TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phúc Chiếu mới về các hoạt động tài chánh

Chủ nhật - 28/08/2022 19:41 | Tác giả bài viết: |   681
Đức Thánh Cha đã quyết định rằng từ nay các động sản, tiền mặt, cổ phiếu, chứng khoán của Tòa Thánh phải được chuyển giao cho Ngân hàng Vatican quản trị
Phúc Chiếu mới về các hoạt động tài chánh

Phúc Chiếu mới của Đức Thánh Cha về các hoạt động tài chánh của Toà Thánh

Đức Thánh Cha đã quyết định rằng từ nay các động sản, tiền mặt, cổ phiếu, chứng khoán của Tòa Thánh và các cơ quan thuộc Tòa Thánh phải được chuyển giao cho Ngân hàng Vatican quản trị để mang lại các nguồn lợi cần thiết cho các hoạt động của giáo triều Roma.

Trên đây là nội dung phúc chiếu (Rescriptum) được Đức Thánh Cha công bố hôm thứ Ba 23/8/2022, theo đó Viện Giáo Vụ (IOR) quen gọi là Ngân hàng Vatican, từ nay có thẩm quyền hoàn toàn quản lý tiền mặt, trái phiếu, cổ phiếu và chứng khoán của các cơ quan Tòa Thánh.

“Phúc chiếu” và “Tự sắc” đều có giá trị như một lệnh, một quy luật được Đức Thánh Cha ban hành, nhưng có sự khác biệt. Tự sắc, Motu Proprio, do chính ngài tự ý ban hành; trong 9 năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành khoảng 50 tự sắc. Còn phúc chiếu là do sự thỉnh cầu của một chức sắc liên hệ của Tòa Thánh, xin ngài quyết định về một vấn đề gì đó. Đức Thánh Cha ban hành Phúc chiếu ngày 23/8/2022, sau khi tiếp kiến Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh hôm trước đó, 22/8/2022.

Nội dung Phúc Chiếu

Đức Thánh Cha quyết định rằng: Điều số 219, triệt 3 trong Tông Hiến “Praedicate Evangelium”, Các con hãy loan báo Tin Mừng, ban hành ngày 19/3/2022 về cải tổ giáo triều Roma, phải được giải thích chính thức theo nghĩa như sau: “Hoạt động quản trị tài sản và ký thác động sản của Tòa Thánh và của các tổ chức gắn liền với Tòa Thánh là điều hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Viện Giáo Vụ (IOR), [quen gọi] là Ngân hàng Vatican”.

Theo quyết định đó, điều số 4 của Phúc Chiếu nói rằng: “Tòa Thánh và các tổ chức liên hệ với Tòa Thánh, đứng tên các hoạt động Tòa Thánh và tiền mặt, dưới bất kỳ hình thức nào, nơi các tổ chức tài chánh khác với Viện Giáo Vụ, đều phải thông báo cho Viện này và chuyển giao cho Viện trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 1/9 tới đây”.

Nói một cách cụ thể, Phúc Chiếu mới của Đức Thánh Cha quy định rằng từ nay, các cơ quan Tòa Thánh, kể cả Phủ Quốc vụ khanh hoặc cơ quan quản trị của Tòa Thánh, hoặc các bộ khác, không được ký thác hoặc nhờ các ngân hàng Ý hoặc nước ngoài quản lý động sản, tiền mặt hoặc cổ phiếu của mình, nhưng phải giao cho Ngân hàng Vatican thi hành công tác này.

Quy luật này bắt đầu có hiệu lực tức khắc qua việc tăng tải trên trên nhật báo của Tòa Thánh “Osservatore Romano”, Quan sát viên Roma.

Viện Giáo Vụ

Thoáng nhìn, người ta cũng có thể nhận thấy, Viện Giáo Vụ hay Ngân hàng Vatican, tuy chỉ là một ngân hàng thương mại và không thuộc giáo triều Roma, nhưng nay có một tầm quan trọng chủ yếu trong việc sinh lợi, mang lại phương tiện hoạt động cho Tòa Thánh, cho giáo triều Roma, để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

Ngân hàng này được Đức Giáo Hoàng Piô 12 thành lập cách đây 70 năm (1942) và có trụ sở ở nội thành Vatican, với mục đích quản thủ và quản trị các động sản và bất động sản được các thể nhân và pháp nhân ủy thác, để sinh lợi dùng vào các mục tiêu tôn giáo và bác ái.

Qua dòng lịch sử, Ngân hàng Vatican đã dính liếu đến một vài vụ xì-căng-đan, kể cả vụ hồi tháng giêng năm nay, cựu chủ tịch ngân hàng này trở thành người đầu tiên bị tòa án tại Vatican kết án tù vì một tội phạm tài chánh.

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có một vài vị Hồng Y cố vấn của ngài nghĩ đến việc bãi bỏ ngân hàng này để tránh những vụ lạm dụng. Nhưng giải pháp được chọn lựa là thanh lọc, cải tổ và gia tăng sự kiểm soát các hoạt động của Viện Giáo Vụ.

Hiện thời, Ngân hàng Vatican quản trị khoảng 5 tỷ 200 triệu Euro và năm ngoái lời được hơn 18 triệu Euro. Con số này nhỏ bé so với 50 triệu Euro mà ngân hàng chuyển cho Tòa Thánh để trang trải các sinh hoạt của Tòa Thánh trước đây. Nhưng lợi nhuận của ngân hàng này giảm sút trong những năm gần đây.

Ngân hàng Vatican ở nội thành Vatican hiện có 110 nhân viên và 14.519 khách hàng, so với 19 ngàn trước khi được cải tổ và thanh lọc. Gần một nửa khách hàng của ngân hàng này là các dòng tu, các giáo phận, các nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, hoặc các đại sứ quán cạnh Tòa Thánh.

Vấn đề đầu tư của Tòa Thánh

Cũng nên nói thêm rằng từ đầu tháng 9 tới đây, Tòa Thánh sẽ áp dụng các quy luật mới trong chính sách thống nhất đầu tư tài chánh, để góp phần vào việc xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.

Trong thông cáo công bố hôm 19/7/2022, Bộ Kinh Tế của Tòa Thánh cho biết chính sách mới này được phê chuẩn và áp dụng thử trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/9 sắp tới, với một thời kỳ tạm hoãn để thích ứng với các tiêu chuẩn được đề ra.

Các cơ quan thuộc giáo triều Roma phải ủy thác việc đầu tư tài chánh cho Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, chuyển các ngân khoản để đầu tư của mình, hoặc các chứng khoán khác được gởi tại các ngân hàng, kể cả ngân hàng Vatican, tức là Viện giáo vụ, vào tài khoản của cơ quan APSA được mở tại Viện giáo vụ về vấn đề này. Nhưng với Phúc chiếu mới, các ngân khoản để đầu tư phải được chuyển cho Ngân hàng Vatican thay vì cho cơ quan APSA.

Hiện nay, chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về đầu tư là Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Năm nay ngài 75 tuổi, người Mỹ gốc Ailen, cũng là Hồng Y nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

Một số nhận xét

Theo báo trực tuyến “The Pillar” ở Mỹ, “giải thích chính thức” được đề ra trong Phúc Chiếu là thực sự hoàn toàn thay đổi luật theo Tông Hiến “Các con hãy loan báo Tin Mừng” đề ra 5 tháng trước đó. Một thay đổi là tước bỏ một lãnh vực lớn trong thẩm quyền của cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh, hiện do Đức Cha Nunzio Galantino đảm trách. Cơ quan này quản trị các bất động sản, tiền bạc và lo lương bổng cho các chức sắc và nhân viên Tòa Thánh.

Trong Tự sắc khác ban hành ngày 28/12/2020, như một luật gồm 4 điều khoản, Đức Thánh Cha quy định chi tiết hơn việc quản lý các ngân khoản trước đây thuộc quyền quản lý của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trong đó có “Đồng tiền Thánh Phêrô” (Obolo di San Pietro), vốn là ngân khoản riêng tùy ý Đức Thánh Cha sử dụng, thuộc vào số tiền do các tín hữu dâng cúng.

Tự sắc nhắm giảm bớt số những vị chịu trách nhiệm về kinh tế của Tòa Thánh và tập trung việc quản trị, quản lý và những quyết định kinh tế và tài chánh trong các cơ quan tương ứng. Trong tự sắc, Đức Thánh Cha quy định rằng các ngân khoản trước đây do Phủ Quốc Vụ Khanh quản lý nay phải chuyển cho cơ quan “Quản trị tài sản của Tòa Thánh”, trước ngày 4/2/2021.

Tiếp đến, hồi tháng 11 năm ngoái (2021), Đức Thánh Cha quyết định: cơ quan APSA quản lý luôn tài chánh của Phủ Quốc vụ khanh và Bộ Kinh tế có nhiệm vụ kiểm soát vấn đề này. Trong vòng 3 tháng, Phủ Quốc vụ khanh phải chuyển giao cho APSA những ngân khoản mà mình còn quản lý.

Tóm lại, Đức Thánh Cha đã dành nhiều tháng trời để biến APSA thành một cơ quan quản trị việc đầu tư của Vatican. Nhưng với Phúc chiếu ngày 23/8 vừa qua ngài truyền các cơ quan khác, kể cả APSA phải chuyển tất cả động sản, tiền mặt, chứng khoán cho Ngân hàng Vatican quản trị và đầu tư, mặc dù ngân hàng này không phải là cơ quan đúng nghĩa của Giáo triều, nhưng là một ngân hàng thương mại.

Ảnh hưởng quyết định của Đức Thánh Cha

Sự thay đổi này có thể có một ảnh hưởng lớn trên trách nhiệm tài chánh tại Vatican, đưa hầu hết các hoạt động tài chánh của giáo triều đặt dưới sự giám sát của quốc tế, kể cả hoạt động tài chánh của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, APSA và Bộ Kinh Tế.

Trong những năm gần đây, các hoạt động của Ngân Hàng Vatican đã chịu sự giám sát của cơ quan quốc tế Moneyval. Cơ quan này hằng năm vẫn được phúc trình và viếng thăm Ngân hàng Vatican. Phúc trình mới đây của cơ quan này ca ngợi những cố gắng cải tổ của ngân hàng Vatican, nhưng đồng thời bày tỏ quan tâm về Vatican, kể cả thẩm quyền giám sát về tài chánh nội bộ tại Phủ Quốc vụ khanh, gọi tắt là ASIF. Trong khi đó cơ quan APSA thường gặp vấn đề vừa tuân hành các quy luật của Vatican và tuân theo các quy luật tài chánh quốc tế. Nay việc chuyển giao trách nhiệm cho ngân hàng Vatican có thể là một lời giải đáp, ít là một phần, cho những mối quan tâm của các cơ quan giám sát quốc tế này.

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây