TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Truyền giáo là chia sẻ về Thiên Chúa tình yêu

Thứ bảy - 14/05/2022 23:56 | Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Trung Thiên |   1245
Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20).
Truyền giáo là chia sẻ về Thiên Chúa tình yêu

CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI 2021 - 2022

TRUYỀN GIÁO LÀ CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

WGPHN (14.5.2022) - Mọi tín hữu công giáo đều được kêu gọi và có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ Truyền giáo của Giáo Hội, bắt nguồn từ chính sứ vụ của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Tâm điểm của sứ vụ này là Loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu bằng cả con người và cuộc đời mình. “…mọi tín hữu, cá nhân cũng như đoàn thể, không chỉ quan tâm đến những anh chị em đồng đạo, nhưng hãy nỗ lực tìm cách chia sẻ niềm tin, đưa dẫn anh chị em đồng bào đến gặp gỡ Chúa Kitô và đón nhận Tin Mừng của Ngài.”[1]

“Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Kitô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được. Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là “Vị Chứng Nhân” tuyệt hảo (Kh 1,5 ; 3,14) và là khuôn mẫu cho chứng tá Kitô giáo.[2] Vì thế, “hình thức đầu tiên của chứng tá là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng Giáo hội, hình thức này làm cho người ta nhìn thấy một lối sống mới. Cho dù vẫn có giới hạn và bất toàn của con người, nhưng khi nhà truyền giáo chân thành sống theo gương Đức Kitô, thì họ là một dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu việt. Tuy vậy. Mọi người trong Giáo hội, khi nỗ lực noi gương Thầy Chí Thánh, thì có thể và phải nêu lên chứng tá này; trong rất nhiều trường hợp, đây là cách thế duy nhất để truyền giáo.”[3]

Chúng ta cùng nhìn nhận lại làm chứng tá cho Tin Mừng, hay làm chứng nhân cho sứ vụ Truyền giáo trong thời đại hôm nay là như thế nào? Sứ điệp Truyền giáo năm 2021[4], Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta câu trả lời rất cụ thể sống động, với chủ đề:

Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20).

I – CỐT LÕI CỦA TRUYỀN GIÁO.

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, ngài đã công bố Tông Huấn đầu tiên của mình là Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng, bàn về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Gần cuối tài liệu này ngài nhấn mạnh: “Chỉ có ai cảm thấy hạnh phúc khi tìm lợi ích cho người khác, mong muốn hạnh phúc cho họ, người đó mới có thể là người truyền giáo”. (EG 272) Chính vì thế, chúng ta phải trình bày về Thiên Chúa là Tình yêu, nói cách khác chúng ta cần diễn tả cho mọi người thấy đạo chúng ta là đạo Tình thương qua chính con người chúng ta. Cho nên trong Sứ điệp truyền giáo này, Đức Thánh Cha Phanxico cho chúng ta thấy những điều chúng ta đã thấy, đã nghe đó là:

1. Tình yêu Thiên Chúa: Cốt lõi của Truyền giáo

Trong Sứ điệp truyền giáo năm 2021, Đức Thánh Cha chỉ cho ta thấy cốt lõi của sứ vụ truyền giáo là: “Một khi đã được trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ điều chúng ta đã thấy và đã nghe.” Đức Thánh Cha giúp chúng ta nhận ra cốt lõi của sứ vụ truyền giáo là loan báo điều mà mỗi chúng ta có kinh nghiệm về Tình yêu Thiên Chúa. Thử hỏi trong chúng ta có ai lại không có kinh nghiệm và cảm nghiệm về tình yêu mà Chúa dành cho ta, cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, cho giáo xứ mình…? Do đó, truyền giáo là cần thiết vì chúng ta không thể không công bố điều mà chúng ta đã thấy, đã nghe về Tình yêu Thiên Chúa Cha. Tình yêu Chúa Cha là sự biểu lộ trọn vẹn nơi Chúa Giê-su.

2. Tình yêu Thiên Chúa: Chúa Giêsu cứu độ nhân loại

Trong Redemptoris Missio, của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đặt câu hỏi: “Tại sao lại truyền giáo? Câu trả lời là: “Tại vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cũng như đã ban cho Thánh Phao-lô ơn rao giảng cho Dân Ngoại biết các kho tàng khôn lường của Chúa Kitô.” (Eph.3:8); (RM 11).  Còn Đức Thánh Cha Phanxico nhắc chúng ta trong Sứ điệp: “trong mầu nhiệm Nhập Thể của Người, trong Tin Mừng và Mầu Nhiệm Vượt Qua, chỉ ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào và Người cũng lấy làm của mình những niềm vui và nỗi khổ của chúng ta, những hy vọng và lo âu của chúng ta” (x. Gaudium et Spes, 22). Chính tình yêu này được các thánh Tông đồ là những chứng nhân xác thực.

3. Tình yêu Thiên Chúa: Kinh nghiệm của các Tông đồ nơi Chúa Giêsu

Đây lại là kinh nghiệm của thánh Gio-an Tông đồ đã trải qua với Chúa Giê-su nên ghi lại chính xác giờ gặp Chúa Giê-su “lúc ấy khoảng 4 giờ chiều”. Có thể nói đây là lần gặp định mệnh thay đổi cả cuộc đời của thánh Gio-an nói riêng và các thánh Tông đồ nói chung khi gặp Chúa Giê-su. Và thánh Gio-an Tông đồ còn xác quyết: “Điều chúng tôi đã thấy, đã đụng chạm, đã nghe là Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người” (1Ga 1; Ga1,1-2). Còn các thánh Tông đồ khi bị cấm rao giảng về Chúa đã mạnh dạn tuyên bố: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Chúng ta có thể nêu ra một vài ví dụ về việc các thánh Tông đồ có những trải nghiệm về Chúa Giê-su như: tình bạn với Chúa Giê-su, chứng kiến việc Chúa chữa lành bệnh tật, được đồng bàn với Chúa, được đụng chạm vào Chúa…

Chúng ta cũng vậy, trên con đường đi làm tông đồ, không biết bao lần chúng ta được đụng, được chạm, được tiếp xúc… và được chữa lành, được an ủi… bằng tình yêu và lòng thương xót của Người. Vậy tại sao chúng ta lại không nói ra “những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe”?

4. Tình yêu Thiên Chúa: Hội thánh là Bí tích Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nói trong Sứ điệp như sau: “Cộng đoàn Hội Thánh biểu lộ vẻ diễm lệ của mình khi Hội Thánh nhắc nhớ lại với tấm lòng biết ơn rằng Chúa đã yêu chúng ta trước” (x. 1 Ga 4:19). Điều cao quý mà Chúa dành cho chúng ta đó là “chúng ta đã được tạo dựng”. Thiên chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của chính Ngài – “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,16). Ngài dựng nên chúng ta được làm con người vì yêu thương, và chia sẻ tình yêu đó. Đây là chiều kích rất cao quý nhưng cũng hay bị lãng quên vì thế Giáo hội không ngừng giúp chúng ta sống chiều kích tạ ơn và đỉnh cao của việc này là dâng hiến Lễ Tạ ơn (thánh lễ). Đối với nhà truyền giáo thì truyền giáo “là một phản ánh của lòng biết ơn” (Sứ điệp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21-5-2020) hay nói cách khác vì biết ơn mà tôi đi truyền giáo và mời gọi mọi người sống lòng biết ơn và nhất là biết ơn vì mình được dựng nên làm người, làm con Chúa, và được cứu độ để sống đời đời, nên tôi phải nói cho người khác biết về Tình Yêu đó. (Ga 17,3).

Vậy tình yêu Thiên Chúa và lòng biết ơn thôi thúc chúng ta lên đường để nói ra những điều mình “đã thấy và đã nghe” đã cảm nhận vả trải nghiệm, nhưng chúng ta cũng không thể tránh khỏi những thách đố trên hành trình loan báo Tin Mừng.

“Lòng ưu ái của Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên, và tự bản chất của nó, sự ngạc nhiên không phải là cái chúng ta sở hữu hay có thể áp đặt… Chỉ bằng cách này, phép lạ của sự cho không, món quà cho không bản thân mình, mới có thể nảy nở. Sống “trong tình trạng truyền giáo” là một phản ánh của lòng biết ơn” (Sứ điệp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21-5-2020).

II TRUYỀN GIÁO HÔM NAY: THÁCH ĐỐ VÀ CƠ HỘI

1. Thách đố

Đức Thánh Cha viết: “các sự việc không luôn luôn dễ dàng. Các Kitô hữu sơ thời bắt đầu cuộc sống đức tin của họ giữa sự thù nghịch và khó khăn.” Cuộc bách hại có khi tàn khốc đến nỗi họ phủ nhận những điều họ “đã thấy và đã nghe”. Không phải nói đâu xa, theo số liệu mới đây khảo sát cho thấy e ngại khi truyền giáo[5]:

Vì tôi không biết nhiều về đạo: 42,1 %.

Vì tôi không tự tin khi nói về đức tin của mình với người khác:36 %.

Vì e ngại những nhận xét, đánh giá của người khác về mình: 22,9 %.

Vì đó không phải là việc của giáo dân: 6,4%.

Vì tôi thấy không cần thiết, không quan trọng: % 4.0.

Nhưng Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy biến đổi những thách đố trong cuộc sống ngày nay thành cơ hội để truyền giáo dựa vào ơn Chúa Thánh Thần.

2. Vượt qua

Sách Công vụ Tông đồ kể cho chúng ta những chứng nhân vượt qua đau khổ bằng cách “bám chặt vào Đức Ki-tô, để lớn lên trong “niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hành động trong mọi hoàn cảnh, thậm chí cả giữa những cái có vẻ là thất bại” và chắc chắn rằng “tất cả những ai phó thác mình cho Thiên Chúa thì sẽ sinh hoa kết quả dồi dào” (Evangelii Gaudium, 279).

Lịch sử giáo hội nói chung, cách riêng của giáo phận Hà Nội là minh chứng hùng hồn cho việc bám chặt và phó thác đó.

3. Thách đố hôm nay

Cơn dịch Covid 19 gây ra nghèo đói, chán nản, thất vọng, mỏi mệt, hi sinh, mất mát… hình thành lối sống vô cảm, ích kỷ,… “Những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất càng cảm nhận một cách nặng nề hơn nữa. Chúng ta đã cảm nghiệm sự chán nản, thất vọng và mệt mỏi; và chúng ta cũng đã không tránh được cảm giác tiêu cực ngày càng tăng, nó bóp nghẹt niềm hy vọng.” Vậy chúng ta cần làm gì?

4. Cơ hội Tình yêu: Hành động cụ thể

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trải nghiệm về Lòng thương xót của Chúa để  cùng nhau tạo nên “một cộng đồng của những người thuộc về nhau và liên đới với nhau, xứng với thời gian, nghị lực và các tài nguyên của chúng ta (Fratelli Tutti, 36).Và quan trọng làm sao “Lời Chúa mỗi ngày cứu chữa chúng ta khỏi những kiểu chữa lỗi có thể dìm chúng ta vào sâu trong một loại thuyết hoài nghi tệ hại nhất: “Chẳng có gì thay đổi, trước sau gì vẫn thế thôi”. Với những người thắc mắc tại sao họ phải từ bỏ sự an toàn, tiện nghi và thú vui của họ nếu họ không thể thấy có kết quả gì, câu trả lời của chúng ta sẽ vẫn là một như thế này: “Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và bây giờ là Đấng toàn năng. Đức Giêsu Kitô đang sống thực sự.” (Evangelii Gaudium, 275)

Biết bao tấm gương thầm lặng của những nam nữ tu sĩ và giáo dân đã dân thân quảng đại trong công việc bác ái trong đại dịch này đã nói lên tất cả vì tình yêu và khám phá Tình yêu Thiên Chúa nơi những con người đau khổ. Và nhờ vậy để nói ra những điều mình “đã thấy và đã nghe” đã cảm nhận vả trải nghiệm.

5. Cách thức dấn thân

Truyền giáo“Trong các hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, nhu cầu cấp bách là phải có những người thừa sai của niềm hy vọng, những người được Chúa xức dầu để có thể cống hiến một lời nhắc nhở tiên tri rằng không ai được cứu rỗi một mình.”

Chúng ta “cũng có thể nói với tất cả niềm xác tín của mình: “Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20). Mọi sự chúng ta nhận được từ Chúa là để chúng ta đem ra sử dụng một cách có ích và tự nguyện chia sẻ với người khác. Giống như các Tông Đồ đã thấy, nghe và chạm vào sức mạng cứu rỗi của Đức Giêsu (x. 1 Ga 1:1-4), chúng ta cũng có thể hằng ngày chạm vào da thịt đau thương và vinh hiển của Đức Kitô.”

Chúng ta “để chia sẻ với mọi người một số phận chung của niềm hy vọng, niềm tin chắc rằng Chúa luôn luôn ở bên chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ lấy Chúa cho riêng mình: sứ mạng Phúc Âm hoá của Hội Thánh được thể hiện qua việc biến đổi thế giới của chúng ta và việc chăm sóc công trình tạo dựng.”

6. Động lực cho sứ vụ bởi lòng biết ơn các nhà truyền giáo.

Chúng ta “nhớ lại với lòng biết ơn tất cả những người nam và người nữ mà nhờ chứng tá đời sống của họ, họ giúp chúng ta canh tân cam kết rửa tội của chúng ta để là những tông đồ quảng đại và vui tươi của Tin Mừng. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ đến tất cả những người đã kiên quyết ra đi, rời bỏ nhà cửa và gia đình mình, để đem Tin Mừng đến cho mọi nơi và mọi người đang khao khát sứ điệp cứu rỗi.” nhớ đến các vị thừa sai, tổ tiên chúng ta đã dũng cảm và lấy chính thân mình làm chứng cho Tình yêu, làm chứng cho Chúa và Tin Mừng đang thúc giục mời gọi chúng ta.

7. Địa lý thiêng liêng của truyền giáo

Chúng ta “có thể nghĩ đến những vùng ngoại vi xung quanh chúng ta, trong trung tâm của các đô thị hay trong chính các gia đình của chúng ta. Sự mở rộng toàn cầu cho tình yêu mang một chiều kích hiện sinh chứ không phải là địa lý. Luôn luôn, nhưng đặc biệt trong thời kỳ đại dịch này, điều quan trọng là chúng ta hằng ngày gia tăng khả năng mở rộng vòng quan hệ của mình, để đến với những người khác, những người tuy ở gần chúng ta về thể lý, nhưng không là thành phần trực tiếp thuộc “giới lợi ích” của chúng ta” (x. Fratelli Tutti, 97). Sống trong tình trạng truyền giáo là muốn suy nghĩ như Đức Giêsu suy nghĩ, cùng tin với Người rằng những người xung quanh chúng ta cũng là những anh chị em của chúng ta.

8. Sứ mạng truyền giáo trong tình yêu Mẹ Maria

Nguyện xin Đức Maria, người môn đệ truyền giáo đầu tiên, gia tăng nơi mọi người đã rửa tội ước muốn là muối và ánh sáng trên đất nước của chúng ta (x. Mt 4:13-14).

Lm. Phaolô Nguyễn Trung Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

 


[1] HĐGMVN. Tài liệu làm việc Đại hội dân Chúa Việt Nam, số 24.

[2] Xem Đức Gioan Phaolô II, RM. 42; Tông Huấn Giáo Hội tại Á châu EIA. số 42.

[3] Đức Gioan Phaolô II, RM. 42.

[4] Đức Thánh Cha Phanxico, Sứ điệp Truyền giáo 2021, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-giao-2021-42805 

[5] BIỂU ĐỒ 6, Báo cáo sơ bộ khảo sát giáo dân trong Tổng giáo phận Hà Nội, 11/2021.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây