TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng Lễ Tro 2017 của Đức cha Vinh Sơn

Thứ sáu - 07/05/2021 03:16 |   874
Bài giảng Lễ Tro 2017 của Đức cha Vinh Sơn

Bài giảng Lễ Tro 2017 của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Lúc 05g00 sáng nay, ngày 01. 03. 2017, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, đã cử hành thánh lễ Tro tại Nhà Nguyện Tòa Giám mục BMT.

Mở đầu thánh lễ, ĐGM chia sẻ : Hôm nay, chúng ta bước vào Mùa Chaythanhs, thời gian 40 ngày chuẩn bị tâm hồn bước vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô…Đối với người Ki-tô hữu, thời gian này thật quan trọng. Đây là thời gian thanh luyện tâm hồn bằng việc cầu nguyện, chay tịnh và sám hối, để có thể cử hành một cách có ý nghĩa hơn việc tái sinh trong phép Rửa tội vào ngày lễ Phục Sinh.

Bài giảng lễ Tro  (Mt 6, 1-6. 16-18)
Anh chị em thân mến,
Trong bài đọc thứ II, thư 2 Corinto, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu “hãy làm hòa với Thiên Chúa” và đừng để ơn Chúa được ban tặng cho ta trở nên vô hiệu. Trong ngày bắt đầu Mùa Chay, với nghi thức xức tro để bày tỏ lòng khiêm nhường, thống hối, quyết tâm hoán cải đời sống, chúng ta cũng nên dành ít phút suy niệm về lời mời gọi “hòa giải” của vị Tông Đồ, để quyết tâm sống Mùa Chay thánh theo một phong cách mới mẻ hơn.

Điều mà Thánh Phao-lô nhắm đến ở đây là sự hòa giải của mỗi người với Chúa và mọi thành viên trong cộng đoàn với nhau. Động cơ của lời mời gọi là “ sự thôi thúc của tình yêu Thiên Chúa” (5, 14a). Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, Đấng không biết đến tội lỗi, đã để cho Con Một của Ngài chết vì chúng ta, để hòa giải thế gian với mình, vị Tông Đồ cảm thấy có trách nhiệm phải hòa giải với những người khác, những người chống đối hoặc không chia sẻ quan điểm với mình, không chỉ bởi vì ngài đã được hòa giải, nhưng ngài còn lãnh nhận tác vụ hòa giải nữa.

Lập luận của thánh Phao-lô dựa trên một cảm nghiệm nền tảng : hòa giải là một ơn nhưng không đến từ Thiên Chúa, đây là một điều giúp con người đón nhận ơn công chính và làm cho ơn này phát sinh hoa trái. Một người đã hy sinh chết cho mọi người để làm gì ? Nếu mọi người được thừa hưởng hiệu quả của cái chết đó, họ có được biến đổi gì không hay vẫn sống theo kiểu con người cũ ? Nếu cái chết của “Đấng đã chết và sống lại” vì chúng ta, những người Ki-tô hữu, không đem được gì mới mẻ cho từng người tín hữu , thì cái chết của Ngài trở nên vô ích à ? Một cái chết vô ích làm sao có thể trở thành trung tâm của niềm tin Ki-tô giáo, và làm sao có thể đem lại sự sống đời đời.?

Câu trả lời của vị Tông Đồ thật rõ ràng : bởi vì Đức Ki-tô đã chết cho mọi người được sống, thì những người đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (5, 15). Phao-lô muốn nói gì nếu không phải là : bởi vì đã được cứu chuộc nhờ cái chết của Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu phải sống một đời sống mới, một đời sống biểu lộ hiệu quả của ơn cứu chuộc. Vì thế, từ nay ngài không biết đến con người cũ, con người theo xác thịt nữa, nhưng là con người mới, con người sống trong Đức Ki-tô (5, 16-17). “Con người mới” này là gì nếu không phải là người ý thức rằng sau khi được hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Đức Giêsu Ki-tô, đã được trở nên công chính, thì đến phiên mình, cũng phải sống theo tinh thần hòa giải của Đức Ki-tô, biến mình thành phương tiện đem sự sống đến cho người khác. Trong tư tưởng của Phao-lô, điểm làm cho người Ki-tô hữu thay đổi và nhờ đó họ trở nên giống Chúa Giê-su, sống tinh thần hợp nhất trong cộng đoàn, cũng như thánh hóa đời sống của mình, đó là nhờ Tin Mừng cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô.

Trong thư Mùa Chay năm nay, ĐTC Phanxicô viết : “ Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi chúng ta hoán cải. Ki-tô hữu được yêu cầu quay về với Thiên Chúa “với tất cả tâm hồn họ” (Joel 2,12), để khước từ việc hài lòng với những điều tầm thường và lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giê-su là người bạn trung thành, là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của chúng ta; và qua sự trông đợi kiên nhẫn như thế, Chúa cho chúng ta thấy sự sẵn sàng tha thứ của Ngài”. Và Ngài gợi ý rằng : để có thể sống tinh thần hoán cải, chúng ta không chỉ dựa vào sự hiểu biết và kinh nghiệm riêng của mình, nhưng cần phải đọc và để cho Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn. Khi suy niệm Lời Chúa, chúng hiểu được điều Chúa mời gọi và chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa dạy. Hiểu như thế, Lời Chúa là một hồng ân được ban tặng cho chúng ta.

Qua suy niệm về câu chuyện giữa người giàu có và ông Lazarô, ĐTC cho chúng ta thấy người nghèo khó, người đau khổ chung quanh ta, tưởng chừng như là những người quấy rầy ta, nhưng thực ra là những người Chúa gởi đến để ta có thể thực hành luật bác ái yêu thương, chia sẻ những ơn lành mình đã đón nhận. Hiểu như thế, tha nhân, dù là ai đi nữa, cũng vẫn là hồng ân Chúa gởi đến để chúng ta có dịp sống tinh thần của con người mới, con người được cứu chuộc trong Đức Ki-tô.

Trong cộng đoàn Ki-tô hữu, mọi sự hòa giải đều bắt nguồn từ sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa được thực hiện qua cái chết của Đức Ki-tô, bởi vì chính cái chết này đã làm thay đổi tất cả. Có một gì đó mới mẻ đã được thực hiện và xuất hiện trong lịch sử. Phép Rửa tội, nơi mà sự mới mẻ này được thực hiện, không chỉ là sự hòa giải với Thiên Chúa, nhưng còn đòi hỏi phải nhận biết anh chị em mình một cách khác hơn và biểu lộ cho họ thấy được “Tình yêu của Đức Ki-tô” thôi thúc trái tim.

Anh chị em thân mến,
Thời gian chuẩn bị của Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn tâm hồn để cùng với Chúa Giê-su bước vào cuộc tử nạn và phục sinh. Để được như thế, chúng ta cũng được mời gọi sống theo Lời Ngài, trở nên giống Ngài. Chúa Giê-su đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, từ bỏ chính mình, để hoàn thành chương trình cứu chuộc, đem lại ơn cứu rỗi cho con người. Chúng ta cũng biết noi gương Chúa Giê-su trong việc từ bỏ chính mình, từ bỏ những tính hư tật xấu trong con người của chúng ta, để mặc lấy những tâm tình của Ngài.

Xin cho mỗi người chúng ta biết điều chỉnh cuộc sống của mình theo ý Chúa; nghĩa là biết chấp nhận ý Chúa trên cuộc đời của mình, biết điều chỉnh cái nhìn của mình theo cái nhìn của Chúa, để chúng ta được trở nên một với Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết sửa mình, biết chạy đến với bí tích Giao Hòa để múc lấy sức mạnh hoán cải từ tình yêu của Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây