TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm C

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. (Ga 14, 23-29)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 6/2025

Thứ sáu - 23/05/2025 07:07 | Tác giả bài viết: Ủy ban Loan báo Tin mừng |   41
Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng”
Gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 6/2025

ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ THÁNG 6/2025 - THI HÀNH SỨ VỤ THEO SÁT ĐỨC GIÊSU
SỐNG CẦU NGUYỆN



WHĐ (23/5/2025) - Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ủy ban Loan báo Tin mừng sẽ có bài gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể mỗi tháng. Sau đây là bài gợi ý suy niệm tháng 6/2025.

ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản - Võ Thị Sáu - Quận 3 - Tp.HCM - Việt Nam
Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022

 

GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ - NĂM 2025

Cùng nhau loan báo Tin Mừng

ĐỀ TÀI 7 – THI HÀNH SỨ VỤ THEO SÁT ĐỨC GIÊSU

SỐNG CẦU NGUYỆN

Tháng 6/2025

 

A. Lời Chúa

“Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 1-4).

 

B. Ơn xin trong giờ chầu

Xin cho con chịu khó học ở nơi Chúa qua đời sống cầu nguyện, để hương thơm Tin Mừng ngấm sâu trong tâm hồn con và lan tỏa ra môi trường con sống.

 

C. Gợi ý suy niệm

1. “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện…” (Lc 11, 1)

Cầu nguyện là khởi đầu của sứ vụ. Trước khi lên đường rao giảng hay chọn các tông đồ, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện. Đó là nhịp sống nội tâm của Ngài kết hợp với Chúa Cha để thi hành sứ vụ. Thật vậy, một sứ vụ mà không cầu nguyện, đó không phải sứ vụ đến từ Đức Giêsu; người thi hành sứ vụ mà không cầu nguyện, đó không phải là môn đệ Đức Giêsu. Sắc lệnh Ad Gentes khẳng định rằng: Con Thiên Chúa được sai đi… đã cầu nguyện để chỉ cho chúng ta thấy sự hiệp thông với Chúa Cha là yếu tố cốt yếu của sứ mạng (x. AG 4). Và nhiệm vụ truyền giáo phải được chu toàn bởi mọi thành phần dân Chúa nhờ vào lời cầu nguyện và sự cộng tác của toàn thể Giáo Hội (x. AG 6). Tóm lại, cầu nguyện không phải để “chuẩn bị” cho sứ vụ nhưng chính là khởi đầu của sứ vụ.

Câu hỏi gợi ý suy tư: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện…”

Trong đời sống hằng ngày của tôi, tôi có dành ưu tiên cho cầu nguyện không? Tôi xem cầu nguyện như một thói quen, hay như là thời gian gặp gỡ sống động với Chúa Cha như Đức Giêsu? Tôi có nhận ra rằng sứ vụ chỉ mang lại hoa trái khi tôi gắn bó với Chúa không?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

2. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày…” (Lc 11, 3)

Cầu nguyện là sự phó thác giữa hành trình truyền giáo. Người môn đệ đích thực không tích trữ, không lo xa theo kiểu thế gian, nhưng sống từng ngày trong lòng bàn tay Thiên Chúa. Sắc lệnh Ad Gentes mời gọi các nhà truyền giáo sống khó nghèo, đơn sơ và trông cậy vào sự quan phòng. “Thiên Chúa sẽ ban cho họ lòng can đảm và sức mạnh, để họ vẫn được chan chứa niềm vui giữa bao gian truân thử thách và khó nghèo cùng cực” (AG 24). Cầu nguyện là thái độ của người nghèo: xin ơn đủ dùng hôm nay – để sống, để yêu và để phục vụ.

Câu hỏi gợi ý suy tư: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày…”

Trong khi thi hành sứ vụ, tôi có đặt quá nhiều niềm tin vào phương tiện, kế hoạch và tài năng đến nỗi quên mất sự quan phòng của Chúa không?Tôi có bằng lòng sống đơn sơ, khó nghèo theo Tin Mừng trong sứ vụ không? Khi gặp thiếu thốn hay giới hạn, tôi có dâng lên trong cầu nguyện hay chỉ lo toan theo kiểu người đời?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

3. “Xin tha tội cho chúng con… và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 4)

Cầu nguyện là thanh luyện tâm hồn người thi hành sứ vụ. Ai bước vào sứ vụ cũng mang trong mình những yếu đuối và dễ bị cám dỗ bởi thành công, quyền lực hay sự tự mãn. Sắc lệnh Ad Gentes không ngừng nhắc nhở người truyền giáo phải không ngừng hoán cải nội tâm, nhờ Lời Chúa và đời sống cầu nguyện. “Thấm nhuần đức tin sống động và đức cậy vững vàng, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện […]; vì lòng nhiệt thành đối với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tiêu hao chính bản thân vì các linh hồn, để từ đó họ ‘tăng trưởng trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân qua việc thi hành phận vụ hằng ngày’. Như thế, vâng ý Chúa Cha, họ tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô, cùng với Người và dưới quyền bính phẩm trật trong Giáo Hội, và cộng tác vào mầu nhiệm cứu rỗi” (AG 25). Thật vậy, cầu nguyện là ánh sáng thanh luyện ý hướng, để người thi hành sứ vụ không tìm mình, nhưng chỉ tìm Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Câu hỏi gợi ý suy tư: “Xin tha tội cho chúng con… và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”

Tôi có để cho Lời Chúa và giờ cầu nguyện soi sáng những ý hướng sâu kín của mình không? Có điều gì trong đời sống thi hành sứ vụ của tôi đang cần được Chúa thanh luyện? Tôi có khiêm tốn nhìn nhận mình là người tội lỗi cần được tha thứ, hay tôi đang bị cám dỗ muốn “làm việc của Chúa” mà không cần Chúa?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

Lưu ý:

1) Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.

2) Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.

3) Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.

 
Ủy ban Loan báo Tin mừng
23/05/2025

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây