TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài 137: Kinh Thánh có gì hay?

Thứ năm - 29/08/2024 02:34 | Tác giả bài viết: Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM |   59
Nếu được con hy vọng các thầy chia sẻ một chút về Kinh Thánh? Vì các bài học Kinh Thánh không được các Cha giảng nhiều nên kiến thức đọng lại cũng rất ít.

 

Header

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 137 - KINH THÁNH CÓ GÌ HAY?
 

Hỏi: Nếu được con hy vọng các thầy chia sẻ một chút về Kinh Thánh? Vì các bài học Kinh Thánh không được các Cha giảng nhiều nên kiến thức đọng lại cũng rất ít.

Trả lời:

Mong muốn được học hiểu về Kinh Thánh là một mong muốn rất tốt đẹp. Bởi vì Kinh Thánh rất cần cho đời sống đức tin, như lời thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

Nếu điều kiện cho phép, các bạn nên tham dự các khóa học về Kinh Thánh, trực tiếp hoặc online. Các bạn cũng nên mua các sách suy niệm Lời Chúa để có thể hiểu sâu hơn về từng trích đoạn Kinh Thánh. Việc này cần cả một quá trình cần mẫn và lâu dài. Trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ có thể chia sẻ với các bạn vài nét đại cương để mong giúp các bạn có được đôi chút hiểu biết căn bản nhất về Kinh Thánh.

Bạn thân mến, nếu tra cứu bạn sẽ thấy được những thông tin sau đây:

Kinh Thánh là bộ sách bán chạy nhất mọi thời đại, ước tính mỗi năm có thêm 200 triệu bản được in ấn và phân phối. Kinh Thánh là sách được dịch sang nhiều ngôn ngữ nhất: hơn 2.400 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kinh Thánh là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Nhiều nhà giáo dục thấy rằng Kinh Thánh Kitô giáo đã ăn rễ vững chắc vào Văn hóa phương Tây đến nỗi bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh Thánh sẽ trở nên dốt nát về văn hóa.

Dịch giả và cũng là nhà nghiên cứu tự do Nguyễn Hải Hoành nhận định:

Kinh Thánh là một bộ sách có tính tổng hợp, một bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý đạo đức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, văn hoá …

Kinh Thánh còn là một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản quý báu của nhân loại…

Kinh Thánh là sách được người ta quan tâm đọc và trích dẫn nhiều nhất. Cho tới nay, Kinh Thánh đã lưu truyền mấy nghìn năm chưa bao giờ ngừng… có ảnh hưởng tới hàng tỉ người kể cả người không theo tôn giáo nào.

Những nhận định trên đây thật là ấn tượng. Nhưng dù sao đó mới chỉ là ý kiến của người còn đứng ngoài cuộc. Đối với Hội Thánh thì Kinh Thánh còn có giá trị hơn bội phần. Kinh Thánh không chỉ là tổng hợp những tác phẩm văn học nhiều thể loại, mà là Sách chứa đựng Lời Hằng Sống, Lời đem lại cho con người sự sống đời đời.

Siêu nhiên trong tự nhiên

Sách Giáo Lý Công Giáo ghi rõ: “Kinh Thánh là sách ghi chép mạc khải của Thiên Chúa dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.” Mạc khải là việc Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Linh hứng là việc Thiên Chúa soi sáng cho một số người viết ra. Những người này nhận được ánh sáng Thiên Chúa từ bên trong để viết ra những điều Chúa muốn, theo cách thức và khả năng riêng của họ. Như thế nội dung là do Thiên Chúa, còn hình thức là do con người. Tác giả chính là Thiên Chúa; tác giả phụ là con người. Vì tin nhận Thiên Chúa là tác giả chính nên Hội Thánh gọi Kinh Thánh là Lời Chúa.

Tuy nhiên như đã nói, để ngỏ lời với loài người, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ. Người chấp nhận những hạn chế của ngôn ngữ cũng như những giới hạn của các tác giả nhân loại. Họ là những con người cụ thể, sống trong một thời đại cụ thể với những vấn đề của thời đại ấy. Vì vậy, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy có những chỗ khó hiểu. Chúng ta đang ở một văn hóa khác, thời đại khác, quan niệm và nhận thức khác so với nơi chốn và thời gian Kinh Thánh được mạc khải nên khó hiểu là điều khó tránh khỏi. Để có thể hiểu được bản văn Kinh Thánh, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, văn phong của người viết. Việc này quả thật không dễ dàng. May mắn là chúng ta có sự chỉ dẫn của Hội Thánh. Kinh Thánh là cuốn sách của Hội Thánh. Không ai có thể hiểu Kinh Thánh một cách đúng đắn nếu họ đứng ngoài Hội Thánh.

Cổ xưa mà hiện thực

Tuy Kinh Thánh là những sách đã được viết từ rất xa xưa, từ khoảng 1000 năm trước công nguyên cho đến khoảng năm 100 sau công nguyên, nhưng nó lại chứa đựng nội dung, sứ điệp không hề lỗi thời, không hề thay đổi theo thời gian. Bộ sách này vừa cổ kính vừa mới mẻ, vừa cao xa vừa hiện thực. Đây cũng là một trong những điều độc đáo của Kinh Thánh mà không sách nào khác có được. Kinh Thánh đã và vẫn đang là sức mạnh để nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, cũng như ban nguồn sống thiêng liêng cho hàng tỉ người trong hiện tại. Trong Tông huấn Lời Chúa, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận định:

Trong thời đại chúng ta, thời đại mà nhiều điều chúng ta đặt niềm hy vọng đều tỏ ra phù du. Sớm hay muộn, tài sản, lạc thú và quyền lực cũng sẽ tỏ ra không có khả năng thực hiện các nguyện vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Thật vậy, để xây dựng cuộc đời, con người cần những nền tảng chắc chắn, vẫn đứng vững cả khi những xác tín nhân loại mờ nhạt đi. Trong thực tế, bởi vì “muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời trên cõi trời cao” và “lòng thành tín của Chúa trải bao thế hệ” (x. Tv 119, 89-90), người nào xây dựng trên Lời ấy, là xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên tảng đá vững chắc.[6]

Vì vừa cổ xưa vừa hiện thực, nên khi đọc mỗi đoạn Kinh Thánh, trước hết chúng ta phải hiểu đây là một lời tường thuật về sự thật lịch sử trong quá khứ, liên quan đến một người nào đó với những vấn đề riêng biệt của họ. Hiểu điều ấy rồi, chúng ta mới đặt câu hỏi: sứ điệp này soi sáng điều gì cho vấn đề hiện tại của tôi? Hay có điều gì đặc biệt nhắn nhủ tôi? 

Ví dụ, câu Thiên Chúa nói “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1) là nói với tổ phụ Apraham vào khoảng năm 1800 trước công nguyên. Hay lời Chúa Giêsu: “Hãy theo Ta” là nói với mấy người làm nghề đánh cá bên Hồ Galilê cách đây hơn 2.000 năm. Ngày nay, nếu bạn đọc câu ấy, và bạn cảm thấy rằng Chúa Giêsu cũng đang thôi thúc trong tâm hồn bạn lời mời gọi ấy, thì đó là điều bạn cảm nhận theo nghĩa thiêng liêng.

Đa dạng mà thống nhất

Kinh Thánh được viết bởi nhiều soạn giả, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có người làm nghề chăn cừu như ngôn sứ A-mốt, có người là vua như vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn, có người thì mộc mạc như thánh Maccô, có người thì thông thái như thánh Phaolô. Các soạn giả cũng đã sử dụng rất nhiều thể văn khác nhau để viết như: truyện tích, lịch sử, thơ ca, thư từ, khải huyền… nhưng tất cả các phần trong Kinh Thánh đều liên đới và ăn khớp với nhau chặt chẽ cách kỳ diệu. Khi đọc các bản văn Kinh Thánh từ đầu đến cuối, chúng ta có thể thấy một dòng chảy như một dòng sông, khi thì chảy qua bãi đá thác ghềnh, lúc thì êm trôi trên đồng bằng yên ả. Xuyên suốt dòng chảy ấy là một đạo lý “mến Chúa, yêu người”.

Chính vì sự thống nhất chặt chẽ với nhau mà Kinh Thánh được gọi cách thi vị là “Bản hòa tấu Lời Chúa”. Trong một buổi hòa nhạc, chúng ta thấy có hàng chục nghệ sĩ sử dụng hàng chục nhạc cụ khác nhau, nhưng âm thanh của buổi hòa nhạc phát ra không phải là một mớ tạp âm hỗn loạn của một buổi chợ, mà tất cả đều ăn khớp nhịp nhàng với nhau, lúc thì dồn dập như thác lũ, khi thì lững lờ như mây trôi nước chảy, làm ngất ngây tâm hồn người nghe. Tất cả là nhờ có người nhạc trưởng phất nhịp điều khiển toàn bộ giàn nhạc. Chúng ta có thể hình dung sự thống nhất chặt chẽ của Kinh Thánh cũng tương tự như thế, “như một bản nhạc nhiều cung bậc”.

Mặc dầu các sách hợp thành bộ Kinh Thánh có khác biệt nhau mấy đi nữa về phong cách hay về thể văn, Kinh Thánh vẫn là một, bởi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa chỉ có một. 

Dài rộng nhưng hướng tâm

Kinh Thánh trình bày về một chương trình cứu độ của Thiên Chúa, từ thuở khai thiên lập địa cho tới ngày tận thế. Tuy dài hun hút như vậy, nhưng toàn bộ Kinh Thánh có một trọng tâm là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể làm người tại miền đất Paléttin cách nay hơn 2.000 năm. Biến cố này đã chia lịch sử loài người thành hai phần: trước Chúa giáng sinh (thời Cựu Ước) và sau Chúa Giáng sinh (thời Tân Ước). Tất cả đều hội tụ về biến cố đó, chính xác hơn là hội tụ về chính Đức Giêsu Kitô. Thập giá của Đức Giêsu và sự phục sinh của Người nằm ngay ở trung tâm Kinh Thánh. Các sách Cựu Ước, gồm 46 cuốn, là những sách có mục đích chuẩn bị, loan báo, biểu thị và hướng về Đức Kitô cứu thế. Các sách Tân Ước gồm 27 cuốn, là những chứng từ về chính Đức Giêsu và các giáo huấn của Người.

Với 73 cuốn sách Kinh Thánh, mặc khải của Thiên Chúa đã dứt khoát và trọn vẹn, không còn thêm gì nữa. Đức Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa. Nơi Người, Thiên Chúa phán dạy mọi sự, và sẽ không có lời nào khác ngoài Lời đó nữa. Do đó, những điều gọi là “mạc khải tư”, dù có được thẩm quyền Hội Thánh cho phép phổ biến thì tài liệu đó vẫn không thuộc kho tàng đức tin, không buộc chúng ta phải tin. Nhất là chúng ta không nên chạy theo những điều mới lạ nơi những sứ điệp lưu truyền ngoài Hội Thánh, trong khi lại hờ hững và thiếu hiểu biết về nguồn mạc khải chính là Kinh Thánh thì thật là nguy hiểm cho đức tin của chúng ta.

Gần gũi và sâu xa

Thánh Tôma More từng nói một câu dí dỏm như sau: “Kinh Thánh rất sâu đến nỗi một con voi có thể chết đuối; và cũng rất cạn cho nên một con chuột cũng có thể lội qua”. Ngài có ý nói rằng Kinh Thánh phù hợp cho mọi người. Không ai quá thông thái và cũng không ai quá tầm thường đối với Kinh Thánh. Người bình dân đọc Kinh Thánh và có thể nghe được những lời âu yếm ngọt ngào của Thiên Chúa, như lời ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh. Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16). Người trí thức đọc Kinh Thánh tìm được ở đó lẽ khôn ngoan. Vì đó là “Sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ... Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” (2Tm 3, 14-17).

***

Bạn thân mến, trên đây là vài điều chia sẻ của một người mà vốn hiểu biết về Kinh Thánh không nhiều. Còn vô số những điều bổ ích và thú vị khác đang chờ đợi các bạn khám phá. Các bạn hãy tiếp tục kiếm tìm và học hỏi nhé. Việc hăng say và kiên trì học hỏi Kinh Thánh chính là một bằng chứng lòng yêu mến của các bạn đối với Thiên Chúa.

Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, tháng 3/2023

WHĐ (27/8/2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây