TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Edith Stein và cuộc tranh cãi quanh phúc tử đạo của ngài

Thứ ba - 05/10/2021 21:35 |   1253
 Edith Stein và cuộc tranh cãi quanh phúc tử đạo của ngài

 Edith Stein và cuộc tranh cãi quanh phúc tử đạo của ngài

Vũ Văn An
 
Theo Từ điển mở Wikipedia, Edith Stein gia nhập Đan viện Cátminh Không đi giầy St. Maria vom Frieden (Đức Bà Hòa Bình) ở Cologne-Lindenthal tháng 10 năm 1933 và lấy tên dòng là Teresia Benedicta a Cruce (Teresa Benedicta Thánh Giá). Tại đây, ngài viết cuốn siêu hình học Endliches und ewiges Sein (Hữu thể Hữu hạn và Vô hạn) nhằm phối hợp các nền triết học của Thánh Tôma Aquinô, của Duns Scotus và của Husserl.

Và trong thời gian ở Echt, Hòa Lan, bà viết cuốn Studie über Joannes a Cruce: Kreuzeswissenschaft (Nghiên cứu về Thánh Gioan Thánh Giá: Khoa học Thập giá). Trong di chúc của bà ngày 9 tháng 6 năm 1939, bà viết:

“Tôi nài xin Chúa chấp nhận đời tôi và cái chết của tôi... vì mọi âu lo của trái tim rất thánh Chúa Giêsu và Đức Maria và Hội thánh, nhất là vì sự duy trì dòng tu thánh thiện của chúng tôi, nhất là các đan viện Cátminh của Cologne và Echt, như việc xá tội cho tội bất tín của Dân Do Thái và để Chúa được chính dân riêng của Người chấp nhận và Nước Người đến trong vinh quang, vì sự cứu rỗi nước Đức và hòa bình thế giới, sau cùng vì các người thân yêu của tôi, còn sống hay đã qua đời, và vì mọi người Thiên Chúa đã ban cho tôi: xin đừng ai trong số họ bị xa lạc”.

Việc Edith chuyển tới Ech càng làm cho ngài đạo đức hơn và giữ luật dòng nhiều hơn. Sau khi bị rút giấy phép dạy học do việc thực thi Luật Phục hồi Công vụ Chuyên nghiệp, Edith quay trở lại với việc giảng dạy Latinh và triết học ngay trong đan viện cho các nữ tu và sinh viên khác trong cộng đồng.

Ngay trước cuộc chiếm đóng Hòa Lan của Quốc xã, Edith vẫn đã tin rằng ngài sẽ không sống thoát chiến tranh, đến nỗi đã viết cho Mẹ Bề Trên để yêu cầu được Mẹ cho phép ngài “hiến mình cho trái tim Chúa Giêsu như của lễ xá tội cho nền hòa bình đích thực” và ngài đã viết di chúc. Các chị em trong Đan viện sau này thuật lại Edith, sau khi Quốc Xã xâm chiếm Hòa Lan tháng 5 năm 1940, đã bắt đầu “âm thầm tự huấn luyện mình sống đời sống trong trại tập trung, bằng cách chịu lạnh và đói ra sao”.

Quả tình, ngài không được yên ổn trên đất Hòa Lan. Ngày 20 tháng 7 năm 1942, Hội đồng Giám mục Hòa Lan cho đọc tại các nhà thờ toàn quốc thư luân lưu lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Quốc Xã. Để trả đũa, ngày 26 tháng 7 năm 1942, Reichskommissar của Hòa Lan, Arthur Seyss-Inquart, ra lệnh bắt giam mọi tân tòng gốc Do Thái, trước đây vốn được dung thứ. Cùng với 243 người Do thái đã chịu phép rửa đang sinh sống tại Hòa Lan, Edith bị SS bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 1942. Edith cùng chị Rosa bị giam ở các trại tập trung Amersfoort và Westerbork trước khi được chở tới Auschwitz. Một viên chức Hòa Lan tại trại Westerbork xúc động trước đức tin và sự thanh thản của ngài, đã hiến kế để ngài đào thoát, nhưng ngài bác bỏ, nói rằng “Nếu ai đó can thiệp vào thời điểm này và lấy mất của ngài cơ may chia sẻ số phận với anh chị em của ngài, thì đó là một cuộc hủy diệt hoàn toàn”.

Ngày 7 tháng 8, 1942, vào sáng sớm, 987 người Do Thái bị chở tới trại tập trung Auschwitz. Ngày 9 tháng 8, Edith và chị Rosa cùng nhiều người Do Thái khác đã bị giết tập thể bằng hơi ngạt.

Giáo Hội Công Giáo coi ngài chết vì Đạo và đã phong thánh cho ngài dưới chính nghĩa này. Nhưng việc này bị nhiều giới Do Thái phản đối. Họ lập luận rằng ngài bị giết vì đã sinh ra là người Do Thái, chứ không phải vì đức tin Công Giáo. Đàng khác, như giáo sĩ Daniel Polish phát biểu, việc phong thánh cho ngài xem ra “mang theo sứ điệp ngầm nhằm khuyến khích các hoạt động cải đạo” vì “cuộc thảo luận chính thức của án phong thánh xem ra đã phối hợp đức tin Công Giáo của Stein với cái chết cùng với ‘đồng bào Do Thái’ ở Auschwitz”. Lập trường của Giáo Hội Công Giáo là Thánh Teresa Benedicta cũng chết do việc các Giám mục Hòa lan kết án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Quốc Xã năm 1942.



Lập trường đó được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II long trọng tuyên bố trong nghi thức Phong Chân phúc cho bà. Thực vậy, như phần trên đã nói, ngày 1 tháng 5, 1987, dịp đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng:

“Chúng ta cúi đầu trước chứng từ cuộc đời và cái chết của Edith Stein, người con gái xuất chúng của Israel và đồng thời là người con gái của Dòng Cátminh, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá, một nhân cách từng kết hợp trong cuộc sống phong phú của mình một tổng hợp đầy bi hùng của thế kỷ ta. Đó là một tổng hợp lịch sử đầy các vết thương sâu hoắm vẫn còn đang làm chúng ta đau đớn... và cũng là một tổng hợp của sự thật trọn vẹn về con người. Tất cả những điều này kết hợp với nhau trong trái tim đơn nhất mãi thổn thức và không thoả mãn cho tới khi tìm được nghỉ ngơi trong Thiên Chúa”.

Và ngày 11 tháng 10 năm 1998, trong nghi thức phong hiển thánh cho ngài tại Vatican, Thánh Gioan Phaolô II cũng nói lại lập trường ấy một lần nữa. Ngài nói: “Ngày 1 tháng 5 năm 1987, khi viếng thăm mục vụ Nước Đức, tôi đã được niềm vui phong chân phước cho chứng tá đức tin đầy quảng đại này ở thành phố Cologne. Hôm nay, 11 năm sau, tại Rôma, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, tôi lại có thể long trọng trình diện người con gái ưu tú của Israel và người con gái tín trung của Giáo hội như một vị thánh với toàn thể thế giới”.

Xa hơn chút nữa, ngài nói “Từ nay trở đi, khi chúng ta cử hành việc tưởng niệm vị thánh mới này từ năm này qua năm nọ, chúng ta cũng phải nhớ biến cố Diệt chủng (the Shoah), cái kế hoạch tàn ác nhằm tận diệt một dân tộc, một kế hoạch theo đó hàng triệu anh chị em Do Thái của chúng ta trở thành nạn nhận. Xin Chúa cho nhan thánh Người chiếu soi họ và ban cho họ bình an”. Nhân dịp này, ngài kêu gọi chấm dứt các việc làm tàn ác như thế đối với bất cứ nhóm sắc tộc hay chủng tộc nào.

Nói thế rồi, đức Gioan Phaolô II ngầm cho thấy kể từ lúc tìm ra sự thật và sự thật ấy có tên là Giêsu Kitô, thì Ngôi Lời Nhập Thể là Đấng Duy Nhất và Là Tất Cả đối với Edith Stein. Nguyên khía cạnh này, ngài đã xứng đáng được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo rồi.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, người cháu ruột của ngài là Suzanne Batzdorff, người đã trốn thoát Quốc Xã và di cư qua Hoa Kỳ năm 1939, đã tham dự cả hai buổi lễ phong chân phúc và phong thánh cho ngài, mặc dù, theo New York Times, (https://archive.nytimes.com/www.nytimes.com/library/world/europe/101198canonization.html), bà này từng đặt câu hỏi: “nếu Quốc Xã bách hại Giáo Hội Công Giáo, tại sao chúng không bắt giam hàng giáo sĩ đã viết lá thư ấy. Thay vào đó, chúng lại lùng bắt các tân tòng Do Thái?”.

Theo Los Angeles Times (https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1987-05-01-mn-1922-story.html), sau khi tham dự nghi thức phong chân phúc ở Cologne, Suzanne nói rằng cô của bà bị giết vì là người Do Thái: “Bà chết vì bà là một người Do Thái và bà chết vì bà tin vào đức tin Công Giáo của bà, nhưng nếu bà không có hậu cảnh Do Thái, có thể bà không bị giết. Đó vẫn là niềm tin của tôi. Tôi tin bà là một vị tử đạo của Do Thái, một trong 6 triệu người”.

Mười một năm sau, được mời tham dự nghi thức phong thánh cho người cô tại Rôma, cũng do Đức Gioan Phaolô II chủ tế, Suzanne tự hỏi có nên tham dự không và bà đã tham dự cùng với 96 thành viên khác trong đại gia đình Stein, nhiều hơn số 21 người tham dự nghi lễ phong chân phúc, chắc hẳn có cả người em trai của bà, người mà theo bà đã từ khước không tham dự nghi lễ phong chân phúc.

Suzanne không giải thích lý do của sự tham dự đông đảo ấy và trong bài viết cho Tạp chí America hồi năm 1999 (https://www.americamagazine.org/faith/1999/02/13/edith-steins-niece-what-her-canonization-means-catholic-jewish-dialogue), bà cũng không trả lời rõ rệt các câu hỏi người ta đặt ra cho bà trong dịp này như: “Bà có thay đổi tâm trí gì không?”; “Bà có cảm thấy Giáo hội có tiến bộ gì không từ hồi ấy?”; “Bà cảm thấy vinh dự, hân hoan, giận dữ?”

Riêng câu hỏi cuối cùng, Suzanne cho rằng “được mời tham dự lễ phong thánh cho Edith Stein trong tư cách một trong những người thân thiết nhất của bà hiển nhiên là một vinh dự, nhưng nó cũng gợi lên nhiều hoài niệm đau lòng của quá khứ”.

Một trong những hoài niệm ấy là lúc còn học tiểu học tại một trường Kitô giáo: mặc dù được miễn làm dấu thánh giá và đọc kinh và cả học giáo lý như các học sinh khác, nhưng bà vẫn được nghe các học sinh khác cho bà hay: người Do Thái giết Chúa Giêsu. Hoài niệm đau lòng thứ hai là việc Đức Piô XI từ chối cho cô của bà yết kiến và dường như đã không thèm đọc lá thư cô của bà viết cho ngài, khẩn khoản xin ngài lên tiếng kết án Quốc Xã. Suzanne bác bỏ ý kiến cho rằng Thông điệp Mit Brennender Sorge, công bố 1937, kết án chủ nghĩa Bài Do Thái, là câu trả lời của Đức Piô XI cho lá thư của Edith Stein. Vì thông điệp này chỉ được ban hành 4 năm sau lá thư và không hề nhắc đến người Do Thái.

Theo bà, Đức Piô XI có trao cho linh mục John LaFarge, Dòng Tên và 2 linh mục Dòng Tên khác soạn một thông diệp về chủ đề được Edith Stein đề cập tới năm 1933, nhưng thông điệp này không bao giờ được ban hành cả và việc soạn thảo nó chỉ được biết đến năm 1997. Vả lại, bản dự thảo vẫn không vứt bỏ các thiên kiến của quá khứ đến nỗi Jan H. Nota, một linh mục Dòng Tên, người Hòa Lan, từng nghiên cứu bản văn của dự thảo thông điệp dưới tên Humani Generis Unitas (“Tính Đơn nhất của Nhân loại”),thấy một nền thần học lỗi thời đến độ “tạ ơn Chúa khi dự thảo này vẫn chỉ là một dự thảo”.

Suzanne cho rằng chính những khiếp đảm của biến cố Diệt Chủng đã đem lại các thay đổi sâu rộng bắt đầu với quyết định triệu tập Vatican II của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Vatican II đã mở ra mối liên hệ mới với người Do Thái qua “Tuyên Ngôn về Mối Liên hệ của Giáo Hội với Các Tôn giáo không phải Kitô giáo”.

Vị giáo hoàng được Suzanne ca ngợi chính là Đức Gioan Phaolô II, người “đã cố gắng bắc các cây cầu nơi mà từ trước đến nay có những hố phân cách xem ra không thể nào bắc cầu qua được”. Bà kể lại các hành động của vị giáo hoàng này: năm 1986 viếng thăm đại hội đường Do Thái tại Rôma, nơi ngài ngỏ lời với người Do Thái là “các anh trưởng của chúng tôi”; lắng nghe quan tâm của người Do Thái; du hành nơi nào cũng tìm gặp đại diện cộng đồng Do Thái địa phương; năm 1993, thiết lập liên hệ ngoại giao với Israel; năm 1994, bảo trợ buổi hòa nhạc tưởng niệm Biến Cố Diệt Chủng.

Riêng văn kiện “Chúng ta Tưởng niệm: Một Suy tư về Nạn Diệt Chủng” của Tòa Thánh công bố ngày 16 tháng 3 năm 1998, 1 văn kiện cần đến 11 năm để soạn thảo, dù cho rằng phản ứng khởi đầu của phía Do Thái là lẫn lộn, vì vẫn chỉ nhận lỗi về phía cá nhân người Công Giáo, chưa đụng tới Giáo hội như một định chế, nhưng Suzanne xem ra có cảm tình và cho rằng những ai nghiêm túc nghiên cứu mối liên hệ Do Thái và Công Giáo sẽ thấy văn kiện này “dù bất toàn, vẫn đại diện cho một bước quan trọng trên con đường dẫn tới cởi mở lớn lao hơn”.

Và đó cũng là mục tiêu của Suzanne vì bà cho rằng “trong 11 năm từ ngày phong chân phước, tôi đã phiên dịch các bản văn của và nói về Edith Stein, và chính tôi cũng đã viết và nói chuyện về đời sống và việc làm của bà. Tôi cũng cố gắng tạo ra việc hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa các cộng đồng Do Thái và Công Giáo”.

Nhận định sau cùng của Suzanne là “Một cách nhỏ bé, gia đình của Edith Stein phản chiếu toàn bộ gia đình nhân loại. Giống như các thành viên của gia đình Stein có thể cùng nhau đến dự lễ phong thánh bất chấp các hậu cảnh và niềm tin khác nhau của họ thế nào, thì người Do Thái và các Kitô hữu cũng có thể đến với nhau trong một bầu không khí hòa bình và thiện chí như vậy...

“Các Kitô hữu và người Do Thái đã đi được một bước thật dài để gần gũi nhau và hiểu nhau hơn, nhưng công việc của chúng ta chưa kết thúc. Chúng ta cần học hỏi về các niềm tin và cả ý thức hệ của nhau bằng một tâm trí cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, nhìn nhận nơi người khác quyền được khác nhau, được thờ phượng khác nhau”.

Thực ra, ý nguyện của Edith Stein vẫn là dân tộc bà nhìn nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng đường dẫn đến đó chắc chắn không phải là cố gắng cải đạo (proselytizing) mà là tựa vào lòng nhân hậu và ơn thánh của Thiên Chúa và “sự hy sinh” của ta. Suzanne không hẳn không nghĩ như thế khi bà quả quyết rằng “Dân tộc Do Thái không thể tha thứ cho những kẻ phạm tội Diệt Chủng hay những người im lặng đứng nhìn... Tuy nhiên, chúng tôi có thể lắng nghe các mea culpa [lỗi tại tôi] của những người thực sự thống hối và để sự tha thứ lại cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta xét quá khứ và trung thực nhìn nhận lỗi lầm của mình, chúng ta có thể vững tin tiến về phía trước và cùng nhau đạt các mục tiêu chung. Và với phúc lành của Thiên Chúa, chúng ta có thể lo chu toàn trách vụ tikkun olam— hàn gắn thế giới”.

Trên đây, Wikipedia có trích dẫn lời giáo sĩ Daniel Polish phát biểu về việc ông lo âu trước viễn ảnh Công Giáo dùng việc phong thánh cho Edith Stein như một mưu toan cải đạo. Nhưng theo Suzanne, Đức Hồng Y William Keeler của Baltimore, năm 1987, quả quyết rằng không phải thế, “Trái lại, nó thúc giục chúng tôi cân nhắc ý nghĩa tôn giáo liên tục của các truyền thống Do Thái mà với chúng, chúng tôi có nhiều điều chung, và tiếp cận người Do Thái không như các ‘đối tượng’tiềm ẩn để cải đạo mà đúng hơn như những người làm chứng cách độc đáo cho Danh Thiên Chúa Duy Nhất, Thiên Chúa của Israel”.

Suzanne cũng cho rằng Đức Hồng Y Keeler còn trích dẫn nhận định của Giáo sĩ Daniel Polish trong tuyển tập Never Forget: Christian and Jewish Perspectives on Edith Stein: “Dù chúng ta không thể ủng hộ ý niệm coi Edithh Stein như cầu nối [giữa người Do Thái và người Công Giáo], nhưng chúng ta có thể coi dịp phong thánh cho bà như mở cửa cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa”. Phần còn lại dĩ nhiên là của Thiên Chúa.

Theo New York Times, đơn chính thức xin phong thánh cho Edith Stein đã có từ năm 1962 khi án phong thánh cho bà được mở tại tòa án giáo hội ở Cologne. Thoạt đầu, các giáo sĩ dựa án phong thánh trên cơ sở “nhân đức anh hùng”, một điều đòi không những cuộc sống gương mẫu mà còn cần phép lạ nữa.

Cũng theo tờ New York Times, án phong thánh của bà là một trong những án đầu tiên được hưởng lợi ích từ cuộc cải tổ năm 1983 về việc phong thánh. Trong số những cải tổ này, có điều khoản không đòi một phép lạ cho trường hợp tử đạo để được phong chân phúc. Chính vì thế, cũng năm 1983, hàng giám mục Đức và Ba Lan thỉnh cầu Tòa Thánh coi Edith Stein như một vị tử đạo. Thế là chỉ trong vòng 4 năm sau đó, tức năm 1987, bà được phong chân phúc.

Còn phép lạ, vẫn cần để được phong hiển thánh cho bà, diễn ra cũng trong năm 1987. Người được hưởng phép lạ là Benedicta McCarthy. Em bé này, vốn được đặt tên theo Nữ Tu Teresia Benedicta, lúc lên hai tuổi rưỡi, vô tình nuốt một lượng lớn paracetamol (acetaminophen), gây ra chứng hoại tử gan (hepatic necrosis). Người cha em bé, Emmanuel Charles McCarthy, một linh mục theo nghi lễ Melkite Công Giáo Hy Lạp, lập tức kêu gọi thân nhân cùng nhau xin Nữ Tu Teresia cầu bầu. Chỉ ít lâu sau đó, các y tá ở khu chăm sóc tận tình (icu) thấy cô bé ngồi dậy và khỏe mạnh, như người bình thường. Ronald Kleinman, bác sĩ chuyên nhi khoa của Bệnh Viện Tổng Quát Massachusetts ở Boston, người chữa trị cho em bé, làm chứng trước tòa án Giáo Hội rằng “Tôi sẵn lòng nói rằng đây là một phép lạ”.

Kỳ sau: Triết học của Edith Stein
 

Vietcatholic News
 Tags: các thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây