TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm C

“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,38-42)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa Tĩnh huấn Ban Thường Vụ HĐGX -2025

Thứ năm - 17/07/2025 02:01 | Tác giả bài viết: JB. Ngô Thành Vinh |   464
Ngày 17.7.2025, lúc 08g30, tại Trung tâm Hành hương Đồi Thánh Tâm, Ban Mục vụ Giáo dân tổ chức khai mạc Khóa tĩnh huấn Ban Thường vụ HĐGX và Ban hành giáo Giáo họ biệt lập toàn Giáo phận.

Khóa Tĩnh Huấn BTV/HĐGX và BHG/GHBL -2025

BMT 170725b

 

KHAI MẠC

Sáng thứ Năm, ngày 17.7.2025, lúc 08g30, tại Trung tâm Hành hương Đồi Thánh Tâm, Ban Mục vụ Giáo dân tổ chức khai mạc Khóa tĩnh huấn Ban Thường vụ HĐGX và Ban hành giáo Giáo họ biệt lập toàn Giáo phận. Khóa tĩnh huấn được tổ chức từ sáng ngày 17 đến chiều ngày 18 tháng 7 năm 2025 với chủ đề: PHỤC VỤ TRONG HY VỌNG. 

Về dự lễ khai mạc, có Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc -Giám mục Giáo Phận; Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái -Linh mục TĐD; Cha Giảng huấn, Quý Cha Quản hạt; Cha Giám đốc TTHH Đồi Thánh Tâm; Quý Cha đặc trách Ủy Ban MVGD; Quý Cha trong Giáo phận; Quý Sơ đồng hành; Và 1.182 quý chức từ các giáo xứ, giáo họ biệt lập đã về tham dự tĩnh huấn.

Trong bài huấn từ, Đức Cha Giáo Phận chào mừng quý chức đã về tham dự Khóa Tĩnh huấn; đặc biệt là Quý chức thuộc 16 giáo xứ mới. Vậy, Tĩnh huấn là gì? Tĩnh huấn là dịp để cho tâm hồn lắng đọng qua Thánh lễ, qua cầu nguyện; đồng thời, là dịp gặp gỡ, học hiểu để yêu mến sứ mạng, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người. Cầu chúc 2 ngày tĩnh huấn gặt hái được thành quả tốt đẹp. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đồng hành, thúc đẩy và soi sáng cho chúng ta.

Đức Cha Giáo Phận tuyên bố khai mạc Khóa Tĩnh Huấn.

 

 

 

 

HÌNH ẢNH

Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media

Video THÁNH LỄ

 

Video HỌC HỎI QUY CHẾ

 

Đầu giờ chiều, Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái -Lm Tổng Đại Diện, hướng dẫn Quý Chức học họi về Quy Chế Giáo Xứ.

HỌC HỎI QUY CHẾ

Giới thiệu về Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Ban Mê Thuột
Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại Ban Mê Thuột, thường được gọi là Hội đồng Giáo xứ. Đây là một cơ cấu đã xuất hiện từ lâu, với tên gọi và cấu trúc khác nhau tùy theo truyền thống và nhu cầu mục vụ của từng địa phương. Vai trò chính của Hội đồng là cộng tác với Linh mục trong các hoạt động mục vụ giáo xứ.

Lịch sử và Sự phát triển của Hội đồng Mục vụ
Trước Công đồng Vatican II và Giáo luật năm 1963, các cơ cấu tương tự đã tồn tại. Từ năm 2012, Ủy ban Giáo dân đã đưa ra bản gợi ý quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, và một số giáo phận đã ban hành quy chế chính thức. Tuy nhiên, nhiều giáo phận, bao gồm Ban Mê Thuột, vẫn giữ tên truyền thống là “Ban Hành Giáo” hoặc “Hội đồng Giáo xứ”.

Quy chế năm 2016 của giáo phận Ban Mê Thuột quy định rõ có hai cơ quan: Đại Hội đồng Giáo xứ (cơ quan lập pháp, quyết định) và Hội đồng Giáo xứ (cơ quan chấp hành, thực hiện).

Giáo luật 1983, điều 536, đề cập đến Hội đồng mục vụ giáo xứ, xác định đây là cơ quan có quyền tư vấn và được thiết lập bởi Giám mục Giáo phận sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục.

Tầm quan trọng và Chức năng
Hội đồng Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tinh thần hiệp hành, giúp Cha xứ tổ chức sinh hoạt mục vụ, góp phần xây dựng Giáo xứ hiệp nhất và truyền giáo. Chức năng chính của Hội đồng là tư vấn và cộng tác trong các hoạt động mục vụ trong giáo xứ.

Các văn kiện của Giáo hội như Huấn thị Linh mục mục tử (2002) cũng nhấn mạnh trách vụ căn bản của Hội đồng là phục vụ sự cộng tác của tín hữu trong việc phát triển hoạt động mục vụ của Linh mục. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Hội đồng không phải là cơ quan lập pháp mà chỉ là cơ quan tư vấn, và không có quyền thay thế hoặc lấn quyền Cha xứ. Mọi hoạt động của các thành viên đều phải dưới quyền của Cha xứ.

Yêu cầu đối với Thành viên Hội đồng
Các thành viên của Hội đồng cần có đức độ và tài năng. Họ phải là những người gương mẫu trong đời sống cá nhân và gia đình, không có gương xấu công khai, và có khả năng phục vụ cộng đoàn một cách hiệu quả.
Việc học và hiểu rõ quy chế này giúp các Linh mục và Hội đồng Giáo xứ làm việc đồng bộ hơn, giúp công việc mục vụ xuôi chảy và tránh được những ý kiến trái chiều.

Sau giờ Học Hỏi Quy Chế, Cha Phêrô Nguyễn Đức Trí -Giảng viên Học viện Dòng Tên, gặp gỡ Quý Chức qua bài Giảng Huấn 2. 

GIẢNG HUẤN II

Chiều nay, chúng ta cùng nhau suy tư về một chủ đề rất quan trọng trong đời sống đức tin của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là những ai đang dấn thân phục vụ trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ hay các ban ngành đoàn thể. Đó là tinh thần phục vụ và những cám dỗ chúng ta có thể gặp phải.

1. Tinh thần phục vụ đích thực: Là môn đệ của Chúa Kitô
Điểm này rất quan trọng đối với chúng ta. Với kinh nghiệm của những người sống đời dâng hiến như chúng tôi, đôi khi chúng tôi cũng tự hỏi: Tại sao mình phải vất vả như vậy? Nếu không có một tinh thần đúng đắn, chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Có những lúc tôi ước mình là giáo dân để được ngủ tiếp, vì làm linh mục thì phải dậy sớm đi làm lễ. Nhưng rồi, tôi nhận ra đó là sứ mạng của mình. Từ đó, tôi cũng hiểu và thông cảm hơn khi thấy giáo dân vắng nhà thờ. Có lẽ họ cũng mệt mỏi. Không sao cả, khi nào mạnh khỏe, chúng ta lại cùng nhau tiếp tục.

Sáng nay, chúng ta đã chia sẻ về con người môn đệ của Chúa. Sứ mạng của quý anh chị trong Hội đồng Mục vụ không phải chỉ là do chúng ta muốn hay do người khác bầu ra. Sâu xa hơn, đó là một sứ mạng mà Thiên Chúa đã mời gọi và sai chúng ta đi. Giống như Chúa đã gọi Môsê và nhờ Môsê gọi những người khác. Khi ý thức được điều này, việc phục vụ của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, dù vẫn có những lúc mệt mỏi về thể xác và cảm xúc.

Vậy thì, tinh thần phục vụ của người môn đệ bao gồm ba khía cạnh quan trọng:

- Phục vụ khiêm tốn: Khi chúng ta khiêm tốn, mọi người trong giáo xứ sẽ dễ dàng lắng nghe, tôn trọng nhau, và không tranh giành địa vị. Một mục tử khiêm tốn sẽ lôi cuốn cộng đoàn, làm cho mọi người trở nên sinh động và hạnh phúc.

- Phục vụ quảng đại: Tinh thần quảng đại khiến mỗi người sẵn sàng chia sẻ công việc, nâng đỡ nhau, và không giữ lại điều gì cho riêng mình.

- Phục vụ vô vị lợi: Đây là điều Chúa Giêsu đã dạy: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình cứu chuộc muôn người.” Trong cuộc sống này, người ta thường nói “không ai cho không ai cái gì bao giờ”.

Phục vụ vô vị lợi là con đường mà chúng ta, những môn đệ của Chúa, đang bước theo. Chúng ta nhìn vào Đức Giêsu, một Thiên Chúa đã yêu thương con người đến mức hiến mạng sống mình trên thập giá, không vì lợi ích cá nhân nào cả, mà chỉ vì để cứu chuộc chúng ta. Ngài phục vụ vì tình yêu tinh tuyền dành cho Chúa Cha và cho nhân loại.

Trong gia đình chúng ta, có rất nhiều tình yêu phục vụ vô vị lợi mà đôi khi chúng ta không nhận ra, đó là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, và khi con cái lớn lên cũng dành tình yêu ấy cho cha mẹ. Tình yêu này đạt đến đỉnh cao khi chúng ta nhìn vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu. Mẹ Têrêsa Calcutta và biết bao dòng tu đã và đang bước theo con đường yêu thương và phục vụ vô vị lợi này.

2. Phần thưởng và Hoa trái của tinh thần phục vụ
Khi phục vụ với tinh thần khiêm tốn, quảng đại và vô vị lợi, chúng ta sẽ gặt hái được những hoa trái tốt đẹp:

a. Nên thánh và làm gương sáng
Khi dấn thân phục vụ, chúng ta tự nhiên trở thành người tốt hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta được rèn luyện các nhân đức Kitô giáo, đặc biệt là ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Qua những hành động phục vụ, đức tin của chúng ta được củng cố mạnh mẽ. Giống như các tông đồ xưa kia, khi gặp thử thách, đức tin của họ mới được thử luyện và trưởng thành.

Khi sống với tinh thần này, quý anh chị sẽ trở thành gương sáng cho con cái, cho gia đình và cho những người xung quanh. Tôi nhận thấy rằng, đa số con cái của những người dấn thân phục vụ đều trở nên tốt đẹp. Không phải là thành công về tiền bạc, nhưng là thành công về con người. Các tu sĩ chúng tôi đều nhận ra rằng cha mẹ mình là những người rất quảng đại trong giáo xứ. Những gia đình có cha mẹ quảng đại, dấn thân vô vị lợi thì con cái dễ có động lực bước theo đời tu. Ngược lại, nếu cha mẹ ích kỷ, tính toán, con cái sẽ khó lòng dấn thân cho Chúa.

b. Giáo xứ hiệp nhất và yêu thương
Khi các thành viên trong Hội đồng Giáo xứ phục vụ với tinh thần khiêm tốn, quảng đại và vô vị lợi, giáo xứ của chúng ta sẽ có sự hiệp nhất và yêu thương. Thiếu tinh thần này, giáo xứ dễ bị chia rẽ. Tinh thần khiêm tốn giúp mọi người lắng nghe và tôn trọng nhau; tinh thần quảng đại giúp chia sẻ công việc và nâng đỡ nhau; sự vô vị lợi loại trừ ganh tỵ, hơn thua. Từ đó, Hội đồng Giáo xứ sẽ trở thành một gia đình hiệp nhất, và cả giáo xứ cũng sẽ trở thành một gia đình lớn.

Nếu giáo xứ chúng ta đang gặp vấn đề về sự chia rẽ, xin mời quý vị nhắm mắt lại và suy niệm: Lý do tại đâu? Có thể bắt đầu từ việc Hội đồng Mục vụ và các ban nhóm chưa thực sự có tinh thần phục vụ đích thực.

c. Cộng đoàn sống động có tính truyền giáo
Khi sống tinh thần này, chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đoàn sống động có tính truyền giáo. Ở những vùng như Ban Mê Thuột, nơi có nhiều giáo dân toàn tòng, việc truyền giáo là rất quan trọng. Tại giáo xứ của tôi ở Thủ Đức, có rất nhiều người ngoại đạo. Họ là những người sẽ nhìn vào cách sống của chúng ta. Tạ ơn Chúa, trong tháng vừa qua, giáo xứ tôi có nhiều gia đình đã xin trở lại đạo Công giáo. Lý do không phải vì chúng tôi, mà vì cách sống và tương quan của quý anh chị giáo dân. Họ đã theo dõi lâu năm và khi có cơ hội, họ đã xin trở lại.

Khi chúng ta sống tinh thần phục vụ yêu thương, vô vị lợi và khiêm tốn, quảng đại, chúng ta đang truyền giáo cho Chúa một cách hữu hiệu, đem Chúa đến cho những người xung quanh. Hội đồng Mục vụ sống tinh thần phục vụ đích thực chính là nền tảng cho một giáo xứ sống động, có sức thu hút những người lương dân, và thúc đẩy mọi thành phần trong giáo xứ cùng tham gia sứ vụ truyền giáo.

d. Chiếu tỏa gương mặt Đức Kitô
Cuối cùng, khi sống tinh thần phục vụ, chúng ta sẽ chiếu tỏa gương mặt của Đức Kitô cho mọi người. Người ta sẽ nhìn vào giáo xứ của chúng ta và thấy Thiên Chúa, thấy một Đức Kitô đang sống động. Ngược lại, nếu một giáo xứ luôn có sự chia rẽ, hận thù, thì người ngoại sẽ không thấy Chúa, và mọi nỗ lực truyền giáo của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa.

3. Những cám dỗ khi phục vụ
Tuy nhiên, trong quá trình dấn thân phục vụ, chúng ta cũng dễ vấp phải những cám dỗ. Tôi muốn chia sẻ một vài cám dỗ thường gặp để chúng ta cùng ý thức và tránh xa:

a. Tìm kiếm quyền lực và địa vị
Cám dỗ đầu tiên là tìm kiếm quyền lực và địa vị. Nhiều người xem việc phục vụ như một phương tiện để khẳng định uy tín cá nhân. Có câu chuyện vui rằng: “Ông cứ ra làm ông trùm khu đi, bạn bè mình được gọi là trùm hết rồi, còn mỗi mình ông là chưa thôi”. Dù là lời nói đùa, nhưng đâu đó vẫn có một phần sự thật. Chúng ta muốn được người khác nhìn nhận, ca ngợi, trọng vọng vì công việc mình làm. Đây là yếu tố con người, rất khó từ chối, nhưng chúng ta cần suy nghĩ lại về tinh thần khiêm tốn, quảng đại và vô vị lợi.

Cám dỗ này cũng dẫn đến thái độ hơn thua, cạnh tranh, ghen tỵ. Ví dụ, một người đang làm Phó Một, tự nhiên khóa sau bị Cha xứ đưa xuống Phó Hai là bắt đầu buồn. Hoặc cảm thấy “cỡ tôi mà lại phải làm phó cho thằng đó”. Đôi khi, người cũ ganh tỵ với người mới, hay người sau hậm hực với người trước. Đây là những cám dỗ mà nếu không để ý, chúng ta dễ bị cuốn vào.

b. Tự cao, tự kiêu, kiêu ngạo
Cám dỗ thứ hai là sự tự cao, tự kiêu, kiêu ngạo. Chúng ta thường lấy câu chuyện của người Pharisêu và người thu thuế để minh họa. Người Pharisêu rất giỏi, họ ăn chay, bố thí, dâng một phần mười lợi tức, tất cả đều đúng. Nhưng họ lại tự hào, so sánh mình với người khác và coi thường người thu thuế. Khi xét lại, chúng ta thấy những điều mình làm là đúng, không sai.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đúng và sai. Chúng ta thường hay cãi nhau để tìm ra ai đúng ai sai. Nhưng cuộc sống mà chỉ tìm đúng sai thì rất mệt mỏi. Có một điều vượt lên trên đúng sai, đó là gì?

Tôi xin kể câu chuyện về Khổng Tử và vị quan trẻ: Một vị quan trẻ tài giỏi, một hôm thấy hai người cãi nhau: một người nông dân tên Giáp và người bán hàng tên Ất. Ông Giáp cho rằng 3x7=20, còn ông Ất khẳng định 3x7=21. Vị quan trẻ bênh ông Ất. Cuối cùng, họ quyết định lên hỏi Khổng Tử. Ông Giáp thề nếu Khổng Tử nói 3x7=21 sẽ chịu mất đầu. Vị quan trẻ cũng thề nếu Khổng Tử nói 3x7=20 thì sẽ từ chức quan. Khổng Tử nghe xong, đã nói: “3x7=20”. Vị quan trẻ rất sốc và tức giận. Khổng Tử nói với vị quan rằng: “Nếu ta nói 3x7=21, thì một người sẽ mất đầu, một gia đình sẽ mất chồng, mất cha. Vậy đúng sai để làm gì?”

Tôi rất thích câu chuyện này. Đúng sai để làm gì? Chúng ta thường cãi nhau vì đúng sai mà quên mất ý nghĩa đằng sau. Đúng sai không quan trọng bằng tình nghĩa và sự sống. Trong việc phục vụ, đôi khi chúng ta cũng cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt, ai đúng ai sai. Công việc có thể tốt, nhưng tình nghĩa lại mất đi. Vợ chồng cãi nhau, một người thắng thì tình nghĩa mất. Cãi nhau với khách hàng mà thắng thì mất khách hàng. Cãi nhau với bạn bè mà thắng thì mất tương quan.

Vậy thì, đừng trở nên kiêu ngạo vì cái “đúng” của mình. Hãy bắt chước người thu thuế: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin thương xót con.” Sự khiêm tốn sẽ giúp chúng ta vượt qua cám dỗ về đúng sai.

c. Làm việc hình thức
Cám dỗ cuối cùng là làm việc hình thức. Chúng ta thích được khen, được công nhận. Nếu không được như ý, chúng ta dễ buồn chán, dễ dỗi, dễ bỏ cuộc. Đây là một yếu đuối của con người. Có những người khi làm việc gì, họ cứ mặc đẹp, cứ luẩn quẩn ở những nơi dễ được nhìn thấy, dễ được khen ngợi. Còn những việc phục vụ âm thầm ở nhà bếp hay hậu trường, họ không bao giờ chịu làm. Đó cũng là một cám dỗ, khi chúng ta nghĩ rằng làm Hội đồng Mục vụ, làm Hội đồng Giáo xứ thì phải “ăn trên ngồi chớp”, phải được người ta khen ngợi.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Những chia sẻ trên đây không nhằm mục đích phán xét hay chỉ trích, mà là để mỗi chúng ta cùng nhìn lại bản thân, nhìn lại cách chúng ta đang dấn thân phục vụ. Hãy luôn ghi nhớ sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã mời gọi và sai chúng ta đi, và hãy mặc lấy tinh thần khiêm tốn, quảng đại, vô vị lợi của Đức Kitô để việc phục vụ của chúng ta thực sự mang lại hoa trái cho bản thân, cho giáo xứ, và cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.

Bài giảng huấn 2 kết thúc, Quý Chức nghỉ giải lao đến 16g15. Sau đó, sẽ tiếp tục học hỏi về Quy Chế Giáo xứ do Cha Tổng Đại Diện phụ trách.

Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media


Video ĐỨC CHA GẶP GỠ QUÝ CHỨC

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây