TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dành thời giờ cho nhau

Thứ sáu - 28/05/2021 04:18 | Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt |   918
Dành thời giờ cho nhau

DÀNH THỜI GIỜ CHO NHAU

Một trong những cách thức chữa trị và hàn gắn những khủng hoảng của đời sống hôn nhân là thời gian. Thời gian vợ chồng bên nhau chính là những khoảnh khắc cần thiết để củng cố và thăng hoa tình yêu; để hóa giải, sửa chữa những bất hòa, xích mích và hiểu lầm.

Nhiều cặp vợ chồng khi được hỏi, anh hay chị dành cho nhau bao nhiêu thời gian mỗi ngày, mỗi tuần, và câu trả lời thường là không có, hoặc có rất ít. Sẽ có hằng trăm lý do tại sao họ lại không có thời gian cho nhau, hoặc chỉ có rất ít trong khi họ lại có thời gian cho mọi thứ, kể cả thời gian miệt mài trong những hộp đêm, vũ trường hoặc các sòng bài… Nhưng lý do chính vẫn là công ăn việc làm chiếm quá nhiều thời giờ trong ngày, trong tuần. Thời giờ dành lo cho con cái, cho việc nhà, cho những sinh hoạt xã hội, sinh hoạt tôn giáo chiếm mất hầu hết thời gian còn lại sau 8, 10 hoặc 12 giờ làm việc mỗi ngày. Nhiều người còn cho biết, họ bận rộn trăm thứ đến nỗi không có đủ giờ để ăn và để ngủ.

Rất tiếc trong đời sống vợ chồng việc không có thời giờ cho nhau lại là yếu tố quan trọng đưa đến những hiểu lầm, xích mích, tranh cãi, lạnh nhạt, và nếu không được giải quyết kịp thời nó có thể đưa đến đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng.

Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Xa mặt, cách lòng”, diễn tả về việc xa vắng thể lý qua không gian và thời gian như một yếu tố đưa đến sự lạnh nhạt trong tình yêu. Câu nói ấy cũng được coi như một định luật tâm lý trong tương quan vợ chồng. Người chồng, người vợ không chỉ bắt đầu cảm thấy xa cách, không còn cần đến nhau do những ngăn cách về thể lý, mà sự xa vắng ấy còn ảnh hưởng đến cả tâm lý nữa. Hậu quả của sự xa cách này có thể được chứng minh khi nhiều cặp vợ chồng tuy ở gần nhau, ngủ chung một giường, ăn cùng một mâm, nhưng tim họ đang từ từ băng giá, để rồi tình yêu họ cũng bắt đầu lịm tắt. Hiện tượng này được diễn tả qua câu nói: “Đồng sàng, dị mộng”. Ngủ chung một giường, nhưng tâm trí và trái tim thì mỗi người đã nhìn và đã hướng về một đối tượng khác, một hướng khác.

Từ những suy tư, những thao thức khác nhau đó dẫn đến tiến trình nghi ngờ, lạnh nhạt, thờ ơ cứ mỗi ngày một thêm sâu lắng hơn, đẩy xa hai người tới những chân bờ vực thẳm của cãi vã, giận hờn, và sau cùng là tan vỡ hạnh phúc. Điểm cuối của những ngày tháng lạnh giá, vô cảm ấy sẽ là ly dị.

Sau khi đã ly dị, người chồng hay người vợ sẽ viện dẫn rất nhiều lý do để tự bào chữa hành động ly dị của mình, bằng cách đổ lỗi cho nhau. Nhưng cái lỗi đầu tiên và trước hết của cả hai là đã không dành thời giờ cho nhau. Chỉ sau khi cảm nhận được sự thất bại, đau đớn sau khi chia tay, đổ vỡ này, người chồng hay người vợ mới chợt hiểu ra mình đã có quá ít thời giờ dành cho nhau. Nhưng mọi sự đã muộn màng!!!

Như vậy, việc đề phòng trước nhất, dễ dàng nhất, và cũng hữu hiệu nhất là phải tập dành thời giờ cho nhau. Việc làm này cũng là một cách nhắc nhở cho chính mình rằng, ta cũng phải có thời giờ cho chính mình nữa. Vì những lo lắng, tất bật, tham lam, chộp giật kia rồi cũng phải dừng bước khi ta đối diện với sức khỏe của mình: Sức khỏe thể lý, sức khỏe tâm lý và sức khỏe tâm linh. Sau thời gian lao lực quá mức, nhiều người đã không còn sức khỏe để hưởng những gì mình đã làm ra nữa. Cũng vậy, nhiều người đã phải vào nhà thương tâm thần về những lao tâm, khổ trí. Tóm lại, ta cần những thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, và buông xả. Cũng từ những phút giây một mình dành cho chính mình, ta sẽ khám phá ra rằng thời gian mà mình cần dành để nuôi dưỡng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình cũng quan trọng và cần thiết như vậy.

Để vợ chồng hiểu nhau hơn, tránh bất hòa và cãi vã, thì phương thức đầu tiên vẫn là đối thoại. Nhưng để đối thoại và lắng nghe nhau, thì yếu tố thời gian là điều thiết yếu. Thời gian cũng là yếu tố cần thiết cho những giây phút ân ái vợ chồng, những giây phút của hai người ngồi bên nhau để hun nóng và tăng trưởng tình yêu. Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận gọi việc đích thân tham dự những biến cố hữu ích có tính cách xã hội, tông đồ là “Mục vụ hiện diện”. Do đó, sự hiện diện bên nhau của người chồng hay người vợ không chỉ là những đáp trả có tính cách thể lý, sinh lý, tâm lý mà còn mang ý nghĩa cao cả của tâm linh nữa. Nó đem lại cho đôi vợ chồng niềm vui, an ủi, và sự nâng đỡ; cũng như nhận lãnh từ nhau niềm vui, an ủi, và sự nâng đỡ cần thiết cho đời sống hôn nhân gia đình.

Thực tế đã minh chứng rằng sau khi đã cưới nhau, chúng ta phải đối diện với những trách nhiệm mới đem lại những khó khăn mới, và những thách đố mới. Sẽ không còn những giây phút độc thân muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi. Ngược lại, trách nhiệm người chồng, người vợ và sau đó là người cha, người mẹ cộng thêm trách nhiệm với công ăn việc làm, giao tế xã hội, hoặc những sinh họat nghề nghiệp, tôn giáo… sẽ choán ngợp chương trình một ngày sống của chúng ta. Chính do sự thu hút này, sức ép của thời gian đã làm cho vợ chồng không còn có giờ cho nhau.

Thêm vào đó, yếu tố tâm lý có sẵn nhau bên mình đã làm cho chúng ta mất đi hứng thú chinh phục, tìm kiếm, và khám phá. Vì coi nhau như chính mình, nên tự cho rằng hễ tôi nghĩ đến mình là coi như đã nghĩ đến chồng, hoặc vợ mình. Một tâm lý khác nữa, là những va chạm thường ngày đã tạo nên khoảng trống tâm lý khiến cho cả hai cảm thấy không muốn nhìn mặt nhau, hoặc không cần thiết phải có mặt ở bên nhau.

Chính vì để mất đi hứng thú theo đuổi, chinh phục, mất đi khoảng cách cần thiết cho những tương quan vợ chồng, và mất đi cảm giác hứng thú bên nhau do những hiểu lầm mà vợ chồng cần phải có thời giờ với nhau, và cho nhau. Đây là những thời khắc cần thiết để chia sẻ với nhau những gì mình đang suy nghĩ, những khó khăn mình đang gặp phải, hoặc những dự tính tương lai về bản thân, về gia đình. Do hiểu nhau từ việc thông cảm, thời giờ bên nhau sẽ giúp vợ chồng yêu nhau hơn, và hạnh phúc với nhau hơn.

Tóm lại, dù bận bịu, dù vất vả nhưng để duy trì và tăng triển đời sống vợ chồng, thì yếu tố thời giờ vẫn là quan trọng. Chúng ta phải có thời giờ cho nhau. Ít nhất cũng phải dành cho nhau 15 hoặc 30 phút mỗi ngày để cùng ăn với nhau bữa cơm chiều, ngồi và thưởng thức với nhau một bản nhạc hay, hoặc một chương trình văn nghệ lành mạnh. Cùng nhau cầu nguyện, trò truyện, trao đổi, chia sẻ, và hàn gắn những hiểu lầm. Các bạn nghĩ sao về những thời gian các bạn mới quen nhau. Các bạn ngồi bên nhau hàng giờ để làm gì? Lúc này cũng là lúc các bạn cần nghĩ lại, làm như vậy cho nhau và vì nhau. Đây là những giây phút hạnh phúc không thể thiếu trong sinh họat vợ chồng, trong tương quan đời sống hôn nhân gia đình. Đừng viện dẫn bất cứ lý do gì để thiếu những giây phút vợ chồng bên nhau, vì đó là những giây hạnh phúc trói buộc các bạn lại với nhau, và làm cho tình yêu các bạn ngày càng khăng khít hơn.

Trần Mỹ Duyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây