Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 16/10/2022 11:24 |
1175
Chúa Giêsu Kitô đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Trong lời kinh đó, Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là “Lạy Cha chúng con”. Mỗi khi đọc “Kinh Lạy Cha”, chúng ta hãy nhớ rằng mình là con cái Thiên Chúa và Thiên Chúa là Người Cha hằng yêu thương chúng ta.
Kinh Lạy Cha
KINH LẠY CHA Lm. John Taneburgo DẪN NHẬP Chúa Giêsu Kitô đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Trong lời kinh đó, Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là “Lạy Cha chúng con”. Mỗi khi đọc “Kinh Lạy Cha”, chúng ta hãy nhớ rằng mình là con cái Thiên Chúa và Thiên Chúa là Người Cha hằng yêu thương chúng ta.
Trong Tin mừng theo thánh Luca, có một dụ ngôn giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của tình phụ tử Thiên Chúa (Lc 15,11–32). Trước kia, dụ ngôn này được gọi là Dụ ngôn Người con hoang đàng, nhưng ngày nay được gọi là Dụ ngôn Người cha nhân hậu, rất giàu tình thương và lòng quảng đại. Thật sự, trung tâm của dụ ngôn không phải người con đã bỏ cha mình để đi xa, “[người con thứ] thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”. Không, nhân vật trung tâm của câu chuyện là người cha hằng yêu thương con mình dù nó làm bất cứ điều gì.
Xã hội chúng ta có quá nhiều hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa, làm tổn hại đến con người: Thiên Chúa là kẻ độc tài, Thiên Chúa xa cách và không màng đến chúng ta, Thiên Chúa quyền lực, hạ bệ và hành hạ con người, Thiên Chúa như một nhà thông thái rởm và thậm chí tàn nhẫn, luôn sẵn sàng nặng tay trừng trị kẻ tội lỗi, v.v..
Vị Thiên Chúa mà chúng ta có thể được phép gọi là “Cha chúng con” hoàn toàn khác bởi vì Ngài được xác định bằng một loại tình yêu vĩnh cửu, trao ban nhưng không, và “phi lý trí”; một tình yêu vượt mọi kỳ vọng, đánh giá, và mơ ước của nhân loại. Việc trở lại và phân tích dụ ngôn người cha hào phóng nhắcnhớ chúng ta về Thiên Chúa như là Cha của chúng ta và chúng ta nhận thấy một số chi tiết kinh ngạc có thể xóa đi bất kỳ sợ hãi và lo lắng, cho chúng ta niềm tin và tự do, cũng như giúp gia tăng lòng khao khát lớn lao thường xuyên đọc “Kinh Lạy Cha”. Sau đây là những chi tiết đầy sức hấp dẫn:
Dụ ngôn viết: “Anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương”. Người cha đứng ngoài cửa và chúng ta có thể hình dung mỗi ngày ông đứng đó, không thôi hy vọng thấy người con trở về với mình. Một cách diễn tả tình yêu đẹp biết bao!
Khi yêu cầu được nhận phần gia tài của mình, chẳng phải người con thứ muốn người cha chết hay sao? Tuy nhiên người cha đã chấp thuận yêu cầu của đứa con bất kính, chỉ vì tình yêu.
Người cha đã già nhưng vẫn có sức chạy đến gặp người con, giống như anh thanh niên chạy đi gặp vị hôn thê mà anh đã không gặp từ lâu. Tôi nghĩ người cha đã chạy với đôi chân còn khỏe hơn anh thanh niên. Thật khác thường khi một người lớn tuổi chạy đến gặp một người trẻ hơn. Đây sẽ là điều xúc phạm đối với người lớn tuổi và thiếu giáo dục đối với người trẻ. Nhưng người cha này quan tâm đến đứa con “đi hoang” hơn là các tiểu tiết văn hóa.
Người cha không buộc con mình phải tự vấn lương tâm. Ông không hỏi con đã sa lầy đến mức nào, hay là con trở về vì yêu thương hay vì miếng ăn. Ông cũng không nói: “Con còn dám tái phạm không, hay đây là lần cuối cùng của con”. Ông chấp nhận con mình với tình thương, những cảm xúc khôn vời, và vui sướng. Để tôn vinh tình thương dành cho người con, người cha đã yêu cầu tổ chức ăn mừng linh đình với đầy tràn đồ ăn ngon và thực sự vui mừng.
Với Đức Giêsu, Thiên Chúa Đấng ngự nơi trung tâm cõi lòng và cuộc sống của Ngài, chính là Cha của Ngài cũng như của mọi người. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu năng cầu nguyện với Chúa Cha và thánh Luca rõ ràng đã cho thấy điều này: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: ‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông’” (Lc 11,1). Đức Giêsu đáp lại ao ước này và dạy họ lời kinh: “Lạy Cha chúng con”. Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc là theo bản văn của thánh Mátthêu, (Mt 6,9–13): “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
Qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng ta cầu xin cho mình được sống và hành xử như con cái Thiên Chúa.
Trong kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha ngự trên trời. “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Như thế, chúng ta nhìn nhận tình phụ tử của Thiên Chúa là điều cao trọng hơn tất cả nhưng lại hiện diện trong cõi lòng của những ai khao khát Ngài.
Việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha đã làm người Do Thái tức giận. Tin mừng theo thánh Gioan viết: “Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật sa bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).
Thế nhưng, điều khiến người Do Thái căm tức Đức Giêsu lại làm cho chúng ta vui mừng và biết ơn. Thật vậy, vì Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu, nên tình phụ tử này ôm lấy tất cả mọi người trên toàn thế giới. Đức Phanxicô nói: “Đây không phải là vấn đề sử dụng biểu tượng – trong trường hợp này là hình ảnh người cha – để ám chỉ mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng có thể nói là ‘cả thế giới’ của Đức Giêsu đổ vào cõi lòng chúng ta”. Thần học đã tìm ra một kiểu nói cụ thể để công bố điều này: Chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Người Con.
Một ngày kia Philípphê hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Tôi nghĩ rằng nội dung lời thỉnh cầu này tóm tắt cách súc tích và đặc biệt, một điều sâu thẳm nơi mỗi người: tìm kiếm một người cha có ý nghĩa sâu xa lấp đầy cuộc sống con người. Điều này đặc biệt đúng trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nghĩ về Thiên Chúa như người Cha là nghĩ về Đấng không chỉ tác tạo mà còn ban tặng sự sống như là món quà vĩ đại giúp chúng ta vui sống.
Thiên Chúa, Cha chúng ta, ở trên trời! Thuật ngữ này có nghĩa gì? Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 586 viết rằng: “‘Ở trên trời’ là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa”.
“Ở trên trời” cũng có nghĩa là tình phụ tử của Thiên Chúa vượt khỏi những giới hạn của bất kỳ người cha trần thế nào. Đức Phanxicô viết: “Có lẽ kinh nghiệm về tình phụ tử mà các con từng có, không phải là điều tuyệt vời nhất; người cha trần thế của các con ở cách xa hoặc vắng mặt, thích chiếm hữu và áp đặt, hoặc đơn giản là ông không phải là người cha mà các con cần đến. Cha không biết. Nhưng cha không ngần ngại nói rằng các con có thể xà vào vòng tay của người Cha Thiên Chúa, Đấng đã ban cho các con sự sống và luôn làm mới ân ban này từng phút từng giây. Ngài sẽ giữ các con trong vòng tay nhưng luôn luôn tôn trọng tự do của các con”.
Theo thánh Augustinô, cõi trời mà Thiên Chúa ngự là cõi lòng của từng người công chính, nơi Thiên Chúa xem như đền thờ của mình. Thánh Elisabeth Chúa Ba Ngôi khai triển ý tưởng này và đào sâu hơn ý nghĩa sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Dưới đây là một phần lời cầu nguyện đẹp và có chút táo bạo của thánh nữ:
“Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, Xin giúp con quên mình hoàn toàn Để ở lại trong Chúa. Lặng lẽ và an bình Như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu. Xin làm cho hồn con bình an thanh thản, Xin biến hồn con thành chốn trời cao, Thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa, Nơi Chúa nghỉ ngơi. Ước chi Con không bao giờ để Chúa ở đó một mình Nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người, Với thái độ nhạy bén trong đức tin, Cung kính tôn thờ Và phó mình cho Chúa sáng tạo. Xin Chúa ngự đến trong con để con có thể được đắm chìm trong Chúa cho đến khi được chiêm ngắm rõ ràng vẻ tráng lệ vô cùng của Chúa!”*
“Ở trên trời” còn có một ý nghĩa khác. Đó là chúng ta không thể kiểm soát cũng như không thể hiểu biết Thiên Chúa để chiếm hữu Ngài với sức mạnh tâm trí. Chúa Cha ngự trên trời cũng như ở khắp mọi nơi, nhưng cách dè dặt kín đáo; Ngài không áp đặt chính mình. Bao lâu chúng ta còn sống, chúng ta vẫn sẽ luôn tìm kiếm Thiên Chúa trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội, như là những môn đệ của Đức Giêsu và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, chúng ta cầu xin cho toàn thể nhân loại khao khát Thiên Chúa, khát khao mãnh liệt như thánh Elisabeth: để ở lại trong Thiên Chúa và biến cõi lòng mình thành cõi trời, nơi Chúa ngự, mở lòng ra để được Ngài biến đổi.
* Lời nguyện trích từ: RABBOUNI – 120 Lời nguyện của Bạn Trẻ Việt Nam, Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. CHÚNG CON NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG
Kinh Lạy Cha mời gọi chúng ta nhìn nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như thôi thúc chúng ta là con cái Ngài biết cầu nguyện và bày tỏ sự thánh thiện của Ngài cho thế giới bằng chính đời sống của chúng ta. Trước khi phân tích những ý nguyện khác nhau trong “Kinh Lạy Cha”, tôi muốn lưu ý rằng hạn từ “tôi” không xuất hiện trong lời kinh này. Chi tiết quan trọng này cho biết chúng ta không bao giờ có thể cầu nguyện trong sự cô lập chính mình. Lời cầu nguyện đích thực giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cái “tôi”: những cảm xúc, tư tưởng, trải nghiệm và thế giới nhỏ bé của chúng ta. “Kinh Lạy Cha” đặc biệt yêu cầu chúng ta hiệp thông với tất cả anh chị em trong Giáo hội và trên toàn thế giới. Trong Kinh Lạy Cha, có từ “Cha” nói đến Thiên Chúa và từ “chúng con” ám chỉ đến những người cầu nguyện, đến từng người trong mối hiệp thông với tất cả con cái Thiên Chúa.
Trong Ed 36,22–23, Thiên Chúa phán rằng Danh Ngài thánh thiện: “Hỡi nhà Israel, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng”.
Thiên Chúa tuyên bố Danh Ngài thánh thiện nhưng dân Israel đã xúc phạm Danh ấy. Danh Thiên Chúa thánh thiện nhưng xã hội chúng ta tiếp tục hạ thấp giá trị Danh thánh Ngài. Chẳng phải chính chúng ta nhiều lần hạ thấp Danh Ngài sao? Vì thế, tất cả những hành vi đáng hổ thẹn hiện diện trong thế giới của chúng ta, nhất là thực hiện những hành vi chống lại con người, như thể không có Thiên Chúa, không có các Giới răn, không có Tin mừng và không có lòng nhân ái thông thường. Những hành vi phạm thánh này phủ nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa cũng như chính Thiên Chúa. Thực vậy, Danh của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Đọc “Kinh Lạy Cha” nghĩa là cầu xin cho tất cả mọi người, nhất là những người Kitô hữu, có thể nhìn nhận Danh thánh thiện của Thiên Chúa.
Khi đọc “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”, chúng ta hiểu rằng, là con cái Thiên Chúa, trước hết chúng ta được kêu gọi nên thánh. Ơn gọi nên thánh thúc đẩy chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người để thế giới có thể nhận biết Thiên Chúa, tôn kính sự cao cả cùng tôn thờ Ngài và đi theo sứ điệp Tin mừng của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Tất cả mọi người nên mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và hướng đến việc trở nên thánh thiện. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Trong lời cầu xin này, chúng ta cảm thấy tất cả sự ngưỡng mộ của Đức Giêsu về vẻ đẹp và sự vĩ đại cao cả của Chúa Cha, và mong ước rằng tất cả nhận ra và yêu mến Ngài vì điều Ngài thật sự là. Đồng thời, cũng có lời cầu xin rằng Danh của Ngài được hiển sáng nơi chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn của chúng ta và trên toàn thế giới. Bằng đời sống chứng nhân của mình, chúng ta cũng bày tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa cho thế giới, làm cho Danh Người được tỏ hiện. Sự thánh thiện của Thiên Chúa phải được phản ánh trong hành động và trong cuộc sống của chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ gây cớ vấp phạm cho mọi người. Sự thánh thiện của Thiên Chúa là một sức mạnh lan rộng và chúng ta cầu xin cho những rào cản trên thế giới nhanh chóng được phá bỏ để sự thánh thiện của Chúa Cha mà chúng ta thấy nơi Đức Giêsu và hiện diện trong chúng ta có thể lan rộng theo những vòng tròn đồng tâm, như khi chúng ta ném một hòn đá xuống mặt hồ. Ngày đời sự ác được đếm cả rồi (x. Mc 3,23–27).” (Tiếp kiến chung 27/02/2019).
Lời cầu xin cho Danh Thiên Chúa được luôn thánh thiện, tạo cho chúng ta ước muốn rằng mỗi người trên thế giới phải biết dùng tình yêu của mình để đáp trả tình yêu Thiên Chúa. Ngài yêu thương chúng ta, vì vậy chúng ta nên yêu thương nhau. Tình yêu này xua đi nỗi sợ hãi. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra lý do để mỗi người đừng sợ hãi khi nói rằng: “Thiên Chúa yêu thương tôi, Chúa Con đã trao ban mạng sống vì tôi! Chúa Thánh Thần ở trong tôi. Đây là điều hoàn toàn chắc chắn”. Với niềm tin mạnh mẽ này, sự dữ bị đánh bại và tình yêu có được chiến thắng vĩ đại. Thật là một ân huệ đầy an ủi và đẹp đẽ! Xin cho tất cả mọi người, qua lời bầu cử của Đức Maria, có được ân sủng diệu kỳ để chiêm ngắm Thiên Chúa là Đấng Thánh và được Ngài lôi cuốn để hết mực tin tưởng vào sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Bằng cách này, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn và Danh thánh Chúa sẽ được mọi người nhìn nhận. NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN
“Nước Thiên Chúa hay Nước Cha” là một thực tại đang hình thành và chưa hoàn tất. Đó chính là hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa trong thế giới, âm thầm lớn lên như một hạt giống. Các Kitô hữu cầu nguyện cho Nước ấy có thể mở rộng hơn bao giờ hết và được hoàn tất vào ngày tận thế.
Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 590 đặt câu hỏi: “Hội thánh xin gì khi cầu nguyện ‘Nước Cha trị đến?’” và đưa ra câu trả lời: “Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Ðức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê: ‘Lạy Chúa Giêsu! xin hãy đến’ (Kh 22,20)”.
Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều vương quốc được thành lập hoàn toàn nhờ sáng kiến và sức mạnh con người. Chúng ta có thể nghĩ đến vương quốc của Alexander Đại đế, đế quốc La Mã, vương quốc Ý của Napoleon, v.v.. Khi suy nghĩ thấu đáo về những vương quốc đó, chúng ta nhận ra rằng: không có sức mạnh hay liên minh con người nào có thể tạo ra một thế giới nổi bật về công lý, hòa bình và hạnh phúc. Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trong thế giới và dấn thân cho sự phát triển của Nước ấy theo tinh thần của nhiều tuyên bố về Nước Thiên Chúa trong Tin mừng.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2816 viết rằng: “ ... Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người”.
Tất cả những điều này rõ ràng cho biết Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và trong tư cách là những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi tìm kiếm những thứ thuộc về Nước ấy vì biết rằng mọi thứ khác sẽ được Thiên Chúa tặng ban. Khi cầu nguyện “Nước Cha trị đến”, chúng ta cầu xin Chúa Cha giúp chúng ta sống hiệp thông với tất cả các cộng đồng Kitô hữu, hy vọng rằng họ có thể là những con đường của chào đón và tha thứ, của lòng thương xót và ơn cứu rỗi, của sự phán xét nhân từ và lòng trắc ẩn, của niềm vui, và sự trong sáng theo Tin mừng.
Đương nhiên, khi cầu nguyện, chúng ta luôn nhớ đến sự nghèo hèn và mong manh của mình và cầu xin Chúa Thánh Thần thêm sức để chúng ta được gắn kết với lời cầu nguyện của mình.
Thế giới đã được cứu rỗi, nhưng rất nhiều người không nhận thức như vậy. Khi cầu nguyện, chúng ta đưa thế giới vào trí lòng mình. Chúng ta mong muốn được sống như những người ý thức rằng mình đã được cứu rỗi trong Đức Kitô Giêsu và được giao phó để thể hiện ơn cứu rỗi này.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Đức Giêsu đã đến nhưng thế giới vẫn còn mang dấu vết của tội lỗi, vẫn còn nhiều người đau khổ, những người không muốn hòa giải và tha thứ, chiến tranh và nhiều hình thức bóc lột, chẳng hạn nạn buôn bán trẻ em. Tất cả những thực tế này là bằng chứng cho thấy chiến thắng của Đức Kitô vẫn chưa hoàn toàn hiện thực. ‘Nước Cha trị đến!’ Chúng ta hãy gieo vãi lời cầu này giữa những tội lỗi và khuyết điểm của chúng ta. Chúng ta hãy dành lời cầu này cho những người bị gục ngã và khuất phục trước cuộc sống, cho những ai đã nếm trải hận thù nhiều hơn yêu thương, những ai không hiểu được lý do vì sao mình sống mà không có mục đích. Chúng ta hãy dành lời cầu này cho những người chiến đấu vì công lý, cho tất cả những vị tử đạo trong lịch sử, cho những ai đã đi đến kết luận rằng họ đã chiến đấu cách vô nghĩa và sự dữ vẫn luôn thống trị trong thế giới này” (Tiếp kiến chung 06/3/2019).
Chúng ta có lẽ tự hỏi: Tại sao Nước Thiên Chúa đến chậm như vậy? Đức Phanxicô trả lời bằng chính những lời này: “Thiên Chúa kiên nhẫn. Người không thiết lập Vương quốc của Người bằng bạo lực. Cách thức rao truyền của Chúa là sự hiền lành (x. Mt 13,24–30)”. (Ibid)
Khi chúng ta dường như băn khoăn về sự dữ đang làm khổ chúng ta và tất cả mọi người trên khắp thế giới, cũng như lo lắng về sự tiến triển chậm chạp của Nước Thiên Chúa, chúng ta hãy lắng nghe Chúa nói: “Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” và chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Nhân danh mọi người mà Đức Giêsu vô cùng thương mến, chúng ta loan báo việc Chúa đang đến trong thế giới. Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI
Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ý muốn của Cha là tất cả mọi người được cứu độ.
Trong lời nguyện cá nhân và cộng đoàn, chúng ta thường xuyên kêu xin Thiên Chúa là Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Tuy nhiên, có bao nhiêu Kitô hữu hiểu sai ý muốn của Thiên Chúa? Tôi nhớ một bà đạo đức và tốt lành một ngày nọ đã nói với tôi rằng: ‘Thông thường, khi con cầu xin “ý cha thể hiện…”, những suy nghĩ xấu xuất hiện trong tâm trí khiến con sao lãng. Đâu ai biết được Thiên Chúa sẽ gửi đến thử thách gì trên đường đời? Con sẽ được mời gọi chịu đựng đau khổ nào đây?’ Bà thật tội nghiệp! Tôi cố gắng an ủi và bảo bà rằng Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt cho chúng ta.
Thật vậy, trong Kinh thánh, Thiên Chúa không bao giờ có ý làm buồn lòng, trừng phạt hay làm xấu hổ con cái Ngài, ngay cả đó là sự hy sinh. Ngài luôn muốn thăng tiến, phục hồi sức khỏe và khuyến khích họ trên hành trình cuộc sống khi đương đầu với những khó khăn, thậm chí thất bại.
Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 591 viết rằng: “Ý muốn của Cha chúng ta là ‘tất cả mọi người được cứu độ’ (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn của Con Ngài, theo gương của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Chúa được thực hiện trọn vẹn dưới đất cũng như trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể ‘nhận ra ý muốn của Thiên Chúa’ (Rm 12,2) và “kiên trì thi hành thánh ý [Ngài] (Hr 10,36)”.
Chúng ta cần cả đời để biết sống, để trở thành những con người của Nước Trời, cũng như uốn lòng mình theo ý Thiên Chúa. Vì thế chúng ta nguyện xin Cha trên trời giúp chúng ta có thể hiểu được ý Ngài và can đảm đem ra thực hành ngay cả khi ý Thiên Chúa bao gồm thập giá Chúa Phục Sinh.
Trong suốt dòng dịch sử, loài người đã khó khăn biết bao để làm cho ý Thiên Chúa triển nở trong đời sống. Thật vậy, lịch sử loài người có thể được xem như một cuộc tranh giành tự do chống lại mọi giới hạn: - Tự do trước Thiên Chúa khi xem Ngài là Đấng giới hạn, hạ giá và cản trở tự do đang mở ra cho con người. - Tự do bằng mọi giá khi con người quên rằng tự do có những giới hạn bởi vì họ là con người đồng thời là thành viên của một xã hội có luật lệ hạn chế tự do.
- Tự do bất chấp khi con người thay vì tôn trọng thiên nhiên, đã lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta và quá tham lam khi khai thác đất đai.
- Tự do chống lại người khác khi con người không tôn trọng anh chị em, đánh cắp tự do và vẻ đẹp, cũng như xúc phạm phẩm giá của họ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm hết sức để mọi Kitô hữu và tất cả những ai thiện chí thức tỉnh và sống trong tự do đích thực, trong sự hiệp thông với nhau, đặc biệt là với người nghèo và bị bỏ rơi. Trong Thông điệp về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội (Fratelli Tutti – Hỡi tất cả anh em) số 118, ngài nói rằng: “Thế giới hiện hữu là để cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều là những nhân vị được sinh ra trên trái đất này với cùng một phẩm giá. Sự khác biệt về màu da, tôn giáo, khả năng, quê quán, nơi cư trú, và biết bao điều khác nữa, đều không thể được coi là ưu tiên hoặc được dùng để biện minh cho đặc quyền của một số người gây thiệt thòi cho mọi người khác. Do đó, với tư cách là một cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người được sống với phẩm giá và có những cơ hội thích đáng để phát triển toàn diện”. (Bản dịch HĐGM Việt Nam)
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta có thể thực hiện ý Chúa ngay trên trần gian này cũng như ở trên trời – một thế giới khác của những thực tại vô hình mà chúng ta hướng tới (2 Cr 4,18), và nơi đó Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị với tình yêu thương xót của Ngài. Đương nhiên, trong khi cầu nguyện, chúng ta cam kết thực thi ý Thiên Chúa để biến đổi thế giới này.
Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà Đức Phanxicô đã gọi là Người Nữ của tiếng “Xin vâng” hoàn toàn theo ý Chúa, giúp chúng ta theo gương Mẹ và nói lời xin vâng thánh ý Chúa trên hành trình dương thế này. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vừa thể hiện sự lệ thuộc vào Thiên Chúa, vừa nhắc nhớ mình bổn phận phải làm việc để nuôi sống bản thân cũng như chia sẻ những gì mình có với tha nhân.
Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 592 và 593 đã giải thích cách súc tích lời cầu này. Số 592: “Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Đấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn”.
Số 593: “Vì ‘người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra’ (Mt 4,4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Chúa và Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến”.
Để cầu nguyện theo đúng tinh thần lời kinh, chúng ta phải lội ngược dòng với hệ thống kinh tế của xã hội ngày nay. Một hệ thống không dựa trên những nhu cầu chính đáng của con người, nhưng trên việc nuôi dưỡng lòng tham qua việc liên tục quảng bá, đề nghị những cái mới mà chúng ta không cần, như tính đam mê ích kỷ, vô độ. Nhu cầu của con người chúng ta là tình yêu ở mọi mức độ cho mọi người. Tôi tin rằng nếu mỗi người biết tự mình tiết chế vào những điều cần thiết thì sẽ không có ai phải thiếu thốn những điều cần thiết cho một cuộc sống đúng nhân phẩm. Đó là vấn đề chia sẻ, phân phối công bằng; và quảng đại, nghĩa là từ bỏ hệ thống kinh tế dựa trên lòng tham và sự phô trương.
Lời cầu “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” thể hiện sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa. Tôi nhớ bố mẹ tôi đã từng nhấn mạnh nhiều lần: “Không có Chúa, chúng ta chẳng có gì”. Mỗi khi sắp dùng bữa, dưới sự hướng dẫn của bố hay mẹ, cả gia đình cùng nhau xin Thiên Chúa chúc lành cho bữa ăn và cho tất cả mọi người đều có của ăn. Bố mẹ tôi tin rằng Thiên Chúa lắng nghe khi chúng tôi hiệp thông cầu nguyện với tất cả mọi người, cũng như khi chúng tôi thay mặt cho những ai không cầu nguyện. Thật là một niềm tin sâu sắc! Đương nhiên, khi cầu xin Thiên Chúa ban lương thực, chúng ta không quên bổn phận phải làm việc kiếm ăn để cộng tác với Ngài nhằm nuôi sống chính mình và chia sẻ những gì chúng ta có với tha nhân. Chúng ta cầu xin như thế hằng ngày để tránh không tham lam cũng như không rơi vào lý luận hợp lý của việc sở hữu.
Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi những ai bước theo Đức Kitô Giêsu hãy hiệp nhất với những người đang thống thiết kêu lên lời nguyện xin này cùng với những khổ đau nơi cuộc sống hằng ngày. Khi đi ngủ, biết bao bậc cha mẹ vẫn còn ưu tư ngày mai họ không có đủ cơm bánh cho con cái. Nếu chúng ta không đọc “Kinh Lạy Cha” trong sự hiệp thông với tất cả mọi người, thì lời kinh tuyệt vời này không còn là kinh nguyện Kitô giáo nữa (Huấn từ Tiếp kiến chung 27/3/2019).
Khi cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”, điều quan trọng phải nhớ là: trong bản tính con người, chúng ta không chỉ đói khát cơm bánh nhưng còn đói khát Thiên Chúa. Vì vậy, khi đọc lời cầu này, chúng ta xin Thiên Chúa ban chính Ngài cho chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong nơi thẳm sâu nhất, cũng như trao ban lòng thương xót và mọi ân sủng cần thiết cho phần rỗi chúng ta.
Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng khi chúng ta cầu xin có lương thực hằng ngày, chúng ta cũng nhớ đến Bí tích Thánh Thể, nơi đó Đấng Cứu Độ và Chúa chúng ta là Đức Giêsu trao ban chính Ngài như của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới làm no thỏa cơn đói khát Thiên Chúa nơi mỗi người. Nếu cầu xin có lương thực hàng ngày trong bối cảnh này, chúng ta mới hiểu rằng cử hành Thánh Thể mỗi ngày là điều thích hợp.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria và toàn thể các thánh, xin cho chúng ta biết chia sẻ lương thực mình nhận lãnh cho nhiều người hết sức có thể. THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
Khi được Thiên Chúa thứ tha, chúng ta được mời gọi tha thứ cho những người làm tổn thương mình. Nếu không tha thứ, chúng ta đã đóng kín mình trước lòng thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta, như thể không để cho Người tha thứ vậy.
Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 594 tóm lược đầy đủ những gì chúng ta có thể nói về lời cầu này: “Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Người. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Người, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, ‘chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi’ (Cl 1,14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước”.
Về sự tha thứ, số 595 nói rằng: “Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo”.
1Ga 1,8–9 viết rằng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng sạch mọi điều bất chính”.
Tất cả những điều này cho thấy rằng tội lỗi tồn tại khi con người hạ thấp chính mình trước ý hướng xấu xa của sự dữ và rằng ơn cứu chuộc đến từ Thiên Chúa mà thôi. Để cảm nghiệm tình yêu thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải thú nhận tội lỗi của mình. Đây chưa phải là sự giải thoát nhưng là bước đầu tiên hướng tới việc chữa lành. Bước tiếp theo, chúng ta xin Chúa Cha nhân từ tha thứ và chúng ta trở về với Người, theo mẫu gương của người con hoang đàng.
Thiên Chúa sáng tạo con cái Người từ tình yêu và Người muốn làm phát sinh một dòng chảy tình yêu, đổ tràn khắp thế gian. Mọi người nam nữ phải đáp lại bằng tình yêu, nhưng do tội lỗi nên đã không có sự đáp trả này. Điều đó thật khủng khiếp nhưng chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa tha thứ, Đấng không muốn trừng phạt. Điều Người muốn là một dòng chảy dạt dào của tình yêu được trao ban và đón nhận. Thật vậy, Người muốn tất cả mọi người được cứu độ. Bằng chứng là Người đã ban cho chúng ta Đức Kitô Giêsu: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Và: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,1–2).
Đây là nền tảng cho lời cầu này của “Kinh Lạy Cha”; một lời cầu xin được nâng đỡ bằng việc Chúa Cha không ngừng trao ban chính Người cho chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc mọi người. Đó là lý do vì sao khi xin Thiên Chúa tha thứ, chúng ta không chỉ xin ân huệ lớn lao này cho bản thân nhưng còn cho tất cả mọi người trên khắp thế giới vì ai cũng cần được tha thứ.
Tiếp theo lời cầu xin mà chúng ta vừa diễn giải là những lời cực kỳ quan trọng: “Như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Đây là hệ quả của việc chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Nhiều lần Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Khi được Thiên Chúa thứ tha, chúng ta được mời gọi tha thứ cho những anh chị em đã làm tổn thương mình. Vì nếu không tha thứ cho họ, chúng ta đóng kín trái tim mình và Thiên Chúa không thể tuôn đổ lòng thương xót của Người vào chúng được: không phải Thiên Chúa từ chối tha thứ mà chính chúng ta là những kẻ không để cho Người thứ tha. Đương nhiên, tự sức mình chúng ta không dễ dàng trao ban sự tha thứ cũng như chấp nhận những anh chị em khó ưa và không thiện cảm. Chúng ta cần sức mạnh của Thần Khí, và khi khiêm nhường cầu xin, Thiên Chúa luôn vui lòng ban cho chúng ta.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, chúng ta xin cho mình có được sức mạnh để tha thứ cho tha nhân và loan truyền rằng tình yêu mạnh hơn rất nhiều so với bất kỳ tổn thương và sự xúc phạm nào. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta xin Thiên Chúa ban ân sủng để không khuất phục trước cám dỗ. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, lời cầu nguyện và hy sinh cũng như sự nâng đỡ của những người tốt lành, Thiên Chúa ban ơn này cho chúng ta.
Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 596 cho biết: “Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta học biết làm thế nào để phân định, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành, và sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết, đàng khác, giữa bị cám dỗ và thuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này liên kết chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng”.
Lời cầu này của Kinh Lạy Cha không xin Thiên Chúa cho chúng ta tránh khỏi các tình huống cám dỗ. Chúng là một phần cần thiết trong quá trình trưởng thành của mỗi người, bao gồm các môn đệ của Chúa Giêsu. Đau khổ và cám dỗ không chừa một ai thậm chí chính Chúa Kitô. Điều chúng ta cầu xin là không phải sa chước cám dỗ nhờ sức mạnh Chúa ban qua Chúa Thánh Thần, nhờ lời nguyện cầu và sự hy sinh, cũng như nhờ những người tốt lành nâng đỡ.
Nếu chúng ta đã phạm tội, thì với lòng khiêm nhường, tin tưởng và trông cậy, chúng ta xin Thiên Chúa đừng để chúng ta ngã lòng khi nghĩ rằng mình không thể được thứ tha. Kinh thánh giúp chúng ta hiểu rằng việc Thiên Chúa mong muốn tha thứ luôn luôn lớn lao vô cùng so với khao khát được tha thứ của chúng ta. Mỗi cơn cám dỗ có thể mang những diện mạo khác nhau: - Nó có thể là một tình huống có khả năng khiến chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa và tiếp tục con đường tội lỗi. - Nó có thể lừa dối chúng ta, thay vì tin tưởng vào Thiên Chúa thì chúng ta lại tin vào sức mạnh con người, vào tiền bạc, thành công, khoái lạc và vào chính mình. - Nó có thể khiến chúng ta yêu thích sự vật và sử dụng con người thay vì đặt sự vật và con người trong dòng chảy tình yêu Thiên Chúa. Mỗi cơn cám dỗ là một cơ hội mà chúng ta có thể đánh thức và phát triển những khả năng tuyệt vời nơi bản thân. Vậy cám dỗ đến từ đâu? Thánh Giacôbê viết rằng: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” (Gc 1,13–15). Vì thế Thiên Chúa không phải là Đấng cám dỗ chúng ta nhưng mong muốn và có thể giải thoát con cái Người khỏi mọi cơn cám dỗ đưa đến tội lỗi.
Trong Tin mừng theo thánh Máccô, Chúa Giêsu nói: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong phát xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,21–23). Xin Chúa chớ để chúng con sa chước cám dỗ ngụ ý một sự cam kết thanh tẩy con tim và lời cầu nguyện của chúng ta để xin Chúa Thánh Thần soi sáng nhằm giúp chúng ta có thể phân biệt đâu là điều tốt và đâu là điều xấu, đâu là điều dẫn tới sự chết hay dẫn tới sự sống. Mỗi cơn cám dỗ đều có thể không rõ ràng: để chúng ta chấp nhận, sự dữ đội lốt những gì có vẻ tốt lành; chẳng ai trong chúng ta uống một chai nước mang nhãn “thuốc độc”, và chẳng ai trong chúng ta làm những điều xấu nếu quỷ dữ không làm những cái xấu có vẻ tốt lành.
Khi gặp đau đớn, bệnh tật và bất hạnh, chúng ta có nguy cơ đánh mất niềm tin và rơi vào tuyệt vọng, cũng như để sự tối tăm trò chuyện với tâm hồn mỏng giòn của mình. Đây là lúc chúng ta cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con đơn độc trước sức mạnh của cơn cám dỗ”. Thật thú vị khi thấy rằng chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cầu nguyện như thế này với đức tin và sự tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa cứu độ. Chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi chúng con nghiêng chiều về tội lỗi, xin cho chúng con hướng nhìn lên thiên đàng để chúng con không sa chước cám dỗ nhưng kiên vững tìm kiếm điều thiện”.