với nhau, căn cứ trên mức độ tiếp cận nhiều hay tiếp cận ít với công nghệ thông tin mới mẻ này. Hiểu như thế thì đây là một cách trình bày cập nhật về một sự phân cách đã cũ giữa “người giàu thông tin” và “người nghèo thông tin”.

Kiểu nói “phân chia theo kỹ thuật số” cho thấy một sự kiện: các cá nhân, tập thể, quốc gia phải tiếp cận với công nghệ mới này thì mới có thể được chia sẻ những lợi ích đã hứa hẹn của việc toàn cầu hoá, sự phát triển và không bị tụt lại đàng sau. “Sự phân cách giữa những người hưởng dùng được những phương tiện thông tin và phát biểu mới mẻ với những người không tiếp cận được những phương tiện ấy… không được biến thành một nguồn bất công và kỳ thị khác không thể khống chế được”[21]. Cần phải tìm ra những phương cách làm cho Internet đến được với những tập thể chịu bất lợi nhiều hơn, một cách trực tiếp hoặc ít ra bằng cách nối kết Internet với những phương tiện truyền thông cổ truyền rẻ tiền hơn. Không gian ảo phải trở thành nguồn cung cấp thông tin toàn diện và những dịch vụ phong phú mà không phải trả tiền cho tất cả cũng như xuất hiện trong rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các cơ quan quần chúng có trách nhiệm phải thiết lập và duy trì các địa chỉ Internet theo lối này.

Trong lúc nền kinh tế toàn cầu mới mẻ đang thành hình, Giáo Hội mong muốn làm sao “người thắng cuộc trong tiến trình toàn cầu hoá ấy sẽ là toàn thể nhân loại nói chung”, chứ không chỉ “một nhóm ưu đãi giàu có kiểm soát từ khoa học, công nghệ đến các tài nguyên của hành tinh”; nói thế có nghĩa là - Giáo Hội mong muốn “có một sự toàn cầu hoá phục vụ con người toàn diện và tất cả mọi người”[22].

Đến đây, chúng ta cần ghi nhớ rằng nguyên nhân và hậu quả của tình trạng phân cách ấy không phải chỉ diễn ra ở góc độ kinh tế mà còn về cả kỹ thuật, xã hội và văn hoá. Chẳng hạn, có một sự phân cách nữa trên Internet là phân cách một cách bất lợi cho các phụ nữ, và sự phân cách này cũng cần phải được khép lại.

11. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những chiều kích văn hoá của những gì đang diễn ra. Là những dụng cụ mạnh mẽ trong tiến trình toàn cầu hoá, công nghệ thông tin mới và Internet sẽ truyền đạt và giúp làm cho người ta thấm nhuần một loạt các giá trị văn hoá - như những cách suy nghĩ về quan hệ xã hội, gia đình, tôn giáo, thân phận con người - những giá trị này vừa mới mẻ vừa hấp dẫn có thể thách thức, lấn át các nền văn hoá truyền thống.

Dĩ nhiên, tổ chức các cuộc đối thoại và đào sâu giữa các nền văn hoá là một điều rất đáng ao ước. Thật vậy, “đối thoại giữa các nền văn hoá là điều ngày nay hết sức cần thiết, vì công nghệ truyền thông mới đang có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống của các cá nhân và các dân tộc”[23]. Nhưng công việc này phải diễn ra hai chiều. Các nền văn hoá có rất nhiều điều để học lẫn nhau, vì thế, nếu chỉ áp đặt thế giới quan, các giá trị và thậm chí ngôn ngữ của nền văn hoá này đối với nền văn hoá kia thì đó không phải là đối thoại mà chỉ là xây dựng chủ nghĩa đế quốc về văn hoá.

Sự thống trị văn hoá sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng khi nền văn hoá thống trị ấy mang tới những giá trị giả tạo, có hại cho lợi ích chân chính của cá nhân và tập thể. Thực tế mà nói, Internet cũng như nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác, đang truyền đi những thông điệp đầy ắp những giá trị của nền văn hoá thế tục bên phương Tây cho những dân tộc và những xã hội nhiều khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để đánh giá và đương đầu. Thế là có nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh, như những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình đang trải qua “một cuộc khủng hoảng triệt để và tràn lan”[24] tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong hoàn cảnh ấy, cần phải biết nhạy cảm về văn hoá và biết tôn trọng các giá trị cũng như các niềm tin của các dân tộc khác. Cần phải tổ chức đối thoại giữa các nền văn hoá để “bảo vệ những nét riêng của các nền văn hoá ấy, coi chúng như những cách biểu hiện mang tính lịch sử và đầy sáng tạo diễn tả sự hợp nhất sâu xa của gia đình nhân loại… cũng như để duy trì sự hiểu biết và hiệp thông giữa các nền văn hoá”[25]. Có như thế mới xây dựng và nuôi dưỡng được ý thức liên đới quốc tế.

12. Vấn đề tự do phát biểu trên Internet là một vấn đề cũng rất phức tạp và có thể gây ra nhiều mối quan tâm khác.

Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ sự tự do phát biểu và tự do trao đổi ý kiến. Tự do tìm kiếm sự thật và hiểu biết sự thật là một quyền căn bản của con người[26], cũng như tự do phát biểu là một nền móng xây dựng chế độ dân chủ. “Nếu biết tôn trọng trật tự luân lý và ích lợi chung, con người có quyền tìm biết sự thật, bày tỏ, giới thiệu quan điểm riêng của mình… Con người cần được thông tin cách trung thực về các vấn đề liên quan tới ích chung”[27]. Công luận - “một hình thức diễn tả cơ bản của bản tính con người có tổ chức trong xã hội” - đòi hỏi cách triệt để sự “tự do bày tỏ ý kiến và thái độ”[28].

Trước những yêu cầu nói trên đây của công ích, chúng tôi rất tiếc cho những thế lực nào đã tìm cách ngăn chặn không cho công chúng tiếp cận thông tin - trên Internet hay trên các phương tiện truyền thông xã hội khác - vì thấy chúng có thể đe doạ hay làm mình lúng túng, hoặc tìm cách vận động dân chúng bằng việc tuyên truyền hay bóp méo thông tin, hoặc cản trở sự tự do chính đáng của người dân muốn phát biểu và lên tiếng. Các chế độ độc đoán chính là những người vi phạm tệ hại nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề trên đây cũng xuất hiện trong các nước dân chủ tự do, vì tại đó khả năng tiếp cận các phương tiện thông tin để bày tỏ lập trường chính trị lại tuỳ thuộc vào sự giàu có, cũng như các nhà chính trị, các người cố vấn thường hay vi phạm sự trung thực và công bình bằng cách trình bày sai về đối thủ và thu gọn các vấn đề vào hướng châm chọc, mỉa mai người khác.

13. Trong hoàn cảnh mới này, báo chí cũng đang chịu nhiều sự thay đổi sâu xa. Kết hợp các công nghệ mới với việc toàn cầu hoá đã “làm tăng thêm quyền lực cho các phương tiện truyền thông, nhưng cũng làm cho chúng dễ bị lệ thuộc các áp lực ý thức hệ và thương mại”[29], điều này cũng đúng cho ngành báo chí.

Internet là một dụng cụ có hiệu suất rất cao để mang tin tức và thông tin đến cho con người cách nhanh chóng. Nhưng do cạnh tranh về kinh tế và do bản chất làm việc suốt ngày đêm, việc làm báo qua Internet cũng góp phần gây kích động bằng tin giật gân và phao tin đồn nhảm, tổng hợp các tin tức, quảng cáo, giải trí một cách hổ lốn, cũng như càng ngày càng bớt nghiêm túc trong việc tường thuật và bình luận. Làm báo một cách ngay thẳng cốt yếu là nhằm vào lợi ích chung của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Những vấn đề hiện nay đã thấy xuất hiện trong việc làm báo qua Internet đòi hỏi chính các nhà làm báo phải mau chóng sửa chữa những sai sót.

Số lượng quá lớn của các thông tin trên Internet, trong số đó có nhiều thông tin không được đánh giá cao về độ chính xác và thích đáng, đang là vấn đề đặt ra cho nhiều người. Chúng ta cũng cần phải quan tâm làm sao cho người ta không dùng khả năng công nghệ của các phương tiện truyền thông để sàng lọc các thông tin chỉ vì muốn tạo ra những hàng rào điện tử không cho tiếp nhận những tư tưởng mà mình không quen. Đó là một sự phát triển thiếu lành mạnh trong một thế giới đa nguyên, khi người ta cần hiểu biết nhau mỗi ngày một hơn. Trong lúc những người sử dụng Internet có nghĩa vụ phải lọc lựa, tự kềm chế để không sử dụng Internet tới mức nhốt mình khỏi tiếp xúc với người khác. Những hậu quả của phương tiện truyền thông này đối với sự phát triển tâm lý và sức khoẻ đòi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, kể cả việc nghiên cứu xem dìm mình trong thế giới không gian ảo quá lâu có thể làm hại cho một số người hay không. Dù có nhiều lợi ích khi có nhiều khả năng do công nghệ ấy mang lại là “tập hợp được những khối thông tin và dịch vụ chỉ dành cho mình”, nhưng điều ấy cũng “đặt ra một vấn đề không thể tránh được: khán thính giả tương lai có phải sẽ chỉ là tổng số các khán thính giả của một người không?... Tình liên đới sẽ ra sao – hay tình yêu sẽ ra sao – trong một thế giới như thế?”[30].

14. Đi kèm theo những vấn đề có liên quan đến quyền tự do phát biểu, tính chính xác, trung thực của tin tức, cùng việc chia sẻ ý kiến và thông tin, đó cũng là một loạt những quan tâm nữa do chủ nghĩa tự do quá trớn mang lại. Chủ trương tự do cực đoan vừa sai lầm vừa có hại – ít nhất là có hại cho quyền tự do phát biểu chính đáng để phục vụ chân lý. Sai lầm là ở chỗ đề cao tự do “tới mức tự do trở thành một điều tuyệt đối, là nguồn của mọi giá trị… Bằng cách đó, những yêu sách không thể tránh được của chân lý sẽ không còn nữa, và thay vào đó, người ta chỉ lo tìm cách chứng tỏ mình chân thành, trung thực và ‘cảm thấy bình an đối với chính mình’”[31]. Thế là không còn chỗ cho cộng đoàn đích thực, cho ích chung và cho tình liên đới trong lối suy tư ấy.

IV. MỘT VÀI LỜI KHUYÊN VÀ KẾT LUẬN

15. Như chúng ta đã thấy, đức tính liên đới là thước đo xem Internet phục vụ công ích như thế nào. Đây là ích lợi chung mà dựa vào đó chúng ta sẽ xem xét vấn đề đạo đức sau đây: “Các phương tiện truyền thông đang được sử dụng cho điều tốt hay điều xấu?”[32].

Nhiều cá nhân và tập thể phải chịu trách nhiệm chung trong việc này – chẳng hạn, các tập đoàn xuyên quốc gia mà chúng ta đã có dịp nhắc tới. Mọi người sử dụng Internet đều phải sử dụng Internet một cách có hiểu biết và kỷ luật, cho các mục tiêu tốt đẹp về mặt luân lý; cha mẹ nên hướng dẫn, giám sát việc sử dụng của con cái[33]. Trường học và các cơ quan hay chương trình giáo dục khác cần huấn luyện trẻ em và người lớn biết sử dụng Internet một cách có suy xét thận trọng như một phần trong chương trình giáo dục đầy đủ về các phương tiện truyền thông, bao gồm cả việc huấn luyện không những các khả năng kỹ thuật – một kiểu “thông thạo vi tính” hay tương tự như vậy – mà cần có khả năng biết đánh giá nội dung Internet một cách hiểu biết và có suy xét thận trọng. Những ai biết quyết định, hành động của mình sẽ góp phần định hình cho cơ chế và nội dung của Internet, có nghĩa vụ hết sức nghiêm túc là thực hành tình liên đới để phục vụ công ích.

16. Nên tránh để cho các chính phủ kiểm duyệt trước: “Kiểm duyệt là một việc chỉ nên dùng trong những trường hợp chẳng đặng đừng”[34]. Internet cũng không còn được miễn tuân thủ các luật lệ hợp lý hơn bất cứ phương tiện truyền thông nào khác, như cấm có lời lẽ hận thù hay hình ảnh khiêu dâm nói chung, và những sự xúc phạm khác. Những thái độ phạm pháp trong những bối cảnh khác cũng là những thái độ phạm pháp trong không gian ảo, vì thế, chính quyền dân sự có nghĩa vụ và có quyền cưỡng chế thi hành các luật ấy. Cũng cần có thêm những quy định mới để giải quyết vấn đề tội phạm trên Internet như phân tán các virus máy tính, ăn cắp các dữ liệu cá nhân cất giữ trên đĩa cứng và những việc làm tương tự.

Sự điều chỉnh việc sử dụng Internet là điều rất đáng ao ước trên nguyên tắc việc tự điều chỉnh trong công nghệ là điều đáng ao ước nhất. “Giải pháp cho các vấn đề xuất phát từ việc thương mại hoá và tư nhân hoá cách thái quá không phải là giao cho nhà nước kiểm soát các phương tiện truyền thông, mà là làm sao điều chỉnh tốt hơn theo đúng các tiêu chuẩn phục vụ công ích và chịu trách nhiệm nhiều hơn trước công chúng”[35]. Các luật lệ đạo đức trong công nghệ có thể đóng vai trò rất hữu ích, miễn là chúng được người ta nhìn một cách nghiêm túc, đưa những người đại diện quần chúng tham gia vào việc hình thành và cưỡng chế thi hành, song song với việc khích lệ các nhà truyền thông có trách nhiệm, các luật lệ ấy cũng phải đặt ra những hình phạt thích đáng cho những hành vi xâm phạm, kể cả sự kiểm duyệt của nhà nước[36]. Đôi khi hoàn cảnh có thể đòi sự can thiệp của nhà nước, như thành lập những hội đồng cố vấn truyền thông xã hội, đại diện cho các dư luận khác nhau trong cộng đồng[37].

17. Chính vì có đặc tính xuyên quốc gia, vượt biên giới và có vai trò trong việc toàn cầu hoá trên Internet đòi có sự cộng tác quốc tế để đặt ra các tiêu chuẩn, các cơ chế hầu đẩy mạnh và bảo vệ lợi ích quốc tế[38]. Đối với công nghệ truyền thông, như đối với nhiều thứ khác, “một nhu cầu cấp bách là phải có được sự bình đẳng ở cấp quốc tế”[39]. Cần có những hành động cương quyết trong các lĩnh vực riêng cũng như chung để khép lại và sau cùng, loại bỏ hẳn sự phân chia theo kỹ thuật số.

Có nhiều vấn đề liên quan đến Internet rất khó giải quyết - đòi phải có sự đồng thuận ở cấp quốc tế - như làm sao bảo đảm cho các cá nhân và tập thể tuân thủ luật pháp có được sự riêng tư mà không cần phải luôn luôn có sự cưỡng chế thi hành luật. Làm sao bảo đảm cho các nhân viên an ninh khỏi phải giám sát các tội phạm và các kẻ khủng bố; làm sao bảo vệ bản quyền, quyền tài sản trí tuệ mà không cần phải hạn chế tiếp cận các thông tin trong lĩnh vực công cộng và làm sao định nghĩa chính xác “lĩnh vực công cộng”, thành lập và duy trì các kho lưu trữ rộng lớn của Internet bao gồm các thông tin luôn sẵn sàng cho mọi người truy cập bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Làm sao bảo vệ quyền của các phụ nữ đối với việc truy cập Internet và các khía cạnh khác của công nghệ thông tin mới. Cách riêng, làm sao khép lại sự phân chia theo kỹ thuật số giữa người giàu thông tin và người nghèo thông tin, đó là một vấn đề được khẩn trương chú ý trong mọi khía cạnh của Internet: kỹ thuật, giáo dục và văn hoá.

Hiện nay, đang có “một ý thức ngày càng tăng về sự liên đới quốc tế”, giúp Liên Hiệp Quốc có được “một cơ hội độc nhất vô nhị để góp phần vào việc toàn cầu hoá tình liên đới bằng cách trở thành nơi gặp gỡ của các quốc gia, các xã hội dân sự, cũng như trở thành nơi hội tụ các quyền lợi và nhu cầu khác nhau… Sự cộng tác giữa các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ sẽ giúp bảo đảm cho người ta không viện dẫn hay không bênh vực quyền lợi - dù rất chính đáng - của quốc gia này hay của tập thể này mà làm hại tới quyền lợi hay quyền hạn của các dân tộc khác, nhất là các dân tộc kém may mắn”[40]. Ở đây, chúng tôi hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin, dự trù diễn ra năm 2003, sẽ đóng góp tích cực vào việc thảo luận các vấn đề ấy.

18. Như đã nêu trên đây, có một tài liệu đi kèm tài liệu này, mang tên “Giáo Hội và Internet”, đặc biệt đề cập đến việc Giáo Hội sử dụng Internet và vai trò của Internet trong đời sống Giáo Hội. Còn trong tài liệu này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo cũng như các đoàn thể tôn giáo khác nên hiện diện một cách cụ thể và tích cực trên Internet và trở thành một đối tác trong các cuộc đối thoại công khai về sự phát triển Internet. “Giáo Hội không đòi áp đặt những quyết định, lựa chọn, mà chỉ muốn giúp đỡ bằng cách chỉ ra những tiêu chuẩn đạo đức và luân lý có liên quan tới tiến trình ấy – những tiêu chuẩn này phải được tìm thấy trong các giá trị nhân bản lẫn Kitô giáo”[41].

Internet có thể đóng góp một cách hết sức giá trị cho đời sống con người. Nó có thể tạo điều kiện cho sự thịnh vượng và hoà bình, cho sự phát triển trí tuệ và thẩm mỹ, cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và các quốc gia trên cấp toàn cầu.

Internet cũng giúp con người trong công cuộc tìm kiếm cả đời họ để tìm cách hiểu đời mình. Thời nào cũng vậy, kể cả trong thời đại chúng ta, người ta vẫn luôn đặt những câu hỏi căn bản: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Có gì sau cuộc đời này?”[42]. Giáo Hội không áp đặt một câu trả lời nào, nhưng có thể - và có bổn phận - công bố cho thế giới biết những câu trả lời mà Giáo Hội đã tiếp nhận. Ngày nay, cũng như xưa kia và sau này, Giáo Hội chỉ đưa ra một câu trả lời duy nhất có thể thoả mãn những vấn đề sâu xa nhất của đời sống, đó là: Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã mạc khải đầy đủ về con người cho chính con người và đã đưa ra ánh sáng ơn gọi cao cả nhất của con người”[43]. Cũng như thế giới hôm nay, thế giới truyền thông, bao gồm cả Internet, đã được Đức Kitô đưa vào trong Nước Chúa và được đặt để phục vụ Lời cứu độ, dù mới chỉ bắt đầu nhưng có thật. Tuy nhiên, chẳng những không làm suy giảm mối quan tâm của chúng ta trong việc phát triển trái đất này, trái lại, việc chờ mong một trời mới đất mới càng thúc đẩy chúng ta quan tâm nhiều hơn, vì chính trên trái đất này, gia đình nhân loại mới đang lớn lên, một cách nào đó báo trước một thời đại sắp tới[44].

Vatican, ngày 22-2-2002, Lễ kính Ngai toà Thánh Phêrô Tông đồ

(Đã ký)

John P. Foley
Chủ tịch

 (Đã ký)

Pierfranco Pastore
Thư ký

 (Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Ô. Trần Bá Nguyệt, Ô. Nguyễn Văn Khi, Ô. Hà Kim Phước, Ô. Nguyễn Hoàng Qui và cô Minh Thuỵ dịch từ vatican.va)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 29 & 30 (Tháng 05 & 07 năm 2005)

 

 

[1] Huấn thị Thời đại mới, số 4, nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày ban hành Huấn thị Hiệp thông và tiến bộ.

[2] Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội, Giáo hội và Internet.

[4] Ibid, số 21.

[5] Vui mừng và Hy vọng, số 26; X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1906.

[6] Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm tới xã hội, số 38.

[7] Đức Gioan Phaolô II, Diễn vẫn tại Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, số 2, ngày 27-4-2001.

[8] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn sau Thượng Hội đồng Giám mục, Giáo hội tại châu Mỹ, số 20

[9] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các phái đoàn ngoại giao đến làm việc tại Tòa Thánh, số 3, ngày 10-1-2000.

[10] Đức Gioan Phaolô II, Diễn vẫn tại Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, số 2, ngày 27-4-2001.

[11] Ibid., số 3.

[12] Hiệp thông và tiến bộ, số 19.

[13] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các phái đoàn ngoại giao đến làm việc tại Tòa Thánh, số 3, ngày 10-1-2000.

[14] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Khi ngàn năm thứ ba đến, số 43.

[16] Một câu trả lời mục vụ trước tình trạng hình ảnh khiêu dâm và bạo lực trên các phương tiện truyền thông, số 20.

[17] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn sau Thượng Hội đồng Giám mục, Giáo hội tại châu Mỹ, số 56.

[18] Thông điệp nhân Ngài Hòa bình thế giới năm 2001, số 11.

[19] Ibid., số 16.

[20] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân Ngài Quốc tế Truyền thông lần thứ 33, số 4, ngày 24-1-1999.

[21] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân Ngài Quốc tế Truyền thông lần thứ 31, năm 1997.

[22] Đức Gioan Phaolô II, Diễn vẫn tại Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, số 5, ngày 27-4-2001.

[23] Ibid., số 11.

[24] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Khi ngàn năm thứ ba đến, số 47.

[25] Thông điệp nhân Ngài Hòa bình thế giới năm 2001, số 10.

[26] Đức Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 47.

[27] Vui mừng và Hy vọng, số 59.

[28] Hiệp thông và tiến bộ, số 25-26.

[29] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội Năm Thánh dành cho các nhà làm báo, số 2, ngày 4-6-2000.

[31] Đức Gioan Phaolô II, Ánh thiều quang Chân lý, số 32.

[33] X. Đức Gioan Phaolô II, Đời sống gia đình, số 76.

[34] Hiệp thông và Tiến bộ, số 86.

[35] Huấn thị Thời đại mới, số 5.

[36] X. Hiệp thông và tiến bộ, số 79.

[37] Ibid., số 88.

[38] X. Đức Gioan Phaolô II, Diễn vẫn tại Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, số 2, ngày 27-4-2001.

[40] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với Tổng Thư ký LHQ và Uỷ ban Hành chính Điều phối của LHQ, số 2-3, ngày 7-4-2000.

[41] Huấn thị Thời đại mới, số 12.

[42] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Đức tin và lý trí, số 1.

[43] Vui mừng và Hy vọng, số 22.

[44] Ibid., số 39.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây