Những thay đổi gần đây tại Bộ Loan Báo Tin Mừng
Trong thời gian gần đây, dư luận báo chí Công Giáo đặc biệt quan tâm đến những thay đổi hoặc xác định tại Bộ Loan báo Tin Mừng về nhân sự cũng như về thẩm quyền. Mãi đến ngày 27/1 năm nay (2023), Phòng báo chí Tòa Thánh mới ghi Đức Hồng Y Luis Tagle và Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella là "Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng”.
Bộ Loan báo Tin Mừng
Trong kế hoạch cải tổ giáo triều của Đức Thánh Cha Phanxicô, được cô đọng trong Tông hiến "Praedicate Evangelium”, Các con hãy loan báo Tin Mừng, được soạn thảo trong nhiều năm trời, với sự cộng tác của Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha, rồi được công bố ngày lễ Thánh Giuse 19/3 năm ngoái (2022), và bắt đầu có hiệu lực từ Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần ngày 5/6 sau đó, Bộ Loan báo Tin Mừng được xếp vào Bộ thứ nhất, vượt lên trên Bộ Giáo Lý đức tin, để nêu bật tầm quan trọng chủ yếu của sứ mạng loan báo Tin Mừng, thuộc về chính bản chất của Giáo Hội.
Khoản số 53, triệt 1, của Tông hiến ghi rõ: "Bộ Loan báo Tin Mừng phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng để Chúa Kitô, ánh sáng muôn dân, được nhận biết và làm chứng bằng lời nói và hành động, và xây dựng Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội. Bộ có thẩm quyền đối với những vấn đề cơ bản của việc loan báo Tin Mừng trên thế giới và thành lập, đồng hành và nâng đỡ các Giáo Hội địa phương mới, giữ nguyên thẩm quyền của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương”.
Triệt 2 của khoản 53 qui định: "Bộ Loan báo Tin Mừng gồm 2 phân bộ: Phân bộ thứ I phụ trách các vấn đề cơ bản của việc loan báo Tin Mừng trên thế giới và Phân bộ thứ II phụ trách việc Loan báo Tin Mừng đầu tiên và các Giáo Hội địa phương mới ở các miền thuộc thẩm quyền của mình”.
Cụ thể hai phân bộ này trước đây là Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella làm Chủ tịch, một cơ quan rất "khiêm nhượng” về nhân sự và thẩm quyền trong Giáo triều; tiếp đến là Bộ Truyền Giáo, hay là Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle người Philippines làm Tổng trưởng, một cơ quan thuộc hàng quan trọng đặc biệt, với thẩm quyền rộng lớn và cả về mặt tài chánh phong phú, vì thế giới báo chí thường gọi vị Tổng trưởng là “Giáo Hoàng đỏ”. Ngài phụ trách khoảng 1.100 giáo phận tại các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt nhất là khoản số 54, Tông hiến mới qui định rằng "Bộ Loan báo Tin Mừng do chính Đức Thánh Cha trực tiếp cai quản. Mỗi phân bộ do một vị Quyền Bộ trưởng đảm trách nhân danh ngài, chiếu theo khoản số 14 triệt 2” của Tông hiến này.
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle
Dư luận báo chí đặc biệt chú ý đến Đức Hồng Y Tagle, 66 tuổi (1957). Sau 8 năm làm Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Manila, Philippines, ngài được bổ làm Tổng trưởng Bộ truyền giáo và đến Vatican năm 2020. Đức Hồng Y vốn là một diễn giả nổi tiếng, quan tâm phục vụ người nghèo, và mặc dù tuổi của ngài còn trẻ, nhưng không thiếu những người gọi Đức Hồng Y là "Phanxicô Á Châu”. Nhưng theo Tông hiến mới về Giáo triều Roma, Đức Hồng Y Tagle đang làm Tổng trưởng, bị thụt xuống hàng Quyền Tổng Trưởng. Dư luận đã chờ đợi việc bổ nhiệm chính thức Đức Tổng Giám Mục Fisichella và Đức Hồng Y Tagle vào hai chức vụ này. Nhưng người ta chờ 7 tháng trời sau khi Tông hiến mới bắt đầu có hiệu lực mà không thấy gì. Các thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh chỉ ghi những lần Đức Thánh Cha tiếp kiến hai vị, mà không ghi chức danh. Mãi đến ngày 27 tháng 1 năm nay (2023), Phòng báo chí Tòa Thánh mới ghi Đức Hồng Y Tagle và Đức Tổng Giám Mục Fisichella là "Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng”.
Không có giải thích chính thức nào về sự chậm trễ bổ nhiệm chính thức này. Có người cho rằng có thể vì Tông Hiến mới không xác định rõ vai trò và chức năng của hai vị Quyền Bộ Trưởng, đặc trách hai phân bộ của Bộ Loan báo Tin Mừng.
Trong thực tế, suốt 7 tháng trời trước đây, hai vị vẫn làm những công việc như cũ, như đã làm từ trước đến nay.
Xác định thẩm quyền
Ngày 17/3 vừa qua (2023), Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sắc Lệnh của Đức Thánh Cha xác định quyền hạn của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle về mặt kinh tế và hành chánh.
Trong Sắc lệnh, Đức Thánh Cha quyết định rằng Đức Hồng Y Tagle, Quyền Bộ trưởng là đại diện pháp lý, phụ trách tất cả các thẩm quyền về mặt kinh tế và quản trị, trước đây thuộc quyền Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ truyền giáo. Đức Hồng Y có 2 vị Đồng Tổng Thư ký: một vị là Chủ tịch 4 Hội Giáo Hoàng truyền giáo, và một vị phụ trách công việc của vị Tổng Thư ký Bộ truyền giáo như trước đây.
Tóm lại, Đức Hồng Y Tagle phục hồi trọn quyền bính như một Tổng trưởng Bộ truyền giáo trước đây.
Có điều là Sắc lệnh của Đức Thánh Cha ký ngày 1/8 năm ngoái (2022) nhưng 6 tháng sau đó, tức là đến ngày 17/3 vừa qua (2023) mới công bố. Tựu trung sắc lệnh xác định thẩm quyền trước đây của các vị như trong Bộ truyền giáo trước đây, vì hiển nhiên, Đức Thánh Cha không thể điều khiển và giám sát hết các việc của Bộ Loan báo Tin Mừng, tuy ngài là Bộ trưởng của Bộ này trên giấy tờ.
Tân Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng
Trước đó, ngày 15/3, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachukwu, người Nigeria, làm tân Tổng Thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng, kế nhiệm một vị Phi châu khác là Đức Tổng Giám Mục Protase Rugambwa, người Tanzania.
Đức Tổng Giám Mục Nwachukwu năm nay 63 tuổi (1960), phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ 29 năm nay (1994), tại nhiều nhiệm sở. Ngài tốt nghiệp cử nhân Kinh Thánh, trước khi đậu thêm tiến sĩ thần học tín lý và giáo luật tại hai Đại Học Giáo Hoàng ở Rôma.
Sau khi tốt nghiệp trường ngoại giao Tòa Thánh, Cha Nwachukwu được bổ đi phục vụ tại Ghana, Paraguay rồi Algéria, Genève, trước khi làm trưởng ban nghi lễ ngoại giao tại Vatican, rồi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh tại Malta, Libia, Nicaragua, Bắc Âu, tiếp đến là Sứ thần Tòa Thánh tại 9 nước nhỏ thuộc Quần đảo Caraibí, sau đó làm Sứ thần Tòa Thánh tại Argentina, trước khi được bổ nhiệm làm Quan sát viên Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp quốc ở Genève, Thụy Sĩ, từ gần 2 năm nay.
Trong nhiệm vụ mới tại Bộ Loan báo Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Nwachukwu thay thế Đức Tổng Giám Mục Protase Rugambwa, 63 tuổi, vừa mãn hai nhiệm kỳ làm Tổng Thư ký của bộ này.
Theo qui luật mới trong Tông hiến "Các Con hãy loan báo Tin Mừng” (Praeticate Evangelium), những vị đảm nhận các chức vụ cao tại Tòa Thánh thường chỉ được làm 2 nhiệm kỳ 5 năm, tổng cộng khoảng 10 năm, trừ khi Đức Thánh Cha định liệu cách khác.
Nay Đức Tổng Giám Mục Nwachukwu phụ giúp Đức Hồng Y Tổng trưởng Luis Antonio Tagle, điều hợp hoạt động của Bộ Loan báo Tin Mừng.
Tân Đồng Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng
Trước đó nữa, ngày 3/12 năm ngoái (2022), Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tân Đồng Tổng Thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng và là Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, là Cha Emilio Nappa, đồng thời thăng làm Tổng Giám Mục hiệu tòa Satriano.
Đức Tổng Giám Mục Nappa năm nay 51 tuổi (1972), thuộc giáo phận Aversa nam Ý, nguyên là giám đốc và giáo sư thần học cơ bản tại Học viện Liên giáo phận Thánh Phêrô và Phalo về khoa học tôn giáo ở miền Capua, miền nam nước Ý, trước khi phục vụ tại Phân Bộ tổng vụ của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh từ tháng 8/2020 và mới chuyển sang Bộ Kinh Tế từ tháng 9 năm ngoái (5/9/2022).
Nay Đức Cha được bổ nhiệm thay thế Đức Tổng Giám Mục Giampiero Dal Toso, 58 tuổi (1964), trong 5 năm qua là Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. Cơ quan này gồm 3 cơ quan là Hội Truyền bá đức tin, Hội Thánh Phêrô Tông Đồ và Hội Nhi Đồng truyền giáo hay cũng gọi là Hội Thánh Nhi. Ba Hội này quyên góp và tài trợ các hoạt động truyền giáo, đào tạo nhân sự và mục vụ tại khoảng 1.100 giáo phận thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng. Sau cùng là Liên hiệp Truyền giáo có mục đích động viên tinh thần truyền giáo, hiện do Cha Thomas Nguyễn Đình Anh Nhuệ làm Tổng Thư ký.
Với quyết định bổ nhiệm vị Tổng Thư ký và Đồng Tổng Thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng trên đây, Đức Thánh Cha thi hành điều khoản số 17 của Tông Hiến "Các con hãy loan báo Tin Mừng” qui định rằng các Bộ trưởng, Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký của các bộ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Hai vị Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký của Bộ Loan báo Tin Mừng bị thay thế theo qui luật trên đây, vì các vị đã tại vị hơn kém 5 năm rồi. Có điều là với cái tuổi 63, Tổng Giám Mục Protase Rugambwa, người Tanzania, đang chờ một nhiệm sở mới. Còn Đức Tổng Giám Mục Dal Toso thì đã được Đức Thánh Cha bổ đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn