TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một

Chủ nhật - 08/10/2023 19:43 | Tác giả bài viết: Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên |   501
Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc, sự hiệp nhất của các thực thể mà con người có thể kinh nghiệm.
Đức Giê-su Ki-tô – Đường hiệp nhất nên một

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG HIỆP NHẤT NÊN MỘT

WHĐ (08.10.2023) – Trong Kinh Thánh Cựu Ước, từ hiệp nhất được diễn tả dưới hai hình thức phân biệt nhau, đó là: (1) Hiệp nhất của các thành phần (compound unity) và (2) hiệp nhất tuyệt đối (absolute unity, only, only one). Hạn từ hiệp nhất của các thành phần là אֶחָֽד/ echad. Theo nguyên nghĩa, אֶחָֽד/ echad là ‘số một’: Một Đức Chúa (Đnl 6,4), mỗi chi tộc một người (Đnl 1,23), một trong anh em (St 42,19) hoặc một nơi chốn (St 1,9). Gốc từ này được mở ra với nghĩa ‘kết thành một khối’ cho sự vật, chẳng hạn như: “Nhà Tạm kết lại thành một khối duy nhất” (Xh 36,13) hay: “Ngươi ráp hai miếng (gỗ) lại với nhau cho thành một miếng duy nhất [אֶחָֽד/ echad]; chúng chỉ còn là một trong tay ngươi” (Ed 37,17); hoặc cho một dân, chẳng hạn như: “Đến tháng thứ bảy, lúc con cái Ít-ra-en đang ở trong thành của họ, thì dân họp nhau tại Giê-ru-sa-lem, muôn người như một [אֶחָֽד/ echad]” (Er 3,1). Hạn từ hiệp nhất tuyệt đối có gốc là יָחִיד/ yachid với nghĩa: Duy nhất (St 22,2; Gr 6,26; Tl 11,34), hoặc cô đơn, một mình (Tv 25,16). Từ đó, hạn từ này được dùng để chỉ về ‘con một’, ‘con duy nhất’, ‘độc nhất’, chẳng hạn như Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một [יָחִיד/ yachid] yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2) hay: “Ta sẽ làm cho đất này chịu tang như người ta chịu tang đứa con một [יָחִיד/ yachid] và kết cục của nó như một ngày cay đắng” (Am 8,10).

Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp có từ ἑνότης/ henotēs, nghĩa là hiệp nhất (unité, unity). Từ này chỉ xuất hiện hai lần trong Tân Ước: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất [ἑνότητα] mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4,3) và “Dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất [ἑνότητα] trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,12-13). Bên cạnh đó, Tân Ước còn dùng hạn từ ‘ὁμόφρων/ đồng tâm nhất trí’ để nói về sự hiệp nhất với nhau: “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí” (1 Pr 3,8). Ngoài ra, Tân Ước cũng dùng hạn từ ‘εἷς/ μία/ ἕν: số một’ để diễn tả ‘nên một’ tương tự như אֶחָֽד/ echad của tiếng Do-thái, chẳng hạn như ‘Tôi với Cha là một’ (Ga 10,30) hoặc ‘để tất cả nên một’ (Ga 17,21-22) hoặc ‘các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý’ (Cv 4,32). Khi so sánh hạn từ אֶחָֽד/ echad của tiếng Do-thái và hạn từ εἷς/ μία/ ἕν của tiếng Hy-lạp, chúng ta thấy có nhiều nghĩa tương đồng, thiên về nghĩa thiêng liêng, chẳng hạn như sự hiệp nhất, duy nhất hay độc nhất, trọn vẹn của Thiên Chúa, sự nên một giữa Đức Giê-su với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, sự nên một của con người với Thiên Chúa nhờ nên một với Đức Giê-su, và cũng nhờ đó mà nên một với nhau. Trong khi đó, hạn từ ἑνότης/ henotēs của tiếng Hy-lạp thiên về nghĩa thể lý hơn, chẳng hạn như sự hiệp nhất của các cá nhân về mục đích chung nào đó. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng những người hiệp nhất (unity) với nhau không nhất thiết nên một (oneness) với nhau, còn những người nên một với nhau thì dĩ nhiên hiệp nhất với nhau. Nói cách khác, ‘nên một’ bao hàm ‘hiệp nhất’, còn ‘hiệp nhất’ không nhất thiết bao hàm ‘nên một’. Chẳng hạn, dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, tương quan giữa người vợ với người chồng khi họ ‘nên một xương một thịt với nhau’ phân biệt với tương quan hiệp nhất giữa người nam với người nữ là bạn bè của nhau.

Ý niệm hiệp nhất được đề cập trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, chẳng hạn như sự hiệp nhất về mục đích, sự hiệp nhất về hành động, sự hiệp nhất về nguồn gốc, sự hiệp nhất của các thực thể mà con người có thể kinh nghiệm. Trong xã hội dân sự, người ta thường cổ vũ sự hiệp nhất của các thành phần trong các hình thức tập thể, chẳng hạn như sự hiệp nhất của những người trong nhà máy, xí nghiệp, hội đoàn hay sự hiệp nhất dân sự trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, môi trường. Trong gia đình nhân loại, người ta thường đề cập sự hiệp nhất của những người trong cùng bộ tộc, sắc tộc hay quốc gia. Trên bình diện lớn hơn, người ta thường đề cập sự hiệp nhất của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo về nguồn gốc hay tiến trình biến đổi. Sự hiệp nhất mà trong đó mọi thực thể đều liên hệ chặt chẽ với nhau, không có thực thể nào được gọi là ‘độc lập tuyệt đối’. Sự hiện diện và hoạt động của thực thể này trở thành điều kiện cần thiết cho sự hiện diện và hoạt động của thực thể khác. Các thực thể tồn tại cho nhau, định dạng lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Trong tiến trình đó, không thực thể nào được xem là trung tâm luôn mãi, cũng không thực thể nào chỉ là tùy phụ.

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo con người cũng như muôn vật muôn loài. Thuở ban đầu, con người được sống trong tình hiệp nhất với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài. Tuy nhiên, Nguyên Tổ loài người đã vô ơn, kiêu ngạo, vâng theo sự dụ dỗ của Xa-tan và hậu quả là tội lỗi đã xâm nhập trần gian. Vì tội lỗi, sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo bị đổ vỡ, méo mó, biến dạng. Qua muôn thế hệ, Tội Nguyên Tổ và hậu quả của Tội này tiếp tục làm cho con người hướng chiều về sự dữ, chống đối lẫn nhau, bất hòa bất thuận. Đặc biệt, vì tội lỗi, con người thường ích kỷ, tìm lợi ích cho mình hay cho các hình thức cộng đoàn mà mình tham dự hơn là lợi ích cho người khác hay các hình thức cộng đoàn mà mình không gắn bó. Hậu quả là chiến tranh, hận thù, chia rẽ giữa người với người, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia luôn xảy ra trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, tận đáy lòng, con người không ngừng khao khát sự hiệp nhất, hòa hợp, liên đới đích thực trong đời sống nội tâm cũng như trong gia đình, tổ quốc hay giữa các dân tộc. 

Dân Do-thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn để Người mặc khải chương trình khôi phục sự hiệp nhất vốn có thuở ban đầu sáng tạo. Qua dòng lịch sử, kể từ Áp-ra-ham, dân Do-thái luôn tuyên xưng và kính thờ Thiên Chúa duy nhất, chân thật, ngoài Người ra không có thần nào khác (Xh 20,3; Đnl 5,7; Tv 86,10; Is 45,5; Hs 13,4). Giữa các tôn giáo đa thần vùng Địa Trung Hải thời Cựu Ước, nhất là ở Pa-lét-tin, dân Do-thái nhận được mặc khải Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Trong sách Xuất Hành, Mô-sê nói với dân Do-thái: “Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,1-3). Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất được Mô-sê công bố long trọng trong sa mạc trên đường từ Ai-cập về Đất Hứa: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất [אֶחָֽד/ echad]” (Đnl 6,4). Tiếp tục truyền thống mặc khải, sách Nơ-khe-mi-a (được viết trong khoảng 424-400 trước Công Nguyên) củng cố niềm tin của dân Do-thái về Thiên Chúa duy nhất, chính Người sáng tạo và ban sự sống cho muôn vật muôn loài: “Chính Ngài là Đức Chúa, là Đức Chúa duy nhất. Chính Ngài đã tạo dựng các tầng trời, các tầng trời cao ngất, cùng toàn thể thiên binh; chính Ngài đã tạo dựng trái đất với muôn vật khắp nơi, biển khơi cùng muôn loài trong đó. Chính Ngài ban sự sống cho muôn vật muôn loài; và đạo binh thiên quốc phủ phục trước Thánh Nhan” (Nkm 9,6).

Tương quan giữa Thiên Chúa duy nhất với dân Do-thái được thể hiện qua các giao ước, chẳng hạn như giao ước giữa Thiên Chúa với Áp-ra-ham, với Mô-sê, với Đa-vít. Một trong những chủ đề xuyên suốt các giao ước này là dân Do-thái phải trung tín phụng thờ Thiên Chúa duy nhất. Người nói với Áp-ra-ham: “Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này” (St 17,7). Trong sa mạc, Thiên Chúa nói với Mô-sê: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta” (Xh 6,7); “Ta sẽ ngự giữa con cái Ít-ra-en và sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Xh 29,45). Dưới nhãn quan Cựu Ước, dòng dõi Áp-ra-ham không chỉ là những người Do-thái mà là muôn người. Chẳng hạn, khi Thiên Chúa đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham cũng là khi Thiên Chúa cho ông biết rằng ông là cha của vô số dân tộc (St 17,5). I-xa-ác (con của Áp-ra-ham) xin Thiên Chúa chúc phúc cho con trai mình là Gia-cóp: “Xin Thiên Chúa toàn năng chúc phúc cho con, xin Người làm cho con sinh sôi nảy nở thật nhiều, để con trở nên một cộng đồng nhiều dân nước” (St 28,3). Các sách Cựu Ước cho chúng ta biết rằng lời hứa của Thiên Chúa với dân Do-thái luôn được thực hiện, còn dân này thường phản nghịch, bất trung, chạy theo tà thần dân ngoại hoặc thần do họ dựng nên. Tuy nhiên, Thiên Chúa duy nhất cũng là Thiên Chúa trung tín với dân Do-thái cũng như muôn dân muôn nước. Quả thực, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến trần gian để khôi phục và kiện toàn sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người cũng như muôn vật muôn loài.

Được sinh ra và lớn lên trong dân tộc Do-thái, Đức Giê-su thừa hưởng những đặc tính truyền thống, văn hóa và xã hội của tổ tiên, chẳng hạn như Người vẫn đến hội đường ngày sa-bát hay cùng với cha mẹ lên Giê-ru-sa-lem để tham dự các ngày lễ lớn (Lc 2,41-50). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Người tiếp tục khẳng định ‘Thiên Chúa duy nhất’. Chẳng hạn, sau khi chịu phép rửa bởi Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc (Mt 4,1-11). Quỷ đem Người lên ngọn núi rất cao và bảo: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Đức Giê-su đáp lại: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10). Thánh Mác-cô trình thuật rằng: “Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? Đức Giê-su trả lời: Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,28-30). Đức Giê-su lặp lại điệp khúc mặc khải Cựu Ước rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Danh Người là Danh duy nhất, ngoài Người ra không có thần nào khác nữa, chẳng có thần công minh cứu độ ngoại trừ Người (Is 45,21; Dcr 14,9).

Cách tiệm tiến, Đức Giê-su mặc khải về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người. Ban đầu, Đức Giê-su cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha của Người. Đây là điều mà đa số người Do-thái khó đón nhận, ngay cả những người đạo đức thánh thiện nhất. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su được mười hai tuổi, Người lên Giê-ru-sa-lem dự lễ, sau đó, cha mẹ Người trở về Na-da-rét và tưởng rằng Người cũng trở về cùng đoàn lữ hành. Tuy nhiên, khi biết Người đã không trở về thì các ngài trở lại Giê-ru-sa-lem tìm kiếm. Sau ba ngày, họ tìm thấy Người trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem giữa các thầy dạy. Đức Ma-ri-a nói với Đức Giê-su: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2,48). Đức Giê-su trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49). Còn thánh Gio-an thì trình thuật rằng khi đến dịp Lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và thấy người ta bán chiên, bò, bồ câu, đổi tiền. Người đã đánh đuổi họ và nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Khi người Do-thái chống đối Đức Giê-su vì Người chữa bệnh, nghĩa là làm việc trong ngày sa-bát thì Người nói với họ: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Trước khi Đức Giê-su bị bắt, tại núi Ô-liu, Người cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trong cuộc thương khó, Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Như vậy, Đức Giê-su hằng vâng phục Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống Người.

Khi giảng dạy cho các môn đệ hay tiếp xúc với đám đông, Đức Giê-su thường trình bày về trật tự giữa Người với Chúa Cha cũng như sự cao cả của Chúa Cha. Chẳng hạn, trong bài giảng về cánh chung, Người nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,31-32). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ thân tín: “Anh em đã nghe Thầy bảo ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28). Tại sao Đức Giê-su lại nói rằng ‘Chúa Cha cao trọng hơn Thầy’? Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta câu trả lời: “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2,9). Thánh Phao-lô cũng cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã vâng phục, khiêm hạ, trút bỏ chính mình hầu thực thi và diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người (Pl 2,6-8).

Là Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người hướng về Chúa Cha chứ không phải hướng về Người. Câu mở đầu của trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Khi giảng dạy các môn đệ, Đức Giê-su nói họ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,8-9). Như vậy, sự hiệp nhất giữa Đức Giê-su với Chúa Cha luôn là ‘sự hiệp nhất có hướng’, hướng về Chúa Cha. Tương tự như vậy, sự hiệp nhất giữa Đức Giê-su với các môn đệ cũng như giữa các môn đệ với nhau cũng là sự hiệp nhất có hướng, hướng về Chúa Cha. Đây là điểm đáng để chúng ta quan tâm bởi vì chúng ta thường có kinh nghiệm về sự hiệp nhất theo ‘lối ngang bằng’, chẳng hạn như sự hiệp nhất của những người trong các hình thức tập thể của xã hội dân sự. Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô viết: “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su. Vậy tất cả chúng ta là những người hoàn thiện, chúng ta hãy nghĩ như vậy; và giả như có điểm nào anh em nghĩ khác, thì Thiên Chúa sẽ mặc khải cho anh em. Song, dù đạt tới đâu đi nữa, chúng ta cũng cứ theo hướng ấy mà đi” (Pl 3,14-16). Đối với thánh nhân, chỉ trong Đức Giê-su, con người mới có thể hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa, Cha của Người và cũng là Cha của mọi người trong gia đình nhân loại.

Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su luôn thể hiện Người là ‘khuôn mặt nhân loại’ của Thiên Chúa. Câu cuối cùng trong Lời Tựa Tin Mừng theo trình thuật của thánh Gio-an là: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Đặc biệt, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết Đức Giê-su khẳng định rằng Người và Chúa Cha là Một (Ga 10,30). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Phi-líp-phê nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện?” (Ga 14,8). Người trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?’ Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,9-10). Nhiều trình thuật trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su cũng cho mọi người biết tương quan mật thiết giữa Người với Chúa Cha, chẳng hạn như: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27) hay: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26); “Anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Lc 22,28-30). Những trích đoạn này giúp các tín hữu ngày càng được củng cố niềm tin và hy vọng vào sự hiệp nhất trọn vẹn mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng.

Trong Tin Mừng, Đức Giê-su không dùng từ ‘hiệp nhất’ để nói về tương quan giữa Người với Chúa Cha cũng như giữa Người với các môn đệ mà lại nói ‘nên một’ hay ‘là một’ với Chúa Cha, với các môn đệ. Chẳng hạn, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Người không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ mà còn cho những người nhờ các môn đệ mà tin vào Người như sau: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21). Với Đức Giê-su, chương trình tình yêu của Thiên Chúa trở nên trọn vẹn khi mọi người được nên một với Người và với Chúa Cha: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,22-23). Như đề cập ở trên, nghĩa của ‘nên một’ hay ‘là một’ bao hàm nghĩa của ‘hiệp nhất’ nhưng nghĩa của ‘hiệp nhất’ không nhất thiết bao hàm nghĩa của ‘nên một’ hay ‘là một’. Chúng ta có thể nói rằng tương quan giữa Đức Giê-su với Chúa Cha là tương quan ‘hiệp nhất nên một’. Sự hiệp nhất nên một giữa Đức Giê-su với Chúa Cha huyền nhiệm hơn tất cả các hình thức hiệp nhất nên một mà con người có thể kinh nghiệm trong cuộc sống mình. Chẳng hạn, sách Sáng Thế cho chúng ta biết: “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Xét về mặt từ ngữ ‘hiệp nhất nên một’ thì giống nhau (אֶחָֽד/ echad) nhưng thực tế, ‘sự nên một vợ chồng’ không thể so sánh với ‘sự nên một giữa Đức Giê-su với Chúa Cha’.

Sứ mệnh căn bản của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết, đồng thời, dẫn đưa con người về với Thiên Chúa. Chẳng hạn, bên bờ Biển Hồ Ga-li-lê, khi dân chúng lâm cảnh đói khát thì Người đã hóa bánh ra nhiều cho họ ăn. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giê-su đã cho hơn năm ngàn người ăn, lại còn dư mười hai thúng (Ga 6,1-13). Thấy vậy, dân Do-thái định tôn Người làm vua nhưng Người đã lánh mặt đi lên núi một mình (Ga 6,14-15). Trong diễn từ tại Ca-phác-na-um, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27). Khi Đức Giê-su bị bắt và dẫn tới tổng trấn Phi-la-tô. Ông này hỏi Đức Giê-su ‘có phải là vua dân Do-thái không?’ thì Người trả lời: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,33-36). Như vậy, Nước của Đức Giê-su không phải là thực tại mà con người có được kinh nghiệm trọn vẹn nhưng là thực tại bén rễ trong lịch sử nhờ sự hiện diện cũng như hoạt động của Người hướng về ‘môi trường vĩnh cửu’ của Thiên Chúa.

Để có thể hiệp nhất với nhau trong đời sống đức tin, Đức Giê-su mời gọi mọi người duy trì sự hiệp nhất trong thực hành, trong bình an và hòa giải. Chẳng hạn, khi triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Đặc biệt, Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy chân thành sửa lỗi cho nhau để có thể hiệp nhất với nhau theo thánh ý Người. Chẳng hạn, khi trong cộng đoàn Giáo Hội có người anh em phạm tội thì tiến trình hòa giải gồm bốn bước như sau: (1) nói chuyện riêng với người đó; (2) nếu người đó không nghe thì mời một hay hai người nữa để trợ giúp; (3) nếu người đó cũng không nghe thì thưa với Giáo Hội; (4) cuối cùng, nếu người đó không nghe Giáo Hội thì xem như là người ngoại hoặc người thu thuế (Mt 18,16-17). Quả thực, cách thức sửa lỗi theo sự hướng dẫn của Đức Giê-su vừa thể hiện tình yêu Thiên Chúa theo giáo huấn của Người, vừa đem lại sự hiệp nhất cho những ai nhìn nhận Đức Giê-su là Thầy và là Bạn của mình. Đức Giê-su còn dạy các môn đệ: "Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20). Như vậy, nơi nào có hiệp nhất đích thực thì nơi đó có sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su. Đồng thời, nơi nào có sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su thì nơi đó lời cầu khẩn của mọi người được Chúa Cha chấp nhận.

Vì yêu thương con người, Đức Giê-su đã đến trần gian để mời gọi mọi người hiệp nhất với nhau và cùng nhau sống trong tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà con người đánh mất vì bất phục tùng. Tình yêu đó trở thành ‘giới răn mới’ cho mọi người như Đức Giê-su nói với các môn đệ trong Bữa Ăn Cuối Cùng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,33-34). Ai yêu thương đích thực thì hiệp nhất đích thực và ngược lại. Khi dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả sự hiệp nhất giữa Người với các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,9-10). Những lời cuối cùng của Đức Giê-su với Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn giúp chúng ta hiểu thêm điều này: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,24-26). Như vậy, yêu thương và hiệp nhất giữa người với người trong gia đình nhân loại trở thành hiện thực khi mọi người biết quy chiếu về ‘giới răn mới’ của Đức Giê-su.

Một trong những hình ảnh nổi bật diễn tả tình yêu thương và hiệp nhất giữa Đức Giê-su với mọi người là hình ảnh ‘mục tử và đoàn chiên’. Đây là hình ảnh gắn liền với các dân tộc miền Pa-lét-tin, đặc biệt với dân Do-thái. Khi dùng hình ảnh đó để diễn tả tương quan giữa Người với mọi người, Đức Giê-su nói: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). Người là Mục Tử Nhân Lành, Mục Tử duy nhất của đoàn chiên duy nhất (Ga 10,11-15). Sứ mệnh của Người là sứ mệnh quy tụ mọi người trong gia đình nhân loại: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Đối với Đức Giê-su, ai hiệp nhất với Người trong hành trình trần thế thì hiệp nhất với Người trong sự sống vĩnh cửu: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,27-28). Với hình ảnh mục tử và đoàn chiên, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với gia đình nhân loại để dẫn đưa mọi người tới sự sống dồi dào, sự sống viên mãn, sự sống đời đời (Ga 10,10).

Quả thực, với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, sự sống đời đời đã hiện diện và hoạt động giữa trần gian. Nhờ Đức Giê-su, con người mới có được ‘định nghĩa sự sống đời đời’. Trong lời nguyện cuối cùng của Người với Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Đức Giê-su cho mọi người biết rằng ‘nhận biết Người’ và ‘nhận biết Chúa Cha’ cũng có nghĩa là nên một với Người và nên một với Chúa Cha. Ai nên một với Đức Giê-su và với Chúa Cha trong hành trình trần thế thì có được kinh nghiệm về sự sống đời đời. Nói cách khác, sự sống đời đời dành cho những ai tin tưởng và thiết lập mối tương quan hiệp nhất nên một với Đức Giê-su và Chúa Cha. Quả thực, khi Đức Giê-su là vĩnh cửu hiện diện trong thời gian cũng là khi sự sống đời đời hiện diện trong thời gian, giữa gia đình nhân loại. Lời chứng cuối cùng của thánh Gio-an Tẩy Giả cho chúng ta biết: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3,36). Nói cách khác, ai tin vào Đức Giê-su cách chân thành thì sự sống đời đời đã hiện diện nơi Người ấy. Thánh Gio-an Tông Đồ viết: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1 Ga 5,11-12). Như vậy, sự sống đời đời hệ tại ở việc hiệp nhất nên một với Đức Giê-su, nghĩa là ở lại với Người, lắng nghe lời Người, tin tưởng vào Người và sống theo giáo huấn của Người trong mọi hoàn cảnh của đời mình.

Lời cầu nguyện của Đức Giê-su cùng Chúa Cha cho các môn đệ hiệp nhất nên một với Người và với Chúa Cha được thực hiện trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc khổ nạn. Các Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta biết rằng chính trong Bữa Ăn Cuối Cùng này, Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với các môn đệ của Người cho đến tận thế. Trong Bữa Ăn này, Đức Giê-su đã cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19); Người cũng cầm lấy chén rượu nho và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Nhờ lời của Đức Giê-su cùng với tác động của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu, hoa màu của ruộng đất và công lao của con người, đã trở nên của ăn, của uống cho các tín hữu. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Trong bí tích cực thánh, có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn" (GLGHCG 1374). Như vậy, đây là hình thức hiệp nhất giữa các tín hữu với Đức Giê-su và với nhau cách mật thiết nhất bởi vì Đức Giê-su đã trao ban chính mình cho các tín hữu.

Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Người nói tiếp: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54-56). Trong Cựu Ước, Mô-sê nói với dân Do-thái về việc Thiên Chúa cho họ ăn man-na bốn mươi năm, thức ăn mà họ chưa hề biết tới (Đnl 8,3). Trong Tân Ước, người Do-thái ngạc nhiên hỏi nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52). Đức Giê-su trở nên của ăn, của uống cho con người để hiệp nhất nên một với con người. Đây quả thực là sự hiệp nhất nên một nhiệm mầu mà trí khôn con người không bao giờ hiểu thấu. Nhờ hiệp nhất nên một với Đức Giê-su, các tín hữu được hiệp nhất nên một với nhau như các thành phần trong thân thể. Thánh Phao-lô viết như sau: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17).

Lời cầu nguyện dài nhất trong Tin Mừng của Đức Giê-su với Chúa Cha theo trình thuật của thánh Gio-an là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất nên một. Dưới nhãn quan của thánh Gio-an Tông Đồ, đây cũng là chủ đề cuối cùng của Đức Giê-su trong hành trình trần thế trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Phải chăng đây là chủ đề quan trọng nhất của Tin Mừng? Thưa ‘phải’, bởi vì muôn vật muôn loài do Thiên Chúa duy nhất sáng tạo, cứu độ và thánh hóa và kiện toàn trong hiệp nhất. Thánh Phao-lô viết: “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36). Nói cách khác, muôn vật muôn loài có cùng khởi nguyên, chung vận mệnh và trùng mục đích. Đức Giê-su đã loan báo và làm chứng cho sự hiệp nhất nên một bằng đời sống với muôn vàn hình thức đau khổ mà đỉnh cao là sự chết của Người. Người đã sống lại và hiệp nhất nên một với Thiên Chúa để mở đường cho mọi người trong gia đình nhân loại tiến bước. Chương trình hiệp nhất nên một tiếp tục được thực thi trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Đó là lý do tại sao trước khi về trời, Đức Giê-su đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ và những ai tin vào Người tiếp tục chương trình này. Như vậy, hiệp nhất nên một vừa là lời cầu nguyện của Đức Giê-su với Chúa Cha, vừa là mệnh lệnh của Đức Giê-su đối với các môn đệ. Hiệp nhất nên một phải là tác vụ căn bản của các môn đệ Đức Giê-su giữa dòng đời. Nói cách khác, hiệp nhất nên một không phải là một chọn lựa giữa các chọn lựa khác trong đời sống Ki-tô hữu. Do đó, là Ki-tô hữu nghĩa là hiệp nhất nên một với Đức Giê-su và làm chứng cho Tin Mừng hiệp nhất nên một của Người bằng đời sống mình.

Đức Giê-su đến với gia đình nhân loại hầu cho mọi người được hiệp nhất nên một với Người, với nhau và với Chúa Cha. Điều này có nghĩa rằng không ai nằm ngoài biên giới của ‘lòng Chúa thương xót’ được Đức Giê-su thể hiện. Nhiều trích đoạn Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu rõ hơn căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người, chẳng hạn như: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29) hay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Khi các thủ lãnh Do-thái tranh luận về quyết định giết Đức Giê-su, thượng tế Cai-pha nói: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,49-50). Thánh Gio-an Tông Đồ diễn giải: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng trong Thượng Hội Đồng Do-thái, với sự hiện diện của các thủ lãnh, kỳ mục, kinh sư, thượng tế Kha-nan cũng như những người thuộc dòng họ thượng tế họp tại Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô giảng dạy về Đức Giê-su: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,11-12). Với thánh nhân, được cứu độ cũng có nghĩa là được hiệp nhất nên một với Đức Giê-su, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su không chỉ đề cập sự hiệp nhất nên một giữa Người với Chúa Cha mà còn sự hiệp nhất nên một với Chúa Thánh Thần, hiệp nhất nên một của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống nội tại cũng như trong chương trình của Thiên Chúa đối với con người cũng như toàn thể thế giới thụ tạo. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an giúp chúng ta nhận ra mặc khải tiệm tiến về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Giai đoạn đầu của hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói về sự nên một giữa Người với Chúa Cha. Dần dần, Người nói về sự nên một của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói: “Thật, tôi bảo thật ông: Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Trong cuộc đối thoại với người thiếu phụ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, Đức Giê-su nói: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói về Chúa Thánh Thần cách rõ ràng hơn: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người” (Ga 14,16-17). Vai trò của Chúa Thánh Thần được Chúa Cha gửi đến nhân danh Đức Giê-su là dạy các môn đệ mọi điều và làm cho họ nhớ lại mọi điều Đức Giê-su đã nói với họ (Ga 14,26). Đặc biệt, Chúa Thánh Thần và các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Đức Giê-su: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26-27). Chúa Thánh Thần sẽ minh chứng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử (Ga 16,8-11). Đồng thời, Chúa Thánh Thần sẽ dẫn các môn đệ tới sự thật vẹn toàn (Ga 16,13). Sau khi phục sinh, Đức Giê-su trao ban Chúa Thánh Thần để các môn đệ tiếp tục sứ mệnh được Người ủy thác (Ga 20,22-23). Nhờ mặc khải của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng Chúa Thánh Thần chính là Nguyên Lý Hiệp Nhất giữa Đức Giê-su với Chúa Cha cũng như Nguyên Lý Hiệp Nhất của Giáo Hội, cộng đoàn được Đức Giê-su thiết lập để tiếp tục sự hiện diện lịch sử của Người giữa lòng trần thế.

Câu chuyện tháp Ba-ben trong Cựu Ước và câu chuyện ngày lễ Ngũ Tuần trong Tân Ước giúp chúng ta nhận diện hai bức tranh tương phản về hiệp nhất: Hiệp nhất bởi thần khí hay tinh thần thế gian và hiệp nhất bởi Thần Khí Thiên Chúa hay Chúa Thánh Thần (St 1,1-9; Cv 2,1-11). Theo trình thuật câu chuyện tháp Ba-ben, ban đầu mọi người cùng chung ngôn ngữ. Họ nghĩ rằng với sức mạnh tổng hợp của những người cùng chung ngôn ngữ, họ có thể xây tháp cao lên tận các tầng trời để danh họ được lẫy lừng và mọi người được hiệp nhất. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ xáo trộn. Hậu quả là họ phải phân tán khắp mặt đất và công trình xây tháp Ba-ben không thể thực hiện được. Trong khi đó, với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần (Pentecost), các môn đệ Đức Giê-su đã làm cho muôn người thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ đang quy tụ tại Giê-ru-sa-lem hiểu được Tin Mừng Nước Thiên Chúa theo ngôn ngữ của mình. Như vậy, khi con người hiệp nhất theo thần khí thế gian, thần khí phản nghịch thánh ý Thiên Chúa cũng là khi các chương trình của con người sụp đổ. Trái lại, khi sự hiệp nhất của con người theo Thần Khí Thiên Chúa cũng là khi các chương trình của con người được tiến triển tốt đẹp và đem lại hiệu quả là làm cho con người sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, hiệp nhất theo thần khí thế gian chỉ dẫn tới diệt vong, còn hiệp nhất theo Thần Khí Thiên Chúa thì dẫn tới sự sống muôn đời. Kinh nghiệm này tiếp tục được các môn đệ trung tín của Đức Giê-su loan truyền và minh chứng qua muôn thế hệ.

Sau khi Đức Giê-su phục sinh và lên trời, các môn đệ ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của sự hiệp nhất nên một trong Chúa Thánh Thần. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên là cộng đoàn hiệp nhất nên một: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Đặc biệt, sự hiệp nhất nên một của cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai thật đáng trân trọng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,42-45) hay: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Nhờ vậy, ai cũng có được những điều cần thiết cho cuộc sống mình: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4,34-35). Viết thư cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô căn dặn họ: “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (Rm 12,16). Thánh nhân mời gọi các tín hữu Phi-líp-phê: ”Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,2). Đối với thánh nhân, hiệp nhất nên một với Đức Giê-su, với Thiên Chúa và với nhau là điều không thể thiếu được trong đời sống và ơn gọi của người Ki-tô hữu giữa dòng đời (Rm 15,5-6; 2 Cr 13,11; Ep 4,2-3).

Để có thể hiệp nhất nên một, thánh Phao-lô mời gọi các Ki-tô hữu hãy có tâm tình như Đức Giê-su: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5). Theo thánh nhân, Đức Giê-su đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2,6-11). Nhờ Đức Giê-su, con người trở nên con cái Thiên Chúa, nghĩa là nên một với Người. Nhờ Đức Giê-su, con người trở nên ‘thụ tạo mới’ (new creation) và được thông phần vinh hiển với Người (2 Cr 5,17). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh nhân viết: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,5). Cũng trong thư này, ngài xác tín: "Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta" (Rm 8,38-39). Với thánh nhân, vấn đề chính yếu của con người là được biết Đức Giê-su, đồng hình đồng dạng với Người trong đau khổ cũng như cái chết của Người hầu được sống lại với Người (Pl 3,10-11).

Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người thấm nhuần giáo lý hiệp nhất nên một của Đức Giê-su và ngài đã triển khai giáo lý này cách thấu đáo trong những thư gửi các giáo đoàn. Đặc biệt, trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-xô, ngài tóm lược giáo lý hiệp nhất nên một như sau: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Ở đây, thánh nhân liệt kê ‘bảy yếu tố’ hay ‘bảy hình thức’ hiệp nhất nên một mà người Ki-tô hữu cần ý thức là: Một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét cách khái quát các hình thức hiệp nhất này trong bối cảnh thư gửi tín hữu Ê-phê-xô cũng như các thư khác của ngài.

Thứ nhất, mọi người hiệp nhất trong một thân thể (ἓν σῶμα). Thân thể mà thánh nhân đề cập ở đây là Giáo Hội bởi vì Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô như thánh nhân viết: “Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,23) hay: “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6). Cũng trong thư này, thánh nhân tiếp tục trình bày về Giáo Hội, thực thể được Đức Giê-su thiết lập trong dòng lịch sử và phân biệt với các thực thể hay đoàn thể xã hội khác bởi vì Giáo Hội là ‘thân thể sống động’. Ngài viết: “Một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25) hay: “Chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người” (Ep 5,30). Đặc biệt, ngài dùng hình ảnh vợ chồng nên ‘một xương một thịt’ đã được đề cập trong sách Sáng Thế hầu giúp mọi người hiểu biết hơn về tương quan huyền diệu giữa Đức Giê-su với Giáo Hội: “Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Chủ đề ‘Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô’ được ngài nhấn mạnh và khai triển trong các thư khác, chẳng hạn như Rm 12,4-5; 1 Cr 12,12; 1 Cr 12,25-26; Cl 3,15. Hơn nữa, dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, Đức Giê-su cũng là Đầu của Giáo Hội và mọi người được mời gọi “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu” (Ep 4,15).

Thứ hai, mọi người hiệp nhất trong một Thần Khí (ἓν Πνεῦμα). Ở đây, thánh nhân nói về Thần Khí là Chúa Thánh Thần. Ngay trước Ep 4,4-6, ngài viết: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4,3) hay: “Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,22). Thánh nhân tiếp tục mời gọi các tín hữu Ê-phê-xô ý thức về sự đổi mới nhờ Thần Khí và theo sự hướng dẫn của Thần Khí, chẳng hạn như: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4,22-23) hay: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Ep 6,18). Đối với thánh nhân, sự hiệp nhất trong Thần Khí là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn những người thuộc về Đức Ki-tô giữa lòng trần thế (Ep 4,14-16; Rm 8,9).

Thứ ba, mọi người hiệp nhất trong một niềm hy vọng (μιᾷ ἐλπίδι). Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, các Ki-tô hữu là những người chia sẻ cùng niềm hy vọng. Đặc biệt, đối với thánh nhân, niềm hy vọng của các Ki-tô hữu không phải là cái gì đó (what) hay hiện tượng nào đó (phenomenon) hay biến cố nào đó (event) mà là Đức Giê-su. Ngài viết: “Chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1,12). Thánh nhân khuyên dạy các tín hữu Ê-phê-xô: “Vậy thưa anh em, trước kia anh em là dân ngoại trong thân xác, bị kẻ mệnh danh là ‘giới cắt bì’ - nhưng cắt bì trong thân xác, do tay người phàm - gọi là ‘giới không cắt bì’, anh em hãy nhớ lại rằng thuở ấy anh em không có Đấng Ki-tô, không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Ep 2,11-12). Trong các thư gửi các giáo đoàn cũng như cá nhân, thánh Phao-lô cho mọi người biết rằng Đức Giê-su là hy vọng của con người. Chẳng hạn, trong thư gửi Ti-mô-thê, thánh nhân viết: “Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta, gửi anh Ti-mô-thê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin” (1 Tm 1,1-2). Đối với thánh Phao-lô, niềm trông cậy vào Đức Giê-su, vào Thiên Chúa trở thành hiện thực khi con người được ở hiệp nhất nên một với Thiên Chúa luôn mãi (1 Tx 4,17).

Thứ tư, mọi người hiệp nhất trong một Chúa (εἷς Κύριος). Thánh Phao-lô cho biết rằng Đức Giê-su là Chúa duy nhất của mọi người. Theo thánh nhân: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1,22). Cũng theo thánh nhân: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10). Đối với thánh nhân, nhờ Đức Giê-su là Chúa mà mọi người trong gia đình nhân loại được tiến gần đến Thiên Chúa: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13). Ngài khẳng định: “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6). Ngài mời gọi các tín hữu Ê-phê-xô: “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2). Đồng thời, ngài khuyên dạy họ: “Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa” (Ep 6,6). Đặc biệt, theo thánh nhân: “Để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,11). Đối với thánh nhân, Đức Giê-su là Chúa quy tụ mọi người từ mọi sắc tộc, truyền thống, văn hóa. Do đó, sự phân biệt giữa người với người theo các tiêu chuẩn trần thế không thể cản trở việc liên kết mật thiết với Đức Giê-su, nghĩa là mọi người được mời gọi hiệp nhất nên một với Người trong khi vẫn duy trì những đặc tính chân thực, lành thánh, tốt đẹp nơi sắc tộc, truyền thống hay văn hóa mình.

Thứ năm, mọi người hiệp nhất trong một niềm tin (μία πίστις). Khi mời gọi các Ki-tô hữu hiệp nhất, thánh Phao-lô cho mọi người biết rằng ưu tiên của sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu không phải là sự tôn trọng lẫn nhau hay duy trì trật tự trong cộng đoàn mà là ‘một niềm tin’. Mục đích chính của việc hiệp nhất trong một niềm tin là giúp mọi người gắn bó với Đức Giê-su, nhờ đó được gắn bó với Thiên Chúa. Thánh nhân viết: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9); “Trong Đức Ki-tô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Ep 3,12). Tâm tình của thánh nhân đối với các tín hữu Ê-phê-xô được đúc kết nơi lời cầu chúc cuối thư: “Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin” (Ep 6,23). Đặc biệt, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, ngài viết: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Đối với ngài, ‘chung một niềm tin’ và diễn tả niềm tin bằng hành động thuộc về căn tính, đời sống và sứ mệnh của người Ki-tô hữu.

Thứ sáu, mọi người hiệp nhất trong một phép rửa (ἓν βάπτισμα). Đối với thánh Phao-lô đây là phép rửa trong giao ước mới, giao ước vĩnh cửu được Đức Giê-su thiết lập cho muôn thế hệ. Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Với các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” (Rm 6,3). Với các tín hữu Cô-lô-xê, ngài viết: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2,12). Theo thánh nhân, những ai lãnh nhận phép rửa thì thuộc về Đức Ki-tô, nên một với Người và với nhau. Với các tín hữu Ga-lát, ngài viết: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3,27-28). Đối với thánh nhân, những ai chịu phép rửa thì được liên kết chặt chẽ với Đức Giê-su và với Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa: “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Đức Giêsu Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!” (1 Cr 6,11). Nhờ phép rửa trong Thần Khí, mọi người hiệp nhất nên một thân thể: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13).

Thứ bảy, mọi người hiệp nhất trong một Thiên Chúa, là Cha của tất cả (εἷς Θεὸς/ Πατὴρ). Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, ‘sáu yếu tố’ hay ‘sáu hình thức’ hiệp nhất đã được đề cập ở trên (một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa) quy hướng về Thiên Chúa, Cha của mọi người. Như đề cập ở trên, hơn ai hết, thánh Phao-lô là người thấm nhuần giáo huấn về sự hiệp nhất nên một giữa Đức Giê-su với Chúa Cha. Thánh nhân mời gọi các tín hữu luôn kết hợp với Đức Giê-su để nhờ Người mà hướng về Chúa Cha. Thánh nhân viết cho các tín hữu Ê-phê-xô: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người” (Ep 1,17). Thánh nhân cho họ biết rằng, nhờ Đức Giê-su, dân Do-thái và dân ngoại “được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,18). Bởi vì, Chúa Cha là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15). Thánh nhân khuyên dạy họ: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,20). Nhiều lần trong các thư của mình, thánh nhân minh định rằng nhờ sự vâng phục và trút bỏ của Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha mà con người được trở thành con cái Thiên Chúa (Ep 1,5; Rm 8,14-17; Gl 3,26). Nói cách khác, nhờ Đức Giê-su là Con Một của Chúa Cha từ trước muôn đời, đã xuống thế làm người mà con người được trở thành con cái Thiên Chúa. Tương tự như thế, nhờ Đức Giê-su luôn nên một với Chúa Cha mà con người được nên một với Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tóm lược giáo huấn của thánh Phao-lô về bảy yếu tố hay bảy hình thức hiệp nhất như sau: Nhờ phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, các Ki-tô hữu được hiệp nhất trong một đức tin, đức cậy, đức mến và liên kết với nhau như các chi thể trong Giáo Hội là thân thể sống động. Sự hiệp nhất của Giáo Hội như là thân thể đặt nền tảng trên sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều này được Công Đồng Vatican II khẳng định: "Hội Thánh phổ quát xuất hiện như một Dân được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (LG 4) hay: Chúa Ba Ngôi là ‘mẫu mực tối cao và nguyên lý’ hiệp nhất của Giáo Hội (UR 2). Chính vì thế, sự hiệp nhất trong Giáo Hội phân biệt với các hình thức hiệp nhất trong các hội đoàn hay các thực thể thuộc truyền thống, văn hóa, xã hội. Bởi vì, các hình thức hiệp nhất này nhằm đem lại lợi ích tinh thần hay vật chất cho mỗi cá nhân cũng như các hình thức cộng đoàn trong không gian, thời gian. Còn sự hiệp nhất trong Giáo Hội là sự hiệp nhất của những người được Thiên Chúa kêu gọi để chia sẻ sự sống của Người nhờ Đức Giê-su và Chúa Thánh Thần trong đời sống trần thế hướng về đời sống vĩnh cửu.

Giáo Hội mời gọi con cái mình hiệp nhất với nhau trong đức tin, đức cậy, đức mến, cũng như trong đời sống phụng tự và tiếp tục thực thi ‘sứ mệnh hiệp nhất nên một’ được Đức Giê-su ủy thác giữa gia đình nhân loại. Bởi vì, “Giáo Hội ở trong Chúa Ki-tô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Là Bí Tích và là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh lịch sử của Đức Giê-su giữa trần gian cho đến tận thế. Ba hình thức Giáo Hội (Giáo Hội lữ hành, Giáo Hội thanh luyện và Giáo Hội hiển thắng) luôn hiệp nhất nên một với nhau và luôn quy hướng về Thiên Chúa. Như vậy, không bao giờ có sự chia cắt hay gián đoạn nơi các Ki-tô hữu giữa trần gian, các Ki-tô hữu trong tiến trình thanh luyện và các Ki-tô hữu đã được tận hưởng ân sủng, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Điều mà mọi người cần quan tâm là sự hiệp nhất trong Giáo Hội lữ hành như thực tại đang lớn lên (growing reality) hay dự án chưa hoàn thành (unfinished project). Giáo Hội là thực tại không ngừng lớn lên giữa lòng thế giới. Những cạm bẫy chia rẽ của ba thù (ma quỷ, thế gian, xác thịt) vẫn còn hoành hành trong Giáo Hội cũng như gia đình nhân loại cho đến tận thế. Chỉ trong sự hiệp nhất nên một với Thiên Chúa và với nhau, các thành phần trong Giáo Hội mới có thể vượt thắng những cám dỗ, thách đố cũng như mưu mô chước độc của ba thù. Do vậy, các thành phần của Giáo Hội luôn được mời gọi cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để xây dựng sự hiệp nhất nên một hầu làm cho Giáo Hội và gia đình nhân loại ngày càng thăng tiến hơn về mọi mặt.

Giáo Hội mời gọi con cái phản ánh sự hiệp nhất và đa dạng của Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, vì được liên kết với Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, mọi người trong Giáo Hội cần đóng góp phần mình cho sự thăng tiến của Giáo Hội tùy theo đặc sủng của mình. Theo ngài: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,11). Như các bộ phận trong thân thể hoạt động theo những chức năng phân biệt nhau vì lợi ích chung, các tín hữu sống và hoạt động theo đặc sủng mà Chúa Thánh Thần trao ban hầu đóng góp phần mình trong việc xây dựng thân thể. Chẳng hạn, trong Giáo Hội, người phục vụ thì phải tận tâm, người dạy bảo thì phải trung tín, người làm việc bác ái thì phải vui vẻ (Rm 12,6-8). Mọi người được mời gọi xây dựng sự hiệp nhất (unity), nghĩa là tôn trọng sự khác biệt về đặc sủng, tính cách, công việc, chứ không phải là xây dựng sự đồng nhất hay đồng điệu (uniformity) giữa các thành phần. Đặc biệt, mọi người cần phân biệt giữa đa dạng (diversity) và chia rẽ (division). Quả thực, đa dạng là ‘món quà’ của Thiên Chúa, còn các hình thức chia rẽ trong Giáo Hội hay giữa gia đình nhân loại đều là ‘sản phẩm của thế giới bóng đêm’. Nói đến chia rẽ là nói đến việc phá hủy sự hiệp nhất chân thực nơi các hình thức cộng đoàn hay tập thể của gia đình nhân loại. Trong khi đó, đa dạng lại là điều đáng trân trọng và tốt lành bởi vì phù hợp với nội dung mặc khải của Thiên Chúa cũng như sự đón nhận, sống và lưu truyền nội dung mặc khải nơi các dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Ai không ý thức hay cảm nhận được sự quý giá của ‘món quà đa dạng’ thì khó có thể nhận thức được ‘món quà hiệp nhất’ mà Đức Giê-su thể hiện trong đời sống và sứ mệnh của Người. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng hiệp nhất trong đa dạng luôn mang tính xây dựng, sáng tạo và hữu ích. Hiệp nhất trong đa dạng (unity in diversity) và đa dạng trong hiệp nhất (diversity in unity) trở thành mẫu số chung cho gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng, một mặt, thế giới vẫn còn đó chiến tranh, hận thù cũng như nhiều hình thức chia rẽ. Mặt khác, chúng ta biết rằng gia đình nhân loại ngày càng hiệp nhất với nhau hơn. Trong Hiến Chế Gaudium et Spes (1965), Công Đồng Vatican II khẳng định: “Gia đình nhân loại dần dần hiệp nhất với nhau và đã ý thức hơn về sự hiệp nhất của mình ở mọi nơi, do đó công việc mà gia đình nhân loại phải bắt tay vào là xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi” (GS 77). Quả thực, theo dòng thời gian, các yếu tố giúp con người hiệp nhất với nhau luôn dồi dào hơn các yếu tố làm cho con người xa nhau hay chia rẽ. Hôm nay, với thế giới toàn cầu hóa (the globalized world), thế giới phẳng (the flat world) hay thế giới kỹ thuật số (the digital world), con người ngày càng có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi và chia sẻ với nhau hơn. Con người không chỉ hiệp nhất về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhờ đó, con người ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng của mình cũng như sự cần thiết của việc xây dựng ngôi nhà chung của gia đình nhân loại và chăm sóc thế giới thụ tạo.

Dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, sự hiệp nhất nên một không chỉ giới hạn trong thế giới loài người mà còn vươn tới muôn vật muôn loài. Điều này được thánh Phao-lô diễn giải cách cụ thể trong các thư của ngài về viễn cảnh cánh chung. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh nhân nói về ý định của Thiên Chúa cho muôn vật muôn loài: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10) hay: “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Ep 4,10). Đặc biệt, chương trình Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện đem lại hiệu quả là các hình thức sự dữ cũng như hậu quả của chúng bị loại bỏ, nhất là sự chết hoàn toàn bị tiêu diệt: “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15,25-26). Đối với thánh nhân, hành trình trần thế của Đức Giê-su đem lại cho muôn vật muôn loài sự bình an và hòa giải: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Bối cảnh cánh chung được thánh nhân tóm lược như sau: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Như vậy, nhờ Đức Giê-su, con người được hòa giải với chính mình, với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài.

Chúng ta biết rằng trong bối cảnh Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ thân tín rằng Người là Đường (Ga 14,6). Chúng ta có thể khẳng định: Đường của Người là Đường Hiệp Nhất Nên Một. Bởi vì, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su vừa cho mọi người biết rằng Người luôn hiệp nhất nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vừa mời gọi mọi người nên một với Người hầu có thể nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Để thực thi điều đó, Đức Giê-su vừa loan báo Tin Mừng hiệp nhất nên một, vừa thực thi sứ mệnh loại trừ các mầm mống chia rẽ trong tâm hồn con người cũng như trong các hình thức cộng đoàn mà Người gặp gỡ. Người đã chữa bệnh, trừ quỷ, hồi sinh kẻ chết để đem lại sự hiệp nhất chân thực nơi tâm hồn con người. Đường Hiệp Nhất Nên Một của Đức Giê-su giúp con người biết đồng tâm hiệp lực trong việc kiến tạo gia đình nhân loại hiệp nhất nên một trong tình yêu, niềm tin và hy vọng hướng về sự hiệp nhất nên một trong Thiên Chúa.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Đồng thời, Người cũng thân thưa Chúa Cha về các môn đệ là những người tiếp tục chương trình của Người: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Sau khi phục sinh, Đức Giê-su đã hiện ra và ủy thác cho bà Ma-ri-a Mác-đa-la: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ngài được ơn khôn ngoan và được củng cố đức tin, đức cậy và đức mến để cất bước lên đường thực thi sứ mệnh được Đức Giê-su giao phó. Các ngài đã loan báo Đức Giê-su là Đường Hiệp Nhất Nên Một cũng như Tin Mừng của Người bằng đời sống đầy gian lao, thử thách, kể cả cái chết, để minh chứng cho những điều các ngài loan báo. Noi gương các ngài, theo dòng lịch sử, biết bao người đã trung tín với Đường Hiệp Nhất Nên Một của Đức Giê-su và diễn tả lòng trung tín của mình bằng cuộc sống hiệp nhất nên một với Đức Giê-su và với anh chị em mình. Là Ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su, mọi người được mời gọi trở nên ‘khí cụ và dấu chỉ’ của Đức Giê-su, Đường Hiệp Nhất Nên Một cho anh chị em mình. 

Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng trong đời sống nội tại của Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần luôn hiệp nhất nên một với nhau. Nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cũng như muôn vật muôn loài. Thuở ban đầu, tất cả được hiệp nhất nên một với nhau và với Thiên Chúa. Khi con người phạm tội cũng là khi các tương quan giữa Thiên Chúa với con người và muôn vật muôn loài bị đổ vỡ, hư hỏng, biến dạng. Tuy nhiên, vì tình yêu, Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại. Sứ mệnh của Người là tái lập sự hiệp nhất nên một giữa Thiên Chúa với con người cũng như muôn vật muôn loài. Là Thiên Chúa nhưng trong hành trình trần thế, Đức Giê-su luôn hướng về Chúa Cha, hiệp nhất nên một với Chúa Cha. Đồng thời, Người mời gọi mọi người hiệp nhất nên một với Người để nhờ Người mà được hiệp nhất nên một với Chúa Cha ngay trong hành trình trần thế này. Hơn nữa, Người đã thực thi ‘sứ mệnh hiệp nhất nên một’ bằng cuộc đời hy sinh, khiêm hạ, trút bỏ. Người đã chịu muôn vàn hình thức đau khổ của kiếp Người và đã chịu chết để tiêu diệt sự chết một lần cho tất cả. Với cái chết, Đức Giê-su đã tới vực thẳm sâu nhất của sự chia rẽ để thông phần với con người. Nhờ sự phục sinh, Người đã bắc cho nhân loại ‘chiếc cầu hiệp nhất nên một’ với Thiên Chúa. Trong mọi hoàn cảnh, Đức Giê-su luôn thể hiện Người là Đường Hiệp Nhất Nên Một. Đặc biệt, Người đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội luôn là dấu chỉ và bí tích của Người giữa lòng trần thế. Chính Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Người, trong đó các tín hữu hiệp nhất nên một với nhau để diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội giữa dòng đời. Đức Giê-su cũng là Đầu của Thân Thể nghĩa là Đầu của Giáo Hội. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đi Đường của Người, trở nên chi thể của Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Người hầu góp phần kiến tạo gia đình nhân loại trong sự thật, hiệp nhất và yêu thương để mọi người ngày càng sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được trở thành con cái Thiên Chúa trong hành trình trần thế cũng như trong Quê Hương vĩnh cửu.

Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây