TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hoàn thiện trong Đức Kitô

Thứ hai - 17/10/2022 08:26 | Tác giả bài viết: Nt. Maria Antôn Quỳnh Thoại |   972
Thiên Chúa hoàn hảo, con người tại sao không đạt được điều này?
Hoàn thiện trong Đức Kitô

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 61: HOÀN THIỆN TRONG ĐỨC KITÔ

Hỏi: Thiên Chúa hoàn hảo, con người tại sao không đạt được điều này?

Trả lời:



Con người luôn khát khao sự hoàn hảo

Tôi đã từng đứng thật lâu trước gương để chải tóc. Nhưng đầu tôi vẫn cứ rối.
Tôi đã từng rất chân thành, hết mình với bạn bè. Nhưng vẫn bị phải bội.
Tôi đã từng ngại, chẳng muốn xưng tội. Vì xưng xong rồi lại phạm, cứ như mình đang giỡn mặt với Chúa vậy.

Tôi đã từng cầu xin Chúa hãy lấy lại sự tự do mà Ngài đã ban tặng cho tôi, để tôi không phải chịu trách nhiệm việc mình làm. Nhưng vừa thủ thỉ với Chúa xong, tôi lại xin Ngài đừng có nhận lời. Chỉ là nhiều lúc tôi không biết sử dụng quà tặng này như thế nào cho có ích cho sự rỗi linh hồn mình.

Tôi đã từng nghĩ rằng hoàn hảo là không phạm tội, không vấp ngã, và sự rỗi linh hồn là tùy thuộc vào công sức và nỗ lực sống tốt của riêng mình. Không nổ lực hết mình, tôi trách cứ bản thân. Yến hèn trong tội làm tôi chán nản.

Tôi đã từng ưa thích sự hoàn hảo một cách cực đoan. Tôi muốn mọi sự diễn ra cách tốt đẹp nhất có thể. Và vì thế, tôi rất dễ khó chịu với sự bất toàn, giới hạn của chính mình. Tôi hay tự trách bản thân sao cứ phạm lỗi, cứ va vấp hoài.

Tôi đã từng nghĩ như thế, có thái độ như thế, và sống như thế. Cho đến một ngày tôi gặp em…

Em đang tham gia một cuộc thi hát thánh ca, và em là thí sinh khiếm thị duy nhất trong cuộc thi đó. Ở vòng ba có tên gọi “Vòng Bản Lĩnh”, em buộc phải chọn một ca khúc mới và trình bày ca khúc này theo cách riêng em. Và thế là, em đã chọn một trong những ca khúc mới của tôi. Em gọi điện nhờ tôi chia sẻ đôi điều về tâm tình của bài hát, và tôi được biết em qua âm nhạc.

Em có giọng hát rất ngọt ngào. Ngày thi, người ta dìu em lên giữa sân khấu, tôi hồi hộp, sợ em vấp ngã. Tôi sợ em quên lời. Sợ em không nghe được nhạc... Thế nhưng mọi thứ không như nỗi sợ đang diễn ra trong tôi.

Em đứng yên một chỗ. Bản lĩnh. Và làm rung động bao con tim. Chính lúc ấy, tôi thấy em thật hoàn hảo trong giới hạn của chính mình. Vì sao tôi nói vậy?

Vì em đã không sợ. Em sống với tâm tình bài hát, và em hát với hết tâm tình. Lời ca không trau chuốt nhưng bình dị như một lời tự sự, chuyện trò cùng Chúa. Có vài chỗ trong bài hát em xử lý chưa tốt lắm, nhưng tiếng vỗ tay của mọi người thì rất nồng nhiệt. Em đã làm cả khán phòng lắng động, và tôi nghĩ, đối với một nghệ sĩ, đó là một tiết mục hoàn hảo. Tôi bắt đầu tò mò, và tìm hiểu về em ở các vòng thi trước. Và tôi được đánh động. Có một phỏng vấn nhỏ sau bài dự thi dành cho em. Khi được hỏi: “nếu Chúa tiếp tục gửi cho bạn những khó khăn thử thách, thì bạn vẫn cảm ơn Chúa chứ?” Em đã trả lời một cách xác tính rằng: DẠ CÓ. Và em giải thích: “khi Chúa trao cho em một cây thánh giá nặng, thì Chúa sẽ đồng hành cùng với em…”

Thật sự lúc đó, tôi thán phục em! Có lẽ trong mắt nhiều người, em không may mắn. Cuộc đời em không hoàn hảo. Nhưng với tôi, em rất khác. Tuy em không nhìn thấy mình, nhưng lại biết mình, và đã ôm lấy sự giới hạn của bản thân như thánh giá Chúa dành cho em. Chính lúc ấy, tôi thấy em thật hoàn hảo.

Em hoàn hảo, vì biết dùng đôi mắt đức tin để nhận ra sự đồng hành của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Em hoàn hảo, vì biết tạ ơn Chúa trong thuận cảnh và ngay cả trong nghịch cảnh.
Em hoàn hảo, vì em tin có một Thiên Chúa luôn thấu hiểu em.

Và cứ như thế, em hoàn hảo theo cách của riêng mình: Trong thử thách, đêm tối của thể lý, em tỏa sáng như vì sao trên bầu trời lấp lánh triệu vì sao. Và tôi chợt nghiệm ra một điều: không có sự hoàn hảo tuyệt đối trong cuộc đời này! Con người chỉ có thể hoàn thiện mình hơn mỗi ngày mà thôi. Và quả thật, đó cũng là lời mời gọi của Chúa Giê Su, khi ngài nói “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt.3:48).

Con người được mời gọi để nên hoàn thiện

Tôi lật lại Kinh Thánh, và đọc thật chậm lời mời gọi này:

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5,43–48)

Chính Chúa Giê Su đã trả lời cho ta biết rằng, nên hoàn thiện là một ơn gọi dành cho tất cả mọi người, điều kiện căn bản để nên hoàn thiện, đó là phải có tình yêu thương (Mt 5,38) Thật vậy, tình yêu dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu sẽ làm mọi người, mọi sự trở nên hoàn thiện. Bởi nơi tình yêu Chúa, “yêu thương chưa bao giờ vắng bóng, tha thứ chưa bao giờ là điều không thể, và chưa từng có ai bị lãng quên.” (Azgraybebly Josland).

Tình yêu Chúa là thế. Hoàn hảo trong bao dung, tha thứ, luôn muốn ôm tất cả quy về Ngài, để hưởng hạnh phúc viên mãn. Tình yêu con người tuy không bền vững và giới hạn, nhưng cũng là nguồn động lực giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống để đến với ngưỡng giá trị mình khao khát, mong chờ. Giá trị đó có thể là một đối tượng, một người ta thương, hay một ngành nghề ta yêu thích, hoặc một phạm trù nào đó trong cuộc sống. Mục tiêu chính yếu của những giá trị này, cũng là mang đến cho con người hạnh phúc, và đó cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa: Dù trong bất kỳ bậc sống nào: hãy hạnh phúc! Và một điều chắc chắn, là chúng ta không thể hạnh phúc, nếu không có Chúa.

Con người cần Chúa để nên hoàn thiện

Tôi rất ấn tượng câu nói này “Thiên Chúa có thể chữa lành một con tim tan vỡ, nhưng điều bạn cần làm là dâng hết cho Ngài những mảnh vỡ ấy”. (Khuyết Danh). Chắc có thể nhiều người nghĩ tôi thật điên rồ, nhưng với tôi, một con tim bị tổn thương vì yêu thì quý giá hơn một con tim khép kín, vô tâm. Điều con người cần là được chữa lành. Nói một cách mạnh mẽ hơn, chúng ta cần Chúa để nên hoàn thiện. Và chỉ một lý do duy nhất dưới đây thuyết phục tôi cần Người, đó là tôi tin Người là Đấng hoàn hảo, và là nguồn của sự thiện toàn. Tôi cần Người là điểm xuất phát cho mọi nỗ lực, và động lực cho mỗi bước tiến trên đường hoàn thiện bản thân.
Thật vậy, chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, là Đấng hoàn hảo. Chúng ta giống Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng “hoàn toàn khác” với chúng ta. Do đó, con người chúng ta không hoàn hảo như Thiên Chúa là điều hiển nhiên.

Mặc dù vậy, con người vẫn được Thiên Chúa mời gọi trở nên hoàn thiện nhờ, với, và trong Chúa. Vì “con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”. (GLHTCG 27). Một khi con người được kết hợp với Thiên Chúa qua đức tin, đức cậy, và đức mến, thì dù chúng ta có thức dậy với mớ tóc rối bù, bị phản bội dù chân thành, hay là một con người cứ sa đi ngã lại trong tội… nếu biết quay về bên Chúa, thành tâm hối lỗi và làm lại cuộc đời, chắc chắn, chúng ta sẽ tìm thấy bình an, và hạnh phúc. Và cuộc sống đó, đối với tôi, được xem là hoàn hảo rồi.

Ước gì những tâm tình trên có thể giúp các bạn thở phào nhẹ nhõm vì bấy lâu nay, ta cứ khắc khoải đi tìm sự hoàn hảo “không tì vết” như Thiên Chúa. Thay vào đó, hãy tìm hoàn thiện bản thân trong Chúa, và với Chúa. Dù gì chăng nữa, tôi cầu chúc các bạn sẽ luôn hạnh phúc trên con đường tìm kiếm sự hoàn hảo cho riêng mình.

Nữ tu Maria Antôn Quỳnh Thoại
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
WHĐ (17.10.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây