PHÁT BIỂU VÀ HUẤN TỪ CỦA CHA TỔNG ĐẠI DIỆN GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT
30.09.2008 21:41
Nhân ngày họp mặt của quý đại diện Hội Đồng Giáo Xứ Hạt Đaklak I và Đaklak II về Truyền thông do Ủy Ban Văn Hóa Truyền Thông Giáo Phận Banmêthuột tổ chức ngày 30/09/2008 tại Tòa Giám Mục BMT...
Linh mục Tổng đại diện Đa minh Hà Duy Khâm đã đến tham dự đồng thời có lời phát biểu và nhắn nhủ. Nội dung sau:
Trọng kính Cha Trướng Ban Văn Hóa-Truyền Thông Giáo Phận Banmêthuột.
Thưa Quý Cha và quý vị,
Trước hết, tôi xin gửi tới Quý cha và Quý vị lời chào thân ái trong Đức Kytô. Kính chúc sức khỏe, an bình và hạnh phúc.
Thưa quý vị, đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của ủy Ban Văn-hóa-Truyền thông Giáo Phận nhà. Thay mặt cho Đức Giám Quản, tôi xin cám ơn Cha Trưởng Ban đã có nhã ý tổ chức cuộc gặp mặt này.
Từ ngày thành lập các ủy Ban Giám Mục Giáo Phận vào tháng Ba năm 2007 đến nay, UB VH-TT GP đã đóng góp nhiều hoạt động như: in ấn tài liệu học hỏi về các Thư Chung của HĐGMIVN..... Rồi mới đây đã mở trang Web trên mạng, gửi nhiều thông tin tới mọi người. Cầu chúc cho các hoạt động của UB/VHTT GP luôn mạnh tiến và bền vững.
Thưa Quý vị, cứ theo dõi hoạt động của các phương tiện truyền thông hằng ngày, chúng ta thấy sức tác động hầu như vô song của những lời nói, của những chữ viết, những hình ảnh, khi được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sức mạnh đó được coi như một con dao hai lưỡi : Lợi cũng rất nhiều mà hại cũng không ít.
Vì thế, Mẹ Giáo Hội coi các phương tiện truyền thông xã hội là một trong các phương tiện đắc lực nhất để rao giảng Phúc âm và đối thoại với thế giới. Nên Công Đồng Vatican II đã dành một Sắc Lệnh nói về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, được phê chuẩn và công bố vào đầu tháng 12 năm 1963.
Theo sự nhận định của Cha Quercetti, một linh mục Dòng Tên, chuyên viên ngành truyền thông, thì Sắc lệnh này không phải là xác định và giải thích những nguyên tắc tín lý về việc truyền thông xã hội. Trái lại Sắc Lệnh mang tính chất cụ thể và mục vụ: hơi nặng về phần luân lý, cảnh báo và đề phòng.
Sắc lệnh rất vắn gọn chia ra 24 số. Tất cả gồm tóm trong hai phần chính : Phần thứ nhất nói về các nguyên tắc luân lý để xử dụng và theo dõi các phương tiện. Phần thứ hai hướng dẫn cách tổ chức công việc dùng những phương tiện này trong các hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Tôi nghĩ điều đó cũng đúng thôi. Vì Giáo Hội chỉ đứng trên phương diện luân lý để hướng dẫn lương tâm con người khi xử dụng các phương tiện tân tiến này chứ Giáo Hội đâu có phải là chuyên viên dậy cách xử dụng các phương tiện đó. Nhưng dù sao ta cũng thấy rằng Công Đồng Vatican II đã khai sinh một chiều hướng mới, một chiều hướng cởi mở thay cho thái độ tự vệ, và đối thoại với các Tôn giáo bạn thay vì coi họ như "lương dân". Trong phần thứ nhất, Sắc Lệnh xác định quyền lợi và trách nhiệm của những người xử dụng các phương tiện truyền thông.
Trước hết là các Chính quyền mang một trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích mà những phương tiện này nhằm tới. Bổn phân của chính quyền là phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ, nhất là những gì thuộc báo chí.
Tiếp đến : "Giáo Hội đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kytô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn". Vì vậy, Sắc lệnh cũng nhắc nhở các Vị Chủ Chăn có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu để họ biết dùng những phương tiện này...(trích số 3).Tiếp theo Sắc lệnh đưa ra những nguyên tắc luân lý : "Mọi người khi xử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và phải áp dụng trung thành trong phạm vi này " (trích số4).
Điều quan trọng nhất là tất cả những người liên hệ đến vấn đề này cần phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về việc xử dụng các phương tiện đó.... Việc thực thi đúng đắn quyền này đòi nội dung việc truyền thông Phải luôn luôn xác thực - và vẫn giữ đức công bình và bác ái - và phải đầy đủ… Ngoài ra cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là cả trong việc săn tin lẫn loan tin, tuyệt đối phải tuân giữ luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người... " (trích số5).
Sắc lệnh cũng không quên nhắc nhở các thanh thiếu niên phải lo tập cho quen điều độ và kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này... Còn các bậc phụ huynh thì phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo kịch ảnh, sách báo và những thứ cùng loại trái nghịch với Đức Tin, trái thuần phong mỹ tục, lọt vào ngưỡng cửa gia đình, cũng đừng để con cái gặp những thứ đó ở nơi khác. (trích số 6).
Qua phần thứ hai, Sắc lệnh mời gọi "mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn phải hết sức hăng say, xử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tùy theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Họ cũng phải ngăn ngừa những tổ chức tai hại, nhất là ở những miền mà luân lý và tôn giáo muốn tiến bộ cần phải được họ can thiệp khẩn cấp hơn.
Thánh CĐ cũng nhắc cho con cái Giáo Hội bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo Công Giáo, các Tạp chí, các tổ chức phim ảnh, các Đài và các chương trình phát thanh, phát hình nhằm mục đích chính là để phổ biến và bảo vệ sự thật, và cung cấp nền giáo dục Kytô giáo cho xã hội loài người. (Trích số 17).
Thưa Quý Cha và quý vị, chúng ta kẻ nhiều người ít đang thủ đắc và xử dụng các phương tiện truyền thông. Đó là một quyền lợi nhưng cũng là một bổn phận. Vì thế, xin mượn lời của Đức Yêsu nói với người Do-thái như nói với chúng ta hôm nay : "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi. Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga.8,31-32).
Xin cám ơn. Thân ái chào tất cả.
Lm.Đaminh Hà Duy Khâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn