TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Để tin vào Thiên Chúa vô hình

Chủ nhật - 26/09/2021 22:49 | Tác giả bài viết: Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM |   1020
Tại sao con phải tin vào Thiên Chúa trong khi con chưa nhìn thấy Ngài hoặc rất khó để thấy Ngài?
Để tin vào Thiên Chúa vô hình

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 22: ĐỂ TIN VÀO THIÊN CHÚA VÔ HÌNH

Câu hỏi: Tại sao con phải tin vào Thiên Chúa trong khi con chưa nhìn thấy Ngài hoặc rất khó để thấy Ngài?

Trả lời:

Đây là câu hỏi của không ít bạn trẻ trong chúng ta, những bạn trẻ của thế hệ 4.0, của thế giới phẳng, của thời đại mà các khoảng cách địa lý dường như thu nhỏ lại, nhưng mối tương quan với Thiên Chúa dường như xa vời đi. Giới trẻ chúng ta ngày nay thường thích cái gì đó thực dụng hơn, cụ thể hơn, vì thế mà thường cảm thấy khó khăn hơn khi tin vào Thiên Chúa vô hình, dù Ngài vẫn ở gần bên.

Bạn thân mến,

Có rất nhiều người đã tin mà không đòi hỏi bằng chứng, không đòi phải được nhìn thấy tận mắt. Đối với họ, niềm tin xuất phát từ một cảm nghiệm nội tâm nào đó, hoặc từ một biến cố nào đó trong đời, từ một cảm nhận mãnh liệt về cái đẹp, hoặc từ trong thinh lặng suy tư…

Như thế, người ta có thể “thấy” Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nhưng bạn thì muốn “thấy” Thiên Chúa bằng con mắt tự nhiên cơ. Đây là mong muốn của rất nhiều người chứ không riêng gì bạn. Nhà thơ Hồ Dzếnh cũng đã từng thể hiện nỗi niềm băn khoăn thao thức như thế qua bài thơ Thể Chất:

Hỡi Thiên Chúa! Sao Người không có xác?
Để tôi sờ? Không máu uống cho no?
Sao giấc thiêng Người lặng lẽ không bờ?
Hay, bí mật! hay… Người không phải Chúa?

Sao gió mát không kết thành giải lụa,
Lễ tơ hồng thiên quốc cưới nhân gian?
Sao Linh Hồn To Lớn lại không ban,
Cho phép lạ mở toang trời giây phút?...

Ôi, nếu Thiên Chúa “mở toang trời”, để cho tất cả mọi người nhìn thấy Thiên Chúa cùng với cả triều thần thánh trên thiên đàng thì hay biết mấy. Như thế thì chẳng những bạn, mà tất tần tật mọi người trên thế giới này sẽ tin liền, tin hết, tin không do dự gì nữa. Nhưng như thế thì có còn là tin nữa không nhỉ? Hình như không bạn ạ. Bạn đã đứng trước một sự thật hiển nhiên rồi. Những gì là hiển nhiên thì không cần phải tin nữa. Khi ấy chúng ta buộc phải chấp nhận thôi, không còn cách nào khác.

Tin là hành vi tự do

Bạn thử nghĩ: nếu Thiên Chúa tỏ mình ra với từng người cách tỏ tường và hiển nhiên tới mức ta không thể không tin vào Ngài, thì liệu ta có còn tự do để hiểu biết và yêu mến Ngài nữa không? Một ông vua với đoàn hùng binh oai vệ, đến cầu hôn một nàng thiếu nữ là thần dân trong nước mình, liệu nàng thiếu nữ ấy có còn tự do để chọn lựa hay không? Chắc hẳn là không. Nàng có thể vì ham vinh hoa quyền thế mà sẵn sàng lên xe hoa; hoặc dù nàng không muốn đi chăng nữa, cũng sẽ vì sợ hãi mà phải ưng thuận, chẳng có được tự do.

Có lần mình đọc được một đoạn sách với những dòng tư tưởng rất thú vị như sau:

“Thiên Chúa ư, chẳng ai thấy Người bao giờ, càng hay! Vâng, càng hay. Vì nếu không, kẻ tin sẽ bị buộc phải lặp đi lặp lại thị kiến đó không ngừng: họ phải luôn luôn nhìn về quá khứ, không còn gì nữa để khám phá thêm. Chính vì Thiên Chúa không tỏ hiện mà họ mới có tự do, có trách nhiệm… Đức tin là một cuộc tìm kiếm, là sáng kiến, là mạo hiểm.” (A. Patin).

Vâng, Tin là hành vi tự do. Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, Ngài muốn con người ấy phải được tự do và được hướng dẫn theo chính phán đoán của mình. Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã chứng thực lời giảng thuyết của Ngài bằng những phép lạ, để khơi dậy và củng cố lòng tin của người nghe, nhưng Ngài không hề tạo áp lực cưỡng ép bất cứ ai phải tin vào Ngài bao giờ.

Tự do chính là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người; đó là khả năng tự quyết định, tự định hướng cuộc đời mình về hạnh phúc. Nhờ có tự do mà con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi con người quy hướng về Thiên Chúa là chính nguồn hạnh phúc của mình. (x. GLHTCG 1731).

Tin là một cuộc tìm kiếm

Bạn biết không, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi và không ngừng kêu gọi bạn cũng như mọi người tìm kiếm Ngài để được sống một đời sống sung mãn, một đời sống có ý nghĩa và đạt được hạnh phúc. Việc tìm kiếm này đòi hỏi bạn phải có nỗ lực của trí tuệ, có sự ngay thẳng của ý chí, một tấm lòng thành thực và tất nhiên bạn cũng cần đến chứng từ của những người khác nữa.

Bạn đã bao giờ để ý thấy từ bên trong sâu thẳm lòng mình, luôn có một thao thức, một thao thức mà không có ai và không có gì ở đời này có thể khỏa lấp được không? Ắt hẳn là có. Vậy bạn hãy kiếm tìm đi, Chúa Giêsu hứa rằng “ai tìm thì sẽ thấy”. Một khi bạn đã “thấy” được sự hiện hữu của Thiên Chúa, bạn cũng sẽ dần dần tin tưởng để có thể nói chuyện với Ngài, và tự nguyện bước vào mối tương quan thân thiết với Ngài.

Có lẽ bạn hiểu rằng, ở trong cuộc sống này, cho dù người ta có được mọi thứ, cũng không ai cảm thấy được hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thỏa mãn. Thánh Augustinô là một điển hình, ngài từng trải qua nhiều năm chạy theo ái tình và danh lợi, nhưng ngài chưa bao giờ cảm thấy thực sự hạnh phúc, ngài cũng từng tìm kiếm sự khôn ngoan qua các thuyết triết lý, nhưng chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Mọi sự thay đổi hoàn toàn khi ngài nhận biết Thiên Chúa. Với niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn, Augustinô bắt đầu sống một đời sống mới. Ngài trở về nhà và phân phát hết tài sản cho người nghèo, sống một cuộc đời đan tu khổ hạnh cùng với những người bạn của Ngài. Vì niềm tin yêu mãnh liệt, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!” Và ngài cầu nguyện một cách đầy xác tín:

“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và đáng ca tụng: quyền năng của Chúa cao cả và sự khôn ngoan của Chúa thật khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa muốn ca tụng Chúa. Chính Chúa thúc giục để con người vui thích ca tụng Chúa, bởi vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con luôn khắc khoải băn khoăn cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.”

Tương tự như thánh Augustinô, trải qua dòng lịch sử đã có vô số những con người đã dám từ bỏ đời sống vinh hoa và lợi lộc trần gian để quyết chí lên đường kiếm tìm chân lý. Trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng như sơ Dolores Hart, từng là một ngôi sao trẻ đang lên của làng điện ảnh Hollywood. Năm 24 tuổi, sơ đã bỏ lại sau lưng danh vọng và tên tuổi đang chói ngời của mình, bỏ lại những hợp đồng bạc triệu và nhất là mối tình của chàng kiến trúc sư giàu có và hết lòng thương yêu mình để thề nguyện sống cho riêng Chúa trong một tu viện dòng kín. Mới đây, hoa hậu người Mexicô, Esmeralda Solís Gonzáles đã gia nhập dòng Thừa sai Thánh Thể Clara Khó nghèo vào ngày 25/3/2017; con trai của nữ Thủ tướng Ba Lan là Tymoteusz Szydło trở thành linh mục vào ngày 27/5/2017; cầu thủ bóng đá của đội MU, Philip Patrick Stephen Mulryne cũng đã từ bỏ sự nghiệp và trở thành linh mục vào ngày 08/07/2017… Họ là những người sau khi chạm đến “mầu nhiệm Thiên Chúa” thì không còn thiết tha điều gì khác nữa, họ dám từ bỏ tất cả sự nghiệp và danh vọng để sống cho riêng Ngài. Họ ít nhiều đều trở thành những dấu chỉ của sự vĩnh hằng, tuyệt đối và là những chứng nhân củng cố và khích lệ niềm tin cho chúng ta.

Nếu bạn thắc mắc: Tại sao con người lại không thỏa mãn với những thực tại đời này? Tại sao con người cảm thấy cuộc đời của mình quá chật hẹp? Tại sao con người luôn có một khát khao hạnh phúc mà không gì ở đời này có thể lấp đầy được? Thì câu trả lời cho bạn sẽ là: do chính bản tính của mình, con người được tạo dựng để hướng về một Hữu Thể Tuyệt Đối. Thần học gia K. Rahner trình bày chân lý này như sau: “Con người là hữu thể có liên hệ với Đấng siêu việt, đón nhận sự sống từ Đấng siêu việt… Con người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là cùng đích của con người, là trung tâm sâu thẳm nhất của hiện hữu con người.” Đức hồng y người Đức W. Kasper thì lý giải cho chúng ta thế này:

“Con người tự do không thể tìm thấy trong thế giới này có cuộc gặp gỡ nào đủ sức làm cho sự tự do của họ được hoàn thành. Chính vì thế mà cuộc sống con người lúc nào cũng dao động và bất ổn. Con người chỉ có thể được hoàn thành mĩ mãn khi gặp được một sự tự do vô hạn… gặp được một sự tự do tuyệt đối, nhờ đó tìm được sự bình an và sung mãn trong lòng.”

Tin cũng là mạo hiểm

Để tin, bạn cần phải dám mạo hiểm. Bạn cần phải mạnh dạn bước tới chứ đừng rụt rè trước cái ngưỡng của đời sống tâm linh. Dù có thể chưa thấu hiểu hết con đường mình chọn nhưng phần còn lại bạn chỉ có thể khám phá khi đã mạnh dạn bước tới. Thánh tiến sĩ Anselmô Cantorbery từng nói: “Tôi không tìm cách hiểu để tin, nhưng tôi tin để hiểu”. Khi chấp nhận tin rồi, thì mọi sự sẽ trở nên tươi sáng hơn, tựa như một người bị cận thị bẩm sinh bỗng một ngày thấy mọi sự trở nên bừng sáng rõ ràng nhờ dám đeo vào cặp mắt kính. Nếu bạn cứ khăng khăng muốn thấy rõ mọi thứ rồi mới tin thì chắc rằng bạn sẽ chẳng bao giờ tin, và bạn chẳng bao giờ được bình an hạnh phúc. Một quyết định dứt khoát có thể ví như một cú nhảy. Bạn hãy mạnh dạn nhảy qua cái hố buồn tẻ của sự lưỡng lự, hoài nghi để đến với bến bờ Đức Tin, đến với vòng tay vô biên của Thiên Chúa, Người Cha khả ái đang chờ đợi bạn. Mình cam đoan với bạn rằng: sau khi thực hiện cú nhảy đó, bạn sẽ thấy tâm hồn tràn ngập hạnh phúc và bình an. Có một câu chuyện rất hay sau đây minh họa về điều đó: Một cậu bé đang ngủ trên tầng lầu, bỗng phát hiện căn nhà đang bốc cháy, cậu chạy ra cửa sổ và gọi: “Ba ơi cứu con!”. Một giọng nói từ dưới gọi lên: “Con ơi nhảy xuống đi, có ba đây!” Nhìn xuống chỉ thấy khói lửa mù mịt, cậu bé nói: “Nhưng con không thấy ba”. Người cha thúc giục: “Con không thấy, nhưng có ba đây, con cứ nhảy xuống đi”. Và cậu bé đã nhảy xuống, với tất cả niềm tin. Cậu đã rơi vào vòng tay an toàn của người cha.

Cầu nguyện, xin ơn đức tin

Điều cuối cùng, và lẽ ra cũng là đầu tiên, là bạn hãy cầu nguyện để xin ơn đức tin. Vì nếu chỉ có nỗ lực từ phía con người thì không đủ. Đức tin là một ơn Chúa ban. Bạn hãy cầu xin như người đàn ông trong sách Tin Mừng: “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của con” (x. Mc 9,24), hay như lời cầu nguyện của thánh Anselmô sau đây:

 

Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm kiếm Chúa;

Tỏ mình ra cho kẻ tìm kiếm Chúa

bởi vì con không thể tìm kiếm Chúa

nếu Chúa không dạy dỗ con,

cũng như không gặp được Chúa

nếu Chúa không tỏ mình.

 

 

Xin cho con tìm kiếm Chúa khi ao ước Chúa,

Xin cho con ao ước Chúa khi tìm kiếm Chúa,

Xin cho con gặp được Chúa khi yêu mến Chúa

Và xin cho con yêu mến Chúa khi gặp được Chúa.

 

Hay ít là bạn hãy thử một lần lắng tâm hồn lại để nghe từ trong nội tâm sâu thẳm tiếng nói thì thầm của một tình yêu bao la thanh tịnh vô biên và sáng láng.

Nếu bạn đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, ơn Đức Tin đã được ban cho bạn rồi. Việc bạn phải làm là cộng tác với ơn Chúa để ơn ấy lớn lên trong bạn. Bạn hãy cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, tham dự các Bí tích, nhất là lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, là Mầu Nhiệm Đức Tin, qua đó đức tin của bạn sẽ được nuôi dưỡng để lớn lên. Thánh Giacôbê nhắn bảo chúng ta: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Chỉ khi ta bền lòng, vững chí thể hiện lòng tin tưởng vào Chúa, gắn bó với Chúa, đức tin của chúng ta mới tăng trưởng và sinh hoa trái. Vì “Người công chính sẽ sống nhờ lòng trung tín của mình” (Kb 2,4).

Chúc bạn sớm có được niềm tin vững chắc nơi Thiên Chúa.

Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (27.9.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây