TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình yêu Thiên Chúa và sự dữ trong thế giới

Thứ năm - 09/11/2023 06:15 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Cao Gia An SJ |   531
Sự hiện diện tràn lan của đau khổ, áp bức, bất công… hay nói chung là sự dữ, đã trở thành lời chất vấn khôn nguôi về sự hiện hữu, về vai trò, và về chính căn tính của Thiên Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa và sự dữ trong thế giới

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 106: TÌNH YÊU THIÊN CHÚA VÀ SỰ DỮ TRONG THẾ GIỚI CON NGƯỜI


Câu hỏi: Nếu Thiên Chúa đã dựng nên thế giới vì tình yêu, tại sao xã hội chúng ta lại đầy bất công, áp bức và đau khổ? Nếu Thiên Chúa tốt lành và quan phòng, tại sao ngay ban đầu Thiên Chúa đã cho con người được chọn lựa làm điều dữ? 

Trả lời:  

Một câu hỏi kinh điển

Câu hỏi của bạn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người, đã kéo dài từ rất lâu trong dòng lịch sử của nhân loại. Sự hiện diện tràn lan của đau khổ, áp bức, bất công… hay nói chung là sự dữ, đã trở thành lời chất vấn khôn nguôi về sự hiện hữu, về vai trò, và về chính căn tính của Thiên Chúa. Một trong những công thức chất vấn kinh điển đến từ Epicuro, một triết gia Hy-lạp sống từ giữa thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ thứ III trước công nguyên, thường được gọi là “nghịch lý Epicuro”. Nghịch lý ấy được tóm lại trong tác phẩm De Ira Dei của tác giả Lucio Cecillio Firmiano Lattanzio như sau:
Có thể có ba khả thể trong tương quan giữa Thiên Chúa và sự dữ:

(1) Thiên Chúa muốn tiêu diệt sự dữ, nhưng lại không thể
(2) Thiên Chúa có thể tiêu diệt sự dữ, nhưng lại không muốn
(3) Thiên Chúa vừa muốn vừa có thể tiêu diệt sự dữ

Nếu (1) Thiên Chúa muốn, nhưng lại không thể tiêu diệt sự dữ, hóa ra Thiên Chúa không toàn năng. Đấy không phải là Thiên Chúa.

Nếu (2) Thiên Chúa có thể tiêu diệt sự dữ, nhưng lại không muốn, hóa ra Thiên Chúa không tốt lành. Đấy cũng không phải là Thiên Chúa.

Nếu (3) Thiên Chúa muốn và có thể tiêu diệt sự dữ, và phải như vậy thì Ngài mới là Thiên Chúa, thì tại sao trên thế giới của chúng ta vẫn đầy dẫy sự dữ thế này?  

Chung quy lại, chất vấn của Epicuro và nhiều triết gia theo sau ông là thế này: Tại sao Thiên Chúa toàn năng và tốt lành lại không tiêu diệt sự dữ? Nếu Thiên Chúa toàn năng và tốt lành, tại sao lại có sự dữ? Câu hỏi thứ nhất của bạn cũng đi theo hướng này, nhưng tập trung vào những sự dữ mang tầm mức xã hội: nếu Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới vì tình yêu, tại sao xã hội chúng ta lại đầy bất công, áp bức, và đau khổ?

Thiên Chúa tiêu diệt sự dữ?

Cần ghi nhận điều quan trọng này: không thể có sự bất công, nếu không có những con người làm chuyện bất công. Không thể có sự áp bức, nếu không có người áp bức. Không thể có sự đau khổ, nếu không có người gây ra đau khổ. Khi bàn về sự dữ, luôn có nguy cơ người ta chỉ tập trung vào sự dữ, mà quên mất con người mới chính là tác nhân gây ra sự dữ, nhất là những sự dữ mang tầm mức xã hội. Tại sao Thiên Chúa không thẳng tay tiêu diệt sự dữ? Vậy thì phải hỏi lại, làm cách nào để tiêu diệt sự dữ cách triệt để, nếu không phải là tiêu diệt tác nhân gây ra sự dữ? Liệu Thiên Chúa có thể ra tay tiêu diệt những con người làm điều dữ không?

Trong mong ước và tưởng tượng của con người, nhất là những nạn nhân của sự dữ, câu trả lời có thể là có: Thiên Chúa nên thẳng tay tiêu diệt những kẻ làm điều dữ, và khi đó chắc xã hội của loài người sẽ không còn áp bức, bất công, và đau khổ nữa. Nhưng trong kế hoạch của Thiên Chúa, không thể có điều đó! Thiên Chúa của chúng ta, như được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu, không thể thẳng tay tiêu diệt con người, dù đó là những con người làm điều dữ. Như một người Cha, “Thiên Chúa cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên kẻ công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải không phải là một vị thần sòng phẳng theo kiểu lấy điều ác để trả lại cho cái ác của người đã làm ác. Do đó, có những sự dữ Thiên Chúa không thể thẳng tay tiêu diệt: những sự dữ đến từ trong chính trái tim con người, khi con người dùng tự do của mình để chọn lựa và kiên quyết đi cho đến cùng chọn lựa tự do ấy.

Điều Thiên Chúa có thể làm và mong đợi đó là việc hoán cải trái tim của con người, những con người là tác nhân chính của bất công, áp bức, và đau khổ. Nhưng làm thế nào để hoán cải trái tim con người? Liệu Thiên Chúa có thể hành động như cách của một phù thủy đầy phép thuật, chỉ cần vung chiếc đũa thần là mọi sự hoàn toàn thay đổi theo ý của mình không? Không, Thiên Chúa không thể làm như thế. Bởi lẽ bất cứ một “phép thuật” nào làm biến đổi con người, dù là theo hướng tốt, nhưng ngược với ý muốn và chọn lựa của con người, thì đều phạm vào tự do, là ơn mà Thiên Chúa đã ban cho con người.

Thiên Chúa và tự do của con người

Từ điểm này, chúng ta có thể qua vế thứ hai trong câu hỏi của bạn. Nếu Thiên Chúa tốt lành và quan phòng, tại sao ngay ban đầu Thiên Chúa đã cho con người được chọn lựa làm điều dữ? Bạn có nhận ra đây là một câu hỏi phiến diện không? Sự phiếm diện nằm ở chỗ này: không phải là “ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã cho con người được chọn lựa làm điều dữ”. Đúng hơn, ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã cho con người được chọn lựa làm điều lành hoặc chọn lựa làm điều dữ.

Tự do mà Thiên Chúa ban cho con người là tự do thật sự, mở ra theo cả hai chiều, chứ không phải tự do theo kiểu chỉ có thể làm điều này mà không thể làm điều kia. Đó không còn là tự do nữa. Thí dụ: nếu Thiên Chúa chỉ cho con người tự do để làm điều lành mà thôi, không được làm điều dữ, thì “tự do” theo nghĩa này thật ra chỉ là một cách chơi chữ thôi, chứ có tự do gì đâu, phải không? Với tự do của mình, con người có quyền chọn làm điều này hoặc làm điều kia, làm điều lành hoặc làm điều dữ, chứ không phải Thiên Chúa chỉ cho con người tự do để chỉ chọn làm điều dữ mà thôi. Con người có thể dùng tự do của mình để xây dựng, để trưởng thành, để làm điều lành. Đồng thời, con người cũng có tự do để làm điều dữ. Tự do làm điều dữ là một trong vô vàn lựa chọn mà con người có thể chọn để làm. Nếu bạn chỉ thấy rằng Thiên Chúa cho con người có tự do để làm điều dữ, đó là một lối nhìn phiến diện, phải không?

Tự do nói lên phẩm giá của con người, đồng thời nói lên sự tin tưởng mà Thiên Chúa đặt vào con người. Khi trao cho con người tự do đích thực, Thiên Chúa cũng thể hiện tình yêu đích thực dành cho con người.

Đương nhiên, bất cứ một ơn tự do nào cũng đi liền với một hoặc nhiều nguy cơ. Nguy cơ người được trao sẽ sử dụng tự do không đúng cách. Nguy cơ bị phản bội. Nguy cơ người tự do sẽ đi xa lạc. Vậy thì tại sao lại cho con người có tự do? Bởi lẽ, nếu không có tự do, con người sẽ không còn là con người nữa. Không có tự do, con người đơn giản chỉ là một con rối trong bàn tay Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm như thế. Thiên Chúa đủ quảng đại, yêu thương, và “chơi đẹp” để đặt trọn vẹn ơn tự do vào bàn tay con người. Bởi vì chỉ với tự do, con người mới có thể lớn lên, trưởng thành, và sống đúng phẩm vị là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

Trong một gia đình nếu cha mẹ không cho con cái tự do, con cái mãi vẫn chỉ là những đứa trẻ khờ trong nhà chứ không bao giờ lớn lên được. Trong đời sống vợ chồng, nếu người vợ hay người chồng không dám tin tưởng và không để cho người bạn đời của mình có được một phút giây tự do nào, đời sống ấy sẽ sớm trở thành hỏa ngục, và tình yêu mà họ dành cho nhau thực chất chỉ là những chiếm hữu ích kỷ làm chết dần chết mòn người bạn đời của mình mà thôi.

Nếu Thiên Chúa không cho con người có tự do, chỉ vạch sẵn cho con người một lộ trình hoàn hảo để con người cứ theo đó mà làm, thì nói cho cùng con người chỉ là những con rô-bốt được lập trình. Con người như thế hoàn toàn không tự do và tự quyết trong mọi chuyện mình làm, do đó cũng không có nhân phẩm và trách nhiệm gì với cuộc đời của mình cả. Khi đó, con người không còn là con người nữa, và Thiên Chúa cũng không còn là một Thiên Chúa của tình yêu nữa. Thiên Chúa khi ấy có khi đóng vai trò chỉ như là một chủ cơ sở sản xuất, và con người chỉ còn là một thứ đồ chơi trong bàn tay Thiên Chúa mà thôi.

Tự do là một ân huệ. Bất cứ một ân huệ nào cũng đi liền với trách nhiệm.

Trách nhiệm thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về con người?
Nếu Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới vì tình yêu, tại sao xã hội chúng ta lại đầy bất công và đau khổ. Theo bạn, có phải Thiên Chúa là người gây ra những bất công và đau khổ chăng? Hay Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm, vì đã cho con người có tự do?
Thử suy nghĩ về một vài trường hợp cụ thể trong cuộc sống thế này: có những bậc cha mẹ vĩ đại, đã yêu thương làm lụng vất vả, hy sinh cả đời cho con cái mình, con cái thì lại ăn chơi hư hỏng, không chịu học hành, gây ra bao nhiêu lỗi lầm và tai họa… Nếu bạn là người phân xử, bạn lại quy trách nhiệm về cho cha mẹ sao? Khi con cái dùng tự do để sống cuộc sống của mình cách sai lạc, lại quay sang trách cha mẹ, đó chẳng phải là lối đổ lỗi theo kiểu trẻ con và lối lý luận vô lý đến buồn cười sao?

Đáng tiếc là với con người, việc đổ lỗi như vậy thường không hiếm. Nhiều người làm ăn và mưu toan những chuyện bất chính, và khi gặp phải kết cục thất bại, họ vẫn thường ngước mắt lên trời than kiểu này: “Trời không độ ta”, hoặc “Trời hại ta rồi”. Sao lại đổ thừa cho ông Trời, trong khi mọi toan tính và hành động đều do mình ngoan cố, đã biết sai mà vẫn cứ làm? Có lạ không khi người ta ngoan cố bước đi trong đường tội lỗi và sai trái, ra công ra sức xây dựng cho mình những lâu đài trên cát, tới khi mọi sự sụp đổ thì họ quay sang quy tội cho Trời? Có lạ không khi đứng trước những cơ cấu tồi tệ và những con người tội lỗi gây ra bao nhiêu áp bức, bất công, đau khổ… người ta lại kéo Chúa vào, đổ lỗi cho Chúa, bắt Chúa phải gánh trách nhiệm?

Cứ đổ tội cho Thiên Chúa trong những sự dữ do chính con người gây ra, chắc chắn chẳng bao giờ con người có thể tìm được cho mình câu trả lời tại sao.

Kết luận
Thiên Chúa là Đấng tốt lành và quan phòng. Thiên Chúa đã dựng nên thế giới vì tình yêu. Thế giới ấy, Thiên Chúa đã trao cho con người. Là một người Cha, Thiên Chúa muốn con cái mình trưởng thành như những con người tự do và có trách nhiệm. Cần đủ lắng để suy niệm về cách mà Thiên Chúa trao tự do cho con người, để thấy được sự liều lĩnh mà Thiên Chúa thực hiện với con người. Phải có một tình yêu vĩ đại và cao cả thì mới có thể liều lĩnh được như vậy.

Thực tế xã hội đầy bất công, áp bức và đau khổ là điều không ai có thể chối cãi. Người thấp cổ bé miệng bị chèn ép. Kẻ có quyền có thế thì lộng quyền. Ở hiền không phải lúc nào cũng gặp lành. Nhưng cần đủ công bằng và trưởng thành để nhận ra rằng bất công, áp bức, và đau khổ là những chuyện con người gây ra cho nhau. Chẳng những con người không được phép chất vấn Thiên Chúa về những điều ấy; ngược lại, chính con người mới phải trả lời trước Thiên Chúa về việc lạm dụng tự do của mình và phụ bạc ân huệ tình yêu của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Cao Gia An SJ
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (07.11.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây