TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội

Thứ bảy - 29/05/2021 03:11 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Hữu An |   1191
Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội

Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội

Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về cha thánh Gioan Maria Vianney một câu thật ngắn gọn: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân”.

Công việc mục vụ ngồi tòa, giải tội là sứ vụ đức ái mục tử đẹp nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Thời trẻ Gioan có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm Linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Khi làm Linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy. Tòa giải tội là nơi ngài đưa các linh hồn về cho Chúa nhiều nhất. Tòa giải tội đã thu hút biết bao hối nhân tìm đến với xứ Ars. Tòa giải tội là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của thánh nhân.

1. Thời gian ở tòa giải tội.

Một phần lớn cuộc đời Linh mục của cha Vianney trôi qua trong tòa giải tội. Trong 30 năm dài, một làn sóng người hành hương không ngừng đổ về ngôi nhà thờ cũ kỷ của họ Ars. Mùa đông rét buốt, số người đến đây không ít hơn các mùa ấm áp.
Tứ tháng 11 đến tháng 3, cha sở phải ngồi tòa trung bình không dưới 12-13 giờ mỗi ngày. Người ta đứng thành hàng dài, từ trong nhà thờ ra bên ngoài, nối đuôi nhau không ngớt chờ đợi tới phiên mình.

Trong năm 1845, có ngày số người hành hương đến Ars lên tới ba hay bốn trăm. Tại nhà ga lớn nhất của Lyon, người ta mở một văn phòng hoạt động 24/24 để bán vé tàu cho khách đi Ars, vé có giá trị tám ngày, đó là thời gian trung bình người ta phải đợi cho đến phiên mình vào tòa xưng tội với vị Linh mục thánh thiện nổi tiếng.

Vào mười năm cuối đời, Thánh Vianney phải giải tội từ mười sáu đến mười tám tiếng một ngày! Còn khách hành hương nói chung phải đợi ba mươi, năm mươi, bảy mươi giờ trước khi được lãnh nhận bí tích hòa giải. Cũng có khi người ta mua lại chỗ đứng của người nghèo. Ai muốn đi ra ngoài phải thỏa thuận vời người bên cạnh hoặc với người bảo vệ nhà thờ. Đêm thì sao? Khi cửa nhà thờ đóng lại, người ta đánh số chổ của mình. (x.Linh mục, người loan báo Tin Mừng, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

2. Ai đến với tòa giải tội?

Họ gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi: có giáo dân, tu sĩ, linh mục và đôi khi cả giám mục nữa; họ là quý tộc và bình dân, kẻ vô chủ nghĩa và người học thức, người thành thị và người thôn quê,… Có khi nguyên một gia đình ngồi trên xe ngựa đến từ những tỉnh xa xôi. Từ những vùng lân cận, người ta tuôn về đây bằng đôi chân hay bằng xe, theo đường bộ hay đường thủy. Năm cuối cùng của cuộc đời cha Vianney (1858-1859), số khách hành hương lên tới tám mươi ngàn, chỉ tính riêng số người dùng các phương tiện chuyên chở công cộng; còn tính chung có lẽ là khoảng một trăm ngàn đến một trăm hai mươi ngàn.

Đám đông này rất trật tự và nghiêm trang. Họ đến là để nhìn một vị thánh, để xưng tội, để cầu nguyện hay để hoàn thành một lời khấn với thánh nữ Philomêna. Có những người vào làng Ars như vào một đền thánh; vừa nhìn thấy tháp chuông nhà thờ, họ liền cất nón mũ xuống và làm dấu thánh giá. Một nhân chứng kể lại quang cảnh họ nhìn thấy vào tháng ba năm 1859: đông đảo những người ngoài họ Ars đứng trong nghĩa trang cũ và đến tận trong những con đường nhỏ kế cận chờ đến phiên vào tòa giải tội.

Buổi sáng vào khoảng chín giờ, Cha Vianney dành một số thời gian cho các tu sĩ và linh mục. Ngài giải tội cho họ ở một tòa đặt sau bàn thờ chính. Có lần Đức Giám mục địa phận nhà cũng ngồi chờ phiên mình. Cha giải tội cũng dành một số ngoại lệ cho giáo dân con chiên cha, người bệnh, người tản tật và những hối nhân không thể chờ đợi. Đối với trường hợp cuối cùng này, ngài thường dùng ơn “nhìn thấy trong tâm hồn” để nhận ra từ trong dòng người chờ đợi, rồi ưu tiên cho họ.(sđd, trang 62-63).

3. Cha Vianney khuyên bảo các hối nhân như thế nào?

Nói chung, ngài mạnh mẽ thẳng thắn, nhân từ nhưng không yếu đuối. Ngài biết cần phải “đánh” điểm nào cho trúng đích. Đọc một số lời khuyên còn ghi lại, tôi thấy ngài thường ngắn gọn, đầy tâm tình chứ không máy móc lạnh lùng.

Để lay tỉnh những “đại tội nhân”, khá nhiều khi ngài tung ra một câu đanh thép: “này con, con bị luận phạt đời đời”. Phát ra từ môi miệng một vị thánh mà người ta tin là ngài đọc được tương lai, câu đó giống như một lời phán quyết khủng khiếp. Nhưng thật ra ngài chỉ muốn nói: “nếu con không xa lánh dịp tội ấy, nếu con cứ duy trì cái thói quen tội lỗi ấy, nếu con không nghe theo lời khuyên dạy thì con sẽ bị luận phạt”.

Đối với những người đạo đức, ngài không cần nhiều lời. Nhưng ngay cả với trường hợp này, vẫn là những mũi tên nóng bỏng đâm thấu tận con tim: “xin Đức Cha yêu thương các Linh mục của ngài!”. Đó là lời duy nhất ngài nói với Đức cha De Langalerie, Giám mục địa phận Belly đang quỳ gối trước mặt ngài. Một cộng sự viên gần gũi của ngài xưng thú: “con đã lười biếng làm điều này nhưng tận đáy lòng, con vẫn thiện chí”, cha giải tội đáp lại duy nhất một câu “Ồ! thiện chí, thiện chí … hỏa ngục cũng lót toàn thiện chí”. Linh mục Monnin kể: “tôi đã xưng tội với ngài hai lần. Lần nào cũng thế, sau mỗi tội tôi xưng ra dù là tội nhẹ nhất, ngài đều nói: ‘đáng tiếc quá’. Từ một người khác, đó có thể là một cách nói thông thường, nhưng từ môi miệng của Cha Sở họ Ars, Linh mục Monnin coi như là tiếng kêu của lòng tin, lòng thương xót và sự ghê tởm đối với tội lỗi; ngài thêm: “Nhất là giọng nói đầy âu yếm đã đánh động tôi” (sđd, trang 64).

4. Cha Vianney yêu thương tội nhân.

Cha Vianney ghê tởm tội lỗi bao nhiêu thì yêu mến người tội lỗi bấy nhiêu. Ngài có một lòng cảm thương vô bờ đối với hối nhân. Tình yêu ấy được biểu lộ qua những nhân đức sau đây.

a. Cầu nguyện cho tội nhân.

Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!. Ngài trả lời: “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

b. Đền tội thay cho họ.

Ngài ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi và mong cho tội nhân hối cải.Trong những năm cuối đời, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân. Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Cha Vianney nhiều khi còn khóc trong tòa giải tội nữa. Ngài khóc vì người ta xúc phạm tới Chúa, ngài cũng khóc vì thương các linh hồn… Chính sự thánh thiện của ngài mang lại cho lời khuyên răn và nước mắt của ngài có sức mạnh và hiệu lực. Có người hỏi: “sao cha khóc thế?” ngài đáp ngắn gọn: “tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ”.

c. Yêu thương tội nhân

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối như gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?”, ngài trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

d. Luôn nhẫn nại

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì ?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.

e. Hiền hòa, kính trọng hối nhân.

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”.

Suốt ngày bị công việc mục vụ dồn ép như thế, ngồi nghe hối nhân hàng giờ như thế mà ngài vẫn không mất kiên nhẫn, không la lối nạt nộ ai bao giờ, thật là lạ lùng.

Ngài luôn hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có Linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám Mục Giáo Phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức cha hãy yêu thương các Linh mục của Đức cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó. (x. Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh mục, Lm Micae Trần Đình Quảng;simonhoadalat.com).

5. Theo gương cha thánh, Linh mục cử hành Bí Tích Hòa Giải

Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất, đòi hỏi nhất, nhưng đó là một tác vụ cao đẹp nhất, an ủi nhất của Linh mục trong đời mục vụ. (x.Chân dung Linh mục trang 39, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ, ngồi tòa giải tội giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội luỵ trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, chứa đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần, nhưng Linh mục không để mình bị lây nhiễm rác rưới.Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào tòa nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi.

Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ, trước khi ngồi tòa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; trong khi giải tội, linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải; sau khi đã ra khỏi tòa hòa giải, Linh mục phải trung tín với ấn tòa giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

Là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất bởi lẽ, qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình và nhận ra lòng thương xót của Chúa. Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm tư không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội. Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng. Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến tòa giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục.

Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa (Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2002, số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương một cách hữu hiệu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyên Linh mục phải sống khả tín và khả ái.

- Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” (PO, 12)

- Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” (Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành“Nghiêm nhặt quá làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi qúa gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” (Thư TNTT số 8).

Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4 tháng 8), đọc lại nét tiêu biểu cuộc đời thánh nhân nơi tòa giải tội. Như người ta đã nói: phép lạ lớn nhất của cha Vianney thánh thiện là tòa giải tội của ngài bị bao vây suốt ngày đêm. Cũng có thể nói cách khác: phép lạ tiêu biểu của ngài là sự hoán cải của những người tội lỗi. Các Linh mục noi gương cha thánh thực thi sứ vụ khó khăn và cao đẹp này. Mỗi lần ban ơn xá giải là Linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An 8/2/2012
www.vietcatholic.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây