Như thế, đã 76 năm trôi qua kể từ những ngày kinh hoàng đó, ngày mà cả thế giới phát hiện ra sức công phá kinh hoàng của loại vũ khí nguy hiểm nhất từng được chế tạo trên mặt đất. Hai vụ tấn công hạt nhân do Hoa Kỳ thực hiện vào cuối thế chiến thứ hai, chính xác vào các ngày 6 và 9/8/1945 vào hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Theo một số ước tính, số người thiệt mạng ở cả hai thành phố có thể gần 200 ngàn người. Đây là vụ tấn công hạt nhân đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chiến tranh, nhưng việc phát triển và sở hữu vũ khí của nhiều quốc gia cho thấy hòa bình đang ở trong tình trạng nguy hiểm.
Cũng vì lý do này mà Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế vận hội kết thúc vào Chúa nhật ngày 8/8, và hai tuần sau đó sẽ đến Thế vận hội Paralympic.
Lời chứng của những người sống sót
Vào lúc 8 giờ15’ ngày 6/8, tiếng chuông báo hiệu bắt đầu phút thinh lặng tưởng niệm; thời điểm Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, ngay lập tức làm cho hàng chục ngàn người thiệt mạng. Từ đây, lịch sử các cuộc xung đột trên thế giới được viết lại một cách bi thảm, tác động tàn khốc của vũ khí hạt nhân. Thành phố Nhật Bản tổ chức lễ kỷ niệm bên trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Do đại dịch, số người tham gia giảm xuống còn vài trăm người, đại diện cho 86 quốc gia khác nhau đoàn kết nhân danh hòa bình. Thị trưởng thành phố Hiroshima, ông Kazumi, đã thúc giục chính phủ đảm bảo các cuộc đàm phán về việc sửa đổi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể được tiếp tục. Mặc dù là quốc gia duy nhất là nạn nhân của cuộc tấn công nguyên tử, Nhật Bản đã không phê chuẩn Hiệp ước. Trong lễ tưởng niệm có sự hiện diện của những người sống sót sau vụ tấn công hạt nhân. Tuổi trung bình của họ hiện nay là khoảng 84 tuổi.
Hoà bình là có thể khi không còn vũ khí
Lễ tưởng niệm là dịp để Nhật Bản hướng nhìn về quá khứ, tưởng nhớ các nạn nhân, và hét lên với thế giới rằng “không bao giờ xảy ra như vậy nữa”. Và một lần nữa Nhật Bản muốn thế giới lắng nghe tiếng nói của những người sống sót sau các vụ đánh bom hạt nhân, với thời gian số những người này ngày càng ít đi. Lắng nghe thông điệp của họ, một thông điệp vượt biên giới và các thế hệ để yêu cầu các cá nhân, công dân và các nhà cầm quyền làm việc vì hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân, để số các quốc gia sở hữu vũ khí tàn khốc và nguy hiểm trên thế giới ngày càng giảm.
Về phía Giáo hội Công giáo, trong dịp này, các tín hữu nhớ lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2019. Đức Thánh Cha đã xác định việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là “một tội ác không chỉ chống lại loài người và nhân phẩm”, nhưng còn “chống lại mọi khả năng xảy ra trong tương lai cho ngôi nhà chung của chúng ta”.
“Hòa bình đích thực chỉ có thể là hòa bình không có vũ khí”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm, đồng thời nhấn mạnh “từ vực thẳm của im lặng, người ta tiếp tục nghe được tiếng kêu của những người không còn hiện diện nữa”. Các bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại Hiroshima và Nagasaki chắc chắn phải được coi là các bài tham luận của thần học luân lý, lời ngôn sứ. Đó là kết quả của sự phân tích cẩn thận và chính xác về thế giới đương thời, thể hiện một chủ nghĩa hiện thực chính trị mạnh mẽ: thế giới có nguy cơ tự hủy diệt.
Ngọn lửa Olympic nói với chúng ta “không còn bom nữa”
Cách đây hai năm, Đức Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami của Tổng Giáo phận Nagasaki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản đã đón tiếp Đức Thánh Cha tại Nagasaki. Và năm nay, trong những ngày diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic, cũng là ngày kỷ niệm 76 năm vụ ném bom nguyên tử vào hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Nhân dịp này Vatican News có cuộc phỏng vấn với Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản về hai sự kiện này.
Thưa Đức cha, với Thế vận hội, thế giới đang hướng đến Nhật Bản. Và trong những ngày này, mọi người cũng tập trung chú ý đến việc kỷ niệm hai vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Như vậy, một mặt có một lịch sử không thể lãng quên, và một mặt khác là câu chuyện thể thao đang được viết. Thưa Đức cha, Đức cha cảm thấy thế nào trước sự trùng hợp này?
Thế vận hội là một sự kiện thể thao, nhưng cũng là một động lực để tạo ra hòa bình trên thế giới. Sự trùng hợp này rất có ý nghĩa, dù do đại dịch mọi người không thể tham dự các cuộc đua như những lần trước đây. Tuy nhiên, Thế vận hội là một điều tốt, vì nó mang lại một bầu khí tốt và đầy phấn khởi cho mọi người.
76 năm sau vụ ném bom nguyên tử, Đức cha muốn nói gì với các tín hữu trong Giáo phận Nagasaki, đặc biệt với giới trẻ?
Mỗi năm, số nhân chứng trực tiếp của thảm kịch này ngày càng ít đi, nhưng họ đã để lại một trải nghiệm vô cùng quan trọng và quý báu. Điều này phải được truyền tải lại cho thế hệ trẻ, sự chuyển tiếp này rất quan trọng, như Đức Thánh Cha luôn nhắc đến. Lời chứng này cũng được thực hiện qua các kênh khác như phim ảnh, văn học và phương tiện truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực này để cho ký ức luôn được tồn tại.
Năm nay, cũng kỷ niệm 10 năm sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tại sao chúng ta cũng phải nhớ đến những gì đã xảy ra tại Nhật Bản vào tháng 3/2011, thưa Đức cha?
Vì đây là vấn đề chung, chúng ta phải loại bỏ năng lượng nguyên tử vì nó rất nguy hiểm. Chúng ta không được chế tạo vũ khí, và cả năng lượng hạt nhân, nếu theo một nghĩa nào đó nó cần thiết. Ngày nay chúng ta phải khắc phục, chúng ta phải sản xuất năng lượng theo một cách khác.
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân rất quan trọng, đã được nhiều quốc gia phê chuẩn, tuy nhiên nhiều quốc gia vẫn tiếp tục có vũ khí hạt nhân. Vậy việc sở hữu vũ khí có phải là một nút thắt thực sự cần giải quyết?
Vấn đề này rất lớn, chính Đức Thánh Cha đã nói, chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên mặt đất. Chúng ta không thể duy trì một nền hòa bình thực sự, đồng thời tiếp tục sở hữu vũ khí. Đó không phải là hòa bình thực sự, nhưng là giả dối! Hiệp ước có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng bây giờ tất cả chúng ta phải thúc đẩy sự tham gia của các quốc gia, ngay cả những quốc gia hiện nay có vũ khí hạt nhân. Năm ngoái, vào ngày 07/7, Đức cha Alexis Mitsuru Shirahama, Giám mục của Hiroshima, đã tạo ra một quỹ để thúc đẩy việc gia nhập Hiệp ước này, đồng thời cung cấp tài chính để hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ việc phê chuẩn. Đó là một sáng kiến nhỏ, nhưng quan trọng để đạt được mục tiêu.
Thế vận hội Olympic và Paralympic dạy chúng ta điều gì?
Tôi muốn bắt đầu từ Thế vận hội Paralympic, bắt đầu ở Tokyo vào năm 1964. Ngày nay, có nhiều vận động viên tham gia sự kiện này và họ yêu cầu chúng ta có một sự tôn trọng, không định kiến và phân biệt đối xử. Họ có một sức mạnh đặc biệt trong việc thúc đẩy nhân quyền. Hơn nữa, trong Thế vận hội lần này có một sự cân bằng lớn về số vận động viên nữ và nam, trong khi đó lúc đầu số phụ nữ tham gia là rất ít. Điều này cũng muốn chỉ cho thấy việc tôn trọng mọi người, không phân biệt giới tính.
Thưa Đức cha có phải ở Thế vận hội lần này cũng có một đội vận động viên là người tị nạn?
Đúng vậy, đây là một điều rất quan trọng. Một sự đại diện mang tính biểu tượng, nhưng nhắc nhở chúng ta về nhiều xung đột vẫn còn đang diễn ra trên thế giới. Thế vận hội minh chứng ý muốn tạo dựng một thế giới, trong đó có hòa bình giữa các quốc gia.
Đức cha cảm nhận thế nào khi nghĩ cách đây 76 năm một quả bom nguyên tử đã ghi dấu ấn mãi mãi trong lịch sử của Nhật Bản, và hôm nay sau 3/4 thế kỷ ngọn lửa Olympic đã được thắp sáng trên chính đất nước này?
Đây là một hình ảnh đẹp! Ngọn lửa Olympic cũng là biểu tượng của lời nguyện cầu tình yêu, cầu nguyện cho hòa bình. Bom nguyên tử hoàn toàn chống lại ngọn lửa này. Ngày nay chúng ta phải loại bỏ chúng, không bao giờ sử dụng bom nguyên tử nữa. Ngọn lửa duy nhất của sự hiệp nhất đó là ngọn lửa tình yêu và hòa bình.
Ngọc Yến - Vatican News