Vấn đề giáo dục học đường
Vấn đề giáo dục học đường hiện nay đang là vấn đề "nóng", gây bức xúc cho nhưng người có tâm huyết với tương lai Đất nước, dân tộc. Nhưng tiêu cưc như: chạy trường, chạy điểm, mua bằng câp, thi cử gian dối... là hậu quả của một nền giáo duc lệch lạc thiếu định hướng...
Bài "VẤN ĐỀ GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG" in tại Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 158 / 7, thiết tưởng vẫn còn thích hợp, gợi ý suy tư cho những nỗ lực canh tân ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC của Đất nước chúng ta hôm nay.
Mùa khai giảng đã về. Hàng chục vạn con em chúng ta lại lần lượt cắp sách đi học, bắt đầu một niên học mới. Nhân dịp này,chúng tôi muốn lưu ý bạn đọc, cách riêng các nhà giáo, đến một vấn đề vừa khẩn cấp vừa hợp thời: vấn đề giáo dục học đường. Hợp thời vì đây là lúc phụ huynh ký thoát trọn con em cho học đường, hy vọng chúng được nên người. nhưng cũng là vấn đề khẩn cấp, vì giáo dục học đường còn nhiều thiếu sót cần phải sửa chữa.
Trong số này, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu mọi khía cạnh của vấn đề. Một nghiên cứu như thế ra khỏi khuôn khổ của Nguyệt San. Dù thế, vì sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi muốn dành một phần lớn số này để nêu lên một vài điểm liên hệ đến việc giáo dục học đường. Chúng tôi cũng mong các nhà giáo cũng như bậc phụ huynh góp ý kiến trong các số tới, ngõ hầu việc giáo dục học đường được kiện toàn hơn.
Ai ai cũng công nhận vấn đề giáo dục học đường là một vấn đề khẩn trương, mặc dầu chính phủ đã cố gắng rất nhiều, song trường học vẫn thiếu. Những giáo chức lành nghề và có lương tâm càng thiếu hơn. Những ai lưu tâm đến thời đại và lo lắng tương lai đất nước đều phải băn khoăn. Học đường là nơi đào tạo lớp thanh niên, tương lai của tổ quốc. Công việc ấy đòi nhiều thiện chí, nhiều hy sinh của các nhà giáo ở bậc trung học cũng như đại học. Nếu giáo chức không có lý tưởng, thì rồi đây lớp thanh niên lớn lên cũng không thể có lý tưởng.
Việt Nam là một quốc gia đang tiến triển. Một số lớn thanh niên không thể ngừng việc học, sau khi chấm dứt cấp giáo dục tiểu học. Họ sẽ vào trung học ở cái tuổi khủng hoảng. Vì thế, nền giáo dục trung học rất quan trọng và nhiệm vụ giáo chức rất nặng nề. Hướng đi của thanh niên sẽ ra thế nào là tùy sự giáo dục của cấp trung học. Vì thế giáo chức phải gây tinh thần và hướng đi cho thanh niên. Phải gây cho thanh niên tinh thần hiếu học và tinh thần phục vụ. Tinh thần hiếu học để tiến mãi trong sự hiểu biết về phương diện khoa học và kỹ thuật. Tinh thần phục vụ để cố gắng đem tài mình ra phụng sự dân tộc. Một thế hệ thanh niên mà thiếu lòng nhiệt thành, thiếu nghị lực để hy sinh cho lý tưởng, thì tiền đồ của đất nước sẽ sụp đổ. Chúng ta phải tạo cho học đường một tinh thần mới, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ. Ngày nay một số đông chỉ học lấy mảnh bằng, để chiếm một địa vị. Mãn ban trung học, người ta chọn một ngành đại học, không theo khả năng mình hay theo nhu cầu của dân tộc, mà theo số lợi tức ước lượng. Tinh thần tư kỷ và vụ lợi cần phải đả phá ngay từ cấp trung học. Trách nhiệm của học đường ở bậc trung học rất lớn lao.
Sang cấp đại học, tinh thần trách nhiệm càng phải được phổ biến hơn nữa. Sinh viên sẽ là những cấp lãnh đạo của đất nước trong mọi ngành hoạt động. Nền đại học, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn phải nhắm đào luyện những thủ lãnh tài đức có tinh thần phục vụ. Giáo dục đại học phải huấn luyện sinh viên thành những cấp chỉ huy, đầy sáng kiến, đầy can đảm, đầy hy sinh để dìu dắt dân tộc chứ dừng còn nuôi cái óc học để lấy bằng cấp hơn là vào khả năng trong việc lựa chọn cấp lãnh đạo, nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay đã biến trường đại học thành lò kiến tạo những địa vị béo bở ngày mai. Kết quả là thanh niên chuyên học vụ lợi. Mục tiêu của nền đại học bị thu hẹp vào mộng giàu sang. Thanh niên trí thức quê hẳn vai trò lãnh đạo của mình và chỉ nghĩ đến các quyền lợi vị kỷ. Mong các giáo sư đại học đem lại cho thanh niên ưu tú của đất nước một tinh thần trách nhiệm và phục vụ.
Trách nhiệm của giáo chức rất nặng nề. Trách nhiệm giáo chức Công giáo càng nặng nề hơn. Đề cập đến vấn đề giáo dục học đường Đức Pio XII đã nêu cho giáo chức Công giáo một lý tưởng đào tạo. Ngài nói: Lý tưởng ấy nhằm đào tạo nên những con người hoàn hảo về phương diện văn hóa, trên bình diện trí tuệ cũng như đạo đức, khoa học, xã hội, nghệ thuật, tùy theo hoàn cảnh, địa vị và khuynh hướng chính đáng của mỗi người. Như thế, không một người nào bị lạc lõng hay bất lực. Hơn nữa, không một ai bị cản trở trên đường tiến tới tột đỉnh. Nhiệm vụ cao cả, thánh thiện, đòi hỏi nhà giáo dục phải tinh vi, tế nhị… có nghệ thuật điều hòa giáo huấn cho thích hợp với tri thức và khả năng của thiếu niên. Đặc biệt là phải tận tụy với nghề, phải có lòng bác ái, và tùy theo sức mình, phải có nhiệt tâm thánh thiện, khả dĩ gây hứng thú cho học sinh, kích thích các em hăng hái học hành (Piô XII, diễn văn đọc ngày 22/11/48). Và chính Đức Giáo hoàng đương kim Gioan XXIII cách đây hai năm cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của nhà giáo. Ngài nói: Thiếu niên được phó thác cho nhà giáo và chính nhà giáo đào tạo con em trong những năm quyết định về tương lai của chúng. Thiếu niên đến với nhà giáo như những bông hoa hàm tiếu. Và dưới con mắt nhà giáo ân cần tế nhị theo dõi hàng ngày, thiếu niên biến đổi một cách kỳ diệu. (Gioan XXIII, Huấn dụ cho các giáo sư).
Chúng tôi mong rằng các giáo chức, cách riêng giáo chức Công giáo, hiệp lực với phụ huynh, để đào tạo con em chúng ta trên con đường phụng sự Tổ quốc và Giáo hội, bằng cách tạo cho con đường một tinh thần mới: tinh thần trách nhiệm và và phục vụ.
Lm. Chân Tín - Luồng gió mới (Vấn đề giáo dục học đường)
(Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 158/7)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn