TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÀI 77 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH

Thứ năm - 20/10/2022 08:18 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   552
“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
BÀI 77 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH
BÀI 77
 
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH - NHẬN LỖI LÀ CÁCH HOÀ GIẢI TÍCH CỰC
 
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

2. CÂU CHUYỆN : LÀM HOÀ TRƯỚC KHI ĐI DÂNG LẾ.
Bà Ngọc là người Công Giáo, sáng nào trước khi gánh xôi đi bán, cũng ra giếng trước nhà giặt một thau quần áo phơi lên dây gần đó. Lát sau bà Châu ở sát bên, là người lương, cũng đem quần áo ra giếng giặt và phơi trên cùng một dây phơi.
Một hôm, sau khi giặt xong, bà Châu thấy dây phơi đã đầy quần áo, bà liền kéo quần áo mới treo còn nhỏ nước về một bên để có chỗ phơi quần áo nhà bà. Vừa lúc ấy, bà Ngọc thấy thế liền ra la mắng bà Châu thậm tệ ! Đối lại bà Châu cũng không vừa đã dùng những lời lẽ không đẹp chửi lại. Bà Ngọc trong lúc không kiềm hãm được cơn giận đã lôi tất cả quần áo của bà Châu xuống khỏi dây phơi giày đạp và và xé rách. Bà con lối xóm thấy thế liền chạy đến can ngăn nên mới không xảy ra xô xát lớn…!
Mấy ngày sau, bà Ngọc đi dự lễ Chúa nhật, nghe cha xứ đọc bài Tin Mừng : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5,23-24). Bà có cảm tưởng như Chúa đang phiền trách về hành vi tranh chấp hôm trước, nên bà đã bỏ dở lễ đi ra chợ mua một số bộ quần áo mang đến nhà bà Châu xin lỗi để làm hoà. Bà nói :
- Chị à, mấy hôm trước vì quá nóng nên tôi đã có những lời lẽ không hay xúc phạm đến chị, nhất là tôi lại giày đạp xé rách quần áo của các cháu. Hôm nay nghĩ lại tôi thấy mình đã sai nên đến đây xin lỗi chị. Xin chị tha thứ và nhận số quần áo này để các cháu mặc đỡ !
Bà Châu rất bất ngờ và cảm động trước cử chỉ khiêm tốn và thành tâm nhận lỗi đó, bà cũng rưng rưng nước mắt xin lỗi bà Ngọc. Bà không dám nhận số quần áo do bà Ngọc mang tới, nhưng vì bà Ngọc nài ép mãi nên cuối cùng bà mới nhận. Rồi cả hai đã ôm nhau khóc trước sự vui mừng của bà con lối xóm !
Từ ngày ấy, hai gia đình đã trở nên thân thiết với nhau, có gì họ cũng mang sang chia sẻ cho nhau. Qua đó cho thấy Bà Ngọc đã quyết tâm thực hành theo Lời Chúa dạy trong thư thánh Phao-lô : “Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; Làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12, 20-21).
Một thời gian sau, cả gia đình bà Châu đã gặp cha xứ xin gia nhập đạo Công Giáo.
3. SINH HOẠT : Tại sao hai bà đang giận ghét nhau lại có thể làm hoà lại được với nhau ? Nguyên nhân khiến Bà Châu và gia đình tình nguyện xin theo đạo là gì ?
4. SUY NIỆM :
1) Sức mạnh của lời xin lỗi :
- Xin lỗi sẽ hoá giải các tranh chấp bất bình : Có một người con trai rất giận bố và từ lâu đã không nói chuyện với bố. Anh nghĩ : “Ông ấy chỉ lo làm ăn kinh tế mà không quan tâm chu toàn trách nhiệm lo cho con cái”.
- Hoà giải với nhau nhờ thành tâm xin lỗi : Một hôm ông bố đến ngồi cạnh con trai và nói rằng : “Này con. Hôm nay bố thành thật xin lỗi con vì trong suốt thời gian qua bố đã mải mê lo công việc làm ăn mà ít quan tâm đến con. Nhưng con nên biết rằng : bố luôn yêu thương con”. Kết quả thật kỳ diệu : Sau lời nói đó, hai cha con đã ôm nhau cảm thông và đã năng nói chuyện thân tình với nhau.
2) Giá trị của lời xin lỗi :
- Xin lỗi có khả năng làm nguôi cơn giận : Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm, là liều thuốc chữa lành vết thương lòng.
- Xin lỗi mở cửa tha thứ : giúp hai bên dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau.
 - Một lời xin lỗi chân thành có sức mạnh biến đổi tâm hồn hai bên đang tranh chấp.
3) Nghệ thuật xin lỗi :
- Thành tâm hối lỗi : Xin lỗi là chứng tỏ cho người bị tổn thương biết bạn không cố tình làm như thế. Đồng thời bạn hối lỗi vì đã làm phiền đến họ. Chẳng hạn : “Mình rất hối hận khi lỡ miệng nói ra điều bí mật của bạn. Mình cảm thấy rất xấu hổ”.
- Sửa chữa lỗi lầm : Cách xin lỗi đúng đắn nhất là sửa chữa sai lầm do mình gây ra. Nếu bạn làm hư hỏng đồ vật của ai đó, hãy đề nghị được sửa chữa hoặc thay mới nó. Trong trường hợp thiệt hại vật chất không rõ, thì hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì để bù đắp thiệt hại ? Bạn cũng có thể “bồi thường” bằng cách gửi tặng “nạn nhân” một món quà xứng hợp.
- Chọn đúng thời điểm : Với những lỗi nhỏ như va chạm vào ai đó, bạn hãy lập tức xin lỗi chứ đừng trì hoãn. Nếu lỗi lầm nghiêm trọng hơn, như nói lời xúc phạm, thì cần thêm thời gian suy nghĩ trước khi xin lỗi. Tránh vội nói lời xin lỗi vì có thể bị người kia hiểu lầm là bạn xin lỗi giả tạo và thiếu chân thành.
– Cung cách xin lỗi : Khi xin lỗi hãy nói về lỗi lầm cách rõ ràng, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Nếu có “tình tiết giảm nhẹ” thì cũng nên đề cập đến lúc này. Sau khi xin lỗi, hãy giữ yên lặng và lắng nghe người kia nói suy nghĩ của họ và để lời xin lỗi của bạn có điều kiện phát sinh hiệu quả.



5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin giúp chúng con học nơi Chúa sự khiêm hạ để không cố chấp trong các sai lỗi, nhưng sớm nhận ra lỗi lầm và quyết tâm tu sửa. Xin cho chúng con mau mắn ngỏ lời xin lỗi để làm hoà với người bị xúc phạm, hầu ngày một nên hoàn thiện về nhân cách hơn, xứng đáng làm con Thiên Chúa và nên anh chị em của mọi người.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây