Quan tâm của Toà Thánh
Ngày hôm đó, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã có bài diễn văn trước tổ chức quốc tế này, bày tỏ sự đánh giá cao và ủng hộ hoàn toàn của Toà Thánh đối với Ngày Thế giới mới được công bố.
Thực tế, Giáo hội Công giáo và cụ thể là Đức Thánh Cha và các cơ quan của Toà Thánh đã dấn thân rất nhiều trong việc đấu tranh chống nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters, ngày 02/7/2022, Đức Thánh Cha nói với phóng viên rằng hiện nay cuộc chiến chống lạm dụng trong Giáo hội là một con đường không thể đảo ngược. Ngài nhắc đến sự dấn thân mạnh mẽ ngang qua việc chia Bộ Giáo lý Đức tin thành hai phân bộ, trong đó một phân bộ dành cho các thủ tục liên quan đến các vụ lạm dụng. Ngài khẳng định việc “không dung thứ” đối với các trường hợp lạm dụng, đồng thời ca ngợi công việc của Đức Hồng Y Sean O'Malley, Tổng Giám mục Boston và Chủ tịch Ủy ban Toà Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, và cha Andrew Small, Thư ký Uỷ ban, là những người “can đảm” đáng được ghi nhận.
Tạo ra một thế giới không còn cưỡng hiếp
Để đánh dấu lần đầu tiên cử hành Ngày Thế giới Phòng ngừa và Chữa lành Trẻ bị Khai thác, Lạm dụng và Bạo lực tình dục, tại Roma trong hai ngày 17 và 18/11, Ngày Thế giới Cầu nguyện và Hành động vì Trẻ em 2022 cũng được tổ chức với những buổi thảo luận của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và những người quan tâm đến trẻ em. Vì cuộc chiến chống lạm dụng trẻ em, mọi người cùng bàn thảo về các hành động mà các chính phủ có thể làm để ngăn chặn lạm dụng tình dục trẻ em.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Fatima Maada Bio, Đệ nhất phu nhân của Cộng hoà Sierra Leone nói rằng tổng thống Sierra Leone, một “người Công giáo nhiệt thành” tin rằng thế giới cần phải nhận ra mức độ nghiêm trọng của các vụ cưỡng hiếp và thừa nhận rất ít người nói về hiện trạng này.
“Tổng thống Bio đã tạo cơ hội cho các nạn nhân lên tiếng”, bà Fatima Maada Bio cho biết và nhấn mạnh rằng lắng nghe những người sống sót sẽ cho phép các nhà lãnh đạo biết những gì cần phải làm. Và bà khẳng định thêm: “Hiện tượng này là một vấn đề ở châu Phi, nhưng cũng là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên chúng tôi muốn bắt đầu từ nơi chúng tôi đang hiện diện. Bằng cách kết nối với các quốc gia khác, những quốc gia coi vấn đề này là ưu tiên hàng đầu, để làm sao vấn nạn này có thể trở thành quá khứ”.
Rất nhiều người quan tâm
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, bà Fatima Maada Bo nói: “Đây là một ngày đặc biệt, ngày mang lại hy vọng cho hàng triệu người, những người được gọi là nạn nhân hoặc những người sống sót. Và tôi cho rằng Ngày này không phải là ngày chỉ để cử hành nhưng là ngày để mọi người nhớ đến các nạn nhân và cho phép họ đến với nhau và biết rằng họ không đơn độc. Có rất nhiều người ủng hộ và quan tâm đến những gì đã xảy ra với họ. Nhưng điều thực sự quan trọng là quá trình chữa lành, trao cho họ cơ hội được chữa lành. Bởi vì khi trở thành nạn nhân, người ta cần quá trình chữa lành. Chúng ta không thể quên nhưng chúng ta có thể được chữa lành, từ một nạn nhân trở thành người sống sót và từ một người sống sót thành người phát triển vượt qua quá khứ, và cũng có thể giúp người khác hiểu rằng đôi khi những điều xấu xảy ra với họ, nhưng họ cũng có thể biến điều xấu thành điều tốt trong cuộc sống của mình.
Thực thi quyền trẻ em
Tham gia hội thảo còn có Giáo sư Marci Hamilton, người sáng lập và Giám đốc điều hành Child Global, và giảng viên về Thực hành Khoa học Chính trị tại Đại học Pennsylvania. Bà Hamilton tái khẳng định vai trò quan trọng của Đệ nhất phu nhân của tổng thống Cộng hoà Sierra Leone trong việc thúc đẩy thành lập Ngày Thế giới Phòng ngừa và Chữa lành Trẻ bị Khai thác, Lạm dụng và Bạo hành, và bà giải thích rằng bước cần thiết mà Child Global thấy để chấm dứt lạm dụng tình dục trẻ em là thực thi các quyền của trẻ em. Cần có một chiến lược mở rộng hoặc loại bỏ việc giới hạn các quy chế liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Đối với trẻ em, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc trì hoãn tố cáo, bao gồm cả sự phát triển trí tuệ. Bởi vì sự phát triển trí tuệ cần thiết để xử lý các loại ký ức như vậy nói chung là 25 năm. Bà thừa nhận rằng nói chung rào cản chính đối với cải cách là sự phản kháng từ phía các thể chế muốn ngăn cản công chúng biết sự thật.
Cần một sự thay đổi quan trọng
Hiện diện tại hội thảo, ông Cornelius Williams, Giám đốc tổ chức Bảo vệ Trẻ em của UNICEF cám ơn quốc gia Sierra Leone vì đã thúc đẩy cho Ngày Thế giới mới. Theo ông Williams, sự đồng thuận của hơn 110 quốc gia thành viên trong việc phê duyệt ngày này có nghĩa là các quốc gia này nhìn nhận thực tế vấn đề liên quan đến trẻ em. Ông cũng ghi nhận nỗ lực và sự lãnh đạo của Tiến sĩ Jennifer Wortham, một nhà nghiên cứu tại Harvard, người đã thành lập Tổ chức Hợp tác Toàn cầu, một mạng lưới do người sống sót lãnh đạo đã dẫn đầu chiến dịch áp dụng Ngày Thế giới Phòng ngừa và Chữa lành Trẻ bị Khai thác, Lạm dụng và Bạo lực tình dục ở cấp độ quốc tế. Ông khẳng định: “Trẻ em ở mọi nơi trên thế giới tiếp tục bị tổn thương trong mọi lĩnh vực, ngay cả những nơi được cho là các em được bảo vệ”.
Ông giải thích rằng nhiều lần các em không chỉ là nạn nhân của lạm dụng tình dục, nhưng còn là nạn nhân của hệ thống tư pháp. Vì thế, ngoài luật pháp, các cơ cấu khác cần được tạo ra hoặc củng cố. Chấm dứt lạm dụng và bóc lột tình dục đòi hỏi một sự thay đổi lớn, và đây là lúc các cộng đoàn tôn giáo phải nỗ lực dấn thân. Trong phần kết luận, ông bày tỏ hy vọng kết quả chính xác có thể sớm được báo cáo.
Ngày Thế giới Phòng ngừa và Chữa lành Trẻ bị Khai thác, Lạm dụng và Bạo hành là thành tựu quan trọng
Ông David Hollins, giáo sư Lịch sử Tôn giáo Hoa Kỳ tại khoa Thần học Harvard đã tham gia sự kiện kéo dài hai ngày này. Ông đã hợp tác với Tiến sĩ Jennifer Wortham và chương trình Phát triển Con người của đại học Harvard để công nhận Ngày này. Ông chia sẻ với Vatican News rằng cộng đồng Harvard rất vui khi được hỗ trợ dấn thân này. Ông nói: “Tôi hiểu tầm quan trọng của những bước phát triển này trong việc đưa ra ánh sáng những điều thường bị che giấu trong nền văn hóa và trong các cuộc trò chuyện. Nơi đó chúng có thể được giải quyết và xác định; đồng thời chúng ta có thể thực hiện các bước để ngăn chặn tổn hại thêm cho trẻ em. Tôi nghĩ rằng tuyên bố của Ngày Thế giới Phòng ngừa và Chữa lành này là ánh sáng mạnh mẽ nhất có thể soi sáng cho vấn đề này và có được sự công nhận đó là một thành tựu quan trọng”.
Tâm linh là điều cần thiết để chữa lành
Bà Suzanne Greco, thành viên của Giáo hội các Thánh ngày sau của Chúa Kitô nói: “Tôi là một người sống sót của một vụ loạn luân. Tôi đã phải chịu rất nhiều lạm dụng tình dục. Giáo hội chúng tôi đang cố gắng tạo ra một không gian cho những người sống sót sau lạm dụng tình dục có thể kể và chia sẻ câu chuyện của họ, nơi họ có thể tìm đến các nhà lãnh đạo đức tin và các nhà lãnh đạo Giáo hội để chữa lành tâm linh. Và cũng là nơi có thể thông báo và đào tạo các mục sư Giáo hội để họ có thể phục vụ những người này theo một cách rất có ý nghĩa và giúp họ chữa lành vết thương mà các liệu pháp và các phương pháp khác không thể làm được. Chúng tôi biết rằng tâm linh là trung tâm của khả năng cho việc chữa lành một cá nhân và đã có nhiều nghiên cứu khoa học về điều này.... Nó tạo ra một không gian chữa lành mà các tổ chức y tế và những cách khác không thể làm được. Các Giáo hội đóng một vai trò thực sự quan trọng để các nạn nhân lạm dụng tình dục là trẻ em được chữa lành.”
Liên đới làm việc
Đại diện cộng đồng Hồi giáo, May Hassoon, Cố vấn của Chủ tịch Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo Hoa Kỳ cũng đã nói với Vatican News rằng: “Khai thác sự sống con người là một tai họa nghiêm trọng, và đáng lên án trong xã hội của chúng ta. Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo Hoa Kỳ tin rằng mỗi người đều quý giá. Trẻ em hôm nay sẽ là những nhà lãnh đạo của ngày mai và nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là truyền cho các em niềm tin và sự chắc chắn rằng các em có thể sống một cuộc sống nhiều mong đợi và cơ hội, một cuộc sống mà các em có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức về các mối đe dọa do bóc lột con người gây ra và tìm ra các giải pháp thiết thực. Chúng tôi mong muốn được làm việc liên đới với các tổ chức khác, để đảm bảo con em chúng ta có thể đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống, trao quyền cho các em và truyền cảm hứng cho sự thay đổi tích cực và không phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực”.
Sau hai ngày gặp gỡ, sự kiện kết thúc với nghi thức thắp nến và cầu nguyện tại Nhà thờ thánh Stêphanô ở Roma.
Ngọc Yến - Vatican News