TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nguồn mạch sự sống từ cạnh sườn được mở ra trong hiến lễ tình yêu

Thứ ba - 13/06/2023 09:33 |   482
Nguồn mạch sự sống bắt nguồn từ cạnh sườn được mở ra trong hiến lễ tình yêu
Nguồn mạch sự sống từ cạnh sườn được mở ra trong hiến lễ tình yêu

 

 
  •  
    •  

NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG
BẮT NGUỒN TỪ CẠNH SƯỜN ĐƯỢC MỞ RA
TRONG HIẾN LỄ TÌNH YÊU

Joseph Ratzinger
(Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI)


WHĐ (12.06.2023) - Phúc âm thánh Gioan đã đóng khung việc trình bày về cuộc thương khó của Đức Kitô với hai hình ảnh nổi bật, trong hai hình ảnh đó thánh sử đã làm đậm nét của từng hình ảnh liên quan đến cuộc sống và sự đau khổ của Chúa Giêsu nhằm chú giải nguồn gốc của đời sống Kitô hữu, nguồn gốc và ý nghĩa của các bí tích. Lịch sử cuộc thương khó bắt đầu từ tường thuật việc rửa chân; kết thúc là việc kể lại trang trọng việc khai mở cạnh sườn Chúa Giêsu (Ga 19,30-37). Gioan đã cẩn thận ghi chú ngày giờ chết của Chúa Giêsu. Theo Phúc âm của thánh Gioan thì Chúa Giêsu chết vào cái giờ mà ngay lúc đó trong đền thờ con chiên dành cho lễ vượt qua cũng bị giết. Bởi đó qua cái chết hữu hình đó Đức Giêsu được gọi là con chiên vượt qua đích thật, sẽ không còn con chiên vượt qua nào nữa, vì chiên vượt qua đích thật đã đến. Đối với cạnh sườn được mở ra của Chúa Giêsu thánh Gioan đã ứng dụng lời trong lịch sử tạo dựng qua tường thuật về việc tạo thành Eva, mà chúng ta thường nói tới là từ “xương sườn” của Adam. Gioan đã trình bày cách rõ ràng rằng, Chúa Giêsu là Adam mới - Đấng gục đầu xuống tắt thở, và chính trong giây phút đó một nhân loại mới được khai mở. Từ cạnh sườn của Đấng đã hiến tế vì yêu đã khai mở một nguồn suối sự sống, nguồn suối đã làm cho toàn thể lịch sử được phong phú. Từ hy tế của Đức Kitô trên thập giá tuôn chảy máu và nước, Thánh thể và phép Rửa như suối nguồn của một cộng đoàn mới.

1/ Cạnh sườn được khai mở là chốn khởi nguồn, từ đó Giáo hội được khai sinh, từ đó các bí tích, phương thế xây dựng Giáo hội được hình thành.

Bởi vậy chúng ta nhìn thấy trong hình ảnh mà tác giả Phúc âm vẽ ra, như là điểm suy tư đầu tiên để chúng ta nỗ lực khám phá ý nghĩa của nó. Việc thiết lập bí tích Thánh thể không chỉ diễn ra trong bữa tiệc ly. Vì những lời Đức Giêsu nói là lời đón nhận trước về cái chết của Người, là lời biến đổi cái chết thành biến cố của tình yêu, biến đổi điều vô nghĩa thành cái tràn đầy ý nghĩa - Đấng tự khai mở cho chúng ta. Thế nhưng Lời chỉ có thể mang một tầm vóc quan trọng, một sức sáng tạo trong mọi thời đại, khi Lời không chỉ là những lời nói đơn thuần, nhưng Lời đó được ẩn dấu trong cái chết của Người. Hơn nữa nếu cái chết của Đức Kitô chỉ là cái chết bình thường như bao cái chết khác, thì lời của Người cũng chỉ là những lời tầm thường không có sức cứu độ, và như thế lời người không thể chứng minh là tình yêu của Người mạnh hơn sự chết, cái ý nghĩa mạnh mẽ hơn cái vô nghĩa. Nếu cái chết chỉ trống rỗng không có một ý nghĩa gì, thì Lời cũng vô nghĩa và chẳng là gì cả, và như vậy sự phục sinh sẽ không xảy ra. Quả thật chính trong biến cố sống lại đã chứng thực rằng, những lời này đã được nói ra bởi quyền năng của Thiên Chúa, và rằng tình yêu mạnh hơn sự chết hầu chứng thực rằng sự chết luôn bị chế ngự. Ba sự kiện này luôn thuộc vào nhau: Lời, sự chết và sự phục sinh. Sự hợp nhất bởi Lời, sự chết và sự sống lại đưa chúng ta vào mầu nhiệm của một Thiên Chúa Ba Ngôi, và sự hợp nhất này được truyền thống Kitô giáo gọi là “Mầu nhiệm vượt qua”, “Mầu nhiệm phục sinh”. Duy chỉ ba yếu tố này làm nên một tổng thể, và là hiện thực đích thật, tổng thể này, hiện thực này là “Mầu nhiệm phục sinh”, là khởi nguồn từ đó mầu nhiệm Thánh thể được phát sinh.

Bởi đó Thánh thể mang một chiều kích vượt ra ngoài một bữa tiệc; Thánh thể được trả giá bằng cái chết, và Đấng thánh cao cả chịu chết đó hiện diện đích thật trong Thánh thể. Khi chúng ta cử hành bí tích Thánh thể, chúng ta phải tỏ thái độ kính trọng trước mầu nhiệm này, phải kính sợ mầu nhiệm sự chết này, mầu nhiệm này phải hiện diện trong tâm điểm đời sống chúng ta. Dĩ nhiên cái chết đó đồng thời cũng bị tiêu diệt nhờ biến cố phục sinh và vì thế chúng ta có thể cử hành biến cố sự chết này như là lễ của sự sống, như là cuộc biến đổi thế giới. Trong mọi thời và nơi mọi dân tộc chính thánh lễ này cuối cùng con người nỗ lực xô ngã cách cửa của sự chết. Thánh lễ sẽ mang một ý nghĩa hời hợt, nông cạn, chỉ là một trò tiêu sầu giải trí, nếu bao lâu thánh lễ không đụng đến vấn nạn sau cùng của thân phận con người. Cái chết là vấn nạn của mọi vấn nạn và ở đâu cái chết bị loại ra không được quan tâm tới, ở đó không tìm được câu trả lời cho vấn nạn đó. Chỉ có ở đâu vấn nạn về sự chết được trả lời, thì ở đó con người mới có thể mở lễ hân hoan và có tự do. Chỉ có thánh lễ Kitô giáo, tức thánh lễ Thánh thể, đạt đến chiều kích sâu thẳm của sự chết. Thánh lễ không chỉ là một thái độ đạo đức hay chỉ là một sự giải trí tiêu sầu, hoặc như là đồ trang sức tôn giáo của thế giới; Thánh lễ đi đến căn nguyên thẳm sâu nhất được gọi là sự chết, để rồi tìm ra một con đường sự sống, con đường vượt thắng cái chết. Từ đó chúng ta muốn suy tư đến điều mà truyền thống tóm gọn trong câu: “Thánh thể là hy tế, hiện tại hóa hy tế thập giá của Đức Kitô Giêsu”.

Khi chúng ta nghe điều này, có thể có một sự phản kháng nổi lên trong chúng ta và sự phản kháng này xuất hiện trong mọi thời đại. Câu hỏi được đặt ra là: có không hình ảnh Thiên Chúa được trình bày một cách bất xứng hay ít nhất là ngây ngô, nơi mà hy tế được nói đến? Có chăng trong thánh lễ diễn tả chúng ta là con người lại có thể ban tặng một cái gì đó cho Thiên Chúa? Có chăng nảy sinh ra tư tưởng cho rằng: chúng ta có thể được gọi là người bạn ngang hàng với Thiên Chúa, cùng trao đổi qua lại với Người: chúng ta cho Người, và vì thế Người cho lại chúng ta? Chúng ta có nhận ra uy quyền toàn năng của Thiên Chúa - Đấng không cần đến bất cứ một quà tặng nào của chúng ta không - vì chính Người là Đấng ban phát mọi ân huệ? Ngoài ra cũng còn có những vấn nạn khác được đặt ra: Phải chăng tất cả chúng ta là người mắc nợ Thiên Chúa, vâng, không phải chỉ là mắc nợ nhưng còn là người có tội, vì chúng ta không chỉ là người mắc nợ Thiên Chúa về cuộc sống và sự hiện hữu của chúng ta mà thôi, nhưng chúng ta còn phạm tội chống lại Người? Chúng ta muốn đến với Người trong sự tinh tuyền như thế nào? Chúng ta không thể cho Người điều gì, tuy nhiên chúng ta cũng không thể đón nhận ân sủng với cách nghĩ đơn giản là: Người đối xử với lỗi tội như không có gì, Người không coi tội là quan trọng, và Người coi con người nhẹ như một trò chơi.

Nơi Thánh thể chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho tất cả vấn nạn này.

2/ Trước tiên Thánh thể nói cho chúng ta điều nàyThiên Chúa tự trao ban chính mình cho chúng ta, và nhờ đó chúng ta có thể trao tặng.

Sáng kiến về hiến tế của Đức Kitô Giêsu đến từ Thiên Chúa. Trước tiên, chính Người từ cao đi xuống: “Thiên Chúa yêu thương thế gian quá đỗi, đến nỗi Người đã trao ban Người con duy nhất của Người” (Ga 3,16). Đức Kitô Giêsu trước tiên không phải là một tặng phẩm mà chúng ta, con người trần thế dâng tiến Thiên Chúa để xoa dịu cơn thịnh nộ, nhưng Người chính là Đấng đang sống, đang chịu đau khổ và đang yêu, đó là tác phẩm của tình yêu Thiên Chúa. Người là Đấng đi xuống của một tình yêu đầy lòng thương xót, một tình yêu tự hạ để đến với chúng ta; Chúa vì chúng ta mà đã mang lấy thân phận nô lệ. Trong chính ý nghĩa này mà thơ thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô như là những lời gọi của ân sủng gửi đến chúng ta: “Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5,20). Dầu chúng ta đã gây gổ, tranh cãi vì nóng giận, dầu Thiên Chúa không bắt lỗi chúng ta, chúng ta cũng hãy đến với Thiên Chúa - Đấng luôn nhìn đến chúng ta để van nài sự giao hòa trong Đức Kitô Giêsu. Người sẽ hiện thực điều mà Đức Giêsu đã nói qua dụ ngôn về của lễ trong đền thờ: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trên bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23tt). Chính Thiên Chúa sẽ thực thi điều này với chúng ta trong Đức Kitô. Người đã đi ra khỏi đền thờ vinh quang của Người đến với chúng ta, những người con bất hoà của Người để giao hòa với chúng ta.

Hành động yêu thương đó đã được được bày tỏ ngay từ đầu của lịch sử đức tin. Abraham đã không hiến dâng của lễ do chính ông chuẩn bị, nhưng là con dê do chính Chúa ban tặng. Chính trong lễ hiến tế của Abraham đã mở ra một ánh nhìn xuyên suốt kéo dài hàng ngàn năm: Thiên Chúa đã ban tặng con dê vướng mắc trong bụi gai làm của lễ hiến tế, như là hình ảnh tiền trưng của chính con chiên Giêsu Kitô mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho con người. Thật vậy như con dê vướng mắc trong bụi gai, Đức Giêsu Kitô cũng đã đội trên đầu vòng gai tội lỗi của chúng ta, con chiên Giêsu Kitô đã đi vào trong bụi gai của lịch sử thế giới, để trao hiến cho chúng ta, hầu chúng ta có của lễ để trao ban…..

Abraham lên đường ngay cả khi ông chưa biết sự kiện con dê trong bụi gai, ông đã nói với Isaac với một con tim hoàn toàn tin tưởng phó thác: Deus providebit - Thiên Chúa sẽ lo liệu. Vì ông tin tưởng vào Thiên Chúa, cho nên ngay trong đêm tối của tình trạng vô tri nơi ông, ông cũng nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương; ngay chính nơi không thể thấu hiểu ông cũng đã có thể cậy dựa vào Thiên Chúa, và biết Thiên Chúa - Đấng hầu như thúc ép ông - là Đấng yêu thương đích thật. Trong những bước chân ông đi tâm hồn ông luôn hướng lên, ông bước đi dựa vào sự cậy trông phó thác và trong bóng đêm của một trí thức mù mờ về Thiên Chúa ông bước đi với sự mạo hiểm, và cuối cùng ông đã được đền bù, ông đã nhận được con dê để tế lễ, ông đã hiểu được Thiên Chúa, Đấng trao ban, nhờ đó chúng ta có thể trao tặng. Abraham nói với tất cả chúng ta điều này: nếu chúng ta chỉ chăm chú nhìn Chúa từ bên ngoài, nếu chúng ta chỉ cảm nhận được những hành vi phán quyết của Thiên Chúa từ bên ngoài và coi phán quyết đó như là một hành vi xét xử chúng ta, chắc chắn chúng ta chỉ nhìn Chúa như một bạo chúa coi thế giới như một trò chơi. Thế nhưng, nếu chúng ta càng đi với Người, càng tin tưởng vào Người trong bóng đêm vô tri, chúng ta càng nhận ra rằng, Thiên Chúa - Đấng hình như làm chúng ta khổ sở - chính là Đấng yêu thương đích thật, Đấng mà nhất thiết chúng ta phải cậy trông. Càng đi sâu vào bóng đêm vô tri và cậy trông vào Người, chúng ta càng tìm thấy Người, chúng ta sẽ tìm thấy tình yêu và tự do. Chính tình yêu và tự do đó đã luôn sát cánh bên ta trong đêm tối. Thiên Chúa ban tặng, để nhờ đó chúng ta có thể trao tặng. Đó chính là bản chất của hy tế Thánh thể, hy tế của Chúa Giêsu Kitô; trong Kinh nguyện Thánh thể Roma của thời gian trước kia đã trình bày: De tuis donis ad datis offerimus tibi - chúng con dâng cho Ngài từ tặng phẩm và quà tặng của Ngài.

Kế đến, chính là sự dâng tặng của chúng ta, đây là một thực tại hiển nhiên không là một hành vi ảo tưởng. Một câu hỏi được đặt ra là: chuyện đó xảy ra như thế nào, khi mà một mặt chúng ta chẳng có gì để trao ban, để dâng tặng cho Thiên Chúa, một đàng khác chúng ta không chỉ là những khách thể thụ động, chỉ nhận mà thôi, nhưng chúng ta còn phải là những chủ thể dâng hiến lễ vật lên Thiên Chúa? Để hiểu được vấn đề chúng ta phải đi ngược lại dòng lịch sử của dân tộc Israel, lịch sử của những con người đã biểu lộ đức tin trong gian truân thể hiện qua cuộc trao đổi diệu kỳ, đó chính la hy lễ. Hy lễ này chính là quà tặng của Thiên Chúa và hiến lễ của con người. Sự quyện lẫn của việc trao đổi hy lễ này được nhận thức cách sâu thẳm qua lòng đạo đức được bày tỏ trong Thánh vịnh và nơi các tiên tri, được diễn tả qua những lời thổ lộ tâm tình như: một tinh thần tan nát là của lễ đích thật dâng lên trước nhan Ngài. Ước gì lời cầu nguyện của chúng con như hương trầm bay tỏa trước thánh nhan. Ước gì lời cầu của chúng con trước thánh nhan có giá trị hơn ngàn vạn cừu dê béo tốt.

Dân Israel bắt đầu hiểu ra rằng của lễ đẹp lòng Thiên Chúa chính là con người đẹp lòng Người, và vì thế của lễ đích thật chính là lời cầu tán tạ không khen Thiên Chúa, chính trong lời tán dương cảm tạ đó chúng ta dâng lên Thiên Chúa chính con người của chúng ta như lễ vật và nhờ đó chúng ta canh tân chính mình và thế giới. Bởi đó hạt nhân của nghi lễ thờ phượng của dân Israel chính là nội dung mà tiếng La Tinh gọi là “memoriale” - “tưởng nhớ”. Tại buổi cử hành lễ Vượt qua, khi người ta ăn thịt chiên, người chủ gia đình sẽ kể lại biến cố Passa Haggada, tức là nhắc lại việc lạ lùng lớn lao mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc Israel. Nhờ đó mà biến cố lạ lùng này luôn được bảo tồn qua muôn thế hệ con cháu. Việc tưởng nhớ này không được kể lại như kể một câu chuyện lịch sử đã qua, nhưng qua đây người chủ gia đình cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa về sự hiện diện của Người - Đấng luôn đồng hành với chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử, Đấng luôn hiện diện và can thiệp và bênh vực chúng ta. Trong thời Chúa Giêsu, nhận thức này luôn nảy nở và đâm rễ sâu trong tâm khảm của dân Israel, việc cử hành lễ Vượt qua là tâm điểm của đời sống phụng vụ, mà của lễ dâng tiến Chúa là nội dung chính yếu của việc cử hành. Chính trong của lễ này lòng đạo đức của dân Israel gặp gỡ với lòng sùng mộ mới được nảy nở trong thế giới ngoại đạo, đối với thế giới này luôn nhận thức rằng: của lễ đích thật chính lời, hay hơn thế nữa chính là con người, vâng chính con người được thần linh hoá, được trở nên tinh tuyền và được gần với Thiên Chúa chính trong lời tán tạ ngợi khen Người.

Chúa Giêsu đã bện những lời của Người trong bữa tiệc ly lại với lễ Vượt qua, Người đã mặc cho những lời tạ ơn một nội dung mới, có sức phá đổ cánh cửa đóng kín; nội dung đó chính là tình yêu, một tình yêu mãnh liệt chiến thắng được sự chết. Kinh nguyện Thánh thể trong nghi lễ Rôma trình bày cách trực tiếp lời nguyện tạ ơn của dân Do Thái. Kinh nguyện này mô phỏng trực tiếp và kế tục lời tạ ơn tại bữa tiệc ly của Chúa Giêsu. Vì thế, lời nguyện tạ ơn trở thành tâm điểm của Thánh thể. Đức Kitô Giêsu chính là của lễ vì Người biến đổi cái chết thành của lễ qua lời - hay nói cách khác qua lời tạ ơn - và Người biến đổi thế giới. Cái chết của Người được hiện tại hóa, vì Người sống trong lời nguyện tạ ơn và lời nguyện này tiếp tục vang lên từ thế hệ này tới thế hệ khác. Cái chết của Người được chia sẻ, vì chúng ta hoà nhập vào trong lời kinh tạ ơn này để có thể cùng cầu nguyện. Và đây là của lễ mới, của lễ Người tặng ban cho chúng ta, chính trong của lễ này Người đón nhận tất cả chúng ta: vì Người đã biến cái chết thành lời tạ ơn và tình yêu, cho nên Người hiện diện qua mọi thời đại như là nguồn mạch của sự sống, trong việc cùng Người cầu nguyện chúng ta có thể hòa nhập trong Người. Có thể nói Người gom góp tất cả những đau khổ, tình yêu, niềm hy vọng và sự trông đợi của chúng ta trong lời nguyện tạ ơn này làm dòng sông lớn. Chính nơi trong dòng sông đó Người cùng sống với chúng ta, do đó chúng ta cũng được cùng Người trở thành của lễ dâng tiến Thiên Chúa. Đức Kitô không đứng biệt lập với chúng ta. Người như hạt lúa mì duy nhất bị mục nát, tuy nhiên Người không đứng lẻ loi một mình, nhưng trái lại chính trong sự phục sinh Người là bông lúa đính kết với cộng đoàn các thánh. Trong biến cố phục sinh, Đức Kitô không đứng một mình, nhưng Người đã mở ra cho chúng ta một huyền nhiệm như các thánh giáo phụ đã nói, “caput et corpus”: đầu và thân mình. Người đã làm cho lời Người nói được hiện thực: “Khi Thầy bị treo lên thập giá, Thầy sẽ lôi kéo tất cả lên cùng Thầy” (Ga 12,32).
Vì thế, chúng ta cần phải lo sợ, Luther đã chống lại hy tế tạ ơn của Công giáo, vì như thế làm giảm đi sự tôn kính Đức Kitô, “Thánh lễ hy tế” đã làm nảy sinh tư tưởng cho rằng, hiến lễ của Đức Kitô chưa đủ, và vì thế, chúng ta có thể và phải làm gì thêm vào. Ý kiến sai lầm đó hoàn toàn cho rằng Thánh lễ hy tế tạ ơn chẳng đem lại một ý nghĩa gì cả. Điều lớn lao của công trình Đức Kitô chỉ ra rằng: Người không là một nhân vật biệt lập đứng đối diện với chúng ta, một nhân vật thụ động; Người chịu đựng chúng ta không phải Người chỉ mang vác chúng ta, nhưng người đã trở nên giống chúng ta; Người thực sự đón nhận và sát cạnh bên chúng ta. Chúng ta hoạt động cùng với Người và bởi Người, chúng ta cùng hành động và cùng trở thành của lễ với Người, chúng ta cùng với Người trở thành nhân vật dự phần vào mầu nhiệm. Bởi đó cuộc sống và khổ đau, hy vọng và tình yêu của chúng ta trở thành hoa trái trong hiến lễ mới, hiền lễ mà người đã tặng ban cho chúng ta.

Tóm lại, Kinh nguyện Thánh thể như là kế tục của Passa Haggada (Lời tường thuật về biến cố vượt qua kèm theo tâm tình tạ ơn) chính là “Eucharistia” (có nghĩa là sự biến đổi hữu thể trong lời tạ ơn), tâm điểm của Thánh lễ. Phụng vụ gọi đó là “rationabile obsequium”, hiến lễ biểu lộ trong lời. Trước tiên phụng vụ nhấn mạnh đến những cuộc đấu tranh về tinh thần của các tiên tri, của những người công chính chịu đau khổ trong dân Israel. Phụng vụ biết rằng lời con người chỉ có thể trở thành sự thờ kính và của lễ đích thật khi lời đó được bao phủ bởi cuộc sống và nỗi khổ đau của Đấng chính là lời. Sự biến đổi cái chết trong tình yêu được hoàn thành trong lời nói quyền năng của Người, vì thế, lời con người tan chảy ra trong lời của tình yêu vĩnh cửu. Lời đó chính là Người Con - Đấng liên kết nên một với Cha trong tình yêu vĩnh hằng. Vì thế, lời này có thể phá đổ cánh cửa của sự chết để đi đến sự sống, đó cũng chính là những gì mà tình yêu con người ước mong. Bởi đó Kinh nguyện Thánh thể như “của lễ đích thật” là lời do bởi Lời; trong Lời, Đấng phát ngôn chính là Lời hằng sống. Qua đó, Người đặt lời đó trên môi miệng chúng ta, để chúng ta cùng được phát ngôn, Người đã làm chúng ta trở thành “đồng của lễ” với Người: Lời Người ở nơi lời chúng ta, của lễ Người nơi của lễ chúng ta.

Để hiểu rõ hơn chúng ta nhìn đến cấu trúc của Kinh nguyện Thánh thể. Chúng ta nhận thấy: Các Kinh tạ ơn mới phân chia cấu trúc theo Kinh nguyện Thánh thể truyền thống Rôma. Nếu chúng ta nhìn đến cấu trúc được gọi là Kinh nguyện Thánh thể Rôma, trước tiên, chúng ta chạm đến một cái gì diệu kỳ: Kinh nguyện đó hoàn toàn không chỉ nói về Thiên Chúa và Đức Kitô, về cái chết và sự phục sinh của Người. Kinh nguyện đó còn nói về con người, với các tên gọi: Xystus, Clemens, Cyprian; Kinh nguyện đó còn cho chúng ta tự do thêm tên các thánh vào, tên gọi của con người, những đấng mà chúng ta yêu thích và những đấng đã đi trước chúng ta để bước vào một thế giới khác. Những tên gọi của con người, những đấng mà chúng ta cảm ơn hay là những mẫu gương mà chúng ta muốn noi theo. Quả thật, Kinh nguyện Thánh thể đã nói đến toàn thể thụ tạo, vì ở câu kết đã nói: “nhờ Người Cha đã chúc phúc cho tất cả những của lễ tốt đẹp này”, điều này có ý nói đến tất cả, những gì chúng ta đón nhận từ nơi Thiên Chúa.

Con người hiện diện trong Kinh nguyện Thánh thể dựa vào một nguyên do căn bản duy nhất: chỉ có một Đức Kitô. Ở đâu Thánh thể được cử hành, ở đấy có sự hiện diện của toàn thể. Vì thế, cho dầu ở nơi ngôi làng hẻo lánh, nếu Thánh thể được cử hành, ở đó có sự hiện diện của toàn thể mầu nhiệm Giáo hội, trung tâm điểm của sự hiện đó chính là Chúa. Thế nhưng Đức Kitô toàn thể này chỉ có một, cho nên chúng ta chỉ có thể có Người cùng với toàn thể anh chị em khác. Chính Người hiện diện ở Roma, ở châu Âu, ở Mỹ châu, ở Úc châu, ở Phi châu, ở Á châu. Vì chỉ có một Đức Kitô, nên chúng ta cũng chỉ có thể đón nhận Người trong sự duy nhất tính của toàn thể. Ở đâu chúng ta chống lại sự duy nhất, ở đấy chúng ta không thể gặp được Người. Từ nguyên lý nền tảng này mỗi một lần cử hành Thánh thể đều mang lấy cấu trúc hiệp thông, sự hiệp thông không chỉ với Chúa nhưng còn với thụ tạo và với con người trong tất cả mọi nơi, mọi thời đại. Điều này cũng nói lên rằng, chúng ta sẽ không thể thông hiệp với Chúa, nếu chúng ta không thông hiệp với nhau, nếu chúng ta đến với Chúa, chúng ta cũng phải đến với nhau và cùng với nhau. Việc cử hành Thánh thể không chỉ là một sự gặp gỡ giữa trời và đất, nhưng con là một sự gặp gỡ của Giáo hội trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ở nơi đây và ở chỗ khác. Sự gặp gỡ này nhấn mạnh đến sự duy nhất hữu hình qua việc nhắc đến Giáo hoàng và giám mục giáo phận trong Kinh nguyện Tạ ơn, vì chúng ta chỉ cử hành một Thánh thể Giêsu Kitô duy nhất, chúng ta chỉ có thể đón nhận Thánh thể duy nhất đó trong một Giáo hội duy nhất.

Và cuối cùng tâm điểm của Kinh nguyện Thánh thể là lời tường thuật về bữa tiệc ly của Chúa Giêsu. Nếu Người được nói đến, thì đó không phải là lời kể của linh mục về lịch sử quá khứ của Người, không chỉ là một chuyện tưởng nhớ, nhưng đây còn là biến cố xảy ra trong giây phút hiện tại. “Đây là mình Thầy” lời nói được bộc phát ngay hôm nay, trong giây phút này. Và lời này đích thật là lời của Đức Kitô Giêsu. Con người không ai có thể nói về chính mình như vậy được, không ai có thể nói về chính mình như là thịt của Đức Kitô được. Lời nói: “Mình Thầy” chỉ có thể là lời do chính Đức Kitô. Nếu như con người cả dám nói nói về chính mình như là chính mình là Đức Kitô thì quả thật đó là tội phạm thánh lớn lao. Không ai có thể cho mình một quyền năng làm như thế, không một người nào, cũng không một cộng đoàn nào cho phép làm như thế. Năng quyền này chỉ có thể được trao ban qua Giáo hội toàn thể, chính Đức Kitô đã ủy thác cho Giáo hội năng quyền này. Do đó, thánh lễ không phải được cử hành nhân danh một cá nhân nào, nhưng nhân danh toàn thể Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời đại, bởi việc cử hành thánh lễ chỉ được ủy thác cho Giáo hội. Bí tích Thánh thể gắn chặt với bí tích Truyền chức thánh trong sự duy nhất của Giáo hội toàn thể. Trong sự duy nhất này mà chức linh mục được trao ban. Do đó, bí tích Thánh thể phải được cử hành trong sự suy tư thẳm sâu về mối tương quan này.

 
Trích Tài liệu Tĩnh tâm Linh Mục Giáo phận Phú Cường,
Tháng 6 Năm 2023

LM Antôn Hà Văn Minh

Chuyển ý từ tác phẩm: “Quelle des Lebens aus der in liebender Hingabe geoeffneten Seite des Herrn” của Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.



https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nguon-mach-su-song-bat-nguon-tu-canh-suon-duoc-mo-ra-trong-hien-le-tinh-yeu-51036
 Tags: Thánh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây