TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo

Thứ bảy - 18/06/2022 07:35 | Tác giả bài viết: |   1315
Thứ Bảy, ngày 18 tháng Sáu năm 2022, Gia đình Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo trong thời nội chiến 1936-1939, tại Tây Ban Nha.
Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo

GIA ĐÌNH DÒNG ĐA MINH CÓ THÊM 27 CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO
 

Đài Chân Lý Á Châu (17.6.2022) - Thứ Bảy, ngày 18 tháng Sáu năm 2022, Gia đình Dòng Đa Minh có thêm 27 chân phước tử đạo trong thời nội chiến 1936-1939, tại Tây Ban Nha.

Lúc 11 giờ sáng, ngày 18 tháng Sáu, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, sẽ đại diện Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tôn phong 27 Tôi tớ Chúa tử đạo lên bậc chân phước, gồm 25 linh mục, tu sinh, tập sinh và trợ sĩ, tại thành phố Almagro và Almería, một giáo dân Đa Minh, một ký giả nổi tiếng, là Fructuoso Pèrez Márquez, chủ nhiệm báo Công giáo “La Independencia”, Độc lập, tử đạo năm 52 tuổi cũng tại Almería, sau cùng là một nữ tu Đa Minh tại thành Huéscar. Chị là chân phước nữ tu Đa Minh thứ hai người Tây Ban Nha.

Đức Thánh cha đã cho phép Bộ Phong thánh ban hành sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của các vị Tôi tớ Chúa này, hồi tháng Mười Hai năm ngoái, và lễ tôn phong chân phước dự kiến hồi năm ngoái, nhưng bị hoãn lại vì đại dịch.

Đứng đầu danh sách các linh mục Đa Minh tử đạo là Angel Marina Álvarez, 46 tuổi, bề trên tu viện tại Almagro. Cha từng làm thừa sai tại Venezuela, Cuba và Tenerife, làm bề trên và cha sở. Hài cốt của cha còn được tôn kính tại nhà thờ Thánh Tôma Aquinô, ở thành phố Sevilla.

Đặc biệt, nữ tu duy nhất trong 27 chân phước tử đạo, là chị Isabel Sánchez Romero, 76 tuổi. Chị sinh năm 1860 tại miền quê ở Huéscar, Andalusia. Năm 17 tuổi, chị gia nhập nữ tu viện Đa Minh tại thành này. Chị Isabel trung thành với ơn gọi, vâng phục và luôn sẵn sàng làm những công việc khiêm hạ nhất. Chị bị một thứ bệnh hiếm khiến chị bị những vết thương toàn thân, nhưng không ai nghe chị than thở.

Năm 1936, nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha và chẳng bao lâu sau bắt đầu cuộc bách hại các tín hữu Kitô. Ngày 15 tháng Hai năm 1937, chị Isabel bị bắt. Trong tù, chị bị các dân quân cộng hòa lăng mạ và ngược đãi, bất chấp tuổi già của chị. Họ muốn buộc chị phải nói phạm thượng, nhưng chị chỉ trả lời bằng cách cầu nguyện. Chị bị thương và chảy máu nhiều nơi. Hôm sau, 16 tháng Hai, chị Isabel phải leo lên xe vận tải với các tù nhân khác để tới nghĩa trang, nơi họ sẽ bị hành quyết. Chị không đứng dậy được nên đám dân quân khiêng chị và ném lên xe như một đồ vật.

Đến nghĩa trang, đám dân quân bắn vào các tù nhân, từng người một, trong khi chờ đợi đến phiên mình. Chị Isabel đã chứng kiến người cháu ruột Florencio bị hành quyết. Đến lượt, chị tiếp tục từ chối không nói phạm thượng xúc phạm đến Chúa và cầu nguyện cho đến cùng. Chị bị hành quyết một cách dã man: bọn dân quân đặt đầu chị trên một tảng đá và dùng đá đập nát đầu chị. Hôm đó là ngày 16 tháng Hai năm 1937. (Vatican News 13-12-2012, dominicos.org 2022).

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây