TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu: Những đau khổ trong lòng Ngài

Thứ sáu - 15/04/2022 10:18 |   1426
Trong Mùa Chay, Giáo Hội suy tư về nhân tính của Chúa Kitô, đặc biệt là khi xem xét cuộc Thương Khó. Khi làm như vậy, thông thường người ta nhấn mạnh nhiều đến sự suy ngẫm và tập trung vào những đau khổ thể xác của Chúa Giêsu Kitô: đánh mắng, đội mão gai, Via Dolorosa – Đàng Thương Khó, và đóng đinh trên thập giá.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu: Những đau khổ trong lòng Ngài

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu: Những đau khổ trong lòng Ngài

 
  •  
    •  


CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU: NHỮNG ĐAU KHỔ TRONG LÒNG NGÀI
Maria Cintorino[1]

WHĐ (15.4.2022) - Thánh Tiến sĩ Thiên thần Tôma Aquinô lưu ý rằng những suy ngẫm về “những vấn đề liên quan đến nhân tính của Chúa Kitô là động lực chính để yêu thương và sùng mộ.”[2] Trong Mùa Chay, Giáo Hội suy tư về nhân tính của Chúa Kitô, đặc biệt là khi xem xét cuộc Thương Khó. Khi làm như vậy, thông thường người ta nhấn mạnh nhiều đến sự suy ngẫm và tập trung vào những đau khổ thể xác của Chúa Giêsu Kitô: đánh mắng, đội mão gai, Via Dolorosa – Đàng Thương Khó, và đóng đinh trên thập giá. Không nghi ngờ gì nữa, đây là những khía cạnh quan trọng của Cuộc Khổ nạn cần được xem xét và suy ngẫm. Tuy nhiên, Mùa Chay này có lẽ sẽ có lợi nếu dành thời gian suy ngẫm về những đau khổ nội tâm của Chúa trong cuộc Khổ nạn và cái chết của Ngài, vốn không phải lúc nào cũng nổi bật trong những suy tư về những đau khổ của Chúa Kitô.

Khi Chúa Con mặc lấy bản tính nhân loại để cứu chuộc con người, Ngài đã chọn chấp nhận một cách sẵn sàng và hoàn toàn có ý thức và chịu đựng những đau khổ liên quan đến linh hồn, tâm trí và thể xác. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô không chỉ khuất phục chính mình trước những tước bỏ về thể xác, mà còn đối với tất cả những chuyển động của con người gây ra nỗi thống khổ về tinh thần và tâm linh, chẳng hạn như buồn phiền, mệt mỏi, sợ hãi, cô đơn và chối bỏ. Trong Tổng luận thần học của mình, thánh Tôma Aquinô đã liệt kê những đau khổ này: “Chúa Kitô đã phải đau khổ vì những người bạn bỏ rơi Ngài; trong tiếng tăm của Ngài, vì những lời phạm thượng ném vào Ngài; trong danh dự và vinh quang của Ngài, vì những lời nhạo báng và sỉ nhục chồng chất lên Ngài... trong tâm hồn Ngài vì buồn bã, mệt mỏi và sợ hãi”.[3]

Khi Chúa Kitô bắt đầu cuộc Khổ nạn, như Thánh Tôma Aquinô và Thánh Hồng y John Henry Newman đều nhắc đến, Chúa Kitô đã sẵn lòng chọn đón nhận toàn bộ bản tính của con người trong đau khổ để cứu chuộc thụ tạo của Ngài. Thánh Hồng y John Henry Newman đã viết rằng những đau khổ này của tâm hồn “không thể vẽ ra cho chúng ta, và thậm chí chúng cũng không thể được điều nghiên một cách đích đáng; chúng vượt ra ngoài cả giác quan và suy nghĩ; và chúng đã đi trước những đau khổ thể xác của Ngài. Sự thống khổ, nỗi đau của linh hồn, không phải của thể xác, là hành động đầu tiên của sự hy sinh to lớn của Ngài, Ngài nói: “Linh hồn Thầy buồn sầu cho đến chết” (Mátthêu 26: 38); nay, nếu Ngài đau khổ trong thể xác, thì điều đó thực sự là đau khổ trong linh hồn, vì đúng là thể xác đã đau khổ nhưng nó giáng xuống trên những gì thực sự là con người của kẻ lãnh chịu và là nơi ngự trị của đau khổ.”[4]

Không giống như một người bình thường, vốn cố lảng tránh nỗi đau nội tâm và thể xác, Chúa Kitô đã chọn cách hoàn toàn ý thức về những nỗi buồn này của linh hồn và của tâm trí trong cuộc Khổ nạn của Ngài, vì khi Chúa Kitô “quyết tâm chịu đựng nỗi đau của cuộc khổ nạn của Ngài thay cho người khác... Ngài đã quyết tâm... với sức mạnh của mình; Ngài đã không làm điều đó chỉ một nửa”.[5] Hơn nữa, Chúa Giêsu Kitô tự ý “hiến dâng hoàn toàn chính mình Ngài, như một sự sát tế, một của lễ toàn thiêu; - toàn bộ linh hồn của Ngài, toàn bộ sự chú tâm của Ngài, toàn bộ ý thức của Ngài, một tâm trí tỉnh táo, một giác quan sắc bén, một sự hợp tác sống động, một ý định hiện thời tuyệt đối, không phải là sự cho phép ảo, không phải là sự phục tùng vô tình... cho những kẻ hành hạ Ngài.”[6] Như vậy, Chúa Kitô đã chọn không chỉ chịu đau khổ, mà còn hoàn toàn ý thức về những nỗi thống khổ của tâm trí và linh hồn Ngài trong cuộc Khổ nạn.

Những đau khổ nội tâm của Cuộc Khổ nạn bắt đầu trước khi bước vào Vườn Giếtsimani. Thánh Anphongsô Liguori suy niệm rằng “nỗi buồn này, vốn giáng xuống Chúa Giêsu Kitô trong khu vườn ấy một cách sâu sắc nhất, cũng đã giáng xuống Ngài trong suốt cuộc đời của Ngài; kể từ giây phút đầu tiên khi Ngài bắt đầu sống, đã từng thấy trước mắt Ngài những nguyên cớ của nỗi đau buồn nội tâm mình; trong số đó, nỗi đau khổ lớn lao nhất là cảnh tượng về sự vô ơn của con người đối với tình yêu mà Ngài đã bộc lộ cho họ trong cuộc Khổ nạn của Ngài.”[7] Những gợi ý về những đau khổ này nằm rải rác trong Kinh thánh: sự chối bỏ mà Chúa Kitô đã nhận được ở quê hương của Ngài (Luca 4: 14–30) và của những người dân Ghêrasa (Mc. 5: 1–20), nỗi buồn Ngài cảm thấy trước sự vô tình của chín người phong cùi, những người mà Ngài đã chữa khỏi, sự thiếu hiểu biết của các Tông đồ liên quan đến sứ vụ và cái chết của Chúa Kitô và nỗ lực của họ thuyết phục Chúa Kitô thoát khỏi đau khổ và cái chết, sự khăng khăng của Phêrô về việc trung thành với Chúa Kitô cho đến chết, và sự hiểu biết của Chúa Kitô về sự tuyệt vọng của Giuđa và sự phản bội và bỏ rơi của các Tông đồ và bạn bè của Ngài.

Cuộc khổ nạn tâm hồn này đã tăng lên trong Vườn Giếtsimani và lên đến đỉnh điểm là thập giá. Ở đó, trong nỗi thống khổ của Ngài, Chúa Giêsu khao khát có được sự đồng hành của những người bạn của Ngài. Ngài mời họ ở lại với Ngài trong khi Ngài cầu nguyện. Biết điều gì sẽ sớm xảy ra, Chúa Kitô khao khát sự an ủi nhân loại của các tông đồ của Ngài. Tuy nhiên, lời yêu cầu khẩn thiết của Ngài vẫn bị phớt lờ khi họ chìm vào giấc ngủ. Sự bỏ rơi ban đầu này chỉ khởi đầu cho nỗi đau nội tâm của Cuộc Khổ nạn khi Chúa Kitô sớm bị các sứ đồ, bạn bè và môn đồ của Ngài phản bội và khước từ.

Ở đó, trong sự cô đơn của Khu vườn, Chúa vốn là Đấng không hề biết đến tội lỗi đã tự mình gánh lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại. Điều này chỉ làm tăng thêm những đau khổ trong lòng Ngài, vì mọi tội lỗi, dù nặng hay nhẹ, đã xảy ra trước đó và đặt lên Ngài, là Đấng đã rùng mình khi biết sức nặng và cái giá phải trả của chỉ một tội lỗi đối với Ngôi Vị Thiên Chúa của Ngài. Chúa Kitô đã nhìn thấy những người không tin, không chỉ những người trong thời đại của Ngài và những người nhạo báng Ngài trên thập giá, mà còn cả những người cứng lòng với Ngài qua nhiều thế kỷ. Ngài thấy trước cách thức mà những người tin Chúa cũng như những người không tin sẽ đi lạc khỏi con đường tình yêu bằng cách đặt những thần tượng của chủ nghĩa vật chất, tiện nghi, lạc thú, danh tiếng, tham vọng, sự an toàn, ý riêng và tình bè bạn con người ưu tiên trước Ngài. Ngài thấy trước Ngài sẽ bị bỏ rơi và phớt lờ như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của dân Ngài là những người mà Ngài tha thiết khao khát được ở bên, và Ngài sẽ bị lãng quên như thế nào trong tận cùng tâm hồn của những người mà Ngài đã đến để cứu độ. Ngài đã thấy trước ân sủng vốn đã được ban cho dân tộc của Ngài, một dòng giống vương giả, sẽ bị từ chối và gạt sang một bên để theo đuổi những thú vui, sự mến mộ của nhiều người và vận may. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Ngài đã chọn tự mình gánh lấy tội lỗi của thế gian và vì vậy Ngài đã cầu nguyện cho những người mà Ngài đã đến để cứu vớt họ.

Newman đã viết khi Chúa Giêsu Kitô, chính Ngài, gánh lấy sức nặng của tội lỗi thế gian, sự bao la của nó lớn đến mức: “Chỉ một mình Thiên Chúa mới [có thể] gánh lấy nó”[8] vì:

Đôi bàn tay của Con Chiên Vô Nhiễm của Thiên Chúa, khi xưa từng vô tội, thì nay [đã] đỏ thắm với mười ngàn hành động cố tình man rợ đổ máu... Đôi môi Ngài ... bị ô uế bởi những lời thề, những lời phạm thượng, và những học thuyết của ác quỷ... Đôi mắt của Ngài bị ô uế bởi tất cả những hình ảnh xấu xa và sự mê hoặc thần tượng mà vì đó con người đã bỏ rơi Đấng Tạo hóa đáng yêu mến của họ. Và tai Ngài ngân vang những âm thanh chè chén say sưa và xung đột; lòng Ngài bị đóng băng vì sự tham lam, độc ác và bất tín; và chính trí nhớ của Ngài chứa đầy mọi tội lỗi đã phạm kể từ cuộc sa ngã, trong tất cả các vùng miền trên trái đất, với niềm kiêu hãnh của những người khổng lồ xưa cũ, sự thèm muốn của năm thành phố, và sự thống trị của Ai Cập, và tham vọng của Babylon, và sự vô ơn bạc nghĩa và khinh bỉ của Israel.

Những tội nhân tuyệt vọng, bối rối, tái phạm, những kẻ tự cho mình là công chính, cứng đầu, bất công, kiêu hãnh, vô tích sự, khát máu, tham lam và vô cảm qua nhiều thế kỷ bày ra trước mặt Ngài - tất cả những con người này và còn nhiều nữa đã nhấn chìm linh hồn và tâm trí của Đấng là Nạn nhân không tì vết trong Khu Vườn.

Với hiểu biết mênh mông như vậy, cộng với sự kinh hoàng và sức nặng của tội lỗi thế gian đã khiến Chúa đổ mồ hôi máu. Vì:

Không có cây roi nào của người lính chạm vào đôi vai của Ngài, những chiếc đinh của người hành hình cũng không chạm vào cổ tay và đôi bàn chân của Ngài... . Ngài đã đổ máu trước thời đại của Ngài; Ngài đã đổ máu; và đúng thế, chính linh hồn đau khổ của Ngài đã phá vỡ bức khung hình hài xác thịt của Ngài và làm cho xác thịt ấy nát tan ra. Cuộc khổ nạn của Ngài đã bắt đầu từ bên trong. Trái tim đớn đau dày vò ấy, nơi trú ngụ của sự dịu dàng và tình yêu, rốt cuộc đã bắt đầu đau đớn và đập kịch liệt vượt quá bản tính của nó; nền móng của vực thẳm lớn lao đã bị phá vỡ; những dòng suối đỏ tuôn trào thật lai láng qua các lỗ chân lông, chúng đọng lại như lớp sương dày trên toàn bộ bề mặt da của Ngài; sau đó kết thành từng giọt, chúng lăn xuống tròn trĩnh và nặng nề, làm ướt đẫm mặt đất.[9]

Như vậy, nhân tính của Chúa Kitô dường như không thể dò thấu được những gì mà ý chí và tình yêu thương thần linh của Ngài dành cho dân Ngài đã được chuẩn bị để chịu đựng kể từ những ngày Ađam và Evà không vâng lời. Chính vì vậy, trong khu vườn Ngài đã cầu xin Cha xoá bỏ nỗi thống khổ này cho Ngài. Tuy nhiên, Chúa Kitô đã kết thúc trong sự đầu phục hoàn toàn và tuân theo ý muốn của Đấng đã sai Ngài: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Luca 22:42).

Một khi sự đầu phục này xảy ra, Chúa Kitô phải đối mặt với những đau khổ của sự mệt mỏi, sự phản bội, sự chối bỏ và sự cô đơn. Ngài đã gặp phải sự phản bội của một trong những tông đồ của chính Ngài, Giuđa, người đã giao nộp Thầy của mình bằng một nụ hôn: vốn là dấu hiệu của tình bạn. Tương tự như vậy, trong sự hỗn loạn ban đêm, Chúa Giêsu Kitô bị bạn bè của Ngài bỏ rơi khi họ chạy trốn, lo sợ cho sự an toàn của mạng sống của họ, ngay sau đó là sự chối bỏ ba lần của Hoàng tử các Tông đồ, là người trước đó đã tuyên bố rằng mình sẽ chết với Thầy của mình.

Một khi bị đưa ra tòa án Hêrôđê, những đau khổ về tâm hồn và trí óc vẫn tiếp diễn. Ngài đã bị chế giễu bởi Hêrôđê, là kẻ muốn các phép lạ được thực hiện, không phải vì lợi ích cho đức tin của ông, nhưng để tìm kiếm một cảnh tượng xem chơi (Luca 23: 8). Sau đó, Chúa Giêsu Kitô bị kéo đi suốt đêm từ toà án của Hêrôđê đến toà án của người Pharisêu. Dân được chọn, mặc dù là shegulah - vật sở hữu quý giá - của Thiên Chúa lại mắng nhiếc, chế nhạo, và phạm tội báng bổ chống lại Đấng Mêsia mà họ hằng mong ước. Trong suốt những sự kiện xảy ra sau đó, Thiên Chúa –Người vốn ôm lấy nỗi đau của con người và mang nỗi buồn của con người vẫn âm thầm chịu đựng một mình “người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,” (Isaia 53: 5), vì không có ai an ủi Ngài (Ai ca 1: 16) như “Ngài bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Ngài như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Isaia 53: 3).

Sau khi bị đưa ra trước mặt Philatô, Ngài đã bị sỉ nhục, lại bị chế giễu, và bị đội mão gai lên đầu. Những người tham gia vào cuộc khổ nạn này đã thực hiện một trò chơi chế nhạo: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?” (Mt 26:68). Chúa là Đấng biết rõ những sợi tóc trên đầu họ và là Đấng đánh số ngày của họ, đã bị bịt mắt một cách tàn nhẫn và bị nhổ nước bọt trong khi bị chế giễu và nói xấu. Mặc dù bị đối xử không công bằng như vậy, Ngài vẫn im lặng, trong khi luôn luôn có quyền năng chấm dứt đau khổ chỉ với một ý nghĩ, một lời nói. Tuy nhiên, Ngài đã để cho chính Ngài bị đối xử tàn nhẫn như vậy vì lợi ích của dân Ngài, những người sẽ nhanh chóng bất trung với Ngài vì những thú vui chóng qua trong đời.
Trong khi đó, để gia tăng những đau khổ nội tâm này, những người ở bên ngoài dinh Philatô đã nhẫn tâm đòi Ngài phải chết. Khi nghe thấy tiếng ồn ào của đám đông, Đấng Mêsia biết chính những người mà Ngài đã chữa lành, những người từng là môn đồ của Ngài, đang phỉ báng Ngài một cách ác độc. Những tiếng hô vang “Hosanna,” vang vọng khắp thành phố thánh vài ngày trước đó, trở thành một ký ức mờ nhạt, và được thay thế bằng những tiếng kêu gào điên cuồng: “Đóng đinh nó vào thập giá!...Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda” (Gioan 19:15). Sỉ nhục thêm vào sỉ nhục “làm tan nát trái tim Ngài”. Trong cơn hấp hối của Ngài, [Ngài] “mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu” (Thánh vịnh 69:20). Quả thật, không có ai an ủi Ngài trong giờ phút đau khổ của Ngài vì sự vô ơn của dân Ngài đã bày ra trước mặt Ngài.

Mặc dù bản tính con người có xu hướng trở nên khó chịu, phẫn nộ và thậm chí oán hận khi bị đối xử bất công, nhưng trong cuộc Khổ nạn của Ngài, Chúa đã chọn cách chịu đựng một cách âm thầm và bất công vì lòng kiên nhẫn và tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại. Trong sự cô đơn tuyệt đối, Ngài gánh chịu tất cả để khi được cất lên khỏi mặt đất, Ngài có thể thu hút tất cả đến với chính Ngài, và là tất cả trong tất cả. Vì vậy, Ngài đã cho phép chính Ngài bị dẫn đi, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” đến nơi Ngài bị đóng đinh (Isaia 53: 7). Cánh tay của Ngài, từng mở rộng ra để chữa lành, đã bị buộc chặt vào gỗ thập giá một cách tàn nhẫn. Đôi chân đi rao giảng Tin mừng và để hòa giải loài người với Thiên Chúa giờ đã bị đóng đinh vào thập giá. Trái tim yêu thương loài người cho đến tận cùng đã bị xé nát và trở nên tan nát vì sự vô ơn của con người khi Ngài từ từ trút hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, những tra tấn thể xác của cuộc đóng đinh đã không làm thỏa mãn sự hung ác của đám đông khát máu khi chúng tiếp tục gây thêm nỗi thống khổ cho tâm trí và linh hồn của Chúa Kitô.

Bị những môn đồ của Ngài bỏ rơi, ngoại trừ một ít người, Chúa Kitô bị treo ở đó, chết, trước sự chứng kiến của những kẻ thù của Ngài, những kẻ đã chớp lấy cơ hội để chế nhạo không thương tiếc: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ítrael! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi” chỉ khi đó họ mới tin Ngài là Con Thiên Chúa (Mátthêu 27:42). Tuy nhiên, họ không hiểu sức nặng của lời nói của họ. Trong nỗ lực thuyết phục Đấng Mêsia chứng minh thần tính của Ngài một lần và mãi mãi bằng cách cứu chính Ngài, họ đồng thời từ chối hành động cứu rỗi của Chúa Kitô trên thập giá: họ từ chối phương tiện cứu chuộc của chính họ. Sự vô ơn này được đáp lại chỉ bằng sự im lặng và những lời từ bi và nhân từ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23:34). Và như vậy, giữa sự vô lương và vô đạo hoàn toàn của dân Ngài, trong hoàn cảnh bị tước đoạt hoàn toàn về tinh thần, thể xác và linh hồn, Con Người của Nỗi buồn đã trút hơi thở cuối cùng của Ngài.

Các thánh nói tiếp rằng suy niệm về cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô là thực hành có ích nhất cho sự cứu rỗi của con người. Chính Chúa Giêsu đã chia sẻ với Thánh Faustina rằng Thánh nữ “làm vui lòng [Ngài] nhất khi [Thánh nữ] suy niệm về Cuộc Khổ nạn đau buồn [của Ngài],”[10] vì Ngài mong muốn Thánh nữ “hiểu biết sâu sắc hơn tình yêu cháy bỏng trong Trái tim [của Ngài] dành cho các linh hồn”[11] mà chỉ có thể hiểu được khi suy gẫm về Cuộc Khổ nạn của Ngài. Tình yêu này dành cho các linh hồn đã làm tiêu hao chính con người của Chúa Kitô, vì Ngài đã chết bởi mọi sự tra tấn về trái tim, linh hồn, tâm trí và thể xác để cứu rỗi con người, dù biết rằng trong khi Ngài chịu đau khổ và chết cho tất cả mọi người và mở rộng ơn cứu độ cho tất cả mọi người, thì vẫn chì có ít người chấp nhận.

Khi suy gẫm về những đau khổ của Chúa Kitô, người Kitô hữu được kêu gọi để cảm thông với Đấng Mêsia Đau khổ, ghi nhớ những nỗi buồn này trong tâm trí, suy gẫm về chúng, và làm như vậy để đáp lại tình yêu vì tình yêu. Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở, Chúa Kitô đau khổ cảm thông với sự yếu đuối của dân Ngài, vì Ngài hiểu thân phận con người và những đau khổ của họ, dù là thể xác, tâm linh hay tinh thần. Ngài đã ôm ấp, chịu đựng và thánh hoá những nỗi thống khổ này trong cuộc Khổ nạn của Ngài và trên thập giá . Đổi lại, những người theo Chúa Kitô phải ghi nhớ và cảm thông với Đấng Cứu Độ đau khổ của họ. Thánh Phaolô Thánh Giá suy niệm:

Bạn sẽ làm gì để đáp lại tình bạn như vậy? Chắc chắn rằng bạn sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để chữa lành những vết bầm tím mà Ngài lãnh nhận vì bạn. Vì vậy, chúng ta nên hành động hướng về Chúa Kitô: chúng ta phải chiêm ngưỡng Ngài bị nhấn chìm trong đại dương đau khổ để cứu chúng ta khỏi vực thẳm vĩnh cửu; hãy ngắm nhìn Ngài hoàn toàn bị phủ lấp bởi những vết thương và vết bầm tím để mua cho chúng ta sự sống đời đời. Rồi thì, chúng ta hãy làm cho nỗi đau của Ngài trở thành của riêng chúng ta, thông cảm với những nỗi đau buồn của Ngài, và dâng hiến cho Ngài tất cả tình cảm của chúng ta.[12]

Bằng cách suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, các Kitô hữu qui phục và bị thương tích bởi tình yêu vô biên của Chúa Kitô vốn yêu thương cho đến cùng. Như vậy, cách đáp trả thích hợp duy nhất cho một tình yêu vô cùng tận là chấp nhận và đáp lại tình yêu này bằng cách đi vào và cảm thông với những đau khổ của Chúa Kitô. Khi tìm cách kết hợp với những đau khổ của Chúa Kitô, người Kitô hữu lớn lên trong tình yêu sâu xa hơn đối với Chúa Kitô, là Đấng yêu thương cho đến tận cùng, dù bị mọi người chối bỏ, để cho con người được sống.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từhprweb.com (26.3.2022)

 
 
[1] Maria Cintorino hiện đang giảng dạy tại một trường Công giáo ở Bắc Virginia. Cô ấy đã được xuất bản trên Tạp chí Crisis, “Những câu trả lời Công giáo” của Vị khách Chủ nhật của chúng tôi, Những điều bảo thủ và lốm đốm đầy óc tưởng tượng.
[2] Thomas Aquinas, Summa Theologica, trans. Các cha của Tỉnh Dòng Đa Minh Anh Quốc (New York: Benziger Brothers, 1948), II.II. Q. 82 mục.3. Tái bản, Westminster, Maryland: Christian Classics, 1981
[3]. Aquinas, Summa Theologica Q. 46 mục.5.
[4] John Henry Newman. “Những đau khổ về tinh thần của Chúa chúng ta trong cuộc Khổ nạn của Ngài,” Newman Reader. https://www.newmanreader.org/works/discourses/discourse16.html
[5] Newman, "Những đau khổ về tinh thần của Chúa chúng ta."
[6] Newman, "Những đau khổ về tinh thần của Chúa chúng ta."
[7] Alphonsus Liguori, Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô (New York: Anh em nhà Benzinger, 1887), 248.
[8] Newman, "Những đau khổ về tinh thần của Chúa chúng ta."
[9] Newman, "Những đau khổ về tinh thần của Chúa chúng ta."
[10] Thánh Maria Faustina Kowalska, Nhật ký của Thánh Maria Faustina Kowalska (Stockbridge: Marian Press, 2010), §1512.
[11] Nhật ký của Thánh Faustina, §186.
[12] Saint Paul of the Cross, “Những bông hoa của Sự Thương khó: Sự Thương khó và Con đường nên Hoàn thiện.”


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cuoc-thuong-kho-cua-chua-giesu-nhung-dau-kho-trong-long-ngai-44854

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây