TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Thứ ba - 08/06/2021 04:13 | Tác giả bài viết: Nguyễn Vĩnh Căn |   1045
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Ngày nay, công nghệ thông tin bùng nổ phát triển rộng rãi khắp toàn cầu với hệ thống mạng Internet, đã cho phép con người xích lại gần gũi nhau hơn bao giờ hết, qua phương tiện: Mail, Chat, Web site, ĐTDĐ, Báo mạng xã hội…Và nhất là trang Facebook, cho phép mọi người từ xa lạ có thể kết nối qua lời chào mời kết bạn trên Facebook, hoặc lân la từ bạn người này, trở thành bạn của người kia một cách dễ dàng…

Trang Facebook cá nhân còn tạo điều kiện để mỗi người phô diễn những cái hay, cái lạ, cái đẹp, cái độc chiêu…và kể cả những cái xấu xa, cái khủng…lên mạng để mọi người cùng thưởng ngoạn và chia sẻ.
Từ đó, nẩy sinh ra văn hóa phê bình khen chê: chém gió vi vu, ném đá tả tơi trên mạng…
Ngày xưa, một lời khi nói ra, người ta đo đắn, suy đi nghĩ lại rồi mới phê bình góp ý. Chẳng thế mà người xưa đã khuyên: Trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần. Đúng là “ngôn xuất tứ mã nan truy” một lời nói ra, 4 ngựa không đuổi kịp.  Hoặc viết lách văn tự, người ta cẩn trọng để tránh khỏi “bút sa gà chết”.

Ngày nay, việc khen chê bát nháo lên: đẹp cũng có lắm người chê, mà xấu cũng không ít người khen…Khen chê vô tội vạ, vô trách nhiệm…Phát ngôn bừa bãi, nông nổi và thiếu suy nghĩ, được răng hay chớ! Thuật ngữ văn hóa mạng gọi là “ném đá”! Hay dở không cần biết, chỉ cần trái ý riêng mình là ném đá. Có những vụ ném đá quái ác, gây hậu quả khôn lường, khiến có người ức quá phải tự tử oan mạng!! Nhiều khi, chẳng có gì đáng khen cũng tâng bốc trên trời, ngược lại, có khi chẳng làm điều gì đáng tội cũng ném đá, dìm xuống vực sâu. Thôi thì dùng đủ chiêu trò, khi lăng xê, khi tạo hiện trường giả với scadal…cũng chỉ để làm nổi.

Chúng ta đang ở trong một thời đại “bội thực thông tin”, khiến cho chúng ta bị "loạn thông tin"…Không biết đâu là hư đâu là thực, cứ hư hư thực thực không biết đâu mà lần; Khiến cho người đọc bị hoang mang, choáng váng, như bị bước vào “mê hồn trận thông tin”.

Có lần, nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình Album vàng đã thẳng thắn chê giọng hát của người đẹp T.T.T.D “hát quá tệ”, đến nỗi người đẹp này phải bỏ nghề. Có người đồng tình, nhưng cũng có người phản đối vì cho rằng: lời nhận xét của nhạc sĩ Trần Tiến là quá “ác”.

Cách đây 2 năm, trên mạng xã hội dậy sóng lùm xùm về bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, “mổ xẻ” các nhân vật nổi tiếng đình đám nhất như: Thanh Lam, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà... ĐVH bị sốc và đã “phản pháo” lại nhạc sĩ NA9, với lời thư xúc phạm bậc trên, nên đã bị dư luận ném đá…Mà quả, ĐVH tức giận cũng phải, vì đường đường là “ông Hoàng nhạc Việt của giới showbiz”, lại sở hữu một số giải thưởng khổng lồ để chật nhà trưng bày, thế mà bị nhạc sĩ NA9 chê là “Tôi không cho là ca sĩ đúng nghĩa, chỉ là người hát…Ngày xưa ĐVH chỉ là ca sĩ hạng C chỉ để hát lót mà thôi…”. Phải chi ĐVH dằn lòng để soi xét lại chính mình, xem có đúng như lời nhận xét không?! Là bậc cha chú, nhưng phải chi nhạc sĩ NA9 khéo léo trong lời chê bai, thì người bị chê cũng đỡ bị xốc hơn. Cũng có người cho rằng: Nhạc sĩ NA9 không nên lấy khuôn thước âm nhạc của thế hệ ngày xưa để làm thước đo chê bai âm nhạc thời hiện đại, khập khiểng là khó tránh khỏi. Cũng bị chê như vậy, nhưng Mỹ Tâm khôn khéo hơn: “Là bậc cha chú, họ có quyền nói”.

Cùng là Giám khảo trong các chương trình thi âm nhạc: Giọng hát Việt, Sao mai điểm hẹn…Nhạc sĩ Tuấn Khanh thường chỉ đưa ra những lời khen với các thí sinh, nên nhiều người cho là xu nịnh, ba phải, dễ dãi…Nhưng Mỹ Linh, Thanh Lam, Huy Tuấn, Hồ Hoài Anh…lại luôn đưa ra những lời nhận xét chê bai thí sinh khắt khe đủ điều, dư luận lại cho rằng: vạch lá tìm sâu, nhỏ nhen…Thật không biết đâu là chuẩn mực cho việc bình phẩm khen chê đây!??

Cho nên văn hóa phê bình không phải là chuyện đơn giản để tùy tiện khen chê. Có ý kiến đưa ra mực thước: “Khen không chỉ cho thấy tài năng người được khen mà còn cho thấy bản lĩnh, nhân cách của người khen. Chê phải để cho người bị chê tâm phục khẩu phục và hàm ơn là bậc thầy. Chê không đúng, chê sai là tự mình tạo ra kẻ thù và sự xem thường. Khen không đúng, khen bừa là tự mình hạ nhân cách mình”.
Cái khuyết điểm của người phê phán thường ra vẻ ta đây, ra kẻ bậc trên, ra kẻ giỏi giang, ra kẻ quyền thế…nên thường bị dị ứng.

        Vậy, ai là người có thẩm quyền phê bình khen chê đây?
Muốn bình phẩm khen chê người khác, thường phải dựa trên 3 yếu tố:
        - Người có thẩm quyền: ví như cha mẹ có quyền khen chê con cái của mình, kể cả sửa phạt, dĩ nhiên là trong phạm vi luân lý đạo đức trong gia đình. Thủ Tướng, Thủ trưởng, Giám đốc công ty…có quyền khen chê người cấp dưới mình, ban thưởng khi có công, xử phạt khi có tội…
Đấng Bản Quyền tôn giáo có thể chỉ bảo, sửa sai cho bậc dưới: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân sai phạm giáo luật…Ví như Chúa Giêsu đã thẳng thắn vạch mặt bọn Biệt Phái, Pharisiêu…là kẻ đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa, là cái mã tô vôi…Vì Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng Tối Cao so với bọn Biệt phái, Kinh sư…Cũng vậy, khi bọn Biệt phái đưa một người đàn bà hư hỏng đến để xin Chúa ném đá. Chúa bảo, ai không có tội thì hãy ném đá…Sau khi suy nghĩ, nhóm người đó đã bỏ đi. Với người tội lỗi, Chúa Giêsu không hề trách móc, buộc tội, mà lấy lòng xót thương để cải hóa người đàn bà đó.

        - Người có kiến thức chuyên môn sâu rộng: muốn phê phán khen chê một người nào về một lãnh vực nào đó, thì người phê bình phải được trang bị chuyên môn một cách uyên bác sâu rộng, để khi khen chê có chứng cớ, “nói có sách, mách có chứng”, như các nhà phê bình: văn học, nghệ thuật, âm nhạc…

        - Người có cái tâm xây dựng: Dù là người thường, không có thẩm quyền hay chuyên môn giỏi giang thì cũng có thể góp ý khen chê nhau được, nhưng phải với cái tâm thành ý để xây dựng, và phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

        Tựu trung, dù ở vai vế nào: có thẩm quyền hay có kiến thức chuyên môn sâu rộng, thì cũng phải lấy sự bình phẩm khen chê dựa vào cái tâm chân chính là muốn góp ý xây dựng và có ý tốt cho người khác, chứ không phải là ta đây lên mặt dạy đời…

- "KHEN" là tán thưởng, cổ súy cái đẹp, cái đúng, cái điều hay, cái lẽ phải…Nhưng khi khen, phải biết tiết chế có chừng mực, vừa đủ, tránh lời nói nịnh bợ, tâng bốc…Người nhận lời khen cũng phải tỏ ra biết dè dặt, khiếm tốn…tránh bị bốc thơm rồi lên mặt tự cao tự đại.

- “CHÊ”, là phê phán, chỉ ra những: sai trái, cái chưa tốt, cái yếu kém, cái tiêu cực, cái khuyết điểm của một người, hay một sự việc…cốt để sửa sai, làm cho tốt lên. Người chê phải có “cái dũng” để dám nói lên sự trung thực, mà không hề né tránh. Người bị chê cũng phải có “cái bản lĩnh”, cái điềm tĩnh để dằn lòng mà xem xét lại cái mình bị người chê. Có phương ngôn mách bảo chúng ta: “Điềm tĩnh trước khen chê là thái độ của người hiền trí sáng suốt”.

Thực ra, trên cõi đời này “nhân vô thập toàn”, chẳng ai có thể đầy đủ được. Đến như những bậc hiền triết, vĩ nhân, thánh nhân…cũng không tránh khỏi sự bình phẩm khen chê của loài người. Ngay cả triết gia Socrates cũng đã bị phê phán án nặng nề, đến nỗi bị xử tử bằng ép uống thuốc độc. Nhà Thiên văn học Galilê suýt bị tôn giáo cho lên giàn hỏa, vì dám nói trái đất hình tròn và xoay quanh mặt trời. Martin Luther King bị ám sát vì dám đòi hỏi bình quyền dân chủ. Mahatma Gandhi chết thảm vì công khai tranh đấu bất bạo động. Chúa Giêsu xuống thế cứu chuộc nhân loại mà còn phải chịu đóng đanh trên thập giá nữa là…
Người phê bình và người bị phê bình, cả hai phải nhận thức được thước đo chuẩn mực mà Tuân Tử đã đưa ra: "Người khen đúng là bạn ta, người chê đúng là thầy ta".

Xem ra, việc phê bình khen chê cũng lắm nhiêu khê. Nhưng tựu trung, muốn làm người phê phán khen chê, phải là người có cái tâm, vừa phải thấu đáo vấn đề, vừa phải có tâm lý, để “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều này, quả là không đơn giản một chút nào!!

Nguyễn Vĩnh Căn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây