TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khám phá lại cuộc Thương Khó Chúa Giêsu trong cuộc đời mình.

Thứ bảy - 09/04/2022 08:06 |   1854
  Các sách Tin mừng trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu tử nạn bắt đầu từ bữa tiệc ly. Truyền thống phụng vụ của Giáo hội cũng cử hành cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bắt đầu bằng việc thiết lập Bí tích Thánh Thể vào tối thứ năm tuần thánh.
Khám phá lại cuộc Thương Khó Chúa Giêsu trong cuộc đời mình.

Khám phá lại cuộc Thương Khó Chúa Giêsu trong cuộc đời mình.


b 16133938948 6f5fe6fdd5 o

  Các sách Tin mừng trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu tử nạn bắt đầu từ bữa tiệc ly. Truyền thống phụng vụ của Giáo hội cũng cử hành cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bắt đầu bằng việc thiết lập Bí tích Thánh Thể vào tối thứ năm tuần thánh.

 

Tận dụng những ngày cuối mùa chay, chúng ta nhìn lại cuộc đời mình trong cuộc thương khó Chúa Giêsu:

– Để đi vào Tuần Thánh với tâm tình sâu lắng và hiệp thông với Chúa hơn.

– Để thấy rõ mình hơn qua các nhân vật trong cuộc thương khó của Chúa.

– Để làm một cuộc hoán cải sâu xa hơn, nhờ đó có khả năng góp phần với Chúa để đem lại niềm vui ơn cứu độ cho anh chị em mình.

I. BỮA TIỆC LY

Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ, cũng là bữa tiệc cuối cùng trên dương thế, gọi là bữa Tiệc Ly. Đó là bữa tiệc linh thiêng vì Ngài để lại một di chúc kép cho các môn đệ, là việc rửa chân cho các ông và việc lập Bí tích Thánh Thể, đi liền với Bí tích Truyền chức. Việc rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể đều là hành động của tình yêu cao cả mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta. Rửa chân nói lên sự yêu thương phục vụ con người đến tận cùng mà đỉnh cao là việc hiến thân trên thập giá. Qua đó Bí tích Thánh Thể được cụ thể hóa, trở nên một thực tại linh thiêng và sống động trong đời Kitô hữu giữa trần gian.

  1. Rửa chân cho các môn đệ

Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến rợn người. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa.

Rửa chân là hành động của người tôi tớ phục vụ chủ nhà. Thật sự Chúa Giêsu đã sống như một người tôi tớ giữa mọi người. Rửa chân đòi Ngài phải cuối xuống thật gần, thật sát, thật sâu để làm công việc mà người ta cho là hèn kém.

Điều đặc biệt ở đây là Ngài truyền cho họ giới răn mới là “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, và hãy gắn bó với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho. Đức Giêsu yêu các môn đệ bằng một tình yêu đầy hiểu biết và cảm thông sâu xa. Ngài biết rõ nhược điểm của từng người, nhưng vẫn yêu thương họ. Những người yêu thương chúng ta thật sự là những người biết rõ những điều tệ hại nhất nơi chúng ta mà vẫn yêu thương. Yêu một con người không phải là yêu cái tốt của họ, mà là yêu con người toàn diện. Dĩ nhiên, tình yêu đích thực thì mong mỏi cho người kia trở nên tốt hơn.

Chẳng bao giờ chúng ta biết rõ ai là người yêu thương ta thực sự, nếu chưa sống sâu sát với họ. Nếu chỉ nhìn và đánh giá họ từ những gì bên ngoài thôi, hoặc đánh giá theo những lợi ích và thuận lợi cho bản thân mình thôi, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp được tình yêu thương đích thực nơi họ, dù họ vẫn ở bên cạnh chúng ta. Điều quan trọng nơi mẫu gương yêu thương của Chúa là luôn tha thứ và đón nhận các môn đệ trong mọi tình trạng của họ. Nhờ đó mà họ luôn có được một cơ may để làm nên cuộc sống mới.

Bản thân chúng ta có học nổi bài học của khiêm hạ phục vụ của Chúa Giêsu?

– Chúng ta vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

– Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình. Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi cá nhân chủa nghĩa của mình.

– Khi nhìn Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hiểu mình phải thay đổi cách cư xử. Không sống như một ông chủ, nhưng như một tôi tớ.

– Từ khi Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho cả Giuđa, kẻ phản bội, ta mới thấy không ai là không xứng đáng để cho mình phục vụ. Con người dù đốn mạt đến đâu, thì vẫn được Chúa yêu thương, chỉ có con người tự kết án và kết liễu đời mình khi xa lìa tình yêu Chúa.

  1. Lập Bí tích Thánh Thể

“Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng… Rồi Ngài cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn…” (Mt 26,26-28).

Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích về những gì Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong Tam Nhật Vượt Qua. Ngài cho thấy chính Ngài là chiên hiến tế thực sự, được ấn định trong dự án của Cha từ khi thành hình thế gian (x. 1Pr,18-20), để canh tân lịch sử và toàn thể vũ trụ.

Đó là một động tác tối hậu của tình yêu và là cuộc giải thoát tối hậu của nhân loại khỏi sự dữ. Thế nhưng “Các Tông Đồ, những người đã tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu ý nghĩa những lời từ miệng Chúa Kitô nói không? Có thể là không. Những lời ấy chỉ được sáng tỏ một cách đầy đủ sau Tam Nhật Vượt Qua mà thôi, nghĩa là khoảng thời gian từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày đó, mầu nhiệm Vượt Qua được khắc ghi; cũng chính trong ngày đó mà mầu nhiệm Thánh Thể được ghi khắc”[1].

Thánh Thể thật là Mầu Nhiệm vô biên của lòng thương xót Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn cho chúng ta nữa? Cả cuộc đời ta phải thành lời ca cảm tạ trong mầu nhiệm rất thánh này.

Trong Thánh Thể, Ngôi Lời Nhập Thể cho chúng ta chứng kiến thực sự một tình yêu tuyệt đối “cho đến cùng” (x. Ga 13,1). Cũng vì chúng ta mà có Thánh Thể. Cũng nhờ Thánh Thể mà có chúng ta. Thánh Thể là nền tảng thâm sâu của đức ái Kitô giáo, để chúng ta biết thể hiện cách thâm hậu tình yêu Chúa trong đời sống mình.

Qua Bí tích Thánh Thể: Chúa Giêsu vẫn hiến thân để cứu chuộc loài người chúng ta; vẫn đang yêu bằng một trái tim bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta; vẫn là Tấm bánh bẻ ra để tiếp tục trao ban sự sống mới của Ngài cho chúng ta. Nhờ đó khi sống mầu nhiệm Thánh Thể trong cuộc đời mình, Chúa tiếp tục cứu độ nhân loại qua chúng ta.

Qua việc rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng làm như Ngài:

– “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).

– “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19).

Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

  1. Đêm tối của Giuđa

Cuối bữa ăn của tuần rượu thứ nhất, Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến, Ngài tuyên bố: “Thật Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai…(Ga 13,21-24). Đức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26).

Theo truyền thống Do Thái, chủ tiệc chấm bánh trao cho một người nào đó, thì đó là một cử chỉ rất ưu ái.Trao tấm bánh cho Giuđa (Ga 13, 26), Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này. Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, không tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm Mười Hai. Ngài mong ông thay đổi dù chỉ là tia hy vọng hết sức mong manh. Cũng như phần đầu bữa tiệc ly, Chúa Giêsu rửa chân cho Giuđa để mong ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Ngài vẫn luôn yêu thương Giuđa. Nếu Giuđa nhận ra tình thương đó, chắc ông đã có một cuộc sám hối đầy hy vọng chứ không đi đến mức tuyệt vọng.

Điều này khiến ta nhớ lại điều Daniel Rops đã viết:“Có những lúc lòng người đầy thù hận cho nên một cử chỉ thân thiện chẳng những không đem người đó trở về với ánh sáng, ngược lại còn khiến người đó dấn sâu hơn vào đêm tối”.Đó là trường hợp của Giuđa: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền ra đi. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).

Thật ra, trời đã tối từ khi lòng Giuđa tìm cách thực hiện ý riêng mình. Bóng đêm phủ kín lòng anh khi Satan nhập vào anh, điều khiển anh (c.2 và 27). Anh đã tự nguyện bước ra khỏi ánh sáng của thế giới để đi vào bóng đêm của những kẻ từ khước từ đường lối tình yêu. Phần Đức Giêsu, Ngài đã nỗ lực hết mình để kéo người môn đệ này ra khỏi đêm tối. Thật đáng tiếc, lòng Giuđa không hề lay chuyển, tâm hồn anh chìm trong đêm tối.

Bất cứ lúc nào người ta chạy theo ý riêng mà bất xét ý Chúa thì trời luôn luôn tối, tối bên ngoài và tối ở cõi lòng. Trong bóng tối có bao nhiêu nguy hiển rình chờ, có nhiều tai ương đang đợi, và cái chết bất hạnh là thảm họa cuối cùng. Chỉ có con đường duy nhất là can đảm trở lại với ánh sáng, trở lại với tình yêu Chúa, dù có đau thương nhưng rồi sẽ được chữa lành, dù có xấu hổ nhưng sẽ được an vui trong cuộc đời mới.

Trong đêm tối của lòng mình, Giuđa giả dạng và ngụy trang thật khéo, ông đóng kịch rất tài tình. William Barclay nói rằng: “Giuđa giấu tấm lòng của một con quỉ dưới hành vi, cử chỉ của một ông thánh”. Thực vậy, mới vài bữa trước, anh ta đưa ra chiêu bài vì người nghèo để chỉ trích thái độ hào phóng của Maria đối với Chúa Giêsu, xem ra anh ta rất thương người nghèo và có vẻ rất đạo đức còn hơn Thầy mình. Hôm nay anh ta vẫn tỉnh bơ giữa những người anh em đồng môn khi Chúa Giêsu tuyên bố có một môn đệ sẽ nộp Thầy. Bao nhiêu toan tính, sắp xếp và mưu đồ phản bội của anh ta, không hề có ai phát hiện ra. Anh ta đã qua mặt được tất cả, ngoại trừ một mình Chúa Giêsu. Ngài biết tất cả âm mưu của Giuđa từ đầu tới cuối, nhưng vẫn đối xử với ông bằng tất cả tình thương tế nhị, kiên trì, chịu đựng.

Hãy tin rằng, Chúa vẫn luôn mở ra cho chúng ta những cơ hội mới. Ngài không bao giờ thất vọng về chúng ta trong mọi tình trạng. Chúng ta cũng thếy, đừng bao giờ thất vọng về chính mình. Mọi sự đều có thể làm mới lại trong tình yêu và ân sủng của Chúa.

Nhìn lại chính mình

Chắc chắn Chúa không lầm khi chọn Giuđa làm tông đồ, cũng như không lầm khi chọn chúng ta trở thành những Kitô hữu theo bậc sống của mình. Bởi vì Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như chúng ta đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao, để nên xứng đáng hơn.

Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội, hoặc thay trắng đổi đen một sớm một chiều, mà ông đã bước dần đến hố thẳm từng bước một. Cũng như Giuđa: ban đầu chúng ta được gọi, được chọn, và đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa. Ngay từ đầu, chúng ta đều có mục đích và một ý hướng cao đẹp. Nhưng rồi tình yêu ban đầu đã phai nhạt dần, động lực trước kia đã bị biến dạng, khiến chúng ta đang từng bước đang suy giảm sự nhiệt tình, thêm sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì, cả những sai phạm ngày càng nặng hơn. Ban đầu còn có vẻ ray rứt, nhưng rồi cái gì cũng thành thói quen, vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, vẫn an tâm với công việc mà ta gọi là bổn phận, vẫn ung dung vì thấy mình cũng dấn thân phục vụ.

Con người Giuđa có thể ít nhiều cũng đang hiển hiện nơi mỗi người chúng ta:

– Cũng thương yêu người nghèo, nhưng kèm theo là những tính toán đầy vụ lợi.

– Cũng với khuôn mặt nhân ái bên ngoài, nhưng bên trong là lòng ganh ghét và đố kỵ.

– Cũng với đôi môi đầy lời lẽ vị tha, nhưng tâm tư đầy nguyên do vị kỷ và thấp hèn.

– Cũng luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.

– Cũng vẫn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng luôn quy về chính mình.

– Cũng vẫn theo Chúa nhưng lại khư khư nắm giữ ý riêng và tìm cách thực hiện ý riêng của mình.

II. TRONG VƯỜN CÂY DẦU

  1. Giờ phút bi thương

Khi rời phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu đi đến một khu vườn trồng cây ô liu, còn gọi là Ghếtsêmani. Tại đây, cơn thử thách đã đè nặng trên Ngài như một cơn hấp hối:

Tin Mừng Mt viết: “Ngài cảm thấy buồn rầu xao xuyến” (Mt 26,37).

Tin Mừng Mc ghi “Ngài cảm thấy hãi hùng xao xuyến”(Mc 14,33).

Tin Mừng Lc thì ghi “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi” (Lc 22,44).

Từ Hy lạp mà thánh Luca dùng trong câu này là agonia:không chỉ là một tình trạng hấp hối, sắp chết, mà còn là “chiến đấu”. Quả thật, đây là một cuộc chiến đấu giữa sự sống và sự chết; giữa ý muốn của Thiên Chúa và sự yếu đuối của thân phận làm người.

Trong giờ phút bi thương và chiến đấu như vậy, Ngài cũng hết sức cần đến bạn hữu: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”.  

Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Anh em là bạn hữu của Thầy”.Chưa có một tình bạn nào cao sáng và vĩ đại trên thế giới này bằng mối tình của Chúa Giêsu dành cho các bạn Ngài. Đúng như Ngài đã nói và đã sống “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Khốn nỗi thay! Lúc Chúa cần đến tình bạn nhất, thì các tông đồ lại vô tâm nhất, các ông vẫn vùi mình trong giấc ngủ, mặc dù Chúa Giêsu nài nỉ: Anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?”.

Không được cảm thông bởi những người mình yêu thương nhất, nên lại càng thêm cô đơn, sợ hãi và lo âu. Thánh Luca miêu tả: “Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Để vượt qua cơn giông bão của lòng mình, Người phải đi cầu nguyện đến 3 lần trong đêm. Người thành khẩn kêu lên: “Abba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mc 14,36). Một lời nguyện tuyệt vời, biểu hiện ba tâm tình:

–      Tràn đầy lòng yêu mến và tin tưởng của con thảo đối với Cha là Thiên Chúa toàn năng.

–      Bày tỏ thảm kịch của ý chí nhân loại của Chúa Giêsu khi trực diện với cái chết và sự dữ,

–      Nói lên tính cách quyết định khi để cho ý chí nhân loại hoàn toàn tuân theo ý chí Thiên Chúa.

Qua lời nguyện này, Chúa Giêsu muốn nhủ bảo chúng ta rằng:

–      Chỉ trong việc làm cho ý muốn của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, con người mới đạt được sự cao cả đích thực của mình, trở thành “thần linh”.

–      Chỉ khi ra khỏi chính mình, chỉ khi ở trong lời “xin vâng” với Thiên Chúa, thì ý muốn được hoàn toàn tự do của tất cả chúng ta mới được hiện thực.

Đó là điều Chúa Giêsu đã làm tròn trong vườn Cây Dầu: bằng việc chuyển ý muốn nhân loại sang ý muốn của Thiên Chúa. Nhờ đó, con người đích thực được sinh ra, và vì thế chúng ta được cứu chuộc.

  1. Chúa Giêsu bị bắt

Trong cuộc vây bắt Đức Giêsu, các thầy Lêvi của Đền thờ là chủ chốt. Các Phúc Âm cũng nói đến sự có mặt của “các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục”(Lc 22,52), nhưng cũng có mặt quan quân La mã. Những người đi bắt không biết rõ mặt Đức Giêsu, nên Giuđa đã quy ước với họ một dấu hiệu “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy” (Mt 26,48).

Trong mọi nền văn hóa, cái hôn là biểu lộ sự yêu thương và kính trọng, còn Giuđa lại dùng cái hôn để nộp Thầy, dùng một cử chỉ cao đẹp để thực hiện một ý đồ xấu xa. Tại sao người môn đệ này lại làm như vậy?

Người ta thường vịn vào việc xức dầu tại Bêtania, ở Mt 26, 15 và Cv 1, 15-19 để nói Giuđa vì tham tiền nộp Thầy. Thật ra, ba năm theo Thầy, Giuđa cũng đã tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia, vì đã chứng kiến bao phép lạ Thầy làm. Ông nghe Thầy nói về Nước Thiên Chúa, nhưng không biết thực tế như thế nào. Ông chỉ mong Thầy thực hiện uy quyền của một Đấng Mêsia là tống cổ bọn La mã, tái lập xứ Do Thái. Nếu chỉ hiển dung cho một nhóm nhỏ tông đồ thì ích gì? Do đó, ông tìm cách đưa Thầy vào chỗ nguy hiểm nhất, để Thầy phải xuất hiện bản chất thật sự của mình. Thật ra, ít nhiều gì thì Giuđa cũng ham mê tiền bạc, nhưng điều quan trọng nhất chính là tham vọng và mưu đồ chính trị của ông, là ý riêng của ông.

Người Do Thái luôn có những phong trào nổi dậy chống lại Roma để dành độc lập, có những đảng phái bạo động như Jelot, và luôn có những nhà ái quốc cực đoan, được gọi là Sicarri, nghĩa là những người mang dao găm để ám sát. Có thể Giuđa khi theo Chúa rồi, nhưng vẫn sống theo chủ trương này. Ông xem Chúa Giêsu như là một lãnh tụ từ trời sai xuống với những quyền năng phi thường, có thừa khả năng lãnh đạo một cuộc nổi dậy toàn diện. Ông thấy thời điểm đó đã chín muồi rồi mà Chúa Giêsu cố tình đi hướng khác. Nắm lấy thời cơ, dồn Thầy vào thế triệt buộc, để Thầy phải ra tay. Kế hoạch của ông khá chu đáo, chỉ có thành công, chứ không có thất bại. Nhưng ai ngờ Chúa Giêsu lại đưa tay chịu chịu nộp chứ không chịu phản kháng. Giuđa kinh hoàng như rơi vào giấc mộng hãi hùng. Hy vọng của ông ta trở thành nắm tro tàn trong tích tắc. Ông đưa Thầy vào chỗ chết mặc dù ông không hề muốn Thầy phải chết.

Cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Thầy mình (x. Mt 27,3-10). Ông hối hận, quăng tiền trả lại cho các thượng tế và kỳ mục, xưng thú tội công khai “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt 27,4). Nhưng điều quá đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa Giêsu. Ông đã để lỡ cơ hội, vì không thể nghĩ rằng mình còn đường để quay lại, vì không dám tin rằng mình được tha thứ, nên đã tự sát.

Ở đây cho chúng ta bài học để đời:  

–      Như đã nói ở phần trên, khi theo Chúa mà vẫn khư khư nhằm vào ý riêng mình, thì hậu quả của nó kinh  khủng là dường nào!

–      Thiên Chúa luôn lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta, luôn mở ra cho chúng ta trong mọi trạng, cho dù là tình trạng tồi tệ nhất của bản thân mình, nên đừng bao giờ tự triệt tiêu hy vọng của mình.

–      Điều gì con người không thể yêu thương tha thứ được nữa, thì Thiên Chúa vẫn tha thứ yêu thương. Ngài vẫn đau trong nỗi đau của ta, khổ trong nỗi khổ của ta, và vẫn chờ đợi ta từng bước trên mọi nẻo đường đời.

  1. Phêrô chối thầy

Trong vườn Cây Dầu Chúa Giêsu đã báo trước cho tất cả các môn đệ là các ông sẽ vấp ngã vì Thầy, nhưng rồi Phêrô vẫn vênh vang tự phụ: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”.

Chúa liền cảnh báo ngay cho ông biết, ông sẽ chối Ngài 3 lần, nhưng ông vẫn dõng dạc tuyên bố:“Dầu có phải chết vì Thầy con cũng không chối Thầy?”.

Sau đó Chúa Giêsu bị bắt, và trước tiên được đưa vào trong dinh Thượng Tế Caipha để được xét xử. Phêrô vẫn dõi bước theo Thầy xa xa, và rồi sau đó đi vào trong sân. Ông cũng chen vào nói chuyện, mục đích là để dò la tin tức và xem việc xét xử tiến triển như thế nào. Tuy nhiên giọng nói đặc biệt của miền Galilê khiến ông bị nhận diện đến 3 lần. Cả 3 lần, ông đều chối là không biết biết Đức Giêsu.

Lần thứ ba xem ra trầm trọng hơn, vì ông “thề độc mà quả quyết rằng: Tôi thề là không biết người ấy.”(Mt 26, 74). Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 61-62).

Phải chi đám binh lính hùng hổ lăm le vũ khí đến hạch hỏi, ông hoảng sợ thì còn hiểu được. Đàng này chỉ vài câu hỏi bâng quơ của mấy đứa tớ gái đã làm ông hoảng loạn, chối từ mọi mối liên hệ với Thầy và anh em. Cũng may là Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, và ông bắt được cái nhìn của Chúa. Ánh mắt thật buồn nhưng không hàm chứa sự oán trách. Ánh mắt nhân từ và đầy lòng xót thương của Thầy khiến Phêrô tan nát cõi lòng, nhưng giúp ông hiểu rõ con người thật của ông, một con người hèn yếu hơn ông tưởng. Ánh mắt ấy đã làm ông bật khóc và “khóc thảm thiết”. Ông đã khóc như chưa bao giờ được khóc…khóc với cả tình yêu mến Thầy.

Trước đây, ông càng coi thường lời cảnh giác của Chúa, thì giờ đây ông càng ăn năn đau đớn, một sự đau đớn không đi đến tuyệt vọng, như đã xảy ra với Giuđa, nhưng đưa ông trở về với Chúa. Chính cái nhìn trước kia của Chúa đã quyết định ơn gọi và sứ mạng của Phêrô khi gặp Ngài lần đầu tiên, thì giờ đây cũng cái nhìn đó, vẫn tiếp tục đón nhận và nâng ông dậy sau cuộc chiến bại.

Khi phục sinh, Chúa Giêsu lại nhìn ông và hỏi: “Simon…anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”.Dù hèn kém, dù thất bại ê chề, dù chẳng còn ra gì, ông vẫn nhiệt tình yêu mến Thầy. Ba lần hỏi, Chúa Giêsu muốn ông xác nhận lòng yêu mến sâu xa trước khi Ngài giao phó nhiệm vụ cho ông. Nhiệm vụ càng cao thì phải yêu mến càng nhiều. Bởi vì ai cũng rất sợ những người làm to mà trái tim thì quá nhỏ, chức vụ thì nhiều mà tình yêu thì quá ít, trọng trách thì cao mà từ tâm thì quá thấp. Phải chăng chính do tình yêu và lòng khiêm tốn của Phêrô mà dù yếu hèn, dù sa ngã Thầy vẫn trao cho ông trọng trách chăn dắt đoàn chiên của Thầy (Ga 21, 16-17), vẫn đặt ông làm nền móng, làm cột trụ của Giáo Hội (Mt 16, 18)?

Nhìn lại chính mình

–      Cũng giống như Phêrô, đời ta là một sự giằng co giữa yếu đuối và dũng mạnh, giữa trọn vẹn và dang đở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ta có u tối nhưng hãy vẫn cứ đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc nhưng hãy vẫn cứ đi tìm lý tưởng.

–      Dù ta có yếu kém, non nớt, lầm lỗi lớn lao hay bị sa ngã nặng nề, thì hãy vẫn giữ một ước mơ: muốn sống chết vì Chúa, muốn cháy hết mình cho Chúa. Chúa không đếm bước chân ta đã đạt tới bậc thánh thiện nào. Ngài cũng không chối từ vì ông đã bước sai bao nhiêu bước. Ngài chỉ nhìn vào ước mơ trong trái tim ta, và với ước mơ đó, ta lại gặp được ánh mắt yêu thương của Chúa mỗi ngày.

–      Vấn đề đặt ra không phải là tội phạm, mà thái độ sau khi phạm tội, ta có khả năng đứng lên và làm lại cuộc đời không? Thất bại hôm nay luôn có thể là một kinh nghiệm khai sáng và mang tính quyết định cho cuộc đời ngày mai. Hãy nhìn mọi sự như một cơ may để vượt lên chính mình. Chúa vẫn vẫn luôn mở đường cho chúng ta trong mọi tình trạng.

–      Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, điều quan trọng nhất là lòng yêu mến. Lòng yêu mến là phép lạ kỳ diệu. Nếu không có lòng yêu mến… bổn phận khiến ta dễ nóng giận; trách nhiệm đẩy ta tới chỗ bất nhã; công bằng làm cho ta đâm ra tàn nhẫn; sự thật biến ta thành kẻ ưa soi mói; khôn ngoan dẫn ta tới chỗ láu cá; sự đon đả biến ta thành kẻ giả dối; hiểu biết đẩy ta trở thành kẻ cố chấp; quyền bính khiến ta trở thành kẻ áp bức; danh tiếng làm ta trở thành kẻ kiêu ngạo; của cải làm ta trở nên tham lam; lòng tin biến ta thành kẻ cuồng tín.

Nếu Không Có tình yêu mến, trên đời này ta không là gì cả! Nhưng với tình yêu, ta sẽ là tất cả. Chỉ có tình yêu mới làm nên những điều huyền diệu chứ không phải tài năng hay đức độ. Thế giới này cũng vậy, chỉ được thu phục bởi tình yêu mà thôi. Cha thánh Vianey cũng đã khẳng định: “thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến!”

“Con có yêu mến Thầy không?”. Đó là câu hỏi ta phải trả lời hằng ngày bằng chính cuộc sống mình trước Chúa và trước mặt mọi người. Ước gì câu trả lời đó cũng chân thật và sâu xa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. 

III. TRƯỚC TÒA XỬA ÁN
Thượng Hội Đồng Do thái giáo đã lên án tử cho Đức Giêsu vì tội phạm thánh, nhưng để án này được thi hành thì họ cần được tổng trấn Rôma chấp thuận. Vì thế, mà họ mới giải Đức Giêsu đến tòa của Philatô (x. Ga 18,28). Họ biết rằng Philatô sẽ không chấp nhận án tử chỉ vì những lý do tôn giáo. Bởi đó trước mặt Philatô, Thượng Hội Đồng hoàn toàn không đá động gì tới tội phạm thánh. Thay vào đó là 3 tội danh chính trị: xách động quần chúng, ngăn chặn việc nộp thuế cho Xêda, và tự xưng là vua.
  1. Philatô xửa án

Philatô sau khi trao đổi với dân chúng ở ngoài phủ đường, ông đi vào trong và ra lệnh đưa Chúa Giêsu đến trước mặt ông. Ông hỏi Chúa Giêsu: “Ông mà lại là Vua dân Do Thái?”.  Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”(Ga 18, 33-37).

Philatô khi nghe nói đến sự thật, ông chỉ mỉm cười. Bởi đỉnh cao của quyền lực và danh vọng đang thuộc về ông. Sự sống là gì? Đối với ông, ý nghĩa và mục đích hiện hữu không phải là vấn nạn đáng quan tâm.

Tâm thức này phản ánh rõ nét thực tại về con người hôm nay. Quả thật, con người hôm nay đang tiếm quyền Thiên Chúa trong việc định đoạt sự sống của chính mình và người khác. Cũng như Philatô, do chính nỗi ám ảnh quyền lực và danh vọng mà con người hôm nay đã nhắm mắt trước sự thật. Sự thật mà Đức Giêsu đã mời gọi là con người được tạo dựng là để yêu mến. Những mầm sống sơ đẳng nhất đều quy hướng sự sống về bản thân mình, nhưng riêng con người lại được mời gọi vượt thoát khỏi bản thân, khỏi cái tôi vị kỷ để sống và yêu thương người khác. “Anh em hãy yêu thương nhau”, đó là dấu chỉ duy nhất để chúng ta trở nên chứng tá giữa một thế giới đang đánh mất căn tính và ý nghĩa hiện hữu của mình[2].

Thái độ của Philatô trong phiên xử này rất lưỡng lự, có thể chia làm ba hồi:

  1. Tìm cách tha Chúa Giêsu. Thoạt đầu, ông không muốn liên lụy đến vụ xét xử Chúa Giêsu, vì thấy đây chỉ là vấn đề xung đột nội bộ tôn giáo. Ông tìm cách tha, và khẳng định đến ba lần Chúa Giêsu vô tội (x. Ga 18, 38; 19, 4. 6). Tuy nhiên, những kẻ tố cáo cứ nằng nặc đòi giết Đức Giêsu. Trước áp lực của người Do thái, ông tìm cách khác là ra lệnh đánh đòn Đức Giêsu. Sau đó, đưa Ngài ra trình diện đám đông với một thân thể tồi tàn, hy vọng rằng họ sẽ thương tình mà đồng ý tha Ngài. Nhưng họ đòi phải lên án tử cho Ngài. Thánh Luca cho thấy chi tiết hơn về lời lẽ của những người tố cáo:“Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây”(Lc 23,5).
  2. Tìm cách tránh né. Philatô đang tìm một lối thoát cho mình, nên vừa nghe tới Galilê ông liền chộp lấy cơ hội, giải Đức Giêsu sang vua Hêrôđê. Ông này cai trị vùng Galilê và hiện đang có mặt ở Giêrusalem để dự lễ. Hêrôđê là một người hiếu kỳ. Từ lâu ông đã muốn gặp mặt con người đặc biệt tên Giêsu ấy. Nhưng Đức Giêsu chẳng làm một phép lạ nào cho ông thưởng thức. Thậm chí Ngài cũng chẳng nói một câu nào. Hêrôđê thất vọng nên lại gởi trả Đức Giêsu về cho Philatô. Thế là quả bóng lại được chuyền về phía Philatô. Ông này đành tiếp tục cuộc xử.
  3. Hành xử vô trách nhiệm. Đang lúc Philatô bối rối như thế thì bà vợ ông sai người đến nói với ông “đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này” (Mt 27,19). Những lời của bà vợ khiến Philatô càng muốn tha Đức Giêsu. Nhưng để có lý do mà tha thì Philatô đưa một tên gian phi tên Baraba ra để cho họ so sánh với Đức Giêsu, với hy vọng là họ sẽ xin tha Đức Giêsu. Nào ngờ người Do thái lại xin tha cho Baraba và đòi giết Đức Giêsu. Trước tiếng la vang dậy của người Do Thái xin Baraba làm ông ta kinh ngạc. Không còn cách nào khác, ông tìm cách trút bỏ trách nhiệm trong việc kết án Đức Giêsu bằng hành động rửa tay, và tuyên bố mình vô tội trước sự đổ máu của Ngài.

       2. Con người Philatô

Các hoàng đế Rôma (như Maximilen và Dioclétien) đã có chỉ dẫn cho các quan tòa rằng: “Quan tòa không được nghe theo những đòi hỏi vô cớ của quần chúng, bởi vì họ thường muốn tha kẻ có tội và kết án người vô tội”. Philatô cũng biết điều đó, nhưng tại sao cuối cùng ông giao Đức Giêsu cho người Do thái đem đi giết?

Sử gia Philon cho rằng Philatô đang có nhiều điều sai trái mà ông không muốn cho Hoàng đế biết: do cai trị kém cỏi, ông đã để xảy ra nhiều cuộc nổi loạn, kho báu của Đền thờ bị mất cắp, trong thời gian cầm quyền ông đã tham nhũng, ức hiếp người vô tội, điều hành kém, ra nhiều sắc lệnh sai trái v.v… Thật ra ông cũng làm vài việc tốt cho người Do thái, như xây dựng hệ thống dẫn nước mới, nhưng lại dùng tiền trong ngân quỹ của đền thờ chi phí cho việc này, cho nên ông sợ người Do thái sẽ cử một phái đoàn đi Rôma tố cáo ông. Vậy để tránh tai họa này, ông đành làm theo đòi hỏi của họ.

Vậy là cuối cùng, dù biết Đức Giêsu vô tội, nhưng vì ham hố quyền lực và danh vọng, sợ người Do Thái tố cáo, sợ mất cái ngai của mình, nên Philatô đành giao Đức Giêsu cho người Do thái đem đi đóng đinh. Con người của Philatô khiến chúng ta thương hại hơn là ghét bỏ. Thương hại vì ông cũng là một nạn nhân của chính mình, của đám đông. Philatô cũng là hình ảnh bi đát hơn là hình ảnh xấu xa. Bi đát ở chỗ có quyền làm mà lại không dám hành quyền, để rồi mở đường cho sự ác lan tràn. Dù ông có rửa tay ngàn lần thì cũng không thể rửa sạch tấm lòng và hành động ti tiện của ông. Không biết có phải nghiệp chướng hay không, nhưng rồi hậu quả cuộc đời ông chỉ vài năm sau thất là thê thảm.

Nhìn lại chính mình

–      Có thể nhiều lần ta cũng đã hành xử hèn nhát và vô trách nhiệm khi không dám lên tiếng bênh vực công lý, che chở người lương thiện, nâng đỡ kẻ cô thế cô thân, cứu giúp những người đang bị những thế lực gian ác hè nhau hãm hại …

–      Biết bao lần ta thực sự không có tự do trong hành động của mình, nên rất lưỡng lự trước sự thiện và sự ác, không có khả năng quyết định. Cuối cùng cũng tìm lý do để thoái thác, biện minh cho mình và đổ trách nhiệm cho người khác. Đó cũng là một hình thức rửa tay để tuyên bố mình vô tội.

–      Có những lần ta sống trong sợ sệt vì qua lo cho bản thân mình: sợ mất danh giá, sợ bị liên lụy, sợ tổn thương, sợ bất lợi, sợ mất mát … Càng sợ hơn khi đã có những hành vi không trong sáng, bị người khác lật tẩy, nên tìm cách che lấp dưới nhiều hình thức bất chính. Cũng như Philatô, chính vì sợ sệt mà toa rập và đồng lõa với những điều gian ác.

  1. Thái độ của dân chúng trong cuộc xử án

Sau khi cho đánh đòn và làm nhục Đức Giêsu, Philatô đưa người ra ngoài cho dân chúng xem, hy vọng họ động lòng thương, nhưng“các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!”

Ông Philatô cho thấy Đức Giêsu chẳng có tội tình gì mà đóng đinh thập giá. Nhưng người Do Thái đáp lại : “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa”. (Ga 19, 5-7).

Thật ra, dân chúng Do Thái chỉ là thành phần thụ động, bị giới lãnh đạo Do Thái điều khiển và lèo lái, khiến họ bị mù quáng trước sự thật. Trớ trêu thay những kẻ lãnh đạo, họ đã tố cáo Chúa Giêsu sách động dân chúng, xúi dân nổi loạn, nhưng thực sự chính họ mới xúi giục dân chúng náo loạn để gây áp lực với Philatô để kết án Chúa Giêsu.

Sau đó, Philatô đưa ra một tên gian phi tên là Baraba để cho họ so sánh với Đức Giêsu, với hy vọng là họ sẽ xin tha Đức Giêsu. Nào ngờ người do thái lại xin tha cho Baraba và đòi giết Đức Giêsu: “Máu hắn đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,24-25).Trước tiếng la vang dậy của người Do Thái xin Baraba làm Philatô kinh ngạc.

Phúc Âm Gioan cho biết thêm, khi Philatô còn đang lưỡng lự thì dân chúng gây áp lực mạnh hơn, bằng cách đòi tố cáo ông với Xêda. Thấy nguy hiểm cho chiếc ngai của mình, ông mới giao nộp Đức Giêsu, và họ la to: “Đem đi! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !” (Ga 19, 15).

Mỗi ngày, người Do Thái đọc kinh Shema, trong đó họ tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất (x. Đnl 6, 4). Thế mà bây giờ, để kết án Chúa Giêsu, họ sẵn sàng hô to: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda.” (Ga 19, 15).

Nhìn lại chính mình.

–      Nói chung, khi đọc trình thuật về Cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, khuynh hướng bộc phát của chúng ta là lên án gay gắt những người dự phần trong việc bắt giữ, xử án, và kết án Ngài. Làm sao họ chẳng nhìn ra được mình đang làm gì? Làm sao mà họ quá mù quáng và ghen tức như thế? Làm sao mà họ có thể dễ dàng nghe theo sự sách động của người khác mà không có đôi chút suy nghĩ và lựa chọn cá nhân? Làm sao họ có thể vô tâm và vô cảm đứng trước một con người bị hành hạ như vậy, cho dù là có tội?

–      Chọn lựa của những người trong cuộc xử án và kết án Chúa Giêsu, cũng có thể là những chọn lựa của chúng ta hằng ngày đối với Chúa và tha nhân. Khi chúng ta chẳng làm gì tốt đẹp hơn cho những người trong tình cảnh ngặt nghèo và khốn khổ là chúng ta đã tham gia đưa họ vào chỗ chết. Có thể có nhiều người đã chết vì chúng ta cách này hay cách khác do cách hành xử hoặc lối sống vô tâm của mình.

–      Chúa Giêsu bị xử án, nhưng lại được viết ra như thể tất cả mọi người đang bị xử án, chứ không phải Ngài. Chính mỗi người chúng ta đang bị xử án vì sự yếu hèn, ghen tương, mù quáng tôn giáo và đức tin thiển cận của mình.

Tạm kết

Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa.

Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.

Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất.

Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30).

Chúa Giêsu đã rời khỏi Thập giá để cho ta bước lên: không phải Thập giá của hận thù, nhưng là Thập giá của tình yêu; không phải Thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn, nhưng là Thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của Thiên Chúa. Đó là Thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của tin yêu và hy vọng, vì được hiến thân cho người mình yêu.

Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu có ngày thứ sáu thụ nạn, sẽ có Chúa Nhật Phục Sinh; nếu có tủi nhục, sẽ có vinh quang; nếu có chiến đấu, sẽ có chiến thắng; nếu có khao khát, sẽ có no thỏa; nếu dám chết đi, sẽ được sống lại. Chúa sẽ thực hiện và bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại lo sợ khi tin rằng mình được Chúa yêu thương.

Chúa Kitô chịu đóng đinh là niềm hy vọng của tất cả chúng ta. “Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài”(2Cr 1, 5).

Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta hãy hân hoan phó thác cuộc đời mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin tưởng, yêu mến, thờ lạy và cảm tạ.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu!
Trước mắt loài người,
việc Chúa chịu chết trên thập giá là một thảm bại và ô nhục,

nhưng sự thật đó lại là giờ Chúa được tôn vinh.

Chúa được tôn vinh vì Chúa đã chiến thắng tội lỗi, sự dữ, sự chết,
bằng cách hy sinh mạng sống mình.

Đó cũng chính là mầu nhiệm Vượt Qua trong đời con để được tôn vinh với Chúa.

Nhưng nhiều khi con chỉ lo vượt qua những trở ngại phàm tục,
không lo vượt qua những trở ngại thiêng liêng;
lo chinh phục và chiến thắng người khác,
không lo chinh phục và chiến thắng chính mình;
lo thành công về tiền tài danh vọng,
không lo thành công trên đường đức hạnh.

Hằng ngày, hằng tuần, con được tham dự
vào việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua,
nhưng con chưa tha thiết sống mầu nhiệm đó.

Xin cho con đặt mình trước mầu nhiệm ân sủng mà Chúa đã thực hiện cho con,
để con biết hiện thực hóa mầu nhiệm này chính cuộc sống mình. Amen.

Lm. Thái Nguyên


[1] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 2.

[2] Fr. Timothy Radcliffe OP, Con gấu và chị đan sĩ – Y nghĩa đời sống tu trì hôm nay, tr.4.

http://trungtammucvudcct.com/kham-pha-lai-cuoc-thuong-kho-chua-giesu-trong-cuoc-doi-minh/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây