TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VII Thường Niên -Năm C

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”. (Lc 6, 27-38)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo lý cho bài giảng Chúa Nhật 7 TN -C

Thứ năm - 20/02/2025 09:38 | Tác giả bài viết: Văn Việt (tổng hợp) |   66
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 7 Thường Niên năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Giáo lý cho bài giảng Chúa Nhật 7 TN -C

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN NĂM C



 

NỘI DUNG CHÍNH

Số 210-211: Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Số 1825, 1935, 1968, 2303, 2647, 2842-2845: Tha thứ cho kẻ thù

Số 359, 504: Đức Kitô là Ađam mới

Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

Bài Ðọc II: 1Cr 15, 45-49

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

 

Số 210-211: Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Số 210. Sau khi dân Israel phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ con bê bằng vàng[1], Thiên Chúa đã nghe lời chuyển cầu của ông Môisen và chấp nhận đồng hành giữa đám dân bất trung, qua đó biểu lộ tình yêu của Ngài[2]. Khi ông Môisen xin được thấy vinh quang Thiên Chúa, Ngài trả lời: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Chúa [YHWH] trước mặt ngươi" (Xh 33,18-l9). Và Chúa đi qua trước mặt ông Môisen và hô to: “Chúa, Chúa [YHWH,YHWH], Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6). Lúc đó ông Môisen tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa hay tha thứ[3].

Số 211. Thánh Danh “Ta Hiện Hữu” hoặc “Đấng Hiện Hữu” diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng “giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,7) cho dù con người có bất trung, tội lỗi, đáng phải trừng phạt. Thiên Chúa mạc khải rằng Ngài “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), đến noi trao ban chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu, khi hiến mạng sống mình để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sẽ mạc khải rằng chính Người mang danh thánh của Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là ‘Tôi Hiện Hữu’” (Ga 8,28).

 

Số 1825, 1935, 1968, 2303, 2647, 2842-2845: Tha thứ cho kẻ thù

Số 1825. Đức Kitô đã chịu chết vì yêu mến chúng ta, khi chúng ta còn là “thù nghịch” (Rm 5,10). Chúa đòi chúng ta rằng, cũng như Người, chúng ta phải yêu mến cả kẻ thù của chúng ta[4], rằng chúng ta phải trở thành người lân cận cho những kẻ ở xa nhất[5], rằng chúng ta phải yêu thương trẻ em[6] và người nghèo như chính Người[7].

Thánh Tông Đồ Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Số 1935. Sự bình đẳng giữa con người với nhau chủ yếu dựa trên phẩm giá cá vị và các quyền phát xuất từ phẩm giá đó:

“Trong những quyền căn bản của cá vị, phải vượt lên trên và loại bỏ mọi cách thức kỳ thị hoặc xã hội hoặc văn hóa, phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa”[8].

Số 1968. Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề Luật. Bài giảng của Chúa không hủy bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng rút ra những sức mạnh còn ẩn kín của chúng, và làm cho từ nơi chúng phát sinh ra những đòi hỏi mới: Luật Tin Mừng mạc khải toàn bộ chân lý thần linh và nhân linh của Luật cũ. Luật mới không thêm những mệnh lệnh mới từ bên ngoài, nhưng đi đến chỗ biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế[9], nơi hình thành đức tin, đức cậy, đức mến, và cùng với chúng, các nhân đức khác. Như vậy, Tin Mừng đưa Lề Luật tới sự viên mãn của nó nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời[10], nhờ việc tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa[11].

Số 2303. Căm ghét có chủ ý là điều nghịch với đức mến. Căm ghét người lân cận là có tội, khi một người chủ ý muốn điều xấu cho người khác. Căm ghét người lân cận là có tội nặng, khi một người chủ ý muốn cho người khác bị thiệt hại nghiêm trọng. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Số 2647. Chuyển cầu là một lời cầu xin cho những người khác. Lời chuyển cầu không có biên giới và bao trùm cả kẻ thù.

Số 2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[12]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

Số 2843. Như thế, những lời Chúa dạy về tha thứ, nghĩa là về thứ tình yêu “yêu đến tận cùng của tình yêu”[13] là một thực tại sống động. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót, kết thúc giáo huấn của Chúa về cộng đoàn giáo hội[14], được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Thật vậy, ở đó, ở “tận đáy lòng”, mà mọi sự bị cầm buộc hay được tháo cởi. Việc không cảm thấy hay quên đi sự xúc phạm không tuỳ thuộc khả năng chúng ta; nhưng một khi trái tim biết tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ biết biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.

Số 2844. Kinh nguyện Kitô giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù[15]. Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trái tim nào hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giêsu về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ[16] và giữa con người với nhau[17].

Số 2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[18]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[19]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[20]:

“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[21].

 

Số 359, 504: Đức Kitô là Ađam mới

Số 359. “Quả thật, chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mà mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ”[22]:

“Thánh Phaolô cho chúng ta biết có hai người là nguồn gốc của nhân loại, là ông Ađam và Đức Kitô…. Ađam đầu tiên được tạo dựng là một người lãnh nhận sự sống. Còn Ađam cuối cùng là Đấng thiêng liêng ban sự sống. Người đầu tiên được tạo dựng bởi Đấng cuối cùng, do Đấng này, người đầu tiên lãnh nhận linh hồn để được sống…. Khi tạo dựng Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó. Từ đó Ađam cuối cùng đã nhận lấy vai trò và tên gọi của Ađam đầu tiên, để không bỏ mất những gì đã được tạo dựng theo hình ảnh của mình. Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng: Ađam đầu tiên có khởi đầu, Ađam cuối cùng không có kết thúc, bởi vì Đấng cuối cùng này mới thật sự là Đấng đầu tiên, như chính Người đã nói: ‘Ta là Đầu và là Cuối’”[23].

Số 504. Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, bởi vì Người là Ađam mới[24], người khởi đầu công trình tạo dựng mới: “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến” (l Cr l5,47). Ngay từ lúc Người được thụ thai, nhân tính Đức Kitô đã tràn đầy Thần Khí, vì Thiên Chúa “ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34). “Từ nguồn sung mãn của Người”, của Đấng là đầu của nhân loại được cứu chuộc[25] mà “chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga l,l6).

 

Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.

3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. -

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.

 

Bài Ðọc II: 1Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Văn Việt (tổng hợp)

_____

[1] X. Xh 32.

[2] X. Xh 33,12-17.

[3] X. Xh 34,9.

[4] X. Mt 5,44.

[5] X. Lc 10,27-37.

[6] X. Mc 9,37.

[7] X. Mt 25,40.45.

[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 29: AAS 58 (1966) 1048-1049.

[9] X. Mt 15,18-19.

[10] X. Mt 5,48.

[11] X. Mt 5,44.

[12] X. Pl 2,1.5.

[13] X. Ga 13,1.

[14] X. Mt 18,23-35.

[15] X. Mt 5,43-44.

[16] X. 2 Cr 5,18-21.

[17] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, 14: AAS 72 (1980) 1221-1228.

[18] X. Mt 18,21-22; Lc 17,3-4.

[19] X. 1 Ga 3,19-24.

[20] X. Mt 5,23-24.

[21] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 23: CCL 3A, 105 (PL 4, 535-536).

[22] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[23] Thánh Phêrô Kim ngôn, Sermones, 117, 1-2: CCL 24A, 709 (PL 52, 520).

[24] X. 1 Cr 15,45.

[25] X. Cl 1,18.

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-cho-bai-giang-chua-nhat-7-thuong-nien-nam-c

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây