Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 29/09/2021 21:22 |
1075
Edith Stein, triết gia, tân tòng, nữ tu Cátminh, tác giả linh đạo, thánh tử đạo, quan thầy Âu Châu
Edith Stein, triết gia, tân tòng, nữ tu Cátminh, tác giả linh đạo, thánh tử đạo, quan thầy Âu Châu
Vũ Văn An
Rất nhiều bài viết đã trình bầy rộng dài về Thánh nữ Edith Stein. Trang mạng của Tòa Thánh cũng đã có một tiểu sử khá chi tiết về ngài. Theo đó, ngài có tên chính thức là Teresa Benedicta Thánh giá, tên ngài lấy lúc nhập dòng Catminh. Trang mạng dành cho ngài ba tước hiệu: nữ tu, Nữ Cátminh không mang giầy, tử đạo.
Ngày 1 tháng 5, 1987, khi phong chân phúc cho ngài tại Cologne, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng:
"Chúng ta cúi đầu trước chứng từ cuộc đời và cái chết của Edith Stein, người con gái xuất chúng của Israel và đồng thời là người con gái của Dòng Cátminh, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá, một nhân cách từng kết hợp trong cuộc sống phong phú của mình một tổng hợp đầy bi hùng của thế kỷ ta. Đó là một tổng hợp lịch sử đầy các vết thương sâu hoắm vẫn còn đang làm chúng ta đau đớn... và cũng là một tổng hợp của sự thật trọn vẹn về con người. Tất cả những điều này kết hợp với nhau trong trái tim đơn nhất mãi thổn thức và không thoả mãn cho tới khi tìm được nghỉ ngơi trong Thiên Chúa”.
Câu phát biểu trên khiến ta nhớ tới Thánh Augustinô. Nhưng Edith Stein là ai?
Ngài sinh tại Breslau, Prussia (nay là Wroclaw, Balan), ngày 12 tháng 10, 1891, con gái út trong gia đình có 11 người con, đúng ngày gia đình mừng lễ Yom Kippur, ngày lễ Xá tội, vốn là ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái. Điều này càng làm bà mẹ qúi yêu người con gái út, và đối với chúng ta, quả đã phủ một cái bóng đầy ý nghĩa lên cuộc đời của người Nữ Cátminh tương lai.
Cha Edith, có hãng kinh doanh ngành gỗ, qua đời khi Edith vừa mới lên hai. Mẹ ngài, một phụ nữ sùng đạo, chăm chỉ làm ăn, đầy ý chí và thực sự tuyệt diệu, nay phải tự đấu tranh cho chính bản thân và trông coi gia đình cùng quản lý thương nghiệp to lớn chồng để lại. Tuy nhiên, bà đã không thành công trong việc duy trì đức tin sống động trong lòng con cái. Edith mất đức tin vào Thiên Chúa. Ngài viết: “Tôi quyết định một cách đầy ý thức, do chính ý chí của tôi, sẽ không cầu nguyện nữa”.
Edith học tại trường địa phương và sau đó học tại Victoria Gymnasium ở Breslau để chuẩn bị vào Đại Học. Sau khi tốt nghiệp hạng nhất năm 1911, Edith ghi danh tại Đại Học Breslau để học tiếng Đức và lịch sử, mặc dù đây chỉ là chuyện cơm áo. Ý thích thực sự của Edith là triết học và các vấn đề phụ nữ. Ngài trở thành hội viên của Hội Đòi Quyền Bỏ Phiếu Cho Phụ Nữ Phổ. Sau này, ngài viết “Khi tôi còn học trung học và trong các năm đầu tại Đại Học, tôi là một người tranh đấu triệt để cho quyền bỏ phiếu. Sau đó, tôi mất hết ý thích trong vấn đề này. Giờ đây, tôi chỉ lo tìm các giải đáp hoàn toàn thực tiễn”.
Tại Đại Học Breslau, Edith có những giáo sư như William Stern và Richard Hönigswald. Một giáo sư khác, Georg Moskiewicz, giới thiệu Edith đọc cuốn Logical Investigations của Husserl và nhận xét rằng ở Göttingen, các sinh viên ngày đêm nói chuyện triết học và chỉ nói về hiện tượng luận. Bị lôi cuốn, Edith chuyển về học tại Göttingen năm 1913 và trở thành học trò và phụ tá giảng dậy của Husserl. Lúc đó, bất cứ ai lưu ý tới triết học đều phấn khởi trước quan điểm mới của Husserl về thực tại qua đó, thế giới, như chúng ta tri nhận, không nhất thiết hiện hữu theo lối của Kant, tức là chỉ có trong tri nhận chủ quan của chúng ta. Các môn sinh của ông coi triết học của ông như việc quay về với đối tượng: “trở về với sự vật”. Hiện tượng luận của Husserl vô tình đã đưa khá nhiều môn sinh của ông tới đức tin Kitô giáo. Cùng một lúc, tại Göttingen, Edith cũng gặp triết gia Max Scheler, người sẽ khiến Edith lưu ý tới Đạo Công Giáo Rôma. Tuy nhiên, Edith không quên chuyện “cơm áo” và đã tốt nghiệp bậc cử nhân với hạng ưu vào tháng giêng năm 1915, mặc dù không tiếp tục học ngành dạy học nữa.
Khi Thế chiến I bùng nổ, ngài theo một khóa huấn luyện làm y tá và đi phục vụ tại một bệnh viện dã chiến của Áo. Đây là thời kỳ khó khăn đối với ngài: ngài trông coi người bệnh ở khu bệnh sốt phát ban (typhus), làm việc tại phòng mổ, và được chứng kiến nhiều người trẻ lìa đời. Khi bệnh viện bị giải tán vào năm 1916, ngài theo Husserl tới thành phố Freiburg của Đức, tại đây, ngài xin Husserl bảo trợ để viết luận án tiến sĩ về hiện tượng luận, nhưng phản ứng nguyên khởi của vị này là ngài nên dự kỳ thi dạy học của nhà nước. Tuy vậy, được bạn là Reinach khuyến khích, Edith đã hoàn tất luận án vào mùa hè 1916 và tốt nghiệp hạng tối ưu (summa cum laude) với luận văn tựa là Das Einfühlungsproblem in seiner historischen Entwicklung und in phänomenologischer Betrachtung (Vấn đề Tương cảm [empathy] như Đã được Khai triển trong Lịch sử và Được Xem xét về Phương diện Hiện tương luận), mà một phần được xuất bản thành cuốn Zum Problem der Einfühlung (Về Vấn đề Tương Cảm; Stein 1917).
Từ tháng 10 năm 1916, ngài là phụ tá đầu tiên có ăn lương của Husserl cho đến tháng hai năm 1918, khi ngài từ chức vì thất vọng. Ngài chép lại và hiệu đính, với nhiều đóng góp lớn, các bản nghiên cứu viết tay của Husserl, trong đó có cuốn Ideas II (cuối cùng đã xuất bản năm 1952), và cuốn Lectures on the Consciousness on Internal Time (1905–1917), mà cuối cùng đã được Heidegger mang in vào năm 1928 (chỉ thừa nhận rất ít phần đóng góp của ngài). Trong lá thư gửi cho bạn là Ingarden, ngài tiết lộ rằng ngài không thể nào làm Husserl lưu ý đến các duyệt xét của ngài.
Trong thời gian trên, ngài đi ngang qua Nhà thờ Chính tòa Frankfurt và thấy một người đàn bà với chiếc giỏ đi chợ rẽ vào nhà thờ qùy gối cầu nguyện trong chốc lát. “Đó là một điều hoàn toàn mới đối với tôi. Ở các hội đường và nhà thờ Thệ Phản tôi thấy người ta chỉ đi tham dự các buổi lễ. Còn ở đây, tôi thấy có người từ chỗ chợ búa ồn ào đi thẳng vào ngôi nhà thờ trống rỗng này, như thể sắp dự một cuộc chuyện vãn thân mật. Đó là điều tôi không bao giờ quên”. Và về cuối luận văn của mình, ngài viết: “Có những người tin rằng một thay đổi bất ngờ đã diễn ra trong họ và điều này là kết quả của ơn sủng Thiên Chúa”. Làm thế nào ngài có được một kết luận như thế?
Cái duyên của Edith là bằng hữu Kitô giáo. Từ lâu ngài vốn là bạn thân của người phụ tá Husserl, Adolf Reinach và vợ ông. Khi Reinach hy sinh ở chiến trường Flanders tháng 11 năm 1917, Edith tới Göttingen để viếng thăm quả phụ của ông. Vợ chồng Reinach vốn đã trở lại Thệ Phản. Thoạt đầu, Edith e ngại gặp người góa phụ trẻ, nhưng hết sức ngạc nhiên khi được gặp một người đàn bà của đức tin. “Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Thập giá và sức mạnh thần linh được nó ban bố cho những ai mang nó... Đó là khoảnh khắc khi lòng bất tín của tôi sụp đổ và Chúa Kitô bắt đầu chiếu ánh sáng của Người trên tôi – Chúa Kitô trong mầu nhiệm Thập giá”.
Sau này, ngài viết “Sự việc nằm trong kế hoạch Thiên Chúa mà chính tôi không hề dự kiến chi cả. Tôi tiến tới một đức tin và một xác tín sống động rằng, theo quan điểm của Thiên Chúa, không hề có sự may rủi và trọn cuộc sống tôi, cho đến từng chi tiết, đều đã được lên bản đồ trong sự quan phòng thần linh của Thiên Chúa và có đầy đủ ý nghĩa hoàn hảo trong đôi mắt nhìn thấy mọi sự của Thiên Chúa”.
Như trên đã nói, mùa Thu năm 1918, Edith rời bỏ chức phụ tá cho Husserl. Ngài muốn làm việc độc lập. Cho tới mãi năm 1930, ngài mới gặp lại Husserl sau khi đã trở lại, và ngài chia sẽ đức tin của ngài với ông, vì ngài muốn ông cũng trở thành một Kitô hữu. Chính lúc đó, ngài viết: “Mỗi lần tôi cảm thấy sự bất lực và thiếu khả năng ảnh hưởng đến ai một cách trực tiếp, tôi đều ý thức sắc nét hơn đến việc cần thiết tôi phải hiến tế”.
Cũng như trên đã nói, trong thời gian này, ngài muốn có được chức giáo sư Đại Học, một mục tiêu lúc ấy bất khả đối với phụ nữ. Husserl không thiết tha lắm khi viết lời giới thiệu ngài như sau: “Nếu nghề nghiệp khoa bảng được mở cho các qúy bà, thì tôi giới thiệu cô hết lòng và như chọn lựa thứ nhất của tôi để được nhận làm giáo sư Đại Học”. Sau đó, ngài bị bác chức giáo sư là vì ngài là người Do Thái.
Rời bỏ Husserl, ngài trở lại Breslau. Ở đây, ngài viết một nghiên cứu lớn dự tính làm luận án thạc sĩ, Beiträge zur philosophischen Begründung der Psychologie und der Geisteswissenschaften [Các Đóng góp vào Nền tảng Triết học của Tâm lý học và các khoa nhân văn] (1922), đăng trong Jahrbuch [niên giám] của Husserl. Ngoài ra, ngài cũng đọc Tân Ước, Kierkegaard và Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Ngài cảm thấy người ta không thể chỉ đọc một cuốn sách như thế này mà phải đem nó ra thực hành.
Mùa hè năm 1921, ngài sống vài tuần ở Bergzabern, tại trang trại của Hedwig Conrad-Martius, một học trò khác của của Husserl. Hedwig cùng với chồng đã trở lại Thệ Phản. Một tối kia, tại trang trại này, ngài lượm cuốn tự truyện của Thánh Teresa thành Avila và đọc nó thâu đêm suốt sáng. “Khi đọc hết cuốn sách, tôi bảo mình: Đây quả là sự thật”. Sau này, nhìn cuộc đời trở lui, ngài viết: “lòng khao khát sự thật của tôi chỉ là một lời cầu nguyện đơn nhất”.
Ngày 1 tháng 1 năm 1922, Edith Stein chịu phép rửa. Đúng ngày Lễ Cắt Bì của Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu gia nhập giao ước Ápraham. Edith đứng bên giếng rửa tội, mặc chiếc áo cưới trắng của Hedwig Conrad-Martius. Hedwig là mẹ đỡ đầu của ngài. “Tôi bỏ thực hành tôn giáo Do Thái khi tôi là đứa con gái 14 tuổi và không bắt đầu cảm thấy là người Do Thái một lần nữa cho tới khi trở về với Thiên Chúa”. Từ lúc đó trở đi, ngài luôn ý thức mình thuộc đức Kitô không những một cách thiêng liêng, mà còn qua máu huyết nữa. Vào ngày lễ Thanh Tẩy Đức Maria, một ngày nữa được Cựu Ước nói đến, ngài lãnh nhận phép Thêm sức từ tay Đức Giám Mục Speyer tại nhà nguyện riêng của ngài.
Sau khi trở lại, ngài về thẳng Breslau: ngài thưa “Thưa mẹ, con là người Công Giáo”. Cả hai người đàn bà cùng òa lên khóc. Hedwig Conrad Martius viết: "Hãy coi, quả là hai người Do Thái, nơi họ, không hề có gian dối!” (xem Ga 1:47).
Ngay sau khi trở lại, ngài muốn vào đan viện Cát Minh. Nhưng các vị linh hướng của ngài là Cha Tổng đại diện Schwind của Speyer, và cha Erich Przywara Dòng Tên, đã cản ngài làm thế. Cho tới mùa Phục sinh năm 1931, ngài dạy tiếng Đức và lịch sử tại trường của các nữ tu Đa Minh và cao đẳng sư phạm của Đan viện St. Magdalen ở Speyer.
Cùng một lúc, ngài được Đan viện trưởng Raphael Walzer của Đan viện Beuron khuyến khích đi thuyết giảng đặc biệt về các vấn đề phụ nữ. "Trong thời gian ngay trước và một thời gian lâu sau khi trở lại, tôi... nghĩ sống cuộc sống tu trì có nghĩa phải từ hỏ hết chuyện trần gian và để hết tâm trí lo những chuyện thần linh mà thôi. Tuy nhiên, dần dà, tôi học được là những chuyện khác cũng được mong đợi từ chúng ta ở ngay cõi đời này... Thậm chí hiện tôi tin rằng càng được thu hút vào Thiên Chúa sâu xa, người ta càng ‘vượt quá mình’ theo nghĩa này là đi vào thế giới và đem sự sống thần linh vào đó”.
Ngài làm việc hết sức chăm chỉ, phiên dịch các thư từ và nhật ký của Đức Hồng Y Newman trước thời ngài trở lại Công Giáo cũng như cuốn Quaestiones Disputatae de Veritate (Các Vấn đề Tranh cãi về Chân lý) của Thánh Tôma Aquinô. Cuốn vừa kể là một bản dịch rất thoáng, nhằm mục đích đối thoại với triết học hiện đại. Cha Erich Przywara cũng khuyến khích ngài soạn thảo các công trình triết học của chính ngài. Ngài được cho hay có thể “theo đuổi việc nghiên cứu bác học như một việc phụng sự Thiên Chúa... Chỉ đến khi tôi hiểu điều đó, tôi mới nghiêm túc bắt đầu tiếp cận với công trình học thuật một lần nữa”. Để có được sức mạnh cho đời mình và công việc của mình, ngài thường tới Đan viện Biển Đức ở Beuron, để cử hành các ngày lễ lớn theo lịch Giáo Hội.
Năm 1931, Edith rời trường đan viện ở Speyer và dành trọn thời gian dọn thi tư cách giáo sư Đại Học một lần nữa, lần này tại Breslau và Freiburg, dù các cố gắng của ngài không đi đến đâu. Sau đó, ngài viết cuốn Potency and Act (Tiềm năng và Hành động), một cuốn nghiên cứu về các ý niệm trung tâm được Thánh Tôma Aquinô khai triển. Sau này, tại Đan viện Cát Minh ở Cologne, ngài viết lại cuốn nghiên cứu này để cho ra đời công trình triết học và thần học chính của ngài, đó là cuốn Finite and Eternal Being (Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu). Tuy nhiên, đến lúc này, việc in sách đã trở thành bất khả.
Năm 1932, ngài chấp nhận chức vụ giảng viên tại phân khoa Công Giáo Rôma của Viện Nghiên cứu Giáo dục Đức trực thuộc Đại Học Munster, nơi ngài khai triển nền nhân học của ngài. Ngài thành công trong việc phối hợp nghiên cứu bác học và đức tin trong cả việc làm lẫn việc giảng dậy, cố gắng trở thành “dụng cụ của Chúa” trong mọi điều ngài giảng dậy. “Nếu bất cứ ai đến với tôi, tôi đều muốn dẫn họ tới Chúa”.
Năm 1933, bóng tối bao trùm nước Đức. "Tôi đã nghe nói về những biện pháp nghiêm khắc chống lại người Do Thái trước đây. Nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rằng Thiên Chúa đã đặt bàn tay nặng nề của Người lên dân Người, và số phận của những người này cũng sẽ là của tôi". Luật Aryan của Đức Quốc xã khiến Edith không thể tiếp tục giảng dạy. Ngài viết, "Nếu tôi không thể tiếp tục ở đây, thì không còn cơ hội nào cho tôi ở Đức nữa. Tôi đã trở thành một người lạ trên thế giới này".
Đan viện trưởng của Beuron, Walzer, giờ đây, không còn ngăn cản ngài vào đan viện Cát Minh nữa. Khi còn ở Speyer, ngài đã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời rồi. Năm 1933, ngài đã gặp nữ đan viện trưởng Dòng Cát Minh ở Cologne. "Các hoạt động của con người không thể giúp chúng ta, nhưng chỉ có sự đau khổ của Chúa Kitô mới có thể. Tôi muốn chia sẻ điều đó".
Edith trở lại Breslau lần cuối để tạm biệt mẹ và gia đình ngài. Ngày cuối cùng ở nhà là sinh nhật của ngài, ngày 12 tháng 10, và cũng là ngày cuối cùng của Lễ Nhà Tạm. Edith đến nhà hội với mẹ. Đó là một ngày nặng nề đối với cả hai người phụ nữ. Mẹ ngài hỏi,"Tại sao con lại phải biết nó [Kitô giáo]? Mẹ không muốn nói bất cứ điều gì chống lại ông ta. Ông ta có thể là một người rất tốt. Nhưng tại sao ông ta lại tự cho mình là Thiên Chúa?" Mẹ của Edith bật khóc. Ngày hôm sau Edith lên chuyến tàu hỏa đến Cologne. "Tôi không cảm thấy bất cứ niềm vui say sưa nào. Những gì tôi vừa trải qua thật quá khủng khiếp. Nhưng tôi cảm thấy một sự bình an sâu sắc - nơi trú ẩn an toàn của thánh ý Thiên Chúa". Từ giờ trở đi, tuần nào ngài cũng viết thư cho mẹ, dù chưa bao giờ nhận được hồi âm. Thay vào đó, chị gái Rosa đã gửi tin tức về bà từ Breslau. Sau này, chính chị Rosa cũng sẽ trở lại Công Giáo và phục vụ như một giáo dân tại Đan Viện nơi ngài tu trì.
Edith gia nhập Đan viện Cát Minh ở Cologne vào ngày 14 tháng 10, và lễ mặc áo Dòng của ngài diễn ra vào ngày 15 tháng 4 năm 1934. Thánh lễ được cử hành bởi Đan viện trưởng của Beuron. Edith lúc này có tên là Sơ Teresia Benedicta a Cruce – (Teresa Benedicta Thánh giá). Năm 1938, ngài viết: "Tôi hiểu Thập giá là số phận của dân Thiên Chúa, điều này đã bắt đầu rõ ràng vào thời điểm đó (năm 1933). Tôi cảm thấy những ai hiểu Thập giá của Chúa Kitô nên gánh lấy thập giá ấy thay mặt mọi người. Tất nhiên, bây giờ tôi biết rõ hơn ý nghĩa của việc được kết hôn với Chúa trong dấu thập giá. Tuy nhiên, người ta không bao giờ hiểu được điều đó, bởi vì nó là một mầu nhiệm". Vào ngày 21 tháng 4 năm 1935, ngài khấn tạm. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1936, việc lặp lại lời khấn của ngài trùng với cái chết của mẹ ngài ở Breslau. "Mẹ tôi đã giữ vững đức tin của người cho đến giây phút cuối cùng. Nhưng vì đức tin của và niềm tín thác vững chắc vào Thiên Chúa của người... là điều cuối cùng vẫn còn sống trong lúc cái chết của người xông tới, tôi tin rằng người sẽ gặp được một thẩm phán rất nhân từ và giờ đây người là người trợ giúp trung tín nhất của tôi, để tôi cũng có thể đạt được mục tiêu".
Khi khấn vĩnh viễn vào ngày 21 tháng 4 năm 1938, ngài đã trích lời lẽ của Thánh Gioan Thánh Giá trong tấm hình kỷ niệm của mình: "Từ nay, ơn gọi duy nhất của tôi là yêu thương". Tác phẩm cuối cùng của ngài dành cho vị thánh này.
Việc gia nhập Dòng Cát Minh của Edith không phải là một cuộc thoát ly. “Những ai gia nhập Dòng Cát Minh không phải là những mất mát đối với những người thân cận và thân yêu, nhưng là những người chiếm được cho họ, vì ơn gọi của chúng tôi là cầu bầu cùng Thiên Chúa cho mọi người”. Cách riêng, ngài cầu xin Thiên Chúa cho dân tộc của ngài: "Tôi luôn nghĩ đến Nữ hoàng Étte, người đã bị lấy đi khỏi dân tộc của ngài, chính vì Thiên Chúa muốn ngài khẩn khoản xin cùng đức vua thay cho dân tộc mình. Tôi là một Étte bé nhỏ rất khốn cùng và bất lực, nhưng Đức Vua đã chọn tôi là người vĩ đại và nhân từ vô cùng. Đó là niềm an ủi lớn lao" (31 tháng 10 năm 1938).
Vào ngày 9 tháng 11 năm 1938, chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc xã đã trở nên rõ ràng với toàn thế giới. Các hội đường Do Thái bị đốt cháy, và người Do Thái phải chịu sự khủng bố. Nữ đan viện trưởng của Đan viện Cát Minh ở Cologne đã làm hết sức mình để đưa Sơ Teresia Benedicta a Cruce và chị Rosa của ngài ra nước ngoài. Vào đêm giao thừa năm 1938, ngài được đưa lậu qua biên giới vào Hòa Lan, vào Đan viện Cát Minh ở Echt thuộc tỉnh Limburg. Đây là nơi ngài đã viết di chúc của mình vào ngày 9 tháng 6 năm 1939: "Ngay lúc này tôi chấp nhận cái chết mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tôi trong sự phục tùng hoàn toàn và với niềm vui như là thánh ý thánh thiện nhất của Người dành cho tôi. Tôi cầu xin Chúa chấp nhận đời tôi và sự chết của tôi... để Chúa được dân Người chấp nhận và Nước Người đến trong vinh quang, vì sự cứu rỗi của nước Đức và hòa bình của thế giới".
Khi ở trong đan viện Cologne, Edith đã được phép bắt đầu lại việc nghiên cứu học thuật của ngài. Trong số nhiều trước tác khác, ngài đã viết về “Cuộc sống của một gia đình Do Thái” (tức là gia đình của chính ngài): “Tôi chỉ muốn tường trình những gì tôi đã trải qua với tư cách là một phần của nhân tính Do Thái” ngài viết và nhấn mạnh rằng “chúng tôi, những người lớn lên trong đạo Do Thái có nhiệm vụ làm chứng... cho thế hệ trẻ, những người đã được dưỡng dục trong lòng hận thù chủng tộc từ thuở ấu thơ”.
Tại Echt, Edith vội vã hoàn tất cuộc nghiên cứu của mình về “Vị Thầy Huyền nhiệm của Giáo Hội và là Cha của Các Đan sĩ Cát Minh, Gioan Thánh giá, nhân dịp Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ngài, 1542-1942”. Năm 1941, ngài viết cho một người bạn, cũng là một thành viên trong Dòng của ngài : “Người ta chỉ có thể đạt được scientia crucis (khoa học thập giá) nếu họ đã trải nghiệm thập giá hoàn toàn. Tôi xác tín điều này ngay từ giây phút đầu tiên trở đi và đã nói bằng cả trái tim mình: ‘Ave, Crux, Spes unica’ (Hỡi cây thập giá, tôi xin chào đón bạn, Niềm Hy vọng duy nhất của chúng tôi)”. Cuốn nghiên cứu của ngài về Thánh Gioan Thánh giá có tựa đề: Kreuzeswissenschaft (Khoa học Thập giá).
Edith bị Gestapo bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 1942, khi ngài đang ở trong nhà nguyện với các chị em khác. Ngài phải trình diện trong vòng năm phút, cùng với chị gái Rosa, người cũng đã trở lại đạo và đang phục vụ tại Đan viện Echt. Những lời cuối cùng của ngài được nghe thấy ở Echt được ngỏ cùng chị Rosa: “Hãy đến, chúng ta ra đi vì dân tộc của chúng ta”.
Cùng với nhiều Kitô hữu gốc Do Thái khác, hai phụ nữ được đưa đến một trại chuyển tiếp ở Amersfoort và sau đó đến Westerbork. Đây là một hành động trả đũa đối với lá thư phản đối do các Giám mục Công Giáo Rôma Hòa Lan viết nhằm chống lại các cuộc tấn công và trục xuất người Do Thái. Edith nhận xét: “Tôi không bao giờ biết rằng người ta lại có thể như thế này, tôi cũng không biết rằng anh chị em của tôi sẽ phải đau khổ như thế này.... Tôi cầu nguyện cho họ mỗi giờ. Thiên Chúa có nghe lời cầu nguyện của tôi không? Chắc chắn Người sẽ nghe họ trong cơn túng quẫn của họ”. Giáo sư Jan Nota, người rất gắn bó với ngài, sau này viết rằng: “Ngài là nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa”.
Vào sáng sớm ngày 7 tháng 8, 987 người Do Thái bị đưa đến trại Auschwitz. Có lẽ là vào ngày 9 tháng 8, Sơ Teresia Benedicta a Cruce, chị gái của ngài và nhiều người khác của ngài đã bị giết bằng hơi ngạt.
Khi Edith được phong chân phước tại Cologne vào ngày 1 tháng 5 năm 1987, Giáo hội tôn vinh “một người con gái của Israel”, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu, “người, trong tư cách Công Giáo thời Đức Quốc xã đàn áp, luôn trung thành với Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và, trong tư cách một người Do Thái, luôn trung thành với dân tộc của ngài trong một lòng trung thành đầy yêu thương”.
Nguồn:Teresa Benedict of the Cross Edith Stein (1891-1942) – biography [vatican.va]
Kỳ tới: Edith Stein và cuộc tranh cãi quanh phúc tử đạo của bà