TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Rao giảng Tin Mừng ở vùng địa lý khắc nghiệt

Chủ nhật - 23/04/2023 05:37 | Tác giả bài viết: |   663
Chúng tôi sống ở Iquitos, thành phố lớn nhất ở Amazon thuộc Peru, được bao quanh bởi thiên nhiên và những con sông lớn.
Rao giảng Tin Mừng ở vùng địa lý khắc nghiệt

Rao giảng Tin Mừng ở vùng địa lý khắc nghiệt dọc những con sông của Amazon thuộc Peru

Từ Iquitos, một nữ tu của Dòng các Nữ tu Giáo Lý viên Chúa Giêsu Chịu đóng đinh kể lại những thách đố to lớn các sơ gặp phải trong công cuộc rao giảng Tin Mừng ở một vùng địa lý khắc nghiệt, nhưng rất thân thiện về mặt con người.

Fátima Lay Martínez

Tôi là Fátima Lay Martínez, một nữ tu Dòng các Nữ tu Giáo lý viên Chúa Giêsu Chịu đóng đinh, và tôi muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện về sứ mạng của chúng tôi ở Amazon thuộc Peru, bắt đầu vào năm 2017. Ở góc nhỏ này của thế giới, nơi mà tôi gọi là “Món quà từ Thiên Chúa”, mọi thứ không diễn ra theo cách chúng ta quen thuộc, đó là lý do tại sao nó cần rất nhiều sáng tạo và thời gian để đáp ứng nhu cầu của mọi người, để tìm hiểu và yêu mến họ.

Cứ điểm truyền giáo của chúng tôi gồm có Sơ Reyna, Sơ María de la Luz, Sơ Sandra và tôi. Chúng tôi sống ở Iquitos, thành phố lớn nhất ở Amazon thuộc Peru, được bao quanh bởi thiên nhiên và những con sông lớn. Tuy nhiên, nước uống chỉ được cung cấp trong khoảng năm giờ mỗi ngày, còn điện thì không ổn định và kết nối Internet thì rất chậm. Người dân đến đây từ những ngôi làng xa xôi và định cư dọc theo bờ sông trong những hoàn cảnh vô cùng bấp bênh, nhận làm bất kỳ công việc nào có sẵn và không phải lúc nào cũng được trả lương đàng hoàng. Nhưng không có điều gì ngăn cản họ sống vui vẻ và thân thiện. Tôi thích nhìn lũ trẻ chơi đùa và tung tăng đi chân trần dọc theo những con đường không trải nhựa.

Hình thức đi lại phổ biến nhất ở miền Amazon là đi dọc theo sông. Chỉ có một con đường duy nhất nối Iquitos với thành phố Nauta, cách đó 100 km. Các hình thức vận chuyển khác bao gồm thuyền máy, phà và cái gọi là bongueros, có thể mất nhiều ngày. Trên thực tế, khoảng cách ở đây thường được đo bằng thời gian hơn là bằng kilômét. Đi Lima mất tám ngày bằng thuyền máy, trong khi chỉ mất một ngày để đến biên giới với Brazil hoặc Columbia.

Amazon thuộc Peru là một vùng đất truyền giáo có lãnh thổ được chia thành các hạt đại diện tông tòa khác nhau, được ủy thác cho các dòng tu. Nhưng số các nhà truyền giáo rất ít so với diện tích bao la của khu rừng. Ví dụ, chỉ có 33 linh mục trong giáo phận Iquitos của chúng tôi, đó là lý do tại sao các linh hoạt viên và các tu sĩ chúng tôi đóng một vai trò quan trọng. Trái ngược với các giáo xứ khác ở miền Amazon, hầu hết các giáo xứ ở đây đều ở Iquitos, một thành phố có khoảng nửa triệu dân. Nhưng hoạt động của Giáo hội cũng đến với các cộng đồng ở những ngôi làng xa xôi dọc theo các con sông, những nơi không dễ tiếp cận do địa lý phức tạp và chi phí vận chuyển cao. Khi mực nước hạ xuống, một số khu vực không thể tiếp cận được, hoặc ít nhất, phải đi bộ qua những khu rừng lầy lội và tự bảo vệ mình khỏi côn trùng và các động vật khác.

Công việc của chúng tôi trong bối cảnh này là truyền giáo và đồng hành đặc biệt với những người đến từ những ngôi làng xa xôi, mang theo ước mơ của họ, nhất là cho con cái của họ. Tôi nhớ cuộc gặp gỡ ban đầu với khung cảnh mục vụ này diễn ra trong một cuộc gặp gỡ nói về bí tích Rửa tội cho một số trẻ em. Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ có một số cha mẹ của họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội. Tôi đón nhận tình huống đó như một loại thử thách, và tôi buộc phải thay đổi bài giáo lý mà tôi đã chuẩn bị. Tôi dần dần nhận ra rằng vùng này là một “vùng đất nguyên sơ” để truyền giáo, vì nhiều người chưa bao giờ cầm quyển Kinh Thánh hay nghe một đoạn Kinh Thánh nào.

Trong khi sống đặc sủng của mình với tư cách là một hội dòng trong suốt sáu năm này, chúng tôi đã cộng tác vào nhiều công việc khác nhau trong việc dạy giáo lý và đào tạo ở các giáo xứ khác nhau, ngoài việc phụ trách các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Tất cả những điều này đã cho phép chúng tôi di chuyển từ thành phố đến các vùng ngoại vi và do đó tiếp cận được các cộng đồng định cư ở các vùng sông nước. Ở đó, chúng tôi cũng có cơ hội gặp gỡ và phục vụ những "người bị đóng đinh" ngày nay. Vào các ngày thứ Tư, chúng tôi cho người bệnh rước lễ; chúng tôi đồng hành với họ và lắng nghe họ.

Tôi nhớ có lần, mặc dù về mặt con người tôi cảm thấy kinh tởm, nhưng tôi vẫn có thể chiêm ngưỡng Chúa Kitô trên thập giá trong khi chăm sóc một người đầy vết thương. Mọi thứ đều có ý nghĩa trong khoảnh khắc đó. Trong đại dịch Covid-19, tôi đã phải đau khổ cùng với họ và tôi đã khóc vì cảm giác bất lực khi chứng kiến rất nhiều người chết trong đợt đầu tiên, đã tàn phá nặng nề Iquitos. Cuộc gặp gỡ với rất nhiều người “bị đóng đinh” này cũng kêu gọi chúng tôi lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Ở đây có nhiều doanh nghiệp chặt cây và khai thác khoáng sản trái phép. Họ gây ra sự cố tràn dầu làm ô nhiễm các dòng sông, khiến người dân không có nước uống và không thể đi đánh cá để kiếm thức ăn. Đứng trước những hoàn cảnh đó, lòng yêu thương đồng bào khiến chúng tôi không thể thờ ơ và thôi thúc chúng tôi đóng góp phần nhỏ bé của mình để cải thiện tình hình. Đây là điều đã thúc đẩy chúng tôi thành lập hội Caritas trong giáo xứ của mình.

Ở trong rừng là một món quà từ Chúa, và mặc dù thế giới không biết đến công việc của chúng tôi, nhưng mọi nỗ lực để đi bên cạnh những người này, để giúp họ lấy lại phẩm giá của mình, đã là một khởi đầu của Vương quốc của Thiên Chúa. Thật tuyệt vời khi có cơ hội được đồng hành với các chị em trong cộng đoàn của tôi trong cuộc tìm kiếm điều Chúa muốn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây