TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đạo hiếu ở Việt Nam

Thứ bảy - 29/05/2021 22:25 |   1717
Đạo hiếu ở Việt Nam

Đạo hiếu ở Việt Nam

Tất cả những ai hoạt động truyền giáo, đều nhận thấy một trong những cản trở bước tiến của đạo Công giáo ở Việt Nam là vấn đề đạo hiếu. Đạo hiếu là một phong tục đã đâm rễ sâu trong đời sống người Việt khiến nhiều anh em tân tòng không thể bỏ đi mà không cảm thấy lạc lõng, mất gốc. Đến ngày giỗ, họ có cái mặc cảm bị loại ra khỏi gia đình máu mủ, mặc dầu họ xác tín rằng theo đạo Công giáo không có nghĩa là bất hiếu, vì có sự cầu nguyện xin lễ cho cha mẹ đã qua đời. Nhưng thảo hiếu bằng những nghi lễ tọn giáo để cầu nguyện cho cha mẹ là một việc và thảo hếu bằng một phong tục cúng dâng tượng trưng theo tinh thần dân tộc là một việc khác!

Nay nhân dịp Công đồng Vatican II đang nhóm họp, với tinh thần cởi mở của các nghị phụ, chúng ta hãy đặt lại vấn đề đạo hiếu ở Việt Nam, vì đây là một trong những vấn đề then chốt của việc truyền giáo.

Trên nguyên tắc, Giao hội Mẹ của các dân tộc, tôn trọng những phong tục tốt của mỗi xứ và chỉ sửa đổi những gì ngăn trở con người đạt đến Thiên Chúa – trước một phong tục, Giáo hội nhìn kỹ xem trong đó có gì ràng buộc con người không cho họ đến với Thiên Chúa. Nếu không có gì hiển nhiên trái với đức tin và luân lý, Giáo hội sẽ tôn trọng và gìn giữ phong tục ấy, vì đó là nếp sống tốt đẹp của một dân tộc. Nếu có đôi chút gì dị đoan, lẫn lộn trong một phong tục tốt, Giáo hội tìm cách êm đẹp đính chính chỗ đó, loại trừ dị đoan và hướng họ tới một ý nghĩa mới. Giáo hội không thể lấy một văn hóa này thay một văn hóa khác. Năm 1659 chính Thánh bộ Truyền giáo đã cho các vị thừa sai những nguyên tắc căn bản trong vấn đề này: “Quý vị đừng bao giờ muốn tìm cách này cách khác khuyên dụ các dân đó thay đổi lễ nghi, tập truyền và phong tục của họ, trừ phi kh nó hoàn toàn hiển nhiên trái với tôn giáo và luân lý. Lòng tin Chúa không từ bỏ hay đả phá lễ nghi, tập truyền bất cứ một dân tộc nào chỉ trừ khi nó đáng phải từ bỏ; trái lại lòng tin Chúa muốn duy trì và bảo vệ các tập tục đó”.

Trong thông điệp Summi Pontificatus, ra ngày 20/10/1939 Đức Giáo hoàng Piô XII cũng nhắc lập trường ấy: “Giáo hội Chúa Cứu Thế là kho chứa trung thành của sự khôn ngoan trên trời ban xuống để dạy dỗ người đời. Không thể nghĩ đến và thực sự không bao giờ nghĩ đến việc đả kích hoặc khinh nhẹ những đặc tính mà mỗi dân tộc duy trì với tất cả lòng hiếu thảo, cùng một vẻ hiên ngang dễ hiểu, và coi đó là một di sản quí báu. Mục đích của Giáo hội là sự duy nhất siêu nhiên, trong tình yêu đại đồng được ý thức và thực hành chứ không phải trong sự đồng nhất bề ngoài hời hợt và, do đó, mong manh”.

Trong tinh thần trên đây, chúng ta thử hỏi Đạo hiếu ở Á châu nói chung và ở Việt nam nói riêng có phải là một phong tục hiển nhiên trái với đức tin và luân lý cần phải đả kích và cấm đoán nơi con cái Chúa, hay là một phong tục tốt cần phải tôn trọng và khuyến khích nơi người tín hữu để họ khỏi phải mất gốc và khỏi mang tiếng theo đạo là bỏ tổ tiên và chỉ cần sửa chữa một vài dị đoan?

Nếu ta xét kỹ, cái cốt tủy của đạo hiếu không nghịch với đức tin và luân lý Công giáo. Đạo hiếu chỉ là một phong tục kính nhớ tổ tiên, đúng với tinh thần Á châu, mà Đức Khổng Tử đã gọn gàng tóm lại trong mấy chữ “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là tôn kính cha mẹ lúc đã qua đời cũng như lúc còn sống. Lúc tổ tiên còn sống, con cháu xá lạy và dâng của ngon miếng lạ, thì bây giờ, thì con cháu cũng xá lạy trước hình tượng hay bài vị của tổ tiên đã qua đời và dâng cơm chuối tượng trưng lòng thành.

Chúng ta hiểu lầm hai chữ “đạo” và “thờ”. Trong ngôn ngữ người Việt không Công giáo, chữ “đạo” có nghĩa là đường lối, cách xử sự với kẻ khác cho đúng tam  “tôn giáo” nhưng là năm lối sống với người đồng loại. đạo hiếu chỉ là một con đường, một cách thế tỏ lòng hiếu đối với cha mẹ. Lúc nói “thờ trời”, người Việt hiểu với nghĩa tôn giáo của nó, vì nhìn nhận một đấng cao cả tuyệt đối. trái lại lúc nói “thờ tổ tiên”, người Việt chỉ nhìn nhận cha mẹ là những vị sinh thành dưỡng dục họ. Thế nghĩa là cách dùng chữ không được phân minh nhưng nội dung và ý nghĩa rất rõ ràng. Chữ “đạo” và chữ “thờ” của anh em ngoài Công giáo chỉ là chữ “đồng âm” nhưng “không đồng nghĩa” hay chỉ có nghĩa “tương tự” với chữ “đạo” và chữ “thờ” của người Công giáo. Vì thế đạo hiếu và việc thờ lạy tổ tiên chỉ là những cử chỉ tượng trưng tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, chứ không bao hàm một ý nghĩa tôn giáo.

Sau một thời kỳ nghi kỵ, cấm đoán những nghi lễ đạo hiếu đối với cha mẹ và các ân nhân của dân tộc, nhiều Giáo hội địa phương ở Á Châu đã duyệt lại thái độ đó.

Năm 1935, hàng giáo phẩm Mãn Châu đã trình Tòa Thánh về việc kính Đức Khổng Tử. Chính phủ Mãn đã tuyên bố các lễ nghi tôn sùng Khổng Tử chỉ có mục đích biểu lộ sự thành kính đối với người, nhưng hoàn toàn không có tính cách gì tôn giáo. Vì thế Tòa Thánh chấp nhận ban phép cho cho người Công giáo được xá lạy trước hình hay bài vị của Đức Khổng Tử trong một vài trường hợp.

Tuy lời lẽ của văn kiện Tòa Thánh còn hết sức dè dặt, nhưng đây cũng là một bước đầu của một cuộc cải tiến sâu rộng.

Qua năm 1936, Thánh bộ Truyền giáo đã ban bố Huấn lệnh Pluries Instanterque cho Giáo hội Nhật nhắc lại lập trường của Giáo hội muốn tôn trọng phong tục địa phương và ban bố cho Công giáo Nhật được dự các nghi lễ chính phủ tổ chức có ý nghĩa ái quốc tỏ lòng trung thành với hoàng gia và các vị ân nhân của đất nước. Thánh bộ cũng ban phép tín hữu được dự vào các nghi lễ của tang cưới và các lễ theo phong tục xã hội Nhật, tuy trước kia có một nguồn gốc tôn giáo, nhưng nay vì hoàn cảnh địa phương và theo dư luận chung, chỉ còn có ý nghĩa xã giao và tương thân tương ái.

Nếu ta đem huấn lệnh này so với huấn lệnh gửi cho hàng giáo phẩm Mãn Châu, ta thấy Giáo hội đã tiến rất nhiều trong việc biểu quyết phong tục Á đông và Giáo hội đã mạnh dạn hơn trong việc ban phép dự các nghi lễ theo phong tục địa phương. Nhưng một huấn lệnh mới, mệnh danh là PLANE COMPERTUM được ban bố năm 1939, dưới hoàng triều Piô XII còn sáng suốt hơn nữa. Huấn lệnh này ban phép cho người Công giáo Trung Hoa được tham dự các nghi lễ và bái lạy trước hình tượng hoặc bài vị mang tên Đức Khổng Tử và tổ tiên đã qua đời. huấn lệnh này là một chứng cớ mới tỏ ra Giáo hội muốn thích ứng vào các nền văn minh khác nhau, muốn thâm nhập vào trong đó để nâng cao và kiện toàn. Trong nỗ lực này Giáo hội có ý bảo tồn trong các phong tục cổ kính của các quốc gia những gì không chống lại với Tin Mừng.

Thế là đã trên 20 năm nay, các Giáo hội địa phương ở Á châu đã giải quyết tốt đẹp vấn đề nghi lễ kính nhớ các vị ân nhân của đất nước và tổ tiên mà chúng ta có thể tóm lại trong hai chữ “ĐẠO HIẾU”. Thế nhưng Giáo hội Việt Nam hình như chưa đặc biệt quan tâm đến vấn đề then chốt ấy, chưa cố gắng mang lại mau lẹ một giải pháp thích hợp, ngõ hầu mở rộng cửa Giáo hội cho tất cả đồng bào ta đa số tha thiết với đạo hiếu. Nhân dịp Công đồng, chúng tôi khẩn khoản kính xin hàng giáo phẩm Việt Nam đệ lên Tòa Thánh những ước vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam đúng với tôn chỉ mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô và Giáo hội người, tức là “trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu rỗi tất cả”.

Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 169-6/1963

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây