TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tại sao chúng ta ngại đi xưng tội

Thứ ba - 25/10/2022 20:48 | Tác giả bài viết: |   1346
Đức ông Krzysztof Nykiel, Phó Toà Ân giải Tối cao, đã đưa ra những câu trả lời cho các lý do "tốt" được đưa ra để viện cho lý do không xưng tội.
Tại sao chúng ta ngại đi xưng tội

Trả lời cho một số lý do khiến chúng ta ngại đi xưng tội

“Những lý do (tốt) để không xưng tội”. Đó là tựa đề bài thuyết trình của Đức ông Krzysztof Nykiel, Phó Toà Ân giải Tối cao, trong khóa học dành cho giáo dân về bí tích Giải tội. Đặt tựa đề như thế, Đức ông muốn kích thích sự hiếu kỳ lành mạnh của các tham dự viên. Và từ đó, Đức ông đã đưa ra những câu trả lời cho các lý do "tốt" được đưa ra để viện cho lý do không xưng tội.

Khoá học hỏi dành cho giáo dân về bí tích giải tội có chủ đề “Các tội của con đã được tha. Cử hành bí tích Giải tội ngày nay,” được tổ chức từ ngày 13-14/10/2022, tại trụ sở Toà Ân giải Tối cao ở Roma.

Để yêu mến và sống bí tích mà không sợ hãi

Đức ông Krzysztof Nykiel, Phó Toà Ân giải Tối cao cho biết khoá học được tổ chức theo yêu cầu của nhiều giáo dân. Toà Ân giải Tối cao đã cân nhắc kỹ mong muốn hiểu rõ hơn về Bí tích Giải tội, tầm quan trọng và sự cần thiết của bí tích này trong đời sống Kitô hữu và đã quyết định cổ võ và tổ chức một sự kiện dành riêng cho bí tích này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã định nghĩa bí tích Giải tội là bí tích của niềm vui, vì qua đó chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng yêu thương và luôn tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta cầu xin Người với tấm lòng chân thành và ăn năn. Do đó, theo Đức ông Nykiel, nguồn gốc và mục đích của khoá học hỏi về bí tích Giải tội dành cho tất cả các tín hữu và đặc biệt là giáo dân, những người thường có ít cơ hội được đào tạo trong lĩnh vực này: để làm cho bí tích được biết đến nhiều hơn và do đó, yêu mến và sống bí tích mà không sợ hãi, nhưng với đức tin chân thành và với lòng nhiệt thành xuất phát từ ý thức rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta.

10 lý do phổ biến thường được các tín hữu nêu lên để không xưng tội

Trong khoá học, Đức ông Nykiel có bài thuyết trình với tựa đề “Những lý do (tốt) để không xưng tội”. Chữ “tốt” được để trong dấu ngoặc nhắm đánh động sự chú ý. Tất nhiên là không có lý do tốt nào mà chúng ta có thể dựa vào đó để biện minh cho việc không lãnh nhận Bí tích Hoà giải. Thật ra, tựa đề của bài thuyết trình muốn khơi dậy sự hiếu kỳ, và Đức ông hy vọng nó sẽ khơi dậy trí tò mò lành mạnh ở những người tham gia khoá học.

Trong bài nói chuyện, Đức ông Phó Toà Ân giải Tối cao cố gắng đáp lại những phản đối phổ biến nhất đối với bí tích Hòa giải, đưa ra cho mỗi vấn nạn một câu trả lời để giúp nhìn thấy vẻ đẹp, tầm quan trọng và sự cần thiết của chính bí tích đối với lời kêu gọi nên thánh của chúng ta. Ngài cho biết, nghiên cứu về những lý do chính được các tín hữu đưa ra để không đi xưng tội, ngài có thể xác minh rằng căn cội của tất cả những phản đối chỉ là một, đó là: chống lại tình yêu.

Lý do thứ nhất: Tôi không đi xưng tội vì tôi nói trực tiếp với Thiên Chúa

Đức ông Nykiel khẳng định rằng cầu nguyện hay đối thoại với Chúa là điều tốt. Việc xét mình và thậm chí là cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta khi cầu nguyện cá nhân là điều tốt. Chắc chắn, không phải là không thể được tha thứ ngay cả khi chỉ ‘nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa trong cầu nguyện’, tuy nhiên chúng ta không thể chắc chắn về điều đó.

Theo ngài, chính sự chắc chắn này là điều khác biệt cơ bản giữa ơn tha thứ mà người cầu nguyện cầu xin và hy vọng được lãnh nhận khi cầu nguyện với ơn tha thứ nhận được khi xưng tội. Ngài nói: “Những hối nhân khiêm tốn xưng thú tội lỗi của mình và lãnh nhận ơn tha tội từ linh mục thì tin chắc chắn rằng tội lỗi của mình sẽ được tha thứ và sẽ không bị quy vào ngày phán xét. Sự khác biệt giữa một niềm hy vọng có cơ sở và một sự chắc chắn, đối với tôi, dường như là đáng cho mọi cố gắng xưng tội.”

Đức ông Nykiel kết luận: Chúng ta có thể nói trực tiếp với Chúa và Người luôn lắng nghe chúng ta. Nhưng trong bí tích Giải tội, Chúa gửi một người anh em đến để mang cho chúng ta ơn tha tội, sự chắc chắn về ơn cứu độ, nhân danh Giáo hội.

Lý do thứ hai: Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không thích nói chuyện của tôi cho người khác nghe

Đức ông Nykiel trả lời: Linh mục không chỉ là bất kỳ người nào khác mà là người được Chúa ban cho năng quyền để tha thứ trên trái đất.

Nói ra và nhìn nhận tội lỗi của mình có thể khó hoặc thậm chí đáng sợ, vì dường như tội lỗi của chúng ta trở nên rõ ràng hơn. Nhưng Đức ông Phó Toà Ân giải Tối cao nhận định rằng “chúng ta cảm thấy thực sự được yêu khi mọi thứ về chúng ta đều được yêu mến; không chỉ những điều tốt đẹp mà chúng ta có.” Khi con người trình bày hoàn toàn con người thật của mình với Thiên Chúa, họ để cho mình được Thiên Chúa yêu thương tràn đầy và trọn vẹn.

Lý do thứ ba: Tôi không đi xưng tội bởi vì linh mục có thể còn tội lỗi hơn tôi

Đức ông Phó Toà Ân giải Tối cao nhìn nhận rằng đúng là các linh mục, những người không phải là Thiên Chúa, cũng không phải là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, có thể phạm tội nặng hơn là hối nhân. Và “chắc chắn là xưng tội với một linh mục thánh thiện, như Thánh Gioan Vianney và Cha Thánh Pio thì dễ dàng hơn và phấn chấn hơn.” Tuy nhiên, mặc dù các linh mục cũng là tội nhân, “tình trạng luân lý của linh mục tại thời điểm ban ơn tha tội hoàn toàn không khiến cho việc ban ơn tha tội không có giá trị” bởi vì người tha tội là Thiên Chúa, thông qua vị linh mục.

Ngài so sánh: “Từ bỏ xưng tội vì không chắc chắn về tình trạng luân lý của linh mục giải tội thì cũng giống như từ bỏ việc điều trị y tế vì không chắc chắn về tình trạng sức khỏe của bác sĩ.”

Lý do thứ tư: Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không biết xưng gì

Theo Đức ông Nykiel, lời bào chữa này là “phổ biến nhất,” nhưng cũng dễ vượt qua nhất. Chỉ cần nói với linh mục, “Con muốn xưng tội, nhưng con không biết phải nói gì. Cha có thể giúp con được không?” Bất cứ linh mục nào cũng sẵn sàng giúp cho chúng ta xét mình để nhận ra những thiếu sót, tội lỗi của chúng ta.

Ngài nói: Học cách “xét mình tốt là điều hữu ích”, nhưng điều thực sự quan trọng là mong muốn chân thành “nghĩ về sự thật của cuộc đời mình trước mặt Thiên Chúa.”

Lý do thứ năm: Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi xấu hổ

Đức ông Nykiel giải thích rằng, mình cảm thấy xấu hổ không phải bởi vì mình gặp người khác nhưng vì tội lỗi của mình. Giáo hội, người mẹ của lòng thương xót, dạy chúng ta hai điều: Cảm thấy xấu hổ vì tội lỗi “là dấu hiệu lành mạnh đầu tiên” của một lương tâm không tê liệt hoặc mù quáng trước điều ác. Nó cũng nên được coi là một phần của sự thống hối và một hình thức sám hối có thể củng cố ước muốn hoán cải.

Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô: Người xưng tội thành khẩn thì xấu hổ vì tội lỗi của mình; xấu hổ là một ân sủng mà chúng ta cần cầu xin, là một điều tốt giúp chúng ta khiêm nhường. Thiên Chúa không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nên chúng ta đừng mệt mỏi xin Người tha thứ. Chúng ta có thể thấy xấu hổ khi xưng tội, nhưng ông bà chúng ta nói rằng thà đỏ mặt một lần và được tha tội còn hơn là muôn ngàn lần sống trong tội lỗi.

Lý do thứ sáu: Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi luôn xưng cùng những tội đó

Theo Đức ông Nykiel, “sự yếu đuối lặp đi lặp lại trong cùng một tội lỗi thì không phải là lý do gì để từ bỏ việc xưng tội; trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại. Chỉ có việc xưng tội là điều thực sự cần thiết để khiêm tốn cầu xin lòng thương xót của Chúa để có thể chiến đấu và chiến thắng những thói xấu có thể trói buộc và đôi khi kìm kẹp linh hồn chúng ta.”

Ngài nhắc lại một câu nói mà ngài cho là của Thánh Augustinô: “Nếu mỗi năm chúng ta chiến thắng một tội lỗi, chúng ta sẽ sớm trở thành những vị thánh.” Ngài cũng nói rằng Thánh Gioan Vianney, Cha sở xứ Ars, cũng sẽ khẳng định rằng “Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, ngay cả khi Người biết rằng chúng ta sẽ phạm tội nữa.” Vì vậy, “luôn phạm cùng một tội lỗi” không phải là lý do để không đi xưng tội, nhưng ngược lại, [đó là lý do] để đến với bí tích thường xuyên hơn và trung thành hơn.”

Lý do thứ bảy: Tôi không đi xưng tội bởi vì căn bản tôi là một người tốt, không trộm cắp điều gì và cũng chẳng giết hại ai

Không phạm hai tội trên, thuộc hai giới răn chớ giết người và chớ lấy của người, nhưng có thể chúng ta còn phạm các tội khi không tuân giữ 8 điều răn còn lại. Hơn nữa, Đức ông Nykiel cảnh báo mọi người nên cảnh giác, bởi vì không phạm một số tội trọng là một món quà ân sủng nhưng điều này có thể có nguy cơ trở thành “lý do để tự hào tin rằng mình là công chính trước mặt người khác hoặc tệ hơn nhiều là trước Chúa. Không ai là công chính trước mặt Thiên Chúa.”

Ngài giải thích: “Ý thức về tội lỗi và sự không xứng đáng của một người trước Thiên Chúa luôn tỷ lệ thuận với mức độ gần gũi của một người với Thiên Chúa. Các vị thánh vĩ đại luôn nói rằng các ngài cảm thấy mình giống như những tội nhân vô cùng tội lỗi. Nếu chúng ta không cảm thấy mình là tội nhân, chúng ta có lẽ chưa phải là thánh.”

Đức ông sử dụng một phép loại suy khác, so sánh Thiên Chúa với ánh sáng và sức nóng của mặt trời: “Càng đến gần ‘mặt trời của Thiên Chúa’, chúng ta càng cảm thấy ngọn lửa tội lỗi đang bùng cháy mạnh mẽ và khao khát được giải thoát khỏi nó. Nếu chúng ta không cảm nhận được khát vọng cháy bỏng này, có lẽ chúng ta vẫn còn xa mặt trời của Chúa Kitô.”

Ngài lưu ý thêm rằng Giáo Hội yêu cầu tín hữu Công giáo phải đi xưng tội một năm ít là một lần và rước lễ ít nhất trong mùa Phục sinh. Vì vậy, ngài chỉ ra rằng, nếu ai đó chủ ý không đi xưng tội trong quá một năm thì người đó có lỗi vì lý do này.

Đức ông cũng nói rằng lời bào chữa cho rằng không phạm một số tội trọng “chẳng phải là một nỗ lực tự biện minh sao”. Ngài mời gọi suy nghĩ: “Chúng ta có chắc rằng cách duy nhất giết người là tước đoạt mạng sống thể lý của [ai đó] không? Hay chúng ta giết người bằng lời nói, sự thờ ơ, và bằng nhiều cách khác?”

Lý do thứ tám: Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không thoải mái trong lần xưng tội gần đây nhất

Có thể là một người đã có một kinh nghiệm không tốt đẹp trong lần xưng tội gần nhất, hoặc vì do vị linh mục không đặc biệt chú ý hoặc sẵn sàng, hay vì ngài quá cứng rắn hoặc quá dễ dãi.

Về vấn đề này, Đức ông Nykiel nói: “Trước tiên, chúng ta nên tự hỏi: chúng ta mong đợi điều gì từ bí tích hòa giải? Nếu kỳ vọng của chúng ta không cân xứng, bị đặt sai vị trí, hoặc định hướng sai, chúng ta có nguy cơ bị thất vọng.”

Đức ông giải thích thêm: “Xưng tội không giải quyết được cảm giác tội lỗi của chúng ta, cũng không giải quyết được tất cả các vấn đề cá nhân và thiêng liêng của chúng ta. Nhưng bí tích Giải tội xoá sạch tội lỗi và cho chúng ta cảm nghiệm được sự chữa lành của Thiên Chúa thông qua sự tha thứ.” Ngài khuyên rằng nếu chúng ta gặp một vị giải tội không thích hợp thì hãy đi xưng tội với một linh mục khác.

Lý do thứ chín: Tôi không đi xưng tội bởi vì tòa giải tội khiến tôi cảm thấy ngột ngạt

Theo Đức ông Nykiel, nếu ai đó thực sự có vấn đề với chứng sợ không gian kín, thì quy tắc về việc sử dụng tòa giải tội để bảo vệ danh tính của hối nhân có thể được miễn trừ.

Lý do thứ mười: Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không tin vào bí mật toà giải tội

Đức ông Nykiel lưu ý đây là vấn đề nghiêm trọng. Ngài nhắc rằng bí tích Giải tội mang ấn tín toà giải tội. Đây không phải là một bí mật bình thường. Đây là một bí mật được Thiên Chúa đóng ấn và không có quyền lực thế gian nào có thể tháo gỡ. Linh mục phải bảo vệ bí mật toà giải tội ngay cả đến độ tử đạo. Giáo hội ra án phạt tối đa cho người cố tình vi phạm ấn tín toà giải tội. Linh mục chủ ý công bố bí mật toà giải tội sẽ ngay lập tức bị vạ tuyệt thông.

Do đó, các tín hữu có thể chắc chắn rằng những điều họ xưng trong toà giải tội sẽ không bao giờ bị phản bội bởi vì tác giả của ơn tha tội chính là Thiên Chúa.

Ma quỷ thường cám dỗ bằng những điều tầm thường

 Đức ông Phó Toà Ân giải Tối cao cũng cảnh báo về xu hướng viện những lý do tầm thường để tránh xưng tội, ví dụ như: “Tôi không có thời gian, tôi không nhớ, giờ giấc không thuận tiện, v.v.”

Ngài cảnh báo rằng ma quỷ thường cám dỗ bằng những điều tầm thường. Không phải lúc nào chúng cũng tấn công từ “trực diện”, bằng cách gieo rắc sự nghi ngờ về lòng thương xót của Thiên Chúa hoặc quyền năng của bí tích. Nhưng chúng làm chúng ta dần dần bỏ xưng tội, và nghĩ điều này dường như vô hại. Tuy nhiên, theo thời gian, việc này sẽ khiến chúng ta xem nhẹ cả việc xưng tội thường xuyên và xem nhẹ cả chính đức tin.

Đức ông khuyến khích: “Lòng thương xót của Chúa luôn chờ đợi chúng ta; chúng ta đừng giống như những đứa trẻ ngỗ nghịch tránh xa lòng thương xót của Người, viện ra những cái cớ không ai có thể tin và cuối cùng chính bản thân chúng ta cũng không tin.”

Để xưng tội sốt sắng

Cuối cùng, Đức ông Nykiel đưa ra lời khuyên để có thể xưng tội sốt sắng là phải đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, trong nội tâm cảm thấy khao khát cầu xin ơn tha thứ và được hòa giải với Người, rồi chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và soi dẫn chúng ta trong việc kiểm thảo đời sống và nhận ra tội lỗi của mình, tốt hơn là với việc xét mình. Sau đó chúng ta hãy đến toà giải tội để xưng các tội của mình, không chỉ những điều mình đã phạm mà cả những điều tốt có thể làm mà chúng ta đã không làm. Hãy mở lòng với vị giải tội cách trung thực và minh bạch, bởi vì khi đó chúng ta không nói với ngài nhưng với chính Chúa Giêsu. Cuối cùng, việc đền tội được vị giải tội đề ra cho chúng ta không phải là một hình phạt nhưng là một hình thức đền bù cho những điều xấu do tội lỗi gây ra.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây