TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người đã lập gia đình có được làm linh mục?

Thứ sáu - 08/03/2024 01:26 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Cao Gia An, S.J. |   1062
Con đọc trên Internet, thấy Giáo hội thường tranh luận về vấn đề người lập gia đình có được lãnh nhận chức linh mục?
Người đã lập gia đình có được làm linh mục?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 118: NGƯỜI ĐÃ LẬP GIA ĐÌNH CÓ ĐƯỢC LÀM LINH MỤC?

 

Câu hỏi: Con đọc trên Internet, thấy Giáo hội thường tranh luận về vấn đề người lập gia đình có được lãnh nhận chức linh mục?

Trả lời: Đây là một đề tài đã và đang còn được tranh luận sôi nổi. Đề tài này có một lịch sử lâu dài. Vì thế, để có thể hiểu đúng và hiểu sâu, đồng thời tránh được những kết luận mang tính khích bác và cực đoan, cần có một hiểu biết rộng hơn về lịch sử và những diễn tiến của vấn đề. Trước hết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khái quát xem đời sống độc thân của ơn gọi linh mục trong lòng Giáo hội có lịch sử thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ mở ra với những thảo luận hiện đại và quan niệm mới nhất của Giáo hội về vấn đề này.

Ở khởi đầu của Giáo hội

Trong Giáo hội thời các Kitô hữu tiên khởi, không có một quy luật độc thân rõ ràng dành cho những người được chọn theo Chúa. Đúng hơn, độc thân được hiểu như là một lời khuyên được gợi hứng từ Kinh Thánh. Những người được gọi theo Chúa và phục vụ Giáo hội của Chúa là những người được mời gọi theo sát gót bước Chúa Giêsu và tập sống như Người đã sống. Chúa Giêsu đã chọn không lập gia đình, toàn tâm toàn ý hiến thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Người nhìn nhận giá trị của những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời (x. Mt 19,12). Người đòi hỏi những người muốn làm môn đệ của mình phải biết từ bỏ cả những người thân thương nhất của đời mình, như cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình (x. Lc 14,26.33).

Cũng vậy, Thánh Phaolô nhìn việc lập gia đình như là một nhân nhượng đối với những người đã chọn con đường phục vụ Chúa. Ngài khuyên những người chưa lập gia đình cứ ở độc thân thì tốt hơn cho họ. Chính Ngài cũng chọn sống độc thân vì Nước Trời. Chỉ với những người không tiết dục được, Ngài khuyên họ nên kết hôn, bởi vì thà kết hôn còn tốt hơn là bị thiêu đốt bởi ngọn lửa ham muốn (x. 1Cr 7,8-9). Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng có những người trước khi được chọn và được gọi bước theo Chúa là những người đã sống đời sống hôn nhân. Thánh Phêrô, người được chính Đức Giêsu chọn làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội, xuất thân là một người đã có gia đình (x. Mc 1,29-31; Mt 8,14-15; Lc 4,38-39).

Năm 304, vì những lý do mục vụ thực tiễn và vì những giằng xé xung đột trong đời sống của các vị mục tử đã có gia đình, Công Đồng Elvira ra sắc lệnh rằng tất cả các Giám mục, Linh mục, Phó tế và những người khác thuộc hàng Giáo sĩ phải hoàn toàn giữ mình, không được lấy vợ và có con cái. Từ đó, việc sống đời độc thân trở nên một quy luật bắt buộc cho các linh mục và giáo sĩ. Luật này đặc biệt phổ biến trong lòng Giáo hội Tây Phương[1], được tái khẳng định nhiều lần bởi các công đồng khác nhau, như Công Đng Nicea năm 325, Công Đồng Laterano thứ hai năm 1139, hay Công Đồng Trento năm 1563. Như thế, trong dòng truyền thống của Giáo hội Công giáo Tây Phương, đời sống độc thân dần dần được xem như một đòi buộc quan trọng và là một thành trì vững chắc bảo vệ đời sống linh mục.

Trong khi đó, luật này không được áp dụng trong các Giáo hội Công giáo Đông Phương. Truyền thống của các Giáo hội Đông Phương xác tín rằng việc một người làm linh mục có gia đình là một giá trị. “Bằng việc sống đời sống gia đình và giáo dục con cái, các giáo sĩ có gia đình trở nên những gương mẫu trổi vượt trong đời sống đức tin cho các Kitô hữu khác…”[2]. Quan niệm của các Giáo hội Công giáo Đông Phương cho rằng đời sống hôn nhân và gia đình không hề mâu thuẫn với sứ vụ linh mục. Khi được mời gọi lãnh nhận chức Thánh, một người đã lập gia đình càng được mời gọi sống nhiều hơn giới răn yêu thương, họ nới rộng gia đình của mình đến một cộng đoàn lớn hơn.

Như thế có thể thấy rằng có nhiều truyền thống Công giáo khác nhau về luật độc thân linh mục. Cần phải nhấn mạnh rằng luật độc thân linh mục là một quy luật, hiểu theo nghĩa là một quy tắc thực hành của Giáo hội Công giáo Tây Phương, chứ không phải là một tín điều giáo lý. Quy luật ấy hoàn toàn có thể được thay đổi bởi bất cứ một Đức Giáo Hoàng nào, khi Ngài xét thấy sự thay đổi là cần thiết và mang lại nhiều hữu ích cho Giáo Hội. Đây có lẽ là một trong những lý do tại sao vấn đề này thường được bàn đi bàn lại nhiều trong Giáo Hội, nhất là trong những Giáo hội đang gặp nhiều khó khăn vì việc thiếu ơn gọi linh mục và thiếu hụt nghiêm trọng các mục tử chăm sóc đoàn chiên.

Bàn về những khả thể khác nhau

Không ít người thường bàn tán về đề tài này với ý hướng giễu cợt. Họ nói: Giáo hội đang bàn xem liệu Đức Giáo Hoàng có cho phép các linh mục lấy vợ không? Đây là một lối nói đại khái và sai lệch. Cần biết rằng dù là trong Giáo hội Công giáo Phương Đông hay Phương Tây, dấu ấn của Bí Tích Truyền Chức Thánh là dấu ấn trọn đời và không thể xóa nhòa. Một người đã được thánh hiến cho Chúa qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, dù là trong Giáo hội Đông Phương hay Tây Phương, thì người ấy đã hoàn toàn và suốt đời thuộc trọn về Chúa. Giáo Luật của Giáo hội Công giáo Tây Phương xem việc một người đã chịu chức thánh hay đã gia nhập một Dòng Tu với lời khấn khiết tịnh trọn đời là một ngăn trở đối với Bí Tích Hôn Phối (GL 1087-1088).

Như thế, người đã chịu chức linh mục hoặc người đã Khấn Trọn trong một Dòng Tu nào đó sẽ không được phép lập gia đình theo hôn nhân Công giáo. Nói một cách đơn giản: đã là linh mục rồi thì không được lấy vợ nữa. Điều này cũng đúng với các tu sĩ đã khấn trọn. Các linh mục trước khi được chịu chức Thánh hay các tu sĩ Khấn Trọn đã long trọng tuyên hứa trước Giáo hội rằng họ sẽ giữ luật độc thân và sống Khiết Tịnh trọn đời. Họ không thể phản bội lời tuyên hứa của mình. Trừ trường hợp họ xin giải lời khấn để hoàn tục, không thể có chuyện một người được phép lấy vợ với tư cách là linh mục hay tu sĩ.

Vậy thì chính xác điều mà nhiều người trong Giáo hội đang bàn đến là gì? Là thế này: liệu những người đã có vợ có thể được truyền chức để làm linh mục không. Đây lại là một câu hỏi rất khác.

Đã là một linh mục thì không được phép lấy vợ. Nhưng một người đã có vợ thì vẫn có thể được phép chịu chức linh mục. Tuỳ vào truyền thống thực hành của mỗi Giáo hội. Trong Giáo hội Công giáo Phương Đông, đa số những người làm linh mục đều là những người đã lập gia đình. Sau khi lấy vợ, họ được truyền chức linh mục. Tuy vậy, đa số những người được chọn làm Giám mục trong Giáo hội Công giáo Đông Phương đều phải là những người sống độc thân. Trong Giáo hội Công giáo Phương Tây, không thiếu trường hợp những người đã có vợ, sau khi vợ qua đời, người ấy đi tu, sống độc thân và làm linh mục. Bên cạnh đó, vẫn có những ngoại lệ thú vị.

Trong Giáo hội Công giáo Tây Phương hiện tại, có một số trường hợp có những linh mục đã có gia đình và vẫn được thực thi chức thánh của mình. Những linh mục này trước đây vốn thuộc các Giáo hội Anh Giáo hay Tin Lành. Họ là những người đã có gia đình và đã được chịu chức linh mục trong truyền thống Giáo hội của họ. Họ trở lại với đức tin Công giáo, lại được chịu chức Thánh trong Giáo hội Công giáo. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục sống đời hôn nhân của mình. Vì thế, họ được làm linh mục với sự miễn chuẩn về đời sống độc thân.

Chẳng hạn năm 1980, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra một tài liệu hướng dẫn đặc biệt, thường được gọi là Đáp Ứng Mục Vụ - Pastoral Provision, hay năm 2009, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ban hành Tông Hiến Anglicanorum Coetibus, cho phép thiết lập một Giáo Hạt Tòng Nhân (personal Ordinariate) cho các tín hữu gốc Anh Giáo quay trở về với Công giáo. Theo đó, các linh mục Anh Giáo đã có vợ được phong chức linh mục lại trong Giáo hội Công giáo. Đây là các linh mục vừa thực thi chức Thánh với Thánh Lễ và các Bí Tích; đồng thời, họ được miễn chuẩn việc sống đời độc thân để có thể có trách nhiệm với gia đình của mình như một người chồng và người cha trong gia đình. Trong trường hợp khi vợ của những linh mục này qua đời, họ không được quyền lấy vợ thêm lần nữa.

Dĩ nhiên, các quyết định này của các Đức Giáo Hoàng gặp nhiều phản đối và bàn tán từ phía những người Công giáo bảo thủ. Toà Thánh đã khẳng định rằng việc chấp nhận những linh mục Anh Giáo trở lại, cho họ làm linh mục trong Giáo hội Công giáo với sự miễn chuẩn về đời sống độc thân, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cho phép các linh mục Công giáo lập gia đình. Dẫu vậy, một số người vẫn lo sợ rằng có những linh mục đã có gia đình như thế sẽ mở đường cho việc xói mòn và hư hoại truyền thống lâu đời của Giáo hội Công giáo Tây Phương về sự độc thân của đời linh mục.

Bạn phản ứng theo hướng nào? Bạn có lo sợ rằng một ngày nào đó khi Đức Giáo Hoàng cho phép truyền chức thánh cho những người đã có gia đình, thì tất cả các linh mục đều xuất thân là những người đã có gia đình? Khi đó, sẽ không còn một ơn gọi linh mục độc thân nào nữa? Không sao! Giả như điều này xảy ra, trong Giáo hội vẫn còn có các tu sĩ. Các tu sĩ đi theo một con đường ơn gọi khác. Họ theo lý tưởng dâng mình sống trọn vẹn các lời khuyên Phúc Âm, được hiện thực hoá qua ba lời khấn khó nghèo, vâng lời, và khiết tịnh. Trong số họ, sẽ có những linh mục sống khiết tịnh và độc thân suốt đời. Như thế, bao lâu còn ơn gọi tu trì của các tu sĩ, còn khấn lời khấn Khiết tịnh, bấy lâu sẽ còn có những tu sĩ linh mục không lập gia đình.

Vấn đề ở thời điểm hiện tại

Gần đây nhất, vấn đề truyền chức linh mục cho những người đã lập gia đình được bàn thảo một cách nghiêm túc trong bầu khí long trọng của Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon, tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm 2019. 121 vị nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức cho những người nam đã lập gia đình tại những vùng xa xôi hẻo lánh của rừng nhiệt đới Amazon. 41 người bỏ phiếu chống.

Cần biết rằng Amazon là một vùng đất bao la với rất nhiều sắc dân sinh sống. Từ lâu Giáo hội ở đây đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm ơn gọi và thiếu hụt trầm trọng các mục tử. Đời sống đạo của người dân nơi đây không được chăm sóc đúng mực. Họ bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt. Vì thế, nhu cầu có được những mục tử bản địa là một nhu cầu cấp thiết. Việc huấn luyện và truyền chức linh mục cho một số người bản địa, đã lập gia đình, có đời sống gương mẫu và có nhiệt tâm phục vụ, là một giải pháp cấp thời được đề nghị cho toàn vùng đất này.

Điều ngạc nhiên là trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, Querida Amazonia – Amazon yêu dấu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hoàn toàn không nhắc đến bất cứ một điều gì về việc truyền chức linh mục cho những người đã kết hôn trên vùng đất Amazon. Những người bảo thủ thì vui mừng vì đã không có thay đổi nào. Nhiều người khác thì thất vọng vì tại sao Đức Giáo Hoàng chưa chịu bật đèn xanh. Đức Giáo Hoàng chỉ đưa ra một lời giải thích ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Ngài chia sẻ với cha Spadaro, Dòng Tên, một cộng sự thân tín của Ngài và là chủ biên của tạp chí Civlità Cattolica, rằng: Thượng Hội Đồng đã tiếp cận vấn đề này theo cách của “một cuộc thảo luận phong phú, một cuộc thảo luận có cơ sở, nhưng lại không có sự phân định”.

Không có phân định thì không thể nào có được một sự đồng thuận trong bình an. Cha Spadaro giải thích rằng, Đức Giáo Hoàng chưa đi đến một quyết định dứt khoát vì Ngài nhận thấy rằng kết quả đạt được đến từ sự tranh luận theo kiểu đầu phiếu ở các đấu trường chính trị hơn là đến từ việc phân định, lắng nghe, cảm thông và thấy được tính bức thiết trong nhu cầu của Giáo hội hiện tại. Do đó, vấn đề vẫn còn được mở ngỏ. Bao lâu vấn đề không được bàn luận nghiêm túc theo hướng phân định đích thực, bấy lâu vấn đề truyền chức linh mục cho ngươi đã kết hôn vẫn còn mở ngỏ…

Tóm lại, để đi đến một quyết định đúng đắn, cần sự cởi mở để có thể lắng nghe và bước theo sự thôi thúc của Thánh Thần Thiên Chúa. Dù bạn là người bảo thủ hay cấp tiến, bạn ủng hộ hay phản đối khả thể truyền chức linh mục cho những người đã lập gia đình, bạn luôn được mời gọi bước vào trong tinh thần phân định và cầu nguyện đích thực. Người có khả năng phân định trước hết là người có khả năng thoát ra khỏi tình trạng cố thủ và bám chặt vào quan điểm của riêng mình, dù đó là quan điểm bảo thủ hay cấp tiến. Có như thế, bạn mới có thể lắng nghe, đọc ra được những dấu chỉ của thời đại, cảm được những nhu cầu và tiếng kêu cấp thiết của những con người nhỏ bé ở tận những vùng xa xôi hẻo lánh của hành tinh này. Có như thế, Giáo hội mới không trở nên vô cảm với hiện thực của thế giới và của lịch sử.

Và như thế, mọi sự vẫn còn ở phía trước.

Và dù phía trước thế nào, chúng ta vẫn luôn tin rằng bất cứ một thay đổi nào trong truyền thống của Giáo hội đều là những thay đổi đến từ một quá trình phân định lâu dài và kỹ lưỡng. Thay đổi nào cũng hướng đến việc phục vụ tốt hơn cho con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi kế hoạch và dự phóng. Bởi lẽ, con người chính là con đường nền tảng và đáng được ưu tiên nhất của Giáo Hội, như được khẳng định bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Redemptor Hominis (1979).

Lm. Giuse Cao Gia An, S.J.
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây