Nhân Ngày Thế giới chống nạn buôn người 30/7, khoảng 3.000 nữ tu đã phát động chiến dịch xã hội với khẩu hiệu “Chăm sóc chống buôn người” (#CareAgainstTrafficking). Chiến dịch muốn chỉ ra rằng “chăm sóc có thể tạo ra sự khác biệt ở mọi giai đoạn của cuộc chiến chống nạn buôn người: chăm sóc cho những người có nguy cơ trở thành nạn nhân, chăm sóc cho các nạn nhân, và chăm sóc cho những người sống sót”.
Trong dịp này, sơ Gabrielle Bottani, điều hợp viên quốc tế của mạng lưới Talitha Kum nói: “Chúng tôi mời gọi mọi người thiện chí cùng với chúng tôi giải quyết các nguyên nhân mang tính hệ thống của nạn buôn người. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các chính phủ cam kết hỗ trợ dài hạn cho những người sống sót, đảm bảo giáo dục chất lượng, cơ hội và giấy phép lao động, khả năng tiếp cận công lý và bồi thường cũng như hỗ trợ y tế và tâm lý xã hội”.
Sơ Patricia Murray, thư ký điều hành của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG) cho biết thêm: “Mạng lưới Talitha Kum không chỉ dấn thân hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề trên khắp thế giới, mà còn dấn thân trong việc phá bỏ các hệ thống áp bức và khai thác các cộng đoàn này”.
Theo số liệu của “Báo cáo toàn cầu về nạn buôn người trong năm 2020”, do Văn phòng của Liên Hiệp Quốc về Ma tuý và Tội phạm (Unodc) công bố vào tháng 02/2021, trong số các nạn nhân của nạn buôn người, trong 15 năm qua số trẻ em đã tăng gấp 3 lần, riêng trẻ nam tăng gấp 5 lần. Trẻ nữ bị buôn bán để khai thác tình dục, còn trẻ nam bị sử dụng lao động cưỡng bức.
Báo cáo cũng cho biết trong năm 2018, trên thế giới có khoảng 50.000 vụ buôn người từ 148 quốc gia được chính thức ghi nhận. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn nhiều: ước tính hàng triệu người bị lợi dụng bởi các mạng lưới tội phạm quốc tế có tổ chức. Theo Văn phòng của Liên Hiệp Quốc về Ma tuý và Tội phạm, cuộc suy thoái do đại dịch gây ra đang khiến nhiều người phải đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người. (Sir.29/7/2021).
Ngọc Yến - Vatican News